Tại vương quốc nọ, trong một quốc gia nọ có người đàn ông tên là Akhmet. Ông ta chuyên buôn bán hạt đại mạch, ngô, rơm. Một người giàu có. Giàu nhưng bủn xỉn, keo kiệt, không bao giờ chịu thiệt lấy một xu. Một hôm người vợ bảo ông ta:
- Đôi giày của con trai rách rồi, phải mua đôi mới cho nó…
Ông Akhmet nổi giận:
- Sao lại có chuyện như thế được! Ngày xưa mẹ tôi hai, ba năm mới mua cho tôi một đôi giày, mà bố tôi còn khó chịu. Ông ấy nói: ”Cái thời tôi một đôi giày phải đi được đến năm, mười năm. Bây giờ đám thợ giày toàn đóng bằng thứ da vứt đi”. Thằng con nhà mình mới có hai tháng đã hỏng đôi giày. Hỏi bà còn lương tâm nữa không hả?
- Tôi có lỗi gì trong chuyện này? – Bà vợ đáp. – Tôi có đi chúng đâu? – Và bà trút giận sang cậu con trai – Mày đúng là đồ vô lương tâm! Bố mày đi đôi giày phải được hai năm. Tao cũng hai năm mới phải mua giày một lần… Vậy mà mày mới hai tháng đã phá hỏng đôi giày.
- Nhưng con có lỗi gì, – cậu bé đáp – Mẹ cũng biết đấy, trước kia một đôi giày con đi được cả năm. Sau đó chỉ còn đi được nửa năm. Còn bây giờ thì tối hết sức… Chả lẽ con có lỗi khi giày chóng hỏng như thế sao? Mấy cái ông bán giày không còn lương tâm gì cả. Bán loại giày xấu như thế.
Cãi nhau mãi cuối cùng hai mẹ con đến gặp ông bán giày, hỏi xem tại sao ông bán giày tồi như vậy.
- Không phải lỗi ở tôi, – ông ta đáp. – Mà cũng chẳng phải mình mẹ con bà kêu. Tất cả khách hàng đều không hài lòng. Chính tôi cũng không hài lòng. Nhưng biết làm thế nào! Thời buổi bây giờ nó vậy. Chẳng còn ai còn lương tâm gì cả. Tất cả các thợ giày đều làm giày như vậy!
Ông bán giày tức giận vì người ta cung cấp cho ông ta loại hàng xấu, đến gặp ông thợ giày hỏi cho ra chuyện.
- Không phải lỗi ở tôi, – ông thợ giày nói. – Bây giờ tôi phải mua da đắt hơn trước nhiều, mà vẫn không được da tốt. Ngày xưa người ta còn có lương tâm hơn. Họ bán hàng còn bảo đảm chất lượng. Còn bây giờ – da làm đế hay da làm quai đều là loại vứt đi.
Ông thợ giày bực tức đến nhà ông bán da dể hỏi xem tại sao ông ta bán thứ da tồi như vậy.
- Đâu phải lỗi tại tôi, – ông bán da đáp. – Chả lẽ tôi lại muốn mất khách hay sao? Thời buổi bây giờ nó thế đấy, anh bạn ạ. Người ta không còn biết xấu hổ hay lương tâm là gì nữa. Dù có đặt mua da ở đâu thì cũng thế thôi. Đều hàng kém chất lượng cả.
Ông bán da đến hỏi ông chủ xí nghiệp da.
- Ông làm loại da tồi quá, cuối cùng chỉ vì ông mà khách hàng họ đến kêu tôi.
Ông chủ nhà máy da:
- Vẫn biết thế, – da bây giờ đúng là không tốt như ngày xưa. Nhưng tôi không có lỗi gì trong chuyện này cả. Chúng tôi mua da tươi ở những người nuôi gia súc. Họ bán da tươi đắt gấp ba ngày xưa, mà da vẫn không ra da…
Ông chủ nhà máy da đến gặp người bán da tươi than phiền rằng khách hàng họ kêu da xấu quá.
- Đúng thôi, – ông bán da tươi nói. – Da bây giờ không bền như ngày xưa. Nhưng đâu phải tại tôi. Chúng tôi mua lại da của những người chăn nuôi. Trước đây người ta còn có lương tâm nên da tươi còn tốt.
Rồi ông bán da tươi nguyền rủa người chăn nuôi đã cung cấp cho ông da xấu.
- Tôi có lỗi gì trong chuyện này, – người chăn nuôi nói. – Thời buổi bây giờ nó thế. Không chỉ đạo đức con người, mà cả da bò thiến cũng xuống cấp. Nếu tôi bán cho ông chính bộ da của tôi thì ông giận tôi còn có lý. Đằng này tôi bán không phải da tôi, mà là da bò thiến. Mà nói không biết ông có tin không, chứ ngay cả giống bò thiến bây giờ cúng không còn chút lương tâm nào nữa. Lỗi không phải ở tôi, mà ở con bò thiến.
Nhà chăn nuôi buồn rầu, chặn đường một con bò thiến đang sắp đi vào lò mổ, và nói với nó:
- Mày không biết xấu hổ à? Mày làm tao xấu cả mặt. Tại sao bộ da của mày bây giờ tồi thế?
Con bò thiến cúi đầu nói:
- Trong chuyện này họ hàng bò thiến chúng tôi không có lỗi gì cả. Cứ lấy ngay tôi đây thì biết. Tôi đã cố hết sức đem lại ích lợi cho ông chủ. Thịt, sừng, phân, da – tất tật tôi đều hiến cho ông chủ. Tất nhiên, tôi cũng muốn da mình được dày hơn, tốt hơn. Nhưng thời buổi đã thay đổi. Da chúng tôi bây giờ không còn được bền như da của tổ tiên chúng tôi trước đây. Nhưng tôi biết làm gì được, khi người ta cho tôi ăn thóc, đại mạch lẫn một nửa là đất? Còn tay cho rơm họ tống cho chúng tôi thứ cỏ mục, mà lại ít gấp đôi ngày trước. Thức ăn thế nào thì da sẽ như thế thôi.
Con bò thiến buồn bực vì người ta kêu về bộ da của nó như thế đến gặp ông chủ hỏi:
- Tại sao ông không chăm sóc tôi cho tử tế? Ông đã cho ăn ít thức ăn lại trộn cả đất. Thành thử xương tôi yếu, da thì không dầy. Rồi bao nhiêu tội người ta đổ lên đầu tôi.
Ông chủ con bò thiến nói:
- Ngài nói đúng nhưng không phải lỗi tại tôi. Ruộng của tôi ít, thành thử không đủ thóc và rơm. Thành ra tôi phải đến mua thức ăn của nhà ông lái buôn Akhmet. Thời buổi đã thay đổi, ngài Bò thiến ạ. Không còn người tử tế nữa. Ông Akhmét bán đắt gấp ba mà thức ăn thì lại pha các thứ vớ vẩn. Vì thế tôi không thể chăm sóc ngài đàng hoàng được.
Ông chủ rất buồn nghe những lời kêu ca của bò thiến bèn đến gặp nhà lái buôn Akhmét và hỏi tại sao sông ta bán thức ăn gia súc xấu mà lại đắt thế.
Nhà buôn Akhmet nói:
- Đúng thôi. Nhưng tôi không có lỗi gì trong chuyện này cả. Con người bây giờ hoàn toàn không còn tí lương tâm nào. Trước đây đôi giày con trai tôi đi được cả năm. Bây giờ khá lắm mới đi được hai tháng. Mà giá lại đắt hơn. Quần áo cũng thế. Để lo được đủ cái ăn, cái mặc, giày dép cho gia đình tôi cũng phải làm như họ đã làm với tôi. Nhưng ông hãy tin rằng tôi làm thế không phải do ý muốn… Trong Chuyện này tôi không có lỗi.
Ông nhà buôn Akhmet tức giận đến kêu với người thợ đóng giày. Thợ đóng giày đến kêu với chủ nhà máy da, ông chủ nhà máy da đến kêu với người cung cấp da tươi, người này đến kêu với người chăn nuôi gia súc, người chăn nuôi gia súc kêu với con bò thiến, con bò thiến lại kêu với ông chủ của nó, ông chủ của bò thiến lại kêu với ông nhà buôn Akhmet. Và người nào cũng đều trả lời với người đến kêu:
- Anh nói đúng, nhưng tôi hoàn toàn không có lỗi gì trong chuyện này cả. Thời buổi bây giờ nó thế. Con người chẳng còn chút lương tâm nào hết.