Vụ Án Trường Oxford Chương 20-21


Chương 20-21
Tôi không rõ, tôi không muốn mình phải nghĩ về chuyện này nữa

Quay lại phòng mình rồi, tôi pha một bình cà phê, dọn giường và rải những tấm hình trong phong bì ra trên mặt khăn trải. Nhìn vào chúng, tôi nhớ lại lời nói, như một tiên đề thầm lặng của một họa sĩ tượng trưng: luôn luôn có ít thực tế trong một tấm hình chụp hơn là một bức tranh có thể nắm bắt được. Thật vậy, hình như có cái gì đã bị thất lạc không tìm lại được khỏi bức tranh chắp vá từ những hình ảnh sắc nét không chê được mà tôi đang kiến tạo trên giường.

Tôi cố thử sắp xếp những tấm hình theo thứ tự khác, xoay chuyển vài tấm. Cái gì đó mình đã nhìn thấy. Tôi thử lần nữa, đặt những tấm hình theo đúng những gì tôi nhớ mình đã thấy khi đi vào phòng khách của bà Eagleton. Cái gì đó tôi đã thấy mà Seldom thì không. Tại sao chỉ là tôi, tại sao ông thì không nhìn thấy được? Bởi vì anh không được cảnh báo gì cả, Seldom nói. Có thể nó giống một trong những hình ảnh ba chiều do máy tính tạo ra đang rất thời thượng, gần như vô hình với con mắt lưu ý, chỉ xuất hiện tuần tự, thoáng chốc, khi ta thả lỏng sự quan sát. Cái đầu tiên tôi đã thấy chính là Seldom, bước nhanh về phía tôi trên lối đi rải sỏi. Ở đây không có hình của ông, nhưng tôi nhớ rất rõ cuộc trò chuyện ở cửa trước và ngay lúc ông hỏi tôi về bà Eagleton. Tôi đã chỉ vào chiếc xe lăn điện trên hàng hiên, vậy là ông cũng đã nhìn thấy nó. Ông xoay nắm cửa, cửa âm thầm mở ra, và chúng tôi cùng nhau đi vào phòng khách. Sau đó thì mọi sự đều hỗn độn hơn. Tôi nhớ được tiếng động của con lắc, mặc dù không rõ lắm mình có nhìn đồng hồ không.

Dù sao đi nữa, tấm hình mặt bên trong cánh cửa, cái mắc áo và đồng hồ phải đứng trên đầu dãy hình. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng hung thủ đã nhìn thấy khi thoát ra ngoài, tôi nghĩ. Tôi đặt tấm hình xuống rồi suy tính xem nên đặt cái gì kế tiếp. Tôi đã thấy gì khác trước khi chúng tôi phát hiện ra bà Eagleton nhỉ? Tôi đã nhìn vào chiếc ghế dựa có hoa, mà bà đã ngồi tiếp tôi ngày đầu tiên một cách tự động, để xem bà có đấy không. Tôi nhặt tấm hình hai chiếc ghế dựa nhỏ, đứng trên tấm thảm hoa văn hình kim cương lên. Có thể thấy cả tay vịn của chiếc xe lăn đằng sau một chiếc ghế. Tôi có nhận thấy chiếc xe lăn lúc ở trong đó không? Không thể nói chắc nổi. Thật là phát nản: tự nhiên mọi sự đều tránh né đi đâu khỏi tay tôi cả.

Điểm tập trung duy nhất trong ký ức của tôi là thi thể bà Eagleton nằm trên chiếc tràng kỷ và đôi mắt mở to của bà, hệt như hình ảnh này phát ra một ánh sáng chói chang đến nỗi làm mọi thứ khác lùi vào bóng tối. Nhưng, khi chúng tôi lại gần, tôi đã thấy thêm tấm bảng chơi Scrabble và hai khay chữ bên cạnh bà. Một trong những tấm hình này đã thu lại vị trí của tấm bảng trên chiếc bàn nhỏ. Nó được chụp rất sát và ta có thể nhìn ra hết các từ trên đấy. Seldom và tôi đã bàn thảo về những từ này trước kia, và chúng tôi đều không nghĩ chúng tiết lộ ra được cái gì hay cả, hay có liên hệ cách nào với ký hiệu trong mẩu thư. Thanh tra Petersen cũng không cho chúng là quan trọng. Chúng tôi đồng ý là ký hiệu đã được chọn lựa từ trước vụ án mạng, không phải được gợi ý ngay tại chỗ. Tuy vậy tôi cũng nhìn vào mấy tấm hình hai cái khay chữ. Đây là một cái tôi tin chắc mình chưa thấy: một bên khay chỉ còn một chữ cái, A, và bên kia còn hai chữ cái, R và O. Bà Eagleton nhất định đã chơi cho đến cùng - đến lúc dùng hết chữ cái trong túi - trước khi ngủ thiếp đi. Tôi cố mất một lúc để nghĩ ra xem có chữ nào trong tiếng Anh có thể ghép được với ba chữ cái này, nhưng hình như không có, ngoài ra, nếu có thì thế nào bà Eagleton cũng đã tìm ra rồi. Tại sao trước kia mình không nhận ra mấy cái khay chữ này nhỉ? Tôi cố nhớ lại vị trí của chúng trên bàn. Chúng nằm ở góc bàn gần nhất với nơi Seldom đứng cầm cái gối. Có lẽ, tôi nghĩ, cái mình phải tìm kiếm chính là cái mình chưa nhìn thấy. Tôi quét lướt qua những tấm hình lần nữa, xem mình còn có thể phát hiện chi tiết nào trước kia đã bỏ qua, cho đến tấm cuối cùng, hình ảnh giờ vẫn còn làm tôi kinh hoàng, khuôn mặt không còn sự sống của bà Eagleton. Tôi không thể tìm được thêm điều gì mình đã bỏ qua nữa cả. Vậy là chỉ còn ba thứ: hai khay chữ cái, cái đồng hồ, và chiếc xe lăn.

Chiếc xe lăn... Nó có giải thích được ký hiệu kia không? Chiếc kẻng tam giác cho người nhạc công, bể cá cho Clarck, còn cho bà Eagleton, vòng tròn - bánh chiếc xe lăn, có thể lắm. Hay chữ O trong từ “omertà”, Seldom đã nói. Phải, vòng tròn có thể là bất cứ cái gì. Nhưng, thật lý thú, có một chữ O trên khay chữ. Hay có thể chẳng lý thú gì cả, đấy chỉ là một sự trùng hợp vớ vẩn? Có thể Seldom đã trông thấy chữ O, và nó làm ông nhớ đến từ “omertà”. Seldom còn nói thêm một điều nữa, vào ngày chúng tôi đi chợ Cornered, là ông tin tưởng tôi sẽ thấy được một cái gì vì tôi không phải người Anh. Nhưng cách nhìn không giống người Anh là cách nhìn thế nào?

Tôi giật mình vì tiếng một người nào đó đang cố nhét chiếc phong bì dưới cánh cửa. Tôi mở cửa và thấy Beth đang đứng thẳng người lên thật nhanh, mặt đỏ bừng.Taycô còn mang một mớ phong bì khác nữa.

“Tôi tưởng anh ra ngoài rồi chứ, nếu không tôi đã gõ cửa rồi.”

Tôi mời cô vào phòng rồi nhặt phong bì lên. Trong đó là một tấm thiệp với hình minh họa lấy trong Alice đi qua tấm gương, và dòng chữ “Lời mời dự Không-có-đám-cưới” bằng chữ nổi.

Tôi nhìn nàng mỉm cười, bất ngờ.

“Chuyện là thế này, chúng tôi không kết hôn ngay được. Vụ ly dị của Michael có thể kéo dài hàng năm trời. Nhưng chúng tôi vẫn muốn tổ chức mừng một chút.” Cô bỗng thấy những tấm hình nằm trên giường. “Hình gia đình anh à?”

“Không, tôi không có gia đình, hiểu theo nghĩa thông thường. Đấy là hình cảnh sát chụp vào ngày án mạng của bà Eagleton đấy.”

Beth, tôi thầm suy tính, cũng là người Anh và cái nhìn của cô cũng biểu trưng như bất cứ cái nhìn nào khác. Cô lại là người cuối cùng đã gặp bà Eagleton còn sống, cho nên biết đâu cô chẳng để ý được chuyện gì khác lạ. Tôi ra dấu mời cô lại gần, nhưng cô chùn lại, một nỗi kinh hãi hiện lên trên mặt. Cuối cùng cô bước vài bước lại gần, và liếc nhìn các tấm hình thật vội, như thể sợ không dám nhìn kỹ.

“Sao đã bấy nhiêu lâu rồi, giờ họ lại đưa cho anh? Họ nghĩ còn có thể tìm thấy gì từ những tấm hình này?”

“Họ muốn tìm thấy sự liên quan giữa bà Eagleton và ký hiệu thứ nhất. Có thể nếu bây giờ nhìn lại, cô sẽ thấy thêm điều gì khác - món đồ nào bị mất hay dời chỗ chẳng hạn.”

“Nhưng tôi đã nói thanh tra Petersen rồi, tôi không nhớ nổi từng món đồ nằm chỗ nào khi tôi rời khỏi nhà mà. Khi tôi xuống dưới nhà, thấy bà vẫn còn ngủ nên tôi cố đi ra lặng lẽ hết sức, mà không nhìn lại bà nữa. Tôi đã nói hết đầu đuôi mọi chuyện một lần rồi. Buổi chiều hôm ấy, khi chú Arthur tới hí viện để báo tin cho tôi, họ đã ngồi chờ tôi trong phòng khách, cùng với thi thể vẫn nằm đó.”

Như quyết tâm vượt qua cơn khủng hoảng, cô nhặt lên tấm hình bà Eagleton đang nằm sóng soài trên chiếc tràng kỷ.

“Tôi chỉ biết nói với họ,” cô nói, chỉ ngón tay vào tấm hình, “là tấm chăn phủ chân bà đã biến mất. Bà không bao giờ nằm xuống không có chăn phủ chân, kể cả những ngày ấm áp nhất. Chỉ vì bà không muốn ai nhìn thấy những vết sẹo của mình. Chúng tôi tìm kiếm tấm chăn khắp nhà hôm ấy nhưng không bao giờ thấy lại nó nữa cả.”

“Đúng rồi,” tôi nói, lạ lùng vì chúng tôi đều không nhìn ra. “Tôi chưa bao giờ gặp bà không có cái chăn ấy. Tại sao tên hung thủ lại muốn làm lộ ra những vết sẹo của bà? Hay có thể hắn giữ tấm chăn lại để lưu niệm? Không chừng hắn còn giữ kỷ vật của cả hai vụ giết người kia nữa kìa.”

“Tôi không rõ, tôi không muốn mình phải nghĩ về chuyện này nữa.” Beth nói, đi ra cửa. “Đấy thật là một cơn ác mộng. Tôi ước gì nó qua đi cho rồi. Khi chúng tôi thấy Benito chết ngay giữa buổi hòa nhạc, và thanh tra Petersen xuất hiện trên sân khấu, tôi tưởng mình sẽ chết tại chỗ ngay lúc ấy. Tôi chỉ có thể nghĩ đến một điều là ông ta lại thế nào đó kết tội tôi thêm lần nữa.”

“Không, ông ta đã loại trừ những thành viên dàn nhạc ngay tức thì. Đó phải là một kẻ trèo lên và tấn công từ phía sau.”

“Ừ thôi, ông ấy nghĩ gì cũng thế,” Beth nói, lắc đầu. “Tôi chỉ hy vọng họ bắt được hắn ta cho sớm, để chuyện qua hẳn đi.”Tayđặt trên nắm cửa, cô quay lại tiếp: “Cô bạn gái của anh cũng được mời đến buổi tiệc này nhé, dĩ nhiên. Cô ấy là người chơi quần vợt với anh đấy chứ gì?”

 

Khi Beth đã ra khỏi, tôi chậm chạp bỏ lại những tấm hình vào phong bì. Tấm thiệp mời vẫn nằm trên giường. Hình vẽ chính ra là cảnh bữa tiệc không-sinh nhật, hay nói cho thật đúng, một trong ba trăm sáu mươi tư bữa tiệc không-sinh nhật mà Lewis Carroll[1] đem ra đùa bỡn với chúng ta. Nhà luận lý học trong ông biết rõ là những gì bị gạt ra ngoài trong một phát biểu luôn luôn có tầm mức bao quát lớn hơn những gì được nhắc đến trong cái phát biểu rất nhiều, lớn hơn một cách áp đảo.

Tấm chăn chính là một dấu hiệu báo động nhỏ gây nản lòng. Trong mỗi vụ án còn thêm bao nhiêu điều nữa chúng tôi chưa thấy được? Có thể đó chính là điều mà Seldom hy vọng ở tôi, là tôi sẽ nhìn ra được cái gì đáng ra chúng tôi phải thấy mà lại không có ở đó.

Vẫn tiếp tục nghĩ đến Beth, tôi tìm quần áo để thay trong một ngăn kéo trước khi đi tắm. Điện thoại reo: chính là Lorna gọi. Hóa ra nàng được rảnh chiều hôm nay. Tôi hỏi xem nàng có muốn cùng đi đến buổi trình diễn ảo thuật không. 

“Dĩ nhiên em muốn rồi,” nàng nói. “Em không có ý muốn bỏ lỡ thêm buổi đi chơi nào của anh nữa đâu. Nhưng đi thì đi, em thừa biết sẽ chẳng có gì hơn mấy con thỏ ngớ ngẩn lôi ra từ trong chiếc mũ.”

 

 

Chương 21

 

Khi chúng tôi đến hí viện, không còn ghế nào ở hàng đầu cả, nên Seldom phải lịch sự nhường cho Lorna ghế của ông và ngồi tận đằng cuối. Sân khấu chìm trong bóng tối, nhưng ta có thể nhìn ra được một chiếc bàn trên có ly nước lớn, và một chiếc ghế lưng cao quay mặt về khán giả. Sát đằng sau, có khoảng một chục ghế trống đặt thành hình bán nguyệt xung quanh bàn. Chúng tôi đi vào hội trường vài phút sau khi buổi biểu diễn đã bắt đầu, và ánh sáng đang lụi dần khi chúng tôi ngồi vào ghế. Hí viện mờ tối trong khoảng thời gian như thể chỉ một phần của một giây, trước khi một ngọn đèn pha rọi thẳng vào sân khấu và nhà ảo thuật hiện ra, ngồi trên ghế giống như ông đã có ở đấy từ nãy giờ. Ông ngó xuống khán giả, tay che trên mắt như một cái lưỡi trai.

“Sáng lên! Sáng nữa lên!” ông ta yêu cầu. Ông đứng dậy và đi vòng quanh bàn ra đến rìa sân khấu, tay vẫn che mắt, nhìn lướt qua khán giả.

Một luồng sáng thô bạo chuẩn xác soi sáng vóc dáng khòm khòm của ông. Đến khi đó tôi mới ngạc nhiên thấy hóa ra ông chỉ có một tay. Cánh tay phải đã bị mất, cắt bỏ gọn ghẽ từ vai, giống như ông không bao giờ có nó vậy. Ông lại giơ cánh tay trái lên một cách oai nghiêm và nôn nóng.

“Sáng hơn nữa!” ông lại yêu cầu. “Tôi muốn quý vị nhìn được mọi thứ, để khỏi ai bảo, “chỉ là trò lừa thị giác bằng gương với khói mờ.” Kể cả vì thế mà quý vị nhìn thấy những nếp nhăn của tôi cũng được. Hết bảy nếp nhăn của tôi. Đúng, tôi già lắm rồi chứ gì? Gần như già đến mức không tin nổi. Thế đấy, nhưng tôi cũng đã từng là một đứa trẻ tám tuổi, tôi đã có cả đôi tay, như tất cả quý vị, và tôi đã muốn đi học ảo thuật. “Không, đừng dạy con thủ thuật,” tôi nói với thầy như thế. Vì tôi muốn thành ảo thuật gia, tôi không muốn học các thủ thuật. Nhưng thầy tôi, lúc ấy cũng già gần như tôi bây giờ, bảo rằng: “bước đầu tiên là phải học các thủ thuật đã”.”

Nhà ảo thuật xòe các ngón tay và chìa ra trước mặt như một cái quạt.

“Tôi dám nói với quý vị, vì giờ đây nó chẳng can hệ gì nữa, là những ngón tay của tôi đã có thời nhanh và linh hoạt đến tuyệt đỉnh. Tôi có một thiên bẩm tự nhiên và chẳng mấy chốc đã đi du hành khắp nước - đứa bé làm trò biến hóa, gần giống một thứ quái nhân trưng bày trong gánh xiếc. Nhưng đến mười tuổi thì tôi bị tai nạn. Hay có lẽ đó không phải một tai nạn. Khi tỉnh dậy, tôi đang nằm trên giường bệnh viện, và chỉ còn tay trái. Tôi, người muốn trở thành ảo thuật gia. Tôi, người thuận tay phải. Nhưng ông thầy già của tôi cũng ở đấy, và, trong khi cha mẹ tôi khóc lóc, ông chỉ bảo: “Đây chính là bước thứ hai. Có lẽ có ngày con sẽ thành ảo thuật gia.” Thầy tôi đã mất, và không có ai cho tôi biết bước thứ ba là gì cả. Từ ngày ấy, mỗi lần lên sân khấu, tôi đều thắc mắc không biết có phải ngày ấy đã đến chưa. Có thể chuyện này chỉ có quý vị, các khán giả, mới nói được. Chính vì thế mà tôi luôn luôn đòi thêm ánh sáng, và tôi mời quý vị bước lên sân khấu này, đến tận nơi mà xem. Xin đi lối này.” Từng người một, ông mời cả nửa dãy ghế trên cùng tiến lên sân khấu và ngồi trên những chiếc ghế quanh ông. “Gần nữa, gần nữa vào. Tôi muốn quý vị nhìn kỹ tay tôi, không để mình bị bất ngờ, vì xin nhớ cho, hôm nay tôi không muốn biểu diễn thủ thuật gì cả.”

Ông đặt bàn tay trần trên mặt bàn, ngón cái và ngón trỏ cặp lấy một vật gì nhỏ và trăng trắng. Từ chỗ chúng tôi đang ngồi, tôi không thể nhìn ra đó là chất liệu gì.

“Tôi đến từ một đất nước người ta thường gọi là Rổ bánh mì của thế giới. “Đừng ra đi, con trai ạ,” mẹ tôi vẫn nói, “Con sẽ không bao giờ thiếu bánh mì ở nơi này.” Tôi đã ra đi, nhưng tôi luôn luôn giữ mẩu bánh mì nhỏ này bên mình.” Ông lại chìa nó ra lần nữa giữa hai ngón tay, xoay vòng cho mọi người đều thấy, trước khi cẩn thận đặt nó xuống bàn. Ông dùng bàn tay ấn xuống trong động tác xoáy tròn, y như đang nhồi nặn nó. “Những dấu vết vụn bánh này thật kỳ lạ biết bao. Ban đêm lũ chim tha chúng đi để chúng ta không theo dấu lần trở lại được nữa. “Về lại đây, con trai,” mẹ tôi vẫn nói, “con sẽ không bao giờ thiếu bánh mì ở đây đâu.” Nhưng tôi không về lại được nữa. Những dấu vết vụn bánh này kỳ lạ biết bao! Những dấu vết ta có thể theo đó ra đi, chứ không thể trở về.” Bàn tay ông khoa vòng tròn như đang thôi miên phía trên mặt bàn. “Vì lý do đó tôi đã không dùng hết vụn bánh của mình trên đường. Và dù tôi đi đến nơi nào, tôi sẽ luôn giữ được bên mình...” ông đưa bàn tay lên và chúng tôi thấy tay ông cầm một ổ bánh mì nhỏ xíu đầy đủ hình dáng, hai đầu nhọn chìa ra khỏi nắm tay ông “... một mẩu bánh mì.”

Ông quay lại đưa ổ bánh cho người đầu tiên trên hàng ghế bán nguyệt.

“Đừng ngại. Mời lấy một ít.” Bàn tay, như kim đồng hồ, xoay sang người thứ hai và mở ra để lộ một đầu bánh tròn, nguyên vẹn. “Ông có thể lấy một mẩu lớn hơn. Mời, xin lấy thử một ít,” ông quay sang mỗi người trên dãy ghế, đến khi họ đều đã có một mẩu của chiếc bánh mì.

“Phải,” ông nói một cách tư lự khi đã xong. Ông mở bàn tay ra và chiếc bánh nhỏ vẫn nằm đó, nguyên vẹn. Ông duỗi các ngón tay dài ra trước khi từ từ nắm lại. Khi ông mở tay ra chỉ còn lại mẩu bánh nhỏ, mà ông đưa ra giữa ngón trỏ và ngón cái. “Ta không nên dùng hết vụn bánh của mình trên đường đi.”

Ông đứng lên đón nhận tiếng vỗ tay, và đứng ra bên lề sân khấu tiễn những người ngồi trên ghế xuống. Lorna và tôi nằm trong nhóm thứ hai được lên sân khấu. Bây giờ tôi đã nhìn rõ ông, với cái mũi khoằm, bộ ria đen nhánh giống như ria nhuộm, và mớ tóc rũ xuống bám vào sọ ông. Nhưng tôi bị ấn tượng mạnh nhất với bàn tay to, xương xẩu của ông, với những vết lang ở trên mu. Ông trượt bàn tay một vòng quanh chiếc ly rồi uống một ngụm nước trước khi tiếp tục.

“Tôi thích gọi mục biểu diễn này là “Chậm hóa”,” ông nói. Ông lấy trong túi ra một bộ bài rồi bắt đầu xáo nhanh kinh khủng bằng bàn tay duy nhất của mình. “Thủ thuật không lặp lại được, thầy tôi từng nói thế. Nhưng tôi không muốn biểu diễn thủ thuật, tôi muốn biểu diễn ảo thuật. Ta có thể lặp lại một phép ảo thuật không? Chỉ có sáu lá,” ông nói, lấy từng lá một khỏi cỗ bài. “Ba đỏ, ba đen. Đỏ và đen. Màu đen của đêm tối, màu đỏ của sự sống. Có ai điều khiển được màu sắc không? Có ai áp đặt trật tự cho chúng được không?” Với một cái búng ngón cái, ông hất các lá bài ra trên mặt bàn, từng lá một, hướng lên trên. “Đỏ, đen, đỏ, đen, đỏ, đen.” Các lá bài nằm thành một dãy, đỏ và đen xen kẽ nhau.

“Bây giờ, nhìn vào tay tôi. Tôi muốn làm thật chậm,” ông với tay về phía trước nhặt lên từng lá theo thứ tự nằm trên bàn. “Có ai áp đặt trật tự cho chúng được không?” ông nhắc lại và phóng chúng xuống trở lại trên mặt bàn cũng với cái búng ngón cái. “Đỏ, đỏ, đỏ, đen, đen. Đen. Cái này không cách nào làm chậm hơn thế được,” ông nói, gom các lá bài lại. “Hay có lẽ... có cách.” Lần nữa, ông phóng những lá bài ra với màu sắc xen kẽ, cho chúng rơi xuống thật chậm. “Đỏ, đen, đỏ, đen, đỏ, đen.” Ông quay lại phía chúng tôi để chúng tôi nhìn rõ hành động của ông. Ông nhích bàn tay về phía trước, chậm chạp như một con cua, đụng vào lá bài đầu tiên bằng đầu ngón tay. Ông nhặt lá bài lên nhẹ nhàng tột độ, và khi ông ném chúng xuống bàn, màu sắc đã sắp xếp lại với nhau. “Đỏ, đỏ, đỏ, đen, đen, đen.”

“Nhưng quý ông trẻ tuổi này,” ông nói, bất thần quay cái nhìn sang tôi, “vẫn còn nghi ngờ. Có thể ông ấy đã đọc vài cẩm nang ảo thuật, và nghĩ là bí quyết nằm trong cách tôi nhặt bài lên, hay một tiểu xảo xoa bài. Phải, gặp phiên mình thì ông ấy sẽ làm như vậy. Tôi cũng đã từng làm như vậy khi còn có hai bàn tay. Mà có thể ngày nào đó tôi không sẽ còn bàn tay nào cả.” Ông liệng bài xuống bàn từng lá một. “Đỏ, đen, đỏ, đen, đỏ, đen.” Nhìn tôi lần nữa, ông ra lệnh: “Gom chúng lại đi. Và bây giờ, không để tôi chạm vào chúng, lật lên từng lá một.” Tôi làm theo. Và, khi tôi lật như vậy, những lá bài kia y như đã phục tùng theo lệnh của ông ta. “Đỏ, đỏ, đỏ, đen, đen, đen.”

Khi chúng tôi trở về ghế ngồi giữa lúc khán giả vẫn còn đang vỗ tay tán thưởng, tôi hiểu ra tại sao Seldom kiên quyết muốn tôi coi buổi biểu diễn này. Mỗi màn kế tiếp đều giống như những màn trước, giản dị lạ thường và đồng thời cũng tinh thuần lạ thường, y như ông già này đã thực sự đạt đến một cảnh giới hoàng kim khi ông không cần dùng đến tay nữa. Và có vẻ như ông vui thú khi phá vỡ những quy tắc của nghề mình, từng cái một. Ông lặp lại các thủ thuật, ông cho người ngồi sau lưng mình suốt buổi, ông tiết lộ những kỹ thuật mà các ảo thuật gia khác bao thế hệ qua đã tạo ra cùng một ấn tượng. Có một lần tôi quay ra đằng sau và thấy Seldom đang hoàn toàn mê hoặc, sung sướng lạc vào trong sự thán phục, như một đứa trẻ không bao giờ biết chán xem đi xem lại một kỳ tích. Tôi nhớ lại ông đã nghiêm túc như thế nào khi nói rằng ông ưa giả thuyết bóng ma hơn cho vụ án mạng thứ ba, và tôi thắc mắc không biết ông có thật tin vào những chuyện như vậy không. Nhưng thật khó không bị lôi kéo vì tay nhà ảo thuật: kỹ năng của mỗi màn trình diễn nằm trong sự giản dị từ bản chất và cách giải thích duy nhất luôn luôn là một điều không thể có thật. Suốt buổi không có một khoảng thời giờ trống nào, và đột ngột vô cùng, ông tuyên bố màn diễn cuối cùng.

“Quý vị hẳn đã thắc mắc,” ông nói, “lý do tôi lại có một ly nước lớn thế này trong khi đến giờ tôi mới uống có một ngụm nhỏ. Trong này còn đủ nước cho một con cá bơi lội vòng quanh.” Ông lấy ra một chiếc khăn tay lụa đỏ và chậm rãi lau chiếc ly. “Có lẽ,” ông nói, “nếu ta lau ly cho sạch rồi tưởng tượng ra những viên sỏi nhỏ nhiều màu, có lẽ, như trong bài thơ của Prévert, chúng ta sẽ câu được một chú cá.” Khi ông lấy chiếc khăn về, quả thật có một con cá vàng bơi lội vòng quanh bên trong ly và những viên sỏi nhỏ có màu ở dưới đáy.

“Như quý vị biết, các nhà ảo thuật chúng tôi đã từng bị đày đọa tàn nhẫn qua bao thời đại, kể từ trận lửa trong đó các thuật sĩ theo Pythagoras, những tiền bối của chúng tôi, đã tiêu vong. Đúng thế, toán học và ảo thuật có những gốc gác chung, và trong một thời gian dài chúng bảo vệ cùng một bí mật. Chúng tôi đã bị đày đọa dã man nhất sau cuộc tranh đấu giữa Peter và Simon Thuật sĩ, khi mà những người Thiên chúa giáo chính thức cấm chỉ ảo thuật. Họ sợ rằng sẽ có người cũng biết biến bánh và cá ra nhiều. Chính lúc ấy, các nhà ảo thuật đã sáng tạo cái mà ngày nay vẫn còn là chiến lược sinh tồn của họ: họ viết những cẩm nang giải thích các thủ thuật hiển nhiên nhất và phát tán giữa dân chúng, và họ dùng những cái hộp và gương vớ vẩn trong biểu diễn của mình. Từ từ họ đã thuyết phục được dân chúng rằng đằng sau mỗi màn ảo thuật là một thủ thuật. Họ trở thành những nhà ảo thuật xa lông, không phân biệt nổi khỏi những kẻ làm trò tầm thường, và bằng cách đó đã có thể tiếp tục trong bí mật việc biến bánh mì và cá ra nhiều ngay trước mũi những kẻ đày đọa họ.

“Phải, thủ thuật ảo diệu và lâu dài nhất chính là thuyết phục mọi người rằng ảo thuật không tồn tại. Như tôi đây vừa sử dụng chiếc khăn tay này. Nhưng đối với các nhà ảo thuật chân chính, chiếc khăn tay không che giấu một thủ thuật, mà là một bí mật cổ xưa gấp bội. Vì vậy hãy nhớ giùm,” ông nói với một nụ cười tinh quái, “hãy luôn luôn nhớ giùm rằng: ảo thuật không có thật.” Ông bật ngón tay và một con cá vàng nữa nhảy vào trong nước. “Ảo thuật không có thật.” Ông bật ngón tay lần nữa và con cá thứ ba nhảy vào ly. Ông phủ cái khăn lên ly, và khi ông lấy ra, bên dưới đã không còn cả sỏi, cá, hay ly. “Ảo thuật... không có thật.”



[1] Tác giả của loạt truyện về Alice, trong đó nổi tiếng hơn cả là Alice ở xứ sở diệu kỳ.

Hết chương 21. Mời các bạn đón đọc chương  22!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/34676


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận