Thắm Sắc Hoa Đào Chương 3


Chương 3
Ngàn vạn hoa thơm trĩu nặng cành.

Năm bắt đầu “Cách mạng Văn hóa” Hiểu Thu mười ba tuổi, sắp học xong tiểu học, chuẩn bị thi lên trung học, bỗng nhà trường đóng cửa. Thoạt tiên là vui mừng vì không phải đi học, hơn thế, đường phố cũng ồn ào, có nhiều cái xem: báo chữ to, đả phá bốn cũ(1), tuần hành, biểu tình... Tiếp theo, tình hình trở nên xấu đi, vì có chuyện xảy ra với gia đình. Mẹ bị đoàn kịch kéo đến khám nhà, bị giam tại đoàn, không được về. Hai tháng đầu không được lĩnh lương, sau đấy chỉ được lĩnh sinh hoạt phí tính theo đầu người. Anh trai dán báo chữ to ở cửa nhà, gọi thẳng mẹ là gì gì đó, gán thêm những cái tên như “cặn bã xã hội, tàn dư phong kiến”, tuyên bố phân rõ ranh giới với mẹ. Sau đó anh khám lại nhà lần nữa, đem tất cả ảnh của mẹ, thậm chí cả ảnh cũ thời nhỏ của mình ra đốt, lấy quần áo mùa đông rồi bỏ đi. Đúng lúc ấy thì chị gái bị viêm gan, phải nằm bệnh viện. Năm ấy Hiểu Thu vừa mười ba tuổi. Đơn vị của mẹ không chịu chi trả một nửa bảo hiểm xã hội theo quy định. Vậy là, Hiểu Thu phải chạy vào đoàn kịch tìm mẹ. Có thể coi Thu lớn lên với đoàn kịch, mọi khi vẫn gọi những người trong đoàn là bác, là chú, cô, anh hoặc chị, nhưng lúc này tất cả đều xa lạ, chỉ vài người nhìn Thu, coi như không quen mà quay đi. Thu nói cần gặp mẹ, mọi người bảo không được. Thu ngồi ở phòng thường trực, ngồi cho đến khi hết giờ, hôm sau lại đến. Cứ vậy ngồi bốn năm hôm, cuối cùng có người ra nói chuyện. Người này Thu có quen biết, vừa tốt nghiệp ở trường ra, vốn dĩ không hay cười, lúc này mặt lại càng vênh lên, nói với giọng công vụ hách dịch. Kết quả của buổi nói chuyện là, không được gặp mẹ, mẹ đang khai báo vấn đề lịch sử, là con gái cũng cần có thái độ đúng mức với mẹ. Trước hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, người ta viết cho Thu tờ giấy chứng nhận, theo giấy này ra ngân hàng rút năm chục đồng trong sổ tiết kiệm của mẹ. Được tiền Thu mới chịu về. Trong nhà chỉ còn một mình, hiếm khi không bị ai sai bảo, từ nhỏ Thu đã quen với việc tự chăm sóc cho mình, sinh hoạt không có gì khó khăn, ngược lại một mình càng yên tĩnh và tự do. Thu đưa năm chục đồng ơn đức của đoàn kịch cho chị. Số tiền sinh hoạt phí đứng tên chị được chia đôi, một nửa mua phiếu ăn, một nửa làm tiền bồi dưỡng sức khỏe. Cái gọi là bồi dưỡng cũng chỉ nghe bà con hàng xóm nói, viêm gan phải ăn đường và thịt nạc. Thu rất có kế hoạch. Đường, mua đường tinh; thịt nạc, mua thịt bò khô và thịt lợn khô, cả hai thứ đều có tính chất ăn vui miệng, hợp với con gái hay ăn vặt. Mỗi tuần một lần, Thu đem những thứ đó vào khu cách ly của bệnh viện thăm chị. Người nhà đứng ở hành lang, gặp mặt người thân và trao quà qua ô cửa sổ. Chị rất hảo tâm, chia cho em một ít, hai chị em miệng nhai, mặt đối mặt một lúc rồi chia tay, một người về phòng bệnh, một người về nhà. Gia đình chẳng còn ai, chỉ còn lại hai chị em, dù sao cũng nảy sinh chút tình cảm thân thiết, hoạn nạn có nhau.

Một mình Hiểu Thu đi trên phố, lá đã rụng hết, trời đã cuối thu. Nắng thu vời vợi. Hiểu Thu mặc cái áo nhung kẻ ô, cũng là áo của chị bỏ đi. Thật ra, Thu đã cao và đầy đặn hơn chị, cho nên mặc cũng bị chật. Chân Thu đi giày vải đen đế nhựa, thỉnh thoảng lại giẫm lên lá, lá khô tan giòn dưới chân. Trong những ngày buồn thảm này, Thu vẫn tỏ ra tươi tắn, thậm chí vui vẻ. Bản thân cuộc sống tạo nên thế, thoáng vẻ cô đơn, không liên quan đến hoàn cảnh chung quanh, hoặc có liên quan, nhưng không trực tiếp. Sức sống khỏe mạnh biết lấy chất dinh dưỡng từ các loại hoàn cảnh môi trường khác nhau bồi bổ bản thân. Chút nắng chiều chênh chếch đổ bóng lên khuôn mặt Hiểu Thu, khiến Thu đẹp lạ kỳ. Bước vào tuổi thiếu nữ, do nội tiết hoạt động mạnh mẽ nên khuôn mặt Thu hiện lên sắc thái khác thường. Có lúc, nó như bao phủ bởi cát bụi, bất ngờ biến thành u ám. Da dẻ căng vỡ. Đường nét các giác quan vốn phức tạp, nay như rối rắm thêm. Đồng tử màu nâu bị bóng tối che khuất, ánh mắt trở nên yếu ớt. Vào lúc ấy giờ ấy, Hiểu Thu xấu đi, nom thô, khiến mọi người phải bàn tán. Bàn tán đầy ẩn ý, đại khái là, sắc mặt kia như đang ẩn chứa bệnh tật bí mật, lại thầm liên hệ đến phẩm hạnh. Mọi người mập mờ nói: khí sắc con gái tại sao lại thế nhỉ? Nói thực, khí sắc ấy đúng là giống với vẻ tiều tụy hám tình dục của đàn bà trưởng thành, nhưng chỉ giống bề ngoài, bên trong là sự vận động không cân bằng của chất kích thích trưởng thành. Các nhân tố tranh nhau tăng trưởng, thúc đẩy lẫn nhau, được điều chỉnh mạnh mẽ, một khi đạt đến độ hài hòa, vẻ mặt Hiểu Thu sẽ bừng lên rực rỡ. Vào thời điểm ấy, đúng là ai cũng phải nhìn Thu. Thu đẹp vượt khỏi phạm trù cái đẹp của một thiếu nữ, cũng không hoàn toàn là cái đẹp của người con gái đã chín. Có một thứ ánh sáng tỏa ra từ dưới mi mắt. Ánh sáng ấy làm cho đường nét của khuôn mặt, sống mũi, đôi mắt cùng làn môi thêm rạng ngời và hài hòa, nước da mịn màng, ánh mắt long lanh. Đường nét các giác quan thiếu nữ phần lớn không được như thế, có gì đó mờ nhạt, ở phụ nữ trưởng thành tuy rõ nét đấy, nhưng lại tròn trịa, chín muồi quá. Hiểu Thu thì xinh tươi và trẻ trung. Như vậy, chất hormone trong quá trình tìm kiếm ổn định, đảo lộn và cân bằng, cứ  chuyển động giữa đỉnh cao và đáy sâu, ảnh hưởng đến bề ngoài của Hiểu Thu, biến thành sự giao hòa giữa nắng và bụi. Tình huống ấy nhìn tổng thể kỳ thực rất đẹp, ẩn chứa cả bí mật của cuộc đời, có thể mở rộng khắp thế gian vạn vật từ non tơ đến nở rộ.

Bởi sức sống bên trong con người mạnh mẽ, cho nên Hiểu Thu chừng như không chú ý đến vẻ thê lương của thế giới bên ngoài. Thu vẫn lấp đầy được khoảng trống thời gian bỗng dôi dư. Tuổi của Thu không còn thích hợp với những trò chơi trong ngõ, nhưng cũng chưa thể gánh vác những sự vụ mưu sinh. Dù đang ở vào khoảng thời gian nhàn rỗi đến khó xử, nhưng Thu cũng không thương cảm, buồn rầu. Thu vẫn thường xuyên đến trường học, tuy nhà trường không còn dạy học nữa, song cô giáo vẫn đến, không phải quan hệ thầy trò như trước, cô nói chuyện gia đình, còn chỉ bảo Thu những điều thường thức trong cuộc sống. Ví dụ, mấy giờ đi chợ thì mua được cá chim, cá ngần, sữa đậu nành của hàng nào đặc ngon... Có cô giáo con nhỏ ốm, không đi nhà trẻ, phải đưa đến trường, Thu đưa cháu bé về nhà mình. Thu nấu cơm nát, trộn trứng, cho đứa bé ăn. Lạ miệng, đứa bé ăn thun thút, ăn ngon hơn ở nhà trẻ. Còn Thu, vì đưa con cô giáo về nhà, nên được hàng xóm quý mến, có người sang nhà thăm. Đến chiều, Thu lại đưa cháu bé về trả cho mẹ nó. Cũng có lúc Thu đến trường thể dục thể thao ngoài giờ dành cho thiếu nhi, ở đấy càng vắng vẻ. Tất nhiên các lớp huấn luyện không còn nữa, huấn luyện viên đều tập trung làm việc với cấp trên, chỉ còn lại bác thường trực trông coi trường lớp. Vì quen biết, Thu lại mau mồm mau miệng nên bác vẫn để cô vào. Đệm trong phòng tập đều cuộn cả lên xếp gọn vào chân tường, dụng cụ tập thì tháo cất đi, chỉ còn mấy vòng treo lủng lẳng. Cửa sổ đóng chặt, qua kính cửa sổ có thể nhìn thấy sân bóng rổ. Lâu lắm không rải cát mịn, mặt nền thô cứng, lỗi lõm, nhiều chỗ đọng nước mưa. Thu đu thử lên vòng treo, vòng treo han gỉ, kêu kèn kẹt, vì không có bột đá bôi trơn nên tay bị đau, lại đến làm mấy động tác ở xà đôi, trên xà là những dấu tay. Thu thấy bóng mình trong nắng, đẹp khác thường, nên dùng dằng một lúc. Có khi, những đứa trẻ trèo tường vào trong sân nhặt những trái bóng hỏng, ném bóng thình thình lên bảng bóng rổ. Bác thường trực phát hiện, chúng lại trèo tường, ngồi trên tường hát chòng ghẹo vài câu rồi mới nhảy xuống biến mất, tất cả lại yên tĩnh. Bóng Thu đổ dài trên sàn tập.

Thỉnh thoảng Thu gặp ở đây một vài người quen, đều là bạn học cùng trường thể dục thể thao, lớp bóng rổ hoặc lớp thể dục dụng cụ, lớp trên hoặc lớp dưới. Chúng đến xem cách mạng còn bỏ sót chỗ nào để bổ sung. Có bạn như Hiểu Thu, đến chơi ở các phòng tập; có bạn chỉ đơn thuần đến gặp nhau, thế thôi. Tóm lại, tất cả đều rỗi rãi. Đến vài lần, dù quen hay không quen, gặp nhau vài lần cũng trở nên thân nhau. Dần dần, bạn bè hẹn nhau đến, các phòng tập trống trải bỗng có tiếng người, bác thường trực thỉnh thoảng ngó vào, không nói gì. Tất cả đều là những học sinh trước đây đã đến tập, làm bác thường trực nhớ lại không khí náo nhiệt ngày nào, bác rất thích những hoạt động của bọn trẻ. Dăm người tụ tập vài lần, bỗng nảy ra ý nghĩ phải làm một việc gì đó, rất tự nhiên, bọn chúng thành lập đội tuyên truyền văn nghệ. Bọn chúng học thể dục thể thao, biết khiêu vũ, là học sinh, quan hệ rộng rãi. Lần sau kéo thêm bạn mới đến, bạn mới lại kéo thêm bạn mới, cứ vậy chẳng mấy chốc đông vui. Hát xướng, diễn kịch, đàn sáo vui vẻ. Trong phòng thể dục còn để lại cái đàn piano vốn dùng đệm cho học sinh tập luyện, cây đàn trùm vải, bị đẩy vào góc phòng, lúc này lại được thấy mặt trời. Bọn chúng quét tước phòng tập, treo biển đội tuyên truyền văn nghệ, phải mất công tìm một cái tên đội. Vì lúc này những cái tên hay các nơi đã dùng hết, sợ bị trùng tên, cuối cùng, một cậu học sinh trung học quyết định lấy việc để định việc, gọi là Đội tuyên truyền Trường thể dục thể thao thiếu nhi. Biển treo lên, trường như được mở lại, bác thường trực có việc để làm, sáng sớm dậy đun nước, mở cửa mở ngõ, quét tước sạch sẽ. Đám thiếu niên này đang lúc sôi nổi, nhiệt tình bùng phát, biến mấy văn phòng thành ký túc xá nam nữ, lôi thảm tập ra trải, không về nhà nữa. Đêm xuống, đèn trong phòng tập sáng trưng, tiếng đàn tiếng hát vang vang, quả là đêm ngày réo rắt. Đã vào đông, cây trút hết lá, trơ cành giữa rét buốt, bầu trời xám xịt phủ cái bóng ảm đạm lên những ngôi nhà. Gió rét từ vùng Sibenia từng đợt đổ về cái thành phố miền Giang Nam này, biến hơi ẩm trong không khí thành sương mù giăng trắng một vùng. Nhưng ở đây lửa cháy! Cả bọn rét co cụm lại như đàn chim sẻ, run cầm cập, rụt đầu rụt cổ chạy qua dãy hành lang ra nhà vệ sinh rửa mặt. Vòi nước đóng băng, phải tưới nước nóng lên nước mới chảy ra. Sau đấy, người bị cử đi mua thức ăn sáng cũng đã về, mới giây lát, quẩy và bánh nóng vừa từ trong nồi ra đã đông cứng lại. Người bị cử đi mua là Hiểu Thu. Cô là một trong số ít người trẻ nhất ở đây, vẫn đang là học sinh tiểu học, không biết đến bao giờ mới lên trung học, mà cũng chưa được làm Hồng vệ binh. Trong số này, người có trình độ cao nhất là trung học, tham gia cách mạng cũng nhiều nhất, tuổi lớn nhất, tất nhiên là nhân vật đầu não. Hiểu Thu rất phấn khởi được mọi người sai phái, không được sai phái cô cũng tranh làm. Thu bưng một cái nồi gang to lấy ở bếp tập thể, nồi đựng sữa đậu nành, cái vung để ngửa đựng quẩy. Hai tay đi găng đan bằng len, ngón tay lòi ra ngoài, rét đỏ. Thu vừa sợ sữa nguội, vừa sợ bị đổ, chỉ dám chạy lúp xúp vào sân trường. Tự đáy lòng, Thu rất thích thậm chí rất cảm kích những ngày này, vì những ngày này, Thu cam lòng làm nô bộc cho mọi người.

Miệng nhai quẩy và bánh bột mì đã đông cứng, húp sữa đậu âm ấm là người nóng lên. Tuổi trẻ chỉ cần một chút nhiên liệu là có thể thắp lửa. Đến khi đàn sáo hát múa nổi lên, người sẽ toát mồ hôi, phải cởi bỏ áo bông. Bọn chúng rất cố gắng và chăm chỉ tập đi tập lại những động tác đơn giản thậm chí ấu trĩ. Trong những điệu múa mạnh và cứng cũng ẩn chứa chút mềm mại duyên dáng, bất ngờ thể hiện cái yểu điệu tự nhiên của con gái. Vậy là, cánh con gái múa tỏ ra khác hẳn. Kỳ lạ là, cùng giới tính nhưng hàm lượng giới tính cũng không giống nhau. Dưới lớp áo quần giản dị không chút thú vị kia, cái cơ thể bị trói buộc bởi sự e thẹn và thiên kiến, đều mang những đặc trưng giới tính riêng dựa trên cá tính khác nhau của mỗi người. Trong cái thiên tính tự nhiên, chúng mặc sức phát triển, tạo nên vẻ đẹp lạ kỳ. Đám con trai còn xa mới đến độ tuổi hiểu nổi nữ giới, chúng chỉ bị hấp dẫn theo bản năng. Cánh con gái ở đây từ nhỏ được tập luyện thể hình, đều có ý thức hơn những đứa trẻ khác, giữa đám đông chúng sẽ nổi trội hơn. Nhưng khi chúng tụ tập lại với nhau, lập tức có sự khác biệt. Điều này thuộc về bẩm sinh, tự do và nhiệt tình ở mỗi người khác nhau, đó không phải là sự phân phối bình quân mà quyết định bởi tố chất năng động của bản thân. Về mặt này Hiểu Thu tỏ ra hơn hẳn. Dù là giơ tay hay đá chân đều khác lạ. Những nữ sinh lớn hơn một chút gọi đấy là “làm bộ”, muốn uốn nắn nhưng không biết uốn nắn thế nào. Thật ra, chúng không nhận ra, đấy không phải “làm bộ”, chẳng qua là sự bộc lộ rất thật đặc trưng giới tính, không phù hợp với ca múa cách mạng. Khí chất ấy có chút màu mè, thật ra không phải là màu mè mà ít nhiều mang tính nhục thể. Sau lưng Hiểu Thu, bọn chúng bàn xem có nên để Thu tham gia đội ca múa hay cử Thu đi làm việc khác, nhưng rồi không quyết được. Thu hết sức nhiệt tình tập luyện và phục vụ mọi người, hơn nữa, đúng là Thu cũng làm mọi người thích thú. Những lúc nghỉ, một mình Thu xoay, nhảy, uốn mình giữa sàn tập, mồ hôi vã ra, trong ánh nắng rọi qua ô cửa kính, Thu như con thú cái non tơ, chân tay khỏe khoắn, sức bật mau lẹ, thần thái hăng say.

Nhưng ít ngày sau, tự Hiểu Thu xin rút lui không múa nữa. Hỏi lý do, Thu một mực không nói. Mấy hôm sau, Thu lại tự động trở lại đội múa, tiếp tục đi múa. Lại mấy hôm sau, không múa nữa. Cứ như vậy, múa rồi không múa mấy lần, chợt mọi người nhận ra, chuyện có liên quan đến một người. Cậu học sinh tự tìm đến tham gia, từ nhỏ đã học piano, nay kéo violon trong đội. Những lúc nghỉ, Hiểu Thu tự tập múa, cậu kia đệm piano, giai điệu tự biên tự diễn hoặc trích từ một bản nhạc nào đấy, nhưng rất hài hòa với điệu múa. Cậu ta học lớp bảy, thuộc lứa lớn tuổi nhất trong đội, người cao chừng mét tám, gầy, nhưng xương cốt to, chắc khỏe, trông cũng khôi ngô, nhưng có vẻ nhút nhát, qua cặp kính cận đẹp, ánh mắt cứ chớp chớp bất định, khiến cậu ta trở nên nhỏ bé, tầm thường. Nhà cậu ta ở đường phố nhỏ gần trường, trong một ngôi biệt thự bên lối đi râm mát có vườn hoa. Gia cảnh rất khá, nhưng không phải là nhà tư sản, mà là một viên chức cần cù, cậu ta là con một. Từ năm bảy tuổi, tháng nào gia đình cũng bỏ ra hai mươi lăm đồng để thuê thầy dạy piano, khoản tiền ấy có thể cho một người nghèo đủ sống nửa tháng hoặc một tháng. Nhưng có người bảo cậu ta là con nuôi, bởi vậy mới hay tỏ ra lo lắng, như không yên tâm với những gì đang có, đang được. Cậu ta học đàn rất chính quy, trình độ khá cao, những lúc nghỉ tập, các bạn lại yêu cầu cậu ta chơi một bản nhạc Tây, cậu ta chơi ngay bản “Bi thương” của Chopin. Bọn chúng lắng nghe nhưng không hiểu hết, chỉ thấy những chuỗi âm thanh vang mãi như không dứt. Giữa những khoảng lặng của tiếng đàn, nghe rõ cả tiếng thở của cậu ta, khiến các bạn với cảm thấy cái vất vả của chơi đàn. Cậu không thể hiện tình cảm qua tiếng đàn, đàn trong tay cậu như cái máy, chẳng qua chỉ khổ công luyện tập, chỉ cần tay và mắt là có thể thao tác tốt. Cậu ta ít nói, ai nói chuyện chỉ ngồi như nghe như không, tay lướt trên phím đàn. Cho nên, cái máy ấy như họng lưỡi, họng lưỡi khô khát. Tính cách cô đơn nhưng cậu ta không phản đối việc đến với bọn chúng. Cậu ta không quá co mình lại, cậu ăn tại đây nhưng tới bữa ăn thì dùng thức ăn của mình đựng trong cặp lồng - thức ăn của đội không ngon lắm, đội dùng tiền bồi dưỡng của nhà máy nào đấy mời đến biểu diễn, hoặc quyên góp của một tổ chức nào đấy, tài chính của đội rất khiêm tốn - cậu ta một tay cầm hộp cơm, tay kia cầm thìa, xúc cho vào miệng. Cậu ăn uống từ tốn, rất có quy củ, nhưng trong cuộc sống kiểu doanh trại đông người, lại ở giữa những người xem ra nhỏ tuổi hơn, cậu ta có vẻ lạc lõng. Cậu ta mặc quân phục nom chẳng ra sao. Quân phục nhặt nhạnh mỗi nơi một chiếc, có cái là quân phục thật, đã cũ, giặt nhiều đến bạc màu, lại vì cấp bậc và thời gian khác nhau, mức độ cũ và phai màu, thậm chí kiểu cách cũng khác. Dấu vết quân hiệu cài ở cổ áo, vai áo phơi bày bộ mặt lịch sử. Cũng có thứ giả, ấy là trang phục của đoàn kịch, màu sắc mới hơn, cắt may cẩn thận, trông chỉnh tề hơn rất nhiều. Vì người cậu ta khá đặc biệt, nên không tìm được cái nào vừa, thực ra cậu ta không mặc cũng chả sao, nhưng cậu ta vẫn đi mua vải may một bộ, màu xanh lục tươi rói, kiểu “nhân dân”. Cậu ta thắt dây lưng da trông rất trịnh trọng, lại tìm đâu được cái mũ bộ đội, nom thật kỳ quái. Quân phục màu cỏ úa là mốt của thời bấy giờ, mà cậu ta lại rất bảo thủ, trang phục không hợp với con người. Tóm lại, trong đội tuyên truyền, cậu ta tỏ ra lạc lõng, không giống ai.

Con người ấy đã ảnh hưởng đến Hiểu Thu. Mọi người phát hiện, hễ cậu ta có mặt, Hiểu Thu không chịu múa, mà đòi đánh chũm chọe. Mấy hôm cậu ta không đến, Hiểu Thu lao vào múa, cậu ta đến,  Hiểu Thu lại thôi. Mấy cô nữ sinh vặn hỏi, Hiểu Thu mới bí mật nói, lúc Thu múa, cậu ta cứ nhìn chằm chằm, nhìn ngực, nhìn mông. Lẽ ra điều bí mật phải được giữ kín, nhưng việc giữ kín của các cô nữ sinh là tiết lộ với người thân nhất, người thân nhất lại tiết lộ với người thân nhất. Thoạt tiên chỉ cánh nữ sinh biết với nhau, về sau không biết qua kênh nào, cứ như giữa họ đã có quan hệ khác giới thân thiết vậy - thanh niên sớm chiều gặp nhau khó tránh khỏi sinh tình. Chuyện đến tai cánh con trai và trở nên ồn ào. Lúc ấy, đội tuyên truyền này đã khá lắm rồi, kéo nhau đi biểu diễn ở các nhà máy, trường học, cung thể thao, đường phố và đã tạo được ảnh hưởng bước đầu. Cho nên, việc tổ chức và quản lý nội bộ cũng đi vào quy củ, kiện toàn. Chuyện lên đến tầng quyết sách và được thảo luận nghiêm túc. Kết quả thảo luận là, chuyện này không thể coi nhẹ, nó sẽ làm nguy hại đến tư tưởng, đạo đức mọi người, thậm chí dẫn đến trụy lạc. Mấy hôm sau, sự việc được chuẩn bị chu đáo, thậm chí phải hoãn một buổi biểu diễn, quyết định triệu tập một buổi sinh hoạt dân chủ, để mọi người phê bình và tự phê bình. Nội dung cuộc họp ai cũng biết. Trong ngày hôm ấy, thật kỳ lạ, ai cũng trầm mặc, không biết cái buổi tối sinh hoạt kia sẽ xảy ra chuyện gì. Chừng như ai cũng sợ, ai cũng cảm thấy bức xúc khó xử, nhưng ít nhiều cũng có chút hào hứng. Ngay từ chiều không thấy Hiểu Thu đâu, cả đội không đi tìm, tỏ ra đặc biệt khoan dung với Thu. Thật ra Thu không đi đâu, mà một mình ngồi trong phòng thay áo quần. Tủ áo quần trong phòng đều trống không, không khóa, Hiểu Thu đi mở từng cánh cửa tủ, trong một ngăn tủ có cái áo đỏ của cầu thủ, trên áo là con số ba mươi bảy, bốc mùi chưa giặt sạch. Nhớ lại thời ấy, nơi này vốn rất đông vui ồn ào, cánh con gái chỉ được đứng một chân để thay đồ, một cô ngã kéo theo cả tốp cùng ngã. Phòng thay áo thông với phòng tắm, phòng tắm không phải ngày nào cũng có nước nóng, chỉ tối thứ hai và thứ năm mới đốt lò nấu nước nóng. Đến hôm ấy thì tha hồ chen nhau. Cánh con gái cởi tuột áo quần, phơi hẳn người, gọi là “chơi tì bà trên xương sườn”, ôm lấy nhau, chen chúc đứng dưới vòi hoa sen, xối đẫm nước, làn da trắng xanh đỏ lên, biến thành “lũ chuột lột da”. Lúc này tất cả đều lặng ngắt, Hiểu Thu cuối cùng cảm nhận được cái thê lương buồn thảm của thời đại, thật ra cũng không hoàn toàn do thời đại tạo nên, còn có phần do trưởng thành, giai đoạn nào đấy của trưởng thành. Hiểu Thu không dám ra ăn cơm tối, ngượng, thật ra không phải sai lầm của Thu, nhưng vẫn cứ ngượng. Thu ở trong buồng tắm, tay vịn vòi nước để tập, để xoay, để múa. Nền gạch lâu ngày khô khốc, rất thô ráp, mài vào đế giày. Múa mệt, Thu tạm nghỉ, nghỉ một lúc cảm thấy lạnh, lại đứng lên múa. Ở đây ban ngày cũng phải bật đèn, nhưng qua ô cửa sổ trên cao của phòng tắm có thể thấy bầu trời đang tối dần, cuối cùng tối hẳn, thậm chí nhìn được một vài ngôi sao. Ở đây rất lạnh, không còn hơi người, nền nhà, trần nhà, bốn bức tường tỏa hơi lạnh. Thu khoác cái áo cầu thủ của ai đó bỏ quên, ngồi co ro, mũi vùi trong mùi hơi người xa lạ. Tất cả đều tĩnh lặng, Thu không thể hình dung nổi ngoài kia đang xảy ra chuyện gì.

Phòng tập thể dục bỗng sáng bừng, nhưng không có tiếng hát tiếng đàn, không khí rất nặng nề. Đội trưởng tuyên bố cuộc họp bắt đầu, phát biểu rất dài, cũng chỉ là tình hình cách mạng, vận mệnh đất nước, trách nhiệm của thanh niên, nói rất trôi chảy, giống một bài xã luận. Mọi người kiên nhẫn ngồi, tuy có lúc tưởng cuộc họp không như dự kiến, chỉ nhắc qua những đề mục ấy thôi, lòng cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng lại mất hứng. Cuối cùng, phát biểu của đội trưởng trở nên mập mờ, anh ta nói đến tình cảm của thanh niên, xem ra hai tiếng “tình cảm” đã đến gần với chuyện kia. Lại hồi hộp, nhưng anh ta ngập ngừng, bảo để các bạn phát biểu, bắt đầu tự phê bình, kết thúc phần mở đầu hội nghị. Tiếp theo, có vài người phát biểu, tự kiểm điểm trong khi luyện tập còn sợ mệt, hoặc muốn chơi trội. Đội trưởng chêm vào: hãy nói về tác phong sinh hoạt. Ẩn ý của câu nói đã rõ, nhưng vẫn chưa dám vào thẳng vấn đề. Mấy bạn nữ tự kiểm điểm tính kiêu ngạo trong sinh hoạt, kéo dài câu chuyện. Cuộc họp đã hơn một tiếng đồng hồ, rốt cuộc đội trưởng gọi tên cậu ta: Đồng chí... có gì phát biểu không? Cứ nói thật thoải mái! Tất cả liền im lặng trật tự.

Đến lúc này mới phát hiện cậu ta không ngồi ở vị trí như mọi lần, thường thì cậu ta ngồi với lãnh đạo ở mấy cái ghế dành riêng, lần này cậu ngồi giữa đám thiếu niên, vốn người cao hơn, giờ càng nổi trội, tưởng như chạm trần nhà. Hai cánh tay gầy guộc để lên đầu gối, thỉnh thoảng khoanh lại, miệng mím chặt định nói, rồi phát ra một tiếng: Tôi... khiến tất cả cười ồ, vì ít ai được nghe cậu ta nói, lúc này nghe thấy thật hài hước. Đội trưởng lập tức chấn chỉnh, không khí có phần thoải mái. Cậu ta cũng cười, mặt ửng đỏ, lại nói: Tôi... Lần này thì không ai cười nữa, cậu ta tiếp tục: Tôi xin thẳng thắn tự phê, ý thức tư tưởng của tôi có vấn đề. Cậu ta bỏ hai tay ôm gối. Ý thức tư tưởng của tôi không lành mạnh... Ai cũng lấy làm ngạc nhiên, ngạc nhiên là cậu ta lại thẳng thắn đến không ngờ, đồng thời vào ngay chủ đề mà cả đội từ nãy đến giờ cứ vòng vo mãi. Nhưng vẫn còn một vài chuyện vui vui. Giọng nói ư? Ngữ điệu ư? Dùng từ sai ư? Đây là chuyện nghiêm túc, nhưng với cậu ta rất không hợp, có gì đó cố ý, hoặc giả vờ lên gân, nghe đến là hài hước. Lại có người cười, làm tất cả cùng cười, đội trưởng cũng không nhịn được cười. Sau trận cười thoải mái, thực ra cuộc họp có thể thuận đà kết thúc, rồi giải tán và đi ngủ. Còn cậu ta, về với căn phòng trong ngôi biệt thự kiểu Tây, nhà bố mẹ nuôi, cũng ngủ. Hiểu Thu đã ra khỏi phòng thay đồ, lên gác vào phòng ký túc tạm thời của mình. Thu vừa lạnh, vừa đói, vừa buồn ngủ, không bật đèn, mượn ánh trăng từ ngoài hắt vào tìm về giường mình, chui vào chăn, chỉ lát sau đã ngủ. Phòng tập dưới nhà đang sôi nổi.

Sau trận cười, có vẻ như đã hết chuyện, lúc này trăng đã lên đến đỉnh đầu. Nhưng không, cậu ta vẫn tiếp tục nói. Vì đã đột phá được khâu mở đầu khó khăn, lúc này cậu ta nói rất trôi chảy. Cậu ta nói, ý thức tư tưởng của tôi không lành mạnh, nguyên nhân chủ yếu từ giáo dục, giáo dục thế nào? Là do đọc sách: Trung Quốc thì Hồng lâu mộng, nước ngoài phần lớn là tiểu thuyết thế kỷ mười chín: Một tổ quý tộc của Turgenev, Anna Karenina của Tolstoy, Tội ác và trừng phạt của Dostoevsky, và cả Bà Bovary của nhà văn tự nhiên chủ nghĩa người Pháp Flaubert... Cậu ta khai ra một danh sách dài những tác phẩm văn học, những cái tên nước ngoài đọc rất trôi chảy, nghe như đọc thuộc lòng, nét mặt vẫn ngây dại. Khai báo xong tên sách, cậu ta bắt đầu kể nội dung sách, đội trưởng nhắc nhở thôi đi, nhưng cũng có người bảo để cậu ta nói. Cậu ta khó xử, nhìn quanh, không biết nên thế nào, cuối cùng chọn cách dung hòa. Lại tiếp tục giới thiệu nội dung sách, nhưng chỉ đưa ra những tình tiết có liên quan: vị quý tộc đã có gia đình trong Một tổ quý tộc đến tu viện thăm người tình, người tình này cúi đầu đi sát ông ta, ông ta chỉ trông thấy một bên mặt người tình, nhưng có một khoảnh khắc, nàng chớp chớp mi. Vrônxki gặp Anna ở sân ga, không giữ nổi mình đã quay đầu lại nhìn. Anna trong vũ hội mặc bộ váy đen đã đánh bại Kitti, làm cho nàng phải bối rối bỏ chạy. Còn nữa, bà Bovary ra đi trong một buổi sáng, ngồi xe ngựa vào thành phố, đến một khách sạn để gặp người tình... Những chi tiết ấy đều có liên quan đến tình yêu nam nữ, sự việc đến chỗ chủ yếu nhất và nhạy cảm nhất, chung quanh im phăng phắc. Cậu ta bỏ tay ra khỏi đầu gối, thỉnh thoảng làm một vài động tác. Bởi hưng phấn, nên mặt cậu ta cũng thay đổi, trông béo và thô lỗ. Cặp mắt cận thì căng tròn đang chuyển động, long lanh sau cặp kính. Mọi người tránh ánh mắt cậu ta, nhưng mắt cậu ta thì cứ sùng sục không thôi. Kể đến những tình tiết gợi tình, chừng như cậu ta mệt lắm, tay lại để lên đầu gối, sắc mặt trở nên tối tăm, ảm đạm.

Cậu ta cúi nhìn tay mình, tưởng chừng không hé răng nổi, vậy mà vẫn kể tiếp: tôi bị ảnh hưởng của những tiểu thuyết ấy, ý thức tư tưởng bị tha hóa. Có lần - mặt cậu ta lại trở về với vẻ đờ đẫn, ngây dại, giống như cái máy biết nói, cứ khởi động là chạy, không hãm là cứ thế chạy - có lần, tôi đi qua phòng nữ, trông thấy một nữ sinh đang thay áo, ngực cô này rất to, bỗng tôi bị kích động, từ đấy tôi cứ qua lại trước cửa phòng nữ, phòng có lúc đóng cửa, có lúc không có người, có lúc có người đang ngủ, tôi quả thực rất khó kiềm chế nổi bản thân, nhưng cuối cùng, tôi đã khắc phục được. Cậu ta nói hơi nhiều, mà nói đã rõ. Không ai bảo cậu ta nói nhiều như vậy, nhưng chẳng ai ngắt lời, mà cứ để mặc. Cậu ta tiếp tục nói, khi thấy cô nữ sinh kia, bất giác ánh mắt tôi nhìn vào bộ phận ấy của cô gái, rất kích động, hơn nữa, trong người có phản ứng. Giọng nói như máy chạy theo quán tính, chạy theo lối mòn, không gì cản lại. Trong khi nói, thỉnh thoảng rin rít kẽ răng như dây curoa cao su nghiến trên kim loại. Một buổi tối kỳ quái! Trai gái ngồi thành hàng, nghe những lời tự bạch dâm đãng, không ai bỏ về. Đúng là không ngăn nổi cậu ta nói, cậu ta càng nói càng trắng trợn, chỉ thiếu những chuyện “di mộng” nữa thôi. Cậu ta nản dần, cơ thể và những thớ thịt trên mặt co giật, tưởng như méo đi, cuối cùng, kết thúc: mong các bạn rút ra bài học của tôi, tôi xin làm một bài học phản diện. Cậu ta ngước lên, thật bất ngờ, vẻ mặt nhẹ nhõm, cậu ta cười rất thoải mái. Bởi ít thấy cậu ta cười, nên trông rất khác thường, tựa hồ có một vẻ trong sáng. Sau khi cười, cậu ta lại trở về với nguyên trạng ngây ngô, không ai dám nhìn. Hôm sau, cậu ta không đến, hôm sau nữa cũng không đến. Không ai nhắc đến cậu ta, giống như chưa hề tồn tại con người ấy. Ít lâu sau, một tay chơi accordéon đến ghi tên gia nhập đội. Cậu này hồi nhỏ cũng học piano, lúc này học accordéon cấp tốc, một học sinh trung học cơ sở còn nhỏ tuổi. Cậu ta hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra trước đấy, nên lời nói và hành động rất tự nhiên. Không biết trước khi nhập đội cậu ta đã làm những gì, học trường nào, từng tham gia đội tuyên truyền nào rồi. Trong lời nói của cậu này có nhiều từ lạ, khiến tất cả phải mù tịt, không hiểu ra sao. Con người là vậy, tụ tập lâu sẽ sản sinh ra những ngôn từ có tính riêng biệt trong nội bộ, cùng một từ nhưng hàm nghĩa khác hẳn, là sự mặc định của nhóm. Cậu này khiến cả đội cảm thấy mới mẻ, cũng thấy không quen. Một hôm, giữa giờ tập, tất cả đang ngồi nghỉ và nói chuyện phiếm ngay trên sàn nhà, lúc này đông đã qua, cửa sổ mở toang, nắng đầu xuân trải khắp sàn. Bỗng cậu ta chỉ vào Hiểu Thu nói, tớ sẽ đặt cho cậu một biệt hiệu. Từ chuyện lần trước, cả đội, nhất là cánh con trai, đối với Hiểu Thu đều giữ thái độ thận trọng, thậm chí có phần xa rời, cậu này nói vậy, không khí lập tức căng thẳng. Cậu ta không nhận ra, đang phấn khởi vì óc tưởng tượng của mình, bỗng nhảy lên, giơ tay vẽ một đường cong trong không trung: chỉ gọi một chữ S thôi! Đầu tiên các cặp mắt nhìn nhau, im lặng giây lát, bỗng tất cả đều hiểu, đều đỏ mặt một cách vô cớ. Cậu ta đứng đó, nhìn quanh, không hiểu tại sao không ai nói gì, cho rằng các bạn không hiểu, đang định giải thích thì Hiểu Thu đi tới, giáng cho một cái tát nên thân. Mặt cậu ta tím như miếng gan lợn, vì ăn một cái tát, đầy phẫn nộ. Cậu ta bất kể khoảng cách nam nữ, xông đến định đánh lại, nhưng bị tóm chặt tay, chỉ còn biết há miệng ra chửi. Cậu ta chửi cũng tới số luôn, nào là “hung hăng càn rỡ”, “phản cách mạng” nào là “mỹ nhân rắn độc”, “viên đạn bọc đường”, vân vân. Xem ra cái tát oan, cậu ta không biết mình phạm lỗi gì, vậy là để lộ cái vẻ trẻ con. Cậu ta bị mấy tay lớn hơn đè xuống đất, đạp chân, rồi xấu hổ phát khóc, tuyệt vọng phàn nàn: bị con gái tát còn mặt mũi nào sống nổi! Mọi người nhịn cười, lôi cậu ta dậy, cười cậu ta trẻ con, không biết đầu óc chứa những gì. Ở đằng kia Hiểu Thu quay đi, chạy lên gác, thu dọn đồ đạc của mình vào một cái túi, rồi đi xuống, chạy ra hành lang, ra khỏi trường.

Trường thể dục thể thao thiếu nhi ở một con phố vắng vẻ, hai bên phần lớn là nhà biệt thự vườn hoa, trong vườn, bên hàng rào, những chùm hoa vàng nở rộ, trên vỉa hè ngô đồng ra lá non tơ. Vài ba người qua lại, thấy một cô gái đầu tóc bù xù chạy dưới bóng cây. Vì chạy hết sức, tay chân và cơ thể Hiểu Thu giãn ra, đến mức mỗi tư thế đều có giây ngưng đọng, ngưng đọng trên không trung. Cô gái đẹp quá! Vài ba người qua đường chợt quay lại nhìn, muốn lưu giữ lâu hơn hình ảnh diệu kỳ ấy.

Hôm ấy, hết chuyện nọ lại gặp chuyện kia, về đến nhà thì thấy mẹ đứng ở cầu thang, cho ngay Hiểu Thu một cái tát. Mẹ được thả khỏi khu cách ly trong đoàn kịch về nhà đã mấy hôm, không biết Thu đi đâu, chờ sốt cả ruột, nghĩ nếu con gái gặp chuyện gì thì không thể sống nổi. Cuối cùng thì cô con gái cũng về, chị đón con bằng một cái tát. Trong phòng, chị gái đang ngồi tựa giường đọc sách, miệng nhai thịt bò khô. Cô chị vừa ra viện hôm trước, hôm nay được mẹ nấu cho ăn. Về đến nhà chưa kịp cất đồ, việc cơm nước lại đến tay Thu. Mẹ ngồi nghỉ trước cái bàn vuông bên cửa sổ, đốt một điếu thuốc, chậm rãi hút. Những ngày này lại có thêm một biến cố nhỏ, tầng gác ba bị niêm phong, mẹ phải xuống dưới ngủ ở cái giường một của con trai. Tóc mẹ đã duỗi, không còn nếp uốn, cắt ngắn chải sang hai bên tai, mặc cái áo kaki xanh cổ vuông, trông như một cán bộ phụ nữ cách mạng. Chỉ điếu thuốc lá trên tay mới có thể nhận ra đấy là một diễn viên từng có cuộc sống cởi mở và thời thượng.

Cuộc sống tự do của Hiểu Thu coi như chấm dứt, cô phải gánh vác công việc gia đình, mẹ cho rằng, đấy là biện pháp cai quản con gái tốt nhất. Đoàn kịch thì không diễn, cũng không tập, đi làm chỉ đến hội họp, học tập, cuộc sống đảo lộn. Mẹ sáng đi chiều về, tối ở nhà với hai cô con gái. Cũng mất mấy tối buồn, chưa đến tám giờ đã lên giường đi ngủ, chỉ có cô con gái lớn đốt đèn đọc sách. Sách mượn của bạn, trên sách đều có dấu của công, mọt sách to bằng đầu kim bò trên trang giấy. Mấy tối liền, mẹ con cảm thấy buồn, nhưng không quen chuyện trò với nhau, chỉ là trách mắng răn dạy và bị trách mắng răn dạy, không biết phải làm gì cho hết thời gian. Về sau, Hiểu Thu lấy sợi của đứa bạn hàng xóm về gỡ. Đây là một sinh kế, nhận sợi rối ở xưởng dệt về, gỡ thành con, đem trả cho nhà máy được một vài đồng thù lao. Nhưng lại trở thành trò chơi lý thú của lũ trẻ con, nhà ai có sợi rối để gỡ như bắt được của, chỉ những đứa có vai vế mới được nhận vài con sợi rối về gỡ. Hiểu Thu lấy việc dạy múa làm điều kiện trao đổi. Thu ngồi ở giường, đầu gối phủ khăn tay, dùng nắp chai nước ngọt làm dụng cụ, gỡ từng sợi chỉ. Việc gỡ sợi của Hiểu Thu gợi cho mẹ nhớ đến vá may thêu thùa, chị bảo con gái để sợi đấy, lấy cái ghế đặt sát tường, trước chồng hòm gỗ long não, đứng lên, mở cái hòm trên cùng, lấy ra từng chiếc áo. Mẹ ở dưới đỡ, bày ngổn ngang lên giường, tay nọ đỡ khuỷu tay kia, hút thuốc, mắt lim dim nhìn qua khói thuốc, rồi chị nhặt một cái lên, nói, chữa chiếc này.

Đây là cái xường xám tơ nhân tạo, màu trắng ngà có chấm xanh, cộc tay, dài tận bắp chân. Dáng người mẹ hơi đậm, nhưng do cắt may khéo, nên rất vừa người. Cả hai mẹ con không phải là người gia giáo, chưa học nữ công gia chánh đừng nói gì đến chuyện cắt may, chỉ lấy một cái áo ngắn, ướm thử lên cái xường xám, cứ ướm đi ướm lại, ướm thế nào cùng không phù hợp với cái xường xám. Cuối cùng cũng nghĩ ra, tháo chiếc áo thành từng mảnh, ghép lại thành một cái áo khác. Lại tìm một tờ báo cũ, lật trước lật sau kiểm tra không có ảnh lãnh tụ, vẽ lên đấy các bộ phận của cái áo: cổ, tay áo, vạt trước, vạt sau. Tối đầu tiên chưa có kết quả, nhưng đã gợi hứng thú cho hai mẹ con. Mẫu cắt từ trang báo được đặt vào chiếc xường xám, lại dùng bút bi vẽ, rồi cắt theo. Trong nhà cả cái kéo nhỏ cũng kiếm không ra, cuộc sống kỳ thực rất qua loa đại khái. Mẹ thì không làm chuyện nội trợ, gia đình này lúc đầu ở trong tay người giúp việc, sau lại đến tay Hiểu Thu, ở giữa không có giao nhận gì cả, thời kỳ sau không nối tiếp thời kỳ trước, chỉ chắp vá tàm tạm. Cuối cùng tìm được một con dao gọt bút chì, nhưng lại rất sắc, cần cực kỳ cẩn thận. Về chuyện này, con gái có bản lĩnh hơn mẹ, tính mẹ vội vàng, lại nặng tay nặng chân, chưa chi đã cắt hỏng mấy chỗ, việc lại đến tay Hiểu Thu, mẹ chỉ ngồi bên hút thuốc và phê bình con gái. Hai mẹ con chẳng mấy khi hòa hợp đến thế, không khí gia đình hơn bao giờ hết, có gì đó rất yên vui. Cho đến khi các đường chỉ được tháo ra, tháo cả đường chỉ viền mép để tiết kiệm vải, một cái xường xám được phân thành mấy mảnh hình thù khác nhau, rồi bắt đầu cắt. Lúc này đến lượt mẹ, mẹ vẫn ngậm điếu thuốc, mắt nhìn nghiêng tránh khói thuốc, xắn tay áo, cầm kéo, cái kéo cắt vải này hơi nhỏ. Chị cắt xoạt một đường, để lại đường cắt như răng cưa. Chị cắt thêm mấy đường, rồi bỏ kéo xuống, coi như xong. Công việc lại đến tay con gái, đầu tiên lôi cái máy khâu ở góc tường ra. Cái máy khâu kiểu tủ đứng giá không rẻ, mua cho chị giúp việc dùng, từ ngày chị giúp việc không làm nữa, máy khâu cũng chẳng ai đụng đến, trên mặt máy để khay trà, hộp bánh quy, các thứ lặt vặt, không ai nghĩ đấy là cái máy khâu. Mắc dây máy cũng là việc vất vả, cả người phải chui vào gầm máy, dùng tay luồn dây lên. Việc này làm mẹ rất hứng thú, mẹ ngồi xuống, lôi tất cả các ngăn kéo lớn nhỏ ra xem, thì ra trong đó thứ gì cũng có, kéo lớn, kéo nhỏ, phấn vạch, ghim cài, các loại chỉ và kim máy khâu. Cho đến một hôm, người mà mẹ gọi là anh Hai, mấy đứa con gọi là bác, đến chơi, thấy mẹ con cắt may không đúng cách, liền giảng giải những điều thường thức về cắt may, lúc này mẹ con mới ngộ ra rằng, mình đã đi đường vòng, mất không biết bao nhiêu thời gian.

Người bác này coi như khách thường xuyên của gia đình, tuy có vợ và ba con, nhưng chưa bao giờ đưa vợ con đến chơi, lúc nào cũng chỉ đến một mình. Người này cũng ít khi hỏi chuyện chị em Hiểu Thu, chỉ vì cô em hay ở cùng mẹ nên mới gặp nhiều hơn. Hàng xóm từng phỏng đoán Hiểu Thu là con anh ta, nhưng lại thấy không giống, vì người này là công chức của sở lương thực thực phẩm, trông khắc khổ, ăn mặc xuềnh xoàng, không thể làm bạn với người phong lưu đài các được. Sự thật thì không phải, nếu không, tại sao mấy chục năm nay dám đến công khai, không cần lẩn tránh. Nhưng cái nhìn của bà con trong ngõ nhỏ rốt cuộc cũng hạn hẹp, hoàn toàn không ngờ rằng con người nom tồi tàn này lại ở trong một tòa nhà kiểu biệt thự nổi tiếng khu Tây thành phố, sàn nhà đánh xi bóng, cửa sổ sát nền, vợ không đi làm, chỉ ở nhà chăm sóc chồng con, thời kỳ khó khăn tháng nào cũng nhận hàng tiếp tế từ Hồng Công gửi về, nào là mỡ lợn, giăm bông, xà phòng, đường trắng, dầu ăn, thịt hộp, cá hộp, còn giúp cho nhà bên này. Những ngày trước, cách mạng văn hóa căng thẳng, ai lo phận nấy, bây giờ tạm ổn, lại tiếp tục qua lại. Lần sau đến, người bác đem theo cuốn sách dạy cắt may, Hiểu Thu xem vài trang lập tức hiểu ngay, sửa chữa chiếc xường xám thứ hai dễ dàng hơn. Vậy là, muốn thôi cũng không được. Mẹ thì ngược lại, khi đã phát hiện việc thật đơn giản, cứ theo công thức mà làm, liền mất hứng thú, buông tay bỏ đấy. Nhưng chị không phản đối Hiểu Thu tiếp tục, lôi từng chiếc xường xám đẹp trong hòm ra chữa thành áo thường. Chị không phải loại người nuối tiếc cái cũ, chuyện gì thôi được là thôi ngay. Chị cũng muốn trong nhà có âm thanh tiếng động, như thế mới không cảm thấy chán ngán.

Ông bác vốn không chú ý lắm đến Hiểu Thu, mà hình như đấy cũng là điều ước định trong quan hệ của họ, quan hệ của họ không có liên quan gì đến người khác, con cái của hai nhà không can dự. Vì biết giữa họ không có chuyện gì, cho nên vợ anh ta cũng đồng ý để chồng đến bên này chơi, nhiều lắm cũng chỉ đùa vài câu: lại đến nhà ấy chơi à! Anh vốn không chú ý đến Hiểu Thu, lại có một thời gian không gặp, lần này gặp rồi, phải định thần nhìn một lúc, nói riêng với mẹ Thu: con Cún này lại sinh vào lúc này được lắm, thái bình rồi! Thoạt tiên chị không hiểu, nói: đang loạn lạc mà anh lại bảo là thái bình! Anh ta lại nói: loạn lạc thì loạn lạc, loạn lạc đâu có liên quan gì đến gió trăng! Lúc này chị mới thoáng hiểu, ngừng giây lát rồi nghiến răng: nó dám! Từ đấy, chị thu hết xường xám, cất vào hòm, không cho Hiểu Thu may vá sửa chữa gì nữa. Nếu không phải vì không lo được chuyện áo quần cho con, thì chắc mấy cái áo đã sửa rồi cũng không muốn cho con mặc. Hiểu Thu chớp thời cơ, có thêm mấy cái áo, đang là mùa hè, lập tức đem ra mặc. Những cái xường xám tuy màu không tươi, vải cũng bắt đầu rão, vì là đồ chữa lại nên nhăn nhúm, cái áo không chịu nghe theo ý người mặc, nhưng dù sao thì vẫn có màu sắc. Một chiếc nền trắng ngà có chấm xanh, một chiếc hoa màu đỏ thắm xen xanh lục, một chiếc màu xanh lam nhạt, một chiếc nữa là gấm bóng như có sợi vàng sợi bạc dệt chung. Nếu là những lúc bình thường thì không cảm thấy, nhưng lúc này ngoài đường không xanh công nhân thì cũng là màu xám, chỉ một mình Hiểu Thu mặc hoa hoét màu mè. Tóc Thu tết bím, tóc trước trán cắt thành một vòng, những sợi tóc con trên bím tóc xù lên, trông như đội một vòng hoa. Nắng không làm cho da Thu đen vì Thu vốn không quá trắng. Dưới nắng, nước da trở nên bóng bẩy hơn, vì đang thời kỳ phát dục, dưới da tiết ra chất nhờn, trông như căng nước. Đôi mắt Thu dài và hơi vểnh lên, làn môi với đường cong mềm mại càng nét hơn, trông như cố ý tô như thế. Lúc này, Hiểu Thu không có chỗ nào để đi, chỉ có thể kết bạn với đám con gái trong ngõ, ngồi chơi với nhau hoặc đi dạo phố. Giữa đám bạn bè cùng trang lứa, Thu bao giờ cũng nổi hơn. Thời buổi này nhiều người rỗi rãi, hầu như đầu ngõ nào cũng có một nhóm người tụ tập, thấy bọn Thu đi qua, thể nào họ cũng nhìn Thu, đặt cho cô cái tên “mắt mèo”. Biệt danh này hàm ý suồng sã, không đứng đắn, nhưng phải nói cũng thật giống Thu. Đường phố có tài hoa của đường phố. Thu không biết, cùng lũ bạn nghênh ngang đi phố, miệng nhai ô mai hoặc khô trái cây rẻ tiền bán ở các quầy thuốc lá. Mỗi khi đầu phố dựng sân khấu để một đội truyên truyền văn nghệ nào đấy biểu diễn, cả bọn lại chen chúc trong đám đông, bằng mọi cách chen đến sát sân khấu. Những tiết mục múa hát xem không biết bao nhiêu lần, Thu đã từng biểu diễn, nhưng tỏ ra không hề chán, vẫn rất kích động. Ở những chỗ như thế này dễ xảy ra “trò khoắng nước mò cá”, cũng may, lũ bạn Thu khá đông, khó mà làm gì với từng cô, hơn nữa bọn chúng như nửa hiểu nửa không, không thấy đề phòng, lại rất ngang nhiên không sợ, làm kẻ khác không dám có hành động càn rỡ. Một hôm, trời mưa, Hiểu Thu đi cắt thuốc cho chị ở nhà thuốc Lôi Doãn Thượng, có người đi theo sau. Vì là ban ngày, đường phố cũng đông đúc, Thu không sợ, chẳng những thế còn rất hiếu kỳ, cứ đi một đoạn lại ngoái nhìn, nhìn xem người kia có đi theo nữa không. Đến một đoạn đường vắng, Thu ngoái lại, chỉ thấy nhấp nhô ô che mưa, nghĩ rằng người kia đã bỏ cuộc, đang định đi tiếp thì bất ngờ, trên cái ô của mình có thêm một cái ô nữa, cái ô giơ thật cao, như nhón chân nghển đầu, thì ra người kia, ý nói: tôi đây cơ mà! Hiểu Thu khom người, đi nhanh, bỏ chạy về nhà. Dọc đường, Thu cười ngặt cười nghẽo. Cho nên, ông bác nói thế gian không liên quan đến trăng gió cũng không hoàn toàn đúng, liên quan thì có liên quan, nhưng chỉ là ngõ ngách cửa bên, không có hứa hẹn gì.

Mùa đông năm ấy Hiểu Thu lên trung học. Lớp của Thu tốt nghiệp chơi rong hơn một năm rưỡi, tưởng như vừa được sực nhớ ra, bỗng nhiên lên lớp. Theo đúng tuyến, Thu được vào học trường trọng điểm của thành phố. Cứ như chế độ thi trước đây, học sinh tiểu học dân lập như Thu thì không ai được vào, huống chi thành tích học tập của Thu thuộc loại trung bình. Ngôi trường ấy Thu đi qua không biết bao nhiêu lần, cũng không biết bao nhiều lần nghe thấy tiếng chuông tan học từ trường vọng ra, nhưng sinh hoạt trong đó thì không thể biết nổi. Điều vui hơn nữa là, Thu và cô bạn trong ngõ có khu chung cư kia học cùng trường. Ngày đầu tiên đi học, hai người gặp nhau, cả hai cùng cúi đầu, đi sát nhau nhưng đều không nói gì. Bạn thân thường là thế, một khi giận nhau coi như không quen biết. Sau đấy, hoặc trong trường, hoặc trên đường đi học, không biết bao nhiêu lần đều như thế, cùng cúi đầu, đi qua. Nhưng cả hai vẫn thầm chú ý đến nhau. Cô bạn kia có nhiều thay đổi, mất đi vẻ hoạt bát, đi đứng không còn nghiêng ngó ngang dọc, mắt cứ cúp xuống, vẻ trầm tĩnh. Tóc cắt ngang tai, chải vắt sang một bên, kẹp gọn, trước trán không có sợi tóc nào, trông giản dị, hơi già. Có thể vì mặc áo của mẹ, cái áo bông xanh mặc ngoài, có thể vì to hơn mẹ, cho nên tay bị ngắn, phải can thêm một đoạn. Rõ ràng cô cũng phải trải qua biến cố của thời đại, trong biến cố, cô vẫn đi suốt lộ trình từ trẻ con đến tuổi thiếu nữ. Cô gái có vóc người mảnh mai, khuôn mặt nhái trẻ con bắt đầu dài ra và đầy đặn, càng trắng hơn, hai cánh tay trắng như sứ cứ thập thò trong ống áo. Biến cố thời đại không gột rửa hết dấu vết ngày cũ, ngược lại vì tinh thần đi xuống mà tính tình trở nên trầm lắng, ít nói.

Vào trường nhưng thật ra chưa có bài vở, hàng ngày chỉ đến lớp điểm danh, Hiểu Thu cảm thấy phấn khởi. Thu vốn biết hòa mình với mọi người, tuy gặp chuyện bất bình, nhưng vẫn tỏ ra rộng lượng. Vốn nhiệt tình, quen theo mặt tốt, cho nên không trách móc điều gì. Ngồi trong lớp chẳng qua chỉ để nghe loa truyền thanh, nghe toàn những chuyện đâu đâu và những lời giáo huấn lê thê dài dòng, những bạn ngồi xung quanh thỉnh thoảng lại bắt chuyện, mà Thu cũng rất thích nói chuyện. Cũng có lúc học sinh phải tập trung lên hội trường để nghe nhà trường dạy dỗ, từng lớp nối đuôi vào, chỉ trong chốc lát đã ngồi kín hội trường, ồn ào, không khí tràn ngập mùi vị của tuyến nội tiết chưa theo kịp tốc độ lớn lên mạnh mẽ của đám thanh thiếu niên, nóng nực và oi nồng, nhưng tuyệt đối không nhàm chán. Người đông, vô cùng phấn khởi, mắt nhìn ngược nhìn xuôi. Trong hội trường thiếu ánh sáng nên chẳng nhìn rõ, đầu người cứ chuyển động nhấp nhô cũng đủ vui rồi. Niềm vui nữa là đi tuần hành, chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, cứ xếp hàng kéo nhau ra quảng trường Nhân dân, xung quanh phơi phới cờ đỏ, trống chiêng phèng la ầm ĩ, người này diễn thuyết xong, người kia lên sân khấu, cứ như thi thố. Có cả múa hát, xem đội nào múa đẹp, hát hay. Nếu có người nhà quê nào đến đây, chắc hắn cho rằng đấy là hội làng. Gần tối, đội ngũ chỉnh tề lại kéo nhau ai về trường nấy. Xe cộ dừng cả lại, đường phố tràn ngập học sinh hô vang khẩu hiệu. Đội trống được ngồi xe, người đi xung quanh, xe ở giữa như cái đảo nổi di động. Lại có tốp đi tuần hành vào buổi tối, nói chung để nghe truyền đạt chỉ thị mới của trung ương. Trước hết tập trung ở sân trường, chờ chỉ thị đưa xuống, sau đấy mới xuất phát, có lúc phải chờ đến nửa đêm. Sân trường sáng đèn, dưới ánh đèn là đám trẻ ríu rít như đàn chim, chia nhau đứng thành từng tốp. Lúc này, học sinh nam và nữ tuyệt đối không nói chuyện với nhau, cố tình làm bộ, tỏ ra không thích nhau. Nhưng ban đêm tụ tập khiến chúng rất vui, nữ sinh thì ôm đầu ôm cổ, học sinh nam thì phất cờ giương cao những tấm băng khẩu hiệu. Không thể nói đây là sinh hoạt về đêm, sinh hoạt đêm thể nào cũng có chuyện trăng gió, tuy là mông muội, nhá nhem. Nhưng trong cái mông muội nhá nhem cũng có sự tính toán đường đi nước bước. Một hôm, trong cuộc tuần hành đêm, có mấy cô bạn bỗng nói với Hiểu Thu, buổi tối cậu mặc không giống với ban ngày. Câu nói bất ngờ tưởng như vô tình, nhưng vẻ mặt mấy bạn nữ sinh lại rất tinh nghịch, ẩn chứa ác ý, cố tình chỉ ra và làm tổn thương bạn. Ở lứa tuổi mười bốn, mười lăm, nữ hiểu biết hơn nam, đám con gái thành phố lắm lời đã học được nửa cái hiểu biết của người phụ nữ. Chúng cũng không cần học, tự động nhiễm cái khó hiểu của thành phố, nhưng lại như hiểu như không, biến những hứng thú mơ hồ thành chuyện đen tối. Hình ảnh của chúng cũng thay đổi, tất cả đều tỏ vẻ người lớn, ánh mắt lúng liếng, nụ cười kín đáo thâm thúy. Hiểu Thu thanh minh: các bạn nhầm rồi, ban ngày tớ cũng mặc thế này, nếu không tin, các bạn hỏi... Thu nhìn quanh để tìm người làm chứng ban ngày mình cũng mặc như thế này. Những người đứng xung quanh đều im lặng, chừng như rất hứng thú cái trò này sẽ tiếp diễn ra sao. Thái độ của Hiểu Thu càng quyết liệt hơn: các bạn quên rồi đấy, ban ngày mình vẫn mặc thế này. Cô nữ sinh dẫn đầu đám bạn cười rất thản nhiên: việc gì phải căng thẳng thế? Rồi nó quay đi, bỏ mặc Thu. Hiểu Thu cũng cảm thấy thái độ của mình có phần quá mức, nhưng đúng là Thu oan uổng thật sự. Mấy đứa bạn không nói ra, nhưng Thu hiểu ẩn ý trong câu nói. Thu hồ đồ đấy, nhưng kiểu ám chỉ ấy rất quen thuộc, chừng như từ nhỏ đến lớn Thu đã thấm đẫm những điều mập mờ rồi. Theo năm tháng, sự mập mờ ấy có phần cố tình. Nhưng như đã nói vừa rồi, Thu quen chọn mặt tốt, bản tính tự nhiên tìm đến nơi ấm áp, đổ đầy thế giới nhỏ bé trong tim. Cho nên, cơn bực tức qua đi, Thu không để bụng và cũng không là con người nhỏ nhen. Thu cùng với mấy bạn nữ hiếu động đề nghị với thầy giáo thành lập đội trống cơm. Tất nhiên thầy giáo không phản đối, cứ để mặc học sinh. Đám nữ sinh lục trong kho nhà trường được mấy cái trống và mấy cái chũm chọe. Kho của trường mất khóa từ lâu, đã bị lục lọi và lấy đi gần hết các thứ, chỉ còn bụi bặm và lũ chuột. Chúng thu dọn sạch sẽ, lấy ra tự tập, cuối cùng vẫn không biết đánh, phải có người dạy. Ai dạy bây giờ? Chúng tìm một học sinh lớp trên, vốn là đội trưởng đội tuyên truyền văn nghệ, hướng dẫn. Lúc này phong trào Hồng vệ binh đã nguội, tất cả đều giải giáp quy điền, ở nhà chờ phân công. Đám nữ sinh quyết định mời một người trong đám Hồng vệ binh hướng dẫn đánh trống.

Bọn chúng mời một nữ sinh lớp tám. Vì cô học sinh này ở gần nhà một người trong nhóm, em trai của cô ta đang học cùng lớp với bọn Thu. Tất nhiên đấy không phải là lý do, ngược lại, bọn chúng không nhờ cậu học sinh cùng lớp, mà đến nói chuyện thẳng với chị của cậu ta. Khi bọn chúng đến nhà cô kia thì gặp ngay cậu học sinh cùng lớp, hai bên làm như không quen biết. Cô chị vốn trong ban lãnh đạo một phái Hồng vệ binh, vì có tài ca hát nên trở thành cốt cán của đội tuyên truyền văn nghệ. Cô này không cao, da đen bóng. Có người gọi cô ta là “Hắc mẫu đơn”, nhưng cái tên ấy không lan truyền rộng rãi, vì cô ta không như vậy. Không như vậy là thế nào? Như vậy thì phải nhu mì, dịu dàng, nhưng cô ta có phần cứng nhắc. Mặt vuông chữ điền, dưới hàng lông mày rậm là đôi mắt có hàng mi cũng rậm như thế, sống mũi không cao nhưng được cái nhỏ nhắn, miệng nhỏ so với khuôn mặt và cặp mắt, môi mỏng, nhưng động tác khi hát có phần cố ý làm duyên trông cũng rất sinh động. Cô ta đang ở nhà, tự luyện giọng, trong ngõ mọi người đều biết ở đây có một ca sỹ giọng nữ cao. Thấy nhóm Thu đến, thoạt đầu cô ta còn từ chối, bảo không biết đánh trống, đó là chuyện của đội múa, sau đấy mách đi tìm một đội viên khác, nhưng người kia có nhận hay không, cô ta không dám bảo đảm. Cho đến khi cả nhóm con gái hết hy vọng, vẻ ỉu xìu cô ta mới an ủi để một hôm nào đến xem nhóm tập thế nào đã. Hỏi hôm nào, cô ta nói chưa định hôm nào. Hai hôm sau, cô ta xuất hiện nơi bọn chúng tập luyện trên sân khấu hội trường. Cô ta đã nhờ cậu em trai báo trước cho bọn chúng biết. Nhưng học sinh nam học sinh nữ không nói chuyện với nhau cơ mà? Cho nên, lời thông báo đại giá giáng lâm cũng bị lờ đi. Cô ta cứ nghe theo tiếng trống để tìm đến, cũng may nơi này cô ta rất quen thuộc, chỉ không vui vì không được nghênh tiếp long trọng. Nhưng khi đám nữ sinh nhỏ tuổi trông thấy cô ta, chúng vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, đấy là sự an ủi lớn đối với cô ta rồi. Cô ta chỉnh lại cách đeo trống, dạy thật cơ bản, đừng làm động tác đánh vội, trước tiên phải đứng tập. Đến lúc này bọn chúng mới biết mình sai ở đâu, nên cố gắng tập, sửa chữa những chỗ chưa chuẩn. Gõ trống đều dần, tùng tùng chát chát, rất có không khí. Phông màn sân khấu đã tháo bỏ từ lâu, lúc này không biết ở đâu, sân khấu biến thành hốc lớn. Hội trường cũng trống rỗng và tối tăm, một chút nắng từ ngoài hắt vào hành lang nơi cửa chính, nhưng nắng không ổn định, cứ luôn dịch chuyển rồi mất hẳn. Hồi âm của tiếng trống khiến âm lượng lớn hơn, dài hơn, thôi thúc, giục giã.

Luyện một lúc, cô huấn luyện viên đề xuất phải giải quyết hai vấn đề: thứ nhất, người quá ít, thứ hai, tốt nhất có học 4fa3 sinh nam đánh chũm chọe, chũm chọe như âm thanh chỉ huy, phải là một người giỏi đã được tập luyện cẩn thận mới có thể đảm nhiệm được vai trò này. Bọn chúng nhìn nhau, ngập ngừng vì khó có người, rồi chuyện tìm thêm trống ở đâu? Về học sinh nam, bọn chúng không biết tìm cậu nào. Cô học sinh lớp tám cười, nói trống thì dễ ợt, để cô ta lo, còn học sinh nam thì hơi khó, gợi ý hay là em trai cô ta? Sau hôm ấy, bọn chúng liên hệ với hơn chục người, quả nhiên trống không là vấn đề, cô học sinh lớp tám đưa bọn chúng đến trường này lấy vài ba cái, đến trường kia lấy dăm cái. Có lần, đến nhà một gia đình, chúng lên cái cầu thang dựng đứng, vào căn phòng chỉ vừa vài ba người đứng, lôi từ gậm giường ra bốn năm cái trống. Nhưng vẫn chưa tìm ra học sinh nam chơi chũm chọe, cậu em trai cô ta đối với đề nghị này nghe cũng không thèm nghe, nghĩ cũng không thèm nghĩ, nếu cậu ta tham gia, chẳng hoá ra con trai đi làm cái chuyện đánh chũm chọe vớ vẩn ấy sao? Bản thân lời đề nghị đã là điều xấu hổ rồi. Học sinh nam ở độ tuổi này thường giận bạn nữ, từ đấy càng xa các bạn nữ. Cuối cùng, Hiểu Thu nhận chân đánh chũm chọe, cô quyết học bằng được. Đến nước này rồi không còn cách nào khác. Cô học sinh lớp tám đưa thêm một bạn nữa đến dạy đánh trống, còn mình chuyên dạy Hiểu Thu đánh chũm chọe. Cô huấn luyện viên ngạc nhiên về sự thông minh của Hiểu Thu, Thu cũng rất cảm kích nhiệt tình hướng dẫn của cô kia, hai người thành bạn thân. Lúc này, đội trống cơm không tập trên sân khấu nữa mà ra tập ở sân trường, khiến nhiều người kéo đến xem. Đội trống của bọn chúng đi đầu đoàn tuần hành, Hiểu Thu đi đầu đội trống. Tay Thu cầm hai cái chũm chọe lớn, giơ cao, vươn người, đập mạnh chũm chọe trên không trung, theo sau là tiếng trống nổi lên dồn dập. Đoàn người tuần hành tiến một quãng, lại giơ lên, lại vươn người, chũm chọe đập mạnh trên không trung, trống lại đổi nhịp. Người đi đường thấy dáng phượng múa rồng bay của bọn chúng, chợt nhận ra Thu, gào to: mắt mèo, mắt mèo! Thu đã đi qua, chỉ để lại hình bóng với dải lụa đào bay phấp phới.

Hiểu Thu trở thành người nổi tiếng trong trường, ai cũng biết. Không biết Hiểu Thu thì cũng phải biết “mắt mèo” là ai. Cái tên hè phố có ý suồng sã, với trẻ con không là gì, nhưng với đàn ông đã có kinh nghiệm không khỏi suy nghĩ vớ vẩn. Nơi sân trường yên tĩnh học sinh nam lớn tuổi ít đến, chỉ một vài em mới chuyển cấp hay đến chơi, những học sinh này vẫn chưa thoát vẻ trẻ con. Vậy mà, sân trường lúc này có thêm một lớp người mới, đó là đội tuyên truyền công nhân. Đó là những công nhân của phân xưởng đúc nhà máy cơ khí Dương Bổ, họ vào ở trong ngôi trường gần trung tâm thành phố, tầm mắt cũng được mở rộng. Bộ mặt thành phố Thượng Hải lúc này có phần tiêu điều, nhưng với những người sống ở ven đô suốt ngày làm bạn với máy móc, cũng đã đủ đẹp, đủ phồn vinh lắm rồi. Hàng ngày, họ ngồi xe buýt từ chỗ đồn trú vào thành phố, thấy đường phố càng hẹp, nhà càng cao, cửa hàng san sát, người đi ngoài phố thì như nhàn rỗi. Thật ra không phải nhàn rỗi, mà đấy là vẻ hưởng thụ và đắm chìm, là bộ mặt con người trong thế giới phàm tục. Những công nhân sản xuất cảm thấy đáng ghét nhưng lại sinh lòng thèm muốn. Họ dấn thân cho cách mạng, lao động và sinh tồn đều rất đơn giản, không có gì phải che giấu. Niềm vui cũng đơn giản, chỉ có rượu thịt và gái. Nhưng như lúc này họ lại gặp một thế giới hoàn toàn ngược lại, cách mạng sôi sục như vậy cũng không tẩy rửa được nếp sinh hoạt xa xỉ. Ngay cả những đứa trẻ ra vào sân trường đều có cái vẻ cao sang đài các, vừa rất đáng ghét vừa rất cuốn hút. Cứ bình tâm suy xét, họ đều là những người thật thà, dựa vào sức lực và kỹ năng để kiếm ăn, nếu thời vận không đẩy họ lên sân khấu chính trị, họ sẽ là người suốt đời làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Nhưng lúc này lại không thế, như vừa nói, họ đã mở rộng tầm mắt rồi.

Bọn họ nhanh chóng chú ý đến cô học sinh “mắt mèo”, cô gái đã khơi gợi ham muốn giản đơn của họ. Ham muốn giản đơn này bắt nguồn từ quan hệ nam nữ trắng trợn và ngây thơ trong xưởng máy, đậm chất nhục thể, là sản phẩm của lao động cơ bắp và thô lỗ. Cái cô gái sống trong trung tâm thành phố tràn trề sinh khí toát ra bên ngoài, không hẹn mà gặp cái nhục cảm mà họ hiểu. Trong số những người đứng xem đội trống tập trên sân trường, có một cặp mắt lặng lẽ theo dõi Thu và bạn bè. Tất nhiên những công nhân kia không giống với cậu học sinh chơi piano, nhìn xoáy vào mông Hiểu Thu, bọn họ có kinh nghiệm trong quan hệ trai gái. Hơn nữa, trong thế giới của người khác - cho dù thời thế thay đổi, họ không bao giờ coi những gì ở đây là của mình, dù đấy là khiêm tốn hay tự kiêu - trong thế giới của người khác, họ chẳng hiểu gì, không biết những chuẩn mực ban đầu có thích hợp hay không. Thật ra, họ cũng không biết phải làm thế nào. Trong mắt họ, cô nữ sinh kia giơ tay đá chân, mỗi cái cau mày, mỗi nụ cười, từng đường cong dưới làn áo, lúm đồng tiền trên má... thật gợi cảm. Cái biệt danh “mắt mèo” cũng thật đúng với con người. Đúng là tuyệt vời, thông minh! Trong đội ngũ tuần hành, thật buồn cười, đám công nhân được đi hai bên Thu, giống như hộ tống, tiếng chũm chọe không làm họ đinh tai nhức óc, mà làm họ phấn chấn hiếm có. Với chức năng lãnh đạo, họ không tiện tiếp cận cô nữ sinh này. Chung quanh họ lố nhố đội ngũ những tiểu đoàn, đại đội, trung đội. Lúc này, học sinh thực hiện quân sự hóa, mỗi khối là tiểu đoàn, mỗi lớp là đại đội, dưới đấy chia thành trung đội. Từng tiểu đoàn, đại đội, trung đội cử cán bộ là học sinh trong lớp, cán bộ này thành phần phải trong sạch, tác phong giản dị, có lý tưởng chính trị, là thành viên cùng chiến tuyến giai cấp. Đám công nhân triệu tập học sinh học tập, báo cáo tối ngày, lúc không bận gì có thể chơi đùa, chuyện trò, thâm nhập tìm hiểu. Rõ ràng Hiểu Thu không thể là một trong số đó, thậm chí theo một phương diện nào đấy, Thu là đối tượng cần phải chỉnh đốn, loại bỏ. Qua thầy giáo và bạn bè của Thu, họ tìm hiểu về gia đình và thành phần xuất thân của cô, trong chừng mực nhất định câu chuyện về Thu đã được thêm thắt, như vậy, Thu là người chịu ảnh hưởng đen tối của thời đại cũ. Quả là những chuyện ly kỳ. Và cũng là một cô đàn bà ly kỳ. Họ dùng hai tiếng “đàn bà” để nói về Thu, cho dù Thu mới mười lăm. Trong cái tập thể những người công nhân kia cũng không thuần túy trong sạch, cũng có người dính bẩn. Trong đó có một người thợ làm khuôn đúc độ tuổi trung niên, học nghề từ nhỏ, tay nghề khá cao, rất được ưu ái, mấy ông chủ tranh giành anh ta, cho nên đã có thời nổi đình nổi đám. Nhưng vì suốt đời làm thuê, nên được liệt vào hàng ngũ công nhân. Anh ta cũng cao ráo, suốt ngày khoác cái áo bông trên người, ngậm tẩu thuốc làm bằng xương, cái tẩu đã ngả vàng. Anh ta có bộ mặt vuông vức, cặp mắt ti hí giống người Mông Cổ, lúc nào cũng lặng lẽ quan sát những gì đang diễn ra trước mắt. Những hôm trực đêm anh ta ở ngay trong trường, uống rượu cùng mấy ông bạn. Rượu vào lời ra, anh ta dặn dò đám công nhân trẻ phải chú ý cặp mắt của cô “đàn bà” kia,  anh ta rất quen cái cặp mắt ấy, thoáng nhìn là biết ngay “cô ta” là người thế nào. Là người thế nào? Anh ta không nói, chỉ nháy mắt một cách bí ẩn, bỏ ngỏ câu trả lời.

Trong thời gian này, đội trống rất nổi, nhà trường quyết định chấn chỉnh quản lý, biên chế lại tổ chức, tất nhiên đội viên đội trống rất vui mừng. Tại hội nghị chấn chỉnh, lúc đọc tên lần đầu không có Hiểu Thu, thoạt tiên không ai để ý, cho đấy chỉ là danh sách những người chơi trống, Thu là tay chơi chũm chọe cơ mà?      

Năm ấy đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh mồng một tháng Mười lần thứ hai mươi, nhưng từ tháng Tư, tháng Năm đã có kế hoạch tuần hành lớn, trường của Hiểu Thu được phân công đi trong đội hình bóng màu xếp chữ, cần rất đông người. Tất cả nữ sinh cao một mét sáu trở lên, học sinh nam từ một mét bảy, đều phải tham gia. Nhưng vẫn không có tên Thu. Điều khiến mọi người khó hiểu là, có mấy cô cậu cũng như Thu, đạt yêu cầu nhưng cũng không có tên trong đội ngũ tuần hành, đều nằm trong danh sách đen. Đám học sinh nam đó là những cậu hay đánh nhau, tụ tập đông người hoặc trộm cắp, nữ sinh gồm những cô đã từng bị kiểm điểm về tác phong sinh hoạt. Lần này Hiểu Thu không chịu. Thu đi tìm chủ nhiệm lớp, chủ nhiệm lớp đẩy cho đội tuyên truyền công nhân, mấy đứa bạn thân cùng Thu đi tìm đội tuyên truyền công nhân. Những người trong đội tuyên truyền công nhân nhìn Thu, nghe Thu nói, vẻ mặt họ rất kỳ lạ, như thưởng thức, lại như châm chọc, đùa cợt. Cuối cùng Thu nói: không nhất thiết em phải tham gia tuần hành, nhưng em phải làm cho ra nhẽ. Một anh công nhân cười và nói: thái độ đúng mức lắm, chúng tôi hoan nghênh thái độ đó. Bất giác, Thu trở nên hồ đồ: thái độ gì? Người kia nói: thái độ làm cho ra nhẽ. Đám công nhân này đều nói tiếng Giang Bắc, giọng rất cứng, lại pha chút châm chọc, không còn hiểu ra sao. Người kia nói tiếp: cô có thể nói, nếu không tiện nói thì đây có giấy bút, cô viết ra. Hiểu Thu hiểu ẩn ý trong câu nói ấy, mặt đỏ lựng: tôi không có gì để nói. Người kia bỗng nói: không muốn người khác biết, trừ phi mình đừng làm. Hiểu Thu không để ý đến mấy đứa bạn đang kéo lại, cứ xông tới thét lớn: vậy anh nói ra đi! Đám công nhân không nói chuyện với Thu nữa. Cuối cùng các bạn lôi được Thu ra ngoài, khuyên Thu không nên đụng vào đội tuyên truyền công nhân, nếu không sẽ thiệt thân đấy. Hiểu Thu được bạn dìu, vừa đi xuống lầu vừa khóc, khóc suốt dọc đường về nhà. Các bạn an ủi Thu, nhưng rồi không sao an ủi nổi, đành thôi, bỏ về. Hiểu Thu khóc một mình rất lâu, mãi đến giờ phải thổi cơm tối, Thu mới đứng dậy đi vo gạo, nhưng vẫn sụt sùi, ấm ức. Cô chị ngồi tựa giường đọc sách, coi như không thấy, không hỏi chuyện gì, càng không khuyên nhủ em gái. Cho đến khi mẹ về, thấy con gái khóc sưng cả mắt, cơm không ăn, nhất định bắt con phải nói rõ. Làm sao Thu có thể nói rõ được, làm sao có thể nói chuyện gì vào với chuyện gì, chỉ buồn, giận, lại khóc. Vừa khóc vừa nói, nói toàn những chuyện không liên quan với nhau, lại sợ mẹ nổi giận, rụt rè, càng nói càng không rõ. Mẹ nghe một lúc, rồi ngắt lời con gái: ăn cơm! Vậy là kết thúc.

Sáng sớm hôm sau, mẹ vẫn đi làm bình thường, nhưng dọc đường rẽ vào trường của Hiểu Thu. Dãy hành lang dọc các phòng học ồn ào như một tổ ong, có người đang lớn tiếng đọc gì đấy, không nghe rõ. Chị nghĩ bụng: thế này mà gọi là học à? Xấu hổ! Chị đi đến phòng tận cùng hành lang, trong phòng có mấy người đàn ông mặc áo bông dài, đeo phù hiệu. Chị bước vào hỏi, ai là người phụ trách, có người chỉ người kia. Chị kéo ghế ngồi, lấy bao thuốc trong túi ra, châm thuốc hút một mình, rồi đi thẳng vào vấn đề. Chị giới thiệu mình là mẹ của học sinh nào, nghe con nói ở trường con không bằng mọi người, trẻ con thua kém là do người lớn, chị chủ động đến để nghe nhận xét, giáo dục. Mấy người kia lặng im, họ không ngờ cái chị diễn viên vẫn bị đồn là trăng gió lại là người thế này, biết nói thế nào nhỉ, đanh đá, tư thế hút thuốc rất tự nhiên, lịch sự như đàn ông. Những người công nhân kia không biết trả lời thế nào, chị ngồi chờ, chờ họ nói, khiến họ cảm thấy bị dồn ép. Người phụ trách tự coi mình là từng trải, hắng giọng, nói: chúng tôi phải tăng cường giáo dục con chị. Chị tỏ ra khẩn thiết, hỏi: giáo dục cháu điều gì? Người phụ trách ngập ngừng giây lát rồi nói: giáo dục cô ta phải chịu đựng gian khổ, sống giản dị. Cháu có điểm nào tỏ ra không giản dị? Người nữ diễn viên bức xúc truy hỏi. Cách ăn mặc của cô ta, người phụ trách nói. Thì ra thế! Chị như bừng tỉnh. Chị quan sát mấy bộ mặt đang ở trước mặt đây, chị đã thấy điều gì? Chị có thể không hiểu tâm tư của họ ư? Chị thầm cười nhạt, vẫn hỏi với giọng bức xúc: ví dụ? Người phụ trách đã thoải mái hơn, nói năng trôi chảy hơn, mắt tỏa sáng. Ví dụ, cô ấy thường xuyên mặc áo khoác. - Áo khoác che gió che tuyết, cái áo mà tôi về lao động ở nông thôn vẫn dùng, cho cháu, chị thừa nhận - Mũ và tay áo có lông. - Đấy là lông nhân tạo, chị cải chính. - Còn nữa - khuôn mặt to bè của người kia đỏ lên - cô ta mặc quần len, ống quần rộng như hai lá cờ. - Quần của anh nó, anh nó mặc chật, cho em, chị thừa nhận, - Áo quần ấy không hợp. Chị không biết đấy, con gái chị đi qua là có không biết bao nhiêu cặp mắt nhìn theo, cô ta mười lăm mà như người hai mươi lăm tuổi. Chị nhìn thẳng vào mặt người phụ trách, khiến anh ta bối rối, chừng mực nào đấy anh ta đã bị kích thích, thái độ của anh ta bỗng trở nên cứng rắn, cao giọng: có người phản ánh, con gái chị quan hệ với ai đấy ngoài xã hội. Ai? Chị hỏi. Người phụ trách cười, không trả lời thẳng, mà nói: chị có biết cô ấy ngoài xã hội có biệt danh “mắt mèo” không? Mặt chị đỏ lên, nhưng vẫn rất bình tĩnh. Chị giụi đầu mẩu thuốc vào cái nắp ly lật ngược để trên mặt bàn dùng làm gạt tàn, nói: đấy là trách nhiệm của nhà trường, nhà trường phải đi điều tra làm rõ để xử lý sớm, nếu không làm rõ coi như không có chuyện, phải không? Chị mỉm cười, cái cười đẹp dịu dàng của ngày qua, nhưng cũng là cái đẹp băng giá lạnh lùng. Người phụ trách nói: chúng tôi sẽ cho điều tra. Lời nói cứng rắn, nhưng rõ ràng đã bị dắt mũi. Chị đứng thẳng dậy: nếu không điều tra ra, các người phải làm rõ sự thật, đến ngày ấy phải thông báo cho gia đình biết! Chị cầm cái túi để trên mặt bàn, chợt như sực nhớ điều gì, chị lấy cái băng đỏ để trong túi, đeo lên cánh tay, lại cười: suýt quên! Chị đi ra, vì đang giờ giải lao, học sinh đứng kín cửa ra vào tự động nhường chỗ cho chị đi. Người trong phòng ngồi ngây đuỗn.

Tối hôm ấy, mẹ về nói với Hiểu Thu. Không được mặc cái áo khoác và cái quần len kia nữa, nói xong chị tát con một cái. Cái tát làm chị nổi nóng, tát thêm mấy cái nữa. Hiểu Thu không tránh, cứ để mẹ tát. Thu đã quen với sự nổi nóng bất ngờ của mẹ, cũng biết nóng giận của mẹ đến nhanh và đi cũng nhanh. Nhưng hôm nay khác với mọi hôm, hôm nay anh trai về. Anh đã tốt nghiệp một trường trung cấp kỹ thuật, làm đồ họa viên tại một viện thiết kế. Vẻ ngoài của anh cũng khác trước, áo bông kiểu Trung Quốc, áo khoác màu xám đậm, quần len màu ghi nhạt, giày đen, tóc chải gọn, rất giống bố hồi còn làm ở nhà sách. Cậu ta vẫn ở ngoài, dọn từ trường học vào khu tập thể viện thiết kế, thỉnh thoảng mới về qua nhà, về chỉ để lục tung hòm xiểng tìm mấy cái áo quần còn lại của bố. Cái đồng hồ Omega hồi xưa của bố bây giờ cậu ta lấy đeo. Cậu ta không nhắc lại lời thề phân rõ ranh giới gia đình, mẹ càng không nhắc đến làm gì. Mẹ tỏ ra không thân với cậu con trai nhưng trong lòng vẫn dựa vào cậu ta, nên cũng nể sợ. Có thể là để con trai thấy, thấy gì cũng không biết, chị lại đánh thêm Hiểu Thu mấy cái tát nữa. Hình như để giúp mẹ, nhưng là giúp gì cũng không biết, anh trai đi tới. Giống như hồi nhỏ, cậu ta ra tay rất gọn, mắt không nhìn, đột ngột cho một quả. Cái hung bạo và lạnh lùng đã gieo hậu họa để cuộc đời cậu ta phải trả giá, nhưng đấy là chuyện về sau. Lần này cậu ta giơ chân, co gối, đạp vào bụng Thu, Thu “hự” lên một tiếng, ngả về phía sau kêu thét, nhảy dựng lên, nhưng không “hự” ra, mà nuốt ngược vào trong. Quay lại, thấy chị gái ngồi đọc sách trên giường vươn thẳng người, cuốn sách để trên đầu gối, ánh mắt kinh ngạc sợ hãi, Thu cảm thấy bất ngờ, không thấy đau, nhưng chân quỵ xuống, người gập lại. Mẹ biết con bị đánh đau, sốt ruột, kết quả lại đánh thêm vào đầu Thu mấy cái, coi như kết thúc dạy dỗ.


Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25707


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận