Một ngọn gió lạnh thổi thốc vào làm ngọn đèn dầu trên bàn lung lay, chao đảo. Anh vội đưa bàn tay khum khum che chỗ thủng trên bóng đèn và ngẩng lên.
Vịnh-sưa đang đứng trước mặt anh. Anh ngạc nhiên, đặt bút xuống hỏi:
-Sao em chưa đi ngủ? Có việc gì thế em?
Vịnh-sưa đứng nghiêm lại:
-Báo cáo anh, Mừng nó bỏ trốn khỏi đội!
-Trốn à? Trốn từ bao giờ? - Đội trưởng hỏi như có vẻ không tin chuyện đó. - Đầu đuôi ra sao em kể anh nghe xem nào.
-Cách đây khoảng nửa giờ, em đang ngủ bỗng choàng tỉnh dậy. Em đưa tay sờ thì không thấy Mừng nằm cạnh em. Em tưởng nó ngủ mê lăn rớt xuống đất như mấy lần trước. Em nhảy xuống đất, sờ khắp cả buồng cũng không thấy. Em đoán hay là nó đau bụng ra vườn đi ca-bi-nê. Em nằm chờ một lúc lâu không thấy nó trở vô. Em lo quá, lỡ nó đang dâu gặp phải gió lạnh rồi ngất luôn ở ngoài đó. Rứa là em chạy ngay ra vườn để tìm. Vườn tối quá lại thêm mưa lắc rắc. Em tìm quanh tìm quẩn mãi. Chợt nghe có tiếng khóc thút thít ở chỗ góc cuối vườn. Em chạy lại hỏi: "Có phải mi đó không Mừng?" Nó không nói chi hết, cứ ngồi thu lu ở gốc cây mà khóc to hơn. Em hỏi chi nó cũng không nói, cứ khóc hoài. Tức quá, em nói: "Được, cậu cứ ngồi đó mà khóc cho chán đi. Tớ vô báo cáo với đội trưởng là đang nửa đêm cậu bỏ trốn khỏi đội" Rứa là nó đứng ngay dậy, níu lấy tay em van vỉ: "Đừng, anh đừng báo cáo với đội trưởng mà tội tui... Anh tha cho tui lần ni, lần sau tui không dám làm rứa nữa mô..."
-Thế bây giờ Mừng đâu rồi?
-Dạ nó đã đi vô đứng trong mái hiên gần bếp. Mà nó cứ khóc, em dỗ chi nó cũng không nín.
-Nhưng em căn cứ vào đâu mà cho là Mừng định bỏ trốn khỏi Đội?
-Nó không định bỏ trốn thì can chi nửa đêm lại mò ra ngoài vườn ngồi khóc một mình dưới trời mưa? Em chắc nó nghe tin ngày mai Đội ra mặt trận, nó sợ, định bỏ trốn. nhưng ra đến ngoài vườn trời tối quá, không biết đường mô mà mò đi, nên đành ngồi khóc... Em không ngờ nó hèn đến nước ấy! Nó làm xấu mặt cho cả tổ em! Vịnh-sưa kết thúc câu chuyện với giọng tức tối, phẫn nộ.
-Em xuống gọi Mừng lên đây anh gặp.
-Rõ! Vịnh-sưa đưa tay lên ngang mày chào anh, quay ra với động tác đằng sau quay. Đội trưởng nhìn theo cái dáng nhỏ bé của Vịnh, khuất dần dưới các bậc cầu thang, thầm nghĩ: "Chú bé này tương lai sẽ là một chiến sĩ kiểu mẫu trong sinh hoạt cũng như trong chiến đấu. Và nếu chú ta được đề bạt làm chính trị viên, chắc chắn sẽ là một chính trị viên rất cừ".
Lát sau, Vịnh-sưa dẫn Mừng vào phòng. Vịnh đứng lùi lại khuất sau cái bệ lò sưởi. Mừng bước đến giữa phòng đứng sững lại, nhìn đội trưởng với đôi mắt của người sẵn sàng nhận tội. Cái mũ cứng và bộ quân phục rộng thùng thình của nó thẫm lại từng mảng lớn vì thấm ướt nước mưa. Chắc nó ở ngoài trời đã khá lâu, hai má và mắt nhoè nhoẹt nước mưa lẫn nước mắt. Cả gương mặt nó có một vẻ gì buồn khổ khôn tả. Nhìn nó đội trưởng bỗng thấy nhói trong tim.
-Lại gần đây anh hỏi. - Đội trưởng nói giọng đặc biệt dịu dàng.
Mừng rụt rè bước lại, tì ngực vào mép bàn:
-Tại răng đang nửa đêm em lại ra ngồi ngoài vườn mà khóc?
Mừng vừa nói vừa nấc nhè nhẹ:
-Dạ... Em lỡ lần ni... Anh tha cho em... Lần sau em không dám rứa nữa...
-Có phải em định bỏ trốn khỏi Đội không?
Mừng cúi đầu khẽ gật:
-Dạ...
-Tại sao em lại trốn? Có phải em sợ ra mặt trận không? Nếu sợ, em cứ việc báo cáo với anh, anh sẽ cho em ra ngay khỏi Đội, việc gì phải trốn?
-Dạ... em có sợ chi cái chuyện ra mặt trận... - Mừng nấc to, một giọt nước mắt rơi xuống mặt bàn, nó vội đưa tay chùi đi và nói tiếp, giọng thổn thức.
-Dạ, em chỉ trốn đi một lúc rồi em lại quay về thôi mà...
-Em định trốn đi đâu mà chỉ trốn có một lúc?
-Dạ... dạ... em trốn về thăm mạ em...
-Thăm mạ à? - Đội trưởng sửng sốt. - Sao hôm xin nhập đội em khai là không có cha mạ chi hết, đi ở giữ em cho người ta?
-Dạ em nói rứa bởi sợ anh không cho em nhập Đội, bắt phải về xin phép mạ...
-Rứa mạ em làm nghề chi? Ngoài mạ ra nhà em còn ai nữa không? Em ngồi xuống đây kẻo mỏi chân.
Đội trưởng kéo Mừng ngồi xuống cái ghế đẩu cạnh anh. Anh dở mũ ướt thẫm nước trên đầu nó, đặt vào góc bàn, và rút mùi xoa lau mắt cho em. - Hãy kể cho anh nghe chuyện nhà em đi. - Giọng anh như giọng mẹ dỗ con.
Mừng biết là không thể giấu đội trưởng được nữa. Không kể cho anh nghe hết mọi chuyện, e chắc anh đuổi mình ra khỏi đội mất, nó tự nhủ thầm vậy.
Tranh cái nhìn dò hỏi của đội trưởng, hai mắt nó nhìn chăm chăm vào cái mũ ướt thấm nước mưa để ở góc bàn nó kể kh ng mạch lạc, chốc chốc phải ngừng lại, cặp môi run rẩy cố nuốt tiếng khóc nấc chực trào lên cổ...
... Nhà em ở cuối đường kiệt nhớp nhúa nhất xóm Bao Vinh. - cái xóm ngoại ô nghèo khổ phía bắc thành Huế.
Mỗi lần trời mưa to, nước chẩy tứ tung trong nhà, mạ em phải lấy mo nang mà dọi. Dọi được chỗ ni lại dột qua chỗ khác. Nhiều bữa ngồi trong nhà mà hai mạ con phải đội nón. Trong nhà chỉ có bức phản mọt gãy mất một chân, phải kê thay chồng gạch. Với thêm cái chõng tre vừa hai mạ con nằm. Cái sân trước nhà rêu phủ xanh lè lè, trời mưa, vô ra không bấm chân là vồ ếch ngay...
Mạ em là chị Niệm, làm nghề bán bún bò gánh. Bún bò của mạ em ngon mà rẻ nhất chợ Bao Vinh. Buổi sáng, ai cũng hong hóng chờ "Gánh bún bò chị Niệm" mới ăn.
Trước tê nhà còn có cha em. Cha em tên là Năm, mặt rất dài nên cả xóm gọi là ông Năm-ngựa. Cha em cao to mà dữ tợ ghê lắm, ngực xăm đầy rồng rắn. Cha em rất giỏi võ, trong người lúc mô cũng dắt dao. Cả vùng Bao Vinh ai cũng kiềng. Đã có hai tay anh chị ngoài bến Bao Vinh bị cha em chém xả cánh tay....
Cách đây đã lâu, cha bỏ mạ em, đi lấy vợ hai bên Phú Cam rồi ở luôn bên đó. Nhưng cứ năm bữa nửa tháng, cha em lại mò về nhà, hạch sách hành hạ mạ em. Bắt mạ em phải mua rượu, lòng heo, nước mắm ngon về cho ăn, ăn xong lại quệt miệng đi. Gặp bữa mạ mua phải lòng heo không béo, không ngon, cha co chân đá phốc hết xuống đất, rồi chửi, đập mạ em tối tăm mặt mũi. Nhiều lần cha còn lột hết áo quần của mạ. Cột tóc mạ vô chân cột nhà, rồi cầm thanh củi mà phang. Đánh chán, cha cứ để mặc mạ nằm đó, bỏ đi. Em phải tháo tóc ra cho mạ, đỡ mạ em ngồi dậy. Đầu mạ em loà lên những máu... máu bết tóc lại thành nắm... Tóc mạ trước kia dài lắm, thả ra chải gần chấm gót. Rứa mà chừ rụng gần hết, búi lại chỉ còn lọn nhỏ hơn nắm tay em...
Mỗi lần thấy bóng cha về thấp thoáng ngoài ngõ là em lủi ngay xuống bếp hay chui rào tót ra ngoài đường. Rồi cứ đứng đó khóc nghe cha mắng chửi đánh đập mạ trong nhà. Chờ cho cha đi khuất, em mới dám chạy vô, ôm mạ mà khóc. Có lần em tức quá hỏi mạ: "Cha đã đánh đập mạ hoài rứa, lại bỏ mạ mà đi, răng mạ còn cứ mua rượu, lòng heo với nước mắm ngon cho cha ăn làm chi cho uổng?". Mạ em ôm em khóc mà nói: "Đời mạ đắng cay cực khổ lắm con ơi...! Cha hành hạ đánh đập mạ chừng đó chứ hơn nữa mạ cũng phải cắn răng mà chịu. Mạ mắc ơn cha con nặng lắm con ơi...". Em thắc mắc: "Ơn chi rứa mạ?". Nhưng mạ em chỉ ôm chặt em hơn khóc nấc không thành tiếng, nhìn em với cặp mắt buồn rười rượi: "Con còn nhỏ dại quá... mạ làm răng nói cho con hiểu thấu được lòng mạ con ơi!"
Một bữa, em ra sông tắm, lúc chạy về đến đầu ngõ thì nghe tiếng cha quát tháo trong nhà. Em liền vòng ra lối sau chui rào, rón rén đi vô hè nhà, ghé mắt nhìn qua lỗ phên thủng. Cha em đang ngồi trên phản, trước mặt là cái mâm gỗ đặt một đĩa lòng heo, chén nước mắm, chai rượu. Nhưng không thấy cha ăn uống chi hết. Cha ngồi một chân co trên phản mắt trừng trừng ngó mạ. Mạ ngồi xệt dưới đất, ngước lên nhìn cha. Cha dằn giọng quát: "Không có lôi thôi, mi có đưa đây không thì nói cho tao biết!". Em thắc mắc: "Không biết cha đòi mạ đưa cái chi mà gắt gao rứa?" Mạ khóc mếu máo, nói: "Tui lạy anh trăm lạy, nghìn lạy. Anh thương lấy mạ con rui, cả đời rui chắt bóp, nhịn đói nhịn khát, mới để dành cho con được một chút đó. Chừ anh mà lấy đi thì cực mạ con tui quá anh ơi! Thân tui đây, anh muốn hành hạ, đánh đập chi tuỳ ý, nhưng xin anh đừng lấy... Tội nghiệp tui lắm anh ơi...". Cha em hừ lên một tiếng hung tợn: "Đánh mi chỉ thêm nhớp tay! Đánh một con đĩ thì thà đánh con chó còn hơn!" Nghe cha nói, em suýt kêu to lên: "Ui chao! Răng cha lại nỡ nhiếc mắng mạ cái tiếng xấu xa đó?" Mừng chợt nhớ có một lần, cùng với tụi bạn trong xóm, nó chạy đuổi theo một người đàn bà, quần áo xốc xếch, mặt mũi son phấn loè loẹt. Nó cùng với các bạn cùng hò reo, vừa ném lõi bắn, vỏ chuối vô lưng, vô đầu tóc người đàn bà: "Con đĩ! Con đĩ!" Có một đứa ném hòn đó trúng đầu người đàn bà, máu rịn ra ướt đỏ cả chân tóc. Nó không biết "con đĩ" là con chi, chỉ ham vui hùa theo tụi bạn và một số người lớn, để hành hạ người đàn bà tội nghiệp đó. Trong trí tưởng tượng của nó "con đĩ" là một loại người xấu xa gớm ghiếc cũng như con chó dại, con rắn độc... Mặt bừng bừng vui thích, nó chạy một mạch về nhà, gọi mạ từ ngoài ngõ: "Con đĩ! Mạ ơi con đĩ". Mạ từ trong bếp bước ra đứng chôn chân nhìn em mặt tái xanh như tàu lá. Nó nhìn mạ, tự nhiên phát sợ, lo lắng hỏi: "Mạ đau hay làm răng rứa mạ?" Mặt mạ vẫn tái xanh run rẩy hỏi: "Con vừa kêu mạ cái chi rứa con?" Nó khoe: "ngoài phố có con đĩ mạ ạ. Rụi con chạytheo quăng vỏ chuối, cùi bắp, như mưa! Quăng sướng tay thôi! Con quăng cho con đĩ cái cùi bắp trúng bốp giữa lưng!" Nó tưởng mạ sẽ cười khen: "Con của mạ quăng giỏi thiệt!" Nhưng mạ không cười. Môi mạ tự nhiên trắng nhợt như tờ giấy. Cặp mắt mạ nhìn nó lúc đó sao giống hệt cặp mắt con chim nhỏ lúc người ta bóp cổ cho chết để làm thịt! Nó níu vạt áo mạ hoảng sợ kêu: "mạ, mạ! Làm răng rứa mạ?". Mạ đặt bàn tay lêu đầu nó, nói giọng run run: "Răng con lại đi ném người ta làm chi con? Lần sau con không được làm như rứa mà tội chết đó con". Nó nói: "Nhưng là con đĩ mà mạ?" Mạ bỗng như bị kiệt sức, không đứng vững được nữa, ngồi thụp xuống đất, kéo vào lòng. Giọng mạ như sắp khóc "Người ta cùng đường kiệt lối mới đến nông nỗi đó con ơi.... Phải thương xót lấy họ... Con còn nhỏ dại quá... con đã hiểu chi việc đời". Câu chuyện cũ hiện lên như một cái dằm lớn đâm suốt trí nhớ nó. Nó thấy ruột đau quặn lạ kỳ, hai bàn tay phải bíu chặt vào cái cột mái hè, mới đứng vững.
Mừng nức nở kể tiếp:
... Bên trong nhà, mặt mạ bỗng đanh lại, nhìn cha với cặp mắt của người cùng đường. Mạ nói: "Anh có giết tui thì giết, chứ tui không đưa cho anh mô!" Cha em trễ môi phì một tiếng, nói: "Giết mi làm chi cho thêm nhớp tay. Mi mà không đưa, tao ngồi đây chờ thằng con mi về tao sẽ nói rõ ngọn ngành cho hắn biết mi là một con đàn bà nhơ nhớp như răng. Thằng con mi sẽ khinh mi chẳng khác chi con chó!" Như bị cha đập một búa trúng giữa thóp, mạ kinh hoàng ngồi dật lùi lại, kêu to:" Ui chao ôi, r ăng mà anh độc ác đến nước nơ! Anh róc xương hút tuỷ cả một đời tôi chưa đủ, mà anh lại còn nỡ lòng mô?..."
Mạ chống tay run rẩy đứng lên, vịn vịn dọc theo phên đi vô buồng, lát sau mạ trở lại, một bàn tay nắm chặt khư khư cái gì đó. Đi đến trước mặt cha, mạ mở xoà bàn tay ra. Giữa lòng bàn tay mạ là đôi bông tai vàng. Đôi bông tai mà mạ thường cất trong cái hộp diêm nhét đầy bông gòn, thỉnh thoảng lịa lấy ra cho em coi và nói: "Mạ cất để dành khi mô con lớn mạ cưới vợ cho con...". Mạ em nói, mặt rúm ró. Giọng lào thào như người bị hụt hơi: "Còn một chút đây, anh lấy luôn đi, rồi anh đi đi, đi luôn đi cho khuất mắt tui! Xin anh đừng về đây mà hành hạ mạ con tôi..." Như con cọp thấy mồi, đang ngồi, cha chồm ngay dậy, chộp lấy đôi bông tai vàng trong tay mạ đút liền vô bọc. Mạ vẫn đứng sững, ngó trân trân lòng bàn tay trống rỗng, cặp mắt dại hẳn đi. Bất ngờ mạ kêu to một tiếng xé ruột, rồi ngã vật xuống đất như bị chặt lìa ngang chân. Cha em bước qua người mạ, cắm đầu đi thẳng ra ngõ...
"Đời mô con dám khinh mạ, mạ ơi!" Mừng bỗng nức nở tưởng như trước mắt không phải là đội trưởng mà là mạ đang nằm vật dưới đất, đầu tóc rũ rượi. Nó oà khóc, nước mắt chan hoà trên hai má, nhỏ liên tiếp xuống bàn. Đội trưởng phải đứng lên, ôm chặt nó vào lòng. Hai mắt anh cũng đỏ hoe...
-Nín đi em, nín đi... Anh không ngờ em lại khổ đến thế!
...Mạ em bị mắc bệnh hen suyễn nặng. - Mừng lau nước mắt, kể tiếp. - Thêm vô dó cha em cứ nhè vô giữa ngực mạ mà đá, mà đạp, nên càng ngày càng nặng hơn, hễ động trời là cơn hen suyễn lại hành hạ mạ. Có khi hai ba ngày liền, mạ ngồi gò lưng ôm ngực mà ho khan, khò khè kéo suyễn, em không sức nào chịu nổi. Em thấy ngực em cũng tức ran theo như bị ai dìm lâu xuống nước. Thương mạ, em khóc hết nước mắt. Em rang muối, bọc vào cái vạt áo rách, chườm ngực cho mạ. Em chườm cho đến tận đêm khuya, hai tay mỏi rời, các nhà hàng xóm đã tắt đền đi ngủ hết, vẫn còn chườm... Mạ em cứ giục hoài: "Con đi ngủ đi, mạ thấy đỡ nhiều rồi!" em vẫn không chịu đi. Đến lúc mệt quá, em gục vô lòng mạ ngủ thiếp lúc mô không hay...
Một bữa, cụ Ba Trà già nhất xóm, mách cho em: "Thứ lá tầm gửi đậu trên ngọn cây bút bút thật cao, chữa bệnh hen suyễn còn hay hơn thuốc tiên. Nhưng phải hái vào lúc nửa đêm, lúc lá đang ăn khí trời, uống sương móc, thì mới công hiệu. Lá phơi khô, sao vàng, hạ thổ, bỏ vô nồi đất, đổ năm chén nước trong, sắc lấy một chén. Chỉ uống chừng năm chén là bệnh rút, chục chén là bệnh khỏi".
Từ bữa đó, nó quyết đi tìm thứ lá thuốc tiên đó, chữa bệnh cho mạ. Khắp cả một vùng Bao Vinh, Bãi Dâu, không có ngọn cây bút bút nào nó chưa trèo lên tìm lá tầm gửi. Nhưng không tìm thấy. Nó tìm lần lên các ngọn cây bút bút ở vùng Đông Ba, Gia Hội. Tìm hết cả vùng ni rồi mà cũng không thấy, nó qua bên tê sông Hương, tìm từ Đập Đá, qua trường Khải Định, lên đến Ga Lớn. Rồi vòng về Bến Ngự, lên miệt Nam Giao...
Đi tìm lá thuốc nó phải dấu mạ. Mạ mà biết, đời nào mạ để cho đi. Mạ sợ nó trèo cao, lỡ ngã chết tan xương mất giống. Đã biết bao nhiêu lần nó ngồi khóc một mình dưới các gốc cây bút bút, sau khi đã trèo lên tụt xuống, sầy hết cả da bụng...
Trước ngày Huế nổ súng chừng một tháng, tình cờ nó phát hiện được, trên ngọn cây bút bút cao nhất trong khu vườn đằng sau doanh trại này, có đậu một tán lá tầm gửi rất to. Nó mừng quá. Nhưng khó cái là dạo đó ngôi lầu doanh trại có Vệ Quốc Đoàn đóng đông lắm. Ngoài cổng sắt lúc nào cũng có các anh cầm súng đứng gác. Rào sắt vây xung quanh vườn tuy cao, lại có mũi nhọn nhưng nó thừa sức trèo vào. Nó chỉ sợ các anh nghi là Việt gian, trèo rào vô ăn cắp. Đã hàng mấy chục lần nó đi vòng quanh hàng rào sắt ngôi lầu này, mắt hong hóng ngó vô vườn... Các anh lính gác liền sinh nghi, một lần nó đã bị một anh gọi lại, nghiêm mặt hỏi: "Làm chi mà ngày mô tôi cũng bắt gặp chú loanh quanh lẩn quẩn ở đây, hả? Tôi mà còn bắt gặp một lần nữa tôi sẽ cho chú vô tù nghe chưa?" Sau cái lần đó, nó không còn dám bén mảng đến gần ngôi lầu này nữa. Chỉ dám đứng từ xa mà ngó lại.
Sau ngày Mặt trận Huế nổ súng, nó đoán chắc ngôi lầu bỏ trống, vì bộ đội phải ra Mặt trận, ở lại đó làm chi? Nó tìm cách lọt qua cầu Bao Vinh, chạy một mạch đến ngôi lầu, bụng mừng khấp khởi, chuyến ni răng cũng tìm được thuốc cho mạ. Nhưng ai ngờ bộ đội người lớn rút đi rồi, lại có bộ đội con nít tới đóng. Nó buồn phát khóc lên lúc đó ở nhà mạ lại đang lên cơn hen suyễn. Nó về nằm nghĩ mãi, cuối cùng tìm ra được một mẹo: "Vọt qua cầu Bao Vinh thật sớm, chạy theo toán bộ đội con nít đó, rồi lừa lúc không ai để ý lén chui vào giữa hàng mà về ngôi lầu. Khi đã vào được bên trong rồi, nó sẽ lẻn ra vườn, trèo tót lên ngọn cây bút bút, nằm chờ trên dó cho đến lúc nửa đêm... Chờ cho đến lúc lá tầm gửi ăn no khí trời, uống no sương móc, như lời cụ Ba Trà dặn. Nó sẽ hái một ôm thật to, đủ cho mạ uống được mấy chục lần rồi trèo rào ra ngoài, trở về. Cái mưu mẹo hay ho đó, làm cho nó thao thức hoài không ngủ được. Nó tin chắc lần này công việc răng cũng trót lọt. Nhưng nó còn lo bộ áo quần. Nó để ý cả đội không ai mặc áo quần như mình. Đứa nào áo quần cũng rất oai như bộ đội người lớn. Mặc áo quần xấu xí như nó chui vô hàng e không khéo lộ mất... Hồi đầu năm, mạ có may cho nó một bộ áo quần rất đẹp. Cái áo "thơ-mi" có cổ tai chó với cái quần"soọc" vải xanh, hai bên có hai cái túi, mỗi túi đựng được một lon đầy bắp rang. Quần không có dải rút mà xung quanh cạp có những cái quai để luồn nịt da. Nhưng mạ nó chưa mua được nịt. Lấy áo quần ở thợ may về là mạ cất luôn vô rương. Nó xin mặc mạ nói: "Cất đó khi mô đến Tết hoặc con được vô Đội Thiếu nhi đánh trống cà rùng như mấy đứa trên phố thì mạ lấy cho mà mặc. Chứ bây giờ con mặc chỉ nhảy mấy bữa là rách tan thôi. Mình là con nhà nghèo, phải ăn mặc tùng tiệm con ạ!". Nó liền tung chăn chạy xuống bếp, nói với mạ: "Mạ ơi, sáng mai mạ cho con mặc bộ áo quần mới mạ hí!". Nó không dám nói lộ cho mạ biết chuyện "Ngoài phố, tụi bạn con đứa mô cũng mặc áo quần mới cả. Mạ cũng cho con mặc chứ cất hoài làm chi mạ?" Mạ n i: "mạ đã nói rồi, mình là con nhà nghèo, ngày thường ăn mặc tùng tiệm răng xong thì hôi. Bộ áo quần đẹp đó phải để dành khi mô có lễ lạt rồi hẵng mặc." Nó nối dỗi "Rứa thì thôi, con không mặc nữa. Mạ cứ cất cho đến mục thì thôi!" Mạ nổi tức, quay lại phát cho nó một cái vào mông: "Không mặc thì tao cho đứa khác mặc! Đi lên đi ngủ". Nó leo lên giường nằm khóc tấm tức mãi...
Sáng hôm sau, nó lọt qua cầu Bao Vinh, chạy theo Đội lên đến cầu Đông Ba rồi chui bậy vào hàng...
Đội trưởng hỏi:
-Thế cái hôm đầu tiên nhập đội em có ra vườn trèo lên cây bút bút hai lá tầm gửi không?
-Dạ có...
-Sao em không trèo rào trốn đi như đã định mà ở lại?
-Tại..anh với các bạn thương em quá. Với thêm anh Vịnh nói với em: "Không chi xấu xa bằng đã vô bộ đội lại đào ngũ". Sau đó em còn được nghe anh giảng đánh đuổi hết tụi Tây cướp nước, giành được độc lập rồi thì ai ai cũng được sung sướng. Những người cực khổ như mạ em dù có mắc bệnh chi nặng mấy cũng được Chính phủ chữa cho lành... Em muốn theo các anh đánh Tây cho nước nhà được độc lâỵp, để sau ni lỡ mạ em có mắc bệnh chi còn nặng hơn cả bệnh hen suyễn, cũng được Chính phủ chữa cho lành...
Đội trưởng gật gật đầu, mỉm cười"
-Em biết lo xa như thế là rất phải. Thế bó lá tầm gửi hái được em có còn giữ không?
-Dạ còn chớ!... Tối ni em định trốn về một lúc để mang bó lá thuốc đó về cho mạ em. Em sợ mai lên mặt trận lỡ bom đạn làm cháy mất thì tiếc lắm...
-Em để nó ở đâu rồi?
-Em giấu trong cái hốc dưới chân cầu thang. Em sợ anh biết, anh la...
-Em xuống lấy lên đây cho anh coi thử. Anh cũng chưa được biết mặt mũi thứ lá thuốc quý đó.
Nét mặt Mừng vụt tươi hẳn lên. Em ngước nhìn anh như còn chưa thật tin. Rồi bất ngờ, em đứng lên chạy vụt ra khỏi phòng. Mấy phút sau, em chạy voà, tay ôm một cái gói. Em rụt rè đặt nó lên bàn cạnh đèn bão. Cái gói khá to, bọc bằng một miếng vải bạt nhem nhuốc xé bằng dây điện thoại. Đội trưởng mở ra, bên trong còn hai lớp giấy báo cũ nữa. Những cành lá khô màu xám nhạt, rất dài, được bẻ gập lại thành nhiều đoạn: thoảng bốc lên mùi nắng và hương nông đắng của lá cây phơi khô.
-Em phơi từ bao giờ mà khô được thế này?
-Dạ, em phơi từ bữa lâu rồi... Hễ hôm mô có nắng là em đem ra phơi, em phải trèo lên nóc nhà trải phơi trên mái ngói.
-Trời đất! - Đội trưởng kêu lên, giọng không giấu được sợ hãi. - Mái nhà lầu ba tầng trơn tuột, lỡ trượt chân một cái thì còn gì là người!
-Dạ!... Phơi trên đó cao, nhiều nắng, nhiều gió, lá mau khô... với lại em sợ phơi ở dưới các bạn không biết, lỡ nghịch vứt đi...
-Nếu gặp phải một cây bút bút cao gấp hai gấp ba ngôi lầu ni liệu em có dám trèo lên hái không?
-Dạ cao mấy em cũng trèo... Miễn sao cho mạ em được lành bệnh...
Nghe giọng nói và nhìn vẻ mặt chú đội viên nhỏ của mình, đội trưởng bỗng thấy tin một cách lạ lùng rằng, chú ta sẽ sẵn sàng trèo tuốt lên bất kỳ một cây nào trên trái đất để tìm thuốc cho mẹ.
Anh cẩn thận bọc bó lá tầm gửi lại như cũ, đặt vào tay mừng và nói:
-Có dịp anh sẽ cho em về phép, mang về cho mẹ, còn bây giờ em phải xuống đi ngủ. Đã quá nửa đêm rồi, mà sáng mai chúng ta còn phải lên Mặt trận sớm.
Mừng đứng lên, đội mũ, đứng nghiêm chào anh rồi cùng với Vịnh-sưa bước ra khỏi phòng.
Anh cũng đứng lên, nhìn hút theo em, tim đau nhói, thầm nghĩ:
-Nhỏ nhoi thế kia, mà chú ta đã phải chịu đựng những nỗi khổ nhường ấy!
°°°
Đang ngủ rất say, Vịnh-sưa vụt choàng tỉnh dậy. Có tiếng khóc thổn thức ngay cạnh tai em. Nó ngồi hẳn lên. Hoá ra Mừng khóc, vừa khóc, vừa nói mớ(nói mê, nói mơ). Vịnh đưa tay sờ má bạn. ui chao, cả hai má nó ướt đẫm nước mắt nóng hổi. Nước mắt chảy xuông thấm ướt cả vạt áo trấn thủ cậu tra đang gối đầu. Vịnh phải lay gọi một hồi lâu, Mừng mới tỉnh ngủ.
Vịnh cúi xuống thì thào hỏi:
-Mi nằm mơ chuyện chi mà khóc dữ rứa?
-Tui nắm mê được Đội trưởng cho phép về thăm mạ. - Giọng Mừng còn ướt nước mắt. - Tui mặc bộ áo quần Vệ Quốc Đoàn rất oai, lại còn đeo trên vao khẩu súng mới vừa cướp được của tụi Tây. Tui vừa bước vô đến sân, mạ tui đang ngồi nấu xáo bò dưới bépe, chỵa ra đon đả chào mời: "Anh vô nhà xơi nước, ăn bún bò". Mạ tui tưởng tui là anh Vệ Quốc Đoàn mô. Tui bỏ mũ ra, ngó mạ, mà cười. Rứa là mạ tui đứng sững, ngõ tui trân trân rời kêu oà lên: "Úi chao ôi, con ơi! Rứa chớ mấy lâu con bỏ mạ con đi mô, làm mạ khóc hết nước mắt nước mũi rứa con ơi là con ơi!". Rui nói: "Con đi Vệ Quốc Đoàn đánh Tây cho nước được độc lập chớ đi mô nữa mạ. Nước được độc lập thì sướng lắm mạ nờ. Lỡ mạ có mắc bệnh chi nặng mấy cũng được chính phủ cho vô nhà thương chữa cho lành hết mạ ạ. Mạ ơi, con đã tìm được lá tầm gửi đậu trên chót ngọn cây bút bút, chỗ Đội con ở. Thứ lá ni chwũa bệnh hen xuyễng là hay nhất hạng mạ ạ. Hay hơn thuốc tiên! Để con vô lấy nồi sắc ngay cho mạ uống mạ hí!". Mạ tui liền cầm bó lá tầm gửi, chạy long tong khắp xóm, gặp ai cũng níu lại khoe: "Thằng con tui nó chưa chết. Nó đi Vệ Quốc Đoàn đánh Tây. Nó kiếm được lá tầm gửi hay hơn thuốc tiên về chữa bệnh cho rui... E chỉ nay mai là tui lành bệnh bà con ạ... Bà con mừng cho tui đi..."
Vừa lúc tui vô nhà tìm được cái nồi đất để sắc thuốc cho mạ, thì anh gọi thức tui dậy... Tiếc quá!
---------------------------------------
°Việt gian
°Plongeon: nhảy (tiếng Pháp)
°Champion: vô địch (tiếng Pháp)
°cô-soong:con lợn (lời xỉ vả, tiếng Pháp)