Chốc chốc lại bật máy kiểm tra tin nhắn, từng phút từng giây anh vẫn mong tin từ Trần Phách. Anh không biết sếp sẽ làm cách nào để tìm ra vị trí con tin khi ông ta đang ở xa hàng ngàn km, nhưng anh vẫn hi vọng một thông tin cụ thể hơn.
Một mình anh tay không đi tìm quả là không cạnh tranh được với hàng trăm nhân viên bộ quốc phòng nước bạn được trang bị các thết bị do thám tối tân. Còn anh, chiếc Gamin tích hợp GPS cũng trở nên vô dụng khi không kịp cài sẵn bản đồ vùng sâu này.
Việc này khó hơn tìm kim đáy bể. Anh chỉ có lợi thế duy nhất so với họ là đã từng lùng nát các căn cứ ngầm vùng này, nhiều căn hầm và công sự kiên cố mà ít ai biết đang rải rác xung quanh đồi Dangkrek. Phải rồi, mình nên đến đó trước tiên.
Không phương hướng. Không người cộng tác. Không mẩu bánh dắt lưng. Không vũ khí phòng thân. Hiện trường bí ẩn và mẩu tin nhắn ‘’vu vơ’’ là tham số duy nhất để anh tìm đáp án trong hàng ngàn ẩn số.
Địa điểm khả nghi đầu tiên mà anh nhắm tới đó là một căn hầm chứa vũ khí và quân dụng của Pot pot giáp Thái Lan với vỏ bọc ‘’trại tị nạn’’. Nơi đây được xây dựng kiên cố và trang bị hiện đại để kháng chiến lâu dài chống lại quân tình nguyện trong những năm 80 và quân chính phủ liên hiệp của Hun Sen trong những năm sau đó. Nay hầm này bỏ hoang và gần cửa khẩu Osmach. Mặc dù đã được ta thu hết vũ khí và phá hủy nhưng nó có thể khôi phục lại chẳng mấy khó khăn. Ở đó có rất nhiều xác chết. Cách vị trí bị nạn nửa giờ chạy xe. Nghe có vẻ phù hợp với nạn nhân mô tả trong thư.
Hà Phan suy đi tính lại, vị trí khả nghi nhất vẫn là dãy núi Dangkrek. Tuy một phần rừng núi hiểm trở ở đây đã trở thành khu du lịch ‘’sinh thái’’ hay ‘’mạo hiểm’’ gì đó nhưng vô số căn hầm chỉ huy của các tên đầu sỏ Khơ Me đỏ vẫn đang bị bao trùm bởi màn đêm bí ẩn. Tại đây có căn nhà hai tầng hầm kiên cố là nơi diễn ra các cuộc họp để đưa ra những quyết định tối cao của Khơ Me đỏ, từ đấy có một mạng đường hầm chằng chịt dẫn sang dinh thự của Khieu Samphan và một số lãnh tụ khác. Nay ‘’di sản’’ này thuộc về phiến quân và là nơi đang diễn ra các hoạt động bí mật của chúng.
Một nhà quân sự phương tây đã ví von rằng Along veng chính là một Tora Bora của người Khmer.
Trời về chiều, sau chặng đường hơn 70 km anh đã thấm mệt, đói và khát. Hà Phan quyết định xuống một con suối vắng uống nước.
Địa bàn Battambang- Siem Reap vốn không lạ gì với các trinh sát của sư đoàn bộ binh 309. Tuy mới tham chiến vài năm cuối thậm niên 80 nhưng anh thuộc như lòng bàn tay các phum sóc, ngọn núi cho đến các khe suối. Thậm chí đến vị trí từng gốc cây Bằng lăng cổ thụ ở Cao Melai anh còn nhắm mắt mà đọc vanh vách. Anh và các đồng đội đã từng chui lủi hàng tuần để thâm nhập vào các căn hầm chỉ huy của Khơ me Đỏ ở Amleng, Tà sanh hay Pailin.
Nhưng đó là hơn 17 năm về trước, còn bây giờ nếu có một nhóm nào nhốt con tin ở đâu trong số các vị trí trên anh không thể ngồi một chỗ mà phỏng đoán.
Bỗng có tiếng súng nổ làm Hà Phan đứt ngang dòng suy nghĩ. Anh vội nằm rạp xuống đất quan sát.
Nằm nghe ngóng hồi lâu, anh giật mình khi có tiếng sột soạt cách mình không xa, và những tín hiệu khả nghi dần hiện ra trước mắt:
Hai người đang chặt cây trước một cái lán, một người mang súng M-16 đứng gác. Chúng có tham gia tấn công hay giam giữ nhóm bác sỹ không. Anh đang tự hỏi thì một tiếng quát vang bên tai:
- Shoso-nghiem, boongto-rou chaphoz! (4)
Hà Phan giật mình quay lại, xung quanh anh đã bị vây kín bởi các tay súng PMBU.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!