Chương 4 Thành đi quanh khuôn viên, qua lối của những tấm đan đúc bằng xi măng và sỏi. Hôm nay là lần đầu tiên, Thành muốn biết căn nhà hình thành như thế nào, khuôn viên hình hộp, mỗi chiều dài đến sáu mươi bước chân. Nhà nằm góc vuông, xây hình hộp, sâu sau hẹp, trồng hàng cây, cả hoa lẫn cây ăn trái theo hình L. Sân trước vuông góc là hai hàng hồng diệp mai và cau, với hai thảm cỏ quanh hai hồ nước.
Thành khựng lại ở góc sân trước bên cánh cổng lớn, nghiêng tai, hít một hơi dài. Dì Út đang quét sân, vội dựng chổi lại gần hỏi:
- Cậu Hai nghe hương thơm lạ phải không?
- Dạ.
- Cậu Ba chiều qua chở về bốn chậu mai chiếu thủy đa. Đặt ngay trước phòng chỗ cửa sổ. Đây, cậu thử xem, các loài mai chiếu thuỷ đều thơm thoảngn và tinh khiết. Phải không? Mai chiếu thuỷ màu trắng.
- Năm cánh dài, hoa nở, nhìn vào nước, rất đẹp.
- Đúng rồi, cậu Hai. Cậu rờ xem. Nó đang nở đầy trong tay cậu, soi bóng dưới mặt hồ. Cậu Ba nói, Mai chiếu thuỷ nở bốn mùa, cao quý và trong trắng, sẽ đem lại cho cậu Hai một niềm vui.
Thành đứng lặng. Bà Út rụt rè nắm tay Thành dắt tới góc hồ. Dưới rặng liễu soi mình là bộ bàn ghế đá. Bà đỡ Thành ngồi xuống, nói:
- Con hoàng yến, cậu Ba mới mua về hót hay lắm. Cậu ngồi một chút đi, nó hót cậu nghe.
Bà định đi, Thành gọi lại:
- Dì Út! Dì ở đây lâu rồi?
Bà Út ngồi xuống bên Thành, thong thả nói:
- Ở với thằng Đạt hồi nó mới sinh lận. Tới năm đó, cậu mất tích, Đạt bỏ nhà đi hoang tìm cậu suốt cả năm, khi về, nhất định không ở với bà nhà. Ông ngoại thằng Đạt xót cháu mới cho miếng đất này và khoản tiền thừa kế với điều kiện, Đạt phải học xong đại học. Có lẽ vì nghĩ đến ngày hôm nay, nên Đạt nhận lời. Căn nhà này nó mới xây xong hồi đi làm, cây cối tự tay trồng lấy. Trời thật không phụ kẻ có lòng, nó tìm mãi rồi cũng tìm ra cậu. Hồi đi học, nó ở nhà trọ, nhà xây xong đòi tôi về ở, thấm thoát gần ba năm rồi.
Tiếng một con chim nào đó hót líu lo, rồi thì hàng chục con chim cùng lên tiếng, khiến cả sân vườn rộn rã. Thành nghiêng tai chăm chú lắng nghe. Bà Út nhẹ nhàng bước đi, nghĩ thầm: "Rồi cậu ấy sẽ quên hết buồn đau".
Có quên được chăng mỗi lòng Thành tự hiểu. Bởi giờ đây, tiếng chim hót không hề đi xuyên qua tâm hồn anh. Thành đang nhìn về quá khứ ...
Ngày ấy, Thành về nhà, trên tay là lồng chim yến. Thành không biết giá trị loài chim này, nhưng biết nó hót hay. Bà Hồng Diệp ngồi may trong nhà, thấy chim, hỏi con ở đâu mà có. Thành nói:
- Thằng em kết nghĩa cho con.
Bao năm, nhưng bà Diệp chưa hề thấy mặt Đạt, dù biết chuyện qua lời kể của Thành.
- Nó giàu lắm ư con?
Thành móc lồng chim trước hiên nhà, cất cặp, đến ngồi dưới chân mẹ:
- Hình như vậy. Nhưng nó cô độc lắm má.
Bà Diệp mắng yêu con:
- Con vì thương thằng nhỏ, bao năm trèo tường chơi chung với nó còn gì. Nó học đến đâu rồi?
- Dạ, lớp chín. Má yên chí. Hè này nó về học chung với con rồi.
- Một năm nữa, con vô đại học, có định trèo tường ra chơi với nó nữa không?
Thành mỉm cười:
- Con nghĩ lúc đó nó lớn rồi, mà con có muốn cũng đâu thể.
- Sao con không đưa nó về nhà chơi?
- Nó đi học như bị tù, xe đưa rước, chân không đụng đất, đâu như con.
- Tội nghiệp! - Bà Diệp nói, lại trở về với công việc.
Con chim đột nhiên cất tiếng hót. Thành vẫn ngồi dưới chân mẹ, lắng nghe vẻ thích thú.
- Nó hót hay quá má. Mai mua thêm con nữa cho nó có bạn.
Bà Diệp ngừng công việc, nói:
- Chim yến đắt tiền lắm, mua không nổi đâu con.
Thành ngẩn ra, nói vội:
- Nuôi một con cũng tốt há má. Mình nhìn thấy nó như thấy thằng Đạt.
Bà Diệp nhìn con:
- Thiếu gì cách để nó "tự do" hả con. Chẳng lẽ ngoài đi học, nó bị nhốt trong nhà có người canh?
- À há! - Thành vỗ trán - Sao con không nghĩ ra.
Thành đứng lên, nói với vẻ quả quyết, đắc ý.
- Chắc cú chiều nay, nó sẽ "diện kiến" má. Con đi nấu cơm đây.
Bà Diệp nhìn theo con, vui buồn lẫn lộn. Nó là đứa con ngoan, tài hoa. Còn bà bạc phước, không giữ được cho nó người cha.
Và chiều ấy, bà thật sự xúc động khi nhìn thấy Đạt. Ở nó, có nét gì thân thuộc như Thành. Nó đối với con bà, thương quý lộ rõ, một điều anh Thành, hai điều anh Thành, điều gì anh Thành nói là đúng tất tần tật.
Bà nhớ ánh mắt nó lúc nhìn Thành ngồi ôm chân bà, tựa người vào, để bà vuốt tóc. Một ánh mắt thơ trẻ đầy niềm ao ước
... mất 2 trang ... Bà từng nghe nhiều lắm, từ thời yêu nhau đến lúc lấy nhau.
- Đạt à! Ngoài tên Lợi, ba con có tên nào khác không?
- Người ta gọi ba con là ông Tiến Lợi.
- Vậy con có biết ngoại con tên gì không?
Đạt ngẫm nghĩ. Từ bé nó không có sự gắn bó gì với gia đình, kể cả ông ngoại rất yêu quý nó.
- Tên ngoại, con không biết. Thỉnh thoảng gặp người lớn, họ gọi ngoại là vua ô tô Tiến Phát miền Tây.
Mặt bà Diệp tái xanh. Trời xanh thật khéo trêu người. Đêm ấy, bà thức trắng, sáng ra nói với Thành:
- Con muốn nhìn cha không Thành?
- Không. Sao má hỏi vậy?
- Vì thằng Đạt là em khác mẹ với con.
Thành chết lặng, nhìn mẹ.
oOo
Ánh đến nhà Đạt lần thứ ba vẫn có cảm giác bồn chồn mà không hiểu tại sao. Cô tự giải thích vì căn nhà lớn quá, mà Đạt ở một mình và có lẽ vì bà giúp việc tỏ ra lạnh nhạt với cô.
Hôm nay cô lại đến, dù không hẹn Đạt. Cô muốn làm anh bất ngờ ở vẻ trẻ trung vừa tạo ra. Ai dám nói cô đã hai bảy trong trang phục này nhỉ? Một chiếc váy ngắn nửa đùi màu trắng, một chiếc áo sát nách thun trắng hở cổ, ôm sát ngực nẩy nở và vòng eo nhỏ xíu kèm với đôi giày thô trắng bạc và mái tóc cột đuôi gà chỏng ngược, phất phơ dãy ruy băng hồng.
Đạt đích thân mở cổng, hơi ngạc nhiên và thích thú khi thấy cô.
- Hôm nay, Ánh như cô nữ sinh đoạt vương miện.
Ánh cười khúc khích, tung tăng vào nhà:
- Thật sao? Em coi như lời khen tặng đó nghe.
Bà Út từ căn phòng sát phòng khách đi ra, tay khoá trái cửa, miệng hỏi:
- Cô cậu dùng nước gì?
Đạt khoát tay:
- Dì đi chợ mua dùm con mấy thứ dặn lúc nãy, ở đây để con.
Bà Út ra đi rồi quay lại:
- Nếu cô cậu đi ăn ở ngoài, cứ khoá cửa lại.
Ánh hơi thắc mắc trong lòng. Bốn lần ghé chơi, không lần nào Ánh được mời cơm, dù đúng bữa. Đang rất vui dù trong nhà hay ngoài vườn, hễ bà Út ra nói đã sáu giờ, là Đạt đưa cô ra ngoài ăn tối.
- Anh thích mẫu người vợ ra sao?
Họ đã ngồi bên nhau ở salon. Ánh hơi ngửa, dựa người ra sau, vươn khuôn ngực đầy hấp dẫn, hỏi.
Đạt nhìn cô không chớp mắt. Chuyện qua đường, chẳng thiếu đối với anh, nhưng điều nghiêm chỉnh Đạt chưa từng. Anh đang để mắt tới Ánh, vì cô quả thật vừa mắt anh, lại thông minh, rất được lòng mọi người, còn giỏi chuyên môn, thêm ông Đăng nói vô hết cỡ.
Và giờ, cô đang ngồi ở gần anh, khêu gợi anh với niềm đam mê rực mắt. Ánh yêu anh không cần che giấu với bất kỳ.
- Anh vốn tham lam - Môi Đạt khô lại.
- Là sao? - Trung thực đi - Cô chúm chím làn môi màu chocolate, gọi mời.
- Phải là cách tay đắc lực của anh ngoài đời và là một vợ hiền nội trợ trong nhà.
- Được rồi - Ánh đứng lên, ngọt ngào - Em tình nguyện làm ứng cử viên số một. Hôm nay anh muốn ăn gì, em sẽ đích thân làm bếp.
Đạt thoáng bối rối, nói nhanh, kéo Ánh ngồi xuống:
- Để khi khác, Ánh ạ. Hôm nay anh muốn ...
Chẳng biết phải Đạt mạnh tay không, mà Ánh ngã chúi vào tay anh. Cả người cô toả hương phủ lấy Đạt, khiến anh rạo rực.
Đạt khép vòng tay, tìm môi Ánh hối hả. Cô ôm chặt anh dâng hiến và thụ hưởng trong niềm đê mê từ lâu đè nén.
Họ quấn siết nhau, ngã dài xuống nệm ghế. Ánh hổn hển trong vòng tay Đạt, nói đứt quãng:
- Đạt! Ánh yêu anh. Yêu ...anh.
Đạt không nói, chỉ hôn và vuốt ve cô, thì thầm:
- Em "ngon" lắm. Hôn anh đi.
Nếu không có tiếng động lạ vang lên khô khốc, có lẽ Đạt không kiềm chế được. Anh choàng tỉnh, kéo váy Ánh xuống, xốc lại áo cho cô, nói nhanh:
- Anh đưa em đi chơi, sau đó mình đi ăn.
Ánh đờ đẫn gật đầu, nỗi đam mê còn đầy trong thân xác cô.
Mười phút sau, cả hai rời nhà. Tiếng xe nhỏ dần, cách cửa bên phòng kế bật mở. Thành sờ soạng đi ra, ngồi thừ ở ghế, gương mặt tái xanh qua ánh mắt đục lờ.
Điện thoại reo, Thành vô hồn bấm máy đưa lên tai.
- Thành! - Giọng người đàn ông nghẹn ngào - Con chịu nghe ba nói rồi sao?
Thành im lặng, và rồi bấm tắt, khoá luôn máy, để lên bàn. Anh vào phòng,, mở ra với túi xách nhỏ, kính đen che mắt và chiếc gậy dò đường. Quen thuộc mọi lối đi trong nhà, Thành đi thong thả, vượt sân vườn ra cổng.
Thành đi hết con đường rẽ, đến lộ chính, dò dẫm tới bưu điện, gọi taxi và đứng chờ. Khi lên taxi, anh mới gỡ kính nói:
- Nghe giọng nói, chắc anh trạc tuổi tôi, nên tôi xin phép gọi bằng anh. Thế này, anh tài xế. Tôi có vài công việ phải làm. Sau đó, tìm một nơi ở trọ để hoàn thành hết mọi việc, chắc tốn nhiều thời gian và sự giúp đỡ của anh, về tiền nong, anh đừng ngại, chỉ mong ...
- Tôi hiểu. Anh yên tâm. Giờ mình đi đâu?
- Đến ngân hàng công thương quận Tân Bình.
Người tài xế đúng là trạc tuổi Thành. Thấy Thành đi vào ngân hàng dáng chững chạc thì biết anh đã lui tới đây nhiều lần. Cô nhân viên thấy Thành, tươi cười chào, nói:
- Lâu quá, không thấy anh ghé.
- Vâng. Tôi đi xa khá lâu. Cô cho tôi rút tiền.
- Dạ, anh rút bao nhiêu để Thuỷ viết phiếu?
- Một triệu.
Vừa lập phiếu, cô vừa trò chuyện.
- Anh còn làm ở Lưu Luyến không?
- Tôi nghỉ lâu rồi, đợi thu xếp xong sẽ đi làm lại.
- Lâu rồi, Thuỷ không nghe tiếng đàn của anh.
- Cảm ơn cô. Tài hoa gì thứ cầm nghệ kiếm cơm.
- Anh lại thế nữa rồi. Anh qua bàn kế toán, nhận tiền nhé. Và nhớ đó, làm ở đâu, điện thoại cho Thuỷ.
- Tôi sẽ nhớ.
Thành ngồi vào xe, người tài xế hỏi:
- Giờ đi đâu?
- Nhờ anh tìm dùm chỗ trọ nào đó, giá tiền rẻ một chút mà yên tịnh.
Người tài xế ngẫm nghĩ rồi nói:
- Bên chỗ tôi ở, mới mở rộng khu dân cư, giá nhà rẻ, chắc tiền thuê cũng phải chăng. Có điều hơi xa đường lớn.
- Có trạm xe buýt không?
- Có trạm gần đó, ngoài hương lộ.
- Được. Mình đến thử.
Đúng như người tài xế nói, chỉ loanh quanh độ nửa giờ, Thành đã thuê được một chỗ. Là một căn nhà xây, lợp tôn, chủ nhân làm thợ xây dựng, có vợ và hai đứa con trai. Đứa đầu độ mười tuổi, đứa sau còn nhỏ. Họ dành cho Thành căn phòng có toilette, lối đi riêng với giá trăm hai một tháng, bao luôn điện nước. Tiền cơm hai trăm mỗi tháng.
Người vợ thấy Thành mù, hơi ngại, anh trấn an:
- Chí cần hai ngày, tôi làm quen nhà và lối đi đến các nơi cần thiết. Bà sẽ không có gì trở ngại cả. Vả lại, tôi chỉ ở tạm một thời gian, nếu thấy được, tôi sẽ mua một mảnh đất, dựng nhà.
Đôi bên thoả thuận, Thành đưa trước hai tháng tiền, còn bao nhiêu đưa hết cho người tài xế. Anh ta đưa lại Thành một trăm ngàn, nói:
- Anh giữ tiêu vặt. Chúc anh tìm được việc làm.
Thành cảm ơn rồi ngần ngừ nói:
- Có một điều xin anh hứa với tôi.
- Anh cứ nói.
- Nếu có ai hỏi về tôi, anh cứ nói không biết.
Người tài xế taxi nhìn Thành, anh ta không thấy gì trên gương mặt bình lặng kia ngoài đôi mắt vô hồn.
- Tôi hứa. Anh yên tâm.
Người tài xế đi rồi, Thành được chú nhỏ con chủ nhà dẫn về phòng riêng. Chú nhỏ tò mò lắm, nhìn Thành mãi, trong khi dắt anh đi quanh, để làm quen với mọi ngõ ngách trong nhà.
- Chú tên Thành. Còn cháu?
- Cháu tên Tiến, học lớp bốn. Chú ơi! Chú ngủ dưới nền nhà ư?
- Không. Chú sẽ nhờ mẹ mua dùm chú một tấm nệm mỏng, gối và mùng mền.
- Hay để con đưa chú đi, kẻo tối. Má con đang nấu cơm.
- Được, luôn tiện làm quen đường.
Cho tới khi thằng Tiến xách cà mên cơm vào, trải nệm, treo mùng dùm Thành, nó với Thành đã vô cùng thân thiết.
Nguồn:
truyen8.mobi/t59355-anh-mat-trong-tim-chuong-4.html