Ánh dương của nhiều năm trước giờ trông thật uể oải, bởi nó đã quá xưa cũ, bởi nó chiếu lên con đường chính của thành Trường An. Con đường chính của thành Trường An cũng không khác biệt gì quá lắm so với ở những nơi khác, đặc điểm của nó là thẳng thớm, ngang ra ngang dọc ra dọc. Tổ chức quy củ ấy dường như muốn khiến ai bước từng bước trên đó đều cảm thấy thư thái trong lòng. Đây là kiến trúc của người Trung Quốc. Dẫu tứ phía có thể đang tiềm ẩn ý đồ sát nhân, kiến trúc ấy vẫn thật đường hoàng, chính trực, vững vàng, tựa hồ bình an lắm vậy.
Giống như nụ cười trên khuôn mặt người Trường An, nụ cười cứng đặc mà tự nhiên, như đầy tình cảm ấm áp. Nụ cười ấy trước đây chưa từng khiến cho người đánh xe Nhị Bỉnh thấy lo ngại. Có thể vì quen rồi nên quên mất chăng? Nhị Bỉnh là người dân quê chất phác, tuy nguyên quán Hàm Dương nhưng đã ở thành Trường An theo ông chủ được gần mười năm rồi. Diện mạo vàng vọt và tái nhợt của người Trường An cùng nụ cười rất chuẩn mực cũng rất kín đáo ấy y nhìn lâu thành quen, chưa từng cảm thấy chút ác ý nào. Vậy mà đúng vào ba ngày trước, y đã tận mắt nhìn thấy thím Tư bị một người Trường An cũng nở nụ cười ôn hòa nhã nhặn như thế giết chết. Khi ấy bà đi mua đồ ăn cho phu nhân, vừa mới bước ra khỏi cửa mười mấy bước, băng qua con đường sau nhà.
Con dao nhọn của hắn được rút ra rất nhanh khỏi chiếc làn bên sườn phải thím. Chỉ thấy được góc cạnh của con dao, máu phủ kín hết không thấy màu sắc, không chút ánh kim loại. Rau quả rớt ra, bắn tứ tung khắp mặt đất. Khắp mặt đất đều biến thành màu xanh lục, chỉ có máu vương trên phiến đá lát đường là màu đỏ.
Nhị Bỉnh dụi dụi mắt mình, như thể lại nhìn thấy thảm trạng lúc đó. Thím làm thuê cho chủ nhân được mười hai năm rồi, còn trước cả y. Y thấy sợ hãi, bởi chuyện này phảng phất mới chỉ là bắt đầu.
Xe lăn bánh khỏi phố Bình An, đến ngay phường Chu Tước.
Khi Nhị Bỉnh nhìn lên cổng chào của phường Chu Tước, tận đáy lòng liền thắt lại. Đúng vào sáng hôm qua, có người treo một con mèo chết lên cổng chào của phường Công Đức, nơi chủ nhân y cư ngụ. Đó thậm chí còn không thể coi là con mèo thực sự, mà chỉ là một quả cầu thịt. Con mèo đó chết chưa lâu, nhưng da đã bị lột hết. Da được lột rất có kỹ thuật, không chảy ra một giọt máu, chỉ lưu lại một lớp mỏng mỏng dạng lưới bọc quanh thân thể máu thịt. Lúc ấy mọi người vẫn còn chưa biết con mèo đó là gì, càng không ngờ rằng nó chính là A Miêu nhà mình vừa mới đi lạc tối hôm trước.
Cho tới giữa trưa, chiếc mũ lông đội mùa đông mà tiệm lông thú “Lý Kỷ” may cho tiểu thiếu gia đã được đưa tới. Tiểu thiếu gia vừa mở chiếc hộp ra đã thét lên. Bên trong hộp không thấy mũ đâu, chỉ có một bộ lông mèo được xếp thật ngay ngắn, trên sắc vàng của gấm xen lẫn một mảng da mèo đen xám. Mọi người đều nhận ra được đó chính là A Miêu. Những ngón tay cầm hộp của phu nhân run lên, từng chút từng chút lật chiếc hộp giấy thô cứng ra. Đó là một ngón tay xinh đẹp, ngón tay trả tiền công cho Nhị Bỉnh, ngón tay mang tới cho những người làm bị bệnh bát canh hầm, cũng là ngón tay mang chiếc nhẫn vàng, từng dịu dàng ve vuốt con mèo màu đen xám. Vừa nghĩ tới ngón tay này chẳng ngờ có ngày run rẩy vì sợ hãi, nỗi sợ trong lòng Nhị Bỉnh thoáng chốc biến mất, thay vào đó là bắt… đầu… tức… giận! Y chỉ có thể nắm nghiến thật chặt lấy cán roi của mình, như thể muốn ép ra nước từ trong lớp gỗ xơ cứng vậy. Y… hận! Nhưng y không thể nói ra mình hận gì. Y hận cái thành Trường An này, hận những con đường dọc ra dọc ngang ra ngang. Chỉ những con đường như vậy mới có thể sinh ra những toan tính ti bỉ vô sỉ và tâm lý đầy góc quanh u tối. Y hận cả những nụ cười ung dung trên mặt những kẻ đó. Y biết, nam chủ nhân của y đã lao lực mà chết đi bởi những con người, những sự vụ trong thành Trường An.
Nhưng y cũng yêu thành Trường An này. Khi chủ nhân vẫn còn, hoàng hôn những ngày đông, đôi khi người bảo y chuẩn bị xe đi thẳng đến Nhạc Du nguyên phía tây thành. Trên Nhạc Du nguyên khi ấy không có người, chỉ có tà dương. Ánh tà dương chiếm trọn dải chân trời. Tiếp đến là cỏ úa, thảm cỏ bát ngát mênh mông, thảm cỏ nối liền đất với trời. Chủ nhân đứng giữa thảm cỏ úa. Mặt cỏ đang tắm gội cho ánh dư quang của vầng dương. Thân thể người hiện ra gầy gò mà rắn rỏi, giống như những nét thư pháp trên bia đá hao mòn ở Nhạc Du nguyên. Nhị Bỉnh hiểu rằng thời khắc ấy, chủ nhân đang nghỉ ngơi, hòa lòng mình vào tà dương già cỗi, nghỉ ngơi giữa hoang nguyên mênh mang.
Vị chủ nhân gầy gò rắn rỏi này của y họ Tiêu, là vị Ngự sử đanh thép của Trường An, cũng là người Nhị Bỉnh thực sự kính phục cả đời. Mặc dầu trong thành Trường An có rất nhiều người chẳng hề biết tới cái tên này.
Con ngựa kéo xe cho Nhị Bỉnh là thớt ngựa già, phần da lông dựa vào càng xe đã có chỗ bợt cả ra, sức lực cũng bắt đầu suy nhược. Mười năm trước khi Nhị Bỉnh bắt đầu đánh xe cho Tiêu gia đã hơi không vừa ý với tướng mạo của nó. Hai năm sau y và chủ nhân quen thân hơn một chút, liền đề nghị được đổi một thớt ngựa màu táo đỏ. Ngựa màu táo đỏ mới là loại thông dụng nhất ở thành Trường An, dáng cao thân khỏe, bụng tròn hông nở. Nhưng Tiêu ngự sử chỉ lắc đầu, ông nói con ngựa này ông cưỡi lúc lên kinh dự thi, khi ấy nó hẵng còn là một con ngựa non. Ông ngâm cho Nhị Bỉnh nghe một bài thơ, bảo rằng đó là thơ Đỗ Phủ:
Cưỡi mày cũng đã lâu, ải xa tuyết ngập sâu.
Dặm trường già gắng sức, cuối đời bệnh yếu đau.
Thân khác chi chúng bạn, vẫn hiền lành tới giờ.
Vật nhỏ tình sâu đậm, cảm động thoá ng trầm tư.(1)
Đây là lần đầu tiên Nhị Bỉnh được một học giả nghiêm túc ngâm cho nghe một bài thơ, cũng nghiêm nghiêm túc túc giảng giải cho y, xem như y thực sự hiểu được vậy. Đúng là khi ấy y thấy mình chẳng hiểu được chút nào, y chỉ đọc được từ trên mặt chủ nhân hai chữ: Chân thành. Nhưng sau chuyện này y tìm sư gia viết lên giấy cho y bài thơ chủ nhân đã ngâm, còn chú tâm tìm người nhắc y nhớ lại. Y không biết quá nhiều chữ, nhưng bốn mươi chữ này y làm quen tám năm rồi, bất kể thế nào cũng đã thuộc hết. Y không dám nói nói mình hiểu hay không hiểu, nhưng nhìn thớt ngựa đó, y lần đầu tiên cảm thấy, chỉ cần chủ nhân vẫn còn đây một ngày, ông sẽ làm cho chuyện tồi tệ này ổn định lại. Đây cũng là lần đầu tiên y thấy được sự uy nghi từ vẻ hòa nhã của một con người. Y cảm thấy, Tiêu ngự sử là người có sự uy nghi này, dẫu ông dường như là kẻ sức trói già không chặt, nhưng chỉ cần ông đi tới nơi nào, trong mắt Nhị Bỉnh, tình hình nơi ấy liền được bình yên. Y nhận ra, chỉ có chủ nhân của y cư ngụ ở “phường Công Đức”. Phường Công Đức chỉ là chốn dành cho những hộ dân thấp kém trong xã hội ở, nơi đó lại không có phong thái nhà cửa như mây nơi “phường Quân Dương”, cũng không có nét phú quý kim tiền trông ra đường lớn của “phường Ô Y”. Nhưng Nhị Bỉnh cảm thấy, khi kể tên các phường, phường Công Đức quan trọng bậc nhất trong số các phường ở thành Trường An.
Chủ nhân của y họ Tiêu, tên Dũ Tranh, chức quan Ngự sử (2). Ông làm quan có thanh danh tốt, nhưng không ai biết; ông cương trực thẳng thắn, nhưng không ai biết; ông không cầu danh vọng, do đó lại càng chẳng có ai biết. Ông Ngự sử của y không có tên tuổi.
Lừng danh ở trong thành Trường An là “Duyệt Tự phân cục” (3). “Duyệt Tự” phân cục là một tiêu cục, tổng cục của nó nằm tại Lạc Dương. Phân cục của nó ở thành Trường An có tên gọi “Trường An Duyệt”. Trường An Duyệt tuy chỉ là một phân cục, chỉ có một trụ sở, ba tiêu đầu áp tải xe hàng và mười sáu tên chạy cờ, nhưng nó còn nổi tiếng hơn toàn bộ những tổng cục khác trong thành. Nó không làm ăn nhiều, bởi vì nó không làm ăn với những khách hàng bình thường, đối tượng nó làm ăn với chỉ là các tiêu cục trong thành Trường An. Nói cách khác, nó không bảo tiêu cho khách hàng, mà bảo tiêu cho tiêu cục.
Lời này thực nực cười, người không hiểu muốn hỏi: Vậy nó lấy lợi nhuận ở đâu? Đây không phải là chở củi về rừng đấy chứ? Nên biết hiện giờ sau khi triều đình thiên đô về Lạc Dương, Trường An có phần suy thoái, nhưng hào môn phú hộ, đại gia cự phách vẫn là đếm không xuể kể không hết. Hiển nhiên, làm bảo tiêu trong thời điểm này phải cạnh tranh kịch liệt. Ăn bát cơm bảo tiêu trong thành này chẳng phải việc an nhàn, người ta phải tự nhận tiêu tự dẫn tiêu chứ, nuôi thêm một tiêu cục bảo tiêu cho tiêu cục nữa để làm gì?
Nhưng dựa vào mười sáu năm kinh nghiệm, người Trường An phát hiện thấy, chỉ cần tiếp nhận bảo tiêu là “Duyệt Tự tiêu cục”, mười sáu năm nay chưa từng để mất lại một chuyến tiêu. Người đã bị mất tiêu chỉ cần tới trước cánh cửa Duyệt Tự tiêu cục thỉnh cầu, chuyến tiêu đó liền có thể tìm lại được, không phải khuynh gia bại sản đi bồi thường, hay tới mức trả không nổi nợ mà treo cổ tự vẫn. Hơn ba mươi năm nay, mình “Tam Hoàn tiêu cục” cường thịnh một thời trong thành Trường An là kẻ không chịu phục, kiên quyết cự tuyệt việc mời “Trường An Duyệt” làm bảo tiêu cho tiêu cục họ. Cũng từng qua mười ba năm liên tục bình yên không xảy ra chuyện gì, người trong cuộc đều nói, đó là nhờ Cục chủ của “Tam Hoàn tiêu cục” có gốc rễ vững chãi. Cục chủ Tam Hoàn tiêu cục Đàm Hậu Hành xuất thân từ phái Chung Nam. Núi Chung Nam ở cách Trường An chẳng qua chỉ trăm dặm, khi trong Cục có chuyện, nội một ngày đường là cường viện tới liền. Ở một dải Cam Thiểm này, còn có kẻ nào dám động vào tiêu của “Tam Hoàn” Đàm lão gia tử chứ? Nhưng có ai ngờ được rằng: Sau mười ba năm bình yên, Tam Hoàn bất ngờ lại xảy ra chuyện!
Chuyến tiêu đó chính là một đôi tượng cao cỡ người thường bằng ngọc phỉ thúy, ánh bích quang trong vắt lấp loáng, điêu khắc từ loại mỹ ngọc Hòa Điền quý hiếm. Người có may mắn nhìn thấy kể rằng: Ngọc tốt như vậy, ý tưởng sáng tạo như vậy, trong vòng trăm năm tới khó mà lặp lại. Tiêu là do Tam Hoàn nhận, được đệ tử đắc ý nhất của Đàm Hậu Hành, cũng là trụ cột Đàm Mộng Phi của phái Chung Nam áp tải, đi theo còn có ba sư huynh phái Chung Nam của gã nữa. Người ta đồn kiếm pháp “Chung Nam Âm Lĩnh Tú” của Đàm Mộng Phi trong ba đời trên dưới phái Chung Nam e rằng không ai có thể sử được. Ngay cả nếu đệ nhất tục gia cao thủ trong phái, cũng chính là Đàm lão gia tử tự thân hành động, thực lực chẳng qua cũng đến thế thôi. Nhưng điều khiến người ta không ngờ đến đã xảy ra: chuyến tiêu này đã mất!
Sau khi mất tiêu, phái Chung Nam dốc tận lực trên dưới ba đời hơn trăm cao thủ, thêm vào thân thích bằng hữu của Đàm lão gia tử, tìm kiếm khắp ba tỉnh, cũng không tra ra một chút đầu mối nào. Họ chỉ biết có thể do nhất lưu cao thủ trong tổ chức hắc đạo, xưng danh trên giang hồ là “Mạc xuất kỳ hữu” của nhà họ Mạc cướp đi. Nhưng Mạc gia này tung tích trên giang hồ rất mơ hồ, lai vô ảnh, khứ vô tung. Vô duyên vô cớ, Đàm lão gia tử cũng chẳng thể làm gì. Ba tháng sau vụ mất tiêu, cũng là kỳ hạn cuối cùng mà chủ tiêu đưa ra để tìm tiêu về, vừa đúng vào thời điểm sinh nhật của Đàm lão gia tử - đại thọ sáu mươi tuổi. Đàm lão gia tử vốn muốn cử hành thật long trọng, mà trong tình thế này thọ yến không còn lòng dạ nào để mở ra nữa, người trong phái Chung Nam chỉ biết ủ rũ nhìn nhau. Nhưng đúng ngày đó, “Trường An Duyệt” lại phái đến một tên chạy cờ gửi tặng một món đại lễ.
Món đại lễ này chính là chuyến tiêu bị mất.
Trên thiếp mừng đưa tới viết rằng để đoạt chuyến tiêu về, “Trường An Duyệt” đã mất ba tiêu đầu do Tổng cục phái đến và một tên chạy cờ, còn lại không thêm lời nào, cung kính chúc Đàm lão gia tử thiên thọ.
Đàm lão gia tử một câ u cũng chẳng thể nói ra. Toàn thể phái Chung Nam và thân thích bằng hữu của ông cùng đều á khẩu. Ngày hôm sau, Đàm lão gia tử bước vào cánh cửa “Trường An Duyệt” tự mình cung cung kính kính đáp lễ. Sau khi về nhà, ông liền gọi người dỡ bỏ bảng hiệu “Tam Hoàn tiêu cục” xuống, tự mình đánh một chưởng lên mặt trống đá trước cổng, làm vỡ nát ba chiếc nhẫn “Đoạt mệnh tam hoàn” ở ngón tay trỏ, giữa và áp út, nói: “Từ nay trên giang hồ không còn người của Đàm gia nữa.”
Phái Chung Nam cũng từ đó đóng cửa ba năm.
Bão táp phong ba trong giang hồ qua rồi, mọi người mới kinh ngạc khi phát hiện ra, chủ trì toàn cục trong Trường An Duyệt vẫn là một vị sư gia thư phòng, bên dưới là ba tiêu đầu và mười sáu tên chạy cờ, đến phân cục chủ cũng vẫn trống trơn như cũ.
Nhưng ba chữ tên hiệu của Lang tiên sinh trên văn phòng lại lan truyền khắp thành Trường An. Từ trẻ con cho tới người già, từ tăng ni cho tới thường dân, không ai không biết, không ai không hiểu.
Cửa “Trường An Duyệt” không lớn, chỗ ra vào trước cửa lại rất rộng, chứa được hơn chục cỗ xe lớn. Ở “Trường An Duyệt”, trong một năm chỉ vào ba dịp lễ tiết, nơi này mới được bày xếp đầy. Bình thường, cửa vào luôn luôn được hai tên chạy cờ trông giữ. Chạy cờ của “Trường An Duyệt” rất hiếm được thay mới, hôm nay khó khăn lắm mới thấy hai gã trẻ tuổi này. Trực ban trước cửa là tiêu đầu xuất thân từ “Ngũ hổ Bành môn“ Cửu điều tùng Sử Khắc. Cùng với việc thanh danh lan rộng, những tiêu đầu trong “Trường An Duyệt” lại chẳng tỏ ra thêm chút ngạo khí nào, Cửu điều tùng Sử Khắc còn là người khiêm nhường nhất trong số ba tiêu đầu ấy nữa. Môn phái xuất thân của gã thanh danh không cao, nhưng với một đường “Tùng căn cửu trảo” ổn định mạnh bạo, chiêu thức độc đáo, gã là vị sư phụ trẻ tuổi được người người trong giới áp tiêu thành Trường An khâm phục. Lúc này gã đang thơ thẩn ngắm nhìn vầng thái dương đang chìm dần dần xuống, chỉ cần cái bánh xe ấy rơi vào mép tường của tòa nhà đối diện, gã liền lập tức bật dậy gọi đồng nghiệp nghỉ ngơi – trông coi vào ca đêm đã có Quách lão đầu lo rồi.
Gã ngửi thấy mùi cơm thoang thoảng bay ra từ đằng sau viện. Sử Khắc là con người không được ăn học. Trải cuộc đời máu nhuộm mũi đao đã bao năm, gã nhận ra được rằng ngọt ngào thơm tho nhất trên thế gian này chính là nồi cơm vợ hiền nấu trên bếp than hồng. Niềm vui của gã đã vương nơi khóe môi, người cũng đã định đứng dậy khỏi chiếc ghế gỗ. Lúc này, một chiếc xe dừng lại trước cửa.
Kéo xe là một thớt ngựa già nhưng bộ lông thuần chất. Đánh xe là một người dân quê, một hán tử chất phác. Chiếc xe cũ mà sạch sẽ, lớp sơn trên hai bánh xe đã bong tróc, rèm xe cũng là gấm Tứ Xuyên đã cũ. Nhưng không hiểu sao, chiếc xe này khiến cho người ta cảm thấy khí độ đường đường chính chính, như thể nó chạy ra từ nhà thế gia vọng tộc. Sử Khắc sững sờ, đứng bật dậy. Hai tên chạy cờ trẻ tuổi canh cổng vì th thấy khó hiểu, chẳng hay Sử tiêu đầu cớ sao hôm nay lại khách khí vậy. Chợt nghe hán tử đánh xe nói: “Xin thứ lỗi, bên trong xe là bà chủ của nhà tôi, là một nữ quyến, làm phiền hãy mở cửa ra để vào cửa rồi bà chủ mới xuống xe được.”
Đây là chuyện chưa có tiền lệ ở “Trường An Duyệt”. Từ trước tới nay, Trường An Duyệt luôn xử thế nhún nhường, giản dị với người. Những năm gần đây, kẻ vào ra đều là tu mi nam tử hiên ngang thân cao bảy thước, lần đầu tiên có nữ nhân vào cửa. Hai tên chạy cờ vẫn còn đang ngơ ngác. Sử Khắc trầm ngâm chốc lát, đoạn khẽ vẫy tay. Hai tên chạy cờ tuân lệnh đẩy cánh cửa hiếm khi được mở ấy ra. “Két!” một tiếng, bậc cửa lộ ra, chiếc xe lắc lắc lư lư lách vào bên trong.
Chú thích:
1. Bài thơ Bệnh mã - Ngựa ốm của Đỗ Phủ.
2. Ngự sử có thể xem như thanh tra của thời xưa.
3. Duyệt tự là chữ Duyệt. Duyệt có nghĩa: vui vẻ.