Thiên Hạ Kiêu Hùng Chương 872 : Binh chia làm hai đường

Chương 872: Binh chia làm hai đường truyện được lấy từ website tung hoanh

Nhóm dịch: Đọc Truyện Đêm Khuya

Nguồn: Mê Truyện


Phòng Huyền Linh suy tư một lúc, vẫn lắc đầu một cái nói:
- Điện hạ, ty chức đã suy nghĩ nhiều lần nhưng vẫn chưa có lời giải đáp. Ty chức chỉ có thể suy đoán quân Tùy tấn công Thanh Châu chỉ là một kế nghi binh. Nhưng mục đích chính của bọn họ là gì, thứ cho ty chức không thể đoán ra được.

- Có khả năng đây là kế dụ binh của triều Tùy hay không?


Trưởng Tôn Vô Kỵ trầm ngâm một chút nói:
- Có lẽ là quân Tùy cố ý bày ra tư thế tấn công Thanh Châu, để dụ dỗ chúng ta tấn công vào lãnh thổ của triều Tùy.

- Không phải là kế dụ binh. Dương Nguyên Khánh vừa mới đàm phán xong với chúng ta, hắn cũng cần có thời gian nghi ngơi lấy lại sức. Cho nên hắn sẽ không đối phó với chúng ta. Chuyện này khẳng định không liên quan gì tới chúng ta.



Phòng Huyền Linh bác bỏ ý kiến của Trưởng Tôn Vô Kỵ. Nhưng ông ta cũng không đưa ra một suy đoán nào hợp lý. Trong nội đường trở nên trầm mặc. Sau một lúc lâu, Lý Thế Dân mới nói:
- Chuyện này ta sẽ bẩm báo cho phụ hoàng. Bất kể thế nào, ta không thể giấu diếm phụ hoàng. Hơn nữa, cho dù quân Tùy có mục đích gì chăng nữa, chúng ta đều phải nhân cơ hội lần này…
Trong ngự thư phòng, Lý Uyên đang an ủi Vũ Văn Sĩ Cập. Lão và Vũ Văn Sĩ Cập tương giao được nhiều năm, quan hệ giữa hai người rất tốt. Hơn nữa, em gái của Vũ Văn Sĩ Cập lại là Chiêu Nghi (vợ lẽ) của Lý Uyên, rất được Lý Uyên sủng ái. Quan hệ cá nhân cộng với quan hệ thân gia, nên Lý Uyên coi Vũ Văn Sĩ Cập như cánh tay phải.

Lần này Vũ Văn Sĩ Cập đi sứ triều Tùy, ý muốn một lần nữa đoàn tụ với vợ con. Không ngờ vợ ông ta là Nam Dương Công chúa lại đoạn tình với ông ta, dứt khoát xuất gia làm ni cô.

Con của ông ta là Vũ Văn Thiền Sư không muốn lưng đeo nỗi nhục hành thích vua, nên đổi họ cha sang họ mẹ, thành Dương Thiền Sư. Y cũng không đồng ý gia nhập Đường triều, kiên quyết từ chối cùng phụ thân đến Trường An. Cuối cùng thành vợ con ly tán, Vũ Văn Sĩ Cập đành phải ảm đạm trở về Trường An.

Trở lại Trường An, lại bị Tiêu Vũ buộc tội, nói ông ta mượn việc quốc gia để giải quyết việc gia đình, có nhục quốc thể. Đề nghị triều đình bãi miễn chức quan. Liên tiếp tai họa ập xuống, khiến Vũ Văn Sĩ Cập càng thêm sa sút. Chính Sự Đường gọi ông ta tới đối chứng, ông ta cũng không đi. Mặc cho số phận, ông ta liền gửi một đơn từ chức tới Lý Uyên.

Thánh Thượng an ủi khiến Vũ Văn Sĩ Cập rốt cuộc không ức chế nổi đau khổ trong lòng. Ông ta quỳ xuống mặt đất, buồn bã thảm thiết khóc:
- Thần đã cửa nát nhà tan, cho dù có làm chức tướng quốc, đối với thần cũng không có ý nghĩa gì. Không bằng quy ẩn tới chỗ núi hoang không người, xây nhà trồng rau, sống nốt quãng đời còn lại.

Lý Uyên biết tình cảm giữa Vũ Văn Sĩ Cập và Nam Dương Công chúa rất sâu đậm. Tiếc rằng Nam Dương Công chúa đã xuất gia, việc đã xảy ra khó mà quay lại được. Lão có chút thông cảm với Vũ Văn Sĩ Cập. Việc Chính Sự Đường buộc tội, Lý Uyên cũng không có để trong lòng.

- Vũ Văn ái khanh, Công chúa đã tuyệt tình, khanh cũng nên suy nghĩ thoáng một chút. Kỳ thực, cho dù Công chúa đáp ứng cùng khanh đoàn viên, hai người cũng không thể sống cùng một chỗ. Khanh phải hiểu được điểm này.

- Trong lòng thần cũng hiểu. Chỉ có điều thần cô đơn một mình, đêm khó có thể an giấc. Loại thống khổ mất vợ nhà tan lúc trung niên này, thần khó có thể đối mặt được. Khẩn cầu bệ hạ giáng thần xuống làm dân thường.

- Khanh không cần phải giải thích, trong lòng trẫm cũng hiểu. Đại trượng phu lo gì thiếu vợ. Nếu Công chúa triều Tùy không muốn quay lại với khanh, trẫm sẽ gả công chúa Đại Đường cho khanh. Chuyện này cứ quyết định như vậy đi, trẫm sẽ mau chóng an bài. Khanh cứ an tâm mà làm quan, không cần suy nghĩ nhiều.

Thái độ của Lý Uyên rất kiên quyết. Tuy lúc này Vũ Văn Sĩ Cập không muốn tái hôn, nhưng ông ta không còn lựa chọn khác. Vạn bất đắc dĩ, chỉ phải tạ ơn rồi cáo từ.

Vũ Văn Sĩ Cập vừa mới lui ra, Lý Uyên liền hỏi Thôi hoạn quan đứng bên:
- Có chuyện gì không?

- Hồi bẩm bệ hạ, Tần vương có chuyện khẩn cấp cần bẩm báo.

Lý Uyên gật đầu:
- Bảo y vào đi.

- Bệ hạ có chỉ, tuyên Tần vương yết kiến... Bệ hạ có chỉ, tuyên Tần vương yết kiến!

Tiếng hô vang truyền ra ngoài. Một lát sau, Lý Thế Dân đi theo một gã hoạn quan bước vào. Y đi vào ngự thư phòng, khom người thi lễ nói:
- Nhi thần tham kiến phụ hoàng!

Trong khoảng thời gian này, Lý Uyên rất vừa lòng với thái độ của Lý Thế Dân. Nguyên nhân là Lý Uyên tính toán cho Lý Thế Dân kiêm nhiệm chức tổng quản Quan Nội đạo. Nhưng Lý Thế Dân khéo léo tự chối, mà cực lực đề cử Sài Thiệu làm tổng quản Quan Nội đạo. Cái này rất nằm ngoài dự kiến của Lý Uyên.

Loại khiêm nhường này khiến Lý Uyên cảm thấy vui mừng. Địa vị của Lý Thế Dân bỗng chốc tăng cao trong lòng y. Lý Uyên cười hỏi:
- Hoàng nhi có việc gì khẩn cấp cần bẩm báo?

- Hồi bẩm phụ hoàng, hôm nay Đường Phong có gửi tới một bức thư tình báo khẩn cấp. Nói rằng quân Tùy muốn tấn công Thanh Châu Đậu Kiến Đức.

Nói xong, Lý Thế Dân dâng tình báo của Đường Phong lên cho Lý Uyên. Khuôn mặt tươi cười của Lý Uyên liền biến thành nghiêm túc. Lão vội vàng nhìn thư tình báo một lần, lông mày liền nhíu lại thành một đường thẳng. Quân Tùy lại muốn tấn công Thanh Châu Đậu Kiến Đức.


Tuy nhiên, Lý Uyên cũng không có dũng khí nhân cơ hội này tấn công triều Tùy. Đàm phán vừa mới kết thúc, y thực sự không muốn lại nổi lên phong ba.

Lý Uyên thở dài:
- Hoàng nhi thấy việc này như thế nào?

- Khởi bẩm phụ hoàng, theo ý của nhi thần, mặc kệ triều Tùy có thực sự tấn công Đậu Kiến Đức hay không, chúng ta đều phải tận dụng cơ hội này.

- Không được.

Lý Uyên ngay lập tức phủ quyết suy nghĩ của Lý Thế Dân:
- Hiện tại trẫm cần có thời gian chăm lo việc nước, không thể lại khai chiến với triều Tùy.

- Phụ hoàng, ý của nhi thần cũng không phải là muốn gây chiến với triều Tùy. Ý của nhi thần là muốn thừa dịp quân Tùy không rảnh chú ý, chúng ta có thể mở rộng ưu thế ở phía nam.

Lý Uyên hơi đoán được ý tưởng của Lý Thế Dân. Y hỏi:
- Ý của hoàng nhi là, tấn công Tiêu Tiển?

Lý Thế Dân gật đầu, khom người nói:
- Phụ hoàng, Tiêu Tiển và Lai Hộ Nhi nội chiến, là y tự hủy Trường thành. Nhi thần nguyện dẫn theo năm mươi nghìn tinh binh mở rộng về hướng Kinh Tương. Thừa dịp triều Tùy không rảnh chú ý tới phía nam, tiêu diệt Tiêu Tiển, không để ý có cơ hội xoay người.

Lý Uyên trầm tư suy nghĩ một lúc, cũng không lập tức đáp ứng:
- Chuyện này trẫm muốn thương lượng cùng nhóm tướng quốc Chính Sự Đường một chút…
Chính Sự Đường của Đường triều còn đang tranh luận việc có nên nhân cơ hội tấn công Tiêu Tiển hay không, thì quân Tùy đã điều động quân đội với quy mô lớn. Đại quân gồm một trăm ba mươi nghìn người đang hành quân tới Hà Bắc.

Chạng vạng hôm nay, đại quân đã tới huyện Vũ Cường, quận Tín Đô. Bởi vì sắc trời đã tối, quân đội liền đóng quân ở một cánh đồng hoang bên ngoài thị trấn.

Phần lớn binh lính đã mỏi mệt không chịu nổi. Sau khi ăn xong cơm tối, liền tự động đi ngủ lấy sức. Trưỏng sử Lý Tĩnh đi qua vài cái lều, vội vàng tới lều lớn trung quân. Đến trước cửa thì gặp phó tướng Tần Quỳnh.

- Thúc Bảo, tổng quản có chuyện gì cần thương lượng à?

Lý Tĩnh không biết Dương Nguyên Khánh gọi mình tới thương lượng việc quan trọng gì. Trên thực tế, Lý Tĩnh cũng không đồng ý việc tấn công Thanh Châu lần này. Ông ta cũng như mọi người, nghĩ thời gian này nên trưng mộ binh lính, luyện binh, nghỉ ngơi lấy sức mới phải. Chiến dịch Trung Nguyên vừa mới chấm dứt không có bao lâu, lại phát động tấn công Thanh Châu. Cái này sẽ khiến binh lính lâm vào tình trạng quá tải.

Tần Quỳnh lắc đầu nói:
- Không thấy tổng quản nói gì, chỉ nói có chuyện trọng yếu cần thương lượng.

Tần Quỳnh là người cẩn thẩn, y kéo Lý Tĩnh lại gần, thấp giọng nói:
- Trưởng Sử, ta cảm thấy lần tấn công Thanh Châu này có chút cổ quái.

- Chỗ nào kỳ lạ?

- Nếu muốn tấn công Thanh Châu, tại sao phía Từ Thế Tích không thấy có động tĩnh gì. Ta cảm thấy cấp dưới của y nên đến phía tây phối hợp với chúng ta mới đúng.

Sự nghi ngờ của Tần Quỳnh là có đạo lý. Kỳ thực, Lý Tĩnh cũng sớm cảm giác có vấn đề. Nghi vấn lớn nhất chính là lần chiến tranh Thanh Châu này, lại do Tử Vi Các phê chuẩn. Rất không hợp với lẽ thường.

Tiếp theo là đội thuyền vận chuyển quân nhu lại đi bằng Vận hà. Đáng nhẽ phải trực tiếp đi đường Hoàng Hà mới đúng, vừa nhanh vừa tiện. Điều này làm cho Lý Tĩnh suy đoán nhiều lần nhưng vẫn không đoán ra. Còn có chính là, cả đoạn đường, Dương Nguyên Khánh cư xử rất thần bí. Chưa bao giờ cùng các đại tướng thương lượng quân vụ.

Nhiều điểm khác thường khiến Lý Tĩnh có chút bối rối. Hôm nay cho dù Dương Nguyên Khánh không gọi ông ta, ông ta cũng muốn hỏi rõ ràng tình huống.

- Đi thôi! Hỏi tổng quản xem, rốt cuộc là xảy ra chuyện gì?
Hai người liền bước nhanh vào lều lớn.

Trong lều lớn trung quân, Dương Nguyên Khánh đang đứng ở trước sa bàn, nghiên cứu đường hành quân của Lai Hộ Nhi. Hắn sớm nhận được tin tức của Tạ Tư Lễ, Lai Hộ Nhi đã đáp ứng quy thuận triều Tùy. Ông ta suất lĩnh năm nghìn thủy quân tâm phúc và năm mươi chiến thuyền lớn đi tới cửa sông quận Trác.

Bọn họ hẳn là đi đường sông Trường Giang, sau đó dọc theo eo biển đi đến. Lộ trình rất rõ ràng. Căn cứ vào thời gian, thì bọn họ đã đi được hai mươi ngày, chắc cũng đã đến quân cảng rồi.

Lần kế hoạch quân sự này có thể gọi là giương đông kích tây. Trên danh nghĩa là tấn công Thanh Châu, nhưng trên thực tế là chuẩn bị đánh lén Triều Tiên, đoạt lại vật tư từ Triều Tiên.

Kế hoạch lần này vô cùng bí mật. Ngoài trừ Bùi Củ là người hiến kế, còn lại chỉ có hai vị tướng quốc là Đỗ Như Hối và Thôi Quân Tố biết. Sau đó mới là sứ giả Tạ Tư Lễ. Ngoài năm người bao gồm Dương Nguyên Khánh, không có thêm người nào biết.

Nguồn: tunghoanh.com/thien-ha-kieu-hung/quyen-11-chuong-872-C6Oaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận