Truyện Ngắn Trẻ Chọn Lọc Truyện ngắn 13


Truyện ngắn 13
Thảo nguyên mồ côi

Trịnh Sơn

 

Gã thấy tâm hồn mình đang khô quéo lại. Như cọng cỏ cuối mùa nắng cháy, xác xơ dai nhùng nhoằng, đến cả những con bò cũng hích hích mũi lên như chê bai. Lũ bò vẫn thèm thứ cỏ xanh non, khoảng đầu mùa hạ, khi những cơn mưa bắt đầu đổ ập xuống thảo nguyên. Gã chưa từng chứng kiến một cơn mưa thảo nguyên. Gã mới đến đây lần đầu tiên. Ngày đầu tiên. Chuyến xe đầu tiên sau mười lăm năm không biết đường xá là gì. 

Xe giường nằm hẳn hoi. Vào bến, mua vé, trước khi lên xe phải bỏ giày dép vào một cái bao nylon và xách về nhét vào hộc gối đầu. Có hai tầng giường. Gã chọn chỗ cuối cùng, bên dưới. Khi những tấm rèm cửa đã kéo hẳn xuống, tiếng máy lạnh xè xè, phía đầu xe có cái màn hình 14 inch mỏng teng, một anh chàng ca sĩ ngôi sao nào đó đang gào thét với liveshow của mình, âm thanh và ánh sáng hắt ra loang loáng, nhợt nhạt. Gã kéo tấm chăn mỏng ngang ngực. Ở vị trí cuối cùng chẳng ai muốn vào trừ khi hết chỗ này, gã lại thấy yên tâm. Chỉ còn bóng tối. Chỉ còn cảm giác. Chỉ còn ngắm nhìn thiên hạ chứ chẳng lo lắng ai đang dòm ngó mình nữa. Thi thoảng, lại có người leo khỏi giường, đi về phía cuối xe. Ban đầu, gã giật mình không biết họ cứ thay phiên chui vào cái ô nhỏ nửa mét vuông bên cạnh giường nằm của mình làm gì nhỉ? Một lát thì phải tự bật cười với sự ngu ngơ sau mười lăm năm mù căm, chỗ ấy là toilet. Trên xe cũng có nhà vệ sinh nữa cơ à? Hiện đại thế. Anh chàng phụ xe nhắc mọi người, rành mạch hẳn hoi:

- Bà con tiểu tiện kheo khéo nhé! “Tiểu” thì được, còn “đại” thì gắng đến trạm dừng vì thùng chứa đã bị xì hơi, một cái tõm làm ảnh hưởng đến cả xe chứ chẳng chơi...

Anh chàng phụ xe liến láu giọng quê choa, đi từ đầu tới cuối, ghé hỏi từng hành khách “xuống mô?”, “về nhà hay thăm bà con?”... Đến chỗ gã, anh chàng phụ xe phải bật cái đèn pin soi vào mới thấy mặt. 

- Anh trai xuống mô?

- Tới bến. - Gã khua tay, ra hiệu tắt đèn pin đi.

 

- Em hỏi để nếu khách có xuống dọc đường thì xe dừng cho tiện, chứ lỡ vào bến rồi đi taxi hay xe thồ ngược trở lại thì tốn kém lắm. - Phu xe mới chừng hai mươi, lún phún mấy cọng râu cằm hệt gã mười lăm năm trước. Gã ậm ừ:

- Thảo nguyên Krông.

- Có địa chỉ mô rõ ràng không? Chứ Krông bao la chó chạy thẳng cẳng làm sao mà biết?

- Thì cứ cho xuống chỗ nào về thảo nguyên gần nhất...

Phía giữa xe, có tiếng đàn bà vọng xuống.

- Tôi cũng về Krông đây. Xe cứ cho chúng tôi xuống ngã ba Cây Gạo.

- Ok, tất nhiên rồi. - Anh chàng phụ xe nói như Tây vậy.

Hai chữ “chúng tôi” của người phụ nữ chưa rõ mặt kia làm gã bất chợt ngượng ngùng. Mười lăm năm, thế giới đã lật qua bao nhiêu trang? Người ta đã viết vào cuốn sách đời thêm bao nhiêu chữ nghĩa nữa? Gã vẫn là gã trai lún phún râu cằm của mười lăm năm trước. Đơn thân độc mã. Sáng vác cuốc đi chiều vác cuốc về, giắt thêm mớ rau hay củ khoai trong cạp quần. Cho Linh. Còn gọi là Linh điên. Người bạn duy nhất của gã suốt mười lăm năm. Người ta tin Linh bị tâm thần, nên hiển nhiên Linh không bao giờ được bước ra khỏi bốn bức tường lạnh lẽo tháng Chạp và nóng chảy mỡ tháng Tư ấy. Gã đi chuyến này, cũng


vì Linh.

Ở trạm dừng chân, gã bước xuống là móc ngay gói Basto xanh đã bẹp gí khỏi túi quần jean, nắn lại một điếu cho thẳng thóm, bật quẹt và rít. Mọi hành khách đang dồn vào phía trong, vệ sinh cá nhân và ăn uống, mua sắm quà cáp. Thấy gã vẫn đứng ngoài trời, anh chàng phụ xe tỏ vẻ quan tâm:

- Vào trong rửa mặt mũi tay chân cho khỏe. Không mất tiền bạc đâu mà lo. Kiếm cái gì ăn dằn bụng. Giá cả phải chăng, thời nay bọn “cơm tù” đã phá sản cả rồi.

Hai chữ “cơm tù” làm gã bất thần thấy nhồn nhột trong óc. Mười lăm năm, gã và Linh đã chia nhau thứ lương thực để sống chứ không chỉ để ăn. Sáng sớm nay, ở bến xe, gã mua ổ bánh mỳ rồi nhồm nhoàm nhai đợi đến giờ xe chạy. Bữa cơm đầu tiên sau mười lăm năm, gã muốn được thưởng thức dưới một mái nhà đàng hoàng chứ không phải ở quán xá tạm bợ. Với số vàng trong người, gã còn nhiều việc phải làm.

Giấc ngủ chập chờn chao nghiêng. Như nằm trên võng. Khác chăng, người ta không có quyền đu đưa theo ý mình. Hoàn toàn vâng phục theo con đường thẳng tắp hay ngoằn ngoèo, láng trơn hay ổ gà ổ voi lồi lõm. Mơ. Gã thấy mình đang cắt tóc cho Linh. Trong chốn tận cùng xã hội ấy, một mảnh ve chai cũng đủ làm nên một người thợ cắt tóc chuyên nghiệp. Gã đang cạo. Cạo rất nhẹ. Bên trái dưới ót của Linh có vết sẹo dài, những vết khâu ngang qua thâm tím theo thời gian, nhìn như một con rết. Linh lim dim mắt:

- Mày “làm đẹp” cho tao bao nhiêu lần rồi ha?

Gã không trả lời. Gã không đếm nổi. Gã đang tập trung. Bất chợt, Linh ngoẹo đầu sang phải. Lưỡi mảnh chai sắc ngọt khơi thông dòng máu. Chảy ướt tấm lưng áo sọc của Linh. Bắn vọt thành tia đỏ ngực áo sọc của gã. Gã thét lên:

- Linh... Linh ơi... Linh sao rồi... Tao không cố ý...

Linh quay hẳn người lại nhìn gã. Đôi mắt Linh mới đẹp làm sao. Đen mọng. Người ta bảo ấy là ánh mắt vô hồn đáng sợ của kẻ tâm thần, nhưng gã lại thích nhìn nó. Đam mê nó. Mỗi lần đối diện với mắt Linh, gã chẳng thể nào cử động nổi, tay chân miệng mồm trở thành vô nghĩa, ấp a ấp úng như kẻ thú tội trước tòa. Linh nói nho nhỏ:

- Tỉnh lại đi, cha nội! Tới nơi rồi.

Gã giật mình bật dậy, đầu va vào tầng giường trên nghe rõ to. Thì ra, anh chàng phụ xe đang cố đánh thức gã nãy giờ.

- Mới đi từ sáng nay mà đã nhớ thương đến nỗi mơ thấy vợ con ở nhà rồi sao? - Phu xe ghẹo.
Bước xuống xe, gã chưa kịp hoàn hồn, phu xe lại la toáng lên: 

- Giày của cha nội đâu mà mang đôi dép rách của nhà xe xuống hả? Thiệt là hết nói... - Hành khách trên xe được một trận cười mang mang. 

Chiếc xe kềnh càng cuốn bụi lăn bánh, bỏ lại hai hành khách bên vệ đường ngã ba. Gã vươn vai hít thứ không khí suốt thời niên thiếu của Linh, còn hơi ngái ngủ nhưng gã vẫn giương mắt tìm gì đó xung quanh.

- Tìm cây gạo à? Không có đâu. Nó bị sét đánh gãy ngọn mấy năm trước, sẵn đó người ta đốn làm củi hun muỗi cho bò rồi. - Người phụ nữ chừng ba mươi, mái tóc hun khói, nước da sạm mật vừa nói, vừa rút trong giỏ xách ra chai nước suối đưa cho gã. - Rửa mặt đi. Mà, hành lý của anh đâu? Hay lại quên trên xe rồi?

- Không. - Gã ngập ngừng. - Có gì đâu mà quên. Từ đây vào thảo nguyên xa không?

- Đây đã là thảo nguyên rồi. Dân đây không gọi thảo nguyên, chỉ gọi Krông. Đất của bò. Anh từ xa đến? Tìm người thân? Có địa chỉ cụ thể không, chứ ở đây toàn dân mới nhập cư, sống theo mùa cỏ, rất
khó tìm.

 

Gã lục túi quần, đưa manh giấy gấp ngay ngắn cho người phụ nữ.

- À, may mà anh gặp tôi đó. Chứ nếu hỏi người mới ở đây vài năm thì họ không biết chỗ này đâu. Xóm Đồi đã lên thị trấn từ mười hai năm trước. Đường xa xóm ấp thay đổi cả. Đi thôi. Ngã ba Cây Gạo chỉ có lão già chạy xe ôm buổi sáng, giờ này chắc đã say quắc cần câu rồi...

Gã bước theo người phụ nữ, xách hộ chị cái ba lô nằng nặng. Cũng may, còn có cái để bận rộn hai tay suốt con dốc im lặng chạy băng qua một nhúm rừng và mở ra một khoảng trời bao la. Hoàng hôn rực chân mây. Cỏ cháy một màu. Những con bò gầy trơ xương đứng thẫn thờ. Dễ đến hơn ba cây số cuốc bộ, người phụ nữ vẫn bước nhanh, không hề mệt mỏi. Đến ngã ba vào thị trấn, chị chỉ đường cho gã:

- Cứ rẽ theo lối này chừng trăm thước, thấy cái nhà ngói nâu cũ phía bên trái, hàng rào bông giấy là đúng địa chỉ rồi đó. Nếu không gặp người cần tìm, đêm nay muốn nghỉ lại thì đi thẳng đường này, một cây số nữa, hỏi nhà trọ Cao Bồi.

Lại một điếu thuốc nữa. Đầu thuốc đỏ hừng trước gió. Gió thảo nguyên lạ lùng. Người phụ nữ khệ nệ vác ba lô đi thẳng đường cũ, bốn bề đầy những vụn xoáy tung cỏ khô và bụi đỏ lên cao. Linh vẫn thường kể về những vụn xoáy như thế với một niềm hưng phấn khó tả. Như những con cù, con vụ xoay tròn trong trò chơi thuở nhỏ. Đuổi nhau qua lá qua hoa qua cỏ qua đồng qua tất cả mà chẳng bao giờ bắt được nhau. Cho đến khi mỗi kỳ công của gió nhạt mờ dần và tan biến vào thinh không. Trả lại hoa lá cỏ cây xao xác trên nền đất cùng nỗi thất vọng chưng hửng của kẻ chơi. Lại phập phồng đợi chờ một vụn xoáy khác. Một đợt gió khác. 

Chẳng có ai chờ đợi gã ở căn nhà ngói nâu cũ kỹ có hàng rào bông giấy ấy. Linh như cọng cỏ đang mơn mởn nhựa sống thì bị một lưỡi liềm bén ngót cắt lìa khỏi thảo nguyên. Và có lẽ, chẳng bao giờ trở lại.

Đón gã là một trận ẩu đả với nhiều tiếng chửi thề. Mấy người đứng nhấp nhô ngoài sân, trước cửa bàn bàn tán tán. Trong nhà, một người đàn ông bặm trợn, nồng nặc mùi rượu đang đấm đá túi bụi một người phụ nữ ngồi xổm hai tay ôm đầu che mặt. Nắm tóc người phụ nữ kéo ngược lên, hắn tục tằn:

- Mẹ mày! Giơ cái mặt điếm ra cho bà con hàng xóm nhìn rõ này! Thằng kia ngu đần nên mới giết người vì thứ đĩ thõa như mày...

Gã xộc vào, chẳng cần biết mô tê chi, đẩy mạnh kẻ say xỉn kia chúi nhủi vào tủ thờ. Người phụ nữ nằm vật xuống nền nhà, không đứng dậy nổi, hơi ngóc đầu lên. Ở đây, chưa bao giờ có ai can ngăn bất kỳ một trận đòn nào mỗi khi say xỉn tên chồng hờ giáng lên người ả. Hắn đang lọm khọm bám tủ đứng dậy, chỉ tay vào người khách lạ:

- A, a... Bà con thấy rồi đấy. Con đĩ này hôm nay lại còn dám dắt trai về đánh lại chồng. Mày chết với ông. - Hắn chụp cái ghế đẩu trong tầm tay, ném thẳng về phía vợ. Cạch! Gã đã giơ tay đỡ. Ngón võ tự học trong mười lăm năm giữa chốn hùm beo cấu xé tưởng không bao giờ phải sử dụng, nhất là ở cõi bình yên của Linh. Gã chỉ tay vào mặt tên vũ phu:

- Tôi là bạn của Linh.

- Linh? - Chị vợ ngước hẳn dậy.

- Tôi là bạn của Linh. - Gã nhắc lại. Chắc nịch.

Ả vợ nghe đến tên Linh, lại gục xuống nền nhà mà rú lên, nghe thì thảm thiết nhưng làm sao không ai nhận ra sự giả trá, tru tréo trong giọng điệu nức nở của người phụ nữ này chứ. Linh đã kể với gã, mỗi ngày, mười lăm nhân ba trăm sáu mươi lăm là bao nhiêu nét vẽ về con người này?

- Khốn nạn thân em, anh Linh ơi! Anh ở tù coi như yên phận rồi, còn thân em mẹ góa con côi bị ức hiếp tủi nhục thế này đây... Anh còn đem bạn về đây làm gì chứ... Oan quá... Sao không để cho tôi yên...

Những người tò mò đến xem đã bỏ về sau khi xì xì xầm xầm cùng ánh mắt đăm đăm rõ vào người khách lạ. Tên chồng vội vội vàng vàng như tỉnh hẳn rượu, nhặt cái ghế đẩu ban nãy kê trước mặt gã, khúm núm:

- Ôi, ông anh là bạn của anh Linh à? Thằng em có mắt không tròng, ông anh bỏ quá cho nhé. Thế, ông anh về lâu chưa? Anh Linh nhắn nhủ gì không? - Quay sang vợ, hắn quát - Mày còn nằm đó chờ ông kiệu dậy à? Mau xuống bếp nấu nước pha trà...

Gã im lặng như không nghe hỏi. Gã đang tìm kiếm. Gã đang hình dung. Gian nhà xa lạ lần đầu tiên bước chân vào, nhưng đã quen thuộc với gã lắm.

- Mẹ đâu? - Gã bồi thêm cho rõ - Mẹ của Linh đâu?

Không kịp nghe trả lời, ánh mắt gã và ánh mắt tên chồng đã gặp nhau trên bàn thờ. Tấm di ảnh còn mới. Dù nhang đèn đã lạnh tanh. Gã đứng rất lâu trước bàn thờ, mắt bà cụ và mắt Linh như một. Mắt Êđê. Mắt mèo. Cha Linh, một người đàn ông bị bỏ quên ở vùng thảo nguyên bạt ngàn đồi nối tiếp đồi này với hành trang duy nhất là căn bệnh sợ chiến tranh. Ông đào hầm gần vũng Lầy, tự vót chông vót tên săn thú hoang mà sống, trốn biệt thế gian. Một thiếu nữ Êđê chạy trốn cuộc hôn nhân bắt buộc bên làng Thang, vượt đèo Phượng Hoàng và kiệt sức ở vũng Lầy. Linh
ra đời.

 

Gã móc túi quần, lấy ra một gói nhỏ bằng vải cột dây thun, từ từ mở ra và chọn trên lòng bàn tay, lấy một vật nhỏ như ngón tay út đưa cho tên chồng. 

- Đem đổi rồi mua nhang đèn, trái cây và nấu mâm cơm cúng mẹ. - Gã nói đĩnh đạc từng tiếng, như ra lệnh.

- Vàng đây ư? Lạ nhề. - Tên chồng xun xoe. - Ở trỏng, phải đập nát bét vàng ra rồi quấn kín bằng chỉ khâu à? Lạ nhề...

- Khoan đã. Còn thằng bé đâu? - Gã sực nhớ.

- Thằng nào? À, thằng Lung con anh Linh à? Nó theo người ta đi chăn bò tuốt miệt sâu Krông, cả năm nay không thấy về...

Tên chồng đi rồi, chị vợ mới ló ra, đon đả:

- Anh Linh có gởi gì cho mẹ con em không? - Ả chăm chăm vào gói vải vẫn còn trên tay người
khách lạ.

Số vàng này, đổi bằng máu suốt mười lăm năm. Có ở tù lâu án nặng mới biết, trường trại cũng như một xã hội nhỏ. Những con người - thật ra đã từng là con người chen lấn sát sàn sạt nhau mà mưu sinh. Cũng đủ thứ chuyện trên đời. Cá lớn nuốt cá bé. Số má giang hồ. Khôn chết dại chết biết mới sống. Gã lanh lẹ và liều lĩnh giành được mối “buôn lậu” các mặt hàng “cấm” như thuốc lá, thuốc lào, cá khô, thuốc tây... Một vài số cán bộ trại giam với mức lương công nhân không chịu nổi sự cám dỗ của đồng tiền, tuồn những thứ vi phạm nội quy ấy vào cho những bậc đàn anh đàn chị trong trại buôn bán lại cho trại viên. Lợi nhuận khủng khiếp. Một điếu thuốc lá khi “động hàng” lên đến trăm ngàn, một lạng thuốc lào đen 888 thường thường cũng nửa chỉ vàng. Vàng khâu đập bẹp quấn chỉ xé ra từ vải áo để lỡ khi bị lục soát đột xuất thì, nếu kịp, nhét vào lỗ hậu môn, nếu khẩn cấp, nuốt ngay vào miệng. Tài sản quý giá này đã đi ra đi vào thân thể Linh không biết bao nhiêu lần mà chưa hề hao hụt chút nào. 

- Thằng bé đâu? - Gã lặp lại câu hỏi với ả đàn bà.

- Ôi thôi, bất hạnh thân em lắm anh ơi! Chồng đang hiền lành giỏi giang thì ghen tuông mà giết người phải tù chung thân. Thằng con mười mấy tuổi đã nổi máu giống cha, suốt ngày gầm gừ với mẹ với dượng. Chồng em ban nãy đấy, hay say xỉn đánh vợ nhưng mà có sao đâu! Không nương tựa vào ảnh thì sống làm sao? Thế mà thằng Lung gây sự với dượng nó rồi bỏ đi biền biệt...

- Mẹ mất khi nào? - Gã ngắt lời chứ không ả nước mắt ngắn nước mắt dài than vãn đến khuya chưa xong. 

 

- Năm ngoái. Bà mất, thằng Lung cũng bỏ đi luôn. Biết anh Linh ở đâu mà báo tin chứ...

Gã nhớ, suốt thời gian ở chung với Linh, chưa bao giờ ả vợ vào thăm Linh lần nào. Tù nhân, khổ mấy cũng chịu được, nhưng ngậm ngùi nhất là không có thân nhân. Năm đầu tiên, dịp tết thì phải, mẹ Linh đi thăm. Cũng là lần duy nhất Linh được gọi tên thăm nuôi. Mắt bà đã yếu lắm, mọi thứ đã mờ dần mờ dần chỉ còn chực chờ biến mất sau khi Linh lãnh án chung thân. “Cái án không biết nói!” - Linh vẫn mỉa mai như vậy mỗi khi có ai hỏi đến. Người đàn ông trụ cột gia đình, chăm bẵm từng con bò làm vốn, thậm chí nhận chăn thả thêm cho người ta, vợ ở nhà ăn trắng mặc trơn lại đi ngoại tình. Chịu không nổi, người đàn ông nốc rượu vào rồi lục lại cung nỏ của cha mình năm xưa. Năm đó, thằng Lung mới ba tuổi. 

Trong tù tội, người ta có thể giết nhau chỉ vì một nhúm muối hay một hơi thuốc lào. Nhưng, người ta cũng dễ đồng cảm và đến với nhau như anh em ruột thịt chỉ vì một tấm chăn đắp chung hoặc nhường nhau vài muỗng cơm khi bệnh hoạn. Sự sống mỏng tang. Người ta buồn, người ta vui, người ta hung dữ, người ta hiền lành, người ta dối trá, người ta thật thà, người ta khôn ngoan, người ta khờ dại... như chưa từng bị đứng sau vành móng ngựa. Trong cái ổ kiến chật chội toàn là án “dây thun” ấy, nhiều kẻ phải trả giá nhiều hơn tội lỗi của mình đã gây ra, bởi cái khát khao tự do, ám ảnh quá khứ và nỗi nhớ thương cuộc đời đè nặng trên ngực. Một ngày như mọi ngày, những câu hỏi đã mòn trên môi thâm: Bao giờ mới gặp lại “người đời” nhỉ? Không biết vợ con ở nhà ra sao? Làm lại từ đầu làm lại từ đâu?... Nếu nhìn vào những gã đàn ông ngồi quây quần cười nói giờ gác cuốc nghỉ trưa, có ai tưởng tượng ra, đó là những tội phạm trọng án bị cách ly gần như vĩnh viễn khỏi xã hội loài người?

Tù nhân không có thăm nuôi, gọi là “mồ côi”. Linh đã “mồ côi” lại còn “điên” nên hay bị ăn hiếp. Khi thì bị “đại bàng” bắt giặt giũ áo quần, lúc bị đánh “hội đồng” như một trò tiêu khiển trong phòng giam. Gã cũng “mồ côi” nhưng không “điên”. Chuyển đến trại mấy tháng, gã đã tạo được “số má” bằng sự lì lợm và bản lĩnh hơn người. Linh về “ở” với gã sau một lần được gã bênh vực. Không như “lính lác”, “em út”, hoặc “chốt thí” mà như anh em vậy. Chẳng biết giờ này trong đó, Linh ra sao?

Gã đứng dậy. Chẳng còn gì ở ngôi nhà ngói nâu cũ này. Bước ra khỏi cổng, gã nán lại bứt một nhánh bông giấy đang rực đỏ. Thứ bông mảnh mai không hương chỉ chực tay người động vào là rụng thế mà cành lại dai hết sức, phải vặn vẹo mấy vòng mới chịu lìa thân. Gã đi về phía nhà trọ Cao Bồi.

- Hóa ra, anh là bạn anh Linh? - Người phụ nữ đi cùng đường hỏi lại. - Nãy giờ, nghe người ta nói vậy.
Ở cái thị trấn bằng bàn tay này, chẳng có việc gì riêng tư cả.

Nhà có mấy phòng, chủ ngăn ra cho thuê kiếm thêm chút tiền chợ. Phía trước, kê hai bộ bàn ghế cóc bán trà đá, cà phê. Khách chủ yếu là dân chăn bò, tạt qua mua thêm thực phẩm để đi tiếp. Bà chủ nhà trọ là bạn từ thuở ấu thơ với Linh. Vẫn ở không.

Gã kéo ghế ngồi dựa hẳn lưng vào tường. Tâm hồn khô quéo lại. Tâm hồn khát nước. Khói thuốc không kịp vo tròn theo làn hơi điệu nghệ đã bị gió cuốn tan phăng.

- Thằng Lung có hay ghé đây không? 

- Có. Mới tháng trước. Nó y hệt anh Linh. Bây giờ không biết đang rong ruổi tận đồi Cháy hay ở đâu nữa. Để mai mốt tôi gặp dân chăn bò ra thì nhắn tin giùm cho.

- Thôi! Để mai tôi đi.

- Đi? Anh có biết, chưa từng có đàn bò nào lội hết thảo nguyên bao la này trong suốt cuộc đời của chúng không? - Người phụ nữ tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi như lập tức hiểu chuyện ngay - Ừ, thì đi. Đêm nay nghỉ ngơi cho khỏe. Để tôi chuẩn bị lương khô...

Mắt thằng Lung có đen mọng giống mắt Linh không nhỉ? Gã tự hỏi thầm. Bên ngoài, nắng đã mất dạng. Trong ánh chập choạng, chắc hẳn những con vụ gió vẫn rượt đuổi nhau suốt cơn vô tận. Người phụ nữ đang đơm lửa nấu cơm tối, tay làm miệng hát đùa
khe khẽ:

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Chọn tới chọn lui là hết một ngày...

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85972


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận