Ở Ac-tăng-giơi, người ta gọi bà là nữ hoàng Ooc-tăng-xơ. Chẳng ai biết do đâu cả. Có lẽ do bà nói năng rắn rỏi như một sĩ quan chỉ huy? Có thể do bà cao to, quắc thước vẻ hách dịch? Có lẽ do bà thống lĩnh cả một bầy đông đúc gia súc, gồm gà mái, chó đực, bạch yến, vẹt mái, những con vật nuôi thân thiết với các cô gái già? Nhưng bà có nuông chúng đâu, chẳng nựng nịu cũng chẳng âu yếm như vẫn thường thấy phụ nữ thốt ra trên bộ lông óng mượt của chú mèo đang gừ gừ như xay lúa. Bà cai quản chúng đầy uy lực, bà thống trị chúng mà.
Thực tế, bà là một cô gái già, giọng oang oang đanh thép, cử chỉ khô khan, tâm hồn có vẻ chai sạn. Không bao giờ bà chấp nhận sự trái ý, chuyện thanh minh, sự chần chừ, tính uể oải, sự lười biếng, vẻ mệt mỏi. Không bao giờ nghe bà than thở, luyến tiếc bất cứ cái gì hay ganh ghét bất kỳ ai. Bà vẫn bảo: “Ai lo phận nấy”, với sự đinh ninh của người tin vào định mệnh. Bà không đi nhà thờ, không thích các thầy tu, ít tin vào Chúa, gọi mọi chuyện tín ngưỡng là “món hàng bán rao”. Từ ba mươi năm nay, vẫn ở ngôi nhà nhỏ của mình, phía trước có một nẻo vườn chạy dọc phố, bà vẫn không hề sửa đổi các thói quen, chỉ nhẫn tâm thay các cô hầu khi các cô đến tuổi hai mươi mốt. Khi chó, mèo, gia cầm của mình chết già hay chết nạn, bà chẳng rỏ một giọt nước mắt thương tiếc mà mua con khác thay liền. Bà dùng một cái mai nhỏ chôn những con vật chết trên một luống đất, rồi dửng dưng dẫm lên trên chỗ chôn vài cái.
Bà quen vài người trong thành phố, toàn thuộc các gia đình viên chức mà đàn ông ngày nào cũng đi Pari. Buổi chiều hay tối, thỉnh thoảng người ta lại mời bà đến uống chén trà. Trong những cuộc hội ngộ ấy, thế nào bà cũng ngủ thiếp đi, gia chủ phải đánh thức để bà ra về. Bà chẳng cho phép ai đưa bà về, dù ngày hay đêm. Bà có vẻ không thích trẻ em. Bà giết thời gian bằng đủ việc của đàn ông: làm mộc, làm vườn, chặt cây bằng rìu hay bằng cưa, sửa chữa căn nhà cũ kỹ của mình và nếu cần thì tự xây trát. Bà cũng có người thân mỗi năm về thăm hai lần. Đó là hai gia đình Xi-mơ và Cô-lông-ben, hai em gái đã có chồng, một lấy người bán cỏ thuốc, một lấy một người hưởng lợi tức đồng niên. Nhà Xi-mơ không có con. Nhà Cô-lông-ben có ba đứa, Henri, Pô-lin và Giô-dép. Henri hai mươi tuổi, Pô-lin mười bảy, còn Giô-dép mới lên ba – cậu này ra đời giữa lúc tưởng mẹ cậu không sinh nở được nữa. Cô gái già không mảy may quyến luyến với họ.
Mùa xuân năm 1882, nữ hoàng Ooc-tăng-xơ bỗng lăn ra ốm. Láng giềng chạy mời một thầy thuốc, nhưng bà đuổi ông đi. Một thầy tu dẫn xác đến, bà gần như trần truồng tụt xuống giường và đẩy ông ra ngoài. Cô đầy tớ rũ rượi vừa khóc lóc vừa kiếm thuốc nam sắc cho bà uống. Sau ba ngày liệt giường, bà lâm vào tình cảnh rất nguy kịch, đến nỗi bác thợ đóng thùng gỗ láng giềng theo lời khuyên của thầy thuốc oai vệ đi vào nhà bà, yêu cầu bà để ông gọi gia đình hai cô em đến.
Hai gia đình đáp cùng chuyến tàu khoảng mười giờ sáng, nhà Cô-lông-ben dẫn bé Giô-dép theo. Đến lối vào vườn, cả hai nhìn thấy cô đầy tớ đang ngồi khóc trên một chiếc ghế tựa dựa vào tường. Con chó mực nằm ngủ trên tấm thảm chùi chân ở cửa vào dưới ánh nắng tà nóng nực. Hai con mèo nằm ườn như chết trên bờ hai cửa sổ, mắt nhắm nghiền, chân và đuôi ngay đơ. Một con gà mái to tường lục tục dẫn một đàn con khá đông lông vàng và nhẹ bỗng như bông đi qua khu vườn. Trong một cái lồng phủ cây phiền lộ mắc trên tường, một ổ chim kêu chí chóe trong nắng xuân sớm mai ngột ngạt. Có hai chú không thể rời nhau, lẳng lặng đứng sát bên nhau trong một cái lồng con hình nhà nghỉ nông thôn mắc vào tường.
Ông Xi-mơ, một người đồ sộ, đến đâu cũng vào trước nhất, vừa thở như kéo bễ vừa gạt tất cả mọi người bất kể đàn ông hay đàn bà ra khi muốn, lên tiếng hỏi:
-Nào Xê-le-xtơ, không ổn hả?
Cô đầy tớ bé nhỏ rên rỉ qua nước mắt:
-Bà không nhận ra con nữa ạ. Thầy thuốc bảo thế là hết…
Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Tức thì bà Xi-mơ và bà Cô-lông-ben ôm chầm lấy nhau mà hôn, chẳng nói năng gì. Hai bà giống nhau ghê, bao giờ cũng bịt đầu bằng những băng vải phẳng lì, khoác khăn san đỏ tía, mặc vải lông Pháo kiểu ca-sơ-mia đỏ rực như than hồng. Xi-mơ quay về phía em rể, một người gày gò, xanh rớt, da vàng, hốc hác đi vì bệnh dạ dày, tập tễnh một cách ghê gớm, rồi ông thốt lên nghiêm trọng:
-Ông nội ơi, đến lúc rồi!
Nhưng không ai dám vào phòng người hấp hối ở tầng trệt. Ngay Xi-mơ cũng ngần ngại. Cô-lông-ben là người đầu tiên quả quyết bước vào, vừa đi vừa nghiêng ngả như cánh buồm, vừa gõ vang đầu can bịt sắt trên nền đá lát. Hai người đàn bà đánh bạo bám theo và Xi-mơ đi sau cùng. Bé Giô-dép ở lại bên ngoài vì mải nhìn con chó.
Một chum nắng cắt ngang giường, rọi sáng đúng hai bàn tay đang như lên cơn động kinh hết mở ra lại nắm vào không lúc nào yên. Các ngón động đậy như bị một tư tưởng điều khiển, như thể chúng giải thích các vật, chỉ ra các ý nghĩ, tuân theo một tư duy. Còn toàn thân nằm bất động dưới chăn. Khuôn mặt xương xương chẳng mảy may rung động. Đôi mắt nhắm nghiền.
Mấy người mới vào dàn thành một vòng cung, chăm chú nhìn, môi mím chặt, ngực đau nhói, hơi thở gấp lên. Cô hầu nhỏ theo gót họ, và vẫn nước mắt ngắn nước mắt dài. Sau hết, Xi-mơ hỏi:
-Chính ra thầy thuốc bảo sao?
Cô đầy tớ bập bẹ:
-Ông bảo hẵng để cho bà yên, không phải chạy vạy gì nữa đâu.
Nhưng bỗng nhiên đôi môi của cô gái già bắt đầu mấp máy. Hình như chúng đang phát ra những lời im lặng, những lời ẩn trong cái đầu đang hấp hối này, hai bàn tay mở ra nắm vào còn kịch liệt hơn nữa. Chợt bà thốt ra bằng một giọng thầm thì yếu ớt, tựa như một tiếng nói từ xa vọng lại, từ đáy trái tim luôn khép kín này chăng? Thấy thương tâm quá, Xi-mơ nhón chân đi ra. Cô-lông-ben, chân què, thì ngồi bệt xuống. Hai người phụ nữ vẫn đứng.
Bây giờ nữ hoàng Ooc-tăng-xơ huyên thuyên nhanh hơn, chả ai hiểu bà nói gì. Bà gọi tên người, nhiều người, toàn những người do bà tưởng tượng ra, bà gọi vô cùng âu yếm. “Lại đây, Phi-líp của mẹ, thơm mẹ đi. Con yêu mẹ chứ, con? Còn con, Rô-dơ ơi, mẹ ra ngoài một lát, con trông em nhé. Nhất là chớ để em một mình, nghe không? Không được nghịch diêm, nghe chưa?” Bà nín bặt mấy giây, rồi giọng cao hơn, như thể là gọi: “Hen-ri-ét!”. Bà chờ một phút rồi nói tiếp: “Con ra gọi bố vào đây mẹ bảo rồi hãy đến công sở”. Rồi bỗng: “Hôm nay em hơi đau, anh thân yêu ạ. Anh hãy hứa với em là không về muộn đi. Hãy thưa với phụ trách của anh rằng em ốm. Anh biết đấy, em mà nằm, để các con lêu lổng là nguy hiểm. Em sẽ làm cho anh một đĩa cơm đường. Các con rất thích món này. Thằng Cle sẽ khoái lắm”. Bà bật cười, tiếng cười giòn tan khúc khích như một thiếu nữ như suốt đời bà chưa hề cười: “Anh nhìn Giăng lìa! Đầu nó đến ngộ! Mặt toàn vết mứt kẹo, cái đồ ở bẩn! Nhìn kìa, anh yêu, con chúng mình có ngộ nghĩnh không!”
Đổi chỗ luôn luôn cái chân mỏi nhừ sau cuộc hành trình, Cô-lông-ben thì thầm:
-Cô ấy mơ có chồng con. Bắt đầu hấp hối!
Hai bà chị vẫn đứng im, lộ vẻ kinh ngạc. Cô hầu thưa:
-Hai bà phải bỏ mũ và khăn san ra chứ ạ? Mời hai bà ra phòng khách.
Hai bà nín thinh đi ra. Cô-lông-ben tập tễnh bước theo, để người hấp hối lại một mình. Cởi bỏ trang phục đi đường, hai người chị ngồi xuống. Một con mèo rời cửa sổ, vươn vai, nhảy vào phòng, tót lên đầu gối và Xi-mơ và bà liền vuốt ve nó. Họ nghe từ phòng bên tiếng nói của người hấp hối đang sống trong giờ phút cuối cùng cuộc đời mà chắc chắn bà đã từng mong đợi, đang dốc hết sức mơ ra khoảnh khắc mà đối với bà, tất cả sắp chấm dứt.
Xi-mơ chơi với bé Giô-dép và con chó trong vườn, ông rất vui vẻ, cái vui của một bác lực điền, không còn nhớ gì đến người đang chết nữa. Những bỗng ông trở vào bảo cô đầy tớ:
-Này, cho chúng tớ ăn trưa đi chứ! Các bà muốn xơi món gì đây?
Họ thỏa thuận dùng món chả trứng trộn rau thơm, thịt thăn kèm táo tươi, pho mát và cà phê. Bà Cô-lông-ben lục tục tìm ví, Xi-mơ giữ tay bà lại. Rồi ông quay sang cô hầu:
-Cô có tiền nhỉ?
Cô bé đáp:
-Thưa có.
-Bao nhiêu?
-Mười lăm frăng.
-Đủ đấy. Nhanh lên cô. Tôi đói rồi.
Bà Xi-mơ vừa ngắm những chùm hoa chan hòa ánh nắng và đôi bồ câu yêu nhau trên mái nhà trước mặt vừa buông lời ảo não:
-Thật đau khổ là đến đây trong tình cảnh buồn bã thế này. Hôm nay trời sẽ còn đẹp hơn và dễ chịu lắm.
Bà em chỉ thở dài không đáp. Ông Cô-lông-ben hẳn xúc động vì ông nghĩ đến một cuộc dạo chơi, rên rỉ:
-Cái chân làm khổ tôi quá thể.
Bé Giô-dép và con chó làm náo động cả lên, thằng bé la inh ỏi vì vui thích, con vật sủa như phát rồ. Chúng chơi trò trốn tìm xung quanh ba luống cây, người chạy thục mạng, chó quấn lấy chân.
Người hấp hối vẫn gọi các con, nói chuyện với từng đứa, tưởng tượng đang mặc quần áo cho chúng, đang vuốt ve chúng, đang dạy chúng đọc: “Nào. Xi-mông, nhắc lại: A B C D. Con phát âm chưa chuẩn, kìa, D D D, rõ chưa? Nhắc lại xem nào!...”.
Xi-mơ thốt lên:
-Những lúc như lúc này, nói gì cũng thấy lạ…
Bà Cô-lông-ben hỏi:
-Quay vào với cô ấy chẳng hơn ư?
Xi-mơ ngăn lại ngay:
-Để làm gì, bởi lẽ còn thay đổi tình cảnh của cô ấy sao được! Ở đây vẫn tốt chứ sao.
Không ai nhấn thêm. Bà Xi-mơ ngắm hai con chim màu xanh lá mạ, mà nãy chúng ta gọi là “không thể rời nhau”. Bà thốt ra mấy lời khen ngợi sự thủy chung phi thường của chúng và chê trách loài người không bắt chước loài vật. Xi-mơ phì cười, chằm chằm nhìn vợ, se sẽ ca một điệu nhạc diều: “Tra-la-la, tra-la-la” như để ám chỉ sự trung thành của bà đối với ông Xi-mơ. Cô-lông-ben lại bị bênh dạ dày hành hạ, gõ gõ can lên nền nhà. Con mèo trên cửa sổ thứ hai đi vào, đuôi cong lên.
Mãi một giờ, mọi người mới vào bàn ăn. Vừa nếm qua rượu, vốn được yêu cầu chỉ uống rượu Booc-đô hảo hạng, Cô-lông-ben nhắc cô đầy tớ:
-Con ơi, trong hầm không còn thứ nào ngon hơn ư?
-Thưa còn. Có thứ rượu ngon mời các ông các bà lúc các ông các bà mới đến đây ạ.
-Thế thì đi lấy về đây ba chai.
Mọi người thưởng thức thứ rượu tuyệt vời, không phải vì cách nấu đáng khen mà vì đã để hầm mười lăm năm. Xi-mơ tuyên bố:
-Đúng là rượu cho người ốm.
Háo hức muốn có thứ rượu này, Cô-lông-ben lại hỏi cô đầy tớ:
-Còn bao nhiêu thứ này, hả con?
-Ồ, gần như còn nguyên, thưa ông. Bà chủ chẳng uống bao giờ. Còn ối trong đáy hầm.
Ông quay sang người anh rể:
-Anh Xi-mơ này, nếu anh thuận, tôi đổi rượu này cho anh loại khác. Loại này vô cùng hợp với dạ dày tôi.
Đến lượt con gà mái kéo đàn con đi vào. Hai phụ nữ ném vụn bánh cho chúng để khuây khỏa đi. Người ta tống Giô-dép và con chó đã xơi đủ ra vườn. Nữ hoàng Ooc-tăng-xơ vẫn lảm nhảm, nhưng giờ bé lắm, không nghe rõ lời. Dùng xong cà phê, mọi người sang xem tình hình người bệnh. Bà có vẻ dịu đi. Họ lại trở ra và ngồi quẩn trong vườn cho tiêu thức ăn. Đột nhiên con chó chạy nháo lên quanh mấy chiếc ghế tựa, mõm ngoạm vật gì. Thằng bé cuống cuồng đuổi theo. Cả hai mất hút trong nhà. Xi-mơ ngủ thiếp đi, bụng phơi trong nắng.
Người hấp hối bắt đầu nói to. Rồi bỗng thét lên. Hai phụ nữ và Cô-lông-ben hối hả vào xem có chuyện gì. Xi-mơ thức dậy, nhưng tỏ vẻ thản nhiên, không thích những chuyện như thế. Cô gái già ngồi dậy, mắt nhớn nhác. Để thoát khỏi sự săn đuổi của bé Giô-dép, con chó của cô đã nhảy tót lên giường rồi nhảy qua người bệnh. Nấp sau gối, nó nhìn cậu bé chằm chằm bằng đôi mắt rực sáng, trong tư thế sẵn sàng tót xuống chạy tiếp. Nó ngoạm một chiếc giày păng-túp của chủ đã bị cắn tả tơi sau một giờ nó nghịch. Hốt hoảng trước bà già bỗng ngồi bật dậy đằng trước, cậu bé đờ người ra trước giường. Con gà mái vừa vào đôi phút cũng phát khiếp vì tiếng kêu la vội nhảy lên một chiếc ghế tựa. Nó tuyệt vọng gọi đàn con đang kinh hồn bạt vía, chiêm chiếp loạn lên giữa bốn chân giường.
Nữ hoàng Ooc-tăng-xơ thét lên một tiếng kêu xé ruột: “Không, không, tôi không muốn chết, tôi không muốn đâu! Tôi không muốn, tôi không muốn! Ai sẽ nuôi dạy con tôi? Ai sẽ chăm sóc con tôi? Ai sẽ yêu thương con tôi? Không, tôi không muốn chết! Tôi không…”
Bà ngã vật ra. Thế là hết.
Con chó nhảy chồm chồm quanh phòng. Cô-lông-ben chạy lại cửa sổ, gọi ông anh rể.
-Vào nhanh lên! Nhanh lên! Cô ấy đi rồi!
Xi-mơ đứng dậy, vừa đủng đỉnh đi vào vừa lẩm bẩm.
-Mình tưởng còn lâu cơ đấy!