Truyện Ngắn Hay 2013 Truyện ngắn 7


Truyện ngắn 7
Hoa gạo đỏ kinh thành

- ĐINH PHƯƠNG -

Chưa năm nào kinh thành Thăng Long nắng nóng đến thế. Mặt trời cứ nhong nhong trên đầu như cơn ác mộng không bao giờ ngừng lại. Mở mắt ra thấy mặt trời, nhắm mắt lại hình tròn đỏ ối in hằn vào giấc ngủ.

Cái nóng ùa đến khiến ruộng đồng nứt nẻ, những con cào cào vàng vọt chưa kịp nhảy lên lần cuối bị sấy khô quắp lấy ngọn cỏ khô. Lá trên cành xác xơ, nửa xanh nửa vàng. Chưa đến mùa rụng mà nửa số cây trong kinh thành đã đổ hết lá xuống trút hơi thở cuối cùng. Tất cả giếng đều khô rang đùn lên toàn cát. Hồ từ lớn đến nhỏ nước cũng rút đi đâu hết nhường chỗ cho mặt trời. Cá tôm từ dưới bùn cố gắng bật người lên trên, thở bong bóng phì phì rồi chết, trương phềnh.

Nước thiếu. Không mưa. Chỉ có cát là nhiều. Cát bay mù trời hòa vào cùng với bụi khiến người trong kinh

 

thành ai cũng đau mắt. Nước mắt lúc đầu chảy nhiều, sau khô, nhắm vào thấy cồm cộm, nhức buốt. Thở nghèn nghẹt bằng cả mũi lẫn miệng. Cát ngập ngụa, cát thừa thãi, cát cũng trở thành ác mộng đồng hành cùng mặt trời. Ăn miếng gì không nhanh là ăn toàn cát. Uống miếng nước không nhanh là uống toàn cát.

Người trẻ ngơ ngác hỏi người già cát ở đâu mà


nhiều thế?

Người già lắc đầu, thở dài.

Người trẻ lại hỏi để hết cát thì đi hỏi ai?

Người già trả lời đi hỏi vua. Nếu không tìm thấy vua thì đi tìm thằng hề.

Người trẻ hỏi thằng hề là ai?

Người già không trả lời. Người già còn mải ngủ. Mắt người già không mở ra nữa mà nhắm lại mãi mãi. Chết là trở lại với cõi của mình, không phụ thuộc thiên, địa, nhân. Lời nói vang vọng mãi trong không gian được gió cuốn lại, đưa đi, xổ tung bên bờ sông Nại Hà.

Trong lúc kinh thành rối ren như thế, chú tôi vẫn ngồi ung dung ở cổng kinh thành nhặt hoa gạo rụng, tẽ cánh, xếp hình. Chú xếp lúc con cá, lúc con cua, lúc lại là một người đàn bà rất đẹp. Cả kinh thành này chỉ có chú là cười. Chú gọi tôi lại, thầm thì vào tai: “Mày cứ đợi đi, sắp đến ngày tao gặp lại được cô ấy rồi.” Tôi hỏi lại cô ấy là ai? Chú bảo: “Là một người đẹp nhất, đẹp như Phật bà Quan Âm trên chùa” Tôi cự lại, đẹp thế nào được như Phật bà, chú toàn nói linh tinh. Chú tức giận cầm nắm cát dưới chân ném vào mặt tôi, cát lẫn hoa gạo bay lên giống tàn lửa. 

Chẳng biết thực sự người đàn bà của chú thế nào. Chỉ biết nói tôi xong chú nhìn thẳng vào cung điện nơi vua ở. Ánh mắt căm hờn pha lẫn chua xót. Chú khóc, nước mắt chạm đất bay lên, vẫn nguyên hình giọt nước mắt.

Có người đàn bà da mặt quắt queo, xanh lét, mắt hấp háy liên tục, dắt theo hai đứa con gái rách rưới đi qua trước mặt. Thấy chú khóc, len lén lấy trong bị ra quả cam để trước mặt. Vỏ cam xanh ngăn ngắt. Chú cúi xuống, nhặt lấy, nham nhở gặm cả vỏ như người ta ăn đào rồi cười sặc sụa, mắt long sòng sọc. Nước từ quả cam chảy dài hai bên mép nhỏ tong tong xuống ngực. Đứa con gái đứng gần chú khóc thét lên bám chặt lấy tay người đàn bà đòi đi. Đứa đứng xa hơn chạy lại nấp sau gốc cây gạo. Người đàn bà lắc đầu, nhặt một bông hoa gạo cài lên tai, mỉm cười độ lượng nhìn chú, nhìn tôi. Tôi chưa thấy ai ăn cam cả vỏ bao giờ, đắng lắm.

Chú thôi khóc, nhìn theo bóng người đàn bà khuất sau những mờ mờ, ảo ảo của bụi đường.

“Lấy dao gọt đi”.

“Cháu tưởng chú ăn cả vỏ”.

“Mẹ mày. Dù sao thì đàn bà cũng là cái giống khổ nhất. Đến cả đời cũng vẫn khổ mà thôi”.

Buổi chiều hôm ấy có đám rước dâu. Cô dâu là đứa bé gái đi cùng người đàn bà cho chú tôi quả cam lúc chiều. Không có phách, nhạc, kiệu hoa. Đứa bé gái ngồi trên lưng mẹ. Lưng người đàn bà oằn xuống, lún sâu trong cát. Vừa đi bà ta vừa gạt nước mắt. Nước mắt bà ta không bay lên như sương sớm giống nước mắt chú. Nó nặng trịch, rơi từng giọt, từng giọt, chìm nghỉm trong lòng đất.

Hoa gạo đỏ thả lưng trời, giăng giăng tiễn biệt tuổi hoa chưa kịp đến. Chưa hôm nào hoa gạo nở nhiều và đẹp đến thế. Hay hoa gạo cũng có linh hồn, cũng biết xót thương? Tôi định hỏi chú, nghĩ thế nào lại thôi. Đứa bé gái mặc áo cưới màu đỏ máu của vợ trước gã đồ tể. Nghe bảo vợ trước bị gã đánh chết trong lúc uống rượu say. Lúc chết bà ta đang ăn dở bát tiết canh giấu được từ buổi sáng, mắt vẫn mở trừng trừng, mồm đỏ ngoe ngoét. Bà ta được chôn ngay sau nhà không quan, không quách, không cả thầy cúng lẫn hương, hoa. Gã đồ tể chôn vợ xong, không ngủ, vào chuồng bắt lợn ra thịt để bán phiên chợ sớm hôm sau. Người hàng xóm biết báo quan, quan sai lính đánh hai mươi roi tội vu cáo. Nghe nói gã có họ hàng làm quan to trong triều.

Mắt đứa bé gái ráo hoảnh. Nỗi buồn thấm cả trời. Nỗi buồn thấm vào đất. Không gian giống tảng thạch có thể cắt ra từng miếng, từng miếng. Thà nó khóc đi còn đỡ xót xa. Đằng này... 

Lũ người theo phía sau chờ đợi một bữa đánh chén túy lúy tại nhà gã đồ tể. Mùi tiết canh tanh nồng, tiếng lợn kêu ai oán phảng phất, lởn vởn, vón cục lại đen kịt. Hoa gạo trên cành ngừng không rơi. 

“Mày thèm niềm tin ư. Làm như tao đây này”

Chú đánh phệt đít xuống đất, di di. Hoa gạo nát bấy, tan tành. Màu đỏ hoa gạo biến thành màu đen của đất. Lũ người đi cùng hai mẹ con về nhà chồng nhổ nước bọt vào mặt chú kinh tởm. Tôi lấy con dao gọt cam lúc chiều ra, định quyết xông vào đám người làm nhục chú.
Nghĩ thế nào lại đưa cho đứa bé gái lúc nó đi qua ngay trước mặt.

Cho đến khi đám rước đi qua tôi hỏi chú: “Cháu đưa dao cho đứa bé gái có phải là đang thực hiện niềm tin của mình không chú?” Chú nhặt mấy bông hoa gạo bên cạnh xếp hình một dòng sông đang lững lờ chảy. “Mày là kẻ giết người. Kẻ giết người luôn luôn có lí do để bao biện cho tội lỗi của mình. Niềm tin là một thứ dễ trộn lẫn với nhiều thứ.” Tôi im lặng, không hẳn đồng ý, không hẳn hiểu, nhưng linh cảm cho tôi biết trong chuyện này chú hiểu rõ hơn tôi.

 

Năm 1371. Tháng 3 nhuận, người Chiêm Thành sang cướp. Vua đi thuyền sang huyện Đông Ngàn để tránh. Ngày 27, quân giặc vào thành, đốt phá cung điện, cướp lấy con gái, ngọc lụa mang về.

(Đại Việt sử ký toàn thư)


“Xa giá vua đi đường bộ sang Đông Ngàn mày ạ”. “Sao lại thế hả chú? ”. “Nước sông, nước hồ cạn tới đáy thế kia thuyền bè nào đi được. ”. “Chú toàn nói linh tinh, cẩn thận mất đầu, tru di tam tộc đấy”. “Tao nói không đúng hả?”. “Đúng, nhưng…”. “Mày sợ à?” Tôi không trả lời. Bên ngoài, trời không phân biệt được sáng, tối. Cảm giác nhờ nhờ khó chịu len cả vào những cảm thức về hoa gạo. Nằm mãi, mắt cứ mở chong chong. Nhìn sang bên, tiếng ngáy đều đều, chú đã ngủ từ lúc nào. 

Ngày… Kinh thành bắt đầu náo loạn khi nghe tin quân của Chế Bồng Nga theo cửa biển Đại An tiến vào. Hoa gạo trên cành rụng rơi theo muôn hướng. Chú tôi nằm ngửa, hai chân gác lên nhau rung rung ngắm những bông gạo đỏ trên cành. Thỉnh thoảng, tay khẽ đưa lên trước mặt vẽ một bóng hình mơ hồ, tưởng tượng. Xong lại cười, tiếng cười lanh lánh, vang vọng. Mặc kệ ngoài đường đám người cuống cuồng, tất bật, gồng gánh từ trong thành chạy ra. Tiếng trẻ con khóc, tiếng người già than vãn, lạy bốn phương trời mười phương đất cũng không lay động được chú.

Ngày hôm qua tôi có bàn với chú rằng hai chú cháu tạm thời lánh đi đâu đó đợi cơn can qua thì về nhưng chú không nghe. Chú bảo ngày ấy sắp đến rồi. Cái ngày mà chú chờ đợi bao năm nay cuối cùng cũng sắp đến. Tôi hỏi ngày gì? Chú bảo ngày mà chú được gặp lại cô ấy. “Nhưng liệu cô ấy có còn nhận ra chú? ”. Tôi hỏi lại. Chú không trả lời. Chú im lặng. Cái im lặng ngăn ngắt lan theo muôn vòng nắng tỏa đi. Đến bức tường ngăn nơi cấm cung thì dừng lại không sao lan tiếp được.

Bất thần, chú sờ tay xuống đũng quần. Mềm nhũn, vô dụng. Biểu tượng đàn ông trong chú còn đâu nữa. 

“Tại sao chú làm thái giám?”

“Tao yêu cô ấy, mày hiểu không? Tình yêu đôi lứa giống một con thuyền tròng trành. Càng nhiều người nhảy lên càng dễ chìm. Tao và cô ấy lên trước, rồi một hình bóng vua lên theo. Vua bao nhiêu là cung tần,
mỹ nữ. Chỉ có một vua thật, vua thật chỉ ngủ được với một người. Còn lại là hình bóng vua ngủ với rất nhiều người khác”.

“Hình bóng vua nhảy lên thuyền rồi sao?”

Chú trầm ngâm, cắn chặt môi, máu chảy xuống cằm ướt đầm.

“Cô ấy được đón đi. Kèn trống, cờ hoa vang lừng cả làng, cả tổng. Họ nhà cô ấy ngả ba con lợn to ăn ba ngày. Có mời tao, tao đến, chỉ xin một bát tiết sống, hòa thêm rượu, thêm muối, uống cạn, rồi xách dao đi. Nhiều người ngăn tao bảo không làm gì được đâu. Vào được cung vua phải trải qua bao ải, có làm ma mới vào được. Mà cô ấy đi, thế là cô ấy được sung sướng, tao phải mừng cho cô ấy chứ. Tao lẳng lặng không nói gì, ra gốc gạo ngày xưa tao gặp cô ấy, cởi quần tự hoạn. Hoạn xong, trời mưa to. Mưa ba ngày ba đêm cuốn phăng tất cả. Chỉ còn lại trong tao một nỗi nhớ thương da diết được gặp lại cô ấy”.

“Thế còn sự căm thù?”

“Thù ai? Vua hả? Tao không thù ông ấy. Tao chỉ thù cái bóng của ông ấy thôi. Cũng là một con người bình thường mà ông ấy có nhiều bóng quá.”

Ngày...  Đám người từ trong kinh thành vẫn ùn ùn đổ ra muôn hướng. Lác đác gia quyến vài gia đình quan lại. Mặt ai cũng lo lắng, âu sầu. Vua, cung tần mỹ nữ vẫn chưa thấy ai. Người ta kháo nhau sáng ấy có buổi chầu quan trọng lắm để bàn nên ở lại kinh thành hay rút đi tránh thế giặc đang mạnh.

Tôi nghe, chạy về báo lại cho chú thì chú đã đi đâu mất. Gần trưa, lúc tôi đang thiu thiu ngủ thì chú về, theo sau là người đàn bà hôm trước cho cam cùng hai đứa bé gái. Tôi vẫn nhớ ánh mắt đứa bé gái chiều hôm rước dâu. Ánh mắt ráo hoảnh, man dại, lạnh tanh. Mọi thù hận đổ dồn vào ánh mắt. Màu đỏ áo cưới, màu đỏ hoa gạo tan vào nhau trong hoàng hôn rực đỏ hiện lên trong mắt. Tôi sợ những liên tưởng của mình, nó thường dẫn tôi vào vùng tối không sao kiểm soát hết.

“Còn ít gạo lấy nốt nấu cháo đi, làm gì mà đứng đực mặt ra thế?”.

Con bé im lặng. Nó lẩn ra sau, lấy con dao hôm trước tôi cho từ trong túi ra. Tôi vùng chạy ra ngoài.

Con bé không đuổi theo. Nó mỉm cười, bình tĩnh châm lửa bốn xung quanh. Ngọn lửa bốc lên đỏ quạch giống màu hoa gạo. Trong ánh lửa tôi vẫn nhìn thấy ánh mắt nó nhìn về phía tôi, hàm ơn, hối hận, sáng bừng rồi vụt tắt. Chính trong cái khoảnh khắc ấy tôi quyết định vùng chạy vào nếu không có bàn tay của chú túm lại. Tình yêu hình như là thế. Nó là sự xa cách, là nỗi đau, hy sinh và tiếc nuối. Sao chú chưa bao giờ nói cho tôi thật rõ về tình yêu. Sao chú không nói cho tôi biết rằng tình yêu không phải là sự giao hoan về thể xác. Nó khác với giấc mơ đầy nhục dục mỗi đêm. Tình yêu có khi chỉ là một khoảnh khắc sống lóe lên trong cuộc đời dài đằng đẵng, vô tận. Giá mà chú chỉ một lần nói rằng tình yêu vốn là thứ không đáng tin thì tôi đâu phải đau đớn thế này.

“Bỏ ra.”

Tôi giằng tay chú ra. Lần đầu tiên tôi biết sự xa cách đáng sợ đến thế nào. Chú vẫn may mắn hơn tôi vì còn có thể gặp lại người mình yêu thương. Còn tôi thì không bao giờ. Trước khi đám cháy ngừng hẳn, tôi thấy một bông gạo trắng từ từ rơi xuống. Tôi xòe tay ra, bông gạo đậu vào giữa lòng bàn tay, đậu vào vai, vết thương ngừng chảy máu, bông gạo khe khẽ bay về phía mặt trời.

Ngày… Nắng tiếp tục đổ xuống kinh thành. Từng đoàn người mệt mỏi kéo nhau đi không biết khi nào quay lại. Người tiếc thương, người hờ hững. Quan lại chức tước từ thấp đến cao bắt đầu rục rịch chuyển hết tài sản ra ngoài thành. Vua thì sáng mai. Người ta kháo nhau thế. Ai chưa biết mặt rồng thì có thể chờ xem. Nhưng chẳng ai chờ, họ vội vàng với số phận của riêng mình. Chỉ còn chú với tôi ở lại.

 Chú bảo tôi hay đi cùng với đoàn người kia đi, đi cùng hai mẹ con. Tôi không nói gì, giật lại con dao từ trong tay chú. Con dao lấy từ trong đám cháy, lưỡi
sắc lẹm. 

“Tại sao đang làm thái giám chú lại bị đuổi ra
khỏi cung?”

“Tao đi tìm cô ấy. Tìm khắp nơi. Trong cõi đời này người ta ghét nhất loại người luôn luôn tìm kiếm.”

Trong mắt tôi chỉ còn lại một màu đỏ chói của hoa gạo. Những bông hoa gạo vẫy gọi tôi từ miền hoang tưởng. Trong cái miền hoang tưởng ấy có cả em, người tôi yêu thương, đồng thời cũng là kẻ giết người. Phải chăng tội lỗi và tình yêu luôn luôn đi liền với nhau. Chú tôi hay triết lí thế, tôi chẳng mấy tin.

Mắt tôi hoa đi, nỗi đau bùng lên, hoa gạo không còn đẹp nữa. Tôi không còn biết gì, lịm dần đi... Sáng ra,
hoa gạo trải đỏ mặt đất. Nỗi đau âm ỉ từ cõi nào dâng lên. Nước mắt giàn ra, nắng hong khô khi chúng chưa kịp rơi xuống. 

...Trong đám cháy không tìm thấy xương cốt. Chỉ còn lại con dao. Bông hoa gạo cuối cùng trên cây la đà rụng xuống.

Người mẹ bảo đêm tân hôn nó đâm đúng tim gã đồ tể đang ngà ngà say. Gã không kịp kêu tiếng nào.
Máu ồng ộc chảy. Nó không khóc. Chỉ nín lặng nhìn sâu vào mắt gã. Rồi nó bảo trong ấy chẳng có gì cả, nông choèn choẹt.

Đứa em bảo chị gái trước khi vào động phòng với gã đồ tể bảo yêu anh nhiều lắm. Yêu từ cái nhìn đầu tiên. Chị nhờ em cảm ơn anh và xin lỗi đã không ở với anh kiếp này được. Xin hẹn kiếp sau nên duyện vợ chồng.

Chú tôi bảo mày tin nhiều thế. Lòng tin không phải hoa gạo đâu mà rơi rụng được nhiều.

Bấy giờ thái bình đã lâu, thành quách biên cương không có phòng bị, giặc đến không có quân nào ngăn
được. Chúng đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch,
sổ sách do vậy sạch không. Nhà nước từ đó sinh ra
nhiều chuyện.

( Đại Việt sử ký toàn thư)

 

Vua biết thế giặc mạnh quyết định cho triều đình lánh sang Đông Ngàn. Khi xa giá vua qua chỗ chú ngồi, chú ngẩng lên nhìn, quỳ lạy, chúc vua vạn tuế. Chú chầm chậm nhặt hoa gạo héo úa, rũ rượi rụng từ buổi sáng hôm qua tung lên trời. Hoa gạo bay bay. Vài người nhận ra chú, tiếng cười đùa, chế giễu từ đoàn người ồ lên. Tôi cố đoán trong đám các bà quần là, áo lượt xanh, đỏ, tím, vàng kia ai là người chú vẫn đợi? Ai là người giống Phật bà Quan Âm?

Cho đến khi đoàn người đi qua rất lâu rồi chú vẫn quỳ nguyên một chỗ. Mắt nhìn lên chỗ trước đây có đoàn người. Tôi tin chú đã thấy người chú vẫn đợi. Bà ấy không có biểu hiện nào đáp lại tình cảm của chú.

Chạy ra từ sau bức tường đổ tôi cố lôi chú đứng dậy. Chú không đứng, mồm chú lắp bắp gọi tên người đàn bà bao năm. Rồi chú khóc. Nước mắt như những đàn sâm cầm đổ về kinh thành năm kia, năm kìa. Năm rồi sâm cầm trên đường di trú không về kinh thành nữa. Chúng bỏ lại vùng đất vẫn đi qua như bỏ lại kỉ niệm cũ kĩ. Có người kể rằng có nhìn thấy một con sâm cầm đực bay ngang qua hồ đâm đầu xuống tự tử. Tại vì bạn tình của nó đã từng chết nơi ấy, nay bay qua nó nhớ, nó chết để được đoàn tụ.

Cây gạo khẳng khiu chẳng còn hoa để rụng. Người chú bay lên như cánh chim quá khứ. Đường bay tật nguyền, lẻ loi.

Tối. Chú đi sang Đông Ngàn. Tôi biết chú đi theo người đàn bà của mình. Còn riêng tôi chẳng đuổi theo ai. Tôi lang thang đi tìm ngai vàng của vua. Bầu trời tối đen, hoang vắng, hoăng hoẳng mùi rêu mốc. Thỉnh thoảng, tiếng chó kêu ăng ẳng từ cõi nào vọng lại. Kinh thành sầm uất là thế mà phút chốc tiêu điều, xơ xác. Cũng ai ngờ rằng chưa đến năm năm sau, vào tháng 6 năm 1377 Chiêm Thành lại đánh vào kinh đô lần hai.

Tìm mãi chẳng thấy, góc nào cũng tối, tôi về lại gốc gạo ngồi. Thèm quay quắt nhìn thấy một bông gạo rực sáng rơi xuống. Nhưng làm gì còn bông gạo nào nữa. Chỉ còn tôi đang rơi trên cái vực thẳm chính mình tạo ra cùng sự im lìm đáng sợ trước khi cơn bão ùa đến. 

Gần sáng, tiếng vó ngựa dồn dập, tiếng người ồn ào, quát tháo, bụi bay mù trời, đội quân của Chiêm Thành bắt đầu tiến vào kinh thành. Những khuôn mặt xa lạ sục sạo đi tìm ngai vua. Ngai vua đằng đông, ngai vua đằng tây? Ngai vua trong sáng, ngai vua nơi tối? Ngai vua được đem đi cùng vua sáng hôm qua mất rồi. Chẳng biết đâu mà lần. Chú tôi vẫn chưa về. Cây gạo trơ cành, không rung. Nó cũng giống tôi, im lặng, chờ đợi một điều gì đấy không định trước. Điều ấy không phải vua quay về. Không phải quân Chiêm Thành rút đi.

Chiều. Cũng giống buổi chiều ngày em đi làm dâu nhà gã đồ tể. Buổi chiều đỏ lên ngăn ngắt khi mặt trời lặn xuống đằng tây. Màu đỏ làm mọi vật cùng con người di chuyển chậm chạp, gẫy khúc. Hai gã trói nghiến chú tôi vào gốc cây gạo. Người chú mềm oặt, mặt sưng húp, máu rìn rịn chảy ra từ mũi, từ môi. Gã đi sau từ trên ngựa nhảy xuống, bước tới, lấy chân đá đá vào hạ bộ chú, cười hô hố, hai gã trói chú cũng cười. Người đàn bà im lặng, người đàn bà không giống Phật bà Quan Âm trên chùa. Bà ta không đẹp, thánh thiện như lời chú vẫn thường nói với tôi. Bà ấy bình thường như người đàn bà đã cho chú cam. Chẳng lẽ bao năm nay chú tôi chịu khổ, chịu sở để chờ đợi một điều bình thường như thế?

Người đàn bà không chống cự, tự cởi quần áo, tay bấu chặt lấy tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi của gã Chiêm Thành. Trên cành, hoa gạo từ lúc nào bắt đầu nở đợt mới. Hoa lại sắp rụng đỏ mặt đất. Chú tôi nhắm chặt mắt đau đớn. Một gã nhỏ thó bước tới vạch mắt chú ra.
Ánh mắt chú và người đàn bà chạm nhau. Tôi từ trong góc tường lao ra xô ngã gã đứng gần chú nhất. Chú tôi mỉm cười. 

 

Bầu trời chuyển tối từ lúc nào. Hoa gạo trên cành bao giờ rơi? Tôi không biết. Tôi hỏi chú hoa gạo bao giờ rơi. Chú không trả lời. Người đàn bà bảo mấy ngày tới, mấy ngày tới bà ta sẽ đến ở một nơi giàu sang, sung sướng khác. Còn chú tôi thì sao? Chú có còn chờ đợi?

Mấy gã Chiêm Thành cởi trói cho tôi và chú, không giết. Người đàn bà thay áo cung phi bỏ lại, mặc vào áo của phụ nữ Chiêm Thành. Trước khi đi, nhìn chú, thở dài. 

Tôi bỗng thấy bà ta giống Phật bà Quan Âm đến
kì lạ.

Hai mẹ con nhà kia theo đoàn người lục đục về lại kinh thành có tìm đến gốc cây gạo hôm nào. Cây gạo không còn đấy nữa. Chẳng ai biết chính xác. Kinh thành không còn bị nạn cát hoành hành, cát biến đi đâu hết. Cỏ cây xanh tốt, đâm chồi nảy lộc.

Từ Đông Ngàn vua nghe văng vẳng tiếng sấm trong kinh thành, nhìn ra mây đen kéo tới dày đặc, mưa bảy ngày bảy đêm không dứt.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84252


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận