Thầy Lang (Znachor) Chương 17

Chương 17
Lê-sếch đã không nhầm. Nửa mê nửa tỉnh rời khỏi nhà, quả thực dù chàng đã để những bức thư kia lại trên bàn làm việc, bên cạnh những phong bì chưa kịp đề địa chỉ.

Sau khi chàng đi, một cảnh hỗn loạn diễn ra ở Lu-đơ-vi-kốp. Vì quá xúc động, chính bà quản gia Mi-kha-lep-xka cũng bị lên cơ co giật, rồi sau đó, khi đã trở lại trạng thái phần nào thăng bằng, bà mới thuật lại quá trình cuộc trò chuyện với Lê-sếch, nhưng lại rắc rối đến nỗi phải mất khá nhiều thời gian người ta mới có thể xác định được có chuyện gì xảy ra và tại sao lại thế.

Việc xác định hiện tình là công của ông Trưn-xki, người mà lập tức được người ta phái gia nhân vào nhà máy báo tin. Ông không chỉ hạn chế trong việc khai thác bà Mi-kha-lep-xka. Qua gia nhân ông biết được rằng Lê-sếch cho gọi người làm vườn đến, còn qua người làm vườn ông được hay là ông ta nhận được lệnh cắt tất cả những đóa hoa đẹp nhất trong nhà ấm.



Dĩ nhiên, ông Trưn-xki cũng không bỏ qua chi tiết là bà quản gia đã gặp Lê-sếch đúng vào lúc chàng đang viết những bức thư nào đó. Bên cạnh đó, ông cũng khá thận trọng, để không cho ai vào phòng cậu con trai, mặc dù người nhà đã nhắc nhiều đến chuyện ấy. Chính vì thế ông có thể tập trung vào việc đọc kỹ các bức thư.

Việc tập trung tư tưởng vẫn không loại trừ chuyện hai tay ông Trưn-xki bắt đầu run rẩy cả lên khi đọc thư, mồ hôi hiện ra thành giọt trên trán. Nội dung thư, cộng với lời tường thuật của bà quản gia, không còn để lại một chút nghi ngờ nào nữa, mà có thể làm sáng tỏ một cách quá ư rõ rằng nguyên nhân sự lạnh nhạt dửng dưng của Lê-sếch cũng như sự ra đi đột ngột sau đó của chàng.

Vậy nên khi phu nhân Trưn-xka trở về, ông Xta-nhi-xoáp mời bà vào phòng làm việc, ông đã có thể mô tả ngắn gọn những sự kiện vừa xảy ra và trình bày tình hình hiện tại:

- Sáng nay, Lê-sếch cho gọi người làm vườn và bảo ông ta cắt gần như hết sạch hoa trong nhà ấm. Nó bảo tự tay nó sẽ mang đi, nhưng không nó rõ là đi đâu. Sau đó nó ngồi viết thư. Trước khi đưa những bức thư này cho mình đọc, E-lu thân yêu, tôi phải nói trước để mình yên tâm rằng thư không còn hợp với tình hình hiện tại nữa và nỗi nguy hiểm đã qua rồi.

- Nỗi nguy nào kia? - Phu nhân Trưn-xka hỏi cụ thể.

- Những ý định tự vẫn của Lê-sếch.

Phu nhân E-lê-ô-no-ra tái người đi.

- Đó là một điều vô nghĩa! - bà nhíu mày.

- Mình đọc đi! - Chồng bà đáp, đưa cho những trang chữ dày đặc.

Bà đọc nhanh, và chỉ có hơi thở trở nên gấp gáp của bà chứng tỏ rằng đối với bà quả là một thử thách lớn lao. Sau khi đọc xong, bà ngồi lặng đi, mắt nhắm nghiền. Mặt bà đột nhiên già hẳn lại.

- Con đâu rồi? - Bà khẽ hỏi.

- Mình hãy nghe tiếp đây. Những bức thư này nằm lại đây vì lẽ Mi-kha-lep-xka vào phòng. Lê-sếch hỏi bà ta xem cô gái kia được chôn cất tại nghĩa địa nào, cô gái mà nó đã viết một cách tuyệt vọng như thế trong những bức thư kia. Tất nhiên Mi-kha-lep-xka ngạc nhiên và giải thích cho nó rõ rằng cô gái vẫn còn sống. Cô ấy cũng nói với thằng bé có thể tìm cô gái ấy ở đâu. Chắc mình có thể tưởng tượng được cái tin tức kia gây cho con ấn tượng như thế nào. Nó bị một cơn choáng thần kinh hay một thứ gì đại loại như vậy. Sau đó, nửa tỉnh nửa mê, nó chạy ngay xuống tàu ngựa để thắng xe. Trước khi nó phóng xe đi, người ta kịp mang ra cho nó áo choàng lông và chiếc mũ. Nó đi về phía Ra-đô-li-xki, tất nhiên là nó đến chỗ cái cối xay bất hạnh nọ, nơi mà như mình biết, cô Ma-rư-sia kia đang ở.

- Thế mình có phải đi theo con không?

Ông Trưn-xki nhún vai.

- Chuyện đó là thừa. Vả chăng cũng còn tay xà ích đi cùng nó. Trong khi chờ mình về, tôi chưa quyết định điều gì. Song tôi đã cân nhắc tình thế và đi đến một vài kết luận. Nếu mình cho phép.

- Tôi nghe đây.

- Vậy thì trước hết chúng ta biết rằng những tình cảm của Lê-sếch đối với cô gái kia không phải là chuyện ưng ý thoáng qua, mà là một tình yêu sâu sắc.

Phu nhân Trưn-xka cắn môi.

- Vô lý!

- Về cá nhân, tôi hoàn toàn đồng ý với mình. Nhưng chúng ta cần phải lưu ý đến những sự kiện thực tế. Thực tế là nó yêu cô ta. Không một ai tự kết liễu đời mình vì tuyệt vọng bởi một kẻ chỉ vừa mới thoáng thích. Đó là một. Bây giờ, nó đã biết rằng cô ta còn sống. Nó bị một cơn chấn động đến mức khiến cả nhà phải hoảng hồn. Không có gì là lạ. Một người đã vài tháng nay ở trong trạng thái ngã lòng cùng cực, chỉ suy nghĩ tìm cách tự vẫn, đột nhiên tìm lại được tất cả những gì đã mất. Khi ấy, nó sẽ nhớ lại rằng, chính mình, người mẹ đẻ của nó, là người đã nói cho nó biết về cái chết của cô gái kia. Nó cũng sẽ hiểu rằng hai chúng ta không hề thông báo cho nó về việc cô ta khỏe lại. Mình hãy nghĩ kỹ mà xem, khi ấy nó sẽ nghĩ gì về chúng ta, nó phải nghĩ gì!

Phu nhân Trưn-xka thì thầm:

- Nhưng tôi có nói dối nó đâu. Dù sao đi nữa, tôi vẫn có cảm giác là mình nói thậ t.

- Nhưng khi mình hiểu rằng đó không phải là sự thật thì mình lại quyết định giấu nó điều đó.

- Không giấu. Đơn giản là tôi không hề nghĩ rằng việc đó có quan hệ gì với Lê-sếch để đến nỗi phải viết thư báo cho con.

Ông Trưn-xki đưa tay phác một cử chỉ không rõ ràng.

- Mình nhầm đấy, E-lu thân yêu. Khi ấy mình đã nói rõ với tôi rằng cần phải im lặng đối với Lê-sếch về chuyện Ma-rư-sia khỏe lại.

- Nhưng đó chính là vì cái tốt cho nó thôi.

- Đó là việc khác.

- Vì quyền lợi của nó mà thôi. Tôi muốn quét sạch bản tình ca này ra khỏi đầu óc nó.

Ông Trưn-xki sốt ruột nhúc nhích trên ghế.

- Đến lúc này mà mình còn có thể gọi đó là bản tình ca nữa à?... Đến lúc này, sau khi đã đọc bức thư của con?...

- Tôi hoàn toàn không hề nhấn mạnh từ đó.

- Hơn nữa, nó còn viết là đã đính hôn với cô gái, nó gọi cô ta là vợ chưa cưới của mình, nó khẳng định là nhẽ ra chẳng bao lâu nữa đã cử hành đám cưới của chúng nó.

- Tôi sẽ không bao giờ đồng ý chuyện đó, - phu nhân E-lê-ô-no-ra bùng ra. - Tôi sẽ không bao giờ chịu thốt ra lời cầu phúc!...

Ông Trưn-xki đứng dậy.

- Bây giờ, tôi cũng không rõ liệu nó, liệu con trai của chúng ta... có chịu nhận lời cầu phúc của chúng ta nữa hay không, dù cho chúng ta có van xin nó đi nữa! E-lu, thế mình vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra và sẽ có thể xảy ra hay sao? Thế mình vẫn không hiểu rằng suýt nữa chúng ta đã giết chết con đẻ của chúng ta hay sao?!... Rằng cầu Chúa để chúng ta không phải mất nó vĩnh viễn ngay cả bây giờ?!...

Ông hoàn toàn mất bình tĩnh. Ông ôm ghì lấy đầu, đi đi lại lại trong phòng, cứ lặp đi lặp đi mãi:

- Tôi biết nó lắm. Nó sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng ta chuyện đó! Tôi biết nó lắm. Nó sẽ không tha thứ đâu!

- Bình tĩnh lại nào, ông Xtas (46), - phu nhân Trưn-xka cất giọng hơi run run nói, - Tôi hiểu nỗi lo ngại của ông, thậm chí có thể tôi cũng chia sẻ niềm lo ấy. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi không hề có điều gì phải trách cứ bản thân mình cả. Tôi vẫn tiếp tục xem rằng bổn phận của cha mẹ là phải chăm lo cho tương lai của con.

- Nhưng nó đã ba mươi tuổi rồi!

- Chính thế! Lại càng phải lo lắng hơn, nếu mặc dù đã ba mươi tuổi nó vẫn muốn xếp đặt cuộc đời nó chẳng ra sao cả. Thật là yếu mềm và cơ hội khi từ bỏ nguyên tắc chỉ để thỏa mãn ý thích ích kỷ riêng tư muốn được sự hoan nghênh của đứa con trai, kẻ định sắp đặt tương lai của mình một cách ngu xuẩn.

- Nói cách khác, - ông Trưn-xki mỉm cười, mình thà chịu mất con chứ không từ bỏ quan điểm của riêng mình và hạnh phúc của nó.

- Tôi không nói thế.

- Thế mình nói thế nào?!

- Rằng tôi phải giữ vững nguyên tắc... nhưng.

- Nhưng sao?...

- Nhưng tôi không đủ sức, còn ở ông, tiếc thay tôi cũng không tìm thấy nó.

Phu nhân E-lê-ô-no-ra nặng nhọc cúi đầu.

- Vớ vẩn, mình thân yêu ạ, - chồng bà kêu lên đầy tin tưởng, - cứ cho là chúng mình đủ sức, chúng mình không từ bỏ nguyên tắc. Nhưng khi ấy cuộc đời chúng mình sẽ ra sao chứ?... Chúng mình sẽ đào một vực thẳm giữa chúng mình với con trai là mục đích duy nhất cho chúng mình tồn tại, đứa con trai là kết quả duy nhất của sự tồn tại ấy, là minh chứng duy nhất.

Ông đặt tay lên vai vợ.

- E-lu, mình hãy nói xem, chúng mình còn ai nữa?... Còn cái gì nữa?... Mình có hình dung nổi cuộc sống sau đó của chúng mình sẽ ra sao không?...

Phu nhân Trưn-xka gật đầu.

- Mình nói phải.

- Không nghi ngờ gì nữa rồi. Và hãy chú ý đến điều này nữa: chúng mình chưa hiểu cô gái ấy kia mà, sự ác cảm của chúng mình đối với cô ấy mới xuất phát từ địa vị xã hội thấp kém của cô ấy mà thôi. Chúng mình chưa hiểu một điều gì hết, ngoài chuyện cô ta là người bán hàng trong một cửa hiệu nhỏ, nhưng chúng mình còn biết thêm rằng: con trai chúng mình yêu cô gái ấy. Mình có nghĩ rằng nó có thể phải lòng một người thô tục, thiếu văn hóa, ngu ngốc, tóm lại: không có một ưu điểm nào cả, hay không? Mình không nhớ thử lại xem chính mình đã nhận thấy óc quan sát của con, những nhận xét xác đáng của nó về những người quen và mối quan hệ đầy ý thức phê phán đối với phụ nữ?... Tại sao khi chưa rõ một điều gì về cô gái được nó chọn lựa, chúng ta lại cứ nghĩ đến những điều tồi tệ nhất? Chúng ta cũng hoàn toàn có thể nghĩ rằng cô gái ấy là một hiện tượng siêu nhiên kia mà. Tôi tin chắc, mà mình biết đấy, tôi không phải là người thích ném lời cho gió - rằng phần lớn những điều nghi ngờ trước đây của chúng ta sẽ tan biến ngay từ thời điểm chúng ta được làm quen với cô gái ấy.

Phu nhân Trưn-xka ngồi im lặng, tựa đầu vào tay và có vẻ như đang nhìn xuống tấm thảm.

- Nếu như những điều chúng lo ngại tăng lên khi gặp cô ấy, thì xin mình cứ tin lời tôi, - ông Xta-nhi-xoáp nói tiếp, - với thời gian rồi Lê-sếch cũng sẽ nhận ra chúng, khi nó có dịp quan sát cô gái trên cái phòng của chúng ta, trong môi trường của chúng ta.

- Ông hiểu điều đó như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng chín chắn nhất là đón cái cô Ma-rư-sia ấy về với chúng ta.

- Với chúng ta?... Đến Lu-đơ-vi-kốp này ư?...

- Dĩ nhiên rồi. Tôi còn nói thêm rằng, chúng ta phải mau mau ngỏ lời mời ấy đi thôi.

- Tại sao?

- Bởi nếu chúng ta không chứng tỏ cho Lê-sếch thấy ý định tốt đẹp nhất của mình, nếu chỉ cần một phút nó nghĩ rằng chúng ta hành động có chủ định, và rằng chúng ta vẫn tiếp tục muốn tách nó khỏi Ma-rư-sia... Khi ấy sẽ quá muộn. Biết đâu nó đã chẳng đón cô gái khỏi cối xay và chở đến nhà một người bạn nào đó của nó rồi cũng nên?

- Vậy thì làm thế nào? - Hai tay phu nhân Trưn-xka xiết chặt lại.

- Phải nhanh chóng đến đó.

- Đến đâu?... Đến cối xay à?

- Đúng. Nếu như còn chưa quá muộn.

Phu nhân Trưn-xka nhanh nhẹn đứng lên.

- Vậy thì được rồi. Mình bảo tài xế đưa xe đến đi.

Ông ôm vợ vào lòng.

- Cảm ơn mình, E-lu. Chúng ta sẽ không phải hối tiếc vì điều đó đâu. Chúng ta già rồi, mình thân yêu ạ, càng ngày chúng ta càng cần nhiều sự ấm áp hơn.

Khi ông bước ra khỏi phòng, phu nhân Trưn-xka gạt nước mắt.

Mười phút sau, chiếc xe hòm kính màu đen to tướng rời tiền sảnh. Đắm chìm trong những suy tư của mình, ông bà Trưn -xki không hề nói lời nào, thậm chí quên không bảo tài xế mục tiêu của chuyến đi.

Nhưng tự khắc ông ta cũng vẫn hiểu rõ. Ở Lu-đơ-vi-kốp mọi người đều biết rõ ông bà chủ đi đâu và để làm gì. Bởi làm sao khác được? Có những qui luật điều khiển mọi trái tim theo cách giống nhau, chúng được tất cả mọi người cảm nhận và dễ hiểu đối với tất cả mọi người.
Chiếc xe dài nặng nề, bỏ đường cái lớn rẽ vào một con đường nhánh. Ở đây những chiếc xe trượt chở ngũ cốc đã khiến cho mặt đường mấp mô thành những ổ gà sâu hoắm, cần phải đi chậm và thận trọng hơn. Ánh sáng chói mắt của những ngọn đèn pha làm thành các luồng sáng xanh rọi từ gốc lên ngọn, làm hiện ra như trong một phép màu từ khoảng trống không hình thù khổng lồ của những cây tống quả sủ phủ đầy những nhũ băng tuyết bám, những chiếc chùy màu đen của cây thùy liễu tua tủa cành mảnh, và cuối cùng là những mái nhà nhọn hoắt của khu điền trang ông lão Prô-cốp với những vỏ băng treo trên những tầng mái.

Tuyết đã ngừng rơi và ngay từ ngoài xa người tài xế đã nhìn thấy chiếc xe trượt của Lu-đơ-vi-kốp đỗ trước cối xay.

- Ngựa của ta đang đứng trước cối xay, - bác nói, không ngoảnh đầu lại.

- Ơn Chúa rằng hai đứa vẫn còn ở đây, - cả hai vợ chồng ông Trưn-xki đều nghĩ bụng.

Ánh đèn pha gọi người xà ích bước ra khỏi nhà. Sau khi đã phủ chăn che cho ngựa, anh này đang sưởi ấm bên bếp lò lửa, cùng với cả ông lão Mien-nhich, người thấy có bổn phận phải thân ra đón ông bà Lu-đơ-vi-kốp.

- Con trai ông bà, thưa ông chủ, - ông nói, - đang ở trong nhà ngang, chỗ cô Ma-rư-sia. Ông bà cho phép, tôi xin đưa đường.

- Cảm ơn ông, ông Prô-cốp, - ông Trưn-xki đáp, rồi khoác tay phu nhân E-lê-ô-no-ra, ông thì thào:

- E-lu, mình hãy nhớ nhé, muốn thu phục được trái tim, phải phô cả trái tim mình ra đấy.

- Tôi hiểu, người bạn tốt của tôi ạ, bà xiết chặt cánh tay ông. - Ông đừng lo.

Bà đã tự chiến thắng mình, tận đáy sâu trong tâm hồn bà đã thừa nhận cái điều mà cách đây chưa lâu bà vẫn coi là một chuyện nhục nhã. Lần thứ hai trong đời, số phận đã buộc bà phải bước qua cái ngưỡng cửa ấy. Một vị thần định mệnh nào đó lại xoay bánh xe đời, nó dừng lại đúng vào một giây phút đầy đe dọa, giây phút của lo lắng và phấp phỏng, ngay trước túp nhà có những chiếc cửa sổ nhỏ vuông vức kia.

Nghe tiếng gõ cửa, Lê-sếch đáp lại bằng giọng mạnh mẽ và thậm chí có vẻ đầy thách thức:

- Xin mời vào.

Trước đây vài phút, ánh sáng ngọn đèn pha đã báo trước cho chàng biết là cha mẹ chàng đã tới. Chàng biết rõ rằng đó chính là họ. Nhưng chàng không rõ họ tới đây làm gì. Vì vậy, chàng vùng dậy đứng chắn trước mặt Ma-rư-sia, như muốn che chở cho nàng trước mối nguy hiểm đang đến. Mặt chàng dài thượt ra và hơi tái đi. Chàng nghiến chặt răng, bởi lẽ miệng chàng đang chứa đầy những lời nhọn sắc, dữ dội, tàn nhẫn. Và chàng chờ đợi.

Cửa mở ra. Họ bước vào.

Có thể chỉ độ chừng một giây thôi khi họ dường như đứng dừng trên ngưỡng cửa, nhưng cũng đủ cho chàng hiểu được. Trên nét mặt người cha là một nụ cười nhân hậu, nhẹ nhõm, còn mắt người mẹ, tuy đỏ hoe vì lệ, nhưng môi bà run run.

- Con trai tôi! - Bà thì thầm gần như không thành tiếng.

Chàng lao tới tay mẹ, và bắt đầu cuồng nhiệt hôn tay bà.

- Mẹ ơi! Mẹ ơi!...

Trong hai tiếng kêu bị nỗi xúc động làm nghẹn ấy bao hàm tất cả: cả nỗi đau, cả sự trách móc, cả niềm hi vọng, cả nỗi xót xa, cả lời cầu xin tha thứ, lẫn sự tha thứ, hòa vào nhau. Toàn bộ diễn biến, nỗi chịu đựng của hai con người, những dằn vặt đấu tranh nội tâm, sự lên án lẫn nhau và nỗi băn khoăn cháy bỏng, những quyết tâm khủng khiếp và nỗi cảm động âu yếm nhất cùng gói kín trong hai từ ấy: con ơi, mẹ ơi, những từ dùng để viết nên những hiệp ước bền chặt nhất, những liên minh bất khả xâm phạm nhất, những thỏa ước thiêng liêng nhất.

Họ lao vào vòng tay nhau không nói gì nữa, không ước mong gì nữa, ngoài một điều duy nhất: sao cho những gì vừa dậy lên trong lòng họ bởi cái chân lý sáng chói kia sẽ không bao giờ bị mờ đi một chút nào nữa hết.

Phu nhân Trưn-xka bình tĩnh lại trước và cất giọng đầy ấm áp:

- Lê-sếch con, hãy cho phép mẹ được làm quen với người vợ tương lai của con nào.

- Mẹ ơi! Mẹ hãy nhìn người thiếu nữ đáng yêu nhất trên đời này đi. Nàng chưa được hưởng tình yêu thương xứng đáng với những gì nàng được hưởng.

Ma-rư-sia đứng, mắt nhìn xuống, bối rối và rụt rè.

- Mẹ và cha con, - phu nhân E-lê-ô-no-ra nói, - sẽ tiếp thêm tình cảm của cha mẹ vào với tình cảm của con, và khi ấy chúng ta có thể cân bằng lại phần nào chăng.

Bà bước lại gần Ma-rư-sia, ôm lấy cô và hôn cô rất chân thành.

- Con thật xinh đẹp, con ta ạ, và ta tin rằng linh hồn trẻ trung của con cũng xinh đẹp không kém, ta hi vọng rằng hai ta sẽ thân thiết với nhau và con cũng sẽ không coi ta là đối thủ của con, mặc dù cả hai ta cùng yêu thương một chú bé.

Bà cười và vuốt ve đôi má ửng hồng của cô gái.

- Hãy nhìn mẹ đây, mẹ muốn được nhìn vào mắt con để xem có thật yêu nó không.

- Ôi, yêu lắm lắm thưa bà! - Ma-rư-sia khẽ nói.

- Đối với con, con thân yêu của ta, ta không phải là một bà nào hết. Ta muốn được là mẹ con.

Ma-rư-sia cúi xuống gắn môi nàng vào tay vị phu nhân cao sáng kia, người mà mới vừa đây đối với nàng vẫn còn là một bà chủ xa lạ, nghiệt ngã và không sao với tới, người mà bây giờ nàng đã có quyền gọi là mẹ.

- Hãy cho phép cả ta nữa, - ông Trưn-xki chìa cả hai tay cho Ma-rư-sia, - cũng được cảm ơn con vì niềm hạnh phúc của con trai chúng ta.

- Chính nhờ anh ấy mà con mới có được hạnh phúc đấy ạ! - Rốt cuộc Ma-rư-sia cũng hơi rụt rè mỉm cười.

- Cha mẹ hãy nhìn mà xem, nàng xinh đẹp tuyệt vời chưa này! - Lê-sếch kêu lên đầy phấn khích, từ nãy đến giờ chàng vẫn ngắm nhìn toàn bộ cảnh tượng này trong một nỗi bàng hoàng đầy sung sướng.

- Xin chúc mừng con! - Cha chàng vỗ vai chàng.

- Cũng đáng chúc mừng phải không ạ? - Lê-sếch kiêu hãnh hất đầu - Nhưng cha mẹ chưa hiểu hết nàng đâu. Khi nào cha mẹ đã hiểu được nàng như con, cha mẹ sẽ thấy rằng đó quả là một viên ngọc quí, rằng đó quả là một phép màu được hóa thân!

- Anh Lê-sku! - Ma-rư-sia bật cười. - Anh nói thế mà không xấu hổ à! Sau lời quảng cáo kia của anh, ông bà sẽ cố tìm trong em dù chỉ một chút gì đó để làm căn cứ cho nó. Và khi ấy sẽ buồn lòng biết bao, thất vọng biết bao, khi thấy rằng em chỉ là một thiếu nữ mộc mạc và hoàn toàn ngu dốt...

- Đức khiêm tốn của con, - phu nhân Trưn-xka xen ngang, - đã là một ưu điểm lớn.

– Đó không phải là khiêm tốn đâu, thưa bà, - Ma-rư-sia lắc đầu, - Xin chớ nghĩ rằng cháu không hiểu được cháu là ai và sẽ gặp khó khăn thế nào, cháu sẽ tốn bao sức lực, bao cố gắng để có thể vươn tới được gần tầm của anh Lê-sếch, của ông bà, của thế giới nhà ta, để trong thế giới ấy cháu không làm anh Lê-sếch phải xấu hổ vì sự thiếu học thức và không biết cách cư xử của cháu. Cháu xin thành khẩn thừa nhận rằng cháu sợ điều đó lắm, cháu không hiểu mình có làm được điều ấy không. Và nếu cháu dám làm điều đó, nếu như mặc dù thế cháu vẫn cương quyết dấn thân vào mọi điều... thử thách... phải nhịn nhục... thì chỉ vì cháu đã quá yêu anh ấy mất rồi.

Nàng nói nhanh, không nhìn họ, hơi thở gấp gáp của nàng chứng tỏ nàng đang thốt ra thành lời những suy nghĩ dằn vặt nàng nhiều nhất.

Lê-sếch đưa ánh mắt đắc thắng nhìn cha mẹ, dường như muốn nói:

- Các người thấy tôi chọn được một cô gái như thế nào chưa?!

- Và nếu hôm nay cháu thấy sung sướng và tự hào khi sắp được trở thành vợ anh ấy, - Ma-rư-sia tiếp tục, - thì không phải mỗi con gái nghèo bán quán đều mơ ước lấy được một người chồng giàu có và sang trọng đâu. Thực tình cháu rất mừng, vì mặc dù quen biết bao thiếu nữ xinh đẹp, tương xứng với anh ấy cả về tài sản, địa vị, anh ấy vẫn chọn cháu, một cô gái mồ côi không cần thiết cho ai, song cháu sung sướng và tự hào chính là vì người chồng ấy là anh, người cao quí nhất, tốt đẹp nhất mà cháu được biết đến.

Phu nhân Trưn-xka kéo nàng vào lòng.

- Chúng ta hiểu lòng con, con thân yêu ạ. Và chính vì thế chúng ta lại càng sẵn lòng cam đoan với con rằng chúng ta biết đánh giá đúng tính trung thực trong những ý định của con. Con cũng nên tin rằng con sẽ không những không gặp phải ở nhà chúng ta một điều phiền toái nào hết, mà con còn tìm được những trái tim rộng mở và một sự giúp đỡ chí tình ở tất cả mọi người. Con cũng đừng bao giờ nói con là đứa trẻ mồ côi nữa, vì kể từ ngày hôm nay con đã có cha mẹ, con thân yêu, và ngôi nhà mà kể từ đây sẽ là nhà của con.

Ma-rư-sia lại một lần nữa cúi xuống tay và để hôn và giấu đi những giọt lệ đang rưng rưng trong mắt nàng.

- Bà tốt quá, - nàng thì thầm. - Thậm chí, con không thể hình dung rằng bà lại tốt đến thế... thưa mẹ.

Mặc dù cũng xúc động không kém, ông ông Trưn-xki vẫn mỉm cười dưới hàng ria mép và hắng giọng:

- Nào, bây giờ, - ông nói, - một khi chúng ta đã nhắc đến sự tồn tại của ngôi nhà chúng ta, tôi nghĩ rằng, có lẽ tốt hơn hết là tất cả chúng ta đều quay về đó. Chúng ta hãy giúp Ma-rư-sia gói ghém các vị gia thần cùng tổ tiên rồi đưa cả về Lu-đơ-vi-kốp.

- Dĩ nhiên rồi! - Phu nhân E-lê-ô-no-ra tán đồng. - Không có lý do gì để con phải ở lại đ y nữa.

Ma-rư-sia lại đỏ mặt, còn Lê-sếch nói:

- Thưa mẹ, mẹ cũng thấy đấy... Con e rằng Ma-rư-sia của con sẽ thấy hơi khổ tâm. Ở Lu-đơ-vi-kốp hiện đang có bao nhiêu là khách, những người, hoàn toàn xa lạ đối với em...

- Thế con muốn để nó ở lại đây nữa sao? - Phu nhân Trưn-xka ngạc nhiên.

- Lạy Chúa che chở! Nhưng con có một ý hay. Con muốn cùng Ma-rư-sia đi Vin-nô.

- Ngay bây giờ?... Vào đúng dịp lễ tết?

- Đến ngày lễ hãy còn năm hôm nữa. Chúng con phải đến đấy vì hai lẽ: thứ nhất, chúng con còn mối hàm ơn với ông lang tốt bụng Kô-si-ba, người bị tống giam chỉ vì đã cứu mạng chúng con. Con muốn giao phó việc của ông ấy cho Va-xếch Ko-rơ-trưn-xki. Một luật sư như cậu ấy có thể làm được tất cả. Con sẽ không tài nào tha thứ cho bản thân mình về bất cứ lơ là nào với người mà con chịu ơn nhiều đến thế. Người đã chứng tỏ là vô cùng gắn bó với em Ma-rư-sia.

- Điều đó hoàn toàn đúng đắn, - phu nhân E-lê-ô-no-ra thừa nhận.

- Còn việc thứ hai là những bổ sung cần thiết cho trang phục của nữ hoàng của con. Thực tình con cũng không lưu tâm lắm đến chuyện đó, nhưng con muốn nàng không cảm thấy gò bó giữa đám khách khứa của Lu-đơ-vi-kốp. Vì thế, con hi vọng rằng, với sự giúp đỡ của chị Va-xkô-va, chúng con có thể giải quyết được chuyện đó một cách tùng tiệm.

Phu nhân Trưn-xka gật đầu.

- Trong việc này mẹ cũng thừa nhận là con có lý. Nhưng không hoàn hảo. Cụ thể là mẹ không thật tin tưởng vào gu của cô Ko-rơ Trưn-xka. Vì vậy đích thân mẹ sẽ cùng đi với các con để chăm lo việc đó.

- Mẹ! Mẹ quả là thiên thần! - Lê-sếch thốt lên.

Và quả thực chàng rất biết ơn mẹ vì cái quyết định ấy. Chàng muốn trước khi đến Lu-đơ-vi-kốp, Ma-rư-sia đã được gần gũi phần nào với gia đình chàng, để nàng có thể quen với hoàn cảnh mới. Vốn hiểu tài năng thực sự của mẹ trong việc giao tiếp với mọi người, chàng không chút nghi ngờ rằng dưới ảnh hưởng của bà, một thiếu nữ thông minh và nhạy cảm như Ma-rư-sia chỉ trong một thời gian ngắn có thể sẽ học được rất nhiều điều, và trước hết có thể thoải mái trong cư xử, điều bao giờ cũng khá khó khăn đối với mỗi người khi nhập vào môi trường mới.

Nửa giờ sau, ông bà Trưn-xki đi, vì lẽ phu nhân E-lê-ô-no-ra còn phải chuẩn bị đồ đạc đi đường, Lê-sếch và Ma-rư-sia ở lại và hai tiếng nữa họ mới phải lên đường để gặp lại mẹ ở ga. Lúc ấy, ông lão Prô-cốp xuất hiện trong nhà ngang, mời cả hai dùng bữa tối. Sự kiện của cậu chủ Lu-đơ-vi-kốp chọn một người vợ ngay dưới mái nhà ông, đối với ông - như lời ông nói - là một niềm vinh hạnh đáng phải khao. Vì vậy trên bàn ăn xuất hiện cả một chai rượu anh đào, và để chào mừng đôi uyên ương mới đính ước, ông chủ nhà đọc một bài diễn văn dài, chen lẫn rất nhiều những câu trích từ kinh thánh cùng những suy ngẫm triết lý của chính ông.

Thông thường, chuyến tàu đêm rất ít khách. Hôm ấy, vì là thời gian trước ngày lễ, trong phòng đợi nhà ga có nhiều khách buôn từ thị trấn lên Vin-nô để mua thêm hàng. Việc Lê-sếch và Ma-rư-sia xuất hiện với sự tùy tùng của phu nhân Trưn-xka gây nên một chấn động dễ hiểu. Ông trưởng ga nghĩ mình có bổn phận phải chào hỏi phu nhân Trưn-xka, rồi ông hỏi:

- Dịp lễ mà tôn phu nhân cũng bỏ quê hương ra đi chăng?

- Không. Vài hôm nữa chúng tôi sẽ về thôi, - phu nhân Trưn-xka đáp. - Tôi chỉ cùng con trai và con dâu tương lai đi mua sắm vài thứ lặt vặt thôi.

Trưởng ga kinh ngạc đến nỗi há hốc miệng. Lê-sếch mủm mỉm cười, hài lòng nghĩ bụng:

- Nào, ngày mai thì có chuyện cho họ bàn tán ở Ra-đô-li-xki lẫn khắp cả vùng nhé.


-----------------------------
(46) Chỉ ông Trưn-xki.

Nguồn: truyen8.mobi/t112298-thay-lang-znachor-chuong-17.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận