Âm Mưu Thay Não Chương 34


Chương 34
Mùa khô năm 1979.

Chạy bán sống bán chết khỏi Pnompenh đến Amleng trong một đêm kinh hoàng, Son Sen tự răn mình rằng trả thù mười năm chưa muộn. Điều trước tiên là tránh sức nóng cuộc tiến công như vũ bão của quân địch để bảo toàn lực lượng. Các thủ lĩnh Khơ Me đỏ tan đàn xẻ nghé và chạy ẩn trong lãnh thổ Thái lan để mưu cầu sự giúp đỡ ngoại bang và lập kế sách phục thù.

Từng đứng đầu một quân đội thiện chiến và tàn bạo khét tiếng, Son Sen thoát xác rồi dạt lên các vùng rừng núi lập căn cứ để phục vụ kháng chiến lâu dài. Dù phiêu bạt và chui lủi đi đâu y cũng luôn mang đứa con trai duy nhất 7 tuổi đi cùng. Người cha này chiêu mộ lính mới và thu gom đám tàn quân tái lập các đội du kích trong muôn vàn khốn khó. Tuy y là một tên đồ tể khát máu, nhưng với con trai mình, y tỏ ra là một người cha giàu tình thương và mẫu mực. Y không muốn rời xa đứa con trong khi có thể cho nó tị nạn sang phương tây như vài cán bộ Angka cao cấp đã làm. Y hiểu rằng sống chui lủi nơi thâm sơn cùng cốc không phải là nơi lí tưởng cho một đứa quý tử nhưng chỉ có môi trường này mới đào tạo được những du kích tài năng cho tương lai.

Thật vậy, khi được cha mình thả rong trong thiên nhiên, cậu bé có cặp mắt long lanh đã nhận ra đây chính là môi trường sống đích thực của mình. Cậu thích nghi nhanh chóng với rừng hoang, suối lạ và đặc biệt thích tháo tung những quả mìn và súng mà các chiến binh để trong lán. Dù vậy, nỗi nhớ nhà và sự ngây thơ không bao giờ mất đi ở mọi đứa trẻ. Một hôm cậu thấy cha mình đang ngồi bên bàn làm việc, cậu bé mon men đến gần hỏi:

- Thưa cha, sao chúng ta cứ ở mãi nơi đây?

Rời mắt khỏi tấm bản đồ chiến sự đã làm ông già đi chục tuổi chỉ trong vài tháng, ông bố có khuôn mặt tròn lẳn đặt chiếc bút chì lên bàn rồi thở dài nhìn đứa con yêu.

- Con nhìn kìa! - Ông chỉ tay qua cửa sổ. - Rừng núi có muôn vàn chim muông, suối rạch đầy cá và vị chua ngọt của trái Dâu da chín mọng kia không hấp dẫn con nữa sao?

- Nhưng con nhớ em Ry, con muốn bơi thuyền trên hồ Bo- eng cơ.

Ông vẫy tay nó lại gần rồi xoa lên mái đầu lúp xúp mồ hôi chua lòm:

- Em Ry theo mẹ đi xa rồi, cả gia đình ta sẽ đoàn tụ khi hòa bình con à.

- Hòa bình là cái gì, liệu bao giờ con được về nhà?

Ông bố chỉ chiếc võng dù buộc vào gốc Bằng lăng đang mùa trổ hoa bên con suối xanh mướt rồi vỗ về con mà như đang an ủi chính mình:

- Vương quốc của ta, thiên nhiên trong lành, đây là ngôi nhà tuyệt vời nhất của chúng ta.

- Thôi thôi, con sợ muỗi vắt lắm rồi, con cần đến trường với các bạn, con cần ăn sô-cô –la!

- Thằng hỗn con của cha, ngoan nào, không lâu nữa đâu mà.

- Tại sao không phải là bây giờ? Ai đã bắt ta lên đây?

Người cha lặng câm nhìn vào ánh mắt như oán trách và tra xét của con mình. Quả thực, bao lời mỵ dân với ngay đứa con về một thiên cung trong rừng không thể khuất phục được đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi. Mọi lời phỉnh dụ của ông không che hết những khó khăn thiếu thốn và khắc nghiệt của thời tiết. Mỗi khi lên cơn sốt rét, ông lại lăn đùng giữa nhà mắt trợn ngược trong sự la hét khiếp đảm của đứa con thơ.

Nhìn đứa con bé bỏng của mình rơm rớm nước mắt thèm hơi mẹ làm ông không khỏi chạnh lòng. Ông ta biết cần 10 năm nữa may ra nó mới hiểu được câu trả lời đích thực. Ông không thể nói cho nó sự thật là cha nó đang bị quân tình nguyện và Mặt trận giải phóng truy nã. Nó quá nhỏ tuổi để hiểu được nhân tình thế thái. Ai đã bắt ta lên đây?

Thậm chí ba ngàn quân đang trong tay ông đã từng hỏi như thế. Với tài hùng biện, ông đã làm cho chúng tin và theo ông như lũ thiêu thân. Ngẫm nghĩ một giây, người cha lấy một tờ báo trên chõng tre lật trang nhất rồi chìa cho con xem:

- Họ đuổi chúng ta đấy.

Đứa con cầm tờ báo lên nhìn bức ảnh có một đoàn xe tăng ngụy trang đang tiến quân.

- Họ là ai hở cha?

- Bộ đội đấy.

- Bộ đội sợ gì nhất hở cha?

Ông bố lắc đầu phì cười rồi trả lời qua quýt.

- Bộ đội sợ ông chỉ huy của bộ đội.

Chưa chịu buông tha cha mình, thằng bé lại vặn.

- Vậy ông chỉ huy sợ ai nhất?

Cảm thấy cần phải dừng lại những câu hỏi sắp xoay vòng không có hồi kết, ông chặn mạch tư duy của con.

- Chỉ huy bộ đội là to nhất rồi, tất cả đều sợ ông ta.

- Vậy ông đó tên gì?

- Thôi, con đừng hỏi nữa, lớn lên con sẽ biết.

- Thì cha nói đi. - Thằng bé cự nự - Nếu cha muốn con ở lại đây thì phải trả lời con bây giờ.

- Hỗn con, ai dạy cho mày cái giọng mặc cả thế hả?

- Con nghe các chú du kích nói bọn Duôn đuổi cha đúng không? Chúng là ai hở cha?

- Im ngay! Đấy không phải là việc của con.

- Vậy thì ai đã tống cổ cha con ta và các chú du kích lên đây? cha nói con nghe đi.

Nhìn vào đứa con lau chưa sạch mũi mà đã bắt chước cha mình chất giọng tra khảo và nhìn đối phương riết róng. Hôm nay, lần đầu tiên ông phát hiện ra đứa con không giá thú này đang sở hữu đôi mắt thâm u sắc hiểm, một bản sao hoàn hảo của ông. Người cha đưa mắt xuống tạp chí cố tìm một câu trả lời, đến bức ảnh một người đội mũ bê- rê đỏ, vai đeo quân hàm thiếu tướng đứng uy nghi trên lễ đài. Phía dưới là một rừng lính đang diễu binh. Dừng ánh mắt trên bức ảnh này, người cha thoáng chút ngẹn ngào, đây chính là hình ảnh của ông một năm về trước, giờ đây đã thuộc về một kẻ không đội trời chung. Thấy có vẻ hợp cho câu trả lời, ông đổi nhanh sắc mặt hóm hỉnh rồi liền đưa cho thằng bé xem.

- Chỉ có ông này mới đuổi được cha con ta mà thôi.

- Ông chỉ huy này tên gì vậy cha?

- Tổng tư lệnh quân khu Miền Tây, Thống tướng Samdech Hor Bunnarith!

Người cha khẽ mỉm cười khi thấy đứa con đang hau háu nhìn tấm hình với ánh mắt thán phục.

- Thôi đủ rồi hỗn con, ra vườn chơi để cha làm việc.

Thay vì cầm tờ báo chạy đi, nó ngửng lên nhìn cha.

- Lớn lên con sẽ làm Tư lệnh quân khu, con sẽ đưa cha về Pnompenh

Ông nheo nheo mắt búng nhẹ vào đũng quần thằng bé.

- Thôi, thôi đi hỗn con, đi chơi đi, để cho con cu của mày lớn lên rồi tính.

Thằng bé bừng lên nhìn ông bằng ánh mắt của ông.

- Cha! con muốn nói với cha điều nghiêm túc nhất.

- Nói đi, hoặc đi ngay ra cửa. – Ông dằn giọng.

- Con sẽ làm ông Tổng tư lệnh Hor Bunnarith.

Người cha lặng thinh nhìn xuống đứa con mà chính ông suýt bỏ rơi trong một trận càn của lính Lon Nol. Khi chúng tập kích một doanh trại du kích của Khơ Me đỏ, nếu không nhanh tay kéo tình nhân của mình thoát xuống hầm, có lẽ cái thai nhi trong bụng cô ta đã nằm trong tay loài cầm thú. Ông nhìn đứa con non nớt chỉ tay ra cửa sau.

- Giỏi lắm, ông tướng con của cha, bây giờ mang đồ nghề ra vườn chơi cho cha nhờ. – Người cha đập tay xuống bàn dứt khoát.

Thằng bé xách chiếc lồng chim lẩn mất sau bìa rừng. Hắn biết lòng kiên nhẫn của cha mình rất nông hẹp, hàng chục tên du kích bị ông đích thân xử tử ít nhiều cho hắn biết cha mình là ai.

***

Thời gian dần trôi, ý chí và nỗ lực cửa các nhóm tàn quân Khơ Me đỏ cạn dần. Chúng tự tan rã hoặc kéo về đầu hàng quân chính phủ. Son Sen trở nên cô độc và bị đám thân cận bỏ rơi. Sở chỉ huy của ông ta cũng được lùi sâu hơn trong rừng. Ngôi nhà tre lợp lá Thốt nốt cứ thế mà bé dần, thấp dần, lùi sâu dần trong rừng già và cho đến nay nó chỉ là cái hầm nằm sâu trong lòng đất. Đứa con trai mà ông dồn hết tình thương và hi vọng cũng biến mất không bao giờ trở lại.

***

Cho đến một ngày mùa khô héo hắt, ông đang ngồi nhìn ánh hoàng hôn đỏ quạch trước cửa hang thì có tiếng bước chân. Bản năng sinh tồn đã đi vào máu, lão người rừng Son Sen rút khẩu rulo là vật bất li thân thoắt biến ra rừng. Từ sau ụ mối, ông thấy một nhóm người lạ từ vóc dáng đến trang phục. Chúng không mặc áo đen khăn rằn như những toán quân của ông. Chúng cũng không khoác những bộ rằn ri viện trợ như tụi Khơ Me Xrây hay lính Para. Tụi Duôn thì đã rút hết từ lâu. Chúng không thuộc phe nào trong nhóm bốn phe.

Họ giống như người ngoại quốc. Ông tập trung mọi chú ý về người đi đầu có khuôn mặt múp phơn phởn, đôi mày nhô cao làm bờ cho cặp mắt đã sâu lại càng thêm thăm thẳm. Còn đôi vai rộng và cử chỉ hoạt bát thì không khác của ông thời trẻ. Bằng linh cảm của người cùng huyết thống, ông mới dám tin đó là con trai mình. Nhận định này lại càng chắc chắn khi hai người đi cùng bỏ về mà anh ta vẫn nấn ná ngồi hẳn cửa hang.

Khi trời tối hẳn ông mới bước xuống lay vai cậu trai đang ngủ li bì.

- Con! Son San!

Cậu ta bừng tỉnh vùng dậy.

- Phải cha Son Sen không?

- Cha đây...thằng hỗn con của cha ngày nào đây sao? – Giọng ông run run.

-... Con đây...Cha...hãy tha thứ cho con...! - Cậu trai cao lớn cúi xuống ôm lấy người đàn ông gầy rộc rồi nấc lên.

Cơn xúc động chưa kịp qua đi thì người cha kéo con vào hang. Dưới ngọn đèn dầu mờ tỏ, ông bắt đầu hỏi.

- Bao nhiêu năm nay mày đi đâu?

- Con đi học một nơi rất xa.

- Mày học gì và ở đâu?

- Tất nhiên là học làm tướng và không phải sang Pháp như cha rồi – Hắn ngước cặp mắt láu lỉnh đáp.

- Học cái thá gì? mày không về đây bắt tao chứ?

Cậu thanh niên cười vang căn hầm.

- Cha yêu quý của con. Con sẽ đưa cha về Pnompenh, cha sẽ dưỡng già bên ngôi biêt thự kiểu Pháp ven hồ.

- Mày chưa trả lời tao đấy, bao nhiêu năm nay mày chui lủi đi đâu?

Hắn nhìn quanh quất căn hầm hôi hám rồi đáp:

- Chui lủi không phải là cốt cách của con.

- Câm ngay! có đúng là mày đã đầu hàng Hun Sen? - Người cha vùng dậy chỉ thẳng mặt con. - Tao nói cho mày biết, nếu đầu hàng quân đội, mày hãy ra khỏi nhà tao ngay.

Nhà cha đây ư. Cậu ta cúi tránh ánh mặt giận dữ của người cha. Bao năm nay hắn đã bỏ mặc ông để rồi hôm nay lại trở về tìm lại cha mình đang sống như thú hoang trong một ‘’ngôi nhà’’ như thế này đây ư. Cổ họng hắn ngẹn đắng. Hắn biết cha mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn nếu ra hàng nhưng ông vẫn chôn vùi phần đời còn lại trong xó núi này chỉ vì danh dự. Hắn biết cha mình trước sau như một, sẵn sàng chết cho lí tưởng. Chính vì ngưỡng mộ cha mình nên hắn đã trở lại tìm ông, ngoài tình phụ tử cốt nhục, hắn biết cha mình còn có ích cho sự nghiệp mai sau của hắn.

Khi còn là người nắm quyền sinh sát trong quân đội, cha hắn đã cứu vớt nhiều tù binh cũng như chống lưng cho rất nhiều thuộc hạ. Rất nhiều người đội ơn cha hắn mà một trong số đó giờ đã là những sĩ quan cao cấp, những nhà khoa học và không ít các chính trị gia hay nhà tài phiệt quyền thế. Hắn muốn tận dụng quan hệ quý báu này trước khi cha hắn qua đời.

Đợi cho cơn giận người cha nguôi đôi phần, hắn ngửng lên nhìn ông bằng ánh mắt của kẻ đang tự giày vò lương tâm.

- Con thưa cha! hãy thứ lỗi cho con vì ra đi mà con không kịp gặp cha. Con sẽ kể về cái ngày khốn khổ đó cho cha sau. Hôm nay, con tìm đến cha mong cha tha thứ tội bất hiếu cho con. Cha yên tâm rằng dù đi đâu làm gì thì dòng máu họ Son vẫn đốt nóng trái tim con, thân xác và lí tưởng của con trọn đời hướng về Angka. Con sẽ hi sinh kiếp sống này để nối tiếp sứ mệnh cao cả mà Tổ chức còn đang dang dở. Thưa cha, mọi nỗ lực của con nhất định sẽ đạt tới mục đích cuối cùng là biến đất nước nhỏ bé này thành Đế chế Angkor huy hoàng như thủa xa xưa mà chúng ta đã đánh mất.

- Mày đã học được những gì để khôi phục chế độ?

- Con có cách riêng để giành lại chính quyền mà không hề dùng đến binh đao.

- Mày nói ngay đi? hỗn con! - Ông nhìn đứa con mới lớn bằng ánh mắt phẫn khích hiếm có. Hóa ra bao nhiêu năm nay dòng máu họ Son nguyên chất vẫn chảy trong cái thân xác cao nghêu, tóc nhuộm vàng hoe đầy chất tây phương của hắn. Vui hơn, ý chí và tham vọng của con mình dường như lớn hơn cả ông.

- Vâng! - Hắn đáp. - Con đã học để làm cái người mà tất cả phải nể sợ.

- Mày nói cái gì tao không hiểu?

Cậu con trai thận trọng rút tấp ảnh ép plas-tic trong ví đưa ra trước mặt cha.

Đôi mắt sâu của ông động đậy, những thớ cơ căng lên rồi giãn ra làm khuôn mặt ông như đang mếu và cười lẫn lộn.

- Cha còn nhớ ai đây nữa không?

- Mày vẫn nung nấu làm Tư lệnh đấy à? Thằng hỗn con?

- Đúng vậy thưa cha. - Cậu trai đút ảnh vào ví trả lời chắc nịch.

- Mày không đươc hỗn ngôn với tao.

Cậu con đứng dậy nghiêm trang.

- Con nói nghiêm túc, trước mặt cha là một Son San đã trưởng thành, không còn là cậu bé bẫy chim bắt cá thủa nào. Cha hãy nghe cho rõ. Con sẽ là Thống Tướng Samdech Hor Bunnarith!

Đến đây ông lập tức thay đổi thái độ. Người bố già nhìn con mình bằng ánh mắt lo ngại. Bệnh hoang tưởng không tha thứ một ai. Nếu là một dân đen, bệnh này cùng lắm chỉ làm hại gia đình anh ta là hết. Còn một lãnh tụ mắc bệnh này thì là thảm hại quốc gia. Polpot và Yeng sary đã mộng du ngay trên ngai vàng của mình. Chúng ảo tưởng xây một thiên đường cộng sản đầu tiên trên đất nước mình bằng thanh trừng sắc tộc và xâm lược lân bang.

Về kinh tế, chúng cũng bộc lộ một não trạng tệ hại khi cho rằng chỉ có nông nghiệp mới làm cho đất nước giàu có và văn minh. Hàng ngàn nông trang mà thực ra là trại tập trung cải tạo được dựng lên để cai trị. Một loạt chính sách bệnh hoạn, không tiền tệ, không chợ búa, không tôn giáo, không trường học.

Về qua điểm kinh tế, Son Sen tuy không ủng hộ nhưng cũng chẳng dại gì phản đối để nhận một kết cục tàn khốc như Hu Nim hay Hou Yun vì chống chính sách của Angka. Son Sen biết mình là ai và y còn nhiều điều tâm đắc khác trong chính sách của Khơ Me đỏ. Y khoái trá nhất là câu tuyên truyền mà Angka dùng để khích lệ binh sĩ ‘’...chiến tranh là lâu dài. Ta không đánh nó trước thì nó đánh ta. Chỉ cần một ngày diệt vài chục, một tháng diệt vài ngàn, mỗi năm giết vài ba vạn. Thực hiện một diệt ba mươi, chỉ hi sinh hai triệu người Campuchia là diệt được 60 triệu người Việt Nam ‘’

Là Tổng tư lệnh Khơ Me đỏ trong thời kì mạnh nhất, kẻ từng đứng trên bục giảng trường Sisowath và học viện Phật giáo này thừa thông minh và tính nhẫn nại để giấu kín âm mưu chờ thời.

Vậy mà giờ đây, sau bao nhiêu năm sống chui lủi, y đã là kẻ gần đất xa trời. Son Sen biết ảo vọng của mình không bao giờ thành hiện thực. Y chỉ còn trông cậy vào giọt máu rơi duy nhất của mình. Thế nhưng, liệu sứ mệnh lịch sử có thể phó thác cho một đứa con bỏ cha trong lúc khốn cùng hay không? Một kẻ hoang tưởng luôn huyênh hoang sẽ làm tướng mà chẳng đưa ra một sách lược cụ thể gì. Son Sen khinh bỉ nhìn con trai.

- Hỗn con, mày nói lại tao nghe? - Người cha hi vọng câu nói lúc nãy của con mình là đùa.

- Con đã đi học để làm tướng, và con thề là ngày đó sắp đến!

Y thất vọng nhìn con, đã rõ mười mươi. ‘’Con người càng được giáo giục thì càng dối trá’’. Cụ Khiêu Samphan nói cấm có sai. Cho đến nay, những triết lí của ông ta đúc rút tuy dân dã nhưng càng ngẫm càng đau buốt tâm can. Người cha nhức lòng nhìn con.

- Hoang đường.

- Thưa cha, chuyện đó không có gì hoang đường hết. Bao nhiêu năm nay con đã đã tìm ra cách để biến thành bất cứ ai mà con muốn. Biến thành Tổng tư lệnh quân khu chỉ là chức vụ hèn mọn nhất mà thôi. Nhưng chỉ như thế là quá đủ để con lập nên một vương quốc trên đất Miền tây này.

- Tao không tin mày làm được điều đó?

- Cha đã từng là Bộ trưởng Bộ quốc phòng đó thôi. Họ Son này còn phúc, và Son Sam này sẽ lập vương quốc riêng chỉ trong nay mai.

- Mày có bao nhiêu quân? Thế lực nào nâng đỡ mày? hay là mày đã thay tên đổi họ, mày đầu hàng để rồi len lỏi bon chen, ba đời sau mày cũng không ngoi lên được chức đó đâu hỗn con ạ.

- Con xin nhắc lại. Con không bao giờ tắm nỗi nhục ‘’đầu hàng’’ để về gặp mặt cha. Con có cách khác.

- Cách gì đưa mày lên đến Tổng tư lệnh? – Người cha tò mò tột độ.

Cậu ta chỉ chiếc ba lô căng phồng dựng đứng sát vách đá. Cho đến lúc này ông mới để ý đến hành trang mà đứa con lưu vong lâu năm trở về. Sách chăng?

- Cha còn nhớ tiếng Pháp chứ?

Cậu nở một nụ cười thanh lịch kiểu Pháp nhìn cha rồi đưa tay lôi chiếc ba lô lấy ra một cộp tài liệu cao bằng đầu gối đặt lên chõng. Nhìn tập tài liệu bằng tiếng Pháp đang đè oằn chiếc bàn, ông lấy một cuốn lướt qua đầu đề rồi nhìn đứa con bằng ánh mắt đầy vẻ ghê sợ.

- Mày định... thay não?

- Oui, c’est changer l’ encéphale. Cha thật tinh đời! - Cậu cười hề hề. - Vốn ngoại ngữ của cha còn sắc lẹm.

- Mày mang cái của nợ này từ Pháp về sao?

- Từ New York, nhưng một bác sĩ Pháp đã chuyển ngữ.

- Mà thay cho ai, để làm gì chứ?

- Thay cho Tổng tư lệnh bằng não ... của con.

- Kinh...! Thằng hỗn con! Mày đùa sao?

- Không bao giờ đùa.

- Giấu nó đi, để đây không tốt. - Ông chỉ cộp tài liệu trên bàn.

- Vâng, con đã mua nó rất nhiều tiền từ một giáo sư Pháp. Con phải chuyển nó cho giáo sư Samdech sớm nhất có thể.

- Samdech Pen Niouk? - Người cha quắc mắt nhìn con trai. - Mày quen ông ta sao?

- Trên xứ sở ta, chỉ có một mình ông ta là đủ khả năng và dám thực hiện tất cả những gì dạy trong sách này. – Cậu ta vỗ lên chiếc ba lô.

- Mày quen ông ta khi nào? – Người cha chưa hết ngạc nhiên.

- Còn thì không, nhưng cha là ân nhân ông ta.

- Ý đồ mày là làm sao?

- Tư lệnh Hor Bunnarith thường hay lui tới viện quân y. Giáo sư Samdech là giám đốc bệnh biện và là nhà phẫu thuật não. Ông ta đã phẫu thuật rất thành công nhiều bộ não trong đó có viên thống tướng này. Chắc cha biết con muốn nói gì?

- Thằng hỗn con, mày ngông lắm, mày có đủ can đảm để ông ta mổ đầu mày ra không?

- Cha phải giúp con.

- Tao giúp mày như thế nào? về y tế cha mù tịt.

- Cha không rành về y nhưng lại quan trọng hơn bác sĩ rất nhiều, họ cần vật thí nghiệm trước.

- Ý mày là đưa cha ra làm... vật thí nghiệm?

- Thưa cha... một lần nữa mong cha ... thứ lỗi.

Người đàn ông khắc khổ trăng trối nhìn đứa con đi du học về mà lòng tê tái, quặn thắt. Đây chính là mục đích hắn về thăm cha mình sao. Sau cơn bàng hoàng ông nhận ra con mình... có hiếu.

Cậu con cũng lặng câm nhìn cha chờ đợi một cái gật đầu đồng ý. Nó tin cha mình không hề từ chối điều gì miễn là vì Angka. Ý tưởng đưa cha mình ra thí nghiệm hắn chấp nhận sẽ hứng một cái tát nảy lửa tức thời. Nhưng sau đó, hắn tin cha mình vì nghĩa cả mà bỏ qua những điều nhỏ nhặt tầm thường. Quả vậy, người cha nói:

- Điều quan trọng nhất là liệu Samdech có ủng hộ cha con ta hay không?

- Vậy là cha đã đồng ý rồi ư? – Câu trai reo lên. - Cha đừng quên ông ấy từng đội ơn cha và Tổ chức. Con biết chỉ một lời nói của cha ông ấy sẽ làm tất cả. Chính Samdech và cả gia đình ông ta được cha cứu mạng năm xưa. Vì ân tình này mà ông ấy có thể giúp cha con ta vô điều kiện. Hơn nữa, khi ý tưởng của con đã thành hiện thực, quyền uy ông ta trong thể chế mới sẽ cao nhất chỉ sau mỗi cha con ta mà thôi.

- Ai nói với mày tao cứu ông ta?

- Con không còn là một đứa trẻ ngây thơ. Các tay chân cũ của cha họ đã nói với con điều đó. Nếu không có tiểu đội của cha đi qua cứu vớt, gia đình và thậm chí cả họ hàng ông ta bị quân Mẽo cho ăn B52 rồi. Bác sỹ Samdech là một con người trọng nhân nghĩa, chính mắt con một lần thấy ông ta lên rừng để giúp cha phẫu thuật chỉnh hình nhằm trốn sự truy nã. Con không hiểu sao cha đã từ chối. Trong hai mươi năm cha sống chui rúc nơi này, chỉ có ông ta là quan chức duy nhất đến thăm.

Người cha nhìn con trai với ánh mắt ám áp lên nhiều.

- Việc này mạo hiểm khôn chừng, làm thế khác gì giết chết viên Tư lệnh đương quyền?

- Không chết, thân xác ông ta sẽ đồng hành với con. Chỉ có bộ não ông ấy sẽ tạm thời nằm trong tủ nuôi sinh học để chờ chủ nhân khác.

Cậu con trai càng kể càng say sưa, hắn biết cha mình đã đồng ý nhưng vẫn phản biện để xem sự hiểu biết của hắn đến đâu. Hắn tiếp:

- Chính vì vậy cha là người đi tiên phong mở cánh cửa đầu tiên trong môn thay não người. Cũng đã đến lúc cha cần rũ bỏ thân xác hom hem này ở lại với núi rừng và trở về sống một kẻ tự do.

Son Sen nhìn con bằng ánh mắt cảm kích tột độ, con trai ông rốt cuộc đã thừa hưởng đầy đủ gen di truyền của ông, ông nói:

- Cha sẽ mang thân mình ra thí nghiệm, thân cha sống được ngày nào hay ngày ấy, tại sao không đưa nốt sức tàn của mình ra giúp con. Nếu cha trải qua được cuộc thí nghiệm, con sẽ tự tin tiếp bước. Nếu cha thất bại, con cũng đừng nản chí. Về cơ bản, ý tưởng của con là siêu việt.

Cậu trai bật dậy.

- Vậy cha sẽ đi gặp ngay Samdech?

- Đúng, ngay bây giờ cha sẽ mang tài liệu này để trình bày kế hoạch cho ông ta và thăm dò ý ông ta thế nào. Nếu cha trở về ngay thì có nghĩa là Samdech từ chối. Ngược lại, nếu cha không trở về có nghĩa là ông ta đồng ý và đang cùng cha thực hiện dự án. Đây là một công trình dài hơi và nguy hiểm vô chừng. Trong thời gian làm thí nghiệm cho cha, con hãy tiếp tục ẩn danh đâu đó một thời gian, chờ khi nào kĩ thuật hoàn thiện sẽ đến lượt con. Cha cũng tin Samdech làm việc này là không những vì tình riêng mà vì khôi phục lại Angka.

- Con biết ơn cha.

Người cha đã rời nơi ẩn náu đi gặp Samdech rồi biệt tin từ đó. Đúng như lời căn dặn của ông, cậu con trai sống dật dờ chui lủi nay đây mai đó chờ cha mình. Hắn chờ cả trong khi ăn và cả trong những giấc mơ.

Sáu năm trôi qua, không có tin gì về ông, những kênh liên lạc bí mật mà hai cha con mới biết vẫn im lặng. Hắn hi vọng rằng, tại đâu đó trên thế gian này, cha hắn đang hồi si 18dc nh dưới một cơ thể khác.

Bảy năm... rồi chín năm trôi qua, mọi tin từ người cha vẫn biệt vô âm tín, khi niềm hi vọng đã đạt đỉnh điểm thì nó cũng sẽ trượt dốc theo thời gian. Hắn biết nếu cha hắn không bị bắt hay chết trên đường thì giờ này phải hoàn tất thí nghiệm. Hoặc cũng có thể ông đã hoàn tất phẫu thuật với hậu quả là bại liệt hay mất trí, thậm chí là đã chết. Hàng chục biến cố về não giữa thành công và thất bại chỉ cách nhau đúng ... một dây thần kinh mỏng manh.

Như một sứ mệnh, cậu con lại kiên nhẫn chờ thêm một thời gian nữa cho đến một ngày cuối năm thứ 9, hắn đang nằm trong hang thì có chuông điện thoại reo vang. Hắn hồi hộp nhấc lên, không hề ai biết số này trừ cha hắn. Hắn bật dậy cầm máy, một giọng khàn khàn đứt quãng:

- Son San con!... cha đây...

Trời đất như vỡ òa:

- Cha! cha ơi...!

Hắn reo lạc giọng rồi áp chiếc điện thoại vệ tinh vào tai lao ra cửa hang, giọng người cha già thân thương đã rõ hơn nhiều.

- Con vẫn bình an chứ?

- Con khỏe, cha ổn cả chứ...?

- Cha đã bình phục dù lâu hơn dự tính, con vẫn chưa quên ngày này chứ?

- Thưa cha, con chờ ngày hôm đã tròn 3205 ngày rồi... cha biết không?

Giọng nói bên kia như nghẹn lại, còn hắn như muốn gào thật to hơn:

- Cha ơi, gần mười năm nay con mòn mỏi chờ tin cha. Cha...đang ở đâu?

- Chín năm trôi qua thì có tới tám năm cha cùng Samdech xây dựng cơ sở kĩ thuật và đội ngũ chuyên gia, cha đã chính thức đi vào thí nghiệm trên bản thân mới chỉ một năm nay, bây giờ cha đang ở một nơi rất gần với con.

Hình ảnh người cha già như hiện lên trước mắt, hắn sung sướng như muốn òa lên rồi ôm chầm lấy cha mình như thủa xưa mỗi khi ông đánh trận trở về.

Giọng người cha lại vang lên:

- Quãng đường cha đi đã tới đích, giờ đã đến lúc của con.

Hai tay bưng chặt chiếc điện thoại, hắn xúc động rên lên.

- Cha đã hoàn tất sứ mệnh rồi....cha tuyệt vời của con...!

- Con nên biết ơn Samdech và các cộng sự tài ba của ông ta.

- Vâng, Samdech là một ông thánh, nay cha ở đâu con đến gặp cha ngay.

- Không được!

-Tại sao không hở cha?

Một khoảng lặng kéo dài.

- Con sẽ không nhận ra dung nhan của cha nữa đâu, sự hội ngộ này rất không có lợi, ít nhất là lúc này.

- Thí nghiệm đáng sợ thế sao cha? dù hình hài cha ra sao thì cha vẫn là cha của con, còn cần gặp cha.

- Hỗn con, đây chưa phải lúc dành cho tình cha con. Người con cần gặp ngay lúc này là Samdech.

- Con biết, chẳng lẽ con gặp ông ấy mà không cần có mặt của cha sao?

- Không cần thiết, cha không nên hiện diện tại đó. Ông ấy và các bác sĩ sẽ biến giấc mơ tuổi thơ của con thành sự thật.

- Con không biết nói gì để diễn tả cảm xúc của mình. Thưa cha, con e rằng nếu con gặp rủi ro, cha con ta vĩnh viễn không bao giờ... gặp nhau nữa...

- Tự tin lên đi con, không được để tình cảm làm suy yếu khí phách một chiến binh. Sau khi thành công cha con ta sẽ ở bên nhau. Hãy nghe cho kĩ đây. Ngày mai đúng 23 giờ 45 gặp ông ta tại KX2. Đừng để ai bám đuôi, mày hiểu chứ.

- Con biết, con sẽ đúng giờ.

Y hẹn, đúng nửa đêm hôm sau, 23 giờ 45 phút ngày 19-6, đứa con bí mật tìm đến giáo sư Samdech Pen Niuok để trải qua một cơn đau khủng khiếp nhất trong hành trình gian nan tìm lại ánh hào quang một thời đã mất. Lịch sử đã sang trang.

***

Giờ đây, khi đứa con đang phân thây trong bể nuôi nhân tạo cũng là lúc người cha quyết định đến viếng thăm. Nhìn xác thân và bộ não con mình trơ trọi trong bể máu, một nỗi đau mất mát và tội lỗi chợt nhói lên trong lòng người cha. Mọi tương lai sán lạn đều phải bước qua nỗi đau, nhưng nỗi đau này quá sức chịu đựng của ông.

Đột nhiên, người mặt nạ xoay mình rồi đặt bàn tay lạnh buốt lên vai Tôn Thất Sắc. Y nghiến từng chữ vào tai vị giáo sư:

- Ông đã phạm một tội tày đình, mấy ngày nay chúng tôi khốn khổ vì ba mẩu tin của ông. Cơ hội để ông giữ lấy cái đầu của mình đêm nay sẽ đến. Hãy sẵn sàng đi!

Người mặt nạ lách qua vai ông rồi mất hút.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/51833


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận