Utopia Địa Đàng Trần Gian Chương 10

Chương 10
Khi người Utopia nói đến các “đồng minh”, tức là họ nói đến những nước mà họ có cung cấp các cán bộ quản lí chính quyền.

Như tôi đã nói, khi ốm đau, họ được chăm nom hết sức chu đáo, và được chu cấp mọi thứ thuốc men cũng như đồ ăn thức uống đặc biệt cần cho sự bình phục của mình. Với những trường hợp tàn phế, hộ lý cố an ủi họ bằng cách thường ở bên cạnh và chuyện trò với họ, và làm mọi cách để giảm nhẹ những triệu chứng của họ. Nhưng nếu, ngoài tình trạng vô phương cứu chữa, căn bệnh ấy còn hành hạ bệnh nhân bằng những đau đớn khôn nguôi, sẽ có vài mục sư và quan chức chính phủ đến thăm bệnh nhân đó và nói đại loại như sau:

“Ta hãy can đảm nhìn nhận thực tế, bạn sẽ không bao giờ có một cuộc sống bình thường được nữa. Bạn chỉ là mối phiền hà cho người khác và một gánh nặng cho chính bạn - thực tế là bạn tồn tại nhưng cũng chẳng khác gì đã chết. Vậy tại sao phải tiếp tục nằm đây cho vi trùng đục ruỗng mình nữa? Cuộc đời đã khốn khổ đến vậy, sao còn nấn ná làm chi? Bạn đang là tù nhân trong một phòng tra tấn, sao không vượt thoát ra ngoài để tìm về một cõi tốt lành hơn? Chỉ cần bạn ngỏ lời, chúng tôi sẽ thu xếp cho bạn được giải thoát. Lẽ thường ai chẳng muốn được nhẹ nhàng. Và nghe theo lời khuyên này của một giám mục cũng là ngoan đạo, vì lời ngài nói cũng là lời của Thượng đế.”

Nếu bệnh nhân đó thuận theo những lí lẽ này, anh ta sẽ hoặc là tự nhịn ăn cho đến chết, hoặc nhận uống mấy liều ngủ để tự chấm dứt thân phận đau đớn của mình. Nhưng việc này là tuyệt đối tự nguyện. Nếu bệnh nhân vẫn muốn sống, tất cả mọi người sẽ vẫn tiếp tục từ ái chăm sóc anh ta như trước. Chết tự nguyện có sự đồng ý chính thức như vậy được coi là cái chết danh dự - nhưng nếu bạn tự sát vì những lí do mà các mục sư và Hội đồng thành phố coi là không thích đáng, bạn sẽ mất quyền được chôn cất hoặc hỏa thiêu, và thi thể bạn sẽ bị quẳng xuống một cái ao mà không có một nghi thức gì kèm theo hết.

Con gái không được lấy chồng trước 18 tuổi - con trai lại còn phải đợi thêm bốn năm nữa. Trai gái mắc tội ăn nằm với nhau trước khi cưới sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, và mãi mãi mất quyền hôn nhân, trừ phi được đích thân ông Thị trưởng ân xá. Người đàn ông và đàn bà là chủ hộ gia đình có những chuyện như vậy xảy ra cũng bị xã hội bêu xấu vì đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Người Utopia đặc biệt nghiêm khắc với những chuyện này, vì họ tin rằng sẽ có rất ít người muốn lấy vợ lấy chồng - là việc cả đời sẽ phải sống với một người và chịu đựng đủ mọi cái khó chịu của tình trạng ấy - nếu việc giao hợp ngoài hôn nhân không bị cấm đoán thật triệt để.

Khi muốn lấy nhau, họ làm một chuyện mà chúng ta sẽ cho là rất vô lý nhưng với họ lại là rất nghiêm chỉnh. Cô dâu tương lai, bất kể vẫn chưa chồng hay đã là một góa phụ, sẽ trình diện hoàn toàn trần truồng trước mặt chú rể tương lai dưới sự dẫn dắt của một phu nhân đáng kính, và chú rể tương lai cũng trần truồng ra mắt cô dâu tương lai dưới sự hướng dẫn của một phu quân đáng kính. Khi chúng tôi cười phá lên vì thấy phong tục đó có vẻ rất vớ vẩn thì họ lập tức dùng ngay lối nghĩ ấy của chúng tôi để nhạo lại chúng tôi.

“Cái mà chúng tôi thấy rất lạ”, họ nói, “là cách thu xếp rất ngớ ngẩn cho những chuyện như thế này ở các nước khác trên thế giới. Khi các bạn muốn mua một con ngựa, là một việc chẳng có rủi ro gì lắm ngoài một số tiền nhỏ, các bạn thường thận trọng đủ đường. Con ngựa thì đã trần truồng rồi, nhưng nhất định các bạn phải bắt tháo hết yên cương để kiểm tra thật kỹ xem nó có bị xây xước gì ở đâu không. Còn khi các bạn chọn một người vợ, là một thứ mà xấu tốt gì các bạn cũng sẽ phải chấp nhận suốt cả cuộc đời, thì các bạn lại cẩu thả một cách không thể tưởng tượng được. Các bạn không thèm mở gói ra xem. Các bạn đánh giá cả một người đàn bà chỉ qua vài chục phân vuông ở bộ mặt, là cái duy nhất nhìn thấy được, rồi cứ thế cưới người ta - và sau này có thấy người ấy khó chịu đến mấy thì cũng vẫn phải chịu. Tất nhiên là nếu các bạn chỉ quan tâm đến phần tiết hạnh thôi thì chẳng sao - nhưng chúng tôi thì không được cao đạo đến thế, và ngay cả những người cao đạo cũng thấy rằng khi cưới vợ thì một tấm thân đẹp đẽ sẽ là một bổ sung rất có ích cho một tâm hồn đẹp đẽ vậy. Những lớp váy áo kia chắc chắn có thể che giấu những xấu xí đủ để cho một ông chồng mất hết cảm tình với vợ mình khi đã quá muộn để có thể chia tay. Tất nhiên, nếu sau khi cưới rồi người vợ mới thành xấu xí thì anh chồng đành phải chịu chấp nhận số phận của mình thôi - nhưng ta cần phải có luật pháp bảo vệ chống lại những lừa dối trong hôn nhân mới là phải!”

Ở Utopia thì những thận trọng như vậy cũng cần thiết thật, vì không như các nước khác, họ sống theo lối một vợ một chồng rất nghiêm cẩn. Hầu h t các cặp vợ chồng đều chung thủy với nhau đến mãn đời. Trong trường hợp có chuyện ngoại tình hoặc cư xử với nhau không tốt, bên vô tội sẽ có thể được Hội đồng cho phép đi lấy người khác, còn bên có tội sẽ bị ô nhục, và kết án phải độc thân cho đến chết. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì chồng cũng không được phép li dị chỉ vì thấy vợ đã không còn được sắc nước hương trời như buổi ban đầu. Bên cạnh việc coi đây là một hành động tàn ác muốn ruồng bỏ một người đúng vào lúc người ấy cần phải được thông cảm và yêu thương nhất, họ còn tin rằng nếu cho phép làm vậy thì xã hội sẽ không còn có đảm bảo gì nữa cho tuổi già, vốn không những mang đến cho con người nhiều bệnh tật mà chính nó cũng là một chứng bệnh nhân sinh vậy.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng người ta cũng được phép li dị nếu cả hai đều muốn được chia tay vì không thể hòa hợp được với nhau, và mỗi người cũng đã tìm thấy một đối tượng khác có vẻ sẽ làm cho họ được hạnh phúc hơn. Trường hợp này đòi hỏi các thành viên Hội đồng thành phố và các bà vợ của họ phải đích thân điều tra thấu đáo trước khi cấp giấy phép li hôn. Và Hội đồng cũng vẫn rất miễn cưỡng khi phải làm chuyện này, vì họ tin rằng không có gì hại cho hôn nhân hơn là viễn cảnh của một cuộc li hôn dễ dàng.

Gian phu dâm phụ bị kết án phải làm những việc nô dịch khó chịu nhất. Nếu cả hai đều đã có vợ có chồng, hôn phu và hôn thê bị xúc phạm của họ có thể được phép li dị, và nếu muốn thì có thể được phép lấy nhau hoặc lấy người khác. Nhưng nếu họ vẫn yêu bạn đời mắc tội của mình, họ vẫn được phép là vợ hoặc chồng với nhau như xưa, nhưng phải tham gia làm nô dịch cùng nhau. Đã có nhiều trường hợp ông Thị trưởng thấy xúc động vì sự ăn năn của bên có tội cũng như tấm lòng thủy chung của bên vô tội đến mức ông tha cho cả hai được tự do. Nhưng nếu tái phạm, dù chỉ một lần, sẽ đều bị án tử hình.

Nói chung luật pháp của họ không có những mức án cố định được qui định sẵn - Hội đồng ra án tùy theo từng vụ việc cụ thể. Chồng có trách nhiệm trừng phạt vợ, và bố mẹ có trách nhiệm trừng phạt con cái, chỉ khi nào sai phạm nghiêm trọng quá mới phải đưa ra chính quyền để bảo vệ quyền lợi đạo đức của xã hội. Mức hình phạt thường có cho những trọng tội là bắt làm nô lệ. Họ nói đối với tội nhân thì tử hình hay phải làm nô lệ thì cũng như nhau, mà làm nô lệ thì có ích hơn và cũng có tác dụng răn đe nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu được đối xử như vậy mà tội nhân vẫn không chịu phục thiện và tuân thủ kỷ luật nhà tù, họ sẽ bị đem ra giết như những con dã thú. Còn những ai phục thiện thì không phải là không có hy vọng. Sau khi đã thuần tính sau nhiều năm lao dịch, nếu họ có những biểu hiện thực sự hối hận, không phải cho bản thân mà cho chính những gì họ đã làm, họ sẽ được giảm án hoặc trắng án, lúc thì do ở quyết định kín đáo của Thị trưởng, lúc thì do biểu quyết chung của Hội đồng.

Có ý định cám dỗ người thì cũng bị trừng phạt như là đã thực sự cám dỗ người ấy. Tất cả mọi tội khác cũng vậy. Bất kì ai định cố tình phạm tội cũng đều bị luật pháp coi là đã phạm tội đó rồi. Họ lập luận rằng bọn người ấy sở dĩ chưa phạm tội trong thực tế là chỉ vì đã thất bại trong ý đồ của chúng mà thôi; vậy tại sao phải tính điểm cho sự thất bại ấy rồi tha cho chúng?

Họ rất mến những người thiểu năng về tinh thần, và mặc dù xem chuyện lăng mạ những người này là xấu, họ lại coi việc cười đùa với những hành vi ngớ ngẩn kia là hoàn toàn bình thường. Nói thực, người ta còn mong bạn biết cười vui như vậy nữa, vì nếu bạn không đủ tính hài hước để thấy có cái gì buồn cười trong những lời nói và cử chỉ của họ, thì rõ ràng bạn không phải là người thích hợp để chăm sóc họ. Nghĩa là nếu bạn không biết đánh giá họ như một nguồn vui vô thưởng vô phạt, là thứ duy nhất mà họ có thể đóng góp cho xã hội, thì thể nào bạn cũng sinh lòng ngược đãi họ.

Ấy thế nhưng nếu bạn cười ai chỉ vì người đó xấu xí hoặc dị dạng, mọi người sẽ chê cười bạn ngay lập tức. Bạn đã biến mình thành một thằng ngốc vì đã có cử chỉ hàm ý rằng người ta có thể đáng bị chê cười vì những cái mà mình không thể khắc phục được. Ta phải biết rằng trong khi người Utopia sẽ chê bạn là lười biếng nếu bạn không biết giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của mình, họ lại có tính rất ghét trang điểm. Một gương mặt đẹp có thể đủ để bẫy một người đàn ông, song phải có cá tính và lòng nhân hậu mới giữ được anh ta.

Chế độ Utopia không chỉ chú trọng ngăn ngừa phạm tội mà còn khuyến khích thúc đẩy cái thiện bằng nhiều cách vinh danh những người tốt việc tốt. Ví dụ, họ cho dựng tượng ở những nơi công cộng của những người đã có những đóng góp xuất sắc cho cộng đồng, phần để ghi nhớ những thành quả của họ, phần để khích lệ các thế hệ sau hãy cố gắng hơn khi tưởng niệm những vinh quang của tiền nhân. Nhưng bất kì ai cố tình chạy chọt để được bầu vào một chức vụ chính quyền nào đó đều lập tức bị tước quyền tham chính cho đến mãn đời. Quan hệ xã hội thì ai nấy đều thân ái với nhau, vì quan chức không bao giờ có thái độ và cử chỉ kiêu xa nạt nộ. Họ được mệnh danh là "phụ mẫu" của thiên hạ, và họ cư xử đúng với vai trò làm cha làm mẹ của nhân dân của mình. Ai cũng tôn trọng họ đúng mức, nhưng không ai bị bắt buộc phải như vậy. Bản thân ông Thị trưởng cũng ăn mặc hệt như mọi người, không có tí mũ mãng cân đai nào, mà chỉ có cái phù hiệu tượng trưng cho chức vụ của mình là một túm ngô mà ông phải đeo bên mình - hệt như một ông Giám mục phải đeo theo một cây nến chóp vậy.

Họ có rất ít luật lệ, bởi vì một chế độ xã hội như của họ thì cần gì phải có nhiều luật lệ. Một trong những thứ họ vẫn chê trách nhiều nhất ở các nước khác là tình trạng luật lệ tràn lan, hết luật này đến luật nọ, rồi lại hằng hà sa số những văn bản dưới luật, mà vẫn không lúc nào thấy đủ. Người Utopia tin rằng khi một người phải bị ràng buộc bởi một điều luật nào đó vừa dài dòng khó đọc vừa không thể hiểu nổi, thì đó chính là một điều bất công. Hơn những thế, họ không hề có những luật sư tinh vi và thông thạo đến từng vụ án hoặc từng chi tiết của luật pháp. Họ tin rằng tốt nhất là phải để cho mỗi người có quyền được biện hộ cho chính mình, và nói với luật sư thế nào thì nói với toà cũng hệt như vậy. Có như vậy thì vấn đề mới đỡ bị méo mó mờ mịt đi, và còn dễ tìm ra sự thật. Khi không có ai nói dối theo lời khuyên của luật sư nữa thì tòa mới có thể tập trung trí lực vào việc cân nhắc các dữ kiện của vụ việc, và mới có thể bảo vệ những người chất phác chống lại những âm mưu tinh vi của bọn xảo trá.

Cách làm ấy rất khó áp dụng ở các nước khác vì luật pháp ở các nước này đều quá cồng kềnh và phức tạp. Nhưng ở Utopia thì ai cũng là chuyên gia luật pháp cả bởi một lí do đơn giản mà tôi đã nói rồi, là họ có rất ít luật, và cách hiểu luật thô thiển nhất bao giờ cũng được coi là đúng đắn nhất. Họ nói mục đích duy nhất của luật pháp là nhắc nhở người dân về những nghĩa vụ của họ. Cho nên luật càng tinh vi khó hiểu bao nhiêu thì càng kém tác dụng bấy nhiêu, bởi sẽ càng ít người hiểu được chúng, còn hễ đã đơn giản rõ ràng thì ai cũng hiểu được ngay lập tức. Cho nên xét theo quan điểm của quảng đại quần chúng, là bộ phận cần được nhắc nhở nhiều nhất, thì đặt ra luật để rồi phải có biết bao nhiêu văn bản dưới luật và công văn hướng dẫn về nội dung ý nghĩa của luật với những lập luận tinh xảo, thì thà đừng đặt ra luật gì còn hơn. Bởi quần chúng đông đảo ai cũng phải bận mưu sinh hàng ngày, làm gì còn có thời gian và đầu óc để nghiên cứu thứ luật pháp như thế. 

Nhờ có nhiều phẩm chất tốt đẹp, người Utopia được các nước lân bang yêu cầu cung cấp các quan chức chính phủ cho họ theo hợp đồng một hoặc năm năm. Tất nhiên, người Utopia chỉ nhận lời khi các nước này đều đã có quyền tự quyết. Và thực tế là người Utopia đã giải phóng hầu hết các nước xung quanh khỏi chế độ độc tài từ rất lâu rồi. Khi hết nhiệm kỳ, những quan chức này hồi hương với nhiều phần thưởng và vinh dự, và lại được thay thế bằng những người Utopia khác. Đây thực sự là một động tác rất thông minh của các nước này, vì sự phồn vinh của một nhà nước phụ thuộc hoàn toàn vào phẩm chất của những người quản lý nó, và người Utopia quả là những ứng cử viên lý tưởng cho công việc này. Người ta không thể mua chuộc hối lộ họ để làm bất kì một việc bất lương nào, bởi lẽ chẳng mấy chốc họ đều sẽ trở về nhà, nơi mà đồng tiền chẳng dùng được vào việc gì. Và vì họ không quen biết ai trong số cư dân bản địa, họ chẳng bao giờ bị những thành kiến yêu ghét riêng tư chi phối đưa đến những quyết định sai lầm. Những phẩm chất này đặc biệt quan trọng với một vị quan tòa, bởi thành kiến cá nhân và lòng tham tiền là hai thế lực ma quỷ khổng lồ đe dọa chốn công đường, và một khi thắng thế, chúng sẽ lập tức chi phối cả xã hội bằng cách tiêu diệt hết công lý.

Khi người Utopia nói đến các “đồng minh”, tức là họ nói đến những nước mà họ có cung cấp các cán bộ quản lí chính quyền. “Các nước bạn” là những nước có nhận sự giúp đỡ của họ theo nhiều cách khác. Nhưng họ không bao giờ tham gia bất kì một hiệp ước nào theo kiểu cứ liên miên được các nước khác ký kết, phản ước, rồi lại vá víu ký lại. Một bản hiệp ước thì được cái gì? Họ hỏi vậy. Chẳng phải tất cả nhân loại đều đã là đồng minh tự nhiên của nhau đó hay sao? Và nếu có một người đã rắp tâm phớt lờ mối ràng buộc cật ruột ấy thì mấy dòng chữ cam kết kia liệu có ý nghĩa gì với hắn? Họ quan niệm như vậy chủ yếu là vì ở khu vực ấy của thế giới, vua chúa không thực tôn trọng những công ước và hòa ước của mình cho lắm. Còn tất nhiên là ở châu Âu, và nhất là ở các nước theo đạo Cơ đốc, mọi người vẫn coi những hiệp ước với nhau là thiêng liêng và không thể vi phạm, phần vì vua chúa của chúng ta đều là những bậc minh quân chí thiện, phần vì mọi người đều còn biết sợ đức Giáo hoàng23. Các vua chúa châu Âu, như ta đều biết, không những đã thi hành các cam kết của mình một cách thành tín, mà còn bắt buộc mọi vua chúa khác cũng phải giữ lời hứa trong mọi tình huống, và đều ra tay trừng trị nghiêm khắc những ai không làm được như vậy. Rõ ràng là họ đều tin một cách chính đáng rằng một người “ngoan đạo” mà lại bội ước trong những việc như vậy là cực kì xấu xa24.

Nhưng ở khu vực thế giới của người Utopia, vốn đã khác hẳn khu vực của chúng ta cả về địa lý, xã hội và đạo đức, bạn không thể dựa vào các hiệp ước được. Càng được trịnh trọng ký kết bao nhiêu, chúng càng nhanh chóng bị vi phạm bấy nhiêu, và chỉ việc bới ra một kẽ hở nào đó trong câu chữ là đủ. Không những thế, các kẽ hở này còn được người ta cố tình gài vào văn bản gốc để dù những cam kết của mình có vẻ chắc chắn đến thế nào đi nữa, người ta vẫn có thể có lí do để phủi tay rũ áo, hủy bỏ cả hiệp ước lẫn đức tin cùng một lúc. Một chính sách ngoại giao như thế quả thực là hoàn toàn bất lương. Cũng chính những người đã tự hào là khuyên được minh chủ của mình áp dụng những tiểu xảo như thế, nếu họ thấy chuyện ấy xảy ra với một bản hợp đồng tư nhân nào đó, thì lập tức họ sẽ là người đầu tiên tố lu loa tố cáo nó, bằng một giọng chính trực bất bình, rằng đó một bản hợp đồng tội lỗi và báng bổ thánh thần. Từ chuyện này, ta có thể suy ra rằng có lẽ đức tính lương thiện chỉ cần thiết cho đám thảo dân chứ không cần thiết cho hàng vua chúa. Hoặc giả phải có hai thứ lương thiện. Một thích hợp với dân thường, một loài thú hay có nhiều âm mưu phải được buộc dây thật chắc để chúng không thể nhảy rào. Còn thứ lương thiện kia là dành cho vua chúa, là một sinh linh cao quí hơn, có quyền hưởng nhiều tự do hơn, vì được phép làm bất kì cái gì mình thích.

Đại khái đó là cung cách của đám vua chúa ở đó, và như tôi đã nói, đấy có thể là lí do tại sao người Utopia không kí kết hiệp ước với ai bao giờ. Có thể nếu họ sống ở châu Âu thì họ sẽ khác, mặc dù sự thực là họ không chấp nhận hình thức hiệp ước trên nguyên tắc, cho dù chúng có được chấp hành nghiêm chỉnh đến đâu đi nữa. Họ nói các hiệp ước khiến cho con người nhìn nhau như những kẻ thù tự nhiên vậy. Vì nếu chỉ cần sống ở hai bên của cùng một quả đồi hoặc cùng một dòng sông thôi là cũng đủ cắt đứt hết những mối liên hệ nhân loại và gây nên mọi lý do chính đáng để hai dân tộc tìm cách tiêu diệt lẫn nhau trừ phi có một hiệp ước đặc biệt để ngăn chặn việc đó, thì chẳng phải là kẻ thù tự nhiên đó là gì? Và ngay cả khi đã có một bản hiệp ước như thế rồi, vẫn không có nghĩa là họ đã thành bạn, vì họ vẫn luôn luôn giành quyền được cướp bóc nhau, nếu kẻ thảo bản hiệp ước ấy đã vô ý không đưa vào đủ những điều khoản để ngăn cấm việc ấy. Người Utopia có quan điểm khác hẳn. Họ nghĩ không nên coi ai là kẻ thù nếu người đó chưa làm gì hại đến mình. Bản tính con người đã tự nó là một bản hiệp ước, và người ta đoàn kết được với nhau là nhờ ở lòng nhân hậu chứ không phải những bản cam kết, ở tình cảm chứ không phải ở lời nói.

Nhân chuyện ấy ta hãy nói luôn sang chuyện chiến tranh. Phải nói ngay rằng đánh giết nhau là chuyện họ ghê tởm nhất. Họ nói đó là một việc hoàn toàn phi nhân tính, mặc dù con người lại mắc nghiện việc này hơn hết thảy các loài vật hạ đẳng. Có thể nói, người Utopia là dân tộc duy nhất trên thế giới này không thấy có bất kì một cái gì là vinh quang trong chuyện chiến tranh. Tuy thế, đàn ông đàn bà đều được luyện tập quân sự thường kỳ để ai cũng có khả năng chiến đấu đề phòng trường hợp không tránh khỏi chiến tranh. Nhưng hãn hữu lắm họ mới phải lâm trận, như khi buộc phải tự vệ, giúp một "nước bạn" đánh đuổi quân xâm lăng, hoặc giải phóng những nạn nhân của một chế độ độc tài - là việc họ làm vì tinh thần nhân đạo, hoàn toàn chỉ vì thương cảm và bất bình. Tuy nhiên, họ còn trợ giúp về quân sự cho những "nước bạn" không những để chống xâm lăng mà còn để trả đũa những hành động xâm lấn nữa; nhưng họ luôn luôn làm việc này với điều kiện đã được tham vấn trước và thấy có đầy đủ lý do chính đáng, hai bên đã thảo luận về những khoản đền bù, và họ phải có toàn quyền điều khiển các chiến dịch. Đối với họ, lý do chính đáng để trả đũa không phải chỉ là việc bị cướp bóc bằng vũ lực. Họ còn trả đũa mạnh hơn để bảo vệ quyền lợi của các thương gia bị các nước khác đối xử bất công, bất kể là do luật lệ ở đó bất công hoặc bị cố tình bóp méo để làm chuyện bất công.

Đó chính là lí do của cuộc chiến tranh với Xứ Mù25, xảy ra trước khi chúng tôi đến Utopia một chút. Người Utopia viện trợ quân sự cho Xứ Mây26, vì một số thương gia Xứ Mây sang làm ăn ở Xứ Mù đã bị người bản xứ lừa đảo về luật pháp - ấy là người Utopia nghĩ như vậy. Dù sai đúng thế nào, kết quả là một cuộc chiến tranh lớn đã nổ ra, vì mối tranh chấp ban đầu đã leo thang nhanh chóng bởi sự can thiệp của tất cả các nước quanh khu vực đó. Đến khi kết thúc, nhiều nước lớn đã bị suy yếu hẳn, và các nước khác đều què quặt thương tích đầy mình. Còn Xứ Mù thì sau một loạt các thảm họa như vậy cuối cùng đã phải đầu hàng. Người Utopia không được gì trong cuộc chiến đó - họ đã xác định ngay từ đầu những động cơ vô tư của mình - nhưng người Xứ Mù thì trở thành nô lệ của người Xứ Mây, vốn nhỏ yếu hơn hẳn trong quá khứ.

Chuyện đó cho ta thấy người Utopia khẩn trương ra sao trong việc trả thù cho bạn bè, ngay cả trong chuyện tiền nong. Nhưng họ lại nhẫn nhịn hơn nhiều khi bản thân bị người khác làm hại. Nếu một thương gia Utopia bị nước ngoài lừa đảo mất hết hàng hóa, nhưng thân thể không bị thương tích gì, hành động mạnh mẽ nhất của họ sẽ là ngừng quan hệ buôn bán với nước đó cho đến khi nào nhận được bồi thường thỏa đáng. Đó không phải là vì họ ít quan tâm đến dân mình hơn - mà chỉ là vì cái rủi ro trong chuyện buôn bán bị lừa đảo của dân các nước khác là lớn hơn rất nhiều, có khi mất hết cơ nghiệp tài sản, còn người Utopia thì nếu có rơi vào hoàn cảnh ấy cũng chẳng mất mát tí gì gọi là của mình. Mất gì thì nhà nước cũng chịu cho cả. Hơn nữa, những hàng hóa bị mất ấy đều là số hàng thừa ế ở trong nước, vì nếu không thế thì chúng đã không được phép xuất khẩu. Thành thử không ai tiếc nuối gì chỗ hàng ấy - và họ nghĩ sẽ là rất tàn bạo nếu ra tay giết hại bao nhiêu người chỉ để hả giận vì một vài thứ mà có hay không cũng chẳng khác gì đối với cuộc sống của một người dân Utopia. Nhưng họ có đường lối khác hẳn nếu một công dân Utopia bị giết hại hoặc trở thành tàn tật bởi tay một chính phủ hoặc cá nhân ngoại quốc. Họ sẽ lập tức tuyên chiến sau khi nhận được tin về một sự kiện như vậy qua đường ngoại giao. Không gì có thể làm họ nguôi giận trong chuyện này, trừ việc đối phương phải giao nộp đương sự có trách nhiệm - và khi ấy, những người này sẽ bị kết án tử hình hoặc giáng làm nô lệ.

Họ không thích những chiến thắng đẫm máu, mà còn xấu hổ vì chúng, vì họ coi việc trả giá cao quá như vậy là ngu xuẩn, cho dù để đạt được cái gì quý giá đến đâu. Điều họ thực sự thấy tự hào là đấu trí thắng kẻ thù. Họ ăn mừng chiến thắng ấy với cả một cuộc diễu hành có chiến tích hẳn hoi, hệt như ăn mừng một chiến công hiển hách vậy. Bạn thấy đấy, họ cho rằng con người cần chiến thắng bằng cái mà chỉ con người mới có, ấy là sức mạnh của trí tuệ. Họ nói con vật nào cũng có thể chiến đấu bằng thân thể - gấu, sư tử, lợn lòi, sói, chó, tất cả đều làm được chuyện ấy, và hầu hết súc vật đều khỏe hơn và dữ tợn hơn ta - nhưng cái khiến chúng ta cao đẳng hơn là trí tuệ và lí lẽ của chúng ta vậy.

Hết chương 10. Mời các bạn đón đọc chương 11 !

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t34701-utopia-dia-dang-tran-gian-chuong-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận