Tống Y
Tác giả: Mộc Dật
Chương 233: Gối như ý (1)
Nhóm dịch: Thiên Địa Môn
Nguồn: Sưu Tầm
Hoàng Hậu nương nương ngồi trên chiếc sạp mềm, nhưng phía trước vẫn có rèm che, đây là quy định nơi hậu cung, không ai được phép phá bỏ quy định đó cả.
Đỗ Văn Hạo hơi thầm thất vọng, đưa cái tráp ngọc cho cung nữ Tình Nhi cầm hộ, cung kính đi lên trước cúi người thi lễ: “Vi thần Đỗ Văn Hạo, tham kiến Hoàng Hậu nương nương.”
Xem ra tinh thần Hoàng Hậu hôm nay rất tốt, mỉm cười nói: “Cuối cùng thì ngươi cũng chịu đến thăm bổn cung rồi đấy.”
“Nương nương quá lời rồi, nghe cung nữ nói nương nương muốn triệu kiến vi thần, vì vẻ đẹp quốc sắc thiên hương của nương nương, cho dù vi thần không mang giầy đi chăng nữa, cũng lập tức chạy đến ngay bên nương nương với đôi chân trần này.”
Cũng do lần trước nịnh nọt quen rồi, nên lần này đứng trước mặt Hoàng Hậu, Đỗ Văn Hạo không ngớt lời nịnh bợ nàng.
Hoàng Hậu cười khanh khách, nói: “Nhà ngươi mồm mép cũng dẻo gớm, bây giờ cũng dám ăn nói lung tung trước mặt bổn cung rồi đấy hả?”
Đỗ Văn Hạo giật mình cái thót, đây là Hoàng Hậu, là vợ của Hoàng Thượng, đừng có đắc ý quá mà quên mất cái lễ phép quân thần, Hoàng Thượng mà biết được, thì chỉ có mà đem đến cái họa sát thân mà thôi, nghĩ vậy Đỗ Văn Hạo vội vã cúi mình đáp: “Đấy là do vi thần vui mừng quá độ, ăn nói lung tung, mong nương nương tha tội.”
“Vui mừng? Ngươi vui mừng cái gì chứ?” Hoàng Hậu hỏi.
Câu nói này, nghe như đang đùa giỡn vậy. Đỗ Văn Hạo chỉ muốn tát vào mặt mình một cái, hồi trước hắn đâu có thói quen nịnh bợ, mồm mép dẻo quẹo thế này đâu, sao cứ ở trước mặt Hoàng Hậu, hắn lại mồm mép thế không biết? Đúng là tuổi thọ cao rồi thì đều chán sống! Nên vội vã cúi người đáp: “Vi thần trông thấy nương nương tinh thần vui vẻ thoải mái, nên nghĩ thân thể nương nương đã khỏe mạnh, mới nghĩ phương thuốc thần kê cho nương nương uống có chút công hiệu, nên vi thần mới vui mừng đó ạ.”
Hoàng Hậu nở một nụ cười khoan khoái: “Ngươi đúng là tên mồm mép khéo léo, nhưng cũng đúng là nhờ bài thuốc của ngươi mà bệnh băng lậu hành hạ ta mấy năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, ươn ướt khó chịu, đến ngày hôm nay thì đã dứt hẳn rồi. Dùng bài thuốc gà mái hầm Tam Thất của nhà ngươi xong, thì cho đến đêm hôm qua, ta đã cảm thấy trong người sạch sẽ vô cùng, bổn cung cũng rất lấy làm vui mừng, thế nên hôm nay ta mới sai người đi tìm ngươi đến đây để ban thưởng cho ngươi. Nhưng cái bọn nô tỳ ăn hại này tìm ngươi nửa ngày trời mới tìm được, mà cũng không biết là do ngươi làm cao hay là bọn chúng vô dụng nữa.”
“Không không vi thần chỉ là một đại phu quèn sao dám làm cao trước mặt nương nương cơ chứ, chỉ vì vi thần vừa đến chỗ Hoàng Thái Hậu xem bệnh. Hai vị cung nữ cứ đứng chờ vi thần bên ngoài cung Bảo Từ của Hoàng Thái Hậu. Việc này của vi thần làm hại bọn họ bị nương nương trách tội, vi thần cảm thấy áy náy vô cùng.”
“Sao? Ngươi thấy bổn cung trách phạt bọn chúng, nên thấy đau lòng lắm phải không? Được! Nể mặt nhà ngươi, từ nay về sau bổn cung sẽ cố gắng không trừng phạt bọn chúng nữa.”
Tình Nhi và cung nữ nọ vội vã quỳ xuống dập đầu nói: “Đa tạ ân điển của nương nương.”
Hoàng Hậu hôm nay tâm tình rất thoải mái, còn đưa tay ra hất hất ra hiệu cho hai cung nữ đứng dậy, rồi liếc nhìn vào chiếc tráp ngọc, dò hỏi: “Ngươi đến chữa bệnh cho Hoàng Thái Hậu, được ban thưởng vật gì hay vậy? Đưa cho bổn cung xem một chút có được không?”
“Tuân chỉ!” Đỗ Văn Hạo vội lấy lại cái tráp ngọc trên tay của Tình Nhi đi đến trước cái rèm, cúi người cung kính: “Đây là tráp ngọc, vi thần vẫn chưa kịp xem xét kỹ xem nó là vật gì.”
“Quà của Hoàng Thái Hậu, nhất định là một vật quý hiếm, đưa đây cho ta xem cái nào!”
Một viên thái giám đứng cạnh Hoàng Hậu định đi đến đỡ lấy cái tráp ngọc trên tay của Đỗ Văn Hạo, thì bị Hoàng Hậu nương nương đứng dậy đạp cho một phát, làm cho tên thái giám lăn lộn trên sàn: “Bổn cung đã kêu ngươi đến chưa? Đúng là đồ có mắt như mù!”
Viên thái giám đó vội vã nằm phục xuống đất tạ tội, Hoàng Hậu hứ một tiếng rồi ngồi về cái sạp mềm, quay lại nhìn Đỗ Văn Hạo, khuôn mặt lạnh như băng của nàng lập tức quay ngoắt một trăm tám mươi độ, tươi như hoa mùa hạ, cười nói với hắn: “Ngươi đem nó lại đây, không cần câu nệ gì hết.”
Tình Nhi vội vã tiến lên vén màn hộ cho hắn.
“Tuân chỉ!” Đỗ Văn Hạo nói xong liền bước luôn vào trong, hắn không hề biết trong cung đình có những lễ nghĩa gì, nên hành lễ ra sao, hơn nữa hắn cũng là người đến từ tương lai, nơi mà trai gái rất dễ dãi với nhau, không bị trói buộc bởi những tư tưởng hủ tục của thời phong kiến, lại là một người trẻ tuổi không sợ trời đất gì cả! Nên cứ bưng cái tráp ngọc đi thằng đến trước mặt Hoàng Hậu. Cúi người đưa cái tráp ngọc dâng lên quá đỉnh đầu của mình.
Hoàng Hậu ngồi trên một chiếc bệ, vốn đã cao hơn hắn rất nhiều, nhưng hắn dâng cái tráp ngọc lên đến quá đầu mình, cũng vừa vặn đến ngay trước mặt của Hoàng Hậu. Hoàng Hậu dùng những ngon tay thon dài mỏng manh như khóm hoa lan, nhẹ nhàng ấn vào nút bấm trên tráp ngọc, chỉ nghe thấy tráp ngọc có tiếng kêu ken két nho nhỏ, rồi miệng tráp ngọc dần khẽ mở ra, từ khe hở trên miệng tráp ngọc, phát ra những tia sáng yếu ớt hắt vào khuôn mặt trắng như bông tuyết của Hoàng Hậu.
Hoàng Hậu hít một hơi thật sâu, có phần ghen tị cười cười nói: “Đúng là một món đồ hay. Hoàng Thái Hậu tặng ngươi một vật vô cùng quý hiếm, ngươi ở chỗ Hoàng Thái Hậu lại lập được công trạng gì rồi?”
Đỗ Văn Hạo cũng rất hiếu kỳ, nghiêng đầu ngó nhìn một cái. Thì thấy trong tráp có một vật hình chữ nhật nằm gọn trong đó!
Chiếc gối này được làm bởi những sợi vàng kết lại với nhau mà thành, trên mặt chiếc gối có những sợi chỉ vàng thêu hình một con rồng bay lượn và một con phượng vẫy cánh, bên cạnh rồng phượng còn có mây bay uốn lượn vào nhau, thần thái, màu sắc đều sống động vô cùng. Hai bên gối còn đính thêm vào rất nhiều chân chu mã não óng ánh, lung linh.
Hoàng Hậu nói: “Ngươi có biết chiếc gối này gọi là gì, lý lịch ra sao, giá trị như thế nào không?”
“Vi thần không biết.”
“Chiếc gối này có tên là Vân Long Tường Phụng Như Ý Chẩm! Tiên Đế và Hoàng Thái Hậu ân ái với nhau vô cùng. Tất cả tình yêu của Tiên Đế đều dành hết cho Hoàng Thái Hậu, cho đến khi Tiên Đế băng hà, thì vẫn chưa bao giờ sách phong cho bất kỳ Phi Tần nào khác. Chiếc gối như ý này là sau khi Tiên Đế kế ngôi, chiếu lệnh những người thợ tay nghề giỏi nhất thiên hạ, mất năm năm mới làm ra được nó, nhưng không ngờ khi chiếc gối này vừa làm xong, thì Tiên Đế băng hà. Hoàng Thái Hậu mỗi lần nhớ đến Tiên Đế, đều ôm lấy chiếc gối như ý này mà khóc.”
Hoàng Thái Hậu Cao Thị là con gái của người chị của Thái Hoàng Thái Hậu Tào Thị (Tào Thị là dì của Cao Thị), từ bé đã vào cung cùng Thái Hoàng Thái Hậu. Tống Nhân Tông không có con trai, liền mời người cháu là Triệu Thự (Tống Anh Tông) vào cung, sau đó lập làm thái tử, Tống Anh Tông mười sáu tuổi thì cưới Hoàng Thái Hậu Cao Thị làm vợ, sau khi Tống Nhân Tông băng hà, thì Tống Anh Tông lên nối ngôi, Cao Thị trở thành Hoàng Hậu, Tống Anh Tông tại vị được năm năm thì mất, thọ ba mươi lăm tuổi, cả đời không nạp một Phi Tần nào cả, cả đời ông chỉ yêu một mình Hoàng Thái Hậu, chuyện tình của hai người từ đó mà trở thành một giai thoại bất hủ.
Đỗ Văn Hạo vốn dốt lịch sử, dĩ nhiên không thể biết chuyện này, nhưng nghe Hoàng Hậu nói vậy, cũng bất giác mủi lòng đau xót.
Hoàng Hậu nói: “Vậy mà ngày nay, Hoàng Thái Hậu lại đem di vật của Tiên Đế tặng cho ngươi, nhất định là có dụng ý gì đó, nhưng đó là dụng ý gì cơ chứ?”
Đỗ Văn Hạo mỉm cười đáp: “Hoàng Hậu mắc bệnh đau bụng kinh hơn mười năm nay, vi thần dùng châm cứu giúp hoàng hậu giảm đau, chắc là vì thế nên Hoàng Thái Hậu ban thưởng cho vi thần đó.”
Hoàng Hậu kinh ngạc nói: “Ngươi nói cái gì cơ? Ngươi chữa khỏi được bệnh đau bụng kinh của Hoàng Thái Hậu sao? Thật không đấy?”
“Vi thần không dám nói chữa khỏi, chỉ là tạm thời giảm đau mà thôi, vi thần đang tìm một phương pháp để chữa trị tận gốc căn bệnh đó.”
“Cũng chẳng trách được, bệnh đau bụng kinh hành hạ Hoàng Thái Hậu hơn chục năm nay, mỗi lần đau là như xé ruột xé gan, ăn không ngon ngủ không yên, nhiều lần còn định chết đi cho xong chuyện, may mà được khuyên can kịp thời. Cũng chỉ vì căn bệnh quái ác này mà bao nhiêu đại phu của Thái Y Viện bị Hoàng Thượng khiển trách, trừng phạt. Vậy mà giờ đây ngươi giảm đau được cho Hoàng Thái Hậu, làm cho Hoàng Thái Hậu thoát khỏi những cơn đau quái ác hành hạ hơn mười năm nay, chả trách Hoàng Thái Hậu lại vui mừng như vây. Còn đem cả vật quý nhất của mình ra để ban tặng cho ngươi.” Nói đến đây Hoàng Hậu cau mày trầm ngâm, tự nói một mình: “Nhưng trong cái hoàng cung muốn gì cũng có này, thì tại sao Hoàng Thái Hậu lại đem tặng ngươi cái gối như ý di vật của Tiên Đế để lại cơ chứ?”
Đỗ Văn Hạo giật mình cái thót, Hoàng Thái Hậu tặng hắn cái gối, người ngoài nhìn vào ai cũng nghĩ hắn và Hoàng Thái Hậu có tình ý gì với nhau, lẽ nào Hoàng Thái Hậu tặng gối cho hắn là muốn ám chỉ điều gì ư? Cái ý nghĩ này vừa lóe lên, thì hắn lại thầm nghĩ: Nghĩ ngợi cái nỗi gì cơ chứ? Ngươi xem lại bộ dạng của mình đi, xem ngươi là hạng người gì, lại còn nghĩ ngợi bậy bạ nữa chứ!
Tống Y
Tác giả: Mộc Dật
Chương 233: Gối như ý (2)
Nguồn: ***********
Gởi bởi người có lòng!
Lông mày lá liễu của Hoàng Hậu nhướng lên, cười nói: “Bổn cung hiểu rồi, từ khi Hoàng Thái Hậu mắc phải chứng đau bụng kinh này, mỗi lần lên cơn là cả đêm ôm gối khóc lóc không ngủ được, còn bây giờ được ngươi giảm đau cho. Nên tặng ngươi chiếc gối như ý này, dụng ý là vì công lao của ngươi, Hoàng Thái Hậu không phải đêm nào cũng ôm gối mà khóc nữa, do vậy mới cố ý tặng ngươi chiếc gối như ý này, để luôn luôn nhắc nhở ngươi rằng, ngươi nên cố gắng hơn nữa để trị tận gốc căn bệnh này, để cho Hoàng Thái Hậu không còn phải đêm nào cũng ôm gối chịu đau, chịu khổ mà không được ngon giấc.”
Nghe xong lời giải thích như vậy của Hoàng Hậu, Đỗ Văn Hạo mới chợt hiểu ra vấn đề, tự cười thầm chế giễu bản thân nghĩ ngợi bậy bạ, linh tinh, bèn đáp lời Hoàng Hậu: “Vi thần nguyện hết sức mình, chữa tận gốc căn bệnh của Hoàng Thái Hậu, nhất quyết không làm phụ lòng ưu ái của Hoàng Thái Hậu.”
“Được như vậy thì tốt quá!” Hoàng Hậu gật gật đầu tán thành, cau mày đóng chiếc tráp ngọc lại: “Hoàng Thái Hậu ban tặng cho ngươi một vật quý giá như thế này, bổn cung cũng sẽ ban tặng cho ngươi một lễ vật, tuy không thể quý giá hơn của Hoàng Thái Hậu, nhưng cũng không thể là hạng tầm thường được, vậy thì tặng ngươi cái gì cho phải nhỉ?”
Đỗ Văn Hạo cúi người đáp: “Vi thần đa tạ ý tốt của nương nương, khám và chữa bệnh cho nương nương là trọng trách của vi thần, không dám mong đợi được ban tặng vật gì cả.”
Hai hàng mắt phượng của Hoàng Hậu chớp chớp: “Ngươi chữa khỏi cho bổn cung bệnh băng lậu, công lao đó không hề thua kém ngươi giảm đau cho Hoàng Thái Hậu chút nào, vậy nên ban thưởng cho ngươi là điều đương nhiên.”
“Vị thuốc đó của vi thần chỉ là cầm máu tạm thời, không thể nói là đã trị tận gốc được! Mong nương nương cho vi thần thêm mấy ngày nữa, dù cho vi thần phải nghĩ nát cả óc, cũng phải tìm cho ra phương thức trị liệu bệnh băng lậu một cách tốt nhất cho nương nương, khi đó lĩnh thưởng e vẫn chưa muộn.”
“Câu này ngươi nói không đúng, tuy rằng bây giờ ngươi chỉ tạm thời trị được bệnh của ta, nhưng bổn cung cũng vẫn tặng thưởng cho ngươi, về sau ngươi trị tận gốc bệnh này, ta còn thưởng ngươi nhiều hơn nữa. Nhưng, nếu ngươi chữa không khỏi, tuy là ta đã hứa không trị tội ngươi, nhưng những món quà ban thưởng cho ngươi ta sẽ thu lại hết, không những vậy còn phạt lấy bổng lộc của ngươi, đây gọi là có thưởng có phạt, sao, ngươi thấy công bằng chứ?”
Đỗ Văn Hạo cũng cười theo nói: “Rất công bằng, chủ ý của nương nương công bằng vô cùng, nếu không chữa khỏi bệnh cho nương nương, thần nguyện bị phạt lấy bổng lộc của mình.”
“Vậy thì tốt!” Hoàng Hậu đứng dậy nói: “Ngươi chờ ta một chút, bổn cung sẽ đích thân đi lấy bảo bối để ban tặng cho nhà ngươi.”
Đỗ Văn Hạo vội vàng nói: “Không cần đâu, thưa nương nương!”
Hoàng Hậu dường như không nghe thấy lời hắn nói, quay người đi vào trong nội đường. Đỗ Văn Hạo ôm tráp ngọc lui ra khỏi rèm. Hắn đưa tráp ngọc cho Tình Nhi cầm hộ, còn mình thì cúi đầu đứng đợi Hoàng Hậu ban tặng lễ vật.
Mỹ nữ Hoàng Hậu này sẽ tặng ta bảo bối gì đây nhỉ? Đỗ Văn Hạo thầm nghĩ trong lòng, chắc chắn lại là một vật quý giá, hiếm có nào đây. Nhưng phàm là những đồ được ban tặng trong hoàng cung, thì hắn mang về rồi cũng chỉ có nước đưa lên bàn mà thờ phụng chúng mà thôi, hoàng ân to lớn như vậy ai dám đem ra dùng lung tung, lại càng không được tặng hay bán cho người khác, hơn nữa cũng không được làm mất chúng, nếu không sẽ mắc vào tội bất kính. Thế nên, Hoàng Hậu ban tặng cho hắn món đồ gì, thì theo một khía cạnh nào đó mà nói, nó là một cục nợ đúng nghĩa.
Không lâu sau, Hoàng Hậu bước ra trên tay cầm một cái tráp hình chữ nhật, cái tráp này nhìn nhỏ hơn cái tráp của Hoàng Thái Hậu tặng hắn, nhưng dài hơn rất nhiều, bên ngoài còn nạm vàng khảm ngọc, cao quý vô cùng.
Hoàng Hậu vẫy tay ra hiệu cho Đỗ Văn Hạo đi vào trong rèm, đích thân đưa tráp trao vào tay hắn, nói: “Cái tráp này giờ đã thuộc về ngươi rồi, đem về nhà mà xem. Nhưng ngươi cũng nên nhớ chỉ được một mình ngươi xem thôi, không được cho ai xem! Và còn nữa, ngươi vẫn phải tận tâm chữa bệnh cho bổn cung, không được lơ là nghe rõ chưa! Thôi ngươi đi đi.”
“Đa tạ nương nương đã ban thưởng!” Đỗ Văn Hạo cúi rạp người sát đất để thi lễ, xong rồi mới dám đưa tay tiếp lấy cái tráp trên tay Hoàng Hậu, thầm nghĩ, đây là vật báu gì mà Hoàng Hậu không cho mình giở ra xem luôn tại đây nhỉ, đã thế lại chỉ cho một mình mình xem, rốt cuộc đây là báu vật gì không biết? Trong lòng hắn rất hiếu kỳ, hắn đưa tay đón lấy cái tráp rồi cứ thế lui ra đến cửa, sau đó đón lấy cái tráp ngọc mà Hoàng Thái Hậu ban tặng ở trên tay của Tình Nhi, cùng với Hạ Cửu Bà rời khỏi tẩm cung của Hoàng Hậu.
Hạ Cửu Bà mừng ra mặt, cười nói: “Chúc mừng Đỗ đại nhân, được cả Hoàng Hậu lẫn Hoàng Thái Hậu ban thưởng những vật quý báu như vậy.”
Đỗ Văn Hạo cười gượng đáp: “Được ban thưởng càng nhiều, thì trách nhiệm càng lớn! Bệnh tình của hai vị nương nương cũng chỉ dừng ở trong giai đoạn tạm thời trước mắt mà thôi, bao giờ chúng ta trị được tận gốc căn bệnh thì lúc đó mới yên tâm được.”
“Vâng đúng vậy! Người ta hay nói khi gấp quá thì đành chữa trị tạm thời, còn nếu về lâu về dài thì nên chữa tận gốc, đại nhân chỉ cần nhấc tay, nhấc chân một cái là bệnh của hai vị nương nương đã đỡ được đến tám chín phần, theo ý của tại hạ, việc đại nhân chữa tận gốc mấy căn bệnh này thì chỉ cần mấy ngày nữa là xong thôi.”
“Thôi đừng nịnh bợ ta nữa, ngươi nên suy nghĩ hộ ta xem nên chữa thế nào thì hợp lý hơn đấy.” Đỗ Văn Hạo trợn mắt nhìn Hạ Cửu Bà một cái, rồi ôm hai cái tráp, đi về Thái Y Viện.
Đỗ Văn Hạo về Thái Y Viện cất hai cái tráp xong đâu đấy, liền gọi Viện Sử Trịnh Cốc đến thương lượng, hai người sau khi bàn bạc xong, bèn quyết định mở một cuộc hội nghị Thái Y Viện để bàn cách chữa bệnh đau bụng kinh cho Hoàng Thái Hậu nương nương.
Ăn xong bữa trưa, Đỗ Văn Hạo lại như thường lệ đem hết những phương án chữa bệnh của các đại phu của Thái Y Viện đã từng xem bệnh cho Hoàng Thái Hậu ra nghiên cứu từng cái một, cũng giống như lần trước, hắn học được rất nhiều điều, nhưng vẫn chưa tìm ra được hướng đi mới trong cách điều trị.
Đến chiều, trong phòng hội nghị của Thái Y Viện, Viện Sử Trịnh Cốc, Phó Viện Phán Phó Hạc, cùng với Cửu Khoa Thái Y Thừa, tất cả đã có mặt đông đủ.
Đỗ Văn Hạo thuật lại tình hình chẩn đoán bệnh sáng nay của hắn cho mọi người nghe, tất cả các Thái Y nghe Hoàng Hậu sau khi ăn món gà mái hầm Tam Thất xong, thì chứng băng lậu ẩm ướt đã đỡ đi rất nhiều, nên vừa mừng vừa thẹn, bởi đây là chuyện mà các Thái Y trước đây chưa ai từng giải quyết được. Lại nghe, Đỗ Văn Hạo dùng thuật châm cứu giảm được cơn đau bụng kinh hành hạ Hoàng Thái Hậu hơn chục năm nay, lại càng kinh ngạc và mừng rỡ hơn, tất cả bọn họ đều chắp tay cung kính chúc mừng Đỗ Văn Hạo.
Đỗ Văn Hạo nói: “Châm cứu cũng chỉ là một biện pháp chữa trị tạm thời, còn muốn chữa tận gốc căn bệnh của Hoàng Thái Hậu, thì vẫn mong các vị đại nhân góp thêm những ý kiến quý báu cho tại hạ.”
Vừa nói đến những ý kiến cụ thể, thì mọi người đã câm như hến rồi, làm sao mà dám đưa ra những phương pháp trị liệu cho Hoàng Thái Hậu, bon họ cũng chả muốn chuốc lấy trò cười vào mình làm gì.
Thế nên Viện Sử Trịnh Cốc đành phải chỉ điểm từng người phải nói, người đầu tiên là Hạ Cửu Bà.
Hạ Cửu Bà cũng không khách khí gì hết, đứng lên nói luôn: “Ty chức là người đầu tiên đến chẩn đoán bệnh đau bụng kinh của Hoàng Thái Hậu. Khi đó, Tiên Đế mới băng hà, Hoàng Thái Hậu ngày đêm kêu khóc đến mấy tháng liền. Thế nên khí huyết nghịch mà hỗn loạn, sau đó ngưng tụ thành cục dẫn đến đau bụng kinh, khi bệnh mới phát tác cũng không có gì nghiêm trọng lắm, sau khi điều dưỡng cũng đỡ đi nhiều, nhưng do Hoàng Thái Hậu đau buồn quá độ, nên gan bị kết đọng, dẫn đến sơ gan, sau đó thì biến thành đau bụng kinh, tháng nào cũng vậy, đau đớn vô cùng. Dùng tất cả các phương pháp như châm cứu, xoa bóp, uống thuốc đều không có tác dụng.”
“Ừm, ngươi nói biện chứng của ngươi đi.”
“Khi mới phát bệnh, kỳ kinh của Hoàng Thái Hậu rất đều đặn, lượng cũng bình thường, nhưng máu có màu tím và đóng cục, mỗi lần ra đươc cục đó, thì nỗi đau mới giảm đi được một phần. Thường nhật, đau lưng nhức mỏi, ngực căng và nhức, chứng này là do khí huyết ngưng trệ, gan hoạt động bất thường, do kinh mạch tắc nghẽn mà ra. Phục chẩn thì lòng bàn tay nóng, là do huyết dịch bị tổn thương, lâu ngày mang bệnh mà ra; dịch tiết âm đạo đục nhờn và dính, màng lưỡi có màu tím, mạch đập yếu, là hiện tượng của khí trệ đàm huyết. Do vậy, ty chức cho rằng bệnh của Hoàng Thái Hậu là do khí huyết ngưng trệ mà ra.”
“Vậy phải trị bằng cách nào?”
“Nên làm mềm gan điều hòa khí tiết, làm tan ứ đọng. Ty chức dùng bài thuốc Cách Hạ Trục Ứ Thang. Dùng Tam Lăng, để hành khí phá tan ứ đọng, dùng Đào Nhân, Tô Mộc thông kinh giảm đau, Xuyên Đằng, Thố Hương Phụ, Xích Thược, Diên Hồ Sách, Tích Xác, Ô Dược để làm mềm gan điều hòa khí tiết; Đương Quý bổ máu, Cam Thảo dung hòa các thứ thuốc lại với nhau.”
Viện Sử Trịnh Cốc gật gật đầu: “Phương thuốc rất ổn định, không có vấn đề gì, sao lại không có hiệu quả nhỉ?”
Hạ Cửu Bà lộ vẻ hổ thẹn đáp: “Ty chức ngu dốt, không biết mình sai ở chỗ nào.”