Mọi người lại theo cô ta đi vào một khu rừng tùng, đến trước một sơn động, người cung nữ gõ mấy cái, cửa hang mở ra. Cô gái nói:
- Xin mời!
Nàng ta đi trước dẫn đường. Chu Đan Thần hỏi nhỏ Ba Thiên Thạch:
- Tính sao?
Ba Thiên Thạch cũng không biết có nên bảo Đoàn Dự ở ngoài hay cứ mạo hiểm, khổ nỗi nếu không vào trong sơn động thì không có hi vọng gì trúng tuyển. Hai người còn đang trù trừ, Đoàn Dự đã sóng vai cùng Tiêu Phong đi vào. Ba Chu hai người vội vàng cũng nắm tay nhau đi theo.
Vào sơn động lại đi xuyên qua một đường hầm nữa, bỗng thấy trước mắt sáng lòa, mọi người đã vào trong một đại sảnh. Sảnh đường đó so với chỗ uống trà hồi nãy phải to gấp ba, hiển nhiên là một hang động thiên nhiên chìm sâu trong núi, lại thêm nhân công tu bổ mà thành. Vách đá mài thật nhẵn nhụi, chỗ nào cũng treo đầy tự họa. Thường thường hang núi bao giờ cũng ẩm thấp rỉ nước nhưng cái động này lại khô ráo lạ thường, những tranh treo trên tường không có vẻ gì bị mốc. Một bên để một bàn viết lớn bằng gỗ tử đàn, trên để văn phòng tứ bảo, bi thiếp cổ ngoạn, lại thêm mấy chiếc giá sách và vài ba chiếc đôn đá, ghế đá.
Cung nữ kia nói:
- Đây chính là nội thư phòng của công chúa điện hạ, xin quí vị tùy ý quan thưởng thư họa.
Mọi người thấy sảnh đường này từ hình dáng đến cách bài trí cực kỳ khác thường, tất cả trống trơn, không có hơi hướm son phấn, vậy mà bảo là thư phòng của công chúa thì kể cũng lạ. Những người ở đây mười phần đến chín là võ biền thô lỗ, bảo đọc vài chữ đã khó thì còn biết gì đến thư họa? Thế nhưng trên tường treo đúng là tự họa thật thì còn đọc làm sao nổi.
Tiêu Phong, Hư Trúc võ công tuy cao nhưng nghệ thuật thì chẳng biết tí gì, hai người sóng đôi ngồi bệt xuống, lưu thần xem xét động tĩnh những người kia. Kiến thức kinh lịch Tiêu Phong gấp trăm lần Hư Trúc, tuy bề ngoài ông ra vẻ thản nhiên như không, làm như chẳng chú ý gì đến những bức thư họa treo trên vách, nhưng thực ra mắt không lúc nào rời nàng cung nữ áo xanh. Ông biết rằng nàng cung nữ này là đầu giây mối nhợ, nếu bên trong nước Tây Hạ có gian kế thì nhất định phải do người con gái mảnh mai ẻo lả này ra tay.
Tiêu Phong lúc này như một con báo rình mồi, tuy bề ngoài toàn vô động tĩnh nhưng thực ra đang vểnh tai giương mắt, toàn thần chăm chú, từng sợi gân, từng thớ thịt đều chứa đầy kình lực, nếu thấy có biến cố gì lập tức bay tới chế ngự nàng cung nữ, quyết không để cô ta giở trò.
Đoàn Dự, Chu Đan Thần, Mộ Dung Phục, Công Dã Can cả bọn kéo đến các bức tường xem tự họa. Đặng Bách Xuyên xem xét kỹ các trục treo tranh có lỗ nhỏ nào khả dĩ có thể phun hơi độc, môn Bi Tô Thanh Phong của Tây Hạ quả là lợi hại, nhân vật võ lâm Trung Nguyên đã từng nghe tiếng. Ba Thiên Thạch cũng giả vờ đi coi tranh, nhưng thực ra là tra xét những bức tường, góc nhà xem có cơ quan hay lối ra vào gì không?
Chỉ riêng có Bao Bất Đồng là ba hoa thiên địa, mở miệng chê bai các bức tự họa treo trên vách, bức thì bố cục không hay, bức thì bút lực chưa đủ. Nước Tây Hạ tuy ở biên thùy, lập quốc chưa lâu, trong cung tự họa tàng trữ so ra không thể bằng Đại Tống, Đại Liêu được, thế nhưng trong nhà hoàng đế, tinh phẩm cất giữ không phải là ít. Trong thư phòng của công chúa cũng có thư pháp đời Tấn, đời Bắc Ngụy, tranh vẽ đời Đường, đời Ngũ Đại nhưng đều bị Bao Bất Đồng chê không đáng một xu.
Thời đó phép viết chữ của Tô, Hoàng(46.5) lưu truyền khắp thiên hạ, trong hoàng cung nước Tây Hạ cũng có vô số tự tích của Tô Đông Pha, Hoàng Sơn Cốc(46.6) nhưng qua lời bình phẩm của Bao Bất Đồng thì không những Nhan Liễu Tô Hoàng(46.7) cũng chỉ tầm thường mà đến cả Chung Vương Trương Chử(46.8) cũng không đáng để mắt.
Nàng cung nữ thấy y đại ngôn phê bình loạn cả lên, không khỏi kinh ngạc vạn phần, vội tiến đến nhỏ nhẹ nói:
- Bao tiên sinh, những bức thiếp này quả thật không đúng phép ư? Vậy mà công chúa điện hạ bảo là đẹp tuyệt trần.
Bao Bất Đồng đáp:
- Công chúa điện hạ ở Tây Hạ, chưa từng xem thư pháp những đại tài tử, những danh sĩ chân chính của Trung Nguyên, sau này có dịp cũng nên qua lại để mở mang kiến thức. Tiểu muội tử, ngươi nên theo công chúa điện hạ du ngoạn Trung Nguyên một chuyến để khỏi mang tiếng là cô lậu quả văn.
Nàng cung nữ gật đầu khen phải, mỉm cười nói:
- Muốn được đi Trung Nguyên du ngoạn thật không phải dễ.
Bao Bất Đồng đáp:
- Sai bét rồi! Không phải vậy! Công chúa điện hạ lấy được anh hùng Trung Nguyên thì chẳng đi đến Trung Nguyên thì là gì?
Đoàn Dự đi xem những bức tự họa trên vách, đột nhiên thấy một bức vẽ một người đàn bà ăn mặc theo lối xưa đang múa kiếm, không khỏi kinh ngạc vô cùng, kêu lên một tiếng. Người mỹ nữ trong tranh dung mạo giống hệt Vương Ngữ Yên, chỉ y phục trang sức là khác, trông hao hao thần tiên tỉ tỉ trong sơn động núi Vô Lượng. Người trong tranh tay phải cầm kiếm, tay trái bắt kiếm quyết, múa kiếm bên cạnh một chiếc hồ, thần thái phiêu dật, xinh đẹp kiều mị không sao tả xiết.
Đoàn Dự trông thấy bức tranh hồn vía bay bổng, có lúc tưởng chừng như đã quay trở lại bên cạnh Vương Ngữ Yên, có lúc thì tưởng như trở về thạch động trên núi Vô Lượng, ngơ ngẩn hồi lâu đột nhiên kêu lên:
- Nhị ca, lại đây mà xem.
Hư Trúc đáp lời chạy tới, vừa thoạt nhìn, cũng hết sức kinh ngạc, nghĩ thầm sao ở đây lại có một bức tranh Vương cô nương, mặt mũi giống hệt hình vẽ sư phụ giao cho mình, chỉ có tư thức là khác thôi.
Đoàn Dự càng xem càng thấy lạ, bất giác đưa tay sờ vào bức tranh, cảm thấy tường đá phía sau dường như chỗ lồi chỗ lõm, cũng có hình vẽ trên đó. Chàng nhè nhẹ gạt bức tranh qua một bên, quả nhiên trên vách đá khắc rất nhiều đường chỉ, xem kỹ lại hóa ra có rất nhiều hình người, kẻ thì ngồi hành công, người nhảy lên, tư thức đủ mọi hình dạng. Những hình vẽ đó bao quanh một vòng tròn, bên cạnh đa số có chú thích số mục bằng thiên can địa chi.
Hư Trúc vừa trông thấy đã nhận ra ngay, những hình vẽ này cùng với hình vẽ khắc trên cung Linh Thứu đại đồng tiểu dị, chỉ xem vài bức, trong bụng nghĩ thầm: "Đây xem chừng như là võ công của Lý Thu Thủy sư thúc." Bất chợt hiểu ra ngay: "Lý sư thúc là Hoàng thái phi nước Tây Hạ, trong cung khắc những đồ hình này cũng không có gì lạ." Y nghĩ đến đồ hình còn đây mà người nay mất rồi, không khỏi chạnh lòng. Hư Trúc biết rằng đây là bí quyết võ công thượng thừa của phái Tiêu Dao, nếu như nội lực tu tập chưa đủ, xem vào sẽ mê man, nặng thì tẩu hỏa nhập ma, nhẹ cũng hôn mê bất tỉnh, hôm trước Mai Lan Cúc Trúc bốn nàng cũng vì coi các hình vẽ trên thạch bích mà bị thương.
Y sợ Đoàn Dự cũng bị tổn hại vội nói:
- Tam đệ, những hình vẽ này không nên coi.
Đoàn Dự hỏi lại:
- Sao thế?
Hư Trúc nói khẽ:
- Đây là võ công cực kỳ cao thâm, nếu như tập luyện không đúng phương pháp, chỉ thêm tổn hại chứ không ích lợi gì cả. Text được lấy tại truyenyy[.c]om
Đoàn Dự vốn dĩ không ham thích võ công, chỉ muốn xem bức tiếu tượng Vương Ngữ Yên chứ chẳng coi đồ phổ làm gì, bèn để bức tranh lại chỗ cũ, tiếp tục coi Hồ Bạn Vũ Kiếm Đồ. Thân hình dung mạo của Vương Ngữ Yên chàng nhớ kỹ từng li từng tí, thành thử khi nhìn lại người trong tranh thấy quả có đôi chỗ khác biệt. Người trong tranh hơi đẫy đà hơn một chút, đầu mày cuối mắt nhuốm vẻ tinh anh, không như Vương Ngữ Yên dịu dàng văn nhã, niên kỷ cũng phải hơn nàng ba bốn tuổi, so với pho tượng thần tiên tỉ tỉ trên núi Vô Lượng xem chừng giống hơn.
Bao Bất Đồng tuy mồm nói lăng nhăng tầm phào nhưng Hư Trúc và Đoàn Dự làm gì nói gì y không để sót một mảy, nghe nói hình vẽ trên vách là võ công rất cao thâm, lập tức khịt mũi một cái nói:
- Có quái gì đâu mà bảo là võ học cao thâm? Chú tiểu chỉ giỏi lòe người.
Y liền vạch đồ họa ra một bên, chăm chú xem những hình vẽ. Đoàn Dự nghiêng người hiếng mắt, kiễng chân lên tiếp tục coi mỹ nữ trong tranh. Nàng cung nữ liền nói:
- Bao tiên sinh, những hình vẽ này không được coi. Công chúa điện hạ có nói là, nếu như công phu chưa đủ, xem chỉ có hại mà thôi.
Bao Bất Đồng đáp:
- Công phu nếu đủ thì sao? Thế thì có ích chứ gì? Công phu của ta có thừa là khác.
Y sính cường hiếu thắng, vốn chẳng có bụng coi trộm võ học của người ta, ngờ đâu vừa xem mấy tư thức bên trong vòng tròn thấy quả thiên biến vạn hóa, không nhịn nổi giơ tay nắm lấy chân, bắt chước hình vẽ.
Chỉ trong giây lát đã có người khác nhìn thấy hình thù quái dị của y, lại phát giác trên tường có đồ hình. Rồi nghe có tiếng người nói:
- Ồ, ở đây cũng có đồ họa.
Phía bên kia cũng có tiếng nói:
- Bên này cũng có đồ hình.
Mọi người ai nấy vội gạt những tự họa qua một bên, xem những hình vẽ khắc trên vách đá, chỉ một chốc đã hoa chân múa tay làm theo.
Hư Trúc kinh hãi thầm vội chạy đến bên cạnh Tiêu Phong nói:
- Đại ca, những hình vẽ này không nên coi, chỉ coi thêm chút nữa e rằng mọi người sẽ bị trọng thương, nếu như có người phát điên thì tình hình sẽ thành đại loạn.
Tiêu Phong nghe vậy hoảng hốt, quát lên:
- Tất cả không được coi hình vẽ trên tường, chúng ta đang ở nơi hiểm địa, mau mau họp nhau lại bàn tính xem sao.
Ông vừa nói xong lập tức có mấy người chạy đến gần nhưng những hình vẽ trên vách quá ư hấp dẫn, vừa suy nghĩ đã cảm thấy dường như hình vẽ đang xem chính là đáp án của những nạn đề võ học mình thường khổ tâm suy nghĩ, thế nhưng tư thức đó ra sao thì chỉ mơ mơ hồ hồ, không rõ ràng, vội vàng ngưng thần suy nghĩ. Tiêu Phong thấy mọi người đờ đẫn như bị ma nhập, trong bụng không khỏi kinh hoàng.
Bỗng có người rú lên, quay quay mấy vòng, lảo đảo ngã lăn ra. Lại có người miệng kêu hà hà, xông vào cào cấu vách đá, tưởng như muốn móc những hình vẽ đó xuống. Tiêu Phong suy nghĩ một chút đã tìm ra một kế, đưa tay ra chộp một chiếc ghế bẻ cắc một cái đã gẫy chỗ dựa lưng, để vào tay vò vò mấy cái nghiền thành mấy chục mảnh, vung tay ném ra. Chỉ nghe vèo vèo liên tiếp, mỗi tiếng lại có một chiếc đèn dầu hoặc ngọn nến tắt phụp, ném hết mấy chục miếng rồi bao nhiêu đèn đóm tắt ngóm, thư phòng tối đen như mực.
Trong đêm đen chỉ nghe tiếng người thở phì phò, có người nói nhỏ:
- Nguy hiểm thực! Nguy hiểm thực!
Có người thì kêu:
- Mau đốt đèn lên! Ta chưa đọc kỹ.
Tiêu Phong sang sảng nói:
- Xin các vị ở đâu ngồi đó, không được tùy ý chạy đi chạy lại để khỏi chạm vào cơ quan trong nhà. Đồ hình trên vách mê hoặc tâm thần, không được đưa tay lên mò kẻo mắc vào vòng tai họa.
Trước khi ông nói vẫn có người đang rờ rẫm những đường vẽ trên thạch bích, nghe nói thế vội vàng thu nhiếp cố gượng lại. Tiêu Phong nói nhỏ:
- Tha lỗi cho đã đắc tội! Mau mau mở thạch môn thả bọn ta ra.
Thì ra trước khi ông ném tắt đèn đuốc đã nhanh như cắt, xông tới nắm ngay cổ tay người cung nữ. Cô gái kinh hãi giơ tay lên định đánh, Tiêu Phong thuận tay bắt luôn. Người cung nữ vừa sợ vừa thẹn, không dám cử động nữa, bây giờ nghe Tiêu Phong nói thế liền đáp:
- Ông… ông bỏ tay tôi ra đã.
Tiêu Phong buông nàng ra nhưng trong đêm tối vẫn có thể thính thanh biện hình, không sợ cô ta giở trò gì. Người cung nữ nói:
- Tiện thiếp đã bảo Bao tiên sinh không thể coi đồ hình trên vách, nếu như công phu chưa đủ, có xem cũng chỉ tổn hại mà không ích lợi gì cả. Vậy mà ông ta nhất định phải xem.
Bao Bất Đồng ngồi dưới đất, thấy đầu nhức như búa bổ, bụng dạ trộn trạo, tức ngực tưởng chừng muốn ói, cố gắng trấn tĩnh nói:
- Ngươi bảo ta xem thì ta không xem, còn như bảo ta đừng xem, thì ta nhất định xem.
Tiêu Phong nghĩ thầm: "Người cung nữ này quả có khuyên mọi người đừng nên xem những đồ hình trên vách đá, xem ra không phải có ý gia hại. Thế nhưng công chúa Tây Hạ mời bọn mình tới đây là có dụng ý gì?"
Ngay lúc đó đột nhiên mọi người ngửi thấy một mùi thơm dìu dịu, thật sảng khoái. Tiêu Phong kinh hãi, vội đưa tay bịt mũi, nghĩ đến năm xưa bang chúng Cái Bang bị mê man vì trúng phải Bi Tô Thanh Phong của Nhất Phẩm Đường Tây Hạ, vận thử nội tức may không thấy có gì đáng ngại.
Lại nghe tiếng một cung nữ khác dìu dặt uyển chuyển xướng:
- Công chúa điện hạ giá lâm.
Mọi người nghe thấy công chúa đến, ai nấy vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, có điều trong phòng tối đen nên không ai trông thấy mặt mũi công chúa thế nào. Lại nghe tiếng kiều mị của thiếu nữ kia nói tiếp:
- Công chúa điện hạ có dụ: "Đồ hình võ học khắc trên thạch bích thư phòng, nhân sĩ phái khác không nên coi thành thử phải dùng tự họa treo lên che khuất, không ngờ lại có người khám phá ra được." Công chúa điện hạ truyền rằng: "Tất cả các vị không được đốt đèn lên, cũng không được đánh lửa, nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Công chúa điện hạ phải nói trước như thế, nếu trong đêm tối có gì thất kính, xin các vị tha lỗi cho."
Chỉ thấy tiếng kẹt kẹt, cửa đá mở ra. Thiếu nữ kia lại tiếp:
- Nếu như các vị không muốn lưu lại nơi đây thì xin trở ra, quay về Ngưng Hương Điện dùng trà nghỉ ngơi. Trên đường sẽ có người đưa đón, không sợ lạc đường.
Mọi người nghe thấy công chúa đã đến thì làm sao còn trở lui nổi? Lại nghe cung nữ đó giọng điệu bình hòa xem ra không có gì ác ý, cửa phòng cũng mở toang ai muốn ra vào tùy tiện nên bao nhiêu sợ hãi đều giảm hẳn không một ai bỏ đi.
Một hồi sau, cung nữ kia lại tiếp:
- Các vị từ xa đến đây, công chúa điện hạ hết sức cảm kích thịnh tình. Tệ quốc chiêu đãi không chu đáo, xin rộng lượng cho. Công chúa xin kính cẩn đem những thư pháp hội họa bình thời rất trân quí tặng cho mỗi vị một bức để xin tạ tội. Những bức vẽ đây đều là chân tích của danh gia, xin các vị thu nạp. Trước khi các vị đi cứ việc tháo trên vách xuống.
Những giang hồ hào khách nghe nói công chúa tặng lễ vật, tưởng gì hóa ra tự họa, ai nấy không khỏi thất vọng. Cũng có người sành đời, biết rằng những tự họa này đem về Trung Nguyên, đều rất có giá, còn hơn hoàng kim châu báu, trong bụng mừng thầm. Chỉ riêng Đoàn Dự là sướng nhất, nhất định lấy bức Hồ Bạn Vũ Kiếm Đồ để mai này cùng Vương Ngữ Yên hai người sánh vai thưởng ngoạn.
Tông Tán vương tử nghe qua nghe lại, toàn là cung nữ thay mặt công chúa nói mà thôi, đâm ra nóng ruột, lớn tiếng nói:
- Công chúa điện hạ, nếu như trong đây không tiện đốt đèn, vậy mình đến chỗ khác kiến diện có được chăng? Ở đây tối mò mò, nàng chẳng thấy ta, mà ta cũng chẳng thấy nàng.
Cung nữ kia đáp:
- Các vị muốn thấy công chúa điện hạ cũng không có gì khó.
Trong bóng đêm, hàng trăm miệng người cùng cất tiếng:
- Chúng tôi muốn thấy mặt công chúa! Chúng tôi muốn thấy mặt công chúa!
Lại cũng có người la lối om xòm:
- Mau đốt đèn lên, chúng tôi nhất định không xem đồ hình trên vách đá đâu.
- Chỉ cần đốt vài ngọn đèn chung quanh công chúa cũng đủ rồi, chúng tôi chỉ ngắm công chúa, không xem đồ hình.
- Đúng đó! Đúng đó! Xin công chúa điện hạ hiện thân.