Truyện Ngắn Hay Và Cảm Động Về Tết Nguyên Đán Chương 3

Chương 3
Về quê ăn tết.

 

Trời còn tối mịt, đâu mới khoảng 5 giờ sáng, tôi đã nghe tiếng mẹ gọi:

- Mấy đứa dậy sửa soạn đi nè con!

Tôi bật dậy chun ra khỏi giường ngay lập tức. Cả đêm có ngủ nghê gì được đâu. Chỉ mong cho trời mau sáng để được về nội, lúc giáp tết Ất Mùi năm 67, lúc tôi 11 tuổi. Hồi còn nhỏ mỗi khi được về quê ăn tết là mấy đứa con nít như tôi mừng lắm. Qua Giáng Sinh, tết tây là trong bụng đã thấy nôn nao, hồi hộp chờ đợi rồi.

Rồi tới chừng được lên xe chạy nhìn ra đường thấy người ta lam lũ, vẫn còn tới lui làm ăn mà thấy mình thiệt có phước. Trời trong xanh. Gió lành lạnh. Nhà cửa hai bên đường đã thấy thấp thoáng ánh mai vàng, nhạc xuân nghe văng vẳng. Từ Sài Gòn qua hai cái bắc Mỹ Thuận và Cao Lãnh, đến xế trưa là về tới Tịnh Thới, quê nội tôi. Còn đâu cũng khoảng nửa cây số là bà con hàng xóm hay được, rần rần chạy theo xe ba tôi. Mấy ông anh họ lấy tay đập đập vô xe mừng rở:

- Cậu ba về! Cậu ba về!

Ba tôi phải cho xe chạy chậm lại. Bà con chui đầu vô xe hỏi thăm:

- Khỏe không cậu?

- Mạnh giỏi mợ ba?

- Thằng Hùng năm nay coi bộ nhổ giò!

- …

Ba tôi cũng chào hỏi, cười cười nói nói. Mẹ tôi thì lo nhìn đường, lâu lâu lại la lên:

- Coi chừng cán mấy đứa nhỏ!

Mấy anh em tôi mừng lắm, nhưng mắc cỡ ngồi nín khe, chỉ biết cười mím chi cọp.

Khi tới nhà, tôi thấy ông bà nội và mấy cô chú đã ra tận ngoài cổng đón. Tụi tôi xuống xe khoanh tay thưa từ trên xuống dưới. Màn thưa gởi hỏi thăm qua lại mất cũng cả tiếng đồng hồ. Sau đó tất cả cùng phụ tiếp đem đồ xuống xe. Năm nay gia đình ráng tổ chức ăn tết lớn cho ông bà nội vui. Mấy cô chú và ba tôi hùn tiền lại mua cho nội một cái máy phát điện, một cái truyền hình, một cây ăng-ten rất dài, để có thể bắt được đài Sài Gòn hay Cần Thơ, pháo Hồng Kông, rượu tây, bánh mứt, …

Sáng sớm 29 tết, ông nội tôi qua chợ để đặt một con heo quay. Xong về cùng với ba tôi và mấy ông anh họ tiếp gắn cái máy phát điện, chạy dây, và dựng cây ăng-ten lên trên một cây xào, dây chì chằng bốn phía. Mấy đứa con nít tụi tôi chạy tới chạy lui bị ông nội la:

- Mấy đứa con đi chỗ khác chơi. Dây chì đứt ra bắn đui mắt bây giờ!

Cô 12 tôi thấy vậy liền rủ:

- Mấy đứa đi hái đọt về đổ bánh xèo với cô 12!

Cô 12 là con gái “út nữa” của ông nội, em cô út, chỉ lớn hơn tôi vài tuổi nên rất thích chơi với con nít. Mấy cô cháu xách rổ ra vườn hái đọt cóc, đọt xoài, bằng lăng, cơm nguội, … Nhiều thứ đọt lắm nên cô cháu cứ cắm đầu cắm cổ hái. Một hồi qua tới vườn cây lớn lúc nào không hay. Đất của ai tôi cũng không biết. Những cây dầu, cây thao lao tàng lá xum xuê nhưng cũng để lọt mấy tia nắng sáng xuyên qua chiếu xuống làm long lanh những giọt sương còn đọng trên những cọng cỏ, những lùm cây thấp. Gặp nắng sương bốc lên thành những làn khói mỏng, quyện chung với khói nhang từ những am miếu gần đó đi theo những tia nắng lung linh bay thẳng lên trời.

- Thằng Hùng đâu mất tiêu rồi? Ngó cái gì trên đó vậy? Hổng lo đi, đứng đó một hồi rắn lục ra cắn cho trào đờm bây giờ!

Tôi nghe nói hết hồn. Cảnh vật chung quanh đẹp quá. Trông thần tiên u tịch như trong mấy câu chuyện liêu trai, nhưng tôi không dám nhìn nữa, lật đật chạy theo cô 12.

Trưa về tới nhà cô út đã dọn sẵn cho mấy cô cháu một mâm cơm với canh bầu nấu với cá trê và bông bí vàng mới hái ngoài vườn, cá lòng tong kho tiêu chấm với rau dền luộc. Bữa cơm ngon quá. Tôi ăn một hồi cô 12 phải tốp lại:

- Ăn cho no cành rồi lăn ra ngủ đi. Còn tiếp cô 12 lặt rau, rửa rau, rồi để bụng đặng chiều ăn bánh xèo nữa.

Sáng 30 tết, ông nội và ba tôi qua chợ lấy con heo quay. Bà con lúc này cũng đã tề tựu đông đủ, thêm gia đình chú 5, chú 8, cô 9, cô 10 từ xa về. Cả ngày hôm đó tất cả chia phiên nhau dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn cho bữa tiệc cuối năm mừng đón giao thừa. Ông nội tôi lựa một cành mai 10 cánh đẹp nhất từ gốc mai già trước sân cắt đem vô chưng trong phòng khách. Mấy khóm bông cúc, bông vạn thọ trong bồn bông ngay trước mặt tiền nhà tự tay ông nội tôi vun sới cũng đã nở rộ, mà cái nào cái nấy to hơn cái chén ăn cơm. Cô 12 và mấy đứa tụi tôi được cử nhiệm vụ đi bắt hai con gà mái dầu về nấu cà ri. Tưởng dễ vậy mà khó, mấy cô cháu mất cũng gần nửa ngày trời. Xong việc tụi tôi tha thẩn trong vườn bắt ốc bưu về luộc chấm nước mắm, hay leo cây hái vú sữa. Ăn chán chê rồi leo lên võng bắc ngoài vườn làm một giấc cho đến xế chiều, khi nghe có tiếng ồn ào trong sân mới thức dậy. Bà con hàng xóm đang kéo tới coi truyền hình. Chương trình truyền hình trắng đen thời đó ngắn lắm, chừng vài ba tiếng đồng hồ nhưng ai cũng say sưa thích thú. Trong lúc chờ đợi luôn luôn có tiếng cô ca sĩ hát bài “người hẹn cùng ta đến bên bờ suối”, ý chừng muốn nói thời gian chờ đợi chắc là hồi hộp lắm.

Đến sẩm tối khi mọi người về hết thì bữa tiệc tất niên trong nhà bắt đầu, có bánh hỏi thịt quay với rau thơm nước mắm, gà nấu cà ri ăn với bánh mì. Con nít được uống xá xị. Người lớn thì uống rượu tây hay la ve con cọp. Ai nấy nói chuyện râm rang. Được nửa chừng thì hết nước đá. Ông nội tôi ra lệnh:

- Bà nội nó đưa tiền cho thằng Hùng, con Loan đi mua thêm nước đá coi!

Loan là con của chú 5, bằng tuổi tôi. Hai đứa nghe ông nội biểu lật đật lấy tiền xách giỏ đi mà quên không đem theo đèn đuốc gì hết. Ra tới lộ đi một hồi mới thấy trời tối đen như mực. Tôi thấy hơi run nhưng con Loan cả quyết:

- Anh hai đi với Loan. Quán ông 6 có ánh đèn đằng kia kìa. Đường thẳng thì mình cứ nhắm thẳng ánh đèn mà đi chớ có gì đâu!

Ngẫm nghĩ thấy con nhỏ vậy mà khôn hơn mình. Hai đứa lầm lủi đi một hồi thì có tiếng người la ơi ới:

- Hai cái đứa này đi đâu ra giữa lộ vậy? Xe đụng gãy giò bây giờ!

Công nhận dân miệt vườn hay thiệt. Đêm 30, không trăng, không đèn mà họ chạy xe đạp tỉnh bơ. Thuộc đường như thuộc chỉ trong lòng bàn tay.

Nhưng chắc nhờ trời thương nên hai anh em tôi cũng mua được nước đá đem về mà không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Ăn uống dọn dẹp xong xuôi thì cũng gần tới giờ giao thừa. Ông nội tôi gỡ 3 tràng pháo dài cuộn tròn trong hộp ra nối lại với nhau rồi buộc lên một cây tre cao, cầm cây mồi lửa đứng chờ. Đúng 12 giờ, vừa khi nghe tiếng cô xướng ngôn viên Mai Liên trong máy phát thanh nghiêm giọng:

- Kính thưa quý vị, đây là giờ giao thừa.

Ông nội tôi lập tức châm ngòi. Ánh lửa bùng lóe sáng, nhảy múa cùng với tiếng pháo nổ dòn tan, xác văng tung tóe. Khói pháo khét lẹt mùi diêm sinh. Hòa vô đó là tiếng pháo của các nhà khác trong xóm. Giữa đêm trừ tịch, tất cả tạo thành những hình ảnh, âm thanh, mùi vị độc đáo để tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới.

Mãi cũng gần nửa tiếng đồng hồ tất cả mới trở lại yên tĩnh. Đèn đuốc đã tắt ngóm nhưng tụi tôi vẫn còn đứng tần ngần như tiếc nuối những gì vừa mới xảy ra. Chân đi xào xạc trong đám xác pháo không nhìn rõ màu sắc hình thù, bâng khuâng nghĩ tới một năm cũ đã qua đi trong tích tắc, mà thời gian thì vẫn vô tình bình thản trôi. Tất cả đều im lặng không nói gì, cho tới khi mẹ tôi lên tiếng:

- Mấy đứa tối nay ôm đồ qua nhà ông hai ngủ với ba mẹ.

Bà con đông quá, bây giờ phải lo di tản tìm chỗ ngủ. Gia đình mấy cô thì ngủ với nội, chú bác thì qua nhà ông hai, bà ba. Qua đến nhà ông hai thì mùng đã giăng chật kín vì có bà con của ông hai nữa. Nhưng khuya quá rồi nên ai cũng mệt, dọn dẹp qua loa rồi lăn ra ngủ.

Hừng sáng mùng một tết tôi đã nghe tiếng chân con nít trong xóm chạy đi lượm pháo. Tôi lập tức kêu thằng Dũng em tôi dậy. Hai anh em chạy trở qua nhà nội thì đã thấy có đám con nít lố nhố trong vườn sục sạo rồi. Thằng Dũng cũng chết sống nhào vô kiếm mấy viên pháo lép hay chưa kịp nổ.

- Pháo này dởm quá tụi bây ơi! Toàn là xác không hà. Không có được một viên pháo lép nữa!

Thằng Dũng nghe vậy trợn mắt cự:

- Pháo của ông nội tao là pháo Hồng Kông thứ thiệt. Nổ banh xác hết! Cái gì dởm?

Không kiếm chác được gì cả đám bỏ chạy qua nhà bà ba. Tôi không đi vì ngỡ ngàng, mê mẩn nhìn cảnh vật đầy màu sắc chung quanh. Xác pháo dưới chân tôi toàn một màu đỏ thắm, khác với pháo nội địa quen thuộc, chỉ đỏ có lớp ngoài còn bên trong toàn là giấy bồi. Mai nở vàng rực. Chung quanh là mấy lùm cây vừa trổ đọt xanh non mơn mởn. Phía trên nền trời trong vắt một màu xanh lam. Bướm ong bay lượn. Thỉnh thoảng có những con chim thoạt đầu tôi không biết là chim gì, màu đen hay tím, vì chúng liệng qua liệng lại rất nhanh. Đến chừng thấy được cái đuôi kép của nó tôi mới biết là chim én. Chúng không đậu lại ca hót líu lo như những con chim vành khuyên, chích chòe, mà chỉ thoáng qua rồi bay đi mất hút. Hầu như tất cả bông hoa trước nhà nội đều có một màu vàng, như cúc, mai, vạn thọ. Ngay cả bông bí ngoài vườn cũng ganh đua khoe màu vàng sắc thắm. Cùng với xác pháo đỏ, tất cả đều tô điểm cho bức tranh mùa xuân đẹp tuyệt vời.

Thằng Dũng vừa trở lại với một mớ pháo lép trên tay dính lam nham thuốc pháo đen xám một màu chì thì đã nghe tiếng mẹ tôi gọi đi súc miệng rửa mặt thay đồ rồi ăn sáng. Lúc này người lớn đã dậy. Nhạc xuân vang vang hòa với tiếng pháo đây đó nổ đì đùng. Bà nội với mấy cô cắt bánh tét và lấy bánh ít ra cho cả nhà ăn. Ở quê tôi, mấy dịp lễ lớn như tết hay đám giỗ, bà con hay xúm lại gói bánh tét đậu xanh nhân thịt hay nhân chuối, bánh ít nhân dừa hay nhân đậu. Bánh tét ăn không, hay chấm nước mắm, ăn với dưa món hay tôm khô củ kiệu. Bánh ít thì dẻo. Con nít tụi tôi ăn lạng quạng dễ bị mắc nghẹn vì nuốt không trôi.

Ăn xong, tất cả kéo nhau qua nhà ông hai, nơi đặt bàn thờ gia tiên của dòng họ để thắp nhang chúc tết ông bà. Xong rồi, chúc tết ông bà hai và mấy cô mấy bác bên đó. Được một mớ tiền lì xì, cả đám liền kéo qua nhà bà ba. Trên lộ lúc này đã đông người dập dìu qua lại. Ai ai cũng mặc quần áo mới tươm tất, sặc sỡ đầy màu sắc. Gặp người quen thì ngừng lại chúc tết, lì xì ngay tại chỗ. Lòng vòng tới trưa tụi tôi trở về nhà nội để chúc tết ông bà nội, ba mẹ và mấy cô chú. Túi của tụi tôi lúc này đã nặng tiền lì xì. Đứa nào cũng hớn hở. Ngoài phòng khách lúc nào cũng đầy một khay bánh mứt, hột dưa, trà nóng để đãi khách. Phía sau nhà bếp cơm nước cũng sẵn sàng với thịt kho dưa giá, bánh ít, bánh tét cho bà con lui tới chúc tết ông bà nội vào ban trưa, vì ông nội tôi thứ năm nên bà con phải đi chúc tết ông hai và bà ba trước vào buổi sáng.

Sau khi ăn cơm trưa với thịt kho dưa giá thì tụi tôi được tự do. Người lớn thì trải chiếu đánh tứ sắc, còn tụi tôi thì chạy đi mua pháo đốt. Thằng Dũng rất mê pháo nhưng không muốn tốn tiền. Nó có cái thú đi săn pháo lép về chế cái tim khác cắm vô rồi lấy cọng nhang đốt. Nếu không nổ thì nó bẻ gập chính giữa cho lòi thuốc pháo ra rồi dí đầu nhang vô đó. Thuốc pháo bắt lửa không nổ nhưng túa ra như pháo bông trông cũng đẹp mắt. Đi dọc đường thấy người ta lắc bầu cua tôi cũng bắt chước mua một bộ đem về chơi với mấy đứa em. Em ruột tôi thì ba đứa nhưng em họ thì đông lắm. Thiệt tình tôi không muốn làm cái nhưng mấy đứa em năn nỉ:

- Anh hai lớn thì làm cái đi!

Bất đắc dĩ tôi phải làm. Ai ngờ chơi một hồi tôi ăn sạch tiền lì xì của tụi nhỏ. Chừng đó tôi mới hiểu cái bí quyết của bầu cua cá cọp là phải làm cái thì mới ăn. Cũng may thua bao nhiêu thì mấy cô chú bù vô cho tụi nó bấy nhiêu. Tiền thắng thì tôi có quyền giữ. Trời ơi, tiền nhiều quá! Cả một kho tàng. Tôi phải kiếm chỗ giấu. Lấy giấy nhật trình gói ghém cẩn thận số tiền ăn được, đợi lúc chiều tối không ai để ý tôi bỏ vào chiếc lục bình lớn của ông nội ngoài phòng khách, nơi ít ai lai vãng.

Qua mùng hai tết bạn bè thăm hỏi nhau. Mấy ông bạn của ông nội tôi thì đem gà nòi lại cá độ. Sau khi nghỉ dạy học về vườn, ông nội tôi vui thú chơi cây kiểng và đá gà nòi, cũng có tiếng ở Cao Lãnh. Mấy con gà nòi đủng đỉnh trông thật oai vệ. Trước khi lâm trận, tất cả đều được săn sóc tỉ mỉ, thoa nghệ, bóp rượu, chuốt cựa cho bén. Khi sổng chuồng ra đấu, con nào cũng vươn cổ dài, xòe chòm lông ra nghênh nhau. Chờ khi đối phương sơ hở thì bay lên đá. Mà gà nòi đá có bài bản đàng hoàng, như đá xỏ là đá vô đầu, vô cánh là đá dĩa. Đá mà chỉ dùng sức chứ không cần cựa là đá đòn. Đá một phát chết tốt là độc đao. Người biết coi gà thường để ý mấy con độc đao hay có một cái vảy đặc biệt trên chân gần cựa, gọi là độc đao hiện. Ít có ai dám cho gà mình thử sức với mấy con này. Ông nội tôi có một con độc đao nhưng đặc biệt không ai thấy được cái vảy. Người ta gọi là độc đao ẩn. Nó đá bách chiến bách thắng, vì người ta không biết nó là độc đao. Ông nội tôi còn có một con nữa khôn lắm. Nhắm đá không lại, nó để cho đối phương đá một cái rồi liền lăn ra giả chết. Chờ cho con kia gáy te te, ai cũng tưởng thắng, rồi bất ngờ từ đằng sau bay tới đá một đòn chí tử vào chổ nhược làm con kia chết tốt.

Con nít tụi tôi không được cá độ, chỉ ngồi vòng ngoài chờ cho có con nào bị đá chết là tụi tôi có ăn. Chỉ cần luộc lên chấm nước mắm là người lớn có thể lai rai ba sợi, còn con nít tụi tôi thì được mấy cô nấu cà ri cho ăn với bánh mì.

Mùng ba tết thầy. Ông nội, ba tôi, và hầu hết mấy cô đều là thầy giáo, cô giáo nên mùng ba học trò lại nhà chúc tết đông lắm. Đây cũng là dịp để con nít tụi tôi kiếm thêm tiền lì xì. Có một điều bây giờ tôi mới để ý là lúc đó các học trò của ông nội tôi đều lớn hết rồi, vậy mà ai cũng nhớ tới thầy cũ, trường xưa mà tới thăm. Ngày nay cuộc sống lu bu bận rộn, có mấy ai còn nhớ tới người thầy xưa của mình.

Sau ba ngày tết, mấy ngày còn lại ông nội hay dẫn tôi đi gác cu, câu cá. Một lần ra bờ sông cái, hai ông cháu câu được mười con cá bông lau, chỉ dùng vỏ chuối làm mồi. Ông nội tôi rất thích nghe cu gáy nên hay đi gác cu bắt đem về nuôi cho gáy nghe chơi. Con nào gáy hay, ông nội đem đi để trong cái bẫy làm mồi nhử. Mấy con cu hoang nghe tiếng gáy chịu không được mò vô đá làm sập bẫy. Bắt đem về nuôi, sáng nào ông nội tôi cũng bắt ghế ngồi giả tiếng cu kêu để tập cho nó gáy. Tới chừng tự nó gáy được thì ông nội tôi hả hê lắm.

Về nội ăn tết được hai tuần lễ rồi cũng tới ngày về. Bà con xúm xít chạy lại người cho gà, kẻ cho vịt. Bánh ít, bánh tét, trái cây ê hề. Cuối cùng là màn thưa gởi mất cũng thêm một tiếng đồng hồ nữa rồi xe mới chạy được.

Đợi tới chừng xe qua bắc Mỹ Thuận rồi tôi mới nhớ là mình quên lấy gói tiền giấu trong chiếc lục bình.

Rồi sau đó chiến tranh loạn lạc không còn được về quê nữa tôi cũng quên bẵng đi. Cho mãi đến 10 năm sau, lúc ông nội tôi mất rồi thằng Kiệt con chú 5 mới tình cờ lục ra được. Không biết làm gì với những đồng tiền xưa của chế độ cũ đã mất giá trị, nó bèn đem đi nhúm lửa. Đúng là của thiên trả địa.

Kỷ niệm xưa giờ nghĩ lại cũng phù du như bóng chim én liệng. Mới thoáng qua đây rồi bay đi mất hút!

- Trần Minh Hùng -


Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t121681-truyen-ngan-hay-va-cam-dong-ve-tet-nguyen-dan-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận