Tập 8 Cung đàn sau cuối Lúc đó là 9 giờ tối ngày 2 tháng 8, cái tháng 8 khủng khiếp trong lịch sử thế giới. Có thể nói rằng cơn giận dữ của Thượng đế đang đè mạnh lên một thế giới suy đồi. Sự yên lặng nặng nề và sự hồi hộp ngóng trông đang trôi bồng bềnh trong không trung oi bức và im lìm. Mặt trời dã lặn, nhưng ở chân trời phía Tây kéo dài một màu đỏ giống một vết thương còn chảy máu. Bên trên, vô vàn ngôi sao đang rực sáng và bên dưới, đèn dầu của tàu bè nhấp nháy ở ngoài vịnh. Hai người Đức đứng dựa vào bao lơn bằng đá của sân thượng. Cái nhà thấp nằm thườn thượt sau lưng họ. Họ nhìn cái vòng cung to của bờ biển dưới chân đá bờ vôi kỳ vĩ, châu đầu trao đổi các câu chuyện bí mật. Đứng từ dưới nhìn lên, đầu đỏ rực của hai điếu xì gà giống như đôi mắt của quỷ dữ đang rập rình lúc đêm về.
Một con người siêu việt, có thể nói về Von Bork như vậy! Hắn là tay cao thủ nhất trong đám điệp viên của hoàng đế Đức quốc. Hắn được giao phó một số sứ mạng quan trọng ở Anh. Tài ba của hắn nổi bật trong tâm trí đám người quyền thế, nhất là người bạn đồng hành của hắn lúc đó, nam tước Von Herling, bí thư trưởng sứ quán. Chiếc xe Benz 100 mã lực của nam tước đang chễm chệ đậu trên đường chờ chở hắn về London. Viên bí thư nói: - Theo dự đoán của tôi, trong tình hình này, có lẽ ông nên quay về Berlin trong tuần này. Khi về tới đó, ông sẽ ngạc nhiên trước các cuộc đón tiếp, bởi vì tôi biết rõ cấp cao nhất đánh giá thế nào về công việc mà ông đã thực hiện được tại nước Anh. Nam tước là một người cao, to, nói năng chậm rãi, đầy tự tin, nên đã thành công lớn trong sự nghiệp chính trị. Von Bork cười vang: - Họ rất dễ gạt! Không thể kiếm đâu ra một dân tộc ngây ngô hơn dân tộc này. - Tôi không biết! - Gã kia đáp với vẻ vô tư - Họ có những cái giới hạn kỳ quặc mà ta không nên vượt qua. Cái ngây ngô bên ngoài của họ là một cái bẫy đối với người lạ đó. Cảm giác ban đầu là người Anh mề m như bún. Nhưng khi vấp phải một cái gì chắc như đá, ta phải biết ta đã chạm mức rồi. Thí dụ các quy ước về đảo quốc của họ, chúng ta không thể coi thường được. - Ông muốn nói đến cái “nghi thức” (good form) và những cái tạp nham cùng loại? - Von Bork hỏi rồi thở dài. - Tôi muốn nói đến cái định kiến của người Anh trong tất cả các cái thể hiện kỳ quặc của nó. Đây, tôi xin kể cho ông nghe một trong những sự ngộ nhận tai hại nhất của tôi. Ông đã thấy tôi thành công tới mức nào rồi. Tôi vừa nhậm chức thì liền được dự tiệc cuối tại một biệt thự đồng quê của một ông bộ trưởng. Mọi người không ai giữ miệng giữ mồm cả. Von Bork gật đầu: - Tôi có dự. - Đúng thế! Và đương nhiên tôi có gởi về Berlin một bản tóm lược tin tức đã thu nhặt được trong buổi tiệc đó. Khốn nạn cho tôi, ông thủ tướng của chúng ta lại chuyển qua một nhận xét cho biết rằng ông đã biết những gì đã được nói tại buổi chiêu đãi. Ai có thể mường tượng đầy đủ cái nỗi khổ mà tôi phải chịu do vụ này. Do đó tôi có thể cam đoan với ông rằng, người Anh không mềm đâu. Phải hai năm sau tôi mới quên được cái scandal này. Còn ông… nhà đóng kịch… - Không! Đừng gọi tôi là người đóng kịch. Đóng kịch dính liền với giả tạo. Ngược lại, tôi hoàn toàn tự nhiên. Tôi bẩm sinh là một vận động viên mà. Tôi thích thể thao. - Là một nhà thể thao, hiệu năng của ông tăng rõ ràng. Ông chơi du thuyền với họ. Ông đi săn với họ. Ông ngang tài với họ trong bất cứ môn nào, chơi bốn môn phối hợp, ông đoạt giải nhất. Tôi còn nghe ông chấp nhận đánh quyền Anh với các sĩ quan trẻ của họ. Kết quả là gì? Người ta phần nào coi nhẹ ông. Ông trở thành ông già nghiền thể thao: một người Đức uống rượu mạnh nguyên chất, đêm nào cũng đi nhảy, trác táng, trụy lạc. Cái biệt thự ở đồng quê của ông là một trung tâm phát sinh phân nửa tệ đoan cho nước Anh. Còn nhà thể thao là một tay điệp viên tài ba nhất. - Ngài nam tước ơi! Tôi tin chắc chắn rằng bốn năm làm việc tại Anh không thể là bốn năm vô ích. Tôi chưa cho ông xem cái kho của tôi. Vui lòng vào đây! Cửa lớn của phòng làm việc mở ngay ra sân chơi. Von Bork đẩy cửa bước vào trước, vặn đèn. Sau khi cái dáng vóc đồ sộ đi sau đã vào thì cửa đóng chặt, tấm màn dày trên cửa sổ có lưới được kéo kỹ. Sau khi các biện pháp an toàn đã được thực hiện và kiểm tra lại, hắn quay về phía khách: - Một số giấy tờ không còn tại đây. Hôm qua, vợ tôi và lũ gia nhân đã mang đi một số nào không quan trọng. Phần còn lại, tôi yêu cầu tòa đại sứ bảo vệ chúng. - Tên của ông đã nằm trong danh sách tùy tùng riêng của ngài đại sứ thì có khó khăn gì đối với ông và hành lý còn lại. Nhưng, có thể chúng ta khỏi phải đi. Anh quốc có thể bỏ mặc Pháp. Chúng ta chắc chắn giữa hai nước không có một hiệp ước ràng buộc nào? - Còn với Bỉ thì sao? - Đúng còn có nước Bỉ nữa! Von Bork lắc đầu. - Tôi tiên đoán Anh quốc không thể ngồi yên. Họ liên minh với Bỉ bằng một hiệp ước đàng ho ng. Cái nhục đó, họ không quên được đâu? - Ít ra, họ có hoà bình một thời gian. - Còn vấn đề danh dự? - Hừ, ông bạn thân mến, chúng ta hiện sống trong thời đại thực dụng. Danh dự là một quan niệm thời Trung cổ. Mặt khác, Anh quốc chưa sẵn sàng. Cái dự chi đến 50 triệu đủ để làm họ sáng mắt. Thỉnh thoảng có người tuyên bố sẽ lưu tâm giải quyết mối hiểm họa. Rải rác có những sự bực dọc và tuyên bố sẽ tìm cách xoa dịu nước Đức hiếu chiến. Nhưng ông có thể tin lời tôi rằng các điểm chính như tích trữ quân nhu, chuẩn bị đối phó với chiến tranh tàu ngầm, tổ chức làm chất nổ mạnh thì chưa rục rịch gì cả. Làm sao Anh quốc có thể can thiệp được khi chúng ta làm họ mất thì giờ vào vụ Ireland, vụ phụ nữ đòi quyền bầu cử và... một ngàn lẻ một chuyện khác. - Họ càng phải nghĩ tới tương lai nữa chứ? - À, đó là vấn đề khác rồi. Tôi đoán rằng ta đã có kế hoạch cụ thể về Anh quốc nên tin tức mà ông nắm được có tầm quan trọng sinh tử. Đối với nước Anh, thì hoặc là hôm nay, hoặc là ngày mai. Nếu họ thích hôm nay, chúng ta đã sẵn sàng. Nếu là ngày mai, chúng ta lại càng sẵn sàng hơn. Theo ý tôi thì đánh giặc mà có đồng minh thì hay hơn là đơn thương độc mã. Thôi đó là chuyện của họ. Tuần lễ này là tuần lễ quyết định. Anh có nói về mớ tài liệu… Trong góc phòng đầy kệ sách, một bức màn phủ kín. Von Bork vén lên, một tủ sắt to có đóng đai đồng lộ ra. Gã người Đức lấy một chìa khoá nhỏ khỏi dây đồng hồ, rọ rạy ổ khoá hồi lâu và cánh cửa nặng nề mở ra. - Hãy nhìn đây! - Hắn nói và lui lại một bước. Ánh đèn chiếu sáng bên trong và viên bí thư sứ quán nhìn đăm đăm các ngăn đầy ắp tài liệu. Mỗi ngăn đều có mang nhãn. Mắt ông ta chạy từ ngăn này qua ngăn khác. “Chỗ cạn lội qua được”, “Phòng vệ duyên hải”, “máy bay”, “Ireland”, “Ai Cập”, “Các đồn lũy Portsmouth”, “Eo biển Manche”, “Rosythe”. Mỗi ngăn đầy ắp bản đồ và tài liệu. - Vĩ đại! - Viên bí thư sứ quán thì thầm, ông ta để xì gà xuống, vỗ tay nhè nhẹ. - Chỉ trong bốn năm thôi, thưa nam tước, không tệ đối với một kẻ nhậu nhẹt, chơi bời, thể thao, phải không? Tuy nhiên cái quý nhất là bộ tài liệu sắp được mang đến, và chúng ta đã sẵn sàng để đón tiếp nó. Y chỉ tay vào một ngăn có ghi 5 chữ: “Truyền tin trong hải quân”. - Hình như ông đã có một hồ sơ về vấn đề này? - Đã lỗi thời rồi! Bộ tư lệnh Hải quân đã được báo động, chả biết do đâu mà họ đã đổi tất cả các mật mã. Cú nặng quá, thưa nam tước. Đó là thất bại tệ hại nhất của tôi từ trước tới nay! Tuy nhiên nhờ xấp chi phiếu và nhờ chàng Altamont gan dạ, mọi việc sẽ biến đổi ngay đêm nay. Nam tước nhìn đồng hồ đeo tay rồi thở ra thất vọng. - Nói thật là tôi không thể chờ lâu hơn được nữa. Tôi hy vọng đem cái tin vui ấy về. Cái gã Altamont không hẹn giờ chính xác sao? Von Bork đưa cho ông xem một điện tín. “Sẽ đến đúng hẹn tối nay và sẽ mang các bu-gi-lửa mới – Altamont”. - Bu-gi-lửa? - Gã đóng kịch làm chuyên viên về xe hơi; còn tôi là chủ ga ra. Theo mật mã của chúng tôi thì mỗi tin tức hắn mang lại đều được đặt tên theo các phụ tùng của xe hơi. Nếu hắn nói “radiator” thì hiểu là thiết giáp hạm, “bơm dầu” thì hiểu là tuần dương hạm; và bu-gi-lửa thì hiểu là các tín hiệu của hải quân. - Điện tín đánh đi từ Portsmouth lúc 12 giờ. - Viên bí thư xem xét điện tín rồi nói - Nhân tiện xin hỏi: ông cho hắn bao nhiêu? - Năm trăm bảng cho cái công tác đặc biệt này. Đương nhiên hắn còn có lương nữa. - Gã như là con hạm. Bọn phản quốc rất hữu ích nhưng tôi luôn chi trả cho chúng một cách miễn cưỡng. - Tôi thì luôn rất hào phóng với Altamont. Hắn làm việc rất đạt. Nếu tôi hậu hĩ, hắn sẽ giao hàng tốt. Mặt khác hắn đâu phải là kẻ phản quốc. Chúng ta ghét Anh quốc không thấm vào đâu so với mối thù của tên Mỹ gốc Ireland này. - Ủa, hắn gốc Ireland sao? - Cứ nghe hắn nói chuyện thì biết được nguyên quán của hắn. Đôi khi tôi cũng không hiểu hắn lắm. Hắn ghét tiếng Anh lẫn vua Anh. Ông nhất định ra về sao? Chờ thêm vài phút nữa thôi! - Rất tiếc, tôi đã nán lại quá lâu rồi, hẹn ông vào sáng sớm ngày mai. Lấy được bộ mật mã truyền tin của hải quân Anh, ông có thể đề chữ “kết thúc quang vinh” cho nhiệm kỳ phục vụ của ông tại đây. Sao? Đây là rượu Tokay à? Viên bí thư chỉ một chai đóng nút kỹ và đầy bụi đặt trên một cái mâm cùng với hai ly. - Xin mời ông nhâm nhi trước khi lên đường. - Không đâu, cám ơn nhiều! Liên hoan à? - Altamont rất sành rượu chát và hắn rất thích rượu Tokay. Thằng cha này khó tính, tôi phải điếu đóm nó kỹ lắm. Dày công lắm đó! Hai người đã ra tới sân. Cuối sân, tài xế của nam tước đã cho máy nổ. - Tôi đoán kia là đèn của Harwich, - viên bí thư vừa mặc áo mưa vừa nói. - Thật là im ắng! Có thể trước 8 giờ, tại đây sẽ có những đèn khác và bờ biển Anh quốc là một nơi kérn yên lành hơn. Bầu trời cũng sẽ không hoàn toàn thanh bình nếu các “Zeppelin” (kinh khí cầu của Đức) dũng cảm của ta không sai hẹn. Nè, ai ở đàng kia vậy? Đằng sau họ, một cửa sổ duy nhất còn thắp đèn. Bên cái đèn để trên bàn, một bà lão, khuôn mặt hồng hào đội mũ trùm, đang cặm cụi đan len. Thỉnh thoảng bà dừng tay để vuốt ve một con mèo đen to ngồi trên ghế đẩu gần kề. - Đó là Martha, người hầu độc nhất mà tôi còn giữ. Viên bí thư cười nhẹ. - Bà ta vô tư lự! Sung sướng thật! Thôi chào ông Von Bork.Vẫy tay từ giã, ông ta leo lên xe và sau đó hai đèn trước của xe chiếu sáng trong đêm khuya. Ông ta ngả lưng dựa vào các gối ở băng sau của một chiếc xe hơi lộng lẫy và tâm trí mê mải tưởng tượng đến cái thảm kịch gần kề tại châu Âu, không để ý chiếc Ford con mà ông gặp trong làng. Von Bork từ từ về văn phòng. Đi ngang qua sân, hắn thầy bà lão đã tắt đèn đi ngủ. Không khí lúc này mới lạ đối với hắn. Ngôi nhà bao la này chưa bao giờ im ắng và tối đen như thế này. Hắn luôn sống cùn g gia đình với một đoàn gia nhân rình rang. Nhưng hắn cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi nghĩ rằng họ đều ở nơi an toàn, ngoại trừ người lão bộc. Hắn bắt đầu đốt sạch một mớ tài liệu cho tới khi gương mặt thanh tú ửng đỏ. Rồi hắn lấy một va-li da, xếp vào đó mớ tài liệu quý giá trong tủ sắt. Khi hắn vừa bắt đầu thì có tiếng xe dừng trước nhà. Hắn không nén được một tiếng la vì khoái trá, gài va-li lại, khoá tủ sắt rồi hối hả chạy ra sân. Hắn tới nơi đúng vào lúc một chiếc xe con dừng lại trước cổng sắt. Một người đàn ông bước xuống nhanh chân tiến về phía hắn. Trong xe chỉ còn người tài xế to con, râu kẽm, đang chờ. - Sao? - Von Bork nóng lòng hỏi. Thay vì trả lời, người khách chỉ hãnh diện huơ huơ một gói nhỏ bọc giấy nâu. - Tối nay, ông có thể hồ hởi bắt tay tôi. Này, tôi mang cái bánh cho ông. - Các tín hiệu? - Như đã nói trong bức điện, tất cả các cách truyền tin: semaphore, mật mã đèn, mã Marconi... Bản sao! Không phải bản chính! Nguy hiểm lắm! Nhưng hạng tốt, hàng đúng qui cách ông cứ tin vào tôi. Người mới tới vỗ thật mạnh vào vai gã Đức với một sự thân thiện thô lỗ khiến gã này nhăn nhó. - Mời vào! Tôi ở nhà chỉ có một mình, chỉ còn chờ anh. Đương nhiên chỉ nên lấy bản sao! Nếu một bản chính mà thiếu thì toàn bộ sẽ như không. Nhưng anh có chắc đúng là chính hiệu hay không? Người Mỹ gốc Ireland đã bước vào văn phòng và thả mình, sải tay, sải chân trên ghế bành: con người gầy, khoảng 60 tuổi, mặt xương và râu dê ngắn. Có thể lầm là bức kí hoạ chú Sam. Ở một bên mép ngậm một điếu xì gà tắt nửa chừng. Ngồi xuống xong tay này quẹt một que diêm để mồi lại. - Một sự di chuyển nhỏ đang được chuẩn bị chăng? - Người Mỹ nhìn quanh vừa suy nghĩ vừa nói - Nè , ông… - Mắt ông ta rơi vào cái tủ sắt mà bức màn không che kín. - Tất cả tài liệu đều cất vào đây à? - Đương nhiên! - Kềnh càng kệch cỡm vậy à? Ông lại được liệt vào hạng gián điệp tầm cỡ sao? Ồ! Bất cứ một tên trộm Mẽo tầm thường cũng mở được với đồ khui hộp. Nếu tôi biết trước rằng thư từ tôi viết đều bị tống vào chỗ quái quỷ này, tôi đã không dại mà viết một dòng! - Dù có tài ba cách mấy, không một thằng ăn trộm nào mở được tủ sắt này - Von Bork đáp. - Không một dụng cụ nào làm suy suyển loại kim khí này ư? Có ổ khoá không? - Khoá đôi! Anh có hiểu tôi muốn nói gì không? - Cho tôi biết một chút! - Người Hoa Kỳ mỉm cười, nói. - Muốn mở tủ, phải biết một chữ và một con số… - Á, à! Tuyệt vời! - Đâu chỉ có đơn giản như vậy. Tôi đặt thợ cách đây bốn năm. Anh có biết lúc đó tôi lựa chữ gì và số gì không? - Chịu thua! - Tôi đã chọn tháng “Tám” và “1914”. Đúng y chang như thực tế bây giờ! Khuôn mặt của người Mỹ gốc Ireland biểu lộ một sự ngạc nhiên, thán phục. - Tuyệt diệu, ông là một nhà tiên tri kỳ tài. - Tại nước tôi, ít người có khả năng tiên đoán cái ngày này? Tuy nhiên nó chình ình đây nè, ngày mai tôi đóng lại và chuồn êm. - Này, ông còn phải lo cho tôi nữa chứ. Tôi sẽ không lưu lại cái xứ sở chết toi này đâu. Theo tôi dự kiến, nước Anh sẽ nhảy dựng lên và phát điên trong vòng 8 ngày. Tôi thích đi qua bên kia biển Manche ngay từ bây giờ. - Nhưng mà anh là công dân Hoa Kỳ? - Đúng vậy, Jack James cũng là dân Mỹ nhưng vẫn bị bỏ tù. Không thể kêu gọi tình cảm của cảnh sát Anh với cái lý rằng mình là công dân Hoa Kỳ. “Ở đây, luật Anh chi phối”, tôi sẽ được trả lời như vậy. Nhân tiện nói luôn, hình như quý ông không làm gì để che chở cho các điệp viên của mấy ông? - Anh nói sao? - Von Bork hỏi lại một cách cáu kỉnh. - Quý ông là chủ nhân phải không nào? Quí ông phải thu xếp sao cho họ khỏi bị kẹt. Họ bị sụp và quí ông làm gì để kéo họ ra, như trường hợp của James? - Hoàn toàn do lỗi của hắn. Anh không rành hắn bằng tôi đâu. - Jack James có cái đầu lợn, tôi đồng ý với ông Còn trường hợp Hollisi? Tội nghiệp! Những ngày chót nó có hơi điên. Làm sao không loạn trí khi phải đóng kịch từ sáng tới chiều với cả một trăm người sẵn sàng tố cáo nó với cảnh sát. Giờ đây còn có Steiner... Von Bork rùng mình tái mét: - Chuyện gì xảy ra với Steiner? - Bị thộp rồi! Cảnh sát lục soát kho của y đêm qua. Nếu may mắn thì thoát được án tử hình. Đó là lý do tại sao tôi muốn đào thoát qua lục địa cùng với ông. Von Bork là một người sắt đá, luôn tự chủ, nhưng cái tin này tác động mạnh đến hắn: - Làm sao chúng biết được sự thật về Steiner được? Quả là một vố nặng! - Rồi đây ông còn gặp một vố nặng hơn bội phần vì tôi linh cảm rằng chúng đang bám sát tôi. - Không thể thế được ? - Tôi tin chắc như thế! Bà chủ nhà trọ của tôi đã được cảnh sát viếng thăm. Họ hỏi thăm bà ấy về tôi. Tôi không còn đường nào khác hơn là chuồn càng sớm càng tốt. Nhưng tôi muốn biết tại sao cảnh sát hay biết Steiner là điệp viên thứ năm bị tóm kể từ khi tôi cộng tác với ông. Tôi biết ai sẽ là người thứ sáu, ông giải thích sự việc đó ra sao? Ông không hổ thẹn khi người của ông bị thộp cổ liên tiếp như vậy sao? Von Bork đỏ sẫm mặt. - Anh dám nói chuyện với tôi bằng cái giọng như vậy à? - Nếu tôi không nói thẳng, thưa ông, tôi sẽ không cộng tác với ông đâu. Tôi sẽ nói thẳng với ông những gì tôi nghĩ. Đối với các ông, những chính trị gia người Đức, thì khi điệp viên đã hoàn tất công tác, họ có vào nhà đá quý ông cũng không chút áy náy nào cả. Von Bork nhảy xổm lên. - Anh dám ngầm nói rằng tôi giao nộp điệp viên của tôi? - Tôi chưa nói tới đó, thưa ông! Nhưng có một thằng mách lẻo đâu đây, ông có trách nhiệm nhận dạng nó. Tôi chuẩn bị đi về nước Hà Lan bé nhỏ của tôi càng sớm càng tốt. Von Bork cố đè nén cơn giận, nói: - Chúng ta liên minh với nhau quá lâu. Giờ đây, lúc sắp chiến thắng thì lại tranh cãi? Anh đã hoàn thành một công tác tuyệt vời. Anh đã chịu nhiều rủi ro mà tôi không thể quên. Bằng mọi cách, hãy qua Hà Lan. Tại đó anh có thể đáp tàu thủy để đi New York. Trong vòng một tuần nữa, thì không còn tuyến đường nào an toàn cả. Giờ đây, tôi xin tiếp nhận cuốn sách và xếp vào hành lý. - Còn tiền? - Sao? - Phần thưởng 500 bảng Anh! Chàng pháo thủ này vô cùng ham ăn. Tôi phải cho y thêm 100 dollar phụ trội. Do đó tôi chỉ trao cái gói khi có thêm tiền. Von Bork cười một cách cay độc: - Hình như anh cho rằng tôi là người không có danh dự? Anh muốn lấy tiền trước khi trao sách? - Ông muốn sao bây giờ? Chúng ta “tiền trao cháo múc” mà? - Được thôi, tùy anh! Hắn ngồi vào bàn, viết một chi phiếu, xé nó khỏi tập, nhưng vẫn cầm trên tay: - Suy cho cùng, bởi vì chúng ta đã đi tới cái mức cạn tàu ráo máng nên tôi không thể tin anh, cũng như anh đã không tin tôi. - Hắn quay lại phía gã người Mỹ: - Chi phiếu ở trên bàn, tôi xin xem nội dung trong cái gói, trước khi ông cầm phiếu chi. Gã người Mỹ làm thinh, trao cái gói cho hắn. Von Bork tháo dây, gỡ hai lớp giấy gói, rồi trố mắt trước cuốn sách nhỏ màu xanh, bìa mang mấy chữ mạ vàng: “Sách dạy nuôi ong”. Tên trùm gián điệp không có thời gian để ngắm nghía lâu: một bàn tay sắt bóp cổ y và một miếng bọt biển thấm thuốc mê đập vào cái mặt đang nhăn thó của y. - Thêm một cốc nữa nhé, Watson? - Sherlock Holmes đưa chai Tokay lên mời. - Rượu ngon, Holmes à! - Ngon tuyệt! Ông bạn trên ghế dài kia cho biết nó được lấy ra từ hầm rượu riêng của hoàng đế Franz Josef. Vui lòng mở cửa sổ vì mùi thuốc mê làm rượu mất ngon. Cửa tủ sắt hé mở. Holmes rút ra tất cả các bộ hồ sơ, xem xét kỹ lưỡng rồi xếp chúng vào va-li của Von Bork. Gã người Đức vẫn nằm dài trên tràng kỷ, ngáy khò khò, tay chân đều bị trói. - Chúng ta không cần gấp gáp, Watson ạ! Không có ai quấy rầy ta cả. Anh muốn nhấn chuông? Đâu có ai khác trong nhà, ngoại trừ bà lão Martha, người đã đóng trọn vai trò của mình. Chính bà ta là mật báo viên cho tôi. À, bà Martha, bà sẽ sung sướng khi hay tin mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp! Bà lão xuất hiện tại ngưỡng cửa. Bà cúi mình và nhoẻn miệng cười, rồi quay về phía người đang nằm sóng soài trên tràng kỷ. - Ông ta khoẻ mà, chả đau ốm gì đâu! - Tôi cũng mừng cho ông ấy, ông Holmes à! Ông ấy là một ông chủ tốt bụng. Ông ấy muốn tôi đi theo vợ ông ấy qua Đức hôm qua. Nhưng điều đó sai với kế hoạch của ông. - Nếu bà đi, tôi sẽ không hài lòng tí nào! Bà lưu lại tôi mới an tâm, nhờ bà thông tin đó! - Viên bí thư sứ quán hôm nay có đến đây ông ạ. - Đúng, chúng tôi có gặp xe y. - Tôi những tưởng hắn sẽ ngồi hoài và ông sẽ vướng khi gặp y. - Không hề gì! Hai chúng tôi đã chờ suốt nửa giờ mới thấy đèn bà tắt và biết rằng đường xá đã thông thương. Bà có thể lên London thăm tôi tại khách sạn Claridge. - Tốt lắm, thưa ông. - Bà đã chuẩn bị đầy đủ? - Vâng, thưa ông! Von Bork đã bỏ bưu điện 7 lá thư. Như thường lệ, tôi có ghi các địa chỉ. - Tốt lắm! Mai tôi sẽ xét vấn đề đó. Chúc bà ngủ ngon! Sau khi bà lão đã đi khuất, Holmes nói tiếp: - Mớ tài liệu này không quan trọng lắm đâu. - Như vậy chúng vô dụng? - Tôi không nói thế! Tài liệu này sẽ cho ta biết người Đức biết được cái gì. Một số lớn tài liệu này có được là do bàn tay của tôi, toàn là tài liệu giả mạo. Tuổi già của tôi sẽ có niềm vui nho nhỏ nếu tôi thấy được một tuần dương hạm của Đức ngược dòng Solent dựa theo bản đồ mìn mà tôi cung cấp. Còn anh, Watson? - Holmes ngừng lại, nắm vai người bạn cố tri, nói: - Hồi nãy tôi làm lơ, để anh ở lại xe. Nhìn kỹ anh, tôi thấy qua năm tháng, anh vẫn khoẻ. Anh vẫn là cậu thanh niên luôn luôn vui tính mà tôi đã quen. - Tôi cảm thấy trẻ hơn 20 năm, Holmes à! Ít ra tôi cảm thấy sung sướng lúc nhận được điện tín của anh bảo đem xe hơi đợi anh tại Harwick. Về phần anh, anh cũng đâu có thay đổi gì nhiều, trừ cái râu dê gớm. - Đó là những sự hy sinh cho đất nước, bạn ơi. - Holmes đáp vừa vuốt chòm râu dê dưới cằm - Ngày mai thì con dê này chỉ còn là một kỷ niệm. Cắt tóc đàng hoàng, chăm sóc thẩm mỹ cái mặt và xuất hiện lại ở khách sạn Claridge. - Nhưng anh đã tự ý hưu trí rồi mà. Chúng tôi được tin anh đã sống đời ẩn dật bên bầy ong mật và sách vở tại một nông trại nhỏ thuộc South Downs mà. - Quả vậy! Đó là thành quả của cuộc đời bình lặng của tuổi vãn niên… - Holmes lấy cuốn sách trên bàn và đọc nguyên cái tựa: “Sách dạy nuôi ong với một vài quan sát về sự sẻ đàn của ong chúa”. - Đó là kết quả của nhiều đêm suy tư và nhiều ngày làm việc. Tôi đã theo dõi thế giới nhỏ của ong mật cũng như đã theo dõi thế giới lưu manh tại London. - Nhưng do đâu mà anh phải tái xuất giang hồ? - À, tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên. Tôi đã dễ dàng cưỡng lại các sự vận động của ông Bộ trưởng ngoại vụ. Nhưng khi Thủ tướng đích thân xuống tại ngôi nhà hèn mọn của tôi… Watson à! Anh chàng nằm trên tràng kỷ có phần cao tay hơn người của ta. Y thuộc loại thượng thặng. Tình hình rối beng và không ai biết tại sao. Ở phía ta, có điệp viên bị nghi ngờ, có điệp viên bị bắt, nhưng bí ẩn vẫn còn đó. Cần phải khẩn cấp phanh phui. Vì đất nước, tôi ra nhận công tác. Tôi tốn hai năm cố gắng nhưng đó là hai năm đầy thích thú. Tôi khởi sự bằng việc đi hành hương qua Chicago, gia nhập một hội kín Ireland. Nhờ đó tay chân của Von Bork để ý và đề bạt lên. Từ đó tôi được tin cậy. Và nhờ đó, phần lớn các kế hoạch của y bị phá vỡ và các điệp viên kỳ tài của y lần lượt sa lưới. Tôi canh chừng, Watson ạ, tôi chờ lúc trái chín... Này, ông ơi, tôi hy vọng rằng ông không thấy mệt lắm! Von Bork, sau cái ngáp, chớp mắt, có nghe câu chót của Holmes. Y tuôn một dây chửi thề bằng tiếng Đức. Trong lúc người tù chửi thề, Holmes tiếp tục khui các tài liệu… - Tuy không có nhiều nhạc tính, nhưng tiếng Đức là ngôn ngữ có khả năng thể hiện cao độ nhất. À, à! - Holmes tiếp tục nói trong lúc nhìn một bức vẽ - Đây là đầu mối để bắt thêm một con mồi khác! Tôi không ngờ rằng Ủy viên hải quân là thằng chó chết đó. Tuy nhiên y cũng có bị tôi rình rập từ lâu. Người tù ngồi dậy một cách khó khăn, rồi nhìn kẻ chiến thắng với một thái độ thù hận và kinh ngạc. - Anh sẽ biết tay tôi, Altamont. Sự nghiệp cả đời tôi! Anh sẽ biết tay tôi! - Cũng cái bài hát cũ rích, biết bao lần tôi đã nghe nó. Giáo sư Moriarty, đại tá Sebastian Moran… Thế mà tôi vẫn sống nhăn, vẫn lo cho con ong mật. Người tù vùng vẫy mưu thoát khỏi dây trói, nhìn Holmes với cặp mắt sát nhân và la lớn: - Đồ trời tru đất diệt! Đồ phản bội! - Không đúng đâu, tôi không tệ đến thế đâu! - Holmes cười và nói - Nếu ông có thể đoán ra tôi. Altamont nguyên quán Chicago không bao giờ có mặt trên đời này. Đó và tên giả của tôi. - Vậy ông là ai? - Tôi là ai, điều này đâu có gì quan trọng. Tuy nhiên vì ông muốn biết thì tôi phải cho ông biết. Đây không phải là lần đầu tôi gặp các thành viên của gia đình ông. Trước đây tôi có một số giao dịch làm ăn tại Đức và tên tôi có lẽ khá quen thuộc với ông. - Tôi rất muốn biết cái tên đó. - Chính tôi đã tiếp tay hoàn thành sự ly thân giữa Irène Adler và quốc vương Bohemia quá cố, khi hoàng đế Đức gửi người anh họ Heinrich của ông đến gặp tôi. Cũng chính tôi tránh cho anh cả của mẹ ông, bá tước Von und Zu Grafenstein khỏi bị mưu sát. Chính tôi là... Von Bork ngồi ngay dậy. - Người đó quả là độc nhất vô nhị trên đời này... - Xin cám ơn! - Holmes nghiêng người nói. Von Bork than thở, rồi nằm xuống ghế dài, nói tiếp. - Vậy mà phần lớn tin tức lại đến với tôi qua ông! Chúng có giá trị gì đâu? Tôi đã đóng góp được gì? Cuộc đời tôi bị tiêu tan một cách vĩnh viễn. Vì tuyệt vọng, Von Bork tự bóp cuống họng mình. - Ông Von Bork, suy cho cùng, ông đã làm hết mình cho đất nước ông; tôi đã hết mình cho đất nước tôi Còn gì hợp tự nhiên hơn! Ngoài ra... - Holmes để nhẹ tay mình lên vai con người ngã quỵ. - Ngoài ra dù sao cũng còn đỡ hơn là bị quật ngã bởi một đối thủ không tương xứng. Tài liệu hiện ở trong va-li, Watson à! Nếu có thể, anh giúp đưa người tù đi. Chúng ta về London ngay bây giờ. Mỗi người nắm một cánh tay, chúng tôi đưa Von Bork xuôi con đường trong vườn, con đường mà cách đó vài giờ hắn đã đi một cách rất tự hào. - Tôi hy vọng rằng ông đã được an vị đúng mức tiện nghi mà hoàn cảnh cho phép - Holmes nói, khi tất cả đã sẵn sàng chờ khởi hành - Tôi xin phép mồi một điếu xì gà đặt vào miệng ông? Tất cả nhưng cái xoa dịu này đều đụng phải cơn thịnh nộ của gã người Đức. - Ông Sherlock Holmes, nếu chính phủ ông bao che các hành vi của ông thì đó là một hành động chiến tranh! - Ông muốn nói sao về các hành vi của tôi và chính phủ Anh? - Ông là một thám tử tư. ông không có giấy phép bắt tôi. Cách làm việc của ông đều hoàn toàn bất hợp pháp và có tính lăng nhục. - Hoàn toàn bất hợp pháp ư? Bắt cóc một công dân Đức? Và tước đoạt giấy tờ cá nhân của ông ta? - Đúng thế, tôi thấy rằng hai ông đã nhận ra sự việc. Đi ngang qua làng tôi sẽ kêu... - Ông bạn thân mến! Nếu ông làm một điều ngu xuẩn như thế, có thể ông sẽ tăng số lượng bảng hiệu quán ăn trong làng. “Quán thằng Phổ bị treo cổ”. Người Anh chúng tôi thì kiên nhẫn lắm. Nhưng hiện nay có hơi nổi nóng đó, tốt hơn là đừng trêu chọc nó! Ông Von Bork, ông sẽ đi theo chúng tôi một cách êm thấm và nhẹ nhàng cho tới Scotland Yard. Ở đó ông có thể cùng với ông bạn nam tước Von Herling, rồi hai ngài xem xét lại coi hai ngài có tên trong đoàn tuỳ tùng riêng của đại sứ Đức không? Về phần anh Watson, London không quá xa đối với cái xe già cỗi của anh. Tôi có một chi phiếu 500 bảng Anh trong túi, tôi muốn lãnh càng sớm càng tốt, vì người viết phiếu hoàn toàn có quyền chống đối, nếu y được tự do đến ngân hàng!