Hẻm Bình An
Thượng Hải có ít nhất một trăm hẻm Bình An. Hễ nhắc đến hẻm Bình An, trước mắt lại hiện ra những ngõ nhỏ sâu hun hút, quanh co, rác rưởi bẩn thỉu. Có hẻm xuyên suốt, đi sang một phố khác; có hẻm lại thông vào một hẻm khác, tạo thành một mảng. Giống như một tấm lưới, người ngoài vào những con hẻm này thể nào cũng bị lạc, không biết đi theo ngả nào. Hẻm Bình An người khác nhìn vào như một mê cung, nhưng chúng thì rất tỉnh táo, mỗi con hẻm đều giữ trái tim mình, sống giành giật qua ngày. Khi màn đêm buông xuống, có những lúc cùng trăng lên, hẻm Bình An lại xuất hiện khuôn mặt sạch sẽ yên bình, như nét bút tinh tế, tô vẽ tỉ mẩn, cẩn thận cho những sinh kế thô thiển. Kỳ thực, bên trong hẻm Bình An đẹp lắm, có điều không nhận ra đấy thôi. Trên những khung cửa gỗ bắt đầu mục kia cũng có bao nhiêu điều tốt đẹp không thể nào kể hết, nhưng vẫn là hồi ức và hướng vọng bóng trăng, bóng hoa. Tiếng rao “Cẩn thận đèn lửa” là chút gìn giữ mang tình yêu ấm áp của hẻm Bình An. Cuộc sống mỗi ngày của hẻm Bình An bắt đầu bằng sự huyên náo, tiếng xe phân, tiếng cọ rửa thùng phân, cả chục cái lò than cùng bốc khói, áo quần giặt để qua đêm lúc này cũng đem ra phơi, sào phơi ngang dọc như cờ trận trong khói bụi. Màu sắc và âm thanh ấy có phần phô bày, mang chút bực dọc và chói chang, khí thế, che khuất mặt trời đằng đông. ở đây có một số gia đình cũ, cùng tuổi với hẻm, họ là những chứng nhân của hẻm Bình An, thẩm định những hộ đến sau bằng con mắt lịch sử. Trong đó, người đến, người đi, tạo nên cảnh tượng nước chảy không ngừng. Hành tung của họ giấu đầu hở đuôi, có chút bí hiểm, lẩn quất trong những đám mây trên bầu trời hẻm Bình An.
Vương Kỳ Dao đến hẻm Bình An, ở số nhà 39, trên tầng ba. Chủ trước còn để lại trên ban công nhiều chậu hoa, hầu hết đã khô héo, còn lại một vài chậu không biết cây gì, vẫn ra lá non. Trong bếp đầy những chai lọ, bên trong mốc meo, sinh dòi bọ, chai dầu lạc vẫn còn đến một nửa. Trên bức tường cửa sau còn để lại bút tích của người lớn, viết: “Lễ mừng thọ ngày mồng mười tháng giêng”. Không rõ lễ mừng thọ ai. Cũng có dòng chữ của trẻ con: “Vương Căn Sinh ăn cứt”. Ngày tháng lộn xộn, không đầu không cuối, viết khắp nơi. Còn cả đống giày dép cũ. Kỳ Dao sắp xếp mấy thứ đồ dùng của mình, còn nữa để tạm đấy, việc đầu tiên là treo mấy tấm rèm cửa sổ, che lại, bật đèn. Bộ mặt căn phòng đổi khác, tuy là tiếp nhận của chủ cũ, song cũng trở nên mới mẻ. Đèn không chao, ánh sáng tràn khắp nhà, không phải là sáng, mà mọi đồ vật đều như bị lột da, bóc trần. Trời tháng năm, ngoài kia gió mát, có mùi khói bếp và nước rửa bát, thật ra đó là mùi cốt lõi của Thượng Hải, hôi lâu rồi cũng không còn nhận biết, thấm cả vào người. Muộn hơn một chút là mùi cháo đường hoa quế, những gì xưa cũ đều được gặp lại. Rèm cửa sổ cũng cũ, che đi cảnh đêm quen thuộc. Cũng có sự ngăn cách những điều quen cũ, nếu thật tâm nối lại, vẫn còn vết nối. Kỳ Dao rất xúc động với những bông hoa trên rèm cửa sổ, hoa nở bất cứ lúc nào và ở đâu, là bạn trung thành. Nó giữ lại hình bóng, là dấu vết của thời tốt đẹp, dù mất đi thì vẫn rực rỡ. Sàn gỗ và khung cửa sổ bằng gỗ bốc lên mùi thuốc chống mối mọt, có tiếng chân chuột khe khẽ, như đi qua tim người, cũng là sự nhắc nhở. Rồi tiếng rao: “Cẩn thận đèn lửa” lại vang lên.
Kỳ Dao đi học y tá ba tháng, được cấp giấy phép và treo biển nhận tiêm ngay trước hẻm Bình An. Cứ vài ba hẻm lại có một biển loại này, là sinh kế của những người như Kỳ Dao. Buổi sáng, những người này dậy thu dọn nhà cửa gọn gàng, áo quần sạch sẽ, rồi đốt đèn cồn, luộc kim tiêm. ánh sáng từ mái nhà bên chiếu vào, in hình ô vuông trên nền nhà. Rồi tắt đèn cồn, mở sách truyện ra đọc, chờ khách đến tiêm. Người đến tiêm thường sáng một mũi, chiều một mũi, cũng có một vài người tiêm buổi tối. Còn có người mời đến nhà tiêm, mỗi lúc như thế, họ đi, đem theo túi đựng dụng cụ tiêm, bông, mũ vải trắng và khẩu trang, ra dáng một y tá. Kỳ Dao thường mặc xường xám trắng, vào những năm năm mươi, loại xường xám ấy càng ngày càng ít thấy, còn lại không mấy chiếc, không tránh khỏi cũ hỏng, là di tích của một thời, cũ và mốt cùng trên một con người. Kỳ Dao mặc xường xám, đi qua hai dãy phố đến tiêm cho một bệnh nhân. Những tình cảm cũ thường sống lại, nhưng người thì đã sắm một vai khác. Một hôm, Kỳ Dao đến chung cư Tập Nhã, bước vào phòng khách tối om, sàn đánh xi bóng phản chiếu giày tất của nàng. Kỳ Dao được người nhà đưa vào buồng ngủ, trên giường là một cô gái trẻ đang nằm, đắp một tấm chăn xanh mỏng, nàng cảm thấy người con gái này là mình hoá thân. Tiêm xong, thu dọn dụng cụ, ra khỏi chung cư nhưng lòng thì vẫn ở lại đấy. Kỳ Dao tưởng như còn nghe thấy tiếng chủ nhân mắng người ở: đã biết ông chủ tối này đến ăn cơm mà mua tôm vừa nhỏ vừa không tươi! Có lúc Kỳ Dao nhìn ngọn lửa xanh của đèn cồn như thấy lại cảnh tượng rực rỡ, trong đó là một thế giới nhỏ, một thế giới nhỏ không bao giờ hết múa hát, là múa và hát trên trời kia. Thỉnh thoảng Kỳ Dao đi xem phim, xem buổi chiếu tám giờ. Đường phố đã yên tĩnh, mặt đường phản chiếu ánh đèn, trong tiền sảnh rạp chiếu bóng sôi nổi như ngược thời gian. Kỳ Dao thường xem các phim cũ, “Thiên sứ mặt đường của Chu Triền,” “Ngã tư” của Bạch Dương, vẫn gặp lại thuở xưa, những câu chuyện không liên quan cũng là lời tâm sự. Nàng đặt mua một tờ báo buổi chiều, xem báo cho qua hoàng hôn, đọc không sót một chữ, hiểu một nửa, không hiểu một nửa, giữa hiểu và không hiểu, đến giờ ăn tối, nước trên lò đã sôi.
Khách đến tiêm buổi tối thường không hẹn trước, nghe tiếng chân bước trên cầu thang, nghĩ: ai đến thế nhỉ? Kỳ Dao trở nên hoạt bát, nói đôi ba câu chuyện. Nếu là trẻ con đến tiêm, Kỳ Dao biết làm cho chúng vui lên. Nàng đốt đèn cồn, sát trùng kim tiêm, hỏi chuyện này khác, tiêm xong, không muốn để người bệnh về ngay. Không khí xao động và tiếng vang vẫn để lại dư âm, có lúc quên thu dọn, nước trong nồi cạn khô rồi mới biết. Những tối như thế làm thay đổi cuộc sống tẻ nhạt, tuy không đi đến đâu, nhưng cũng làm sống động hơn, khiến lòng người mong đợi. Những mong đợi mênh mang, không rõ phương hướng, ấp ủ và phát triển điều gì đó chưa biết, tưởng đâu sẽ có kết quả. Một hôm, đang nửa đêm Kỳ Dao bị gọi dậy. Mọi người đã ngủ say, tiếng gọi càng kinh động hơn, có vẻ nguy cấp và sợ hãi. Trống ngực Kỳ Dao đập mạnh, nàng vội khoác thêm chiếc áo khoác ra ngoài áo ngủ, chạy xuống mở cửa, thấy hai người nhà quê cáng một người bệnh trong cơn nguy cấp, đến nhờ bác sĩ Kỳ Dao giúp. Kỳ Dao biết họ nhầm, cho rằng y tá là bác sĩ. Nàng chỉ cho họ đến một bệnh viện gần nhất rồi trở lên gác, nhưng không làm sao ngủ lại được. Đêm ở thành phố này thường có những chuyện bất ngờ, mỗi động tĩnh đều không bình thường. Tấm biển “Y tá Vương Kỳ Dao” treo dưới ánh đèn đầu hẻm, như mong ngóng chờ đợi. Ô tô chạy trong đêm yên tĩnh, tiếng gió cuốn lá rụng, đêm chuyển động, sôi động thầm lặng.
Người tiêm ở Thượng Hải nhiều lắm, nay đi mai đến, lúc nào cũng có người mới. Hồi này Kỳ Dao hay phỏng đoán gia đình và nghề nghiệp của khách đến tiêm, nói đôi ba câu chuyện kèm theo mấy câu chân tình. Gặp những chị người ở đưa trẻ đến tiêm, không hỏi cũng khai rõ gia chủ. Có chị người ở nào lại không hay chuyện? Ai mà không có nỗi hận với gia chủ, phải tố hết nỗi khổ ra cho người khác nghe. Lại có những bệnh nhân cố định, những người này không thể coi là bệnh nhân được, họ thường tiêm các loại thuốc bổ, mỗi tuần một vài lần. Lâu rồi có nhiều người không tiêm cũng đến, ngồi chơi, nói chuyện, chuyện người này, chuyện người kia. Cứ như thế, Kỳ Dao không đi chơi cũng biết đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Tuy những chuyện của người ta, nhưng cũng lấp đầy nửa khoảng trống trong ngày của Kỳ Dao. Buổi sáng, buổi tối, thậm chí có lúc bận, tai nghe, mắt không kịp nhìn. ồn ào trong hẻm Bình An cũng biết lây lan, len lỏi mọi ngóc ngách, dần dà phá vỡ sự yên tĩnh của nàng. Tiếng chân lên xuống cầu thang cũng nhiều hơn, cửa mở ra đóng vào cũng nhiều hơn, thỉnh thoảng lại có người đứng ở cửa sau ngửa cổ lên gọi Kỳ Dao. Nhất là vào buổi chiều rảnh rỗi, tiếng gọi càng vang xa, rất thân thiết. Hoa trúc đào đã nở. Trong hẻm Bình An cũng có mấy cây trúc đào, trúc đào trồng trong bồn xây trên ban công, hoa nở rực rỡ. Ban ngày tuy không có những cuộc kỳ ngộ, tận tâm tích lũy nhiều tình tiết nhỏ nhặt, cuối cũng cũng có thể biến thành điều gì đó.
Kỳ Dao quen dần với mọi người. Mọi người biết nàng là một quả phụ trẻ, tất nhiên rất nhiệt tình mai mối. Trong đó, có một người, là thầy giáo, chừng ba mươi tuổi, nhưng đã hói đầu. Hai người gặp nhau trong rạp chiếu phim, xem một bộ phim nông dân vươn mình, loại phim mà Kỳ Dao ghét nhất, phải cố ngồi đến cùng. Có những lúc im lặng, nghe rõ tiếng thở của thầy giáo, có cả tiếng khò khè trong ngực, thầy giáo bị hen. Từ đấy, nàng từ chối và cảm ơn người làm mối, thấy dù có giới thiệu ai thì cũng không khác ông giáo kia. Nàng không trách người, chỉ trách số phận mình không may mắn. Nhìn khói bếp trong hẻm bay lên, nàng nghĩ bụng: liệu còn gì tốt đẹp đến với mình nữa không? Mọi người thì nói Kỳ Dao kiêu, cũng có người bảo nàng thủ tiết, nói gì thì Kỳ Dao cũng bỏ ngoài tai, gợi ý gì cũng chỉ để ngoài tai. Tuy quen biết nhưng vẫn có khoảng cách, âu cũng là bình thường. Quen biết người trong hẻm Bình An không rõ xa cách bao nhiêu, như nước đục không rõ có bao nhiêu cá. Quen thuộc trong hẻm Bình An cũng chỉ thế thôi, không sâu sắc, chỉ bề ngoài, vui vẻ trước mặt, bên trong vẫn cô đơn lạnh lùng, nỗi cô đơn người không biết, mình cũng không hay. Ngày tháng vẫn trôi qua. Kỳ Dao nửa mơ hồ, nửa tỉnh táo. Nửa mơ hồ để sống, nửa tỉnh táo để suy nghĩ. Ban ngày bận với người và công việc, về đêm, tắt đèn, ánh trăng soi lên rèm cửa sổ, từng bông hoa to đập vào mắt, không nghĩ cũng phải nghĩ. Đêm trong hẻm Bình An có nhiều suy tư, chẳng qua không hiện lên những bông hoa to trên rèm cửa sổ như của Kỳ Dao. Nhiều suy nghĩ chìm sâu trong lòng, như cát đọng. Tất cả đều nung nấu bởi sinh kế, vắt kiệt mồ hôi, vắt kiệt nước, ngưng kết thành từng mảng, không làm sao tách ra được. Vương Kỳ Dao chưa đến mức đó, suy nghĩ của nàng còn có cành và hoa, chợt sáng trong đêm tối hẻm Bình An.
7 Khách quen
Trong những người hay đến chơi nhà Vương Kỳ Dao, có bà Nghiêm vẫn đến thường xuyên hơn. Bà cũng ở trong hẻm Bình An này, tận trong cùng hẻm, cổng riêng nhà riêng. Bà chừng ba sáu, ba bảy tuổi, con trai lớn đã mười chín, học kiến trúc ở trường Đồng Tế. Chồng bà, trước năm bốn chín là chủ xưởng sản xuất bóng đèn Nhất Bàn, sau khi công tư hợp doanh làm Phó Giám đốc, theo bà Nghiêm thì cũng khá lắm. Ngày thường, bà Nghiêm cũng kẻ lông mày, tô son, mặc áo gi-lê màu xanh ngọc, diện quần Âu. Trong hẻm, hễ thấy bà đi qua là ai cũng phải im lặng, nhìn theo. Bà thì vênh vang chẳng thèm để ý đến ai, ra vào cứ như nơi không người. Con cái bà cũng không thèm làm bạn với lũ trẻ cùng trang lứa trong hẻm. Ông Nghiêm thì xe vào xe ra, từ nhiều năm nay bà con trong hẻm không biết rõ mặt ông. Người giúp việc không được đi chơi tùy tiện, lại thay đổi luôn, bởi thế người giúp việc nhà bà Nghiêm cũng rất kiêu, chẳng làm bạn với ai. Cứ thứ hai, thứ năm hàng tuần, bà Nghiêm lại sang nhà Kỳ Dao tiêm một mũi thuốc ngừa cảm cúm, thứ thuốc nhập nội. Lần đầu thấy Kỳ Dao bà đã thầm kinh ngạc, bà nghĩ: cô gái này chắc phải có lai lịch gì đây. Nhất cử nhất động, mỗi miếng ăn tấm áo của Kỳ Dao đều mách bảo với bà những điều bí ẩn của nàng, điều bí ẩn ấy là chốn phồn hoa. Với con mắt ấy, bà thấy Kỳ Dao có thể gần gũi thân thiết được. ở trong hẻm này lúc nào bà Nghiêm cũng thấy ấm ức khó chịu, ở đây tất cả cũng vì giá nhà rẻ, bởi ông Nghiêm là người chăm chỉ tằn tiện. Bởi thế bà luôn luôn phàn nàn, ông Nghiêm thì hứa mãi, ai ngờ công tư hợp doanh, tài sản đều thuộc về nhà nước, giữ được chỗ để ở là ơn trời ơn đất lắm rồi, còn biệt thự vườn hoa đã trở thành bong bóng. Trong hẻm Bình An này bà Nghiêm tỏ ra nổi trội, nhìn ai cũng dưới mình, không ai có thể ngang tầm. Bây giờ có Kỳ Dao, bà Nghiêm vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, bà cảm thấy đồng bệnh tương liên. Không biết Kỳ Dao có đồng ý hay không, bà cứ đến làm bạn thường xuyên.
Bà thường đến nhà Kỳ Dao vào khoảng hai giờ chiều, tay cầm cái quạt đàn hương, cộng với phấn son trên người, người chưa đến mà mùi thơm đã đến trước. Người đến tiêm thường vào lúc ba, bốn giờ chiều, nên lúc ấy thường rỗi việc, chỉ có hai người ngồi đối diện với nhau. Cơn ngái ngủ buổi trưa mùa hè vẫn chưa hết, cứ ngáp dài liên tục. Cả hai cùng cố để tỉnh táo, chẳng biết nói chuyện gì. Tiếng ve sầu trên cây ngô đồng đầu hẻm cũng không nghe rõ. Kỳ Dao phải mời bà một ly nước mơ, uống rồi cũng không biết mình uống gì vào bụng. Chờ cho cơn ngáp vặt qua đi, người tỉnh dần, cơn nóng trong ngực tan đi, lúc này mới thổ lộ tình cảm với nhau. Vẫn là bà Nghiêm nói, Kỳ Dao nghe, người nói và người nghe đều say sưa. Tưởng đâu bà Nghiêm có cả trăm năm tâm sự, dốc hết tâm tư, từ chuyện mẹ đến chuyện bà, thật ra cũng chỉ nói cho mình nghe, nghe tiếng lòng mình. Cũng có lúc bà Nghiêm hỏi chuyện, Kỳ Dao trả lời rành mạch, biết rằng bà chưa tin hẳn, cũng để bà đoán chừng, có đoán đúng cũng không nói. Tuy bà đoán được đôi chút, nhưng vẫn hỏi, như để kiểm chứng lòng thành thật của Kỳ Dao. Không phải Kỳ Dao không thành thật, nhưng chỉ vì không thể nói ra. Hai người vòng vo như đuổi bắt, trong lòng sinh nghi. Đàn bà con gái với nhau hình như không sợ hoài nghi, càng hoài nghi càng thân nhau hơn. Bà Nghiêm và Kỳ Dao có lúc chia tay mà không vui, nhưng hôm sau lại đến với nhau, hiểu nhau hơn lần trước.
Hôm ấy, bà Nghiêm ngỏ ý làm mối cho Kỳ Dao một người, Kỳ Dao cười và từ chối. Bà hỏi tại sao? Kỳ Dao không nói lý do, chỉ kể chuyện lần trước đi xem phim với một thầy giáo. Bà cười, cười xong nói rất nghiêm chỉnh:
- Cô giới thiệu cho cháu một người, thứ nhất không phải là thầy giáo, thứ hai không hói đầu, thứ ba không hen...
Nói đến đây, hai người cùng phá lên cười, cười ngặt cười nghẽo hồi lâu. Cười xong, bà Nghiêm không nói gì đến chuyện làm mối nữa. Tất nhiên Kỳ Dao càng không nói, cả hai cùng hiểu, để mặc cho câu chuyện qua đi. Cả hai đều là người thông minh, hãy còn trẻ, không để thời gian làm phí hoài con tim, thoáng cái đã hiểu. Tuy hai người cách nhau gần chục tuổi, một người nom già hơn một chút, một người trông trẻ hơn một ít, đi với nhau thật vừa đôi. Hai người bạn đường, mỗi người một tâm tư sâu kín, đừng nghĩ bà Nghiêm dốc hết tâm tư, trong bà vẫn còn giữ lại những điều không cần thiết biết hết, hai bên đều không biết nhau đến tận nguồn cội, nhưng đồng tình với nhau là đủ lắm rồi. Cho nên, tuy bà Nghiêm có chỗ không bằng lòng, nhưng cứ mặc kệ, làm người bạn thực lòng là được rồi.
Bà Nghiêm có nhiều thời gian hơn, tuy có chồng, nhưng ông sớm đi tối về; có ba con, đứa lớn đã lớn, đứa nhỏ bỏ mặc cho người ở trông nom; với các bà trong giới công thương thì không phải ngày nào cũng gặp gỡ, giao thiệp. Vậy là nhà Kỳ Dao là nơi để bà lui tới chuyện trò hàng ngày, có hôm ở lại cùng ăn cơm. Kỳ Dao muốn làm thêm thức ăn, nhưng bà ngăn lại, bảo có gì ăn nấy. Hai người thường ăn cơm chan nước nóng với dưa cà gì đó, ăn cho xong bữa. Đây là những ngày sống đơn giản gần như khổ hạnh của nàng Kỳ Dao, có cuộc sống yên bình, đạm bạc lại nhớ thời khuê các xa xưa. Có người đến tiêm khi hai người đang nói chuyện, bà Nghiêm đứng lên kéo ghế mời khách, thu tiền, nhận thuốc, đỡ đần này nọ ... Khách thấy bà Nghiêm son phấn loè loẹt cứ ngỡ là em gái Kỳ Dao, còn bà Nghiêm thì phấn khởi đỏ cả mặt, tưởng đâu như trẻ con được người lớn khen. Bà khuyên Kỳ Dao đi làm đầu, may áo mới, bà như sẵn sàng chịu hy sinh bản thân. Bà giảng giải đạo lý làm người con gái, nói những điều về tuổi thanh xuân đẹp đẽ và ngắn ngủi. Nói đến tuổi xuân, Kỳ Dao chợt buồn. Nàng nghĩ tuổi hai mươi lăm của mình đang trôi đi trong ánh ban mai rực rỡ và bóng hoàng hôn ảm đạm mà không thể giữ nổi, dùng dao chém nước, nước chảy càng nhanh. Bà Nghiêm trang điểm luôn luôn thay đổi theo mốt thì cũng chỉ có thể theo đuôi tuổi thanh xuân. Có những lúc bà trang điểm làm Kỳ Dao giật mình, nhưng cảm động. Trong ánh mắt Kỳ Dao có nét ngây thơ hoà trộn cảnh biển dâu, đẹp buồn. Không chịu nổi những lời dạy bảo và sách động của bà Nghiêm, Kỳ Dao phải đi làm đầu.
Vào hiệu làm đầu, mùi dầu gội đầu và thuốc làm tóc xộc vào mũi, thật sự không còn gì quen thuộc hơn. Một phụ nữ đang sấy tóc, một tay cầm cuốn truyện tranh, một tay đưa ra cho thợ sửa móng, cũng là hình ảnh quá quen. Gội đầu, sửa móng tay, cuộn tóc, uốn, sấy, tạo dáng ... một loạt trình tự không cần phải nhớ thì tự nó cũng không thể quên. Kỳ Dao cảm thấy hôm qua vừa đến xong, chung quanh toàn là những gương mặt quen thuộc. Cuối cùng, tất cả đều đâu vào đấy, Kỳ Dao trong gương cũng là ngày qua, khoảng thời gian ba năm vừa qua được dùng kéo để cắt rời ra, không biết vứt bỏ đi đâu. Trong gương, Kỳ Dao trông thấy bà Nghiêm đứng phía sau, mắt tròn xoe, miệng há hốc kinh ngạc, tưởng đâu hối hận vì thúc giục Kỳ Dao đi làm đầu. Thợ cắt tóc đang chải đầu cho Kỳ Dao, ngón tay chạm vào gò má, nơi cần được gìn giữ cẩn thận nhất. Kỳ Dao hơi nghiêng mặt, tránh gió nóng của máy sấy tóc, động tác mang vẻ kiêu kỳ ấy cũng là của ngày qua.
Bà Nghiêm thật lòng, nói:
- Cô không ngờ cháu lại đẹp đến thế!
Nàng cũng nói thật lòng:
- Cháu bằng tuổi cô chắc chắn không được bằng cô.
Câu nói tuy là rất lễ độ, nhưng lại chạm vào nỗi đau của bà Nghiêm, thì ra tuổi tác không hiểu lòng người. Vừa nói xong, Kỳ Dao thấy mình lỡ lời, cả hai cùng im lặng. Biết có lỗi với bà Nghiêm, Kỳ Dao liền quàng vai bà, hai người đi về phía phố Mậu Danh. Đi được vài bước, bỗng bà Nghiêm cười, nói:
- Cháu có biết cô ủng hộ Cộng sản ở điểm nào không?
Kỳ Dao thấy đột ngột quá, không biết trả lời ra sao. Bà Nghiêm nói tiếp:
- ấy là Cộng sản không cho lấy vợ hai!
Kỳ Dao biết không phải bà Nghiêm nói mình, lòng cũng nhẹ đi, buông tay quàng vai bà. Bà Nghiêm nói luôn:
- Nếu Cộng sản không cấm thì ông Nghiêm nhà cô đã lấy vợ bé rồi!
- Cô cứ lo thế thôi, chú Nghiêm muốn thì đã lấy từ lâu rồi, đâu còn chờ đến giờ!
Bà Nghiêm lắc đầu:
- Cháu không biết đấy, chỉ một tị tẹo nữa thôi, ông ấy đã tìm được người rồi, một vũ nữ ở vũ trường Tiên Lạc, thế rồi Thượng Hải giải phóng, có người khuyên ông ấy đi Hồng Công, có người lại bảo ông nên ở lại Thượng Hải, rối bòng bong một hồi rồi mới thôi đấy chứ!
Kỳ Dao nghĩ, không biết tại sao bà Nghiêm lại đem chuyện này ra nói, hay là bởi câu nói có liên quan đến tuổi tác vừa rồi? Hai người lặng lẽ đi được một quãng thì Kỳ Dao nhẹ nhàng an ủi:
- Dù có thế nào đi nữa thì vẫn là vợ chồng kết tóc xe tơ, tình sâu nghĩa nặng.
Bà Nghiêm cười, gật đầu nói:
- Phải, có ơn có nghĩa vẫn hơn, nhưng cháu có biết ơn nghĩa là gì không? Ơn nghĩa là chịu khó chịu khổ, yêu mới là vui sướng; ơn và nghĩa là hoạn nạn cùng chịu, tình và yêu là hạnh phúc cùng hưởng, cháu thích đằng nào?
Kỳ Dao thừa nhận lời bà Nghiêm có lý, nhưng cũng ngạc nhiên là, bà được sống sung sướng trong nhung lụa nhưng cũng có những kinh nghiệm đau đớn. Bà Nghiêm quay lại nói với Kỳ Dao:
- Tình và yêu vẫn tốt cháu ạ, cứ được nếm trải thì không muốn rời bỏ, cháu nghĩ, chúng ta làm con gái đàn bà vì ai nào? Chẳng phải vì đàn ông là gì!
Điều này thì Kỳ Dao không đồng ý, nàng có phần bực, nói:
- Cháu thì vì mình thôi!
Bà Nghiêm vỗ vỗ vào mu bàn tay Kỳ Dao đang quàng vai bà, nói:
- Như thế chỉ càng vất vả, vì đàn ông nhẹ việc đi bao nhiêu!
Kỳ Dao im lặng. Hai người đi dưới nắng thu rực rỡ, người như trong suốt, cả hai như trông thấy gan ruột của nhau.
Từ lúc làm đầu, Kỳ Dao phấn chấn hẳn lên, lục tìm những áo quần đẹp để sâu trong đáy hòm, sửa chữa đi tý chút lại trông như mới. Nàng cũng bắt đầu trang điểm, nhíp tỉa lông mày, bút kẻ mi, phấn son vẫn còn, đều lấy ra tất cả. Thời gian để Kỳ Dao đứng trước gương cũng nhiều hơn, người trong gương là bạn cũ và cũng là người mới quen, có thể cùng Kỳ Dao nói chuyện. Bà Nghiêm thấy Kỳ Dao thay đổi cũng lặng lẽ đuổi theo. Rõ ràng Kỳ Dao biết trang điểm hơn bà, mà cũng có cái tự tin của tuổi trẻ, mọi việc đều kín đáo, còn để đất trống, không như bà Nghiêm tất cả đều phô ra, không quá đi không xong. Một bên kín đáo, một bên phô trương thanh thế; một bên ung dung không bức bách, một bên giương cung tuốt kiếm. Bà Nghiêm tỏ ra chừng mực còn khá, càng làm quá đi trông càng mất đẹp. Dĩ nhiên Kỳ Dao biết bà Nghiêm đang cố ra vẻ, nàng càng chăm chút hơn lên một ít. Một người thông minh, nhạy cảm như Kỳ Dao không cố tình có nghĩa là vừa phải, nếu chăm chút hơn lên cũng tốt, không thể để bà Nghiêm xem thường. Một đôi lần bà phải nuốt nước mắt, về nhà cáu gắt vô lối với người ở, lại còn làm rối tung cả đầu tóc, tự mình trả thù mình. Nhưng cơn nóng giận qua đi, bà lại tỏ ra phởn phơ hứng khởi, chạy đua với Kỳ Dao. Mấy hôm nay bà Nghiêm sang nhà Kỳ Dao, đến không có việc gì khác, chỉ để khiêu khích. Bà càng làm như thế, Kỳ Dao càng không nhân nhượng, mỗi ngày cho bà một “chiến thắng” bất ngờ, mà cũng thật dễ dàng, không để lại thương tích. Lời lẽ của bà Nghiêm có phần chua chát, cạnh khoé, nói: thật đáng tiếc, phấn son diêm dúa chẳng có ai thưởng thức. Kỳ Dao biết bà sốt ruột lắm rồi, miệng nói thế nhưng bụng không hẳn nghĩ thế, nàng vờ như không nghe thấy, để đấy lần sau cho bà biết, để bà cứ phải lẽo đẽo theo sau. Hai người manh tâm đấu đá nhau, thật ra thì không nên, không hợp nhau thì mỗi người mỗi ngả cho xong. Nhưng càng không hợp lại càng đến với nhau, tựa như lấy thù làm bạn, hàng ngày không gặp nhau không được.
Một hôm, bà Nghiêm mặc chiếc áo gi-lê gấm, mới may, gấu áo thêu hoa, đến nhà Kỳ Dao, nàng mặc blu trắng, đội mũ trắng, đeo khẩu trang, chỉ để lộ đôi mắt, đang tiêm cho khách, vẻ mặt chăm chú. Bà Nghiêm chưa kịp nhìn kỹ bên trong blu trắng Kỳ Dao mặc gì đã cảm thấy thua, như không còn chống đỡ nổi, toàn thân mềm nhũn. Chờ cho Kỳ Dao tiêm xong và khách đã về, nàng mới quay lại nhìn bà Nghiêm như đang bị cô lập. Kỳ Dao không lấy gì làm kinh ngạc, liên đến ôm vai bà, chưa kịp nói gì thì bà Nghiêm đã nói:
- Ông chồng cô sáng nay không biết có điều gì không vui, hỏi không nói, muốn an ủi cũng không xong...
Nói xong, nước mắt bà đã giàn giụa. Kỳ Dao khuyên bà đừng nên để ý vặt vãnh làm gì, vợ chồng có lúc thế này thế khác, đừng chấp, bà còn hiểu hơn Kỳ Dao nhiều. Bà Nghiêm lau nước mắt, nói:
- Không hiểu thì làm sao sống với nhau cho đến bây giờ, mất bao công sức mà cũng chẳng được ông ấy vui.
Kỳ Dao khuyên bà mặc kệ, thể nào ông ấy cũng phải làm lành. Bà Nghiêm bất giác bật cười. Kỳ Dao tiếp tục khuyên giải, kéo bà đến trước gương, giúp bà chải đầu, tô điểm, như thể bảo bà cách trang điểm. Hai người nói chuỵện với nhau bằng lời trong lời, cuối cùng đi đến hiểu nhau.
Bà Nghiêm ra vào nhà Kỳ Dao đến mòn đất, nhưng Kỳ Dao vẫn chưa sang nhà bà. Bà Nghiêm mời không biết bao nhiêu lần, nàng viện cớ có khách đến tiêm, không
- Cháu sợ chú nhà cô ăn thịt cháu hay sao?
Vương Kỳ Dao ngượng lắm, nhưng vẫn từ chối. Hôm ấy, bà Nghiêm tỏ vẻ cảm động, Kỳ Dao làm ra vẻ chiều lòng bà Nghiêm, bởi cảm thấy mình có lỗi, hoặc tỏ ra suy tính quá kỹ, thiếu rộng lượng, nên cố làm vừa lòng bà. Mọi bận, bà Nghiêm vẫn ở nhà Kỳ Dao ăn cơm, hôm nay Kỳ Dao giữ bà lại và lục tung hòm quần áo để bà nhận xét. Lúc này bà Nghiêm mới bình tâm trở lại. Đến chiều, mượn cớ vừa chịu điều không vui, bà cố mời Kỳ Dao sang chơi, Kỳ Dao hơi ngần ngại nhưng rồi cũng gật đầu. Hai người đi ra, đóng cửa, xuống cầu thang. Lúc này là hai giờ chiều, học sinh trường tiểu học gần đấy đang tập thể dục giữa giờ, trong hẻm vắng tanh, yên tĩnh, nắng đang di chuyển trên mặt đất. Hai người đi vào phía trong hẻm, dọc đường không ai nói chuyện, vẻ rất trịnh trọng. Vòng ra phía cửa sau, bà Nghiêm gọi: “U Trương ơi”, thế là cửa mở, Kỳ Dao theo bà Nghiêm vào nhà.
Trước mắt bỗng tối sầm, Kỳ Dao dừng lại cho quen với bóng tối. Đi qua một dãy hành lang, một bên là cửa sổ kề bên hẻm, có treo rèm, thông vào phòng khách. Trong sảnh kê chiếc bàn ăn hình bầu dục kiểu Tây, làm bằng gỗ sồi, chung quanh là một vòng ghế, phía trên là một chùm đèn giả cổ, những bóng đèn như ngọn nến. Cửa sổ treo rèm lụa, còn thêm lớp rèm nhung có diềm, được cuộn lên. Trong sảnh cũng tối, sàn đánh xi bóng loáng. Đi qua phòng khách lên gác có sáng hơn một ít. Cầu thang rất hẹp, sơn nâu, cũng bóng loáng, cửa sổ nơi chiếu nghỉ của cầu thang cũng treo rèm lụa. Bà Nghiêm mở cửa phòng tầng hai, Kỳ Dao bất giác kinh ngạc. Căn phòng chia làm hai nửa trong và ngoài, giữa ngăn ri-đô nhung, dài sát đất, để hở một nửa cái giường, giường được phủ khăn gấm màu xanh, diềm hoa, cũng dài sát đất. Một ngọn đèn có chụp màu xanh treo giữa phòng. Nửa ngoài của căn phòng đầy những gấm hoa, giữa nhà là chiếc bàn tròn có khăn trải thêu hoa, mấy chiếc ghế có đệm và gối tựa thêu hoa. Dưới cửa sổ là một chiếc sofa kiểu Âu bọc nhung kẻ màu da cam in hoa xanh đen. Trên mặt bàn tròn đặt một chiếc đèn có chụp thủy tinh màu hồng. Nếu không tận mắt trông thấy thì khó mà tin nổi trong hẻm Bình An lại có một thế giới hoa lệ đến thế. Bà Nghiêm kéo Kỳ Dao ngồi xuống, u Trương đưa nước trà lên, chén sứ trắng mịn, viền vàng, trà xanh, nổi lên mấy cánh hoa cúc. ánh nắng lọt qua mắt rèm cửa sổ, ánh sáng li ti yếu ớt nhưng cũng đủ soi rõ mọi thứ. Bên ngoài bắt đầu ồn ào, nhưng âm thanh đã được gạn lọc. Vương Kỳ Dao mơ màng, không biết mình đang ở đâu. Bà Nghiêm lấy từ trong tủ lớn ra một mảnh vải màu đỏ thẫm ướm vào người, nói sẽ cho Kỳ Dao để may áo mặc mùa thu, bà kéo Kỳ Dao đến trước gương tủ. Trong gương, Kỳ Dao nhìn thấy trên tủ đầu giường của bà Nghiêm có một cái tẩu thuốc. Chợt nghĩ tới chung cư Alice, mọi thứ ở đây sao mà giống ở Alice thế! Nàng đã biết sẽ gặp những gì ở đây, rồi chạnh nhớ, cho nên không dám tới.
8 Bạn chơi bài
Từ đấy về sau, ngoài việc bà Nghiêm đến nhà Kỳ Dao, thỉnh thoảng nàng lại sang chơi nhà bà Nghiêm. Nếu có ai đến tiêm, người ở nhà dưới bảo vào tìm. ít lâu sau, cậu con thứ hai nhà bà Nghiêm lên sởi. Đứa bé này đã học lớp ba tiểu học, qua tuổi lên sởi, bởi thế sởi mọc càng dày, sốt cao mấy hôm liền, toàn thân mẩn đỏ. Bà Nghiêm không biết làm thế nào, vì nhà bà chưa có ai lên sởi bao giờ, bà rất sợ bị lây, không dám tiếp xúc với con, phải mời Kỳ Dao đến chăm sóc hộ. Khách đến tiêm cứ đến thẳng nhà bà Nghiêm. Ông Nghiêm thì vắng nhà từ sáng đến tối, người cũng hiền lành, không suy tính thiệt hơn. Thế là, bà Nghiêm và Kỳ Dao như mở phòng tiêm ngay trong nhà bà Nghiêm, đèn cồn được đặt lên mặt chiếc bàn tròn để luộc kim tiêm. Đứa trẻ ngủ trên tầng ba, dành hẳn một phòng làm phòng bệnh. Cách một giờ Kỳ Dao lại lên thăm bệnh, hoặc tiêm, hoặc cho uống thuốc, thời gian còn lại ngồi nói chuyện với bà Nghiêm. Cơm trưa và điểm tâm buổi chiều đều do u Trương đưa lên. Trẻ con lên sởi nhưng hai người vui như tết.
Những ngày này, một số bạn bà Nghiêm đến thăm trẻ ốm, nhưng không phải vào phòng bệnh, đem biếu hoa quả, bánh trái, chỉ ở dưới phòng khách rồi về. Trong số người đến thăm có một người đến thường xuyên hơn, đó là anh con trai con ông cậu của bà Nghiêm, em họ của bà, con bà Nghiêm gọi bằng cậu Mao Mao. Mao Mao học đại học ở Bắc Kinh, sau khi tốt nghiệp được phân công đi Cam Túc, anh không đi, về Thượng Hải, ăn bám bố mẹ. Bố anh nguyên là một chủ nhà máy, nhà máy còn to gấp nhiều lần nhà máy của ông Nghiêm, sau ngày công tư hợp doanh ông xin về hưu, cùng hai bà vợ và ba người con ở trong một ngôi biệt thự có vườn ở phía tây thành phố. Mao Mao là con bà hai, nhưng là con trai duy nhất. Tuy được chiều chuộng hết mức, nhưng cũng được dạy dỗ chu đáo, từ nhỏ đã là đứa trẻ ngoan, lớn lên vẫn thế. Tuy nhàn tản ở nhà, cũng không bị ghét bỏ, việc của mẹ già, mẹ đẻ hoặc chị em anh đều coi là chuyện của mình. Trong nhà có ai bảo đến bệnh viện, ra hiệu cắt tóc hoặc đi mua vải may áo quần, anh sẵn sàng đi cùng, không những thế còn tham mưu nhiều ý kiến. Anh cũng là người không thể thiếu, không gây phiền hà giữa những người thân hữu, anh làm tất cả, thăm bà Nghiêm là một việc trong đó.
Hôm Mao Mao đến, vì buổi trưa đứa bé sốt cao, mời bác sĩ kê đơn tiêm thuốc, cả nhà bận đến hơn một giờ chiều mới ăn cơm. Nghe u Trương nói Mao Mao đến, mọi người mời anh lên gác, chẳng phải ai xa lạ, lại còn trẻ. Mao Mao ngồi chơi, bà Nghiêm và Kỳ Dao ăn cơm, đèn cồn vẫn cháy. Bên ngoài trời âm u, trong phòng càng tỏ ra ấm áp. Cơm xong, u Trương lên dọn dẹp mâm bát, Mao Mao ngồi vào bàn, ba người nói chuyện phiếm. Mao Mao và Kỳ Dao tuy lần đầu gặp nhau, nhưng có bà Nghiêm nên không ai tỏ ra lạnh nhạt. Bầu không khí ấm cúng thân tình của căn phòng này làm mất đi cảm giác xa lạ. Nói cười một lúc rồi Mao Mao hỏi có bài tú-lơ-khơ không, bà Nghiêm nói:
- ở đây không có ai là đối thủ của cậu đâu!
Rồi bà giới thiệu với Kỳ Dao, Mao Mao biết chơi bài Tây rất giỏi, tuần nào cũng đến chơi ở câu lạc bộ Quốc tế. Kỳ Dao vội xua tay, nói không biết, không biết. Mao Mao cười, nói:
- Có ai bảo đánh bài đâu, ba người làm sao mà đánh?
Bà Nghiêm nói:
- Không đánh cậu hỏi bài làm gì? Thế rồi bà đứng dậy, mở ngăn kéo tìm cỗ bài. Mao Mao nói:
- ở đời này đâu chỉ có một thứ bài Tây, khối trò chơi khác! Mao Mao cầm cỗ bài, xóc thật thành thạo, rồi nói: Học đánh bài đâu có khó, vừa không khó lại rất lý thú. Nói xong, cậu chia bốn quân một, bảo cách gọi, cách đánh. Bà Nghiêm nói:
- Đấy, được đằng chân lân đằng đầu, rồi phải đánh với cậu cho mà xem!
- Anh ấy dạy mãi cũng không dạy được chúng mình đâu cô ạ, cuối cùng chỉ chơi một mình!
Mao Mao nói:
- Sợ đánh bài đến thế kia ư? Hang hùm, lửa thiêu gì đâu mà sợ!
Nói xong, Mao Mao thu bài lại, xoè bài theo các kiểu, lúc như cái quạt, lúc như nhịp cầu, làm Kỳ Dao hoa cả mắt. Bà Nghiêm nói:
- Cháu xem, tay cậu ấy dẻo không, có thể biểu diễn ở Đại Thế giới rồi đấy!
Mao Mao nói:
- Vậy mà em không biết làm xiếc bài Tây đâu đấy, nhưng biết bói bài, em bói cho chị nhé!
- Bói cho chị đâu có giỏi giang gì, chị ra sao em đều biết cả rồi. Bói cho chị Dao đây một vài quẻ mới là tài này!
Mao Mao nói:
- Mới gặp nhau lần đầu, gọi ra tiền vận hậu vận e rằng thất lễ lắm.
Bà Nghiêm nói:
- Lộ chân tướng chưa, nói thế thôi chứ thất lễ gì, vàng thật đâu sợ lửa, cậu làm sao mà bói được.
Nghe nói vậy, Mao Mao không thể không bói xem sao. Kỳ Dao thì thoái thác, nhưng bà Nghiêm cứ dỗ dành:
- Cháu cứ yên tâm, cậu ấy không bói được đâu! Cứ mặc cậu ấy!
Mao Mao xóc bài, rải quân lên mặt bàn, rồi thu về, rải quân lại như để cầu xin. Cuối cùng còn lại mấy cây, Mao Mao rải tiếp lên mặt bàn, bảo Kỳ Dao rút một quân. Khi Kỳ Dao vừa lật quân bài lên thì có tiếng chuông của thằng bé ốm gọi, phải chạy vội lên gác. Nhân lúc Kỳ Dao lên gác, Mao Mao hỏi nhỏ bà Nghiêm:
- Chị ơi, chị Dao có chồng chưa, chị bảo em nhanh lên nào!
Bà Nghiêm bật cười, nói:
- Đã bảo cậu chỉ được cái nói dối, thế mà còn chưa chịu! Thế rồi bà hạ giọng nói nhỏ - Điều ấy chị cũng không biết!
Buổi chiều hôm ấy thời gian qua đi lúc nào không hay, mới đó mà đã đến giờ ăn cơm tối, tiếng còi xe của ông Nghiêm đã vang lên ở cửa sau. Ba người tưởng vẫn còn nhiều chuyện để nói, liền hẹn Mao Mao hôm sau đến chơi. Bà Nghiêm hứa đến hôm ấy sẽ bảo u Trương đi mua bánh bột cua về mời khách. Quả nhiên, cách một hôm Mao Mao lại đến, cũng vào giờ ấy, nhưng lần này cả nhà đã ăn cơm, đang thông tâm sen. Đèn cồn đã tắt, mùi cồn vẫn còn đâu đó, tạo cảm giác mát mẻ dễ chịu. Ba người cùng nói chuyện, có phần nhạt nhẽo, vẫn chưa tiếp nối được không khí vui vẻ hôm trước. Thông xong hạt sen không còn việc gì phải làm nữa. Mao Mao lại khởi xướng đánh bài, bà Nghiêm và Kỳ Dao không muốn phản đối, đồng ý đánh bài vậy. Cỗ bài hôm trước lấy ra vẫn còn để ở sofa, Mao Mao nói sẽ dạy hai người đánh tú-lơ-khơ, loại bài giản đơn nhất trong các loại bài, anh vừa giảng giải vừa chia bài. Hai người kia không biết cả tên quân bài, Mao Mao đành phải giải thích từng quân một, giảng xong mới hay hai người đã nhìn hết bài, đành phải chia lại. Ba người nói chuyện vui, không khí trở nên sinh động. Đánh bài này với hai người này, Mao Mao chỉ dùng một phần mười khả năng của mình. Còn bà Nghiêm vừa đánh vừa nghĩ đến thú chơi mạt chược, nên cũng chỉ tập trung ba phần mười tinh thần vào đánh bài. Chỉ có Kỳ Dao thì tập trung hết tinh thần, mắt nhìn quân bài, mỗi lần ra bài cứ phải đắn đo suy tính mãi, chỉ trách bài không đẹp, quân nhỏ nhiều hơn quân lớn, cho nên ván nào cũng thua, còn hai người kia thì được. Kỳ Dao than thở:
- Được thua đã có số, làm sao cưỡng nổi ý trời!
Mao Mao thì nói:
- Chị Dao tin ở mệnh trời lắm nhỉ?
Kỳ Dao định trả lời thì bà Nghiêm đã giành nói trước:
- Mệnh với chả mệnh, tôi thì tin ở số, bằng không, có nhiều việc không thể nào giải thích nổi. Ví dụ, trong họ nhà ông Nghiêm có một người đưa đò ngang, một đêm, mọi người đã ngủ, bỗng có người gọi đò, ông ấy dậy đưa khách sang sông, khách lên bờ còn ấn vào tay ông vật cứng gì đó, thế rồi tất tả đi ngay. Người lái đò mở bàn tay ra xem, thì ra một sợi dây vàng, ông ấy dùng vàng mua một ít lương thực, ai ngờ năm sau mất mùa đói kém, ông này bán lương thực đi, kiếm được ít lời; phát tài vẫn làm nghề chở đò, ông lên Thượng Hải đúng vào lúc công ty cao su phát hành cổ phiếu, có đồng nào ông mua tất cổ phiếu, chưa đầy ba tháng sau, công ty cao su kia phá sản, không còn lấy một xu, đành quay về quê tiếp tục chở đò. Về sau mới biết người khách qua sông kia là một tên cướp, bị tội xử trảm, đêm hôm ấy hắn bỏ trốn...
Người kể và người nghe đều quên cả đánh bài, không biết phải ra quân nào, đành phải xoá đi đánh lại từ đầu.
- Cũng chỉ là chuyện ngẫu nhiên - Mao Mao nói.
Kỳ Dao không đồng ý:
- Cháu thì cho đó là điều tất nhiên!
Bà Nghiêm ngắt lời Kỳ Dao:
- Cô thì không nghĩ là ngẫu nhiên hay tất nhiên, mà không có gì là tự nhiên vô cớ, cái gì cũng có lý của nó, việc gì cũng đều được định sẵn.
Kỳ Dao cũng nói:
- Mệnh bảy phần, còn ba phần là hoạ. Bà ngoại cháu kể rằng, ở Tô Châu có một cô gái lầu xanh, dung nhan cũng thường thường, một hôm có người buôn muối từ Dương Châu đến, giàu có như một bậc vương giả, rất thích cô gái kia, bỏ tiền chuộc cô về, về nhà chưa được bao lâu thì vợ chết, lập tức cô gái này trở thành chính thất, năm sau sinh một cậu con trai, lẽ ra đó là việc vui mừng, ai ngờ ba tháng sau mới biết thằng bé bị câm điếc; ba tháng sau nữa, cô gái kia bị bệnh không ăn không uống gì, bệnh không qua khỏi. Ai cũng bảo phúc đã lấy mất thọ của cô ta, bởi cô ta là người phúc cạn.
Bà Nghiêm gật đầu ra vẻ thương cảm. Mao Mao thì nói:
- Chị nói cái đạo lý trăng tròn rồi phải khuyết, nước đầy rồi phải tràn ra ngoài.
- Trăng tròn rồi khuyết, nước đầy rồi phải tràn, suy cho cùng vẫn là số định, sự việc đến một mức độ nào đó, nhưng mức độ nào thì mỗi người một khác nhau - Kỳ Dao nói.
Mao Mao không phản bác nữa, ba người tiếp tục đánh bài. Đánh một lúc, Mao Mao không còn chuyện gì để nói. Anh kể về một người bạn của bố anh, chết từ mười năm trước, đồng hồ trên tường dừng lại đúng lúc ông tắt thở. Bởi chiếc đồng hồ rất xưa, lại treo trên cao, định đem chữa, nhưng nay lần mai lữa thế mà đã mười năm. Nửa năm trước đây, bà vợ của người bạn cũ ấy lâm bệnh và chết, cũng đúng vào phút bà nhắm mắt thì chiếc đồng hồ lại chạy, cho đến tận bây giờ vẫn chạy.
Cả ba người cùng im lặng. Mặt trời đã ngả về tây, trong nhà tối dần, qua tấm rèm cửa có thể thấy ánh nắng chói chang trên cánh cửa sổ đối diện. Trong lòng thoáng chút sợ hãi vu vơ. U Trương lên cho biết hạt sen đã chín, bao giờ thì đi mua bánh bột cua. Lúc này bà Nghiêm mới nhớ ra, vội vàng bảo u Trương đi mua ngay, bà còn dặn ngồi xích lô về, đừng đi xe buýt mà đổ hết nước bánh. U Trương đã đi, Kỳ Dao nhìn đồng hồ, đã đến giờ tiêm cho thằng bé, cô đi đốt đèn cồn, ngọn lửa xanh lay động, trong phòng trở nên âm u.
Chiều hôm nay không vui bằng chiều hôm trước, nhưng có nhiều chuyện cảm động. Bánh u Trương mua về vẫn nóng hôi hổi, nước canh vẫn đầy nguyên. Lại pha thêm một ấm trà, lại chơi tú-lơ-khơ. Chỉ chốc lát đã hết buổi chiều. Bà Nghiêm nói:
- Ngày ngắn quá, vừa mới đấy đã tối! Thế này nhé, sáng mai cậu Mao đến đây chơi, buổi trưa ở lại ăn cơm, tôi bảo u Trương làm món vịt bát bảo, món tủ của u Trương chỉ làm vào dịp Tết. Mao Mao nói:
- Mấy năm trước mẹ em ăn món này ở nhà chị rồi, sau đó mẹ em bảo bác Lý Đại đến học đấy thôi, học nhưng không thể nào làm được như bên chị.
Bà Nghiêm nói:
- Phải rồi, cũng đã bốn, năm năm rồi đấy, hồi ấy anh em họ hàng còn đến thăm nhau luôn, bây giờ xa nhau quá, hiếm khi gặp, hôm trước cậu đến chị giật mình, mới đấy mà đã thành người lớn rồi - Bà quay sang nói với Kỳ Dao - Cháu không biết đấy, cậu ấy hồi nhỏ, mặc quần soóc, đi tất trắng dài, tóc chải ngôi giữa, trông như một tiểu đồng, chuyên nâng áo cô dâu trong lễ cưới.
Mao Mao nói:
- Thế ra lớn lên đáng ghét lắm sao?
Bất giác, bà Nghiêm sa sầm nét mặt, nói:
- Người thì không đáng ghét, nhưng áo quần thì nhìn thế nào cũng không thuận mắt.
Mao Mao mặc đồ nhân dân may bằng vải Ka-ki màu xanh, là phẳng phiu, đi giày da mũi hơi nhọn, bóng loáng, tóc kiểu sinh viên, hơi dài, chải lật sang một bên, để lộ vầng trán trắng trẻo. Mặc như thế không có vẻ diện, nhưng vẫn là mốt thời đại. Kỳ Dao chợt rung động khi nghĩ Mao Mao mặc âu phục. Bà Nghiêm than thở một lúc rồi ba người chia tay nhau.
Hôm sau, trời mưa lất phất, bắt đầu lạnh, mọi người phải mặc thêm áo. Trong bữa cơm trưa có thêm cái bếp lò, lửa rừng rực, nước sôi liên tục, rau chân vịt xanh ngăn ngắt, miến trắng tinh. Thỉnh thoảng một vài tàn lửa bay lên, nổ lép bép. Cửa sổ khép hờ, bật thêm một ngọn đèn, không khí ấm cúng thân tình. Đúng là không khí ấm cúng từ nơi nơi tụ hội cả về đây, vào lúc này. Là tình, là cảnh thuở xa xưa không còn trở lại, an ủi lẫn nhau. Tiếng mưa ngoài cửa sổ đang nói lên tâm sự của bầu trời, nước sôi trên lò đang nói lên tâm sự của than lửa; rèm cửa sổ màu xanh đậm, ánh đèn hồng tuy lặng lẽ nhưng đều là tâm sự. Kỳ Dao nhặt ra một cái xương cá, lấy đũa gắp bỏ đi, cái xương dựng đứng lên, bà Nghiêm hỏi như thế là ý nghĩa gì, Kỳ Dao chỉ cười không trả lời. Bà Nghiêm hỏi lại, đành nói không có ý nghĩa gì. Bà Nghiêm không tin, Mao Mao không tin. Kỳ Dao nói:
- Không tin thì không tin, chứ có ý nghĩa gì đâu!
- Cháu giấu cô thôi, chứ làm sao giấu nổi cậu Mao, cậu ấy biết xem bói đấy!
- Em không những biết xem bói mà còn xem được cả chữ nữa đấy, không tin chị viết thử một chữ xem!
Kỳ Dao không viết, bà Nghiêm nói:
- Thế để cô viết hộ cháu! Bà nhìn chung quanh, nhìn ra ngoài trời đang mưa, nói luôn: Chữ “Thiên” nhé!
Mao Mao lấy đầu đũa chấm vào nước, viết lên mặt bàn chữ “thiên”, rồi kéo dài đầu chữ “nhân” lên khỏi gạch ngang, thành chữ “phu”, nói:
- Đấy nhé, số chị Dao có chồng phú quý.
Bà Nghiêm vỗ tay, Kỳ Dao nói:
- Đây là chữ của cô Nghiêm, cô Nghiêm có chồng phú quý, nếu là cháu sẽ cho chữ “địa”.
Mao Mao nói:
- Chữ “địa”, chữ “địa” à... - Anh lại lấy đầu đũa nhúng vào bát nước, viết chữ “địa” lên mặt bàn, rồi anh tách chữ “dã” trong chữ “địa” ra, thêm vào bên trái chữ “nhân”, rồi nói - Chữ “tha”, có nghĩa là người ấy, là người chồng phú quý.
Kỳ Dao lấy đũa chỉ vào chữ “thổ” bên cạnh, nói:
- Mao Mao thấy chưa, “thổ” là “nhập thổ” đấy thôi! Kỳ Dao buột miệng nói ra nhưng lại giật mình, nụ cười cũng trở nên miễn cưỡng. Bà Nghiêm và Mao Mao cảm thấy Kỳ Dao nói gở, mặt nàng biến sắc, không dám nói tiếp nữa. Bà Nghiêm gọi u Trương đổ thêm nước, cho thêm than vào lò, tiện thể Mao Mao khen món vịt bát bảo của u Trương và chuyển sang đề tài khác. Cho đến khi nước trên lò sôi, tàn lửa bay lên, Kỳ Dao mới bình tĩnh trở lại.
Húp một ít canh xong nàng mới nói:
- Trên đời này nếu nói đến ước thì có không biết bao nhiêu điều ước. ở Tô Châu có một ngôi đền, trong đền có một bể nước, ném vào đấy một đồng xu sẽ đạt được một điều ước. Bà ngoại cháu kể lại, những người trông coi ngôi đền ấy sống nhờ vào những đồng xu kia, thế mới hiểu có biết bao nhiêu điều ước, nhưng có bao nhiêu người được như lời ước nguyện?
Đã thôi không nói đến câu chuyện ấy nữa rồi, không ngờ Kỳ Dao nhắc lại, bà Nghiêm và Mao Mao im lặng, không biết có nên tiếp tục nữa không. Nước trên lò đã cạn, không còn sôi lên được nữa. Kỳ Dao cười, cười mình không làm cho người khác hứng thú, thế rồi lại húp ít canh. Trời ngoài kia u ám hơn, mọi âm thanh như nén lại, để con người thổ lộ tâm tư. Ngừng một lát, Mao Mao giới thiệu một cách chơi bài khác, gọi là “nói dối”. Cách đánh thế này: người đánh úp bài lên mặt bàn, sau rồi gọi, có thể gọi đúng có thể không đúng, người đỡ nếu đồng ý với người đánh thì cho qua, nếu không đồng ý thì lật bài lên, nếu đúng như lời người đánh thì người đỡ được điểm, nếu lật lên không đúng thì người đánh được điểm, đến lượt người đỡ gọi tiếp... Mao Mao nói:
- Tuy gọi đây là kiểu đánh bài “nói dối” nhưng bao giờ người không nói dối cũng được điểm. Kỳ Dao và bà Nghiêm nhìn Mao Mao, không rõ ý anh định nói gì. Mao Mao nói tiếp:
- Người không nói dối có thể chậm hơn, quân bài lẻ, bài linh tinh đều có thể ra, chỉ cần anh ta không nói dối thì bài sẽ đánh hết, không phải cầm lên, đúng thế, còn điểm này nữa, anh ta không nói dối nhưng cũng không cần lật bài người khác, lật bài người khác lên cũng có nguy cơ mất điểm; để người khác nói dối, lật bài lên không ăn nổi, bên kia người ta từng quân một đánh cho đến hết bài.
Hai người vẫn nhìn Mao Mao, im lặng một lúc, Kỳ Dao mới nói:
- Cậu nói đánh bài, nhưng thật ra là nói người, phải không nào?
Mao Mao chỉ cười, bà Nghiêm nói luôn:
- Nếu nói người thì quá là tiêu cực, không chu toàn như xoa mạt chược: thiên thời, địa lợi có cả tâm tư, khuyết thứ gì cũng không được, mười ba quân chắp nối với nhau thật khéo, vừa cho người ta cơ hội, vừa hạn chế cơ hội của người ta, đến khi tất cả thành công, nhưng vẫn để lại một chỗ khuyết, chờ bài để thắng; thật là vạn sự sẵn sàng, chỉ còn chờ gió đông; như thế mới gọi là đạo lý làm người.
Nói đến mạt chược bà Nghiêm phấn chấn hẳn lên, trong đầu óc bà có biết bao nhiêu ván thắng đẹp, thế ngàn cân treo sợi tóc, vẫn hy vọng ngay cả những lúc khó khăn nhất. Bà nói với Mao Mao:
- Nếu nói đánh bài thì không gì bằng mạt chược, cái trò bài tây thật là vô vị, ví dụ đánh tú-lơ-khơ cậu dạy chị như là cách so sánh ai lớn hơn, ai lớn hơn thì người đó được. Cách đánh bài “nói dối” của cậu vừa rồi cũng chỉ là trò bé nói dối thành to, ai to hơn thì người ấy được, cứ như trẻ con đánh nhau vậy, cũng giống trẻ con làm tính, mạt chược đâu có thế! Nó không có quân lớn quân bé, lớn hay bé xem cách đánh của cậu, xem thế bài, ấy mới là đạo lý làm người. Người với người so sánh lớn bé cái nỗi gì? So sánh tuổi tác à? Hay là so sánh sức lực? Đều không đúng, thế thì dựa vào đâu? Chị có cần phải nói thêm nữa không, các cô các cậu đều là người thông minh.
Bà Nghiêm bắt đầu bực lên. Nước trên lò sưởi đã cạn, đang đòi đổ thêm. Mao Mao vẫn không chịu, cãi lại rằng, bài giấy cũng có trăm ngàn kỹ xảo, chứ đâu tuyệt đối như thế, nó cũng có những chỗ tương đối, ví dụ cách đánh bài “nói dối” vừa rồi, thật ra cũng có ý nghĩa sâu sắc, có lúc rõ ràng biết là nói dối rồi, nhưng vẫn đồng ý là để lấy quân nhỏ làm quân lớn đi cho hết bài, mọi người đều biết rất rõ là nói dối, nhưng để đi cho hết quân nhỏ nên cùng không nói ra.
Bà Nghiêm bĩu môi dè bỉu:
- Không có ý nghĩa là chỗ này đây! Mạt chược thì không thế!
Mao Mao cũng không vui, nói:
- Nếu mạt chược cao siêu thì sao người ta không tổ chức thi quốc tế?
Kỳ Dao buồn cười khi thấy hai chị em nhà này bắt đầu nổi nóng, liền giảng hoà:
- Mai kia cháu mời cô với cậu Mao sang chơi, ăn cơm được không ạ? Cháu thì không biết làm món vịt bát bảo đâu, chỉ vài món xoàng xoàng, không biết cô với cậu Mao có bằng lòng không?
Cách một hôm sau, buổi chiều Kỳ Dao từ nhà bà Nghiêm về, chuẩn bị cơm nước. Lúc này đứa con của bà Nghiêm sởi đã bay hết, hạ sốt, những nốt đỏ trên người cũng không còn, bắt đầu chạy chơi trên tầng, dưới nhà được rồi. Kỳ Dao mua một con gà, lạng một ít ra xào, nửa con cho vào hầm, nửa con kia cho vào luộc, thêm món tôm, trứng, bánh rán, vài món nguội, món nóng có thịt gà xào, cá rán, rau cần xào đậu phụ, sò xào trứng. Chỉ mấy món nhẹ nhàng hợp khẩu vị, chân tình, không dám qua mặt bà Nghiêm, cũng gọi là chu đáo. Chập tối, bà Nghiêm và Mao Mao đến. Lần đầu tiên Mao Mao đến đây nên đem theo ít trái cây. Nghe tiếng chân bước lên cầu thang, Kỳ Dao thoáng vui. Lần đầu tiên Kỳ Dao mời khách, không kể mấy bận bà Nghiêm ăn cơm thường. Kỳ Dao đón khách vào nhà, bàn trải khăn mới, trên bàn bày một đĩa hạt dưa, cảm thấy như ngày Tết. Vì bận, vì vui mừng, mặt Kỳ Dao ửng đỏ, lấm tấm mồ hôi. Kỳ Dao kéo rèm cửa sổ, bật đèn, những đoá hoa to trên rèm được thu lại. Mắt Kỳ Dao ngấn lệ, mời khách ngồi, lấy trà rồi trở vào bếp. Nước mắt rơi, bếp nguội nhiều ngày hôm nay mới ấm nóng, như sống lại. Trên lò là nồi gà hầm, Kỳ Dao phải nhóm thêm bếp dầu để xào thức ăn, mỡ reo xèo xèo, cũng là âm thanh sống lại. Trên nhà có tiếng nói chuyện của khách, vui vẻ chưa phải đã hết mức, nhưng rất ấm lòng.
Thức ăn đã bày lên, nửa chai rượu được hâm nóng, căn phòng trở nên ấm cúng. Khách không ngớt lời khen chủ, món nào cũng vừa ý, nóng, chế biến khéo tay, giản dị mà rất chân tình. Bữa ăn nằm trong khoảng giữa cơm thường và chiêu đãi, không xa lạ nhưng lại rất trân trọng, rất phù hợp với những vị khách hàng ngày vẫn gặp. Bà Nghiêm bất giác thở dài:
- Đáng tiếc chỉ có ba người!
Kỳ Dao và Mao Mao cùng cười, bà Nghiêm thì như không để ý đến hai người đang cười, nhìn bốn chung quanh, nói tiếp:
- Thật ra, đánh mạt chược có ai biết? Kéo rèm cửa sổ, mặt bàn trải thêm tấm thảm, liệu còn ai biết? Bà xúc động bởi sự tưởng tượng của mình, nói bà có đem theo một bộ quân mạt chược làm bằng xương, trông 8000 như ngọc. Đánh vào lúc nào! Vương Kỳ Dao nói không biết đánh, Mao Mao cũng nói không biết. Bà Nghiêm khuyến khích:
- Có gì mà không biết, đơn giản lắm, dễ hơn đánh bài Tây, dễ hơn đánh tú-lơ-khơ!
Mao Mao nói:
- Làm sao có thể thế được? Bài Tây như trẻ con làm tính ấy thôi!
Bà Nghiêm cười, không để ý, bà cứ giải thích cách đánh mạt chược, người ngồi bốn bên, phải đủ đông tây nam bắc mới phát tài, nhưng chỉ có ba người, thiếu một, như thế gọi là thiên bất thời, địa bất lợi, nhân bất hoà. Thấy bà Nghiêm tỏ vẻ nản chí, Kỳ Dao và Mao Mao nói đùa. Bà Nghiêm vẫn mặc cho hai người trêu chọc, lát sau bà mới nói:
- Tiếc cho cháu với cậu Mao, mạt chược cũng không biết chơi!
Bỗng bà phá lên cười, cười xong Mao Mao mới nói:
- Dù nói thế nhưng mọi người hãy bàn xem, bằng cách nào để giúp chị, em có thể tìm được bạn.
Vương Kỳ Dao nói:
- Nếu cô Nghiêm bằng lòng thì có thể chơi ở nhà cháu đây cũng được, nhưng nhà hơi chật.
- Chật cũng được, đâu phải vũ hội mừng sinh nhật. Rồi bà hỏi Mao Mao tìm ai, có đáng tin cậy không. Mao Mao trả lời:
Chỉ cần anh ta đến, người đáng tin cậy lắm. Bà Nghiêm và Kỳ Dao chưa hiểu ngay, nhưng chốc lát đã hiểu ra. Xem ra việc đã xong đến chín phần, nhưng bà Nghiêm có phần không yên, dặn đi dặn lại rằng tuyệt đối không cho ông Nghiêm biết, ông ấy là người cẩn thận, những việc chính phủ cấm, ông Nghiêm tuyệt đối tuân theo, bộ quân mạt chược này phải giấu ông ấy. Hai người nói chỉ cần bà Nghiêm không nói ra là được.
Xong chuyện mạt chược thì bữa cơm cũng gần xong, mỗi người xới nửa bát cơm, Kỳ Dao đưa canh lên, nhưng tất cả đã no, người uể oải, không buồn nói chuyện nữa. Kỳ Dao dọn bát, lau bàn, đưa hạt dưa và nước trà ra, rồi lấy trái cây của Mao Mao đưa đến để gọt, cắt miếng và bày lên đĩa. Tâm tư ba người đang phân tán, không biết đang nghĩ gì, mỗi người nói một câu rời rạc, không đâu vào đâu. Máy thu thanh nhà bên đang vang lên một đoạn ca kịch Thượng Hải, từng câu như tố cáo nỗi khổ. Nỗi khổ không gạo không muối, không phải nỗi khổ của trai gái trong Việt kịch, cũng không phải bi thương muôn trùng sông núi như trong Kinh kịch. Bà Nghiêm bảo, nhà Kỳ Dao vui hơn nhà bà, nhưng lòng lại yên tĩnh, nhà bà thì ngược lại, bề ngoài yên tĩnh, bên trong lại ồn ào. Kỳ Dao cười, nói:
- Không ở đâu thoát khỏi yên tĩnh và ồn ào.
Mao Mao chú ý nhìn mắt Kỳ Dao rồi nhìn quanh nhà. Trong nhà thật đẹp nhưng như ẩn náu nỗi thương đau nào đó. Những bông hoa thêu và riềm lá sen của tấm khăn trải giường cũ, sắc màu đẹp tươi của tấm rèm cửa sổ, tất cả đều vấn vương hình bóng giấc mơ xưa. Cái tủ năm ngăn bằng gỗ đào hoa tâm mang hình tấm bia kỷ niệm, kỷ niệm gì thì chỉ mình nó biết. Chiếc gối tựa trên sofa cũng với vẻ ai oán, nỗi ai oán như bàn tay không ngăn nổi nước chảy về đông. Niềm thương đau ấm áp cứa lòng. Mao Mao không nghe thấy Kỳ Dao mời rượu nếp. Những hạt rượu nếp như hạt trân châu, rượu nếp nhà làm, sạch không một hạt thóc.
Đúng ngày hẹn, bảy giờ, bà Nghiêm đến trước, ôm theo một cuộn thảm như ôm đứa trẻ, bên trong là bộ mạt chược, quân nào cũng trắng như ngọc, không biết được bàn tay xoa bao nhiêu lần, tiếng kêu lách cách, giòn giã. Một lúc sau Mao Mao đưa bạn đến. Vì là người lạ nên Kỳ Dao và bà Nghiêm có phần thiếu tự nhiên, với lại đến vì mục đích đánh bài nên cũng khó nói chuyện. Chỉ có Mao Mao và anh ta nói cười với nhau, anh ta nói tiếng phổ thông thật lưu loát làm Kỳ Dao và bà Nghiêm ngạc nhiên. Mao Mao giới thiệu anh ta tên là Xasa, nghe như tên con gái, mà trông cũng giống con gái: da trắng, cằm nhọn, đeo kính học sinh gọng trắng, người gầy, tóc vàng, mắt xanh, tuổi chừng hơn hai mươi. Bà Nghiêm và Kỳ Dao nghi ngờ về lai lịch anh ta, không ai nhắc đến chuyện đánh bài nữa, mà Mao Mao với anh ta cũng quên mất việc đến đây để làm gì, chỉ nói những chuyện không liên quan. Bà Nghiêm và Kỳ Dao cũng đành ngồi tiếp chuyện. Đang nói thì Xasa bỗng im bặt, nở nụ cười dịu dàng, nói:
- Bắt đầu được chưa?
Xasa đột nhiên nói khiến hai người, nhất là bà Nghiêm ngớ ra, tưởng đâu người bắt bạc đang gõ cửa, mặt đỏ, miệng lắp bắp không nói nên lời. Xasa trải tấm thảm lên mặt bàn, rải quân ra mà không một tiếng vang. Thế là bốn người ngồi theo bốn phía đông tây nam bắc. Cứ nói không biết nhưng ngồi vào bàn cũng biết, cứ nhìn cách xóc bài, xoa bài cũng đủ thấy. Tiếng xoa bài kêu lách cách trong tay làm bà Nghiêm ứa nước mắt nghĩ lại thời xưa, người lạ duy nhất là Xasa, là bạn đánh bài mới của bà Nghiêm.
Có thể vì có Xasa, hoặc do căng thẳng, mạt chược cũng không đem lại niềm vui. Nói chuyện cũng phải nói khẽ, không còn không khí vui vẻ như khi đánh tú-lơ-khơ. Nét mặt ai cũng đăm chiêu, không giống như đang chơi bài, tưởng đâu như phải làm một nghĩa vụ gì đó. Mao Mao mệt nhoài bởi phải xoay xở giữa bà Nghiêm và Xasa để làm cho hai người quen nhau. Còn Xasa tuy là người lạ nhưng anh không cảm thấy mất tự nhiên, chẳng những thế còn nói đùa vài câu, ngược với không khí trầm lắng ức chế của buổi tối nay. Nếu không phải tiếng phổ thông của anh bạn gây nên cảm giác quan chức, sinh ra ngăn cách thì không khí sẽ vui hơn. Anh bạn nói đùa, Kỳ Dao và bà Nghiêm vẫn chưa quen, trong mắt như không có ai, dĩ nhiên là thế, khiến mọi người trở nên tự ti. Nhưng anh ta tỏ ra lễ độ và thái độ nhã nhặn không làm ai khó chịu. Tuy anh trẻ người song biết lễ độ, đưa đến cho nơi này bầu không khí hơn hẳn mọi thứ, tưởng như anh ta mới là chủ nhân thật sự. Vương Kỳ Dao không bằng lòng khi thấy Mao Mao hùa theo Xasa. Nàng mong cho cuộc chơi mạt chược này chóng kết thúc để ai về nhà nấy. Kỳ Dao đã chuẩn bị hoa quả làm món ăn đêm, nhưng bây giờ không muốn đem ra nữa. Còn bà Nghiêm một khi ngồi vào bàn mạt chược thì bà sợ lắm. Bà lo có người lên tiêm, lo ông Nghiêm tìm, thần hồn nát thần tính, từ đầu đến giờ chưa thắng ván nào nên cũng chán. Mao Mao thì như “đi học với Thái tử”, có cũng được không cũng xong, thấy mọi người không hứng thú cũng mong cho tan sớm. Chỉ có Xasa là nhiệt tình, thắng phần lớn, thẻ nợ của mọi người đều dồn cả đến trước mặt anh ta. Rốt cuộc, không phải Xasa đến đánh với mọi người mà ba người đánh bạc với anh ta. Cuối cùng đánh xong mười sáu vòng đông tây nam bắc, bà Nghiêm nói không đánh nữa, ông Nghiêm sẽ nổi nóng. Mao Mao cũng nhân thể nói phải về, Kỳ Dao thì ngoài miệng mời mọc nhưng trong lòng thì hả hê. Xasa tiếc rẻ, nói mới bắt đầu đánh mà đã thôi sớm thế! Đúng lúc ấy thì đài của nhà hàng xóm báo mười một giờ. Mọi người như không tin, nói: muộn thế rồi sao? Bà Nghiêm than vãn:
- Đánh mạt chược thì không còn biết giờ giấc là gì nữa!
Bà tỏ ra tiếc. Cũng như khi đến, họ chia làm hai tốp để về. Bà Nghiêm về trước. Xasa và Mao Mao về muộn hơn. Trong hẻm đã yên tĩnh lắm rồi, tiếng xích xe đạp của hai người vang rất xa.
Lần sau Mao Mao đến, bà Nghiêm và Kỳ Dao đều trách anh đưa anh bạn kia đến, anh ta không hợp với mọi người thì làm sao tin cậy được? Hơn nữa cũng chẳng có chuyện gì để nói. Mao Mao nói:
- Xasa là bạn bài bạc, thân lắm. Bố anh ta là cán bộ to, ở Diên An được đi học Liên Xô, lấy vợ người Liên Xô, đẻ ra anh ta, cái tên Xasa như tên trẻ con Liên Xô! Sau đấy bố chết, mẹ về Liên Xô, từ nhỏ sống với bà nội ở Thượng Hải, người không khoẻ lắm, không thi được đại học, chỉ ở nhà.
Nghe lai lịch của Xasa bà Nghiêm và Kỳ Dao càng sợ hơn, Mao Mao cười, không giải thích gì thêm, chỉ nói yên tâm. Lần sau, Mao Mao lại đưa Xasa đến, vẫn cảnh giác, không thể quen ngay được. Xasa vui tính, hiểu biết rộng, hiểu biết ở khía cạnh khác, nhưng cũng đủ làm mọi người mở rộng tầm mắt. Tiếng phổ thông của anh ta lại sinh động theo một cách khác, giá như loại bỏ được thiên kiến thì cũng lý thú. Tính tình anh ta hoà nhã, tuy chiếm ưu thế, cuối cùng thực tâm muốn có quan hệ tốt. Anh ta đánh bài cũng khá, có phong độ. Tóm lại, để làm người bạn đánh bài, Xasa không đến nỗi nào.
9 Họp mặt buổi chiều
Xasa không những chỉ đến đánh bài buổi tối, buổi chiều không đánh bài anh cũng cùng với Mao Mao đến chơi. Nơi tụ tập của họ từ nhà bà Nghiêm chuyển sang nhà Kỳ Dao. Thứ nhất, còn có người đến tiêm; thứ hai, nhà Kỳ Dao tự do hơn, nhà bà Nghiêm có phần câu thúc, ngay như bà Nghiêm cũng thích ở bên này. Bây giờ thì dường như không thể thiếu Xasa, Xasa vắng ít ngày, mọi người lại hỏi. Bốn người cùng tề tựu, không đánh bài cũng sẽ có chuyện khác. Ngọn đèn cồn trên mặt bàn cháy suốt ngày, ngọn lửa xanh như điệu múa thiêng. Mỗi bận khách đến chơi, Vương Kỳ Dao đều chuẩn bị một vài thức ăn gì đó, hoặc bánh ngọt, tuy đơn giản nhưng rất hợp khẩu vị, hợp lòng người. Cũng có khi bà Nghiêm sai u Trương ra nhà hàng nào đó mua bánh. Mao Mao thì chuyên trách trà hoặc cà-phê. Lâu rồi thành thói quen, cứ họp mặt là có ăn, vì ăn mà họp mặt. Xasa thường đến tay không, ra về no bụng, ai cũng cho đó là điều tự nhiên, không có gì phải nói. Một hôm, mọi người đến, anh không đến, ai cũng nghĩ anh có việc bận, mọi người ngồi uống trà, ăn bánh, nói chuyện, bắt đầu cảm thấy vắng vẻ, nhưng dần dần cũng quên. Thời gian qua đi lúc nào không ai hay, trời bắt đầu tối. Mọi người đang định ra về thì nghe tiếng chân bước lên cầu thang. Xasa thở gấp gấp chạy vào, mồ hôi nhễ nhại. Anh đặt gói giấy báo trong tay xuống bàn, mở ra, trong đó là cái bánh mỳ tròn lớn, nóng hổi thơm phức, cạnh sém vàng, chứng tỏ bánh vừa ra lò. Xasa vội giải thích, bánh này anh nhờ một người bạn Liên Xô làm, bánh mỳ Liên Xô, định đến kịp họp mặt uống trà buổi chiều, không ngờ phức tạp đến thế, mãi đến lúc này mới xong. Xasa như một đứa trẻ lớn, vừa ngây thơ, vừa chân thành. Mọi người rất xúc động, từ đó càng thân thiết với Xasa hơn, họp mặt buổi chiều trở thành lệ, mỗi tuần lễ ít ra là hai buổi.
Cứ đến ngày hẹn, Kỳ Dao lại dọn dẹp nhà cửa, thu cất những thứ của phụ nữ, trên bàn bày một vài thứ thường ngày vẫn mua về như sơn tra, xoài khô. Kỳ Dao còn mua thêm một bộ đồ uống trà, những chén uống trà viền vàng, có nắp đậy, có đĩa, bày sẵn. Bánh thì lần trước đã có người nhận mua, bởi những buổi họp mặt ở đây nên Kỳ Dao phải chuẩn bị, tuy tốn kém nhưng vẫn bằng lòng. Mao Mao thì mua trà, cà phê, một vài lần đem táo đỏ và cả tâm sen. Kỳ Dao hiểu dụng ý của Mao Mao, vừa ngạc nhiên vừa cảm động bởi sự cẩn thận của anh. Còn Xasa từ sau lần đem bánh mỳ Liên Xô đến rồi thôi, không đem gì đến nữa. Bà Nghiêm thì mấy lần bảo u Trương đi mua bánh ngọt, nhưng thấy phiền phức, rồi cũng lười không mua nữa. Nhưng bà thấy không tiện nếu cứ để một mình Kỳ Dao chuẩn bị, liền đề xuất mọi người cùng góp tiền. Nàng kiên quyết từ chối, nói chỉ là vui với nhau, làm như thế khác nào việc công, không ra sao, nếu không mọi người đừng đến nữa. Bà Nghiêm cũng không ép. Còn Mao Mao đưa ra sáng kiến, sau này đánh mạt chược không đánh không nữa, phải có được thua, thua phải bỏ tiền ra, coi như tiền mua bánh ngọt, làm thế đánh bài mới hứng thú, có ý nghĩa. Bà Nghiêm và Xasa đồng ý, Kỳ Dao thấy mọi người có chung ý kiến, mình phản đối cũng không tiện, cảm ơn ý tốt của Mao Mao. Từ đó, mỗi lần đánh mạt chược đều góp chung hai đồng, đưa Kỳ Dao mua các thứ cho buổi họp mặt. Kỳ Dao tỏ ra cẩn thận, mua gì cũng ghi chép, thu chi đều rõ ràng. Tuy không ai xem nhưng để mình biết. Như thế mọi người không phải quan tâm, chỉ để mặc Kỳ Dao làm gì thì làm. Kỳ Dao phải suy nghĩ để thay đổi món luôn luôn, làm mọi người phải ngạc nhiên. Có lúc không nghĩ ra món gì mới, phải bàn với Mao Mao. Về sau, mỗi lần tổ chức họp mặt đều hỏi ý kiến Mao Mao. Mao Mao không từ chối, góp ý, góp công, mua thứ này thứ nọ. Còn bà Nghiên với Xasa thì đem miệng đến, nói chuyện và ăn uống.
Sau hôm Xasa đưa bánh mỳ, anh đem theo cô gái Nga làm bánh mỳ đến. Cô gái mặc váy kẻ ô, đi ủng lông, tóc búi gọn, mắt xanh da trắng, trông như nhân vật từ trên màn ảnh bước xuống. Cô gái cao lớn và sáng sủa làm cho căn phòng của Kỳ Dao trở nên nhỏ hẹp, tối tăm. Xasa đứng cạnh, cô gái quàng vai như mẹ quàng cổ con. Xasa nhìn mắt cô gái, nịnh mắt xanh như mắt mèo; cô gái nhìn Xasa có vẻ mê mẩn, Xasa giúp cô cởi áo ngoài, để lộ áo len ôm lấy bộ ngực đồ sộ như hai trái núi nhỏ. Hai người ngồi gần nhau, thấy rõ từng lỗ chân lông trên da mặt, cổ nổi da gà. Cô ta nói tiếng phổ thông rất cứng, phát âm và biểu đạt rất kỳ quái, làm mọi người phải bật cười. Mỗi lần cô ta làm mọi người cười thì Xasa lại nhìn mọi người, rất đắc ý. Dù là bà Nghiêm hay Kỳ Dao cô ta đều gọi “cô gái”, mỗi lần gọi hai người lại đỏ mặt, không nhịn được cười. Cô ta ăn uống khá lắm, trà cho đường, uống hết cốc này đến cốc khác. Ăn cháo cũng ăn liền mấy bát. Kẹo vừng, bánh trái quýt trên bàn ăn hết cái này đến cái khác. Lỗ chân lông trên mặt đỏ lên, mắt sáng, nói nhiều hơn, làm nhiều động tác rất buồn cười. Mọi người càng cười, cô ta càng phấn khởi, như lên cơn điên, cuối cùng đứng lên nhảy, va chạm bàn ghế, thật vui. Xasa vỗ tay làm nhịp cho cô ta nhảy múa, cô ta nhảy múa đến trước Xasa liền ôm lấy anh ta, quay cuồng như nơi không người. Mọi người nghiêng đầu, cười ngặt nghẽo. Cho đến khi trời tối cô ta vẫn chưa muốn về, vẫn ngồi ở ghế, nhặt ăn những vụn kẹo vừng còn lại trên đĩa, búng tay, ánh mắt nhìn tham lam, thô lỗ. Xasa phải lôi về. Hai người ôm nhau đi xuống cầu thang, tiếng cười của cô gái Liên Xô vang khắp ngõ. Lúc này, trong phòng rất lộn xộn, mặt bàn bừa bãi, khăn bàn đầy những nước trà và dính đầy kẹo bánh. Ba người còn lại cười mệt quá, ngồi uể oải trên sofa. Căn phòng đã tối, quên cả bật đèn, cứ để mặc cho tối.
Những buổi chiều họp mặt uống trà như thế cũng không nhiều, phần lớn rất bình thường. Nắng chiều dần qua, ánh sáng dịu dàng, chuyện đã cạn, chỉ đưa mắt nhìn, như vẫn chưa hết. Tất cả đã về, Kỳ Dao không muốn thổi cơm tối, ăn uống qua loa những thứ còn lại, vừa mặn, vừa ngọt. Những buổi tối ồn ào qua đi, con người thấy rời rạc, vô vị, không còn hứng thú làm gì khác, làm gì cũng vô nghĩa. Khách về, căn phòng trống trải yên tĩnh, cây kim rơi xuống đất cũng nghe rõ. Thế là trăm ngàn suy nghĩ trào lên. Là buổi tối buồn, mất ngủ, ánh trăng làm rối lòng. Kỳ Dao cứ mong cho có người đến tiêm, để đốt đèn cồn cho căn phòng thêm âm thanh, màu sắc. Kỳ Dao tìm vài thứ ra vá may, khi tìm ra rồi lại không còn hứng làm nữa, cuộn len lăn xuống gầm sofa vẫn không biết; đọc báo Buổi chiều, đọc vài ba lần cũng không hiểu nói gì; soi gương xoã tóc, cũng không nhận ra trong gương kia là ai. ý nghĩ không đầu không cuối, không thành chương hồi. Nàng tung đồng xu lên mặt bàn, không biết muốn sấp hay ngửa đây, tiếng ầm ào không biết làm việc gì. Nàng lấy cỗ bài tú-lơ-khơ ra để bói, bói chưa cũng không biết. Con hẻm phía dưới cửa sổ lại vang lên tiếng rao “Cẩn thận đèn lửa”, tiếng chuông rung thay cho tiếng phách. Tiếng chuông leng keng là âm thanh duy nhất trong hẻm Bình An về đêm. Không khí tĩnh mịch vắng vẻ như sắp đến buổi chiều tiếp theo. Buổi chiều họp mặt uống trà náo nhiệt bao nhiêu thì đêm càng buồn bấy nhiêu, buồn như muốn triệt tiêu náo nhiệt, thậm chí hơn thế. Để loại bỏ tĩnh mịch Kỳ Dao phải đi xem phim chiếu buổi thứ tư. Buổi chiếu phim thứ tư là tàn dư của sinh hoạt đêm, là chút cốt lõi còn rơi rớt của thành phố không đêm này. Buổi chiếu phim thứ tư thường vắng người xem, còn trống đến nửa số ghế, cũng rất tĩnh mịch. Trên đường về người thưa vắng càng thêm tĩnh mịch. Thành phố không đêm giờ này chỗ nào cũng có chữ “đêm” , bóng cây ngô đồng màu đêm, người chờ xe vẻ mặt nhuốm màu đêm, tiếng leng keng tàu điện vào bến cũng là tiếng đêm, ánh đèn nê-ông dọc đường là cặp mắt đêm. Nhưng ánh sáng về đêm của thành phố này cũng là ánh sáng giành giật, manh động như dòng sông âm thầm chảy, phải chú ý lắm mới nhận ra.
Bây giờ, trước hôm họp mặt Mao Mao đến bàn bạc với Vương Kỳ Dao, bàn xong Mao Mao đi mua các thứ. Có hôm muộn, đến giờ ăn tối, Vương Kỳ Dao không để Mao Mao đi, bảo anh vào nhà bà Nghiêm trong hẻm, ba người cùng ăn cơm. Về sau, cứ đến ngày, bà Nghiêm đến, Xasa cũng đến tham gia. Thế là trước buổi họp mặt lại thêm một bữa ăn, mỗi ván mạt chược cũng thêm tiền, hơn nữa, mạt chược không đánh không được. Với người khác thì không sao, với Xasa phải đánh, hai buổi mới đến tham gia một, còn buổi nữa thì cáo bận, không ai nói ra nhưng ai cũng biết. Kỳ Dao còn phát hiện Mao Mao nhường cho Xasa thắng. Kỳ Dao biết Mao Mao muốn chi nhiều tiền nhưng ngại người khác không bằng lòng, đành dùng cách thua bài vậy. Kỳ Dao vừa xem thường Xasa, vừa khen Mao Mao. Một lần, Kỳ Dao biết Mao Mao sắp thắng, cũng đoán biết anh cần quân nào, trong tay nàng đang cầm một quân và hạ luôn xuống, đưa mắt nhìn anh. Mao Mao chần chừ giây lát, cầm lên, quả nhiên thắng một ván lớn. Kỳ Dao biết mình đoán đúng bài, lại thấy Mao Mao hiểu ý, nên phấn khởi hơn là mình thắng. Bất ngờ, Xasa lật bài của Kỳ Dao lên xem, nói:
- Tại sao chị phá bộ đôi đi, cố tình phá à?
Kỳ Dao vội vàng xoa bài, nói không muốn chơi tiếp ván này, nên không cần đôi ấy làm gì. Nhưng lại nghĩ bụng, anh chàng Xasa này được người ta thả cho ăn không biết bao nhiêu lần rồi, thật không biết điều! Bà Nghiêm không bằng lòng, nói:
- Đánh thì phải theo đúng luật, không được thông đồng với nhau.
Kỳ Dao thấy khó xử, cứ giải thích mãi, bản thân cũng rất ân hận. Sau đó mọi người cùng im lặng, cố đánh cho xong bốn vòng rồi giải tán. Lần sau Mao Mao đến bàn chuyện họp mặt, lòng nàng còn để đâu đâu, thấy Mao Mao liền nói:
- Xasa là con trai mà bụng dạ nhỏ nhen hơn cả con gái!
Mao Mao liền nói:
- Xasa cũng đáng thương lắm, không có việc làm, lại ham chơi, tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ không đủ cho cậu ấy đánh Bi-a.
Kỳ Dao vẫn bực, nói:
- Tôi đâu cần tiền, chỉ cần công bằng, tôi nói không cầm tiền của mọi người, cũng không phải vì tiêu nhiều, nhưng để chơi vui mới phải góp tiền!
Mao Mao cười, nói:
- Chị nóng thế, em thay mặt Xasa xin lỗi!
- Không phải chỉ một mình Xasa!
- Em cũng thay mặt chị Nghiêm xin lỗi!
Mắt Kỳ Dao đỏ hoe, nghĩ Mao Mao thật tinh ý, điều gì cũng biết. Định nói gì đấy rồi lại thôi, lúc này bà Nghiêm đang đi lên. Vừa vào cửa bà ngồi ngay xuống ghế, nói luôn:
- Cái nhà cậu Xasa thế mà không biết điều, thật đáng trách!
Bất giác Kỳ Dao và Mao Mao đưa mắt nhìn nhau, cùng cười.
Mao Mao đề nghị: lần này mời mọi người ra Câu lạc bộ Quốc tế uống cà phê, anh sẽ chi tiền. Kỳ Dao biết Mao Mao đang muốn hoà giải, nghĩ bụng tuy cực cho anh ta, nhưng ở đời này có tiệc nào không tàn? Sáng hôm sau, Kỳ Dao ra hiệu làm đầu, cơm trưa ăn sớm hơn, rửa bát xong rồi đi trang điểm, thay áo quần. Nàng kẻ lông mày rất nhẹ, xoa một lớp phấn mỏng, không đánh má hồng, chỉ tô chút son đỏ. Kỳ Dao cũng muốn mặc áo dài, ngoài mặc áo khoác mùa thu, nhưng lại thấy quá long trọng, như cố tình chơi trội hơn bà Nghiêm. Cho nên nàng chỉ mặc quần Âu bằng dạ mỏng, áo may bằng hàng len, tất cả đều màu sáng, cổ quàng khăn lụa hoa, màu hoa rất nhã. Vừa chuẩn bị xong thì nghe tiếng u Trương gọi, nói xích lô đang chờ ở cửa. Kỳ Dao cầm ví và đi xuống, quả nhiên trong ngõ đã có hai chiếc xích lô, bà Nghiêm đang đi ra. Bà khoác chiếc áo dạ đen mỏng, rất hợp, trang điểm cũng vừa phải. Kỳ Dao lên xe, xe chầm chậm đi ra khỏi hẻm Bình An. Nắmg vàng, lá ngô đồng lác đác rơi, trời cao trong vời vợi. Chợt Kỳ Dao giật mình, cảm thấy bên mình không phải là bà Nghiêm mà là Lệ Lợi. Cái tên Lệ Lợi loé lên rồi tắt ngay. Kỳ Dao thấy da mặt khô se lại, tưởng như sắp bong ra, miệng cũng khô. ánh nắng chói chang, mi mắt nặng, cảm giác buồn ngủ. Xe đi giữa phố, tủ kính loang loáng lướt nhanh như phim ảnh. Tàu điện từ từ rẽ, rồi leng keng đi về phía trước.
Mao Mao và Xasa chờ ở cửa câu lạc bộ Quốc tế. Xasa cũng ra dáng chủ trì, anh nói cùng chủ trì với Mao Mao. Thế rồi hai anh đi trước, đưa vào một phòng lớn. Sàn nhà bóng soi gương được, phía ngoài cửa sổ là thảm cỏ khô vàng của mùa thu, hoa cúc nở trong bồn, tươi thắm đầy sức sống. Trong phòng là những chiếc bàn tròn thấp, phủ khăn trắng, ghế đệm đặt chung quanh. Mọi người vừa ngồi xuống thì có ngay một chiêu đãi viên mặc Âu phục trắng, thắt cra-vát đỏ đến hỏi dùng gì. Xasa như người chủ trì, gọi mấy thứ. Mao Mao không lên tiếng, chỉ cười tán thưởng. Bà Nghiêm và Kỳ Dao nghĩ, cuối cùng Mao Mao phải trả tiền. Kỳ Dao vừa nghĩ bụng: Xasa với cái tính ma lanh được mọi người nuông hư, vừa đưa mắt nhìn chiếc đèn có chụp thủy tinh hình hoa sen trên tường. Lò sưởi quá nóng làm mặt đỏ lên, lẽ ra mặc mỏng một chút, áo thu khoác ngoài, có thể mặc có thể cởi ra. Không hiểu tại sao lại không nghĩ ra, cũng có thể lâu lắm không đến đây, bởi vậy trở thành “quê”. Cà-phê và bánh ngọt đã đưa lên, đĩa sứ trắng, thìa và nĩa bằng bạc, ấm cà-phê cũng bằng bạc. Một người đi qua, chào Mao Mao và Xasa. Mao Mao giới thiệu bà Nghiêm và Kỳ Dao với người khách. Người khách nói với bà Nghiêm:
- Ông nhà gần đây vẫn khoẻ chứ ạ?
Thì ra đó là người quen, chỉ ở cách một ngõ. Họ hỏi han chuyện trò thân mật, chỉ có Kỳ Dao là xa lạ. Nàng quay đi, nhìn chậu cây vạn niên thanh ... Lúc này các bàn đã kín khách, chiêu đãi viên đi đi lại lại, căn phòng thơm mùi cà- phê, một bầu không khí ấm áp. Kỳ Dao thì lạnh lẽo trong bầu không khí ấm áp này, trang phục không hợp thời, cũng chẳng có chuyện gì để nói. Nàng tự cười mình tại sao lại đến đây, tự chuốc vô duyên.
Người khách kéo ghế ngồi xuống bên cạnh, gọi chiêu đãi viên lấy cà-phê. Mọi người chuyện trò không dứt. Mao Mao ghé sang nói nhỏ với Kỳ Dao:
- Anh ta là bạn đánh bài Tây, đánh không ra sao, bởi thế không có hội, nhưng lại rất thích đánh, ai đánh với anh ta đều được mời ăn uống, hôm nay anh ta đang muốn mời mọi người.
Kỳ Dao biết Mao Mao chú ý đến mình, không để nàng bị lạc lõng. Thế nhưng nàng vẫn thấy mình như người ngoài cuộc. Người khách quay sang hỏi mọi người có bằng lòng để anh mời đi nhà hàng chiêu đãi không. Bà Nghiêm và Xasa đồng ý ngay, Mao Mao nhìn Kỳ Dao thăm dò, nàng nghiêng người, nói:
- Hôm nay có mấy người hẹn đến tiêm, cần phải về trước bữa ăn tối, xin lỗi không thể cùng dự với mọi người được.
Bà Nghiêm nói:
- Hôm nay cháu hẹn tiêm cho ai? Sao cô không biết, cháu không được về đâu.
Xasa nói không được về, nếu Kỳ Dao về thì mọi người cùng về. Mao Mao cũng giữ Kỳ Dao, hỏi những người đã hẹn đến tiêm nhà có điện thoại không, nếu có sẽ gọi điện bảo đến muộn một chút. Nàng biết Mao Mao tìm lối thoát cho mình, mà cũng muốn giữ mình lại, liền nói để lát nữa đã. Mọi người tưởng Kỳ Dao đồng ý, không ngờ lát sau nàng cáo từ, thái độ rất kiên quyết, không ai giữ nổi. Bà Nghiêm rất bực, bảo Kỳ Dao không nể mặt bà. Kỳ Dao thì miệng nói xin lỗi, bụng lại nghĩ: ý bà Nghiêm muốn nói không biết điều.
Mao Mao tiễn Kỳ Dao, ngoài trời đã tối, gió bắt đầu nổi lên, vừa từ trong nhà ra nên cũng không thấy lạnh. Mao Mao cúi đầu không nói gì. Để có chuyện, Kỳ Dao hỏi trong câu lạc bộ có trò gì vui, có tốn kém lắm không ... Đi qua hành lang ra cửa, nàng nói:
- Cậu Mao vào đi, ngoài trời lạnh lắm.
Mao Mao làm như không nghe thấy, bỗng nói:
- Em tưởng mọi người sẽ vui đấy.
Kỳ Dao hiểu ý, chợt xúc động, nghĩ con người này gì cũng biết. Một chiếc xích lô đi tới, nàng vẫy lại và cứ thế lên xe đi thẳng.
10 Chuyện đêm bên lò sưởi
Trời lạnh, Kỳ Dao bàn với Mao Mao đặt một cái lò sưởi giữa nhà để mọi người đến đánh bài, uống trà không phải co ro, xoa xuýt. Mao Mao đồng ý, đi mua ngay lò sưởi và ống khói. Kỳ Dao đưa tiền nhưng anh nhất định không cầm, nói lò sưởi chung cho mọi người, tại sao phải để Kỳ Dao chi tiền. Hôm sau, Mao Mao đưa một người thợ đến. Người thợ đi xe đạp, đem theo dụng cụ, Mao Mao bảo anh ta chỗ đặt lò sưởi, đường thoát khói, làm chừng nửa buổi thì xong. ống hàn kín, nên không lọt khói, lò nhóm cũng nhanh, cơm trưa nấu ngay ở lò sưởi. Căn phòng ấm áp, mùi thức ăn thơm lựng. Kỳ Dao nướng khoai, lát sau khoai chín, thơm. Mọi người đến họp mặt uống trà buổi chiều không c 556d n mua bánh trái gì nữa, tất cả ngồi quanh lò ăn khoai nướng, đều thành trẻ con. Ai cũng tranh nhau cời lò, chỉ một tỵ nữa là làm tắt lò, vội cho thêm củi lò mới cháy lên được. Trời tối dần, trong nhà tối hẳn, lửa lò chiếu sáng mặt mọi người, tất cả đều biến dạng, như nằm mơ, như ảo giác. Dường như đối lại với lò lửa, hôm sau trời đổ tuyết, không phải là mưa lẫn tuyết của miền Giang Nam, mà là tuyết khô, tuyết đọng thành lớp dày trên cửa sổ, trên nóc nhà, hẻm Bình An trở nên sạch sẽ tinh khiết.
Đó là mùa đông năm 1957, thế giới bên ngoài đang xảy ra nhiều chuyện lớn, nhưng lại không liên quan gì đến bầu trời nhỏ bên lò sưởi này. Bầu trời này là góc nhỏ hoặc là kẽ hở của thế giới, như bị lãng quên nhưng an toàn. Ngoài trời tuyết bay, trong nhà có lò sưởi, thật là cảnh tượng tuyệt vời! Mọi người rất biết suy nghĩ, làm ra nhiều áng văn chương ngay bên lò. Nướng khô cá Triều Tiên, nướng bánh, nấu một nồi nước luộc thịt cừu, nấu mỳ. Mọi người buổi sáng đến, cùng ngồi bên lò sưởi, vừa nói chuyện vừa ăn uống. Cơm trưa, điểm tâm, cơm chiều liền với nhau. Trong những ngày tuyết có nắng cũng như không, như không có cả thời gian. Thời gian cùng liền một mạch. Cho đến khi ngoài cửa sổ trời tối hẳn họ mới chần chừ ra về. Lúc ấy đã không độ, mặt đất đóng băng, rét run cầm cập, chân trơn trượt đi như người nửa tỉnh nửa mơ.
Không khí quanh lò sưởi thân tình, như trong một nhà. Kỳ Dao và bà Nghiêm ngồi đan, Mao Mao và Xasa giúp cầm cuộn len và phụ trách tháo len. Mỗi người một cái thìa tự làm bánh trứng trên lò, những cái bánh được cuốn tròn đặt lên đĩa, xếp thành hình bông hoa hoặc hình tháp. Câu chuyện của họ cũng thật thoải mái, vui đùa với nhau. Đối tượng để đùa vẫn là Xasa hoặc người con gái Liên Xô, hỏi Xasa có phải anh mãi mãi ăn bánh mỳ Liên Xô không. Xasa nói:
- Bánh mỳ Liên Xô thì được, nhưng hành và khoai tây Liên Xô thì không thể nào ăn nổi.
Mọi người cùng cười ẩn ý trong câu nói của Xasa. Xasa nói, nếu mọi người đồng ý thì anh có thể cung cấp bánh mỳ Liên Xô nhưng phải ăn kèm với hành và khoai tây. Mọi người mắng vui anh, anh nói với vẻ không vui:
- Giai cấp tư sản đang tấn công giai cấp vô sản đấy!
Kỳ Dao không bằng lòng, hỏi lại: ai là giai cấp tư sản, nếu nói vô sản thì mình là người vô sản nhất, sống dựa vào hai bàn tay mình. Xasa nói luôn:
- Thế thì chị phải giúp tôi lật đổ họ, tôi với chị cùng chung giai cấp!
Bà Nghiêm nói:
- Tài sản giao hết cho giai cấp vô sản các người rồi, bây giờ thì chúng tôi đều là vô sản thực sự, các người mới là giai cấp hữu sản!
Kỳ Dao nói:
- Chúng tôi là người vô sản hay hữu sản cũng không thể giúp anh được, vì chúng tôi ăn cơm Trung Quốc, còn anh ăn bánh mỳ Liên Xô, là người của hai con đường.
Bà Nghiêm và Mao Mao vỗ tay hoan hô, Xasa làm ra vẻ thương hại, nói mọi người cùng liên minh để bắt nạt anh một người không cha không mẹ. Nghe anh ta nói thế, mọi người cảm thấy ngượng, thế là cùng an ủi anh. Anh ta cầm tay Kỳ Dao, làm vẻ mặt đáng ghét, nói:
- Cho tôi gọi chị là mẹ nhé!
Kỳ Dao rụt tay lại, bĩu môi nói:
- Anh đem bố mẹ ra đùa đấy à?
Tất cả cùng cười, còn anh ta vẫn tỉnh khô, nhân đó mọi người tiếp tục vặn hỏi anh. Xasa nói:
- Điều ấy có gì lạ đâu, mưa nắng là chuyện của trời, lấy chồng là chuyện của người con gái.
Mọi người càng vui hơn. Cười đấy nhưng trong lòng không khỏi xem thường Xasa, nghĩ anh như một người ngụ cư, sống nhờ sống vả.
Còn Xasa cũng cười khi thấy mọi người vui, anh thầm nghĩ: xem giai cấp tư sản các người, cặn bã của xã hội, toàn thân bốc mùi long não xưa cũ, sống cuộc đời ăn bám! Thế nhưng anh vẫn thích họ, bởi thứ nhất, họ cho anh ăn, đổi món luôn luôn, được ăn đủ các món. Xasa có cái miệng tuyệt vời, hình như có di chứng của bệnh lao phổi. Anh rất thích ăn, ăn bao nhiêu cùng không đủ, bởi ăn nhiều nên cũng biết nhiều thứ. Nhà Kỳ Dao cũng là nơi anh được ăn nhiều. Anh thích họ, bởi thứ hai, họ giúp anh tiêu hết thời gian nhàn rỗi. Anh không có tiền nhưng ngược lại thời gian thì vô cùng tận, sáng dậy là nghĩ cách nào tiêu xài hết thời gian trong ngày đây. Họ cũng như anh là những người có nhiều thời gian nhàn rỗi, hơn nữa lại rất lý thú, có kiến thức theo một lối khác, có thể bổ sung những kinh nghiệm xã hội cho anh. Xasa là người coi trọng kinh nghiệm, kinh nghiệm giúp anh tìm hiểu thế giới này, được vùng vẫy trong thế giới này. Bởi hai điều không thể thay thế đó của họ nên Xasa bằng lòng trả giá. Thật ra thì anh cũng không nghĩ họ có ý gì, chỉ do vui mà nói đùa quá lời, trong cái đùa có cái thật, trong cái thật có cái nói đùa, vờ không biết, vờ như biết. Mặt trời từ đông ngả sang tây, rồi từ tây sang đông, mặt trăng cũng vậy. Thành phố này ngày và đêm đã đến và đi như thế.
Một hôm, mọi người lại đùa Xasa, nói là sẽ giới thiệu cho anh một cô bạn gái. Xasa nói không thích ai, chỉ thích người nhà của bà Nghiêm. Bà Nghiêm nói con gái bà còn nhỏ, Xasa bảo sẽ chờ, chờ đến khi bạc đầu cũng được. Bà Nghiêm nói, vậy anh phải gọi bà bằng mẹ vợ. Xasa nói, có bà mẹ vợ như bà Nghiêm thật là vinh dự. Mọi người không nhịn được cười, nồi nước trên bếp lò đã cạn réo lên xèo xèo, bánh trong nồi nghiêng ngửa cũng như đang reo vui. Chợt Xasa nghiêm sắc mặt nói:
- Tôi cũng muốn giới thiệu cho một người.
Mọi người hỏi ai, anh ta nói:
- Người này - Tay anh chỉ thẳng vào Mao Mao. Mọi người hỏi anh định giới thiệu ai nhưng rất thấp thỏm, nghĩ anh ta sẽ nói ra mà không nể nang. Xasa vẫn cười không nói, mọi người giục anh, anh nói:
- Tôi nói ra mọi người sẽ mắng tôi mất!
Mọi người tỏ ra hồi hộp, nhưng vẫn cười và giục anh phải nói. Xasa nói:
- Nhưng các người không được mắng tôi nhé!
Lúc này thì mọi người như đã hiểu ra, có ba người vẻ mặt trông khác thường, cười gượng gạo. Kỳ Dao nói:
- Phải mắng chứ, anh làm sao mà nói được những điều đứng đắn!
Xasa nói:
- Vậy là chị Dao đã biết tôi nói ai rồi, nếu không làm sao có thể mắng tôi được.
Kỳ Dao không muốn bị anh ta điểm trúng huyệt, lúng túng, mặt đỏ bừng, vẫn cười nhưng nói rất nghiêm túc:
- Anh muốn mắng phải không?
Mặt Xasa vẫn tỉnh khô:
- Hay là nói ra thì sẽ không bị mắng?
Kỳ Dao vừa cuống vừa bực, gõ mạnh cái thìa sứ lên miệng nồi, cái thìa gãy đôi, không khí trở nên căng thẳng. Hôm ấy, Xasa có nói bao nhiêu điều dại dột, Mao Mao có xoa dịu bao nhiêu thì vẫn không thể làm cho không khí vui vẻ trở lại được. Mọi người miễn cưỡng ngồi lại, trong nhà chưa tối hẳn thì đã giải tán ra về. Tuyết đang tan, dấu chân người trên tuyết trông nhớp nháp như bùn. Trời tạnh ráo, sáng sủa, tưởng đâu có thể trông rõ từng lỗ chân lông trên mặt nhau. Kỳ Dao xuống tận chân cầu thang tiễn và chào mọi người. Trong cái ồn ào náo nhiệt như có những tâm tư, tỏ ra không thực.
Mấy hôm sau, bà Nghiêm nói riêng với Mao Mao, Kỳ Dao không có ý gì đâu, Xasa cũng chỉ nói đùa, chẳng việc gì, cáu bực như thế làm mọi người mất vui.
Mao Mao xoa dịu: Kỳ Dao không nổi nóng, mà chỉ lỡ tay đánh gẫy thìa, chẳng sao đâu.
- Chị đâu có bảo việc đánh gẫy thìa, chị cảm thấy Xasa nói đùa thiếu tế nhị, mà Kỳ Dao thì chạnh lòng - Nói xong, bà liếc nhìn cậu em họ, Mao Mao tỏ ra mất tự nhiên, cười nói:
- Em thấy chị cũng đa nghi lắm, đâu có việc gì!
Bà Nghiêm “hừm” một tiếng:
- Thật ra thì cậu cũng đã biết, cậu là người thông minh, chị không nói nhiều, chỉ bảo với cậu câu này, từ nay về sau mọi người rỗi rãi đến chơi thì cũng chơi bời bạn bè với nhau, chơi cũng chỉ chơi thế thôi, không được nghĩ ngợi gì nữa.
Mao Mao cười:
- Thế chị bảo em nghĩ ngợi gì?
Bà Nghiêm lại “hừm” và nói:
- Cậu bảo đảm mình không nghĩ ngợi gì, nhưng không bảo đảm được người khác!
Nghe bà chị nói vậy, Mao Mao tưởng chừng không bỏ được Kỳ Dao nhưng lại không thể nào lên tiếng bênh vực cho nàng, đành im lặng. Bà Nghiêm thấy Mao Mao im lặng tưởng đâu cậu em nghe lời khuyên, liền dịu giọng:
- Cậu đến chơi ở chỗ chị nếu xảy ra chuyện gì thì chị biết ăn nói thế nào với cô chú đằng nhà cậu!
- Em lớn thế này rồi còn xảy ra chuyện gì được nữa!
Bà Nghiêm đưa ngón tay dí dí vào trán Mao Mao, nói:
- Xảy chuyện rồi hối không kịp!
Hai chị em nói chuyện với nhau xong rồi cùng xuống cầu thang sang nhà Kỳ Dao, đến đấy đã thấy Xasa đang nhóm lò, hai bàn tay trắng cứ quạt quạt như nướng bánh. Kỳ Dao thì đang rót nước sôi, hai người như không có chuyện gì, chỉ thỉnh thoảng nói với nhau vài câu chẳng đâu vào đâu. Bóng nắng soi vào nhà, trong nhà đầy bụi, bụi bặm đang nhảy múa. Bà Nghiêm và Mao Mao cùng ngồi cạnh lò sưởi, cố gắng quên đi những chuyện không vui của hôm trước để bắt đầu một ngày mới.
Sắp hết năm, Kỳ Dao đặt một cái cối xay nhỏ cạnh lò sưởi để xay bột. Gạo đã được ngâm từ hôm trước, hạt nở to. Xasa rất phấn khởi ngồi cho gạo dần vào cối, vừa đong nước, vừa đong gạo. Mao Mao thì xay, Kỳ Dao giã vừng bằng cối đá, bà Nghiêm không làm gì, chỉ ngồi ra lệnh. Căn phòng thơm mùi vừng tưởng đâu muốn được ăn ngay. Lúc này Xasa mới được biết niềm vui tinh tế của cuộc đời. Cuộc đời này như trong vỏ ốc hoặc như ếch ngồi đáy giếng, nó không nhìn xa chỉ nhìn gần, nghiền vụn thời gian thành từng mảnh nhỏ, có khả năng kéo dài cuộc đời ngắn ngủi. Xasa rất xúc động, trở nên nghiêm nghị, rất thực lòng hỏi xem sao phải đổ nước vào khi xay bột, hỏi cách làm bánh xốp. Mọi người chỉ dẫn cặn kẽ cho Xasa, Xasa trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn và được tha thứ cho trò đùa trẻ con của anh. Mọi người mời anh Tết đến chơi sẽ làm các món ăn như bánh tết, nem, bánh hạnh đào, bánh xốp ... từng món được kể ra như đếm của quý của gia đình. Xasa nghĩ, đây đúng là thế giới của ăn uống, ngày nào cũng bận bịu vì ăn. Chợt anh thầm thở than:
- Chẳng ai biết cho bữa trưa thật khổ sở!
Bà Nghiêm bật cười, nói:
- Đấy mới chỉ là một nửa cái khổ, nửa cái khổ nữa là cái mặc, có lẽ chưa bao giờ Xasa nghe nói.
Chuyện áo quần thì không bao giờ hết. Nói đến áo quần, trước mắt Kỳ Dao và bà Nghiêm đã phơi phới như múa hát. Xasa nghe đến nỗi quên cả việc, để cối xay không, Mao Mao quay cối cũng đâm ra ngẩn ngơ. Mặc là thế giới của vá may, lụa là, tỷ mẩn công sức mới tạo nên được những đường cong tuyệt mỹ chung quanh cơ thể. Bà Nghiêm vô cùng cảm kích nói:
- Làm người phải được thể hiện nhiều nhất ở cái mặc, nó là niềm vui và tinh thần của con người, là việc cần thiết nhất.
- Thế còn ăn? Xasa hỏi.
Bà Nghiêm lắc đầu một lúc rồi nói:
- Ăn là cái bên trong của con người, tuy quan trọng đấy nhưng không bằng cái bề ngoài chống đỡ với mọi thứ, như một lời tuyên ngôn, khiến người khác phải tin phục và coi trọng; tất nhiên cái bên trong cũng có mặt tốt của nó, làm người là để cho chính mình, nhưng nếu như không để cho người khác nhìn vào thì liệu còn có ý nghĩa gì nữa?
Nói đến đây, bất giác bà Nghiêm có phần xúc động, tiếng nói nhỏ lại. Vừa rồi là không khí lao động sôi nổi, bây giờ trầm xuống, chỉ còn tiếng xay giã đơn độc. Mùi vừng thơm ngậy, dòng bột trắng như sữa cũng là màu sắc béo ngậy. Trên tường, trên sàn nhà đầy bụi than, không khí bẩn và khô. Trong ánh nắng, lửa lò tối lại và nhợt nhạt. Tất cả có cảm giác không trong sạch. Cái không trong sạch dù dính đầy bùn đất nhưng cũng không phải là quá bẩn, mà chỉ là những vết bẩn, như ẩm mốc của mùa mưa phùn.
Tuy nhiên, khi trời tối, tất cả những thứ đó đều được che đậy. Bóng tối tràn vào cửa sổ như một thứ chất lỏng loãng và ấm áp, phủ chụp lên tất cả một lớp màng mỏng. Đồ dùng, không gian, âm thanh và bầu không khí đều được ngăn cách bằng tấm màng mỏng, trở nên mơ hồ, không xác định. Duy chỉ có ngọn lửa trong lò là sáng rõ, nồng nàn, khích lệ lòng người. Đây là khoảnh khắc tình cảm nồng ấm nhất bên lò sưởi, mọi niềm khát khao đều trở thành nhu cầu phải dựa vào nhau, bỏ mặc tất cả những gì còn lại. Trời long đất lở thì sao? Không nghĩ đến chuyện ngày qua, không nghĩ đến chuyện ngày mai, nghĩ đến liệu có ích gì? Mọi người ngồi bóc hạt dẻ tẩm đường, mùi hạt dẻ rang thấm vào tận tim phổi. Họ nói những câu chuyện vô cùng nhàn tản, mỗi lời nói như tự đáy lòng, ấm áp. Trên lò sưởi là một cái chảo đang rang hạt dưa được phơi khô từ mùa hè, lẫn mấy hạt ngân hạnh. Mùi đắng của hạt ngân hạnh có sức thẩm thấu, thoát ra từ bầu không khí có tên hoặc không tên, hàm ý thức tỉnh, cũng mặc nó. Họ không nghĩ đến những ác cảm trước kia, cứ như con người, không hiểu tại sao giữa người với người lại sinh ra rạn nứt không thể nào hàn gắn nổi? Giữa họ lại rất dịu dàng thân thiết, cảm thông lẫn nhau, đúng là khoảnh khắc cảm thông, ngoài cảm thông ra còn gì nữa? Bên ngoài trời rét và tối đang gia tăng ấm và sáng cho căn phòng này, tuyết đừng tan thì tốt hơn, tuyết tan rồi lò sưởi này cùng đến lúc tàn. Họ vẫn đang nói chuyện, tiếng nói chậm rãi nhẹ nhàng, nói xong là quên hết, đấy mới chính là tiếng lòng. Không dấu vết nhưng lại miên man không dứt. Họ nói những chuyện không ngoài vị ngọt của hạt dẻ, mùi thơm của hạt dưa, vị đắng của hạt ngân hạnh. Họ còn nói đến bánh bột nếp, vị nồng nàn của rượu nếp và trứng gà ngâm rượu nếp. Trời đã tối lắm rồi, nếu tối nữa sẽ sáng lên. Chuyện tâm tình đã cạn, nói tiếp nữa không tránh khỏi cách ngăn. Miệng nói ra về, đi, rồi lại không đi, không nhích nổi đôi chân. Nói với nhau ngày mai gặp lại, nhưng lòng không muốn đêm nay kết thúc, ngày mai chưa biết và chưa tới. Đêm nay đang ở trước mắt, như nắm trong tay. Không còn gì đúng hơn là tạo cho thời gian một lỗ hổng, thời gian không lọt qua cũng phải lọt qua, chỉ trong thoáng chốc không đi cũng phải ra đi.
Họ giết thời gian ban ngày, về đêm lại rất tận tâm. Họ ngồi quanh lò sưởi đố nhau, kể chuyện, rất nhiều câu đố không đoán được ra, rất nhiều câu chuyện không đầu không cuối. Kỳ Dao nói, họ như người canh giữ tuổi trong đêm giao thừa, nhưng ngày nào cũng canh giữ, đêm nào cũng canh giữ, mà canh giữ không nổi ngày tháng năm. Mao Mao nói, họ biến đêm thành ngày, nhưng cho dù cố gắng làm ngược lại, cuối cùng thì mặt trời đằng đông, mặt trăng phía tây. Bà Nghiêm nói, họ như những người giữ linh hồn, nhưng người chết đã về với tiên tổ, lấy chuyện tang thương làm chuyện vui. Xasa nói, họ như những người thợ săn vùng Xibia, cuối buổi săn ra về tay không. Mỗi người một cách hình dung, tóm lại đều rất yêu thích những đêm như thế, rất nhiều món ăn trên lò sưởi tạo nên hương vị và âm thanh giòn giã lấp đầy mọi kẽ hở của thế giới. Những viên gạch và những tảng đá của thế giới đều được những vật độn vụn vặt xây nên. Ngồi bên lò sưởi còn có những trò chơi đơn giản, dùng một sợi giây giày buộc lại để chơi trò biến hình từ tay người nọ sang tay người kia, cuối cùng không bị thắt nút thì cũng tung ra. Họ còn lấy một sợi tóc thắt lại để gỡ ra, có lúc gỡ được, có lúc làm gãy sợi tóc, có lúc càng gỡ càng thắt chặt. Họ có bảy mảnh trò chơi khéo tay, xếp đi xếp lại, dù biến thành trăm ngàn hình khác nhau cũng không thoát khỏi khung hình vuông. Mọi người động não suy nghĩ, nảy ra bao nhiêu kỹ xảo và thông minh, rồi bị mai một. Những thứ nhỏ nhặt ấy là phân bón cho những việc to lớn, nhiều sự việc to lớn ăn hài cốt của những vật bé nhỏ mà lớn lên. Đừng xem thường những thứ nhỏ nhặt, cho dù chỉ bằng những hạt bụi của thế giới này, mặt trời lên chúng vẫn có thể ca hát nhảy múa.
Hết chương 6. Mời các bạn đón đọc chương 7!