Lúc bà ta kịp hiểu ra thì bốn phương tám hướng đã bị tiếng đàn của Vương Y Nguyệt vây hãm. Vương Y Nguyệt tính toán muốn chiếm được lợi thế phải diệt kẻ mạnh nhất. Hắc Quan Âm nếu bị tiếng đàn tỳ bà của nàng đánh bại thì những kẻ còn lại hồn vía phải sợ hãi tột độ nào dám gây thêm khó dễ. Cho nên nàng ngấm ngầm dùng tiếng đàn vừa phá vỡ uy lực Loạn Tiếu Mệnh vừa dần dà bao quanh Hắc Quan Âm. Đợi khi âm khí đã kín kẽ, Vương Y Nguyệt cười mỉm đắc ý khảy liên hồi lên mặt đàn. Tiếng đinh đang tức thì ngân lên dồn dập. Hắc Quan Âm ngó trái sang phải, trước mặt sau lưng đều có tiếng uy lực rít gió lao đến. Bà ta thản nhiên ngưng bặt tiếng cười Loạn Tiếu Mệnh, tay trái giơ cao phát lộ Hắc Mai Thủ tạo ra muôn vàn bóng ảnh bàn tay bao bọc khắp thân thể. Khổ nhất vẫn là các lão già tại đương trường, vừa khốn đốn với tràng cười khóc của Hắc Quan Âm xong chưa kịp mừng rỡ đã bị tiếng tỳ bà của Vương Y Nguyệt công tâm. U Minh Cung Chủ cũng chịu chung số phận không khá hơn là bao. Chỉ riêng đại tiểu thư không bị Loạn Tiếu Mệnh làm hại nên ung dung đảo bộ né tránh âm khí của Vương Y Nguyệt.
Văn Viễn chau mày lẩm bẩm:
- Lão U Minh Cung Chỉ kia tính ra là tỷ phu của Hắc Quan Âm, tại sao bà ta vẫn dùng Loạn Tiếu Mệnh bức bách? Lẽ nào anh rể em vợ này có hiềm khích với nhau?
Văn Viễn nhìn cảnh Hắc Quan Âm chính hiệu phải vất vả chống đỡ càng khâm phục Vương Y Nguyệt. Ví như để một mình ông khó lòng làm khó được bà ta. Văn Viễn có biết đâu bản thâm khâm phục Vương Y Nguyệt một thì Tam Ác Thánh đứng ở xa quan sát càng khâm phục bội phần. Hiển nhiên, Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn có thiện cảm hơn cả. Hai bà thấy lại tình địch thì bao nhiêu ghen hờn ngày cũ đều bộc phát. Nếu không phải canh chừng hai nàng dâu, hai bà nhất định lao đến thua đủ một phen. May thay, Vương Y Nguyệt đã ra tay. Hai bà nhìn cung cách ngạo thị của nàng bày khổ sở cho Hắc Quan Âm thực sự hả hê không biết để vào đâu cho hết.
Vương Y Nguyệt đột ngột ngưng đàn. Nàng liếc mắt nhìn Văn Viễn đang mắt tròn mắt dẹt há hốc, cười đắc ý:
- Thiếp đã từng nói chỉ cần có đàn trong tay, cao thủ đến đâu thiếp cũng không sợ! Chàng đã tin hay chưa?
Văn Viễn gật gù vái lễ:
- Ta thật không thể bì lại cầm nghệ với nàng được!
Đương trường bây giờ, Cố Thiên Lượng, Hữu Hạnh Chân Nhân, Nhất Đăng Đại Sư mỗi lão đều bị văng đi một góc riêng biệt. Lão U Minh Cung Chủ thì đang dựa vào chân đại tiểu thư như thế chỉ cần nàng ta khẽ nhấc chân sẽ làm lão lăn đùng ra bất tỉnh. Văn Viễn nhìn kỹ mới nhận ra tay trái của đại tiểu thư đang đặt lên ngay vị trí đỉnh đầu của lão. Rõ ràng lão bị đại tiểu thư đang khống chế, thiên hạ này làm gì có chuyện truyền công lực vào kẻ khác qua huyệt Bách Hội. Văn Viễn ngơ ngác tự hỏi:
- Nàng ấy…nàng ấy sao lại khống chế cha mình?
Vương Y Nguyệt nghe thấy liền hừ nhạt:
- Ai bảo chàng nàng ta là con ruột của lão Cung Chủ kia? Nàng ấy chính là con của Hắc Quan Âm! Chàng cứ thong thả xem kịch! Hắc Quan Âm chính hiệu đã hiện thân thì lão ta đã sắp tạ thế!
Văn Viễn giật nảy người:
- Sao…sao lại như thế được?
Ông toan hỏi thêm liền bị giọng nói của Hắc Quan Âm át đi:
- Con bé này khá lắm!
Vốn bà ta ỷ y vào uy lực của Hắc Mai Thủ nên có chút sơ suất bị âm khí từ tiếng đàn của Vương Y Nguyệt đánh trúng mấy chổ trên người. Tuy chỉ là trầy xước y phục nhưng đời thường mấy kẻ có thể làm như vậy được. Hắc Quan Âm nổi giận vẫn phải buột miệng khen. Văn Viễn sợ Hắc Quan Âm đột ngột ra tay nên ngấm ngầm vận hàn nhiệt phòng bị. Vương Y Nguyệt lại chẳng hề tỏ ra ngán ngại. Nàng cười khanh khách nói:
- Các người nhất định có việc riêng muốn tự giải quyết với nhau!
Hắc Quan Âm hừ nhạt:
- Ta cũng không vội, đúng là có vài việc phải làm trước!
Bà ta hướng về phía lão Cung Chủ U Minh, nói:
- Tỷ phu gặp lại ta sao sợ sệt đến vậy! lẽ nào tỷ phu thấy ta còn sống mà không vui mừng hay sao?
Lão cung chủ giật mình liền ú ớ:
- Có…hiển nhiên…hiển nhiên ta rất vui mừng!
Lão nói chưa dứt lời thì Hắc Quan Âm đã đứng ngay trước mặt. Đại tiểu thư được đích thân Hắc Quan Âm truyền dạy nhưng xem ra khinh công bà ta còn lợi hại hơn gấp trăm lần. Văn Viễn nhìn đến độ không dám chớp mắt. Vốn ông đã tính đến cách âm thầm cõng Vương Y Nguyệt chạy trốn, tuy nhiên, dẫu Văn Viễn có chạy hết sức bất quá không hơn được cái nhấc chân của Hắc Quan Âm. Văn Viễn thấy bà ta dùng khinh công tự nhiên chẳng dám màng đến chuyện chạy trốn.
Đại tiểu thư thấy Hắc Quan Âm đến gần liền cúi người cung kính hỏi:
- Không biết con đã có thể gọi người bằng tiếng mẹ hay chưa?
Hắc Quan Âm gật đầu:
- Có thể! Ta bao năm ẩn mình bắt con chịu khổ trong Mai Hoa Trang thật thiệt thòi!
Bọn Cố Thiên Lượng, Nhất Đăng, Hữu Hạnh Chân Nhân nghe vậy đều tròn mắt sửng sốt. Ba lão này đều khả dĩ có thể xếp ngang thời với Hắc Quan Âm nhưng tuyệt nhiên chỉ biết bà ta độc lai độc vãng. Tự dưng hôm nay, Hắc Quan Âm và đại tiểu thư Mai Hoa Trang từ hàng dì cháu đã nghiễm nhiên thừa nhận mẹ con. Chính Tam Ác Thánh đứng từ xa nghe cũng phải ngơ ngác. Lạ lùng nhất vẫn là thái độ của lão cung chủ, từ khi Hắc Quan Âm xuất hiện, lão sợ hãi đến độ thỉnh thoảng run cầm cập. Nếu không bị tràng Loạn Tiếu Mệnh của Hắc Quan Âm và tiếng đàn tỳ bà của Vương Y Nguyệt đả thương, có lẻ lão đã cao bay xa chạy. Dường như đại tiểu thư cũng phòng ngừa việc lão bỏ trốn nên sớm ra tay khống chế. Văn Viễn quan sát mọi việc xảy ra ngầm hiểu bên trong còn chứa nhiều ẩn tình sâu xa.
Hắc Quan Âm liếc nhìn các lão chung tình đang nằm mỗi người một góc rồi cười gằn:
- Bản lãnh của con cũng thật giỏi! Xem như lớp hậu bối thành danh đương thời đều chết mê chết mệt vì con!
Hắc Quan Âm lớn hơn Cố Thiên Lượng hai mươi tuổi nên có thể gọi lão là hậu bối, riêng về Hữu Hạnh Chân Nhân cùng nhà sư Nhất Đăng chỉ kém Hắc Quan Âm không quá mười năm. Hắc Quan Âm trước gọi cả bọn là hậu bối dầu kèm theo hai lời thành danh nhưng thực chất chẳng coi bản lãnh các lão già này ra gì.
Đại tiểu thư lên tiếng đáp:
- Chỉ tiếc là con đã uổng công! Bọn họ tài nghệ chưa bì bằng con làm sao có thể địch nổi Tam Ác Thánh! Con cũng bỏ nhiều năm nghiên cứu võ công thành danh của họ, đem so với Cuồng Tâm Pháp của Phùng Bất Nghiêng thật sự là trò cười!
Hóa ra, đại tiểu thư khiến các lão già si tình căn bản chỉ muốn đoạt lấy võ nghệ thành danh của họ hòng địch lại Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng. Văn Viễn trước đây luôn cho rằng bản lãnh của nàng ta đã cao cường không lý gì còn muốn làm đệ nhất thiên hạ. Vì vậy ông cứ đinh ninh, đại tiểu thư nhắm vào bí ẩn Tử Hà Thần Công chính là kho tàng. Giờ đây Văn Viễn đã hiểu ra, nàng làm trăm ngàn cách cũng chỉ hi vọng tìm ra tàng thư bảo điển thắng được Cuồng Tâm Pháp.
Hắc Quan Âm hừ nhạt:
- Vậy thì cần gì phải giữ lại những kẻ vô dụng!
Cố Thiên Lượng, Nhất Đăng Đại Sư, Hữu Hạnh Chân Nhân nghe lời này đều biến đổi sắc mặt. Ba lão nhớ lại Vô Sách Đại Sư chết thảm không kịp kêu la một tiếng tự nhiên ớn lạnh trong bụng. Trong ba lão, nhà sư Nhất Đăng nằm gần Hắc Quan Âm nhất. Bà ta tiện thể bèn ung dung đến cạnh nhà sư. Hắc Quan Âm chắp tay sau lưng, trầm ngâm nói:
- Ngươi tu hành ở Đại Lý Tự đã gần năm mươi năm vẫn không diệt được si hồng trần! Tuy nhiên, ngươi chưa đến độ bày ra lắm trò điên đảo thị phi như tên Vô Sách! Xem như Hắc Quan Âm ta nể mấy mươi năm tu hành của ngươi! Ngươi mau tự giải quyết đi!
Nhà sư Nhất Đăng tự biết không thể địch lại Hắc Quan Âm. Bản thân ông ta vừa trúng tràng cười Loạn Tiếu Mệnh, cộng thêm tiếng tỳ bà giết người của Vương Y Nguyệt, tâm mạch đều rối tung, đến hơi thở ra cũng đứt quãng đầy khó nhọc. Nhà sư nhìn sang đại tiểu thư, đợi chờ cái nhìn xót thương của người ngọc. Tuy nhiên, đại tiểu thư vẫn thản nhiên không để ý đến. Nhà sư Nhất Đăng bật tràng cười chua chát:
- Ta chết nàng vẫn chớ hề đoái hoài đến, mười năm tình si của ta chẳng thể đánh đổi nổi nụ cười của nàng!
Nhà sư cười xong liền giơ tay trái đánh mạnh lên đỉnh đầu, vỡ óc mà chết. Đại tiểu thư vẫn thản nhiên như không biết. Nàng lúc này chỉ chăm chú nhìn Vương Y Nguyệt, ví như không phải đang bận khống chế lão cung chủ U Minh, nàng nhất định đã ăn thua đủ một phen cho hả ghen hờn.
Hắc Quan Âm lúc này quay sang Hữu Hạnh Chân Nhân. Bà ta nói:
- Ngươi cũng nên biết điều, để đích thân ta ra tay nhất định sẽ rất đau đớn!
Hữu Hạnh Chân Nhân vốn đã coi nhẹ sống chết từ lâu. Lão đạo gắng gượng chút hơi tàn, nói:
- Ta tự biết khó sống nổi! Chỉ xin được thỏa nguyện một điều!
Hắc Quan Âm gật gù đáp:
- Ngươi cả đời say mê nhất là trà! Con gái ta dùng trăm phương ngàn kế vẫn không khiến ngươi lụy tình được! Tính ra bổn đạo ngươi cao thâm hơn hai tên trọc Vô Sách và Nhất Đăng một bậc! Có phải ngươi muốn hỏi cách pha chế trà Thập Hoa Phần đúng cách?
Hữu Hạnh Chân Nhân nói:
- Ân sư của bần đạo cũng vì điều này ôm hận mà chết! Bần đạo cũng chỉ mong được giải đáp vấn đề này!
Văn Viễn dẫu xót thương cho lão đạo nhưng thật tâm cũng muốn biết cách pha chế Thập Hoa Phần. Khi còn ở Ứng Kê, ông đã mày mò hết mọi điển tích về trà tiên Lê Khắc Đáng vẫn không thể tìm ra bí pháp này.
Hắc Quan Âm thấy lão đạo đến chết vẫn giữ vững tâm si về trà nên cũng đôi phần mủi lòng. Bà ta đáp:
- Thập Hoa Phần pha chế bằng cách nào cũng đều vô ích! Căn bản, lá trà thấm đẫm hương mười loại hoa thơm sau khi làm khô đã bị phai nhạt một phần, lúc đến tay người dùng lại bị phai nhạt thêm một phần! Đây là thứ trà hảo hạng không mấy người uống được vì vậy thương buôn, chủ quán phải cất giữ lâu ngày vô tình phai nhạt hương vị thêm một phần nữa! Vì vậy, dầu được pha chế công phu đến đâu, bản thân Thập Hoa Phần cũng đã mất đi ba bốn phần hương vị! Thành ra, muốn uống được trà Thập Hoa Phần đầy đủ hương vị, chỉ có cách dùng trà tươi! Nghĩa là lá trà mới vừa hái thì dùng ngay, như vậy mới giữ nguyên được hết tuy túy! Theo ta được biết, đây chính là cách trà tiên Lê Khắc Đáng dùng để uống Thập Hoa Phần!
Hữu Hạnh Chân Nhân và Văn Viễn nghe xong đều tỉnh ngộ. Lão đạo mấy mươi năm ở đạo quán mày mò phương pháp pha chế Thập Hoa Phần, chỉ toàn dùng thứ Thập Hoa Phần đã được sơ chế làm khô, vì vậy, lão đạo thử trăm phương ngàn cách đều không thể giữ được hương vị của trà. Hữu Hạnh Chân Nhân cười ha hả:
- Ta cuối cùng cũng đã biết được cách pha chế Thập Hoa Phần!
Lão đạo cười lớn xong liền ngã vật ra sau tắt thở. Thanh kiếm liễu lão đạo vẫn giấu trong tay áo bên phải đã cắm sâu vào tim. Đến tự sát cũng nhanh như chớp không mấy kẻ thấy được tỏ tường, bản lãnh dùng kiếm của Hữu Hạnh Chân Nhân quả thật chẳng hư danh. Văn Viễn ngó nhìn bàn tay trái bị cụt của lão đạo không khỏi tiếc thương ngậm ngùi.
Cố Thiên Lượng thấy hai đồng hữu bị Hắc Quan Âm ép tự vẫn thì sợ đến biến đổi sắc mặt. Ví như lúc này đại tiểu thư đột nhiên rộng lòng đáp lại khối tình si, lão cũng chẳng có tâm trí màng đến. Lão chỉ muốn bỏ chạy khỏi chân đỉnh núi Lạc Nhạn càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, lúc bình thường lão đã không địch nổi khinh công với Hắc Quan Âm huống hồ chi ngay bây giờ thân thể lại mang nội thương. Vốn lão biết đến đại tiểu thư chỉ tình cờ. Đoán chừng lúc đó, đại tiểu thư chỉ vừa mười lăm mười sáu tuổi, lão cầm lòng không được nên nửa đêm lẻn vào Mai Hoa Trang toan bẻ hoa một bận. Mai Hoa Trang khi đó chưa bày ra trận hoa mai bên ngoài nên lão dễ dàng đột nhập. Chẳng ngờ thay vì mò tới phòng đại tiểu thư, ma xui quỷ khiến lão lại vào nhầm khuê phòng của Hắc Quan Âm. Lão tất nhiên bị đánh một trận thừa sống thiếu chết. Vừa khi đó, đại tiểu thư bỗng nhiên xuất hiện mở lời van xin, Hắc Quan Âm vì vậy mới chừa lại tánh mạng cho lão. Lão chẳng dám rề rà chạy một mạch khỏi Mai Hoa Trang tìm chốn dưỡng thương. Lão hiển nhiên cảm kích đại tiểu thư bất tận, lại nghĩ người đẹp nhất định có lòng chiếu cố đến lão. Khối tình si của lão vì vậy mà thành.
Bây giờ, đối diện với Hắc Quan Âm, nhớ lại chuyện cũ, Cố Thiên Lượng liền hiểu ra việc đại tiểu thư vô tình xuất hiện cứu mạng thật sự có xếp đặt. Lão càng nghĩ càng nuốt không trôi được oán hận. Cố Thiên Lượng bản thân lắm mưu nhiều kể, khi phát hiện bản thân bị trúng mấy kế liên hoàn của Văn Viễn lão đã hận đến tột độ, nhưng gom hết niềm oán hận với Văn Viễn cũng chẳng bì được sự oán hận ngay lúc này. Hóa ra từ đầu, lão đã bị trúng kế của đại tiểu thư. Lão hi sinh con ruột, đệ tử lẫn địa vị chấp chưởng môn hộ mà nuôi khối si ảo. Phút chốc, Cố Thiên Lượng thức tỉnh mọi chuyện thì đã rơi vào thế bị động không sao cứu vãn được.
Cố Thiên Lượng thấy Hắc Quan Âm toan động thủ liền la lớn:
- Xin nương tay! Ta có thể cả đời làm trâu làm ngựa tùy nghi sai khiến! Ta tính ra vẫn hữu dụng hơn mấy lão kia! Chỉ cần cho ta được sống, bắt ta làm gì ta cũng cam chịu!
Hắc Quan Âm cười hăng hắc đáp:
- Ngươi lấy gì đảm bảo cả đời sẽ ngoan ngoãn nghe sai khiến!
Cố Thiên Lượng tức thì giơ tay lên trời đáp:
- Ta xin thề có trời cao chứng giám! Nếu ta phản bội sẽ bị sét đánh tan thây, loạn kiếm bằm nát thể xác, chết không được toàn thây!
Kẻ sợ chết hiển nhiên thề thốt trơn tru không sao kể xiết. Văn Viễn nhớ lại cái chết của Hoàng Kỳ lẫn Trần Quang thì tức khí xông mờ mắt. Ông thấy Hắc Quan Âm trầm ngâm tựa chừng đang cân đo nặng nhẹ, liền vội vàng xen vào:
- Thề? Lão đến con ruột cũng giết bỏ, huynh đệ đồng môn cũng chẳng tha, đệ tử một tay đào tạo cũng thí phát! Lão có thề đến sáng mai đừng hòng qua mặt được tiền bối Hắc Quan Âm đây! Hắc Quan Âm tiền bối nhìn xa trông rộng rõ ràng từ lâu thấy được tâm địa bất chính của lão! Lão chớ hòng trí trá chi cho uổng công!
Văn Viễn thật bụng muốn đẩy Cố Thiên Lượng vào chổ chết nên mạt sát lão hết mực, còn ca tụng Hắc Quan Âm như thể là người thông tuệ sáng suốt. Hắc Quan Âm nghe xong gật gù:
- Hắn nói ngươi tiểu nhân hiểm trá, ta thấy rất có lý! Ta làm sao tin được ngươi đây? Lẽ ra mười năm trước ngươi đã chết mất xác! Ta giữ mạng ngươi thêm mười năm tưởng đâu có thể lợi dụng làm được vài việc, kết cuộc ngươi lại khiến ta thất vọng!
Cố Thiên Lượng nghe sát khí trong lời nói của Hắc Quan Âm thì sợ đến líu lưỡi chẳng thể trả treo được câu nào. Hắc Quan Âm ung dung nói tiếp:
- Theo lời tên kia thì ngươi cũng thật khéo bày trò, hại đồng môn, giết con ruột lẫn đồ đệ! Coi như Hắc Quan Âm ta nể cái tâm giỏi gieo rắc thị phi của ngươi! Ta hứa sẽ dành cho ngươi cái chết thật nhanh để bớt đau đớn!
Cố Thiên Lượng chưa kịp định thần để mở miệng thì trước mặt lão đã tối sầm. Hắc Quan Âm khẽ nhấc tay trái đánh luôn một chưởng Hắc Mai Thủ hất văng Cố Thiên Lượng va vào vách đá gần đó. Cố Thiên Lượng chưa kịp rơi xuống hồn đã lìa khỏi xác. Đầu lão bị đánh nát tương chỉ còn một nhúm bê bết máu thịt. Văn Viễn dẫu biết bản thân sớm cũng được Hắc Quan Âm tặng cho kết cục như vậy nhưng vẫn hả dạ. Chí ít ông cũng tận mắt thấy được Cố Thiên Lượng chết thảm. Văn Viễn hả dạ xong thì buột miệng lẩm bẩm:
- Kết cuộc cũng chỉ là thây phơi ngoài đường, cớ gì không an nhiên sống lại bày nhiều trò gian xảo để làm gì?
Lão cung chủ thấy Hắc Quan Âm ép chết nhà sư Nhất Đăng cùng Hữu Hạnh Chân Nhân, tự tay đánh chết nhà sư Vô Sách và Cố Thiên Lượng, càng thêm run rẩy. Lão tự biết kết cục bản thân cũng không mấy sáng sủa, chỉ bám víu chút hi vọng nể tình ruột thịt được Hắc Quan Âm dung tình.
Tam Ác Thánh đứng từ xa ngó thấy người nào trong lòng đều nghi hoặc. Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng trầm ngâm:
- Hắc Quan Âm sao tự nhiên lại có con riêng? Bao nhiêu năm qua, bà ta vốn ít khi gần gũi ai, kể cả thân thích trong Mai Hoa Trang cũng khó lòng kề cận, làm sao bà ta lại chung đụng với nam nhân khác mà có con được?
Phùng Nghi Văn, Phùng Ân Khổ từ khi biết Hắc Quan Âm còn sống thì lửa ghen càng lúc càng cháy đỏ. Hai bà thi nhau mạt sát chẳng tiếc lời. Phùng Ân Khổ liếc thấy Phùng Bất Nghiêng trầm tư liền cho rằng đức lang quân đang quyến luyến hương xưa phấn cũ bèn mai mỉa:
- Chàng còn không mau đến tương phùng với tình mộng của chàng đi thôi!
Phùng Nghi Văn mỉa mai thêm:
- Ả góa bụa áo đen đó ngày trước làm khổ chị em ta! Ả sinh ra con bé góa bụa đen kia tiếp tục làm khổ Phùng nhi của chúng ta! Chàng còn không mau đến mà dạy cho hai mẹ con góa bụa áo đen đó một trận! Hay chàng nghĩa xưa tình cũ lại dậy nên chẳng nỡ?
Phùng Bất Nghiêng biết tánh hai phu nhân hay ghen hờn, dẫu bây giờ đầu đều bạc trắng như cước nhưng lửa ghen chỉ có tăng chứ chẳng hề suy giảm. Lão quen chiều chuộng hai bà nên dầu bị mai mỉa hành hạ nặng nhẹ cũng không dám hé răng cãi lại nửa câu. Tuy nhiên, bây giờ lại có mặt Đại Sỹ và Cao Bạch Vân, Phùng Bất Nghiêng phải giữ uy nghiêm đâu để hai bà tùy tiện. Phùng Bất Nghiêng tức thì quay lại nghiêm giọng:
- Hai nàng không được ăn nói hàm hồ kẻo hai con dâu của chúng ta lẫn lộn trắng đen! Phùng Bất Nghiêng này một khi đã muốn làm thì không ai ngăn cản được, còn ta không làm thì cũng không ai ép uổng được! Cả hai nàng cũng không ngoại lệ!
Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn chẳng mấy phen bị Phùng Bất Nghiêng thị uy nên tự biết thân phận liền im thin thít. Phùng Bất Nghiêng tuy hay chiều chuộng nhưng căn bản hai bà đều kính sợ lão một phép. Chính vì càng kính nể nên hai bà càng thích bày nhiều trò ghen hờn để được lão hạ mình chiều chuộng, mãi thành quen tính. Đại Sỹ và Cao Bạch Vân đến Bạch gia trang bấy lâu lần đầu tiên mới thấy nét mặt này của Phùng Bất Nghiêng. Hai nàng cứ nghĩ ông cha chồng này khó lòng dám vượt mặt hai bà mẹ chồng đáo để nên trong tâm cũng có lúc khinh nhờn. Nay, cả hai thấy Phùng Bất Nghiêng lộ uy tự nhiên cũng kinh động tâm phách cúi mặt không dám ngẩng nhìn. Hai nàng đều liếc nhìn nhau mừng thầm, bụng bảo dạ:
- May mà Phùng lang của chúng ta không thừa hưởng được tính nghiêm nghị này! Chí ít chàng ta cũng chẳng dám lớn tiếng với chúng ta!
Lúc này tại đương trường, không gian tự nhiên yên ắng đến đáng sợ. Hắc Quan Âm đã phát hiện ra mấy nguồn nội lực thâm hậu đang ẩn hiện xung quanh nhưng bà ta không thể tìm ra chính xác. Bà ta tự thị những kẻ còn sống đủ sánh ngang hàng với mình không quá hai người nên chẳng thèm quan tâm đến. Hắc Quan Âm quay sang lão cung chủ, từ tốn nói:
- Đã lâu không gặp, tỷ phu vẫn rất tráng kiện!
Lão ta thần hồn nát thần tính tự nhiên quỳ sụp xuống lạy Hắc Quan Âm như điên dại:
- Xin muội hãy tha thứ cho ta! Xin muội hãy tha thứ cho ta!
Văn Viễn đoán già đoán non vẫn không đoán ra được vì sao lão lại sợ cô em vợ của mình, càng thêm việc đại tiểu thư từ thân phận con lớn của lão giờ hóa ra là con ruột của Hắc Quan Âm. Ông thấy Vương Y Nguyệt thản nhiên nhìn không lộ ra chút kinh ngạc nào liền đoán chừng nàng ta có mấy phần thông thuộc. Ông bèn hỏi:
- Nàng có biết vì sao lão ta lại sợ Hắc Quan Âm đến vậy?
Vương Y Nguyệt hạ giọng thì thầm:
- Chàng còn nhớ lúc gặp đại tiểu thư và lão cung chủ ở trên thuyền khi cứu Ác Ma Song Tẩu, thiếp chỉ nói một câu đã khiến lão ta co giò bỏ chạy thục mạng, chàng có nhớ hay không?
Văn Viễn gật đầu:
- Tại hạ có nhớ, khi đó tại hạ vẫn thắc mắc không hiểu nguyên nhân thế nào?
Vương Y Nguyệt nghe Văn Viễn xưng hô đầy xa cách tự nhiên muốn nổi một trận nũng nịu nhưng vì tình thế trước mặt hung hiểm, nàng đành bấm bụng làm ngơ mà kể:
- Thiếp năm xưa trong lốt Cầm Điệp Cuồng Sinh thông đồng với Sa tiểu thư vào Mai Hoa Trang cốt chỉ muốn trộm Lục Thất Mệnh! Tuy nhiên, Lục Thất Mệnh lại được treo ở cấm địa Mai Hoa Trang cho nên dầu trăm phương ngàn kế, thiếp vẫn không sao xem được! Vì vậy, thiếp chiêu dụ đại tiểu thư kết cuộc tìm ra được cách để xuống cấm địa! Một đêm nọ, đợi cả Mai Hoa Trang đều say giấc, thiếp lén lút lần mò đi vào cấm địa, vô tình phát hiện ra lão ta đang ôm lấy bài vị của Hắc Quan Âm mà khóc lóc thê thiết! Lão ta đang say rượu nên chẳng hề giấu diếm thổ lộ hết mọi chuyện!
Văn Viễn nghe đến đâu không khỏi khâm phục sự gan dạ của Vương Y Nguyệt. Nàng không hề có chút nội lực căn bản vẫn ngang nhiên vào trong Mai Hoa Trang hành sự. Một khi mọi chuyện vỡ lở, nàng có bề toàn mạng.
Vương Y Nguyệt kể tiếp:
- Hóa ra, lão già này đã mê mẩn cô em vợ là Hắc Quan Âm từ lâu! Nhưng Hắc Quan Âm một hai chung tình với cha chàng là Phùng Bất Nghiêng khiến lão vô cùng oán hận! Hắc Quan Âm sau lần bị cha chàng thẳng thừng từ chối, quay về Mai Hoa Trang đâm ra phát tâm bệnh mỗi lúc một suy kiệt! Lão cung chủ này nhân cơ hội đó đã bày ra trò bất chính với bà ta cho thỏa dạ!
Văn Viễn ngơ ngác:
- Trò bất chính…trò bất chính ư?
Vương Y Nguyệt nhịn không nổi liền tát yêu Văn Viễn một cái:
- Chàng còn hỏi trò bất chính gì ư? Thế lúc ở dưới gầm giường trong quán trọ trấn Sa Hà, chàng chẳng phải cũng…!
Vương Y Nguyệt thẹn quá đành bỏ lỡ câu nói. Văn Viễn giật mình hiểu ra. Lão cung chủ này si mê Hắc Quan Âm quá đổi nên mặc kệ luân thường đạo lý mà cưỡng đoạt. Ông đoán chừng Hắc Quan Âm khi đó vừa thẹn vừa giận nên đã thông đồng với đại tiểu thư mà giả chết. Hắc Quan Âm lần này hiện thân tất nhiên không tha cho lão cung chủ. Thảo nào nhìn thấy bà ta, lão đã sợ đến bủn rủn tay chân.
Văn Viễn ngẫm nghĩ xong lại hỏi:
- Nhưng làm sao đại tiểu thư lại là con ruột của Hắc Quan Âm cho được?
Vương Y Nguyệt cười khúc khích tinh nghịch:
- Nếu chàng kêu một tiếng hiền thê, thiếp nhất định ngoan ngoãn nói cho chàng nghe! Bằng không, chàng cứ năn nỉ Hắc Quan Âm hết lời! Bà ta động lòng thế nào cũng kể!
Trên đời này làm gì có ai dại dột đem chuyện đời tư chẳng mấy đẹp đẽ của bản thân ra oang oang với người khác, Hắc Quan Âm còn là người đó địa vị, có đánh chết cũng đừng hòng bà ta hé răng nửa câu. Văn Viễn cũng không dại dột châm dầu vào lửa chọc Hắc Quan Âm nổi giận. Ông chỉ còn nước lấy lòng lấy dạ Vương Y Nguyệt để mong được hiểu ẩn tình bên trong Mai Hoa Trang. Ông đã công khai bày tỏ tình ý với Vương Y Nguyệt, đã định sẽ đem nàng về Bạch gia trang ra mắt song thân, thành ra, gọi một tiếng hiền thê cũng chẳng có trái đạo gì. Văn Viễn liền kề tai người ngọc mà cất tiếng gọi. Vương Y Nguyệt nghe thấy đỏ hồng hai má sung sướng. Tuy Văn Viễn hạ giọng gọi nhỏ nhưng đại tiểu thư công lực thâm hậu cũng nghe rõ mồm một. Nàng ta nổi đóa chỉ muốn một chưởng đánh chết ngay Vương Y Nguyệt.
Văn Viễn gọi một tiếng, Vương Y Nguyệt cười khúc khích chê nhỏ quá nghe không rõ. Văn Viễn gọi liên hồi hai ba tiếng, nàng ta mới ưng dạ mà kể tiếp:
- Chuyện này liên quan đến một kẻ có ngoại hiệu Bách Diện Lang Quân!
Văn Viễn chớ hề nghe qua nên không khỏi ngạc nhiên:
- Bách Diện Lang Quân, nghe cái hiệu cũng biết hắn chẳng phải là kẻ đàng hoàng!
Vương Y Nguyệt gật đầu đáp:
- Hắn có cái tài hóa trang giống hệt người khác! Hắn chuyên hóa trang thành những người thành danh trong giang hồ để đi lừa gạt khắp nơi! Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng cũng bị hắn giả danh!
Văn Viễn sửng sốt:
- Hắn dám giả danh cả cha của ta ư?
Nhân sĩ giang hồ nghe đến Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng đều sợ hãi như nghe phải sấm giữa trời quang mà vừa kính vừa sợ. E rằng bọn họ kính sợ cha mẹ thân sinh cũng chưa được một phần mười sự kính sợ với Phùng Bất Nghiêng. Văn Viễn thừa biết điều trên nên nghe có kẻ dám giả danh cha mình không khỏi sửng sốt. Tính ra, Bách Diện Lang Quân có lá gan chẳng hề nhỏ.
Vương Y Nguyệt kể tiếp:
- Hắc Quan Âm sau khi chữa trị cho chàng khỏi phong hàn liền bày tỏ tình cảm với Phùng Bất Nghiêng nhưng bị từ chối, còn bị mẹ lớn mẹ nhỏ của chàng động thủ đuổi khỏi Bạch gia trang! Bà ta hậm hực bỏ đi, trên đường về gặp phải Bách Diện Lang Quân đang trong lốt Phùng Bất Nghiêng! Bà ta mừng rỡ cứ tưởng cha chàng đã âm thầm đuổi theo! Bạch Diện Lang Quân giỏi nhất là gạt tình khuê nữ! Thiếp đoán hắn lúc đó cũng ngán ngại uy danh Hắc Quan Âm nhưng nghĩ có hậu quả gì thì cha chàng là kẻ chịu trách nhiệm nên thản nhiên khêu hoa bẻ nhụy! Hậu quả Hắc Quan Âm đã thụ thai ra đại tiểu thư! Bà ta đơn thân không thể công khai chuyện có con được nên sau khi đẻ xong liền để cho lão cung chủ kia nuôi nên mới thành đại tiểu thư Mai Hoa Trang! Mấy năm sau đó, vợ của lão cung chủ cũng lần lượt hạ sinh ra ba nàng tiểu thư còn lại! Mai Hoa Trang vốn ít người nên thân thế của đại tiểu thư cũng chẳng mấy ai biết rõ, hơn nữa, các nàng tiểu thư đều giống nhau như khuôn đúc khiến người ngoài cũng không thể ngờ được!
Văn Viễn liền hỏi:
- Lẽ nào Hắc Quan Âm không biết mình bị lừa hay sao?
Vương Y Nguyệt đáp:
- Bà ta lúc đầu còn say tình nên không màng đến, nhưng sau khi tỉnh táo liền sanh ngờ vực! Đại Ác Thánh Phùng Bất Nghiêng không bao giờ rời quá Nhị Ác Thánh và Tam Thánh Hậu làm gì có chuyện bỏ đến mấy tháng liền mà hoan tình luyến ái phong lưu! Hắc Quan Âm khi hiểu ra chân tướng liền đùng đùng nổi giận! Bà ta tức thì lùng bắt Bách Diện Lang Quân! Thiếp nghe nói đoán chừng bà ta đã ném lão Lang Quân đó ở cấm địa để Xích Trung thi nhau rúc rỉa xương thịt! Lão Lang Quân đó chết chắc chắn thảm não vô cùng!
Văn Viễn nhớ lại khi ôm đại tiểu thư rơi xuống cấm địa có phát hiện bên bờ hồ rải rác mấy đoạn xương khô. Thì ra đó là tàn cốt của Bách Diện Lang Quân. Tuy Phùng Bất Nghiêng chẳng hề dính líu chút nào đến đoạn bi kịch này nhưng cũng vì si mê ông nên Hắc Quan Âm mới trúng kế mà mang ô nhục. Thành ra, bà ta oán hận Phùng Bất Nghiêng là chuyện rõ ràng, càng oán hận Phùng Bất Nghiêng, bà ta sẽ càng oán hận Nhị Ác Thánh và Tam Thánh Hậu. Trong lòng bà ta luôn cho rằng Phùng Bất Nghiêng có tình ý với mình, chỉ vì hai bà vợ quyết liệt ngăn cản nên không dám biểu thị.
Vương Y Nguyệt tự nhiên liếc Văn Viễn một cái sắc lẹm:
- Sau này chàng dám bỏ rơi thiếp, thiếp sẽ tự tay giết chàng rồi tự vẫn theo chứ chẳng như Hắc Quan Âm kia vừa si tình vừa oán hận cha chàng như vầy!
Văn Viễn thấy người ngọc lộ ghen lời nói như đao sắc kiếm bén không khỏi ớn lạnh trong bụng. Đại Sỹ tuy cũng mấy phen ghen hờn nhưng thủy chung là người đoan chính hiền thục nên không bao giờ nói ra mấy lời hăm dọa đến vậy. Văn Viễn bụng bảo dạ:
- Nếu sau này cha cùng mẹ lớn mẹ nhỏ đồng ý để ta lập thêm Vương Y Nguyệt làm vợ, ta nhất định phải cậy vào Đại Sỹ làm lớn mà kềm cặp cô nàng tiểu thư ưa làm càn này! Có như vậy ta mới yên thân được!
Ví như lúc này Văn Viễn mà biết Tam Ác Thánh đã nhận thêm một nàng dâu lớn gan và làm càn chẳng kém gì Vương Y Nguyệt là Cao Bạch Vân, không biết ông sẽ nghĩ như thế nào.
Hắc Quan Âm thấy Văn Viễn và Vương Y Nguyệt cứ thì thầm to nhỏ, bà ta cũng thừa biết đại tiểu thư đang nổi đóa, liền nạt lớn:
- Hai ngươi muốn tình tự thì đợi xuống dưới âm tào địa phủ! Đừng làm chướng mắt ta!
Vương Y Nguyệt chẳng hề sợ hãi. Nàng ta khinh khỉnh đáp:
- Ta chỉ sợ bà không thấy được lúc đó! Chỉ cần hai mẹ chồng của ta đến đây, người khổ sở nhất định là bà!
Hắc Quan Âm nạt:
- Ngươi nói nhăng nhít, cái gì mà mẹ chồng con dâu? Hai mụ đó thì làm gì được ta?
Vương Y Nguyệt hiển nhiên tự xem bản thân là dâu của Tam Ác Thánh. Nàng đã nghe Văn Viễn kể chuyện mẹ lớn mẹ nhỏ rất ghen hờn Hắc Quan Âm nên định bụng thay hai bà ghẹo gan Hắc Quan Âm một phen, biết đâu sau này hai bà biết được tự nhiên sẽ có thiện cảm. Nàng dâu mà được lòng mẹ chồng thì còn sợ gì không có chổ đứng. Nghĩ vậy, Vương Y Nguyệt ung dung nói:
- Chỉ so bề nhan sắc, bà còn thua hai mẹ chồng của ta lắm lắm!
Vương Y Nguyệt nào có biết mặt mũi Phùng Ân Khổ, Phùng Nghi Văn tròn méo thế nào. Nàng giở lại trò cũ muốn ghẹo gan Hắc Quan Âm một phen nên cứ thẳng thừng hạ bệ. Hắc Quan Âm lại nạt:
- Ngươi đã thấy được mặt ta chưa mà biết so bì nhan sắc với hai mụ họ Phùng kia?