Em đội cái nón lá rách tưa, khoác áo tơi lá cũ, mặc dầu trời không mưa.
Cặp chân trần săn chắc, đen đúa, nổi đầy vảy đen đen như vảy rắn, bê bết bùn đất, bước từng bước ngắn và nhanh. Em đã đi suốt bốn tiếng đồng hồ, chỉ dừng lại ngồi nghỉ hai lần, mỗi lần khoảng mươi phút. Em đang có việc rất gấp, cần lên chiến khu báo cáo. Đêm qua bọn giặc tập trung quân và xe pháo khá đông ở mấy vị trí dọc đường quốc lộ trong địa bàn mà tổ bám địch của em phụ trách. Em là tổ trưởng, hai tổ viên là Võ Trà và Hiền.
Bọn địch mỗi lần tập trung quân và xe pháo là để chuẩn bị càn quét một vùng nào đó. Nhưng còn quan trọng hơn là chúng có thể chuẩn bị để tấn công chiến khu.
Từ vị trí bám địch lên đến chiến khu phải đi mất hơn một buổi đường. Hiền đòi đi thay em, nhưng em đã đội nón, khoác tơi, tay cầm cây roi tre, nói:
- Hai gót chân mi nứt nẻ như củ sắn mì rứa, mi đi lên thấu côi đó thì mi què mất. Hai đứa bay ở lại nhớ bám sát tụi hắn nghe? Nếu thấy tụi nó còn tiếp tục tập trung thêm quân, xe pháo, thì một đứa ở lại, một đứa lên báo cáo tiếp nghe!
Đi được gẩn hai tiếng đồng hồ, Bồng thấy bụng đói cồn cào.
Từ sáng tới giờ, em chưa có miếng gì vào bụng. Mà em là đứa xấu máu đói, hễ đói là xây xẩm mặt mày. Và ác cái là mỗi lần lên cơn đói, là em ngửi thấy mùi bánh mì nóng, nước miếng cứ tứa ra đầy mồm, nhồ không kịp. Và cơn đói lại càng hânh hạ em khổ sở hơn. Em nổi cục, chửi: "Tổ cha hắn! Biết ri hồi đó mình đừng làm nghề bán bánh mì, mà làm quách nghề cắt cỏ ngựa cho rồi!". Nhưng bây giờ mà hối tiếc về nghề nghiệp thì đã muộn. Em có cảm giác cái mùi bánh mì nóng giòn thơm phức vẫn ngủ ở một xó nào đó trong hai lỗ mũi hếch của em. Và chỉ chờ lúc lên cơn đói là nó thức dậy, hành hạ em cho bõ ghét.
Ngang qua một ruộng khoai lang tốt um, em dừng lại. Ngó trước ngó sau không thấy ai, em liền nhảy đại xuống, dùng hai tay bới trộm một bụi khoai. Em bứt củ phủi sạch đất, nhét đầy hai bọc quần. Vừa phủi đất những củ khoai nâu bóng, em vừa lẩm bẩm nói: "Không được lấy của đồng bào từ cây kim sợi chỉ. Nhưng tui có lấy kim chỉ mô, tui chỉ lấy mấy củ khoai sống ăn cho đỡ đói mà đi cho tới chiến khu thôi. Đồng bào đừng chửi tui mà tội". Rồi em nhe răng cười chữa thẹn với vồng khoai.
Vừa đi em vừa cạp khoai sống, nhai rau ráu. Cơn đói dịu dần, sức lực trở lại, em sải bước nhanh hơn. Còn cách chiến khu chừng vài cây số, em chợt nghe có tiếng gọi ơi ới sau lưng:
- Chú em ơi, chú em! Cho tui hỏi nhờ một chút!
Em quay lại thấy một người đàn ông từ con đường kiệt bên trái đi ra. Người đàn ông đội nón, mặc áo vải đà, quần xắn đến bắp vế, vai vác đòn xóc, một đầu đòn xóc lủng lẳng một cuộn dây mây…
Bồng đứng im lặng, chằm chằm nhìn ngườì đàn ông, trán cau lại.
Người đàn ông sải chân bước tới gần, hỏi giọng có chút nịnh nọt:
- Chớ chú em có biết đường lên Hoà Mỹ không? Chú em chỉ giúp cho tui với. Tui lên đến đây thì bị lạc. Chú em có hút thuốc không? Tui có thuốc lá Phong Lai đây…
- Anh lên đó có việc chi? - Bồng hỏi, mắt không rời khuôn mặt người đàn ông.
- Tui lên mua ít mây về làm lại cái nhà. Nghe nói trên đó lấy được nhiều mây song lắm, mà toàn loại mây thiệt tốt… Rứa chú em đi mô đó?
- Tui đi tìm trâu lạc…
- Chú em có biết đường lên trên đó không?
- Cũng hơi biết biết. - Bồng trả lời lấp lửng.
Tui cũng đã lên trên đó hai lần, nhưng toàn đi đêm, nên không nhờ được đường. Tui gánh đồ tiếp tế cho các eng "trên nớ"?
- Anh ở xã mô dưới đó mà tìm thấu Hoà Mỹ mua mây?
- Tui ở Phong Thạnh… Chú em có biết xã tui không?
- Cũng hơi biết biết…
Bốn con mắt bất ngờ chạm nhau. Và người đàn ông như không chịu nổi tia nhìn chằm chằm của Bồng, phải cụp vội mắt xuống, nhìn tránh chỗ khác. Anh ta móc túi áo, lấy ra hai lá thuốc nâu sẫm, bứt nhỏ, dùng một mảnh lá thuốc quấn thành điếu sâu kèm to bằng ngón cái. Y lại móc túi áo lấy ra hai lá thuốc đưa cho Bồng.
- Chú em hút điếu chơi? Thuốc lá tui cháy đượm mà tàn trắng lắm.
- Tui con nít làm chi biết hút thuốc!
- Rứa mà ở làng tui, con nít còn nhỏ hơn chú, đứa mô cũng hút.
- Tui cũng định đi lên phía Hoà Mỹ tìm trâu lạc. Anh có đi tui chỉ đường giúp…
- Rứa thì may cho tui quá!
Bồng đi trước, người đàn ông theo sau, Bồng cắm cúi bước, bất chợt hỏi, đầu không quay lại:
- Xã Phong Thạnh, anh ở ấp mô rứa?
- Tui ở ấp bốn. Cái ấp gần kề trảng cát đó. Tổ cha ba thằng Tây! Tụi hắn đốt nhà tui ri là lần thứ ba. Mà mây giang dưới tui đắt hơn vàng.
- Anh tên chi rứa hè?
- Tui là Hoành, chú em có dịp về xã tui hỏi Hoành du kích ai cũng biết. Ghé vô tui chơi cho biết nhà.
Bồng cắm cúi, im lặng bước. Đi được một quãng khá xa, Bồng lại hỏi như để cho có chuyện:
- Ở dưới đó anh có biết quán bánh canh mệ Ruồi không?
- Quán bánh canh ở ấp một chớ chi? Sáng ni trước khi lên đây, tui cũng tạt vô mệ làm hai tô. Chà, bánh canh mệ ngon thiệt?…
- Ừm… Cái cầu khỉ bắc ngang qua con hói trước mặt nhà mệ, dạo nó bị gãy, không biết đã làm lại chưa hè?
- Sửa lại rồi. Bắc thêm mấy cây cau chừ dễ đi lắm… Chú em có biết trên Hoà Mỹ nhà bà con mô lấy được nhiều mây tốt không? Chú em chỉ giúp, tui mà mua được, xin biếu chú em vài chục bạc, ăn bánh canh chơi…
- Cũng có biết một hai nhà, rồi tui chỉ giúp eng chớ tiền bạc chi…
Bồng dẫn thẳng người đàn ông đi mua mây vào trạm gác Tiền tiêu chiến khu. Trạm gác có một tổ bốn chiến sĩ. Cả bốn anh Bồng đều quen biết. Lúc Bồng vào ba anh đang ở dưới bếp lúi húi sừa soạn bữa cơm chiểu - nói cho đúng hơn là bữa sắn chiều. Một anh trực ngồi trên cái ghế làm bằng khúc cây sần sùi, gác ngang trên bộ chân ghế cành cây buộc chéo, đóng xuống đất. Khẩu tiểu liên cũ kỹ, gác ngang trên đùi anh. Một tay anh cầm cái nhíp làm bằng vỏ đạn, sờ sờ cằm nhổ râu.
- Nhà mấy anh ni chuyên bán mây, toàn loại tốt, mua bao nhiêu cũng có. - Bồng quay lại nói với người đàn ông đang vác đòn xóc đứng khựng trước cổng trạm gác.
- Chào các eng!
- Chào anh. - Anh lính gác bỏ nhíp vào túi áo, nhìn người đàn ông rồi nhìn Bồng.
Bồng ngoắc tay, gọi:
- Vô đây đã! Vô đây đã!
Người đàn ông ngập ngừng một chút rồi bước vào sân, hai đầu gối run run…
Bồng bỏ nón tơi xuơng đất, bước lại cho dỡ nhẹ đòn xóc trên vai người đàn ông. Em đỡ rất nhanh làm anh ta không kịp giữ lại rồi đem dựng cái đòn xóc ở một góc lán. Em nhìn hai đầu nhọn đòn xóc nói lấp lửng:
- Cái đòn xóc mới toanh mà nhọn đã gớm, chắc đẽo rồi còn đem hui lửa. Khi cần đập lộn, lợi hại không thua chi cây mác lào?
Người đàn ông tự nhiên rùng mình, và để che giấu nỗi lo sợ, anh ta moi trong túi áo ra một cuộn thuốc lá ngọn, mời chào xun xoe:
- Mời eng hút điếu thuốc chơi. Thuốc Phong Lai cháy đượm mà tàn trắng…
Anh lính gác hỏi Bồng:
- Anh ta ở mô lên rứa? Em đưa vô đây có việc chi?
Bồng ngoảnh mặt lại, chỉ vào mặt người đàn ông, trừng mắt nói:
- Thằng cha ni là Việt gian mò lên dò xét chiến khu? Các anh trói lại cho tui rồi giải vô công an chiến khu xét.
- Chú ăn nói chi mà hàm hồ rứa? - Người đàn ông hoảng hốt kêu lên. - Tui là du kích dưới xã Phong Thạnh lên tìm mua mây làm lại cái nhà bị Tây mới đốt. Tui mới mua được m ột cuộn dưới Đất Đỏ, định hỏi đường lên trên ni tìm mua thêm mấy cuộn nữa…
Bồng bĩu môi, giọng hằm hằm:
- Du kích cứt chi mi! Mi tưởng lừa được tau như lừa con nít à? Mi khai là người xã Phong Thạnh, nhưng hỏi chi cũng nói trật lất! Xã Phong Thạnh làm chi có quán bánh canh mệ Ruồi? Quán mệ Ruồi bên xã Phong Nhiêu tê! Làm chi có cầu khỉ bắc qua trước quán? Tau hỏi lừa mi rứa mà mi dám nói cầu sửa lại rồi lại bắc thêm cây cau dễ đi lắm…
Anh tổ trưởng và hai anh trong tổ đang bóc sắn để luộc phía sau bếp, bỏ dao chạy ra, đứng vây lấy người đàn ông.
Người đàn ông tái mặt lắp bắp nói:
- Tui có cả giấy chứng nhận của Uỷ ban xã cấp đây chớ…
Y móc túi áo trên lấy ra một giấp gấp làm tư, đưa cho anh tổ trưởng. Anh tổ trưởng đọc:
"Giấy chứng nhận - Họ và tên: Nguyễn Văn Hoành - là du kích xã - Ấp Bốn, Xã Phong Thạnh. Uỷ ban hành chánh kháng chiến xã. Chủ tịch - ký thay Phó chủ tịch".
Bên dưới cái dấu Uỷ ban xã, hình chữ nhật, mực đen. Nét chữ con dấu rõ và sắc.
Bồng-da-rắn cũng nghển cổ xem giấy, nhưng xem con dấu đóng bên dưới là chính. Các anh chưa ai có ý kiến gì, Bồng lên tiếng:
- Giấy bạc Cụ Hồ tụi hắn còn làm giả đẹp hơn, huống hồ thứ con dấu ni! Các anh cứ trói hắn lại cho em. Để em vô Xê-ca Một báo cáo với các anh ở ban Quân báo Trung đoàn. Các anh sẽ ra xét thật giả mới được.
Anh tổ trưởng nhìn người đàn ông, đầu khẽ gật gật, rồi nói:
- Anh chịu khó để tui trói lại. Nếu cấp trên xét đúng anh là người đi mua mây thì tụi tui thả ra…
Người đàn ông mặt mày nhăn nhó, giọng kể lể thiệt thà:
- Cái thân tui răng mà khổ ri không biết! Sáng ni vừa ra ngõ vấp luôn con rắn bò qua đường, tui e đi răng cũng gặp chuyện rủi ro, y như rằng! - y vừa nói vừa bứt lá thuốc cuộn hút.
Một anh vô nhà lấy ra sợi dây dừa, trói giật cánh khuỷu người đàn ông, dây trói vòng qua trước ngực. Anh chỉ vào góc lán:
- Anh ngồi tạm vô đó chờ người trong Xê-ca ra xét xử. Thời buổi chiến tranh, mong anh thông cảm.
- Thông với cảm kiểu ni thì cũng chết tui luôn.
Bồng quát:
- Không nói lôi thôi? Ngồi vô xó tê! Các anh phải coi chừng hắn, chứ hắn em chắc là trăm phần trăm Việt gian!
Người đàn ông đành nặng nề bước đến chỗ Bồng chỉ, ngồi xuống dựa chân cột. Anh tổ trưởng nói với Bồng:
Em đi luôn vô Xê-ca Một báo cáo với Ban Quân báo trung đoàn, giúp các anh nghe.
Bồng mang tơi, đội nón nhưng chưa đi vội.
Em đứng nhìn người đàn ông bị trói với nét mặt lầm lì cau có Em bỗng bước lại gần, giật phắt điếu thuốc lá đang bốc khói y ngậm một bên mép, ném ra xa. Rồi không nói không rằng, em bỏ đi.
Trong một khoảnh khắc, cặp mắt người đàn ông lóe lên ánh căm tức rợn như ánh dao trong tay kẻ sát nhân. Nhưng y vội dập tắt ngay, trở lại bộ mặt thật thà, sợ sệt. Y hỏi người ưnh gác:
- Chờ ông nớ làm chức chi mà coi bộ dữ dằn rứa?
- Là Phó Tổng chỉ huy chiến khu đó! Thật vô phước cho anh lại nhè vô ông nớ mà hỏi đường! - Anh lính gác trả lời giọng đùa tưng tửng.
- Rứa mà tui cứ lầm là chú em giữ trâu đi tìm trâu lạc!
- Cứ chi anh lầm? - Anh lính gác vẫn đùa tưng tửng? - Tụi Tây cũng lầm mà cả tụi đây cũng lầm?
Trong câu nói đùa tưng tửng của anh lĩnh gác về Bồng-da- rắn cũng có chứa ít nhiều sự thật. Những thành tích chiến đấu và tính tình ngang bướng của người chiến sĩ thiếu niên này được cả chiến khu biết đến. Họ thường kể lại với nhau và cười ngất. Mới đây nhất là chuyện kiện cáo lôi thôi giữa đại đội trưởng Đặng Đình Đăng và Bồng. Ngày đó, một số cán bộ chỉ huy thích lấy những biệt hiệu nghe kêu choang choang như chuông: Phi Long, Phi Hùng, Phi Hổ… Đại đội trưởng Đặng Đình Đăng, đại đội tám, tiểu đoàn mười sáu, lấy biệt hiệu là Sơn Hùng. Dưới các thư từ, giấy má, công văn gửi đi gửi lại trong chiến khu, Đình Đăng đều ký tên là Sơn Hùng, với nét chữ lằng ngoằng bay bướm. Bồng-da-rắn ghét đại đội trưởng Đăng ra mặt: "Đánh giặc chẳng ra cứt chi, gan như gan thỏ, chỉ được cái to miệng hò hét bắt lính xung phong còn mình thì chạy sau cùng. Chiến lợi phẩm có cái chi tốt thì bớp trước! Mà mặt mũi lúc mô cũng vênh vênh ta đây anh hùng". Bồng bình luận về đại đội trưởng Sơn Hùng như vậy.
- Sơn Hùng! - Bồng thường nhắc cái biệt hiệu ấy với các bạn trong đội bằng giọng khinh khi. - Nghe kêu choang choang như phèng la mấy cha làm xiếc ở chợ Đông Ba!
Một bữa, Bồng nói với Tư-dát:
- Người ta đặt biệt hiệu, tau cũng đặt biệt hiệu chơi! Tau đặt biệt hiệu là Cứt Hùng. Mi văn hay chữ tốt, viết giúp biệt hiệu lên nón cho tau với.
Tư-dát khoái chí, mài đá non, viết hai chữ Cứt Hùng to tướng lên cái nón lá rách của Bồng. Ngày chủ nhật, Bồng đội cái nón đi dạo khắp Tiền chiến khu. Bộ đội, cán bộ từ các Xê-ca ra Tiền chiến khu dạo chơi khá đông. Họ đọc chữ viết trên nón của Bồng, cười hỏi:
- Em viết cái chi trên nón đỏ lòe rứa?
- Biệt hiệu của em đó.
- Cứt Hùng, biệt hiệu chi nghe thúi hoắc?
- Người ta tài giỏi, hùng, nọ, hùng tê, em đánh giặc như cứt thì đặt biệt hiệu là Cứt Hùng chớ răng.
Thế là dọc các quán ăn, người ngồi trong quán đua nhau gọi: "Ê Cứt Hùng vô đây ăn chén chè chơi! Ê, Cứt Hùng, vô đây anh đãi mấy cái bánh bột lọc!".
Họ gọi, họ cười vui như tết, vì họ biết Bồng định xỏ xiên ai.
Cũng như Bồng, nhiều người không ưa đại đội trưởng Đăng.
Bất ngờ đại đội trưở ng Đăng từ trong quán đi ra cùng với mấy o bào chế, chạm trán Bồng. Hôm đó Đình Đăng diện ngất: áo quần kaki ga-bạc-đin, lưng thắt xanh-tuya Mỹ, một bên hông đeo xệ khẩu côn mười hai, hông bên kia lúc lắc cây dao găm chiến lợi phẩm. Trong trận Cầu Nhi, Đình Đăng phụ trách thu chiến lợi phẩm. Những thứ sang trọng trên người anh đều kiếm được trong trận đó.
Lúc ngồi trong quán ăn bún bò, nghe gọi ầm ĩ Cứt Hùng, Cứt Hùng, Đình Đăng tự nhiên chột dạ.
Mấy o bào chế đọc hai chữ đỏ choét trên nón Bồng, bụm miệng cười. Sơn Hùng giận tím mặt, chỉ cái nón hỏi Bồng:
- Mi viết cái chi trên đó?
- Dạ biệt hiệu của tui!
Bốp! Bốp! Sơn Hùng vung tay tát Bồng hai tát liền, làm em ngã dúi, mũi chảy máu cam. Vừa tát, Sơn Hùng vừa rít lên:
- Hỗn! Con nít mà hỗn!
Bồng lồm cồm đứng dậy, đưa tay quệt máu mũi, mặt đỏ kè như con kỳ nhông sắp cắn nhau. Bộ đội, cán bộ đi qua, xúm quanh hai người.
- Quyền chi mà anh được đánh tui? - Bồng gân mặt hỏi.
- Con nít mà hỗn, tao còn đánh nữa.
- Tui hỗn cái chi mà anh kêu tui hỗn?
Sơn Hùng chỉ cái nón của Bồng văng bên rệ đường:
Tại sao mày dám viết như thế?
- Biệt hiệu của tui thì tui viết? Anh là đại đội trưởng, nhiều giấy má công văn thì anh viết biệt hiệu vô giấy. Tui là thằng liên lạc, không có giấy, thì tui phải viết lên nón chớ răng?
- Sao mày dám đặt biệt hiệu kiểu đó?
- Anh lấy quyền chi mà cấm tui đặt biệt hiệu kiểu nọ kiểu tê? Tui đánh giặc như cứt thì tui đặt biệt hiệu Cứt Hùng, đó là quyền của tui?
Bồng cúỉ lượm cái nón, nói:
- Anh đừng cậy lớn ăn hiếp con nít? Tui sẽ vô kiện với Chính uỷ trung đoàn.
Em xăm xăm đi thẳng vô Xê-ca Một, gặp chính uỷ Trần Quý Hai. Chính uỷ nghe em trình bày đầu đuôi sự việc, phải cố lắm mới nhịn được cười. Chính ông cũng ghét cái mốt đặt những biệt hiệu huênh hoang của một số cán bộ cấp dưới.
Trong thâm tâm ông đồng ý với chú bé liên lạc, nhưng vẫn nghiêm nghị phê bình chú không nên chọc tức người lớn. Sau đó, ông cho gọi đại đội trưởng Đăng vào trung đoàn bộ và xạc cho anh một trận nên thân về tội hành hung chiến sĩ. Cuối cùng ông nhẹ nhàng nói: "Đồng chí là một cán bộ chỉ huy, lại là đảng viên. Đồng chí phải hết sức giữ mình, tránh những hành động quá lố, làm trò cười cho quần chúng".
Đại đội trưởng bị xạc, cay hơn ăn ớt. Nhưng sau hôm đó, dưới các công văn giấy tờ, anh đã trở lại với cái tên cúng cơm Đặng Đình Đăng.
Chuyện đó đã tức cười nhưng chưa tức cười bằng chuyện này:
Chính trị viên tiểu đoàn mười tám Hoàng Lý, trước Cách mạng đỗ bằng tú tài toàn phần. Anh tham gia cách mạng và làm cán bộ chính trị, nhìn anh cách cây số cũng đoán biết là thành phần trí thức. Người anh cao, gầy, tay chân mảnh khảnh, đeo kính cận, tóc để dài chải ốp vào hai bên đầu. Dáng anh đi hơi gù gù, súng lục đeo thõng bên hông, tưởng chừng như khẩu súng quá nặng làm cho anh phải gù lưng xuống mới đeo nổi.
Một lần, anh vô quán mệ Sanh ăn bánh bèo. Mệ Sanh người Hoàng phái, trước mở quán bánh bèo gần cầu Gia Hội.
Mệ theo kháng chiến, chạy lên chiến khu lại mở quán bánh bèo. Bữa đó, anh Lý ăn bốn đĩa liền, mỗi đĩa mười chiếc. Đĩa cuối anh đã no tức bụng, ăn hết có hai chiếc. Ăn không hết mà bỏ thì hơi tiếc. Anh nhìn ra đường và trông thấy Bồng đi ngang qua. Anh ngoắc tay gọi em vào.
- Đãi chú mấy cái bánh bèo. - Anh chỉ đĩa bánh bèo ăn thừa.
Bồng đưa mắt nhìn đĩa bánh bèo, nhìn bát nước chấm chấm dở, vụn tôm cháy lợn cợn đáy bát. Lưỡng lự một chút, em ngồi xuống, ăn ba cái bánh bèo còn lại trong đĩa. Mỗi cái em dùng đũa gấp làm đôi, không chấm nước chấm, bỏ luôn vô miệng nuốt ực như không phải bánh bêo mà thuốc ký ninh. Mệ Sanh nhìn Bồng ăn, kêu lên:
- Chớ cháu ăn uống kiểu chi mà lạ rứa? Phải ăn từ từ, chấm nước chấm mới thấy ngon. Ai lại đi nuốt lôống như nuốt hột thị?
Bồng miệng cười mà mặt không cười:
- Dạ… cháu ăn kiểu của cháu mệ ạ.
Ăn xong, Bồng chào mệ, chào chính trị viên, lặng lẽ bước ra khỏi quán.
Mệ Sanh tinh ý, nhận thấy thái độ của chú bé liên lạc coi bộ khác khác. Anh Lý có lẽ vì cận thị nặng nên không thấy gì. Vả lại anh còn bận quay sang nói chuyện với một anh bên Uỷ ban tỉnh vừa bước vào quán.
Sau hôm đó, cả đội thấy Bồng ky cóp để dành tiền. Trước nay em là đứa bạn hào phóng, hoang tàng, có đồng nào em rủ bạn tiêu sạch đồng ấy. Bởi vậy, thấy em ky cóp từng đồng từng hào bỏ vào cái ống tre, giấu dưới đầu nằm, các bạn đều lấy làm lạ. Cả năm đó, các bạn không thấy Bồng mua lấy cái kẹo, thậm chí cả sắn luộc. Tư-dát hỏi trêu Bồng:
- Mi định để dành tiền cười vợ chắc?
Bồng trả lời:
- Chưa chừng mà thiệt cũng nên.
- Mi định cưới ai rứa?
- Cưới ông Bụng.
Ông Bụng chính là ông già đã đưa đường cho đội từ chiến khu Trò lên chiến khu Hoà Mỹ. Bồng nhận ông Bụng làm cha nuôi cả đội đều biết. Ông làm nghề đốt than gánh về bán ở đồng bằng. Ông có túp lều ở gần kề chân núi, cạnh con đường đi vào Xê-ca Một.
Một hôm, vào ngày chủ nhật, Bồng đập ống tiền. Em đếm tiền, lẩm nhẩm tính toán, rồi hốt tất cả cho vào bọc. Em đi dạo qua các quán hàng ăn. Dọc đường em gặp chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Lý.
- Anh ạ!
- Chú mình đi đâu đấy?
- Dạ em định vô tiểu đoàn bộ tìm anh, may gặp anh ở đây… Có công văn của trung đoàn à?
< p style="text-align: justify;">- Dạ không… Anh với em vô quán kéo ghế đi.Chính trị viên tưởng Bồng vòi anh cho ăn quà, vỗ vỗ túi nói:
- Tiếc quá, bữa ni anh bó xu?…
- Dạ em mời anh mà…
- Mời anh? Hách nhỉ?
Bồng đưa anh Lý vào quán mệ Sanh.
- Mệ ơi, mệ chày cho con chục đĩa bánh bèo. Mệ chày cho ngon vô, cho nhiều tôm cháy, tóp mỡ, rồi tính mắc hơn cũng được. Con mời chỉ huy con mà mệ!
Chính trị viên trợn tròn mắt sau cặp kính cận:
- Chục đĩa, làm chi nhiều thế? Liệu chú mình có đủ tiền trả không đó?
- Dạ đủ chớ. Ăn xong hai anh em mình đi uống cà phê sữa chơi hí.
Chính trị viên đang vui, ăn rất thiệt tình. Hai anh em ăn bay cả chục đĩa bánh bèo.
- Mệ tính tiền cho con đi mệ.
Bồng dốc tất cả số tiền trong túi ra bàn, đủ cả tiền đồng, tiền hào, tiền xu… Bồng đếm tiền trả, còn thừa lại mấy đồng.
- Chứ chú mình lấy tiền đâu ra mà lổn nhổn đủ loại thế? - chính trị viên vừa xỉa răng vừa hỏi.
- Dạ em bỏ ống gần một năm ni…
- Bỏ ống cả năm đem tiêu hoang một bữa? Để dành mà mua sắm cái gì có hơn không?
- Dạ em bỏ ống là cốt để mời anh. - Bồng nói giọng tỉnh khô. Em tuy là thằng liên lạc, nhưng đã mời ai là mời đàng hoàng, chứ không mời đồ ăn dư như anh mời em kỳ năm ngoái.
Chính trị viên điếng người. Lúc bấy giờ anh mới sực nhớ đến đĩa bánh bèo còn thừa, mời Bồng dạo nọ. Mặt chính trị viên tái rồi đỏ. Anh phải hết sức mới giữ nổi bình tĩnh. Anh nhìn Bồng qua cặp kính cận, hỏi gần như thì thầm:
- Nhưng tại sao lúc đó em lại ăn?
- Dạ, em không ăn sợ anh ngượng…
Có thể nói chuyện Bồng-da-rắn đãi chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Lý làm chấn động cả chiến khu.
Tôi là bạn chiến đấu của Bồng từ những năm thơ ấu. Tôi biết "cả một đờỉ" Bồng, bạn ấy chỉ phục có một người là Lê Thuyết, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 227, và sau này là Trung đoàn trưởng trung đoàn 101, lúc đó anh vừa tròn hai mươi bảy tuổi. Bồng thường nói với chúng tôi về anh Lê Thuyết: "Chăc mạ anh phải ăn gang, ăn sắt mà đẻ ra anh thì anh mới gan dạ được đến như rứa".
Với nhiều người, "cả một đời", có nghĩa là bốn mươi, năm mươi, bảy mươi thậm chí trăm tuổi. Nhưng với Bồng "cả một đời" chỉ có mười sáu tuổi. Bồng đã hy sinh lẫm liệt cho Tổ quốc lúc vừa tròn mười sáu tuổi. Nhưng đó là một câu chuyện khác, và sẽ được kể lại trong một cuốn sách khác. Còn bây giờ tôi phải kể tiếp chuyện đang kể dở.