“Con khỉ này là con trai của anh?”
“Ờ thì, không hẳn vậy...”
“Không hẳn vậy?” Cô bước tới bước lui quanh phòng khách. “Nói vậy nghĩa là cái quái gì hả Henry?”
Hôm nay là một trưa thứ Bảy bình thường. Cô con gái Tracy mới lớn của họ không làm bài tập về nhà mà đang tắm nắng và nói chuyện điện thoại ở sân sau. Em trai của con bé là Jamie thì đang vẩy nước trong bể bơi. Trước đó Lynn đã bỏ cả ngày trong nhà để hoàn tất một công việc sắp hết hạn nộp. Ba ngày vừa qua cô đã rất vất vả với nó, vậy nên cô rất ngạc nhiên khi mở cửa trước và thấy chồng mình bước vào, tay dẫn theo một con tinh tinh.
“Henry? Nó có phải là con của anh hay không hả?”
“Phải, hiểu theo một nghĩa nào đó.”
“Hiểu theo một nghĩa nào đó. Vậy rõ rồi. Tôi mừng là anh nói rõ ràng ra như vậy.” Cô xoay người và trừng trộ nhìn anh. Một ý nghĩ khủng khiếp lóe lên trong đầu cô. “Chờ chút. Chờ chút đã nào. Có phải anh muốn nói với tôi là anh đã quan hệ tình dục với một...”
“Không, không,” chồng cô giơ hai tay lên nói. “Không đâu. Làm gì có chuyện đó. Chỉ là một cuộc thí nghiệm thôi mà.”
“Chỉ là một cuộc thí nghiệm thôi. Chúa ơi. Một thí nghiệm ư? Cuộc thí nghiệm gì hả Henry?”
Con khỉ ngồi co cụm lại, tay nắm các ngón chân. Ngước lên nhìn hai người lớn.
“Ráng hạ giọng một chút,” Henry nói. “Em làm nó sợ kìa.”
“Tôi làm nó sợ? Tôi làm nó sợ ư? Nó là một con khỉ chết giẫm mà Henry!”
“Dã nhân.”
“Dã nhân, khỉ... Henry, nó định làm gì ở đây hả? Tại sao nó lại ở trong nhà mình?”
“Ừ thì... Anh không... Thực ra thì, nó đến sống chung với mình.”
“Nó đến sống chung với mình. Đùng một cái nó đến. Anh có một đứa con là khỉ mà cũng chẳng bao giờ biết. Đùng một cái nó đến cùng anh. Tuyệt. Rõ lắm rồi. Hết sức rõ ràng. Ai cũng hiểu được mà. Sao trước đây anh không nói cho tôi biết hả Henry? À mà thôi đi, để tạo bất ngờ cũng được. Anh đang lái về nhà cùng với đứa con khỉ của anh nhưng anh sẽ cho em biết chuyện khi anh bước vào nhà. Tuyệt lắm Henry. Tôi mừng là chúng ta đã dự mấy phiên trị liệu về sự thân mật và giao tiếp giữa vợ chồng với nhau.”
“Lynn, anh xin lỗi...”
“Anh lúc nào cũng xin lỗi cả. Henry, anh định làm gì với nó đây? Anh định đưa nó đến sở thú hay sao hả?”
“Con không thích sở thú,” Dave thốt ra lời đầu tiên.
“Tao không hỏi mày,” Lynn nói. “Mày đừng xía vô chuyện này.”
Rồi sau đó cô điếng người.
Cô quay lại.
Cô trân mắt nhìn.
“Nó nói ư?”
“Phải,” Dave nói. “Cô có phải mẹ con không?”
Lynn Kendall không ngất xỉu, nhưng cô bắt đầu run rẩy và khi hai cặp gối cô sụp xu ng, Henry đỡ và dìu cô ngồi vào chiếc ghế mà cô thích nhất, nằm đối diện chiếc bàn tiếp khách, sát bên cạnh sofa. Dave không động đậy. Nó chỉ mở mắt thao láo ra nhìn. Henry vào trong bếp lấy cho vợ một ít nước chanh.
“Đây,” anh nói. “Em uống đi.”
“Tôi cần một ly martini.”
“Em à, thời đó đã qua rồi.” Lynn là thành viên của Hội Cai Rượu Vô danh.
“Tôi không biết thời nào là thời nào nữa,” cô nói. Cô đang nhìn Dave chằm chằm. “Nó nói. Con khỉ kia biết nói.”
“Dã nhân.”
“Con xin lỗi đã làm cô xợ,” Dave nói với cô.
“Cảm ơn, ờ...”
“Tên nó là Dave,” Henry nói. “Không phải lúc nào nó cũng phát âm đúng.”
Dave nói, “Thỉnh thoảng người ta bị con làm cho xợ. Họ cảm thấy tệ lắm.”
“Dave,” cô nói. “Không liên quan tới mày đâu cưng. Xem ra mày tử tế lắm thì phải. Liên quan tới hắn kìa.” Cô giật ngón cái về phía Henry. “Cái tên ngu si kia kìa.”
“Tên ngu xi là gì?”
“Chắc nó chưa bao giờ nghe mấy tiếng chửi thề đâu,” Henry nói. “Em cần phải xem lại lời nói của mình.”
“Sao mình xem lời nói được?” Dave nói. “Lời nói là tiếng ồn mà. Mình không thể xem tiếng ồn được.”
“Tôi chẳng hiểu gì cả,” Lynn ngả sâu vào ghế nói.
“Đó là thành ngữ,” Henry nói. “Một cách nói.”
“Ồ, con hiểu rồi,” Dave nói.
Có một khoảng lặng. Vợ anh thở dài. Henry vỗ cánh tay cô.
“Mẹ có cây không?” Dave nói. “Con thích leo cây.”
Ngay thời khắc đó, Jamie vào nhà. “Mẹ ơi, con cần khăn...” Nó liền ngừng nói và chăm chú nhìn con tinh tinh.
“Xin chào,” Dave nói.
Jamie chớp mắt, rồi bừng tỉnh ngay. “Ê, ngon lành thật!” nó nói. “Tao là Jamie.”
“Tên tôi là Dave. Anh có cây gì để leo không?”
“Có chứ! Cây to lắm! Đi nào!”
Jamie đi về phía cửa. Dave nhìn Lynn và Henry dò hỏi.
“Đi đi,” Henry nói. “Không sao hết.”
Dave nhảy khỏi sofa và lon ton đến cánh cửa, theo sau Jamie.
“Sao anh biết là nó không chạy đi luôn?” Lynn nói.
“Anh nghĩ nó không chạy đâu.”
“Vì nó là con anh mà...”
Cánh cửa đóng sập lại. Bên ngoài, họ nghe tiếng cô con gái đang thét, “Cái gì vậy hả?”
Hai người nghe Jamie nói, “Nó là tinh tinh và bọn em đang leo cây.”
“Em lấy nó ở đâu vậy hả Jamie?”
“Của bố mang về đấy.”
“Nó có cắn không?”
Họ không nghe được câu trả lời của Jamie, nhưng qua khung cửa họ thấy cành cây đung đưa. Những tiếng cười khúc khích giòn giã từ bên ngoài.
“Anh định sẽ làm gì với nó đây?” Lynn nói.
“Anh không biết nữa,” Henry nói.
“Chậc, nó không thể ở lại đây.”
“Anh biết.”
“Em đã không nuôi chó trong nhà thì làm sao lại chịu nuôi dã nhân chứ.”
“Anh biết.”
“Vả lại cũng không có chỗ cho nó.”
“Anh biết.”
“Đúng là lộn xộn cả lên,” cô nói.
Anh không nói gì, chỉ gật đầu.
“Chuyện quái quỷ này xảy ra như thế nào hả Henry?” cô nói.
“Chuyện dài lắm,” anh nói.
“Em đang nghe đây.”
Khi bộ gien người được giải mã, anh giải thích, các nhà khoa học khám phá thấy bộ gien của tinh tinh gần như giống hoàn toàn bộ gien người. “Toàn bộ số gien tách biệt hai loài chúng ta,” anh nói, “chỉ là năm trăm gien.”
Dĩ nhiên, con số đó dễ gây ngộ nhận, bởi người và nhím biển cũng có nhiều loại gien giống nhau. Thực tế thì gần như mọi sinh vật trên hành tinh này đều có chung hàng chục nghìn gien giống nhau. Có một nền tảng vĩ đại gắn kết mọi dạng sống, theo phương diện di truyền học.
Vì thế, nhiều người trở nên quan tâm muốn biết điều gì đã tạo ra sự khác biệt giữa các loài khác nhau. Con số năm trăm gien không phải là nhiều, nhưng lại là một lằn ranh rất lớn, dường như ngăn cách giữa tinh tinh và con người.
“Nhiều loài có thể lai chéo nhau để sản sinh ra thế hệ lai giống - sư tử và hổ, báo hoa mai và báo đốm Bắc Mỹ, cá heo và cá voi, trâu nước và trâu bò thuần chủng, ngựa vằn và ngựa, lạc đà và lạc đà không bướu. Gấu xám và gấu Bắc Cực thỉnh thoảng cũng giao phối với nhau trong thiên nhiên tạo ra gấu xám Bắc Cực grolar. Vì vậy người ta đặt câu hỏi là tinh tinh và người có thể nào lai giống với nhau để tạo ra người tinh tinh hay không. Câu trả lời dường như là không.”
“Có người đã thử rồi à?”
“Đã thử nhiều lần. Bắt đầu từ những năm 1920.”
Nhưng cho dù hiện tượng lai giống không thể xảy ra đi nữa, Henry giải thích, thì người ta vẫn có thể đưa gien người trực tiếp vào phôi tinh tinh để tạo ra một con vật chuyển gien. Bốn năm trước, khi Henry đang nghỉ phép ở Tổng viện Y tế Quốc gia, lúc đó anh đang nghiên cứu về bệnh tự kỷ, và anh muốn biết những gien nào có thể giải thích cho sự khác biệt về khả năng giao tiếp giữa người và dã nhân. “Vì tinh tinh có thể giao tiếp,” anh nói. “Chúng có nhiều loại tiếng kêu và cử chỉ bằng tay khác nhau; chúng có thể tự tập hợp lại thành những toán săn giết thú cỡ nhỏ cực kỳ hiệu quả. Vì vậy chúng có thể giao tiếp, nhưng không có ngôn ngữ để giao tiếp. Như người bị tự kỷ nặng vậy. Đó là điều làm a nh quan tâm.”
“Rồi anh làm gì?” vợ anh hỏi.
Trong phòng thí nghiệm, dưới kính hiển vi, anh đưa gien người vào một cái phôi tinh tinh. Gien của chính anh.
“Gồm cả gien chi phối khả năng ngôn ngữ ư?” cô hỏi.
“Thật ra thì tất cả các gien.”
“Anh đưa vào tất cả các gien của anh.”
“Này, anh chưa bao giờ ngờ là vụ thí nghiệm này lại kéo dài trọn cả chu kỳ,” anh nói. “Lúc đó anh chỉ mong lấy được cái bào thai thôi.”
“Lấy bào thai, không phải con thú ư?”
Nếu bào thai chuyển gien sống được tám chín tuần trước khi thai tự sẩy, nó sẽ có đủ mức độ phân hóa để anh có thể mổ ra tìm hiểu và nâng cao kiến thức về khả năng giao tiếp ở dã nhân.
“Anh cứ ngỡ cái bào thai sẽ chết à?”
“Phải. Lúc đó anh chỉ hy vọng nó có đủ...”
“Rồi sau đó anh sẽ mổ toạc cái bào thai ra?”
“Mổ ra, đúng rồi.”
“Mấy cái gien của chính anh, bào thai của chính anh - anh làm như vậy chỉ để có cái gì đó mà mổ ư?” Cô đang nhìn anh như thể anh là quái vật vậy.
“Lynn à, chỉ là thí nghiệm thôi mà. Bọn anh làm mấy thứ này thường...” Anh ngừng nói. Có giải thích hết tất cả cũng chẳng ích gì. “Này,” anh nói, “mấy cái gien đó ngay trong tầm tay anh. Anh chẳng cần ai cho phép mình sử dụng chúng cả. Đó là thí nghiệm mà. Chẳng liên quan gì tới anh.”
“Bây giờ thì có đấy,” cô nói.
Câu hỏi mà trước giờ Henry vẫn luôn miệt mài tìm câu trả lời là một câu hỏi rất cơ bản. Tinh tinh và người tách ra từ một tổ tiên chung cách đây sáu triệu năm. Và các nhà khoa học từ lâu đã chú ý thấy tinh tinh giống người nhất ở giai đoạn còn là bào thai. Điều này cho thấy người khác tinh tinh một phần là do sự khác biệt trong quá trình phát triển trong tử cung. Có thể xem quá trình phát triển ở người là quá trình đã bị chặn lại ở giai đoạn bào thai ở tinh tinh. Một số nhà khoa học cảm thấy nó có liên quan đến sự phát triển cuối cùng của bộ não người, thể tích của não tăng gấp đôi trong năm đầu sau khi thai nhi lọt lòng. Nhưng điều mà Henry quan tâm là khả năng ngôn ngữ, và để cho khả năng này xảy ra, dây thanh quản phải di chuyển từ miệng xuống cuống họng tạo ra hộp âm. Quá trình này xảy ra ở người, còn ở tinh tinh thì không. Toàn bộ chuỗi sự kiện trong quá trình phát triển diễn ra hết sức phức tạp.
Henry hy vọng có thể thu hoạch được một bào thai chuyển gien và từ đó có thêm một ít kiến thức về tác nhân gây ra sự thay đổi trong quá trình phát triển ở người khiến con người có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ. Ít nhất thì đó là kế hoạch thử nghiệm ban đầu của anh.
“Tại sao anh dự tính lấy cái bào thai đó ra rồi lại không làm?” cô hỏi anh.
Bởi vì mùa hè năm đó, nhiều con tinh tinh bị nhiễm viêm não do vi rút gây ra, và những con tinh tinh khỏe mạnh phải được đưa đi nơi khác để cách ly. Chúng được đưa đến nhiều phòng thí nghiệm khác nhau quanh bờ biển phía Đông. “Anh chẳng nghe ngóng được tin gì về cái phôi mà anh cấy cả. Anh tưởng là con mẹ tự sẩy thai tại một cơ sở cách ly ở đâu đó, rồi những chất trong bào thai bị vứt đi. Anh không thể điều tra quá sát sao được...”
“Bởi vì những gì anh làm là phạm pháp.”
“Ừ, thì... Cái từ đó nặng nề quá. Anh cứ tưởng thí nghiệm đã thất bại rồi thì mọi chuyện đã chấm dứt.”
“Chắc không đâu.”
“Ừ,” anh nói. “Chắc không đâu.”
Con mẹ sinh ra một con tinh tinh đủ tháng rồi cả hai mẹ con được đưa trở lại Bethesda. Con tinh tinh sơ sinh trông có vẻ bình thường về mọi phương diện. Da của nó hơi nhợt nhạt, nhất là quanh vùng miệng, nơi không có lông. Nhưng tinh tinh rất đa dạng về lượng sắc tố ở da mà chúng thể hiện. Chẳng ai nghĩ đó là chuyện gì khác lạ cả.
Càng lớn con tinh tinh càng bộc lộ sự bất thường. Gương mặt dẹt lúc đầu không còn nhô ra ngoài theo tuổi nữa. Đặc điểm trên khuôn mặt vẫn có nét của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, không ai đặt nghi vấn về hình dáng của con tinh tinh con cả - cho tới khi trong một lần kiểm tra máu định kỳ họ phát hiện ra con tinh tinh sơ sinh này cho kết quả âm tính đối với enzim axít xialic Gc. Vì tất cả các con dã nhân đều mang enzim này, xét nghiệm này rõ ràng là sai, rồi người ta lặp lại xét nghiệm. Một lần nữa, kết quả lại là âm tính. Con tinh tinh sơ sinh này không có enzim đó.
“Không có enzim này là một tính trạng ở người,” Henry nói. “Axít xialic là một loại đường. Không người nào có axít xialic dạng Gc cả. Nhưng dã nhân thì có.”
“Nhưng con sơ sinh này không có.”
“Đúng vậy. Cho nên người ta mới làm một loạt xét nghiệm ADN rồi nhanh chóng nhận thấy rằng con tinh tinh này không có mức độ khác biệt một phẩy năm phần trăm về gien thường thấy giữa người và tinh tinh. Nó có ít dị biệt hơn. Rồi họ bắt đầu ráp các dữ liệu lại với nhau.”
“Rồi so ADN của con tinh tinh này với ADN của tất cả những ai làm việc trong phòng thí nghiệm.”
“Ừm.”
“Và thấy nó khớp với ADN của anh.”
“Ừm. Vài tuần trước văn phòng của Bellarmino có gửi cho anh một mẫu. Anh đoán là để cảnh báo trước cho anh biết.”
“Anh đã làm gì?”
“Mang tới chỗ một người bạn để phân tích.”
“Bạn của anh ở Long Beach?”
“Phải.”
“Còn Bellarmino?”
“Ông ta chẳng qua không muốn chịu trách nhiệm khi chuyện này lọt ra ngoài.” Anh lắc đầu. “Anh đang lái xe và vừa chuyển sang hướng Tây Chicago thì nhận được điện thoại từ gã Rovak này ở phòng thí nghiệm động vật. Ông ta nói là anh tự mình lo chuyện này đi, anh bạn. Thái độ của họ là vậy. Vấ n đề của anh, không phải của họ.”
Lynn chau mày. “Tại sao đây không phải là một phát minh lớn chứ? Chẳng phải chuyện này sẽ làm anh nổi tiếng khắp thế giới hay sao? Anh đã tạo ra được một con dã nhân chuyển gien đầu tiên.”
“Vấn đề là,” Henry nói, “anh có thể bị chỉ trích vì chuyện này, thậm chí là bị bỏ tù nữa. Bởi anh chưa được phép của các ủy ban giám sát nghiên cứu Linh trưởng. Bởi NIH bây giờ cấm nghiên cứu chuyển gien trên bất kỳ con vật nào ngoài chuột. Bởi tất cả những tên quái đản và điên khùng chống công nghệ chuyển gien sẽ sẵn sàng khí giới cho chuyện này. Bởi NIH không muốn dính líu gì tới chuyện này và sẽ phủ nhận không biết chuyện này.”
“Vậy là anh không thể cho bất kỳ ai biết Dave đến từ đâu à? Đó là vấn đề đấy Henry, bởi vì anh sẽ chẳng bao giờ giữ Dave làm bí mật mãi được.”
“Anh biết,” anh nói một cách khổ não.
“Tracy đang kể lể qua điện thoại cho tất cả bạn bè nghe về con dã nhân bé nhỏ dễ thương trong sân nhà mình đấy.”
“Ừ...”
“Đám bạn của nó mấy phút nữa sẽ tới đây đấy. Anh làm sao giải thích về Dave cho tụi nó hiểu đây? Bởi vì sau mấy con bé ấy là mấy tay phóng viên.” Lynn liếc nhìn đồng hồ. “Một tiếng, hai tiếng nữa, tối đa. Anh sẽ nói gì đây?”
“Anh không biết nữa. Chắc là... anh sẽ nói công trình được thực hiện ở một nước khác. Ở Trung Quốc. Hay ở Hàn Quốc. Rồi người ta gởi nó qua đây.”
“Rồi Dave sẽ nói gì khi mấy tay phóng viên nói chuyện với nó?”
“Anh sẽ kêu nó không nói chuyện với họ.”
“Phóng viên không để yên chuyện này đâu Henry à. Họ sẽ cắm trại ở ngoài nhà mình cùng với mấy cái ống kính dài ngoằng; họ sẽ vây trực thăng quanh trên đầu. Họ sẽ đáp chuyến bay tiếp theo tới Trung Quốc hay Hàn Quốc để nói chuyện với người thực hiện chuyện này. Rồi khi họ không tìm được người đó... thì sao đây?”
Cô chăm chú nhìn anh rồi bước tới cửa. Cô nhìn ra sân sau, Dave đang chơi với Jamie ngoài đó. Hai đứa la hét và đung đưa hết cây này sang cây khác. Cô im lặng trong chốc lát. Rồi cô nói, “Anh biết gì không, da của nó đúng là khá nhợt nhạt đấy.”
“Anh biết.”
“Mặt nó dẹt, gần như là người vậy. Nếu cắt tóc đi thì trông nó sẽ ra sao nhỉ?”
Và thế là hội chứng Gandler-Kreukheim xuất hiện, một hội chứng đột biến di truyền hiếm gặp khiến cơ thể thấp bé, mọc nhiều lông tóc và có những biến dạng trên mặt làm người ta có ngoại hình như dã nhân vậy. Hội chứng này cực kỳ hiếm gặp, trong thế kỷ vừa qua người ta chỉ ghi nhận được bốn trường hợp. Đầu tiên, trong một gia đình quý tộc Hungari ở Budapest vào năm 1923. Hai người con trong gia đình sinh ra có hội chứng này và hội chứng này được một bác sĩ người Áo, bác sĩ Emil Kreukheim, mô tả trong y văn. Hội chứng xuất hiện lần thứ hai ở một đứa trẻ Inuit sinh ra ở miền Bắc Alaska vào năm 1944. Đứa bé thứ ba, một bé gái, sinh ra ở São Paulo năm 1957, nhưng chết vì nhiễm trùng chỉ vài tuần sau khi chào đời. Năm 1988, đứa bé thứ tư ở Bruges (Bỉ) chỉ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong một thời gian ngắn và sau đó biến mất. Không ai biết hiện giờ bé đang ở đâu.
“Em thích vụ này đấy,” Lynn nói. Cô đang gõ bàn phím máy tính xách tay. “Tên của hội chứng nhiều lông tóc là gì vậy? Chứng nhiều lông tóc trong gia đình ấy?”
“Chứng đa mao,” Henry nói.
“Phải đấy.” Cô tiếp tục đánh máy. “Vậy Gandler-Kreukheim có liên quan đến... chứng đa mao. Chính xác là... chứng langinosa đa mao bẩm sinh. Và bốn trăm năm vừa qua chỉ có năm mươi ca được ghi nhận.”
“Em đang đọc những thông tin ấy, hay đang viết ra những thông tin ấy đấy?”
“Cả hai.” Cô ngả người. “Được rồi,” cô nói, “bây giờ em chỉ cần chừng này thôi. Anh nên đến nói cho Dave biết.”
“Cho nó biết chuyện gì?”
“Nói cho nó biết nó là người. Mà không nói thì chắc nó cũng nghĩ nó là người rồi.”
“Được rồi.” Khi Henry bước đến cánh cửa, anh nói, “Em thật sự nghĩ sẽ có tác dụng à?”
“Em biết sẽ ổn mà,” Lynn nói. “California có luật ngăn cấm xâm phạm đời tư của những trẻ đặc biệt. Nhiều đứa trẻ trong số đó có những dị tật rất nghiêm trọng. Chỉ lớn lên và đi học không thôi cũng đã là thách thức với chúng rồi, nói gì tới gánh nặng bị báo chí soi mói thêm. Báo chí mà làm vậy sẽ bị phạt nặng. Họ không dám đâu.”
“Chắc vậy,” anh nói.
“Hiện tại thì đây là cách tốt nhất mình có thể làm,” cô nói. Cô lại gõ bàn phím.
Anh dừng trước cửa. “Nếu Dave là con người,” anh nói, “thì mình không thể gửi nó tới rạp xiếc được.”
“Ồ, không đâu,” Lynn nói. “Không, không. Dave sống với chúng ta. Bây giờ thì nó là thành viên gia đình rồi - cũng nhờ anh đấy. Mình không có lựa chọn nào khác.”
Henry đi ra ngoài. Tracy và mấy đứa bạn của con bé đang đứng dưới cây, tay chỉ vào trong đám cành lá. “Nhìn con khỉ kia kìa! Nhìn nó kìa!”
“Không,” Henry nói với chúng. “Nó không phải là khỉ đâu. Các cháu cũng đừng làm nó xấu hổ. Dave bị một hội chứng di truyền hiếm gặp...” Rồi anh giải thích, chúng mở to mắt ra nghe.
Jamie có một chiếc giường với tầng phụ có thể kéo ra từ dưới gầm mà nó thường sử dụng khi bạn bè của nó ngủ lại nhà. Lynn kéo giường ra, rồi để Dave ngủ trên đó, bên cạnh Jamie. Lời cuối của Dave là “Mềm mại quá,” rồi gần như ngay lập tức ngủ say sưa, trong khi Lynn vuốt ve xoa dịu lông của nó. Jamie nói, “Hay quá mẹ ơi. Giống như là có một đứa em trai vậy.”
“Hay thật đúng không,” cô nói.
Cô tắt đèn rồi đóng cửa lại. Khi quay lại kiểm tra chúng, cô thấy Dave đã quấn chăn màn thành một vòng tròn quanh người, tạo ra một loại tổ ấm ở giữa giường.
“Không được,” Tracy đứng chống nạnh trong bếp nói. “Không được, nó không thể sống trong nhà mình được. Sao bố lại làm vậy với con hả bố?”
“Làm gì cơ?”
“Bố biết tụi bạn con sẽ nói gì mà. Nó là một con khỉ giống người mà bố. Khi mũi nó bị nghẹt thì nó khò khè giống như bố vậy.” Nó rơm rớm nước mắt. “Nó có máu mủ với bố chứ gì? Nó có gien của bố mà.”
“Nào, Tracy...”
“Con xấu hổ quá đi.” Nó bắt đầu khóc. “Con đâu còn cơ hội trở thành hoạt náo viên năm đầu nữa.”
“Tracy,” anh nói. “Bố chắc là con sẽ có...”
“Năm nay không còn là năm của con nữa rồi bố!”
“Vẫn còn là năm của con mà.”
“Sao mà được chứ khi con có một con khỉ trong nhà!”
Cô bé đi tới tủ lạnh lấy lon coca rồi trở lại mà vẫn còn thổn thức. Đúng lúc này thì mẹ cô bước vào. “Nó không phải là khỉ,” Lynn nói quả quyết. “Nó là một đứa nhỏ bất hạnh bị một chứng bệnh nghiêm trọng thôi.”
“Ôi, đúng quá rồi mẹ.”
“Con tự mình tra cứu đi. Tìm trên Google ấy.”
“Để con tìm!” Vẫn còn thổn thức, cô bé bước đến chỗ máy tính. Henry liếc nhìn Lynn rồi đến nhìn qua vai cô con gái.
Rối loạn biến dị đa mao được ghi nhận vào năm 1923 (Hungary)
Hội chứng Gandler-Kreukheim vào thứ Hai 01/01/06 lúc 5:05 chiều
Chắc chắn chứng lông tóc nhiều là dấu hiệu phụ sau QT/TD. Những bệnh nhân người Hungary này không thấy biểu hiện xơ cứng, theo 1923...
Dot.gks.org/9872767/9877676/490056 - 22K - Bản cache - Trang tương tự
Hội chứng Gandler-Kreukheim - Vụ kiện Inuit (1944)
Vào thời kỳ hỗn loạn trong Thế chiến II, cậu bé người Inuit bị hội chứng Gandler-Kreukheim ở thị trấn Sanduk phía Bắc Alaska được điều trị bởi một ...
Dot.gks.org/FAQ_G-K_S/7844908Inuit - 41K - Bản cache - Trang tương tự
Gái mại dâm sinh ra đứa con dã nhân ở Bắc Kinh
Tờ New China Post ghi nhận một trường hợp trẻ sơ sinh có lông tóc như tinh tinh và tay chân to lớn, mẹ của bé là một cô gái mại dâm người Mông Cổ, người ta cho rằng cô đã giao phối với một con tinh tinh Nga để kiếm tiền. Người ta nghi vấn đây có phải là hội chứng Gandler-Kreukheim hay không, một chứng bệnh cực kỳ hiếm...
Dot.gks.org/4577878/9877676/490056 - 66K - Bản cache - Trang tương tự
“Người Khỉ” Delhi - Một ca Gandler-Kreukheim mới?
Tờ Hindustan Times ghi nhận trường hợp một người đàn ông có hình dáng và sự linh hoạt của khỉ, người này có thể nhảy từ mái nhà này qua mái nhà khác, làm cư dân địa phương hoảng sợ. Ba ngàn cảnh sát được điều động đến...
Dot.gks.org/4577878/9877676/490056 - 66K - Bản cache - Trang tương tự
Hội chứng Gandler-Kreukheim - Từ Bỉ
Tấm ảnh của cậu bé trông giống khỉ xuất hiện khắp các mặt báo ở Brussels cũng như trong các ấn phẩm ở Paris và Bonn. Sau năm 1989, đứa bé tên Gilles này đã biến mất khỏi sự chú ý của công chúng... (Đã dịch)
Dot.gks.org/4577878/9877676/490056 - 52K - Bản cache - Trang tương tự
Syndrome Gandler-Kreukheim - De la Belgique
Ressemblant đ un singe, l’image du jeune garon est apparue partout dans la presse de Bruxelles comme les publications disperses đ Paris et đ Bonn. Aprs 1989, l’enfant dont le nom tait Gilles, est disparu de la vue publique…
Dot.gks.org/4577878/77676/0056/9923.shmtl - 36K - Bản cache - Trang tương tự
“Lúc nãy con không biết,” Tracy nói, mắt chăm chú nhìn màn hình. “Từ xưa đến nay chỉ có bốn năm ca. Thằng bé đáng thương!”
“Nó rất đặc biệt!,” Henry nói. “Bố hy vọng con sẽ đối xử với nó tốt hơn.” Anh đặt tay lên vai Tracy và ngoái nhìn vợ. “Một vài tiếng đồng hồ mà được tất cả thứ này á?”
“Em bận nãy giờ đấy,” cô nói:
Trong phòng hội nghị của khách sạn Hoa Đình ở Thượng Hải, năm mươi phóng viên ngồi tại những chiếc bàn màu lục phủ nỉ, hàng nối hàng. Tất cả máy quay truyền hình nằm ở cuối phòng, và ngồi trên sàn ở phía trước là mấy tay quay phim, cùng với các ống kính chụp xa cồng kềnh của họ.
Ánh đèn flash nhấp nháy liên hồi khi giáo sư Thân Chí Hồng, viện trưởng Viện Sinh hóa và Sinh học Tế bào Thượng Hải (IBCB), bước lên chỗ micro. Trong bộ vest đen, ông Thân trông thật nổi bật, và nói tiếng Anh rất giỏi. Trước khi trở thành viện trưởng của IBCB, ông đã cư ngụ mười năm ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts làm giáo sư sinh học tế bào tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
“Tôi không biết mình sắp cho quý vị biết tin tốt hay tin xấu nữa,” ông nói. “Nhưng tôi e đây sẽ là tin làm mọi người thất vọng. Dù có ra sao thì tôi cũng sẽ giải quyết rốt ráo một số tin đồn.”
Ông bày tỏ rằng không hiểu vì lý do gì mà tin đồn về nghiên cứu trái đạo đức ở Trung Quốc bắt đầu lan truyền sau “Hội thảo liên hiệp Đông Á lần thứ 12 về nghiên cứu y sinh” ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. “Tôi không hiểu tại sao nữa,” ông Thân nói. “Hội nghị hoàn toàn bình thường, và chỉ mang tính chuyên môn thuần túy.” Tuy nhiên, tại hội nghị tiếp theo ở Seoul, phóng viên từ Đài Loan và Tokyo lại hỏi những câu hỏi có chủ đích.
“Do vậy mà Byeong Jae Lee, trưởng khoa sinh học phân tử tại Đại học Quốc gia Seoul đã khuyên tôi nên thẳng thắn trình bày vấn đề này. Ông ấy có kinh nghiệm đối phó với sức mạnh của tin đồn.”
Khán giả cười khúc khích ra chiều hiểu ý. Tất nhiên ông Thân đang nói tới vụ bê bối khắp thế giới xung quanh nhà di truyền học Hàn Quốc nổi tiếng là Hwang Woo-Suk.
“Do đó, tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề,” ông nói. “Đã nhiều năm rồi người ta đồn đại là các nhà khoa học Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra một giống lai giữa người và tinh tinh. Theo câu chuyện này thì hồi năm 1967, một bác sĩ giải phẫu tên Cơ Vĩnh Tường làm thụ tinh một con tinh tinh cái bằng tinh trùng người. Con tinh tinh này đang trong tháng thứ ba của thai kỳ thì những người dân tức giận ùn ùn kéo vào phòng thí nghiệm của ông khiến cuộc thí nghiệm phải chấm dứt. Con tinh tinh sau đó qua đời, nhưng người ta cho rằng các nghiên cứu viên tại Học viện Khoa học Trung Quốc bày tỏ mong muốn được tiếp tục nghiên cứu.”
Ông Thân ngừng lại một chút. “Đó là câu chuyện thứ nhất. Câu chuyện này hoàn toàn bịa đặt. Chưa bao giờ có con tinh tinh nào được bác sĩ Vĩnh Tường hay người nào khác ở Trung Quốc làm thụ tinh cả. Cũng chưa có nơi nào trên thế giới có tinh tinh được làm thụ tinh cả. Chuyện này nếu xảy ra thì quý vị phải biết rồi chứ.”
“Sau đó, vào năm 1980, người ta lan truyền một câu chuyện mới nói rằng các nhà nghiên cứu Ý đã thấy phôi người-tinh tinh trong một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh. Tôi đã nghe chuyện này khi còn là giáo sư ở MIT. Tôi yêu cầu được gặp những nhà nghiên cứu Ý nói trên. Không ai tìm được họ cả. Họ luôn là bạn của một ai đó khác.”
Ánh đèn flash nhấp nháy trở lại, ông Thân đứng chờ. Mấy tay quay phim bò quanh chân ông khiến ông khó chịu. Một lúc sau, ông nói tiếp. “Tiếp theo là một câu chuyện vài năm trước kể về một cô gái mại dâm người Mông Cổ sinh ra một đứa bé có những đặc điểm giống tinh tinh. Người ta nói người tinh tinh này nhìn giống con người nhưng lại có rất nhiều lông lá và tay chân rất to. Người tinh tinh này uống whisky và nói chuyện có câu cú đầy đủ. Theo câu chuyện này thì con tinh tinh hiện đang ở trụ sở chính của Cục Không gian Trung Quốc ở quận Triều Dương. Thỉnh thoảng người ta có thể thấy nó ngồi ở cửa sổ đọc báo và hút xì gà. Người ta cho rằng nó sẽ được đưa lên mặt trăng bởi vì đưa người thường lên đó quá nguy hiểm.
“Câu chuyện này cũng là bịa đặt. Tất cả những chuyện này đều là bịa đặt. Tôi biết chuyện này kể ra có trêu ngươi người khác thì nghe cũng vui tai lắm. Nhưng nó hoàn toàn không có thật. Tại sao tin đồn này lại xuất hiện ở Trung Quốc thì tôi không chắc. Nhất là khi chúng ta đều biết quốc gia có ít quy định nhất về thí nghiệm gien lại là Hoa Kỳ. Ở đó anh có thể làm hầu như chuyện gì cũng được. Chính ở đó, một con vượn được giao phối thành công với một con vượn mực - loài Linh trưởng bà con xa của người và tinh tinh về mặt di truyền. Kết quả là có nhiều thế hệ con được sinh ra. Chuyện này xảy ra ở Đại học bang Georgia. Gần ba mươi năm trước.”
Sau đó ông ta mời khán giả đặt câu hỏi. Theo biên bản ghi lại:
CÂU HỎI: Tiến sĩ Thân, có phải Hoa Kỳ đang nghiên cứu tạo ra một con tinh tinh lai giống không?
TS. THÂN: Tôi không có lý do nào để nghĩ vậy cả. Tôi chỉ quan sát thấy Hoa Kỳ có ít quy định nhất.
CÂU HỎI: Có thể thụ tinh cho một con tinh tinh bằng tinh trùng người không?
TS. THÂN: Tôi cho là không. Gần một thế kỷ nay người ta đã thử làm vậy. Trở lại những năm 1920, khi đó Stalin ra lệnh cho nhà lai giống động vật nổi tiếng nhất ở Nga làm như vậy để tạo ra một chủng loại chiến binh mới cho ông ta. Nhà lai giống ấy tên là Ivanov và ông ta đã thất bại, rồi bị bỏ tù. Vài năm sau, các nhà khoa học của Hitler cũng thử nghiệm và lại thất bại. Ngày nay chúng ta biết rằng bộ gien của người và của tinh tinh rất gần nhau, nhưng môi trường tử cung lại khác nhau đáng kể. Vì vậy, tôi cho là không thể.
CÂU HỎI: Có thể làm được chuyện này bằng cách chuyển đổi gien không?
TS. THÂN: Chuyện đó rất khó nói. Xét theo lập trường kỹ thuật mà nói thì làm vậy hết sức khó. Còn theo lập trường đạo đức thì theo tôi chuyện đó không khả thi.
CÂU HỎI: Nhưng một nhà khoa học Mỹ đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một con người lai giống rồi mà.
TS. THÂN: Giáo sư Stuart Newman thuộc Đại học Y New York bị từ chối cấp bằng sáng chế cho một giống lai nửa người nửa thú. Nhưng ông ta không tạo ra giống lai nào cả. Tiến sĩ Newman nói ông xin cấp bằng sáng chế để thu hút sự chú ý của dư luận về những vấn đề đạo đức có liên quan thôi. Các vấn đề về đạo đức ấy vẫn chưa được phân giải.
CÂU HỎI: Tiến sĩ Thân, ông có nghĩ là cuối cùng thì người ta cũng sẽ tạo được một con vật lai giống không?
TS. THÂN: Tôi triệu tập cuộc họp báo này là để chấm dứt mọi suy đoán chứ không phải làm gia tăng thêm nhiều suy đoán. Nhưng nếu anh hỏi ý kiến cá nhân của tôi thì tôi nghĩ là sẽ có - cuối cùng thì người ta cũng sẽ làm được thôi.
Hết phần 37. Mời các bạn đón đọc phần 38!