Tôi cố giấu mẹ tôi chuyện này, bởi nhiều lẽ. Mặc dù bức thư hẹn hò ấy biết đâu lại chẳng là của một kẻ xấu. Thật tình nét chữ của người viết rất chững chạc nắn nót, tuy đôi ba chữ có vẻ bị gãy hoặc hơi run. Nhưng cái quan trọng là nội dung bức thư không thể hiện điều gì đáng nghi vấn. Tôi chỉ ái ngại mỗi một điều là địa điểm hẹn. Nơi mình sắp đến hoàn toàn xa lạ. Đã từ lâu, tôi chẳng hề giấu mẹ điều gì, nhưng ở chuyện hẹn hò này, theo yêu cầu của người viết thư hoàn toàn phải giữ kín. Không hiểu sao, tôi lại tin ở những lời lẽ nghiêm chỉnh trong thư. Và, giờ đây, chả lẽ cái tuổi mười tám của mình lại chẳng thể tự chống chọi những biến cố xảy ra hay sao. Nghĩ vậy, nên tôi lẳng lặng gấp bức thư để vào túi áo và lần mò đến theo địa chỉ đã ghi.
Bố tôi vẫn hay dặn tôi, đi đâu nhất là ngoài giờ học hằng ngày, phải báo cho gia đình biết. Nhiều người nói đến cảnh bắt cóc trẻ em, hay lừa gạt đàn bà con gái đang xảy ra ở nơi này, nơi kia nhưng chính mắt tôi thì chưa thấy bao giờ nên cũng còn bán tín bán nghi. Lúc đầu thì hơi run đấy, dù sao tôi chỉ là một cô gái mới lớn. Nhưng đọc kỹ những dòng chữ trong thư tôi thấy hoàn toàn yên tâm. Tôi giấu mẹ có lẽ vì vậy. Và biết đâu, trong ít phút nữa, tôi sẽ phải tự giải quyết một công việc gì đó một cách hoàn toàn độc lập chứ không phải như mọi khi, hơi một tý là lại nhờ mẹ.
Độ nửa tiếng dò hỏi, tôi ngập ngừng đứng trước cánh cửa sắt kéo tầng một của ngôi nhà cao nhất dãy phố. Đúng lúc đó, người trong nhà đẩy cánh cửa. Một mái tóc bạc dày óng xuất hiện, với nụ cười của ông ta thật hiền lành dễ mến. Tôi cúi đầu chào:
- Cho cháu hỏi đây có phải là nhà bác Cẩn không ạ?
- Tôi đây! Cháu thật đúng hẹn! Xin mời vào.
Tôi vừa bước vào, ông già kéo sập cánh cửa lại khiến tôi giật bắn mình. Tim tôi bỗng đập mạnh đến nỗi tưởng như nghẹt thở nếu không cố trấn tĩnh lại.
- Mời cháu ngồi uống nước, ta sẽ nói chuyện.
Lúc này tôi mới ghìm được phần nào sự hồi hộp và quan sát được chút ít về người đàn ông tóc bạc đang ngồi đối diện.
- Có lẽ mời cháu xem chút ít giấy và ảnh này sau đó bác sẽ kể hết mọi điều cần thiết.
Tôi rụt rè cầm cuốn album lên và lật vài trang. Thì ra, trước kia người chủ nhà cũng là một người cường tráng và quyền uy. Hình như ông còn đứng trước micrô nói điều gì đó với mọi người. Thấy tôi ngắm kỹ bức ảnh, ông hỏi:
- Cháu có thấy khuôn mặt nào quen thuộc ở tấm hình đó không?
Tôi cau mày ngắm lại từng khuôn mặt với những
- Vậy cứ tiếp tục xem.
Tôi nhẹ tay lật sang trang sau. Bất ngờ, tôi suýt reo lên vì khuôn mặt của một cô gái nào đó sao mà giống mẹ tôi thế. Linh cảm chợt đến gõ vào cái đầu mụ mị của tôi. Vừa ngẩng lên, người chủ nhà gợi ý:
- Cháu có thể tách ra và xem mặt sau.
- Ô! Chữ ký của mẹ cháu!
Tôi reo lên vì ngạc nhiên. Ông già nhìn tôi một cách âu yếm rồi nói:
- Đúng! Đó là mẹ cháu. Cách đây mười tám năm.
- Thế nghĩa là thế nào ạ? Sao mẹ cháu không bao giờ nhắc đến tên bác cả.
Ông ta bỗng cúi mặt thở dài, chậm rãi nói:
- Mẹ cháu ghét tôi lắm đó. Nhưng biết sao được, giờ đây trong tôi lại trỗi dậy những kỷ niệm u buồn.
Tôi chỉ biết ngồi im lặng và vờ đoán, có thể trước đây người này đã yêu mẹ tôi.
- Sao bác không lại nhà cháu?
Đôi mắt ủ đầy sương khói vì thời gian ấy lại mờ đục đi. Cặp môi khô khốc già nua mấp máy:
- Tôi đã bị cấm đoán.
- Vì sao hả bác? Mẹ cháu cấm ư?
Mái tóc bạc rung rinh trước luồng gió mạnh ào qua cửa sổ. Tôi im lặng chờ đợi câu trả lời, nhưng ông già chỉ ngồi đăm chiêu. Một lúc sau, ông mới mở một hộp sắt nhỏ để sẵn trên bàn nước và lấy ra một tờ giấy gấp làm tư đưa cho tôi.
- Cháu đọc đi! Có lẽ cháu cần phải biết mọi sự đã xảy ra trên cõi đời này.
- Nếu liên quan đến cháu?
- Đúng vậy!
Tôi hồi hộp mở bức thư ra. Nét chữ nghiêng nghiêng này đúng là của mẹ tôi. Không hiểu sao, tay tôi bỗng run lên. Những nét chữ cứ rối tinh trước mặt. Tôi cố trấn tĩnh để đọc từng chữ.
"Anh Cẩn!
Vậy là cái thai tội lỗi ấy thật không may lại nảy sinh từ hai con tim lạnh giá. Anh cần phải quên mọi chuyện đã xảy ra, nếu anh còn có một chút gọi là lòng tự trọng và còn thương tôi. Hãy để tôi sống với những điều bí mật ấy, thật yên ổn, với người chồng mà tôi yêu quý.
Vĩnh biệt!
Nga"
Đột nhiên tôi cắn chặt môi và nhắm tịt mắt lại vì nếu không tôi sẽ hét toáng lên mất. Tai tôi vang vọng những lời thì thầm trầm ấm:
- Đó là sự thật con ạ! Chính bố của con đây. Đã mười tám năm con sống với một người mà con gọi là cha ấy, thật không đúng chút nào...
- Sao! - Tôi ríu lưỡi lại không thể nói ra lời. Phải chừng vài phút sau tôi mới cất được đôi lời:
- Có thể tin được không?
Người đàn ông kia ngồi ủ rũ, mái tóc bạc phủ xõa hai bên má trông rất thảm hại. Tôi run người đứng dậy tự hỏi:
- Tại sao giờ đây tôi mới biết chuyện này?
Bỗng nhiên, cặp môi dày hiền từ của ông già mấp máy:
- Bố thật không xứng đáng chút nào vì không giữ kín được theo yêu cầu của mẹ con. Nhưng vào lúc này bố quá cô đơn.
Tôi nhìn thẳng đôi mắt đục mờ kia và thấy thương hại ông ta. Lát sau ông ta nói tiếp:
- Nếu không nói, bố sống chẳng còn được bao lâu trong căn nhà hoang lạnh này. Nhiều năm qua, tưởng như quên đi mọi chuyện, nhưng cho đến lúc này, bị lâm bệnh hiểm nghèo bố muốn được gặp con...
Tôi thấy lạnh toát cả người và có cảm giác ai đó kéo vai mình lại. Người đàn ông ấy với nước da tuy hồng hào trắng trẻo, nhưng sao đôi mắt lại già nua ảm đạm. Tôi chẳng biết tin và nói gì hơn vào lúc này nên đứng phắt dậy bỏ ra về. Tôi chạy một mạch như điên dại trên đường...
*
* *
Tôi nằm úp mặt trên gối để giấu những giọt nước mắt nóng bỏng đang trào ra. Mình sẽ phải xử trí ra sao, nếu đó là sự thật.
- Con vừa đi đâu về?
Mẹ tôi bỗng hỏi. Tôi rùng mình kéo tấm vỏ chăn trùm kín hết người và không kìm được tiếng khóc.
- Thật quái lạ! Sao lại khóc?
Mẹ rất nghiêm khắc với tôi chứ không như bố. Mọi bận là tôi phải ngồi dậy ngay ngắn và trả lời, nếu không sẽ ăn đòn ngay. Bố tôi lại khác hoàn toàn, lúc nào cũng nhẹ nhàng dỗ dành. Thấy tôi khóc nức nở lên, mẹ kéo tuột vỏ chăn quát to:
- Ngồi dậy! Nói tao nghe, tại sao hả?
Tôi càng co người lại và khóc to hơn. Tôi không còn nỗi lo sợ như mọi khi, tôi thốt lên:
- Có đúng thế không hả mẹ?
- Cái gì! Con này lạ nhỉ?
Tôi ngồi dậy kéo mẹ lại hỏi:
- Chuyện về bố con ra sao hả mẹ?
Mẹ tôi tỏ ra ngỡ ngàng:
- Bố sắp đi làm về rồi. Sao hôm nay mày hỏi ngớ
ngẩn thế?
- Mẹ ơi! Nếu đúng như thế thì con phải xử trí thế
nào ạ?
Hình như mẹ đoán ra điều gì đó hết sức bí ẩn trong con mắt của tôi, nhưng vẫn gặng hỏi:
- Con có bị ốm không đấy?
Tôi vội rút lá thư mà ông già kia hẹn gặp đưa cho mẹ rồi hỏi:
- Người này là thế nào hả mẹ?
Mẹ tôi giở lá thư ra đọc, rồi bỗng vồ lấy tôi nói như gầm lên:
- À, thì ra mày vừa đến đó hả. Sao không hỏi ý kiến tao? Con ranh này ghê thật. Ông ta nói những gì?
Tôi ghìm được tiếng khóc và làu bàu kể:
- Con được xem ảnh và thư của mẹ viết cách đây mười tám năm khi mẹ đang mang thai...
Mẹ tôi bỗng xô tới tát cho tôi mấy cái, rồi ngay sau đó lại ôm chầm lấy tôi mà khóc. Vậy mọi chuyện chắc chắn là sự thật rồi. Thì ra, bố tôi là người hoàn toàn khác, chứ không phải là người mang cái danh thiêng liêng ấy: Bố!
- Ông ta thật đê tiện. Mọi chuyện sẽ làm tan nát cả gia đình ta. Con hãy giữ kín đừng cho bố con biết.
Tôi gục vào vai mẹ nghẹn ngào nói:
- Nhưng giờ đây người ấy đang bị ốm nặng, có lẽ cái chết sắp đến!
- Vậy thì lão ta cứ chết đi và mang theo xuống mồ những điều bí mật ấy chứ. Thật không ra làm sao!
Bấy giờ có bóng người đứng lù lù trước mặt tôi, vì mẹ tôi đang quay lưng ra ngoài nên không nhìn thấy. Tôi giật mình lau vội những giọt nước mắt và ngạc nhiên:
- Bố! Bố về lúc nào mà con không biết?
Mẹ tôi cũng cuống cuồng lấy vạt áo thấm nước mắt và đi xuống bếp. Bố tôi cười to rồi nói:
- Bố thấy hai người to tiếng, rồi lại khóc nữa. Có chuyện gì buồn đến như vậy ư?
Bố tôi bỏ cặp kính trắng rồi cởi chiếc áo sơ mi. Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như mọi ngày, nhưng sao tôi lại có cảm giác khách sáo đến lạnh lùng. Mẹ tôi có lẽ lúng túng nên đánh rơi cả nồi, bát đũa va đập lộn xộn dưới bếp. Tôi chỉ biết ngồi thừ như người mất hồn trên giường, không biết làm gì ngoài một ý nghĩ là nguyện giữ kín mọi chuyện không cho bố tôi biết. Đã mười tám năm qua, tôi được bố chăm sóc và thương yêu hết lòng, vậy thì không thể có cơn cớ gì để làm ông đau khổ, mất mát. Sự chia ly chắc sẽ xảy ra, khi mọi điều vỡ lở, và tôi cùng mẹ sống không thể hạnh phúc. Hơn thế nữa, tôi rất kính trọng bố. Tôi đã được bố dạy dỗ từ bé. Việc thi được vào Đại học Tổng hợp, tôi cũng nhớ tới công lao nuôi nấng lo lắng của bố. Người còn tự hào với bạn bè vì có một người con ngoan như tôi.
Giờ đây bố đang ngồi đọc báo trên bàn không biết có một điều hết sức quan trọng vừa xảy ra trong đời tôi.
Còn người đàn ông ủ rũ, già nua ấy chắc đã toại nguyện trước khi chết vì được gặp tôi, một giọt máu tội lỗi bị bỏ rơi của ông ta. Dù sao tôi chỉ là một đứa con không có tình yêu của ông ta và mẹ tôi. Thời gian trôi qua, mười tám năm, liệu có khi nào ông ta nhớ và cần đến tôi. Có lẽ, giờ đây, bên sự sống và cái chết, ông ta cần đến tôi để bù đắp lại nỗi cô đơn và cay đắng ư? Nhưng, để làm gì và tất cả sẽ ra sao khi bố tôi đang ngồi ở bên bàn kia, một ngày nào đó sẽ mãi mãi xa tôi.
- Nào mời cả nhà vào mâm chứ?
Mẹ tôi vui vẻ dọn cơm. Lẽ ra như mọi bận tôi chạy ngay xuống bếp mà so đũa xếp bát, nhưng nhìn thấy bố vẫn mải mê ngồi đọc sách bên bàn, tôi bước lại gần rồi ôm lấy vai bố mà gọi:
- Bố ơi!
Người không quay lại mỉm cười như mọi bận, mỗi khi tôi líu ríu bên cạnh, mà vẫn ngồi im như bức tượng vậy. Thấy có điều khác lạ, tôi gỡ lấy cặp kính của bố:
- Bố không được đọc nữa! Xuống ăn cơm với con đi.
Bỗng nhiên tôi thấy một cảm giác ấm nóng trên tay. Giật mình tôi ngước nhìn cặp mắt nhòe lệ của bố. Tôi gục đầu vào ngực bố mà nghẹn ngào:
- Vậy là bố đã biết mọi chuyện ư?
- Đúng vậy! - Bố tôi vỗ lên vai tôi an ủi - Bố đã biết ngay từ những ngày đầu khi mẹ mang thai con. Rất tiếc là ai đó lại để cho con biết điều bí mật này.
Một không khí lặng ngắt bao trùm. Nhưng ngay lát sau, bố tôi nói tiếp:
- Theo bố, chúng ta hãy chôn vùi những câu chuyện của mười tám năm kia đi?
- Tất cả sẽ bình thường chứ bố?
- Nhất định rồi!
Bố xoa đầu tôi và giục:
- Mẹ đang chờ bố con mình đấy!
Tôi và bố quay lại nhìn thấy mẹ đang đứng tựa cánh cửa bếp, trên gò má long lanh những giọt nước mắt
mừng vui.