Thiên Long Bát Bộ Hồi 122

A Châu ngắt lời:

- Con chó sói mới bảo là mình đang đói, đòi ăn thịt ông già, phải không nào?

Kiều Phong đáp:

- Ồ, thì ra truyện này cô nghe rồi.

A Châu đáp:

- Ðó là chuyện con sói ở trong rừng. Tiểu nữ không thích nghe truyện trong sách, thiếp muốn nghe truyện ngoài đời kia.

Kiều Phong ngẫm nghĩ rồi nói:

- Không phải truyện trong sách mà là truyện ngoài đời. Ðược rồi, để ta kể một truyện cậu bé nhà quê cho cô nghe.

Ngày xưa, nơi chân núi có một gia đình rất nghèo, hai vợ chồng chỉ có một đứa con trai. Khi đứa trẻ lên bảy, thân thể thật là cao lớn, đã đi theo cha lên núi chặt củi được rồi. Một hôm, người cha bị bệnh mà nhà thì nghèo quá không dám đi mời thầy lang, cũng không có tiền mua thuốc.

Thế nhưng người cha bệnh mỗi ngày một nặng thêm, không uống thuốc thì không xong, người mẹ đành đem sáu con gà mái, một rổ trứng đem ra chợ bán.

Bán tất cả gà lẫn trứng được bốn tiền, người mẹ mới đi mời thầy lang. Thế nhưng thầy lang kia lại bảo rằng, đường vào trong núi xa quá không muốn đi xem bệnh, người mẹ hết sức cầu khẩn nhưng gã thầy lang vẫn nhất mực lắc đầu.

Người mẹ lại quì xuống van lạy, thầy lang mới nói: "Ðến xem bệnh ở nơi thâm sơn cùng cốc như thế, chẳng bõ cái công bị nhiểm lam sơn chướng khí. Có bốn tiền thì chữa trị được bao nhiêu?" Người mẹ mới níu vạt áo thầy lang, gã liền giằng ra, ngờ đâu bà ta nắm chặt quá, nghe soẹt một tiếng chiếc áo rách ngay một mảnh dài. Thầy lang đó giận quá, mới xô người mẹ ngã lăn ra, lại đá bồi thêm một cái rõ mạnh, nhất định bắt đền nói là áo này mới may, đáng giá hai lượng bạc.

A Châu nghe tới đây, nhỏ nhẹ nói:

- Gã thầy lang đó quả là quá ư độc ác.

Kiều Phong ngẩng đầu nhìn ra cửa sổ đang tối dần, chậm rãi nói:

- Thằng bé ở bên cạnh mẹ, thấy mẹ nó bị người ta hiếp đáp, liền xông lên, vừa đánh vừa cắn tên thầy lang. Thế nhưng y chỉ là một đứa bé, có bao nhiêu sức lực nên bị thầy lang kia xách lên, vứt ra ngoài cửa. Người mẹ vội vàng chạy ra xem con mình thế nào, gã thầy lang sợ người đàn bà tiếp tục rầy rà liền đóng chặt cổng lại. Ðứa bé trán bị đụng vào một tảng đá, chảy bao nhiêu là máu. Người mẹ sợ rắc rối nào có dám gõ cửa nhà thầy lang bắt đền, chỉ vừa khóc mếu vừa dắt con về nhà.

Ðứa bé kia khi đi ngang một tiệm đồ sắt, thấy trên sạp bày đầy các loại dao dùng để giết bò giết heo. Người thợ rèn khi đó đang lo việc mời chào khách mua cày mua bừa, không để ý, đứa bé liền len lén ăn cắp một con dao nhọn, dấu dưới áo, đến mẹ nó cũng không hay biết gì cả.

Về tới nhà rồi, người mẹ mới kể lại mọi chuyện cho người cha nghe, lại sợ người cha bực mình bệnh sẽ nặng thêm, mới lấy bốn lượng bạc ra giao cho ông ta, ngờ đâu khi thò vào túi thì không còn thấy tiền bạc đâu nữa.

Người mẹ vừa hoảng hốt vừa lạ lùng mới chạy ra hỏi con, thấy đứa bé tay cầm một con dao sáng loáng, đang mài trên tảng đá liền hỏi: "Con dao đó ở đâu mà có?" Thằng bé đâu có dám thú nhận là mình ăn trộm nên nói dối là người ta cho nó. Mẹ nó dĩ nhiên không tin, thứ dao mới như thế mua ở chợ cũng phải tiền rưỡi, hai tiền, ai lại dại gì đem cho một đứa trẻ?

Hỏi y ai cho, thằng bé ấp úng không trả lời được. Bà mẹ mới thở dài nói: "Con ơi! Ba mẹ nghèo khổ, bình thường chẳng bao giờ mua đồ chơi cho con, quả thật tủi cho con quá. Con mua con dao đó để chơi, thân con trai cũng không có gì không phải. Thế nhưng tiền còn dư con đưa lại cho mẹ, cha con bị bệnh mình mua miếng thịt nấu canh cho cha con ăn." Thằng bé nghe thế liền trợn mắt hỏi lại: "Tiền dư nào?" Người mẹ nói: "Thế bốn tiền của mình, con lấy đi mua dao rồi, phải không nào?" Ðứa trẻ hốt hoảng kêu lên: "Con không có lấy tiền, con không có lấy tiền." Cha mẹ y trước nay chưa hề đánh mắng y, tuy chỉ là một đứa trẻ mấy tuổi nhưng cũng coi y như một người khách, lúc nào cũng thật nể nang…

Kiều Phong nói đến đây, chợt chột dạ: "Vì sao lại thế nhỉ? Trên đời này cha mẹ đối với con cái đâu có ai như thế bao giờ, dẫu có thương yêu nuông chiều, cũng chẳng hề nể nang khách sáo đến thế." Ông lẩm bẩm nói một mình:

- Vì sao lại có chuyện lạ lùng như thế?

A Châu hỏi lại:

- Có gì mà lạ lùng?

Nàng nói đến hai tiếng sau cùng hơi thở chỉ còn mong manh như tơ. Kiều Phong biết chân khí trong người nàng đã kiệt, lập tức giơ chưởng đè lên lưng cô gái, đem nội lực truyền vào. A Châu tinh thần tạm khôi phục, thở dài nói:

- Kiều đại gia, mỗi lần ông truyền khí cho thiếp, nội lực của mình lại tiêu hao một phần. Người luyện võ chân khí nội lực là quan trọng hơn cả, ông đối với tiểu nữ như thế, A Châu… làm sao đáp đền được?

Kiều Phong cười nói:

- Ta chỉ cần tĩnh tọa thổ nạp vài giờ thì nội lực chân khí lại trở lại bình thường, có gì đâu mà nói chuyện báo đáp? Ta với chủ nhân các cô Mộ Dung công tử thiên lý thần giao, tuy chưa từng gặp nhau nhưng lòng ta đã coi y như bạn bè rồi. Cô là người nhà y, việc gì phải coi ta như người xa lạ? Text được lấy tại truyenyy[.c]om

A Châu u uẩn nói:

- Cứ mỗi một giờ, chân khí của tiểu nữ lại từ từ cạn sạch, đại gia chẳng thể nào… chẳng thể nào mãi mãi…

Kiều Phong nói:

- Cô cứ yên tâm, thể nào mình cũng kiếm được một thầy lang y đạo cao minh, trị lành thương thế cho cô.

A Châu mỉm cười:

- Chỉ sợ thầy lang đó thấy thiếp nghèo khổ, lại sợ nhiễm lam sơn chướng khí, không chịu chữa bệnh cho. Kiều đại gia, câu chuyện ông kể còn dở dang, có cái gì gọi là kỳ quái?

Kiều Phong đáp:

- Ồ, ta buột miệng lỡ lời đấy mà. Người mẹ thấy thằng bé không nhận, cũng chẳng nói thêm, quay trở vào phòng. Một hồi sau, đứa trẻ mài dao xong đi vào thấy người mẹ đang thì thầm với cha nói là y ăn cắp tiền mua dao rồi nhưng lại không nhận. Cha y nói: "Ðứa trẻ đó ở với chúng ta trước nay chẳng có gì chơi, nếu nó thích gì thì cứ mặc kệ, mình chớ để nó thêm tủi." Hai người vừa nói tới đây thấy thằng bé đi vào, lập tức im bặt. Người cha vui vẻ xoa đầu y nói: "Con ngoan, từ rày đi chơi nhớ cẩn thận, sao để va vào đâu đau đến thế?" Việc mất bốn lượng bạc và việc y mua con dao, cha y không nhắc đến một câu, cũng không tỏ ra chút gì gọi là không vui cả.

Thằng bé tuy chỉ mới bảy tuổi đầu nhưng đã sớm biết, nghĩ thầm: "Cha mẹ ta nghi mình ăn cắp tiền đi mua dao, thà rằng hai người hầm hầm đánh ta một trận, chửi ta một chốc, ta cũng chẳng buồn. Quả thật hai người thương ta thật." Y trong lòng không an mới nói với cha: "Cha, con không lấy tiền, con dao này không phải con mua đâu!" Người cha nói: "Mẹ con nhiều chuyện, không kiếm thấy tiền thì cũng đã sao? Việc gì mà phải tra hỏi ầm nhà ầm cửa, đúng là đàn bà lòng dạ nhỏ nhen. Hảo hài tử, đầu con có đau lắm không?" Thằng bé đành trả lời: "Không sao cả!" Y toan lên tiếng biện bạch nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu thành thử trong bụng ấm ức, bỏ cả cơm chiều chui vào giường ngủ.

Y nằm trên giường trăn trở qua lại, không cách nào ngủ được, lại nghe tiếng mẹ khóc rấm rứt, chắc là lo cha bị bệnh nặng thêm, thêm bực tức chuyện ban ngày bị gã thầy lang kia chửi mắng đánh đập. Thằng bé bèn len lén trở dậy, nhảy cửa sổ ra ngoài, đi suốt đêm đến thị trấn tới trước nhà tên thầy lang. Căn nhà đó cửa trước cổng sau đều đóng chặt không cách nào vào được. Thằng bé thân hình nhỏ bèn theo lỗ chó chui vào, thấy một căn phòng ánh đèn chiếu qua giấy dán cửa sổ, hóa ra gã thầy lang chưa ngủ còn đang sắc thuốc. Thằng bé đẩy cửa…

A Châu lo cho đứa trẻ vội nói:

- Thằng bé đó đang đêm lẻn vào nhà người ta, e rằng sẽ bị lôi thôi.

Kiều Phong lắc đầu:

- Không đâu. Gã thầy lang nghe tiếng người mở cửa, chẳng thèm ngửng lên chỉ hỏi: "Ai đó?" Thằng bé không trả lời, đi tới gần, rút con dao nhọn đâm luôn một nhát. Người nó thấp, nhát dao trúng ngay bụng thầy lang, y chỉ hự được một tiếng rồi ngã lăn ra.

A Châu rú lên một tiếng, kinh hãi hỏi:

- Thằng bé đó đâm chết ông thầy thuốc ư?

Kiều Phong gật đầu nói:

- Ðúng thế. Thằng nhỏ lại chui lỗ chó ra, quay trở về nhà. Trong đêm tối đi về mấy chục dặm quả là mệt mỏi. Sáng sớm hôm sau, người nhà thầy lang mới phát giác y đã chết, vỡ bụng lòi ruột thật là thảm khốc. Thế nhưng cửa trước cửa sau vẫn đóng chặt, then cài bên trong, hung thủ từ bên ngoài làm sao vào được? Ai cũng nghi người trong nhà làm chuyện này, quan tri huyện liền sai bắt hết anh em, vợ con gã thầy thuốc đem ra tra khảo thẩm vấn, náo loạn cả đến mấy năm, nhà tên thầy lang đó hóa ra tan tành. Vụ đó trở thành một nghi án nơi Hứa Gia Tập.

A Châu hỏi:

- Ông nói Hứa Gia Tập? Người thầy thuốc đó… ở ngay tại thị trấn này ư?

Kiều Phong đáp:

- Ðúng thế! Gã thầy lang đó họ Ðặng, vốn là y sinh nổi tiếng nhất thị trấn này, mấy huyện quanh đây đều biết đến. Nhà y ở tại phía tây, trước kia tường cao trắng toát, hiện nay tàn phá cả rồi. Lúc nãy ta đi mời thầy lang lại xem bệnh cho cô, có đi ngang nhà đó coi nên biết thế.

A Châu hỏi thêm:

- Thế còn người cha bị bệnh thì sao? Bệnh rồi có khỏi không?

Kiều Phong đáp:

- Về sau một nhà sư chùa Thiếu Lâm mang thuốc đến, trị bệnh cho ông ta.

A Châu nói:

- Thế ra chùa Thiếu Lâm cũng có những nhà sư tốt.

Kiều Phong nói:

- Dĩ nhiên là có. Chùa Thiếu Lâm có mấy nhà sư tâm địa nhân hậu, cốt cách hiệp nghĩa, quả đáng cho người ta kính phục.

Ông nói đến đây trong lòng se lại, nghĩ đến thụ nghiệp ân sư Huyền Khổ đại sư. A Châu "ồ" lên một tiếng, trầm ngâm nói:

- Gã thầy lang kia coi người nghèo chẳng ra gì, không coi tính mệnh họ vào đâu, dĩ nhiên là đáng ghét thật nhưng tội cũng chẳng đáng chết. Thằng bé kia cũng thật là ngang ngược. Thiếp quả không sao tin nổi, một đứa bé mới bảy tuổi đầu đã dám ra tay giết người hay sao? A, Kiều đại gia, đó là ông kể chuyện xưa chứ không phải thật, đúng không?

Kiều Phong đáp:

- Chuyện đó có thật đấy.

A Châu thở hắt ra một hơi, nhỏ nhẹ nói:

- Thứ trẻ con hung dữ như thế, chắc là ác nhân người Khất Ðan.

Kiều Phong đột nhiên run bắn người, nhảy dựng lên nói:

- Cô… cô nói cái gì?

A Châu thấy ông mặt mày biến sắc, trong lòng kinh hãi nhưng chợt hiểu ra, bèn chữa:

- Kiều đại gia, Kiều đại gia, xin lỗi ông, thiếp… thiếp không phải cố ý nói chạm đến ông. Quả thật không cố ý…

Kiều Phong ngơ ngẩn một hồi rồi ngồi phịch xuống nói:

- Chắc cô đoán được rồi?

A Châu gật đầu. Kiều Phong nói:

- Những điều vô tình nói ra mới là thực lòng. Ta ra tay hạ thủ chẳng dung tình, có thực là vì thuộc giòng giống Khất Ðan chăng?

A Châu dịu dàng đáp:

- Kiều đại gia, A Châu nói năng lăng nhăng, ông đừng để bụng làm chi. Gã thầy lang kia đá mẹ ông, ông còn nhỏ đã anh hùng khí khái, giết y đi là phải.

Kiều Phong hai tay ôm đầu nói:

- Cũng chẳng phải chỉ vì y đá mẹ ta, mà là vì y làm cho ta bị nghi oan. Bốn tiền của mẹ ta chắc là khi lôi lôi kéo kéo đã rơi mất. Ta… ta trong đời ghét nhất là bị nghi oan.

Vậy mà trong mới một ngày, ông đã bị ba mối oan lớn. Chính mình có phải là người Khất Ðan không, cũng không còn cách nào biết được, còn vợ chồng Kiều Tam Hòe và Huyền Khổ đại sư rõ ràng không phải ông ta giết nhưng ai cũng đổ riệt cho ông cái ba đại tội giết cha, giết mẹ, giết thầy. Thế hung thủ thật sự là ai? Người hãm hại ông là ai?

Ngay lúc đó ông lại nghĩ tới một chuyện: "Tại sao cả cha lẫn mẹ ta đều nói, ta ở với hai người thật đáng tủi? Cha mẹ nghèo, làm con dĩ nhiên phải chịu, có gì mà tủi hay không tủi? E rằng mình không phải là con ruột hai người, mà do người ngoài gửi làm con nuôi, ắt người ủy thác việc này thân phận cực cao, thành thử cha mẹ mới đối với ta nể nang như thế, không phải chỉ nể nang mà còn kính trọng. Người nhờ cha mẹ ta nuôi ta đó là ai? Chắc hẳn là Uông bang chủ rồi."

Cha mẹ ông đối với ông thật khác xa người khác đối với con ruột mình, ông bản tính tinh minh đáng ra phải thấy được rồi. Có điều từ bé đã vậy nên coi là bình thường, dù có lanh lợi đến mấy cũng chẳng nghĩ đến, chỉ nghĩ rằng cha mẹ mình tính tình hiền hậu ôn hòa mà thôi. Ðến bây giờ nghĩ lại, xem ra mọi việc đều chứng thực rằng mình là giòng giống Khất Ðan.

A Châu cất tiếng an ủi:

- Kiều đại gia, người ta bảo ông là người Khất Ðan, tiểu nữ xem ra toàn là điều vu oan giá họa. Không nói gì ông nhân nghĩa khẳng khái, bốn bể nghe danh, chỉ riêng việc ông đối với một đứa tiểu a hoàn chẳng vào đâu như thiếp mà cũng hết lòng hết dạ chăm lo, người Khất Ðan tàn độc như lang như hổ, so với ông một trời một vực, làm sao sánh được?

Kiều Phong nói:

- A Châu, nếu như quả ta là người Khất Ðan, cô có còn để cho ta lo liệu nữa không?

Lúc đó người Hán ở Trung Thổ đối với người Khất Ðan căm hận vô cùng, coi chẳng khác gì độc xà mãnh thú. A Châu chưng hửng nói:

- Ông đừng nghĩ ngợi vẩn vơ, chuyện đó không thể nào xảy ra được. Nếu như bộ tộc Khất Ðan có được một người tốt như ông thì chúng ta còn thống hận họ làm gì?

Kiều Phong lặng thinh không nói, trong bụng nghĩ thầm: "Nếu như quả ta là người Khất Ðan, đến một đứa tiểu a hoàn như A Châu cũng chẳng thèm nhìn nhõi nữa." Chỉ trong một giây, ông thấy đất trời tuy rộng nhưng mình thật không có chỗ dung thân. Trong đầu những điều suy nghĩ dạt dào dâng lên như sóng biển, trong ngực khí huyết sục sôi, biết rằng vì mình tiếp khí cho A Châu mấy bận nên nội lực tiêu hao không phải là ít, lập tức xếp bằng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường, chậm rãi vận khí thổ nạp.

A Châu cũng nhắm mắt dưỡng thần.

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-122/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận