Bánh xe lịch sử quay nhanh.
Linh mục Thụy rồi linh mục Lãm lần lượt ra vành đai thăm Hai Long.
Cha Thụy vẫn tiếp tục ở Côn Đảo. Ông cho biết anh chị em tù ở đảo vẫn an toàn sau khi anh rời khỏi đây, nhưng tù chính trị khó được trao trả tiếp vì Thiệu đã biến họ thành những thường phạm. Ông còn cho biết Thiệu đã nhượng Côn Đảo cho Mỹ dùng làm nơi khai thác dầu hỏa, Mỹ đang biến nửa đảo này thành căn cứ quân sự, gấp rút xây dựng sân bay Cỏ Ống. Những cha tuyên úy trong quân đội Mỹ nói Thiệu sẽ bị thay thế trong năm 1975 bằng một hội đồng quân lực, tùy theo biến chuyển tình hình, nhưng có thể là vào tháng 4-1975. Ông bàn với Hai Long cần tìm mọi cách để bảo đảm an toàn cho anh em tù chính trị ở Côn Đảo, và mong được gặp anh mỗi tháng một lần vào dịp ông từ Côn Đảo trở về Sài Gòn. Hai Long nhờ ông báo cho Hòe biết tin mình, và đặc biệt chú ý tới những người bạn của anh còn ở trên đảo. Ông linh mục thực sự vui mừng khi gặp lại anh.
Cha Lãm tỏ ra là một người sắc sảo về chính trị, nhạy cảm với thời cuộc hơn cả cha Hoàng. Ông chê cha Hoàng không nắm vững đường lối của Giáo hoàng Paul VI, không có khả năng tập hợp đông đảo các lực lượng trong cuộc đấu tranh loại bỏ Thiệu.
Đầu tháng Giêng năm 1975, linh mục Nhuận báo tin hồi trung tuần tháng 12 năm vừa qua, trong cuộc họp với các tư lệnh quân đoàn ở dinh Độc Lập, Thiệu nhận định là Bắc Việt và Việt Cộng chưa có khả năng mở tiến công lớn về quân sự trong năm 1975.
Hai Long nhận thấy phải có mặt sớm ở nội thành Sài Gòn. Cha Hoang đã chuẩn bị chu đáo cho anh ở tại một số nhà thờ hoặc tu viện. Nhưng ở đây sẽ không thuận tiện liên lạc với tổ chức. Hai Long thấy không nên dựa vào nhà thờ mà sẽ ở tại một cơ sở của ta trong nội thành. Anh cần có một căn cước mới và sẽ sống bất hợp pháp cho tới khi khối Thiên chúa giáo vận động xong với chính quyền Thiệu mời anh về. Cần phải đề phòng CIA. Chúng có thể kiên quyết loại trừ khi thấy anh xuất hiện trở lại trên chính trường miền Nam.
Cuối tháng Giêng, cơ quan chỉ đạo trao nhiệm vụ cho anh trở lại nội thành để bám sát các đối tượng vì tình hình sắp có biến chuyển lớn.
Từ đầu mùa Xuân năm 1975, những sự kiện lớn trên chiến trường miền Nam diễn ra dồn dập.
Ngày 6 tháng Giêng, bộ đội ta tiến công và giải phóng thị xã Phước Long. Thiệu điên cuồng kêu gào quân ngụy phải tái chiếm thị xã. Nhưng quân ngụy không làm được việc đó. Thiệu đành bó tay với quyết định để tang Phước Long. Điều quan trọng là Mỹ không có phản ứng gì.
Được sự ủng hộ của cha Hoàng, chiến dịch chống tham nhũng của linh mục Thanh tiếp tục phát triển. Sáu tờ báo ở Sài Gòn tuyên bố sẽ đăng tài liệu tố cáo những vụ tham ô của chính quyền Thiệu, có liên quan tới cả thủ tướng Trần Thiện Khiêm.
Sự tham nhũng vốn có gốc rễ từ lâu trong ngụy quyền. Nhưng nó đã phát triển tới một mức ghê gớm từ ngày Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam. Mỹ đã đổ vào chiến trường Việt Nam hàng trăm tỷ dollar. Không phải nhiều thứ hàng viện trợ của Mỹ đã rơi vào tay bọn tham nhũng tại chỗ, mà một số khá lớn đã không tới được Việt Nam. Nguyễn Cao Kỳ trong nhiệm kỳ làm thủ tướng của y, đã phát hiện ra số lượng dược phẩm, đặc biệt là thuốc trụ sinh, nhập khẩu từ Mỹ, có thể thỏa mãn nhu cầu của cả châu Á, số lượng xi măng nhập khẩu từ Mỹ có thể dùng đúc nền bê-tông cho toàn bộ diện tích nước Việt Nam. Nhưng tại miền Nam Việt Nam những thứ này đều không phải là thừa thãi. Vì trong thực tế phần lớn số lượng hàng này đã không bao giờ được chở tới Nam Việt Nam. Tháng 8 năm 1967, một ủy ban của chính phủ Hoa Kỳ đã tiết lộ trong việc xuất khẩu mọi mặt hàng từ Hoa Kỳ sang Việt Nam cộng hòa, người nhập khẩu đều được hoàn lại một số tiền hoa hồng, và có nhiều vụ mua bán, số hàng ghi trong hóa đơn là 10.000 dollar nhưng hàng thực tế gửi tới Nam Việt Nam chỉ có giá trị 700 dollar mà thôi! Sự tham nhũng đã bắt đầu ngay từ trên đất Mỹ với những công ty được nhà nước Hoa Kỳ đặt hàng khuyến khích.
Năm 1967, theo ước tính của viên chức Mỹ, có khoảng nửa triệu tấn gạo đã bị đánh cắp tại Nam Việt Nam. Một đoàn 60 xe tải chở xi măng nhập khẩu, thì 42 chiếc bị đánh cắp. Tại chợ Quy Nhơn, có thể mua bất cứ thứ gì, từ khẩu phần lương thực, quần áo của binh sĩ đến máy giặt, lựu đạn, súng được bán với giá từ 25 đến 30 dollar một khẩu, và sẵn sàng có người dàn xếp bán cả xe bọc thép và trực thăng. Tòa đại sứ Mỹ có tài liệu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh các lực lượng ở đồng bằng sông Cửu Long, đã lấy cắp 8.000 đài vô tuyến, 24.000 vũ khí cá nhân do Mỹ trang bị và phần lớn đều bán cho Việt Cộng.
Muốn mua một chức trưởng ty cảnh sát quận Năm (Chợ Lớn), phải hối lộ đúng chỗ 15 triệu đồng. Ở quận Năm có 10 vạn người trốn quân dịch, mỗi người này phải hối lộ 100.000 đồng. Bà vợ những nhà cầm quyền đánh xì phé, khi đặt tiền thường nói: "Tôi tố thêm một tân binh quân dịch" thay cho câu "đặt thêm 100.000".
Thiệu được coi là một nhân vật đứng hàng đầu trong chuyện tham nhũng. Người ta nhận thấy điều đó qua những chuỗi kim cương trên cổ vợ Thiệu và những dinh cơ to lớn Thiệu xây dựng ở Pháp và Thụy Sĩ. Nhưng số vàng, dollar, hột xoàn... những tài sản quý mà vợ chồng Thiệu giấu, lớn hơn thế rất nhiều. Thiệu rất đau đầu vì chiến dịch chống tham nhũng.
Nhưng tình hình quân sự từ đầu năm nay còn khiến y bối rối hơn nhiều.
Đầu tháng Giêng, Thiệu đã tập trung lực lượng 5 sư đoàn không quân gồm 116 máy bay khu trục và 160 máy bay trực thăng, đánh phá suốt 5 ngày liền để đối phó không có hiệu quả với cuộc tiến công Phước Long.
Trung tuần tháng Giêng, Thiệu được báo cáo bộ đội ta chuyển quân về phía Nam Tây Nguyên. Y chỉ thị cho tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh quân đoàn II và vùng II chiến thuật và tướng Lê Trung Tường, tư lệnh sư đoàn 23 bảo vệ Buôn Ma Thuột đề phòng ta tiến công.
Ngày 20 tháng Giêng, Thiệu quyết định ngừng giải ngũ 3 vạn lính đã mãn hạn quân dịch, và cấm trại 100% binh lính trong dịp Tết âm lịch. Cuối tháng Giêng, Thiệu ra lệnh giải tán ngay lập tức toàn bộ lực lượng bảo an Hòa Hảo khoảng 10 vạn tên, vì lo lực lượng này nhân lúc rối ren sẽ gây khó khăn cho mình.
Đầu tháng 2, Thiệu điều 3 lữ đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị mới thành lập về bảo vệ vành đai Sài Gòn.
Trung tuần tháng 2, Thiệu được tin bộ đội chủ lực ta có mặt ở Quảng Đức, Đắc Lắc và Đức Cơ. Trước đó, đã có tin bộ đội ta xuất hiện ở Quảng Trị và Huế. Thiệu phán đoán ta đánh Công Tum và Plây Cu. Y điều 5 liên đoàn biệt động quân về giữ khu vực này, và mở một cuộc tiến công bằng không quân vào đường hành lang phía tây để ngăn chặn.
Tuy nhiên, Thiệu vẫn phấp phỏng lo cho Sài Gòn. Sau khi đã điều 3 lữ đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị về canh giữ vành đai Sài Gòn, Thiệu quyết định đưa tướng Nguyễn Văn Tòng thay Dư Quốc Đống, tư lệnh quân đoàn 3 gần đây không còn được Thiệu tín nhiệm.
Tấn thảm kịch của Thiệu mới chỉ sắp sửa bắt đầu.
2.
Ngày 10-3-1975, tiếng súng tiến công của bộ đội ta bất thần nổ ra tại thị xã Buôn Ma Thuột. Thị xã này hoàn toàn mất liên lạc với Sài Gòn. Thiệu ra lệnh cho quân đoàn 2 tử thủ Buôn Ma Thuột, và tập trung toàn bộ sư đoàn 23 và liên đoàn biệt động quân 21 phản kích khi được tin bộ đội ta đã chiếm thị xã. Thiệu choáng váng không thể tin là một thị trấn cửa ngõ ở phía Tây Sài Gòn có thể thất thủ nhanh như vậy. Hồi đầu năm, thị trấn Phước Long ít quan trọng hơn, binh lực yếu, còn có thể tự chống cự trong gần nửa tháng. Nhà báo Pháp Paul Léandri loan tin Buôn Ma Thuột thất thủ ở Sài Gòn, bị gọi tới và bị bắn chết ngay tại sở cảnh sát.
Nguyễn Cao Kỳ hấp tấp gặp Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân đội. Kỳ đề nghị tập trung không quân và pháo binh cùng với hai trung đoàn dù hoặc biệt động quân thiện chiến, trao cho mình chỉ huy đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột. Viên báo cáo với Thiệu, Thiệu gạt đi. Thiệu không muốn và cũng không tin Kỳ làm được việc này. Viên phàn nàn với Kỳ, Thiệu gần đây không còn tin mình, và tự quyết định nhiều việc không tham khảo ý kiến của tổng tham mưu trưởng. Viên đã mấy lần xin từ chức nhưng không được Thiệu chấp thuận.
Thiệu triệu tập các tướng họp ở Cam Ranh, quyết định cho tướng Phú rút khỏi Công Tum và Plây Cu, lập một phòng tuyến ở phía Nam Buôn Ma Thuột với ý đồ sẽ chiếm lại thị xã này. Cuộc rút lui của quân ngụy từ Tây Nguyên về, bị bộ đội ta chặn đánh, đã biến thành một cuộc tháo chạy tán loạn và cuối cùng hoàn toàn tan rã.
Cả Tây Nguyên bị mất. Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn I và vùng I chiến thuật, vội tập trung quân về bảo vệ Đà Nẵng. Vùng I chiến thuật là nơi có những đơn vị mạnh nhất của quân ngụy, như sư đoàn thủy quân lục chiến, sư đoàn dù, sư đoàn bộ binh 1 và những lực lượng không quân, thiết giáp hùng hậu nhất miền Nam.
Sự đổ vỡ nhanh chóng trên mặt trận Tây Nguyên, cửa ngõ phía Tây của Sài Gòn bị đe dọa khiến Thiệu kinh hoàng. Thiệu hối thúc cha Nhuận tìm mọi cách gặp Hai Long. Anh thấy chưa nên gặp cha Nhuận ở Sài Gòn, viết thư cho ông để trả lời những điều Thiệu hỏi: "Trong lúc thế quân Giải phóng đang mạnh, Thiệu phải lo giữ người, đừng lo giữ đất. Pháp thua ở Điện Biên Phủ nhưng hồi đó không mất ngay cả đồng bằng Bắc Bộ, vì Pháp biết bỏ một số thành phố giữ lấy quân. Khi tình hình cấp bách, thì phải cho binh sĩ tùy nghi di tản, sau đó sẽ tập hợp lại, người của ta sẽ không mất đi đâu... Riêng về sự an toàn của Thiệu, cha nói Thiệu cứ tin ở con. Con không xao lãng trách nhiệm đối với Thiệu, không để tái diễn cảnh ông Diệm, ông Nhu ngày xưa. Khi cần phải rút lui, con xin hứa sẽ báo tin thật kịp thời để Thiệu ra đi an toàn...".
Thiệu ra lệnh cho Ngô Quang Trưởng đưa sư đoàn thủy quân lục chiến về bảo vệ Sài Gòn, ít ngày sau lại rút tiếp sư đoàn dù ở Đà Nẵng. Y cho rằng không thể giữ được vùng I chiến thuật tiếp giáp với miền Bắc, nên có chạy lấy ít vốn.
Ngày 19-3, xe tăng và bộ binh ta vượt sông Thạch Hãn tiến vào giải phóng thị xã Quảng Trị. Thiệu ra lệnh cho Trưởng bỏ cố đô Huế, lập một phòng tuyến ngăn chặn trên đèo Hải Vân trì hoãn bước tiến của quân ta. Trưởng đánh điện về Sài Gòn xin từ chức, Thiệu không chấp thuận. Ba tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi nhanh chóng lọt vào tay quân ta trong cảnh tháo chạy cực kỳ hỗn loạn của quân ngụy. Ngày 25-3, Thiệu mất toàn bộ vùng I chiến thuật.
Nguyễn Cao Kỳ đã ôm hận nằm im suốt 3 năm, thấy đây là thời cơ giành giật chiếc ghế tổng thống từ tay Thiệu. Ngày 27-3, Kỳ cùng với linh mục Trần Hữu Thanh công bố sự ra đời của một tổ chức gọi là Mặt trận cứu nguy dân tộc, với ý định rõ ràng là sẽ tìm mọi cách, kể cả tiến hành đảo chính, để lật đổ Thiệu.
Thiệu biết Kỳ đã rút dao kề sẵn sau lưng mình. Đêm nào Thiệu cũng chuyển chỗ ngủ, đề phòng bị mưu sát. Và Thiệu gấp rút tiến hành những biện pháp loại trừ Kỳ.
Chức tư lệnh không quân của Kỳ trước đây đã bị Thiệu chuyển cho Minh con[1]. Đại sứ Mỹ đã bảo Minh không được liên kết với Kỳ, và hứa trả công cho Minh bằng cách đưa cả gia đình Minh sang Mỹ nếu Sài Gòn rơi vào tay Việt Cộng. Kỳ không sử dụng được là bài quen thuộc của mình. Nhưng Kỳ đã móc nối với một số tướng tá bất bình với Thiệu, và cùng họ nhanh chóng hoạch định một âm mưu đảo chính. Cả bọn thấy cần tiến hành gấp vì những tỉnh miền Trung liên tiếp rơi vào tay đối phương.
Một bữa, một viên phi công của Kỳ hớt hải chạy vào báo cáo y vừa bắt được một kẻ khả nghi. Tên này lượn lờ quanh vành đai căn cứ với vẻ dò xét. Y hỏi thì hắn ta bỏ chạy. Y đuổi theo bắt được, nhưng lại thấy trong người hắn có giấy tờ ra vào căn cứ hợp lệ. Y đã giữ hắn lại ở bên ngoài. Kỳ bảo viên phi công đưa hắn vào.
Sau một hồi lâu bị Kỳ tra hỏi, kết hợp cả dọa nạt với dỗ dành, tên này khai:
- Đa phần chúng tôi đều ủng hộ thiếu tướng, nhưng chúng tôi làm việc dưới quyền trung tướng Quang, chúng tôi phải làm theo lệnh của ông ấy. Tôi còn có vợ con...s
Đặng Văn Quang, người hiện làm cố vấn an ninh cho Thiệu, là người đã bị Kỳ sa thải vì tội tham nhũng khi Kỳ còn làm thủ tướng.
- Thiệu hết thời rồi. Quang cũng sập đi theo Thiệu. Tôi biết bọn họ đang muốn gì. Nhưng anh sẽ không ra khỏi đây nếu không khai rõ bọn anh có những ai và tướng Quang sai anh làm chi?
- Xin thiếu tướng hãy ở trong nhà. Thiếu tướng mà đi ra ngoài là có thể bị ám sát. Tướng Quang đã giao người làm việc này.
- Bọn chúng là những tên nào, nói tiếp đi...
Kỳ tập hợp ngay những tay chân tin cẩn, tổ chức một cuộc "hành quân" quy mô, hốt trọn những kẻ đang đe dọa tính mạng mình. Y đồng thời cũng họp phe nhóm xúc tiến âm mưu đảo chính. Thiệu rất rung động vì vụ này.
Một buổi sáng, Kỳ nhận được một cú điện thoại từ Tòa đại sứ Mỹ. Đầu đây đằng kia là tiếng một người bạn khá thân với y:
- 3 giờ chiều nay, tôi muốn tới thăm thiếu tướng được không?
- Sao lại không? Lâu ngày chúng ta chưa gặp nhau.
- Tôi bận quá mà. Tôi muốn dẫn theo một viên chức cao cấp, thiếu tướng đồng ý chứ?
- Được quá! - Kỳ đồ chừng đó là người cầm đầu CIA ở Sài Gòn.
Lúc 3 giờ chiều, người bạn của Kỳ tới cùng một "viên chức cao cấp". Kỳ kinh ngạc khi thấy người đó lại là đại sứ Mỹ Martin. Martin già sọm đi với đôi mắt trũng sâu đỏ ngầu quanh vành mi. Nhưng vẻ kiêu căng, tự phụ của một viên thái thú thì vẫn nguyên vẹn.- Chắc ông ngạc nhiên lắm khi thấy một người như tôi tới nhà?
Kỳ đáp lại bằng nự cười rồi mời viên đại sứ và người bạn uống trà.
Martin lại nói:
- Trước kia tôi cũng là. phi công
Cách mở đầu câu chuyện theo kiểu tình cảm của viên đại sứ khó chơi này, làm cho Kỳ bỗng thấy hy vọng, và nhận thấy Martin cũng có những nét đáng mến. Đôi bên trao đổi cởi mở về tình hình chiến sự đang diễn biến và những vấn đề gay cấn mà chính quyền miền Nam phải đương đầu.
Martin bỗng hỏi:
- Thiếu tướng nghĩ gì về ông Thiệu trong cương vị hiện nay?
- Ủy ban chúng tôi chỉ muốn một điều là Thiệu phải từ chức và được thay thế bằng một chính phủ mạnh, có hiệu lực, để tổ chức chiến đấu chống Cộng sản.
- Tôi xin hỏi một câu có tính giả thuyết, nếu như ông có thể lập chính phủ mới, ông sẽ đối xử với tổng thống Thiệu như thế nào?
- Tôi căm ghét ông ta, vì ông ta có ảnh hưởng xấu tới vận mệnh đất nước tôi, nhưng tôi không có ý định trả thù một người như Thiệu, tôi sẽ để cho ông ta ra đi...
Dường như tiếc rẻ, Kỳ nói tiếp:
- Đúng ra, phán xét ông Thiệu và chính phủ của ông là nhiệm vụ của dân chủng, đó không phải là vấn đề của tôi. Tôi chỉ muốn có chính quyền để tổ chức chiến đấu.
- Thiếu tướng đã suy nghĩ gì về việc thành lập một chính phủ mới chưa?
Kỳ nêu tên một số nhân vật mà y đã dự kiến cho chính quyền mới, rồi nói tiếp:
- Nếu có một chính phủ như tôi mong muốn, chỉ trong ít ngày tôi có thể tổ chức kháng chiến có hiệu quả. Tình thế không cho phép chúng tôi trì hoãn nữa. Mỗi ngày qua là thêm một ngày đến gần thảm bại.
- Thiếu tướng nói sẽ chiến đấu, nhưng nói và làm rất khác nhau. Tôi biết là thiếu tướng có rất nhiều tin tức, nhưng ông sẽ chiến đấu bằng cái gì? Xin hãy nghĩ đến những mất mát của các ông chỉ riêng ở Đà Nẵng thôi!
- Những thảm bại như ở Đà Nẵng có thể là rất tai hại, chắc chắn chúng tôi đã mất một kho dự trữ khổng lồ ở ngoài đó, nhưng theo tin tức của tôi, thì vẫn còn đủ súng dạn dùng trong 3 tháng. Tôi biết rằng có thể cầm cự được không phải mãi mãi, nhưng đủ để tạo ra một không khí mới giúp chúng tôi ở trong tư thế mạnh khi thương thuyết hòa bình.
- Vậy thì bằng cách nào?
Người bạn của Kỳ nhanh nhẹn trải một tấm bản đồ mà y đem theo ngay trên nền nhà.
Kỳ cúi xuống nhìn tấm bản đồ, vốn quen biến báo, y vạch đại một đường bút chì ở phía bắc vịnh Cam Ranh, khoảng vĩ tuyến 13, cắt ngang từ Nha Trang.
- Chúng tôi phải chặn đứng Cộng sản ở đây. Nếu chúng tôi có thể cầm chân địch ở đây, đồng thời có một ban lãnh đạo mới và mạnh, thì sẽ tạo nên một bầu không khí mới và tôi cam đoan với ông sẽ được toàn dân ủng hộ. Khi ấy chúng tôi sẽ ở trong thế mạnh để tiến hành thương thuyết hòa bình với quân thù.
- Liệu binh sĩ có chiến đấu không?
- Dĩ nhiên là có... Những sĩ quan ở Đà Nẵng về, tới nhà tôi đều khao khát được phục thù. Bất chấp những lời tường thuật của báo chí, người Việt Nam không phải là những kẻ hèn nhát. Với lại, còn có sự lựa chọn nào khác đâu?
Sau hai giờ chuyện trò, Martin đứng lên cáo từ. Y bắt tay Kỳ nói:
- Tôi nghĩ là ông có lý. Ông Thiệu sẽ rất khó khăn nếu tình hình cứ tiếp tục phát triển xấu. Ông tính còn có thêm những ai trong chính phủ mới?
- Người không đến nỗi quá thiếu!
Ra tới cửa Martin nói thêm:
- Ông cũng biết không phải là dễ. Xin cho tôi vài ngày rồi tôi sẽ liệu xem có thể thu xếp thế nào.
Kỳ đã phơi bầy hết ruột gan với Martin. Y chỉ còn chưa nói tới dự kiến kế hoạch dùng lực lượng dù và lực lượng đặc biệt để tiến hành đảo chính.
Sau khi gặp Martin, Kỳ lập tức triệu tập bộ tham mưu của mình, vui vẻ thuật lại nội đung và tuyên bố:
- Giờ đây mọi sự đã thay đổi. Điều cần làm trước tiên là hủy bỏ cuộc đảo chính đã dự định.
Một viên phụ tá của Kỳ giội vào đầu y một gáo nước lạnh:
- Không tin được Martin. Martin có thể chơi trò hai mang để gạt chúng ta.
- Tôi không nghĩ như vậy! - Kỳ phản ứng.
Viên phụ tá không rút lui ý kiến:
- Martin đến chỉ nhằm ru ngủ chúng ta dừng hành động. Tại sao ông ta lại bất thần đến thăm ông? Đó chẳng qua chỉ cốt tỏ ra đại sứ Mỹ đã ở sau lưng chúng ta, chúng ta chẳng việc gì còn phải đảo chính!
Một phụ tá khác nói:
- Martin đến thăm ông chỉ cốt để dò xét sức mạnh phong trào của chúng ta.
Kỳ cố tình không muốn tin vào những lời khuyến cáo đó. Y kiên nhẫn ngồi đợi Tòa đại sứ Mỹ hành động trong khi những tỉnh miền Trung tiếp tục lần lượt thất thủ, bộ đội ta ngày càng tới gần cửa ngõ Sài Gòn.
3.
Những cuộc biểu tình chống Thiệu vẫn liên tiếp nổ ra tại Sài Gòn khiến cho đường phố nhiều lúc bị tắc nghẽn.
Cha Hoàng ngồi tại phòng áo của nhà thờ Gò Vấp với vẻ mặt nóng nảy. Ông mừng rỡ khi thấy Hai Long bước vào:
- Mình rất lo cho thầy, sợ có chuyện chi xẩy ra trên dọc đường. Sao thầy không về ở hẳn đây hay một nhà thờ nào khác có thuận tiện không?
- Con không muốn liên lụy tới các cha. Con đang ở tại gia đình của một người thuộc lực lượng thứ ba, yên tâm về mặt an toàn.
- Mình đã bàn với cha Lãm về việc giáo hội ra kiến nghị đòi xóa bản án cho thầy để thầy được tự do hoạt động. Nhưng cha Lãm và một số cha đều nói Thiệu không còn xứng đáng để giáo hội và các cha phải kiến nghị về vụ án oan của thầy. Thiệu sắp hết vai trò rồi.
- Con cũng nghĩ như vậy. Tình hình đang biến chuyển 8000 rất nhanh. Không còn mấy ngày nữa bộ đội Bắc Việt và Việt Cộng sẽ tiến vào Sài Gòn, một sự "ân xá" của Thiệu sẽ không lợi cho tư thế của con.
- Tại sao quân ta thua nhanh quá như vậy?
- Vì Mỹ đã dứt khoát bỏ rơi Việt Nam cộng hòa, Thiệu đã bị dân chúng quá chán ghét lại phạm phải nhiều sai lầm ngay từ ngày đầu trong đối phó với cuộc tiến công của đối phương, để quân lính thiệt hại quá nhiều nên họ mất hết tinh thần chiến đấu.
- Giáo dân mình sẽ đi tới đâu nếu làn sóng đỏ tràn ngập?
- Đức Thánh Cha đã trù liệu trước tình hình này. Đức Thánh Cha đã trở thành người bạn được tôn kính và biết ơn của cả Bắc Việt và Việt Cộng. Giáo hội Việt Nam cần tránh vết xe cũ để không chết chìm với Thiệu. Nếu Thiệu tuân theo thánh ý của Đức Thánh Cha, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris thì đâu có tình hình hôm nay! Giáo hội Việt Nam muốn tồn tại phải hòa mình vào dân tộc như ý của Giáo hoàng. Muốn cứu Thiệu thì chỉ có cách buộc Thiệu phải từ chức và ra đi. Còn giáo hội ta phải bám vào Giáo hoàng Paul VI, phải lấy đường lối của Cộng đồng Vatican II làm con đường sống cho giáo hội. Trước tình trạng hiện nay ở Sài Gòn, phải ổn định tâm trạng của giáo dân, chống di tản, chống lưu vong, chống những tư tưởng và hành động tuyệt vọng. Cần noi gương Giáo hoàng Paul VI "canh tân hòa giải", gạt bỏ mọi mặc cảm, sống hòa hợp với đồng bào khi quân Giải phóng tới.
Nét mặt cha Hoàng lộ vẻ suy nghĩ rất lung. Rồi ông nói:
- Có việc rất gấp cần trao đổi trực tiếp với thầy. Mỹ vẫn còn chùng chình chưa muốn thay Thiệu ngay. Chính quyền Thiệu còn phải kéo dài cơn hấp hối. Khiêm và Đán đã xin từ chức. Thiệu định đưa Nguyễn Bá Cẩn thay Khiêm. Cẩn đến vận động mình ủng hộ, vô đề nghị mình làm cố vấn cho nó. Ý kiến thầy thế nào?
- Tất cả chỉ còn là chuyện mây bay gió thoảng. Nhưng con nghĩ cha nên nhận lời giúp Cẩn, vì giúp Cẩn tức là giúp Thiệu, để cứu Thiệu khỏi chết, cho Thiệu ra đi an toàn... Đề nghị cha nói với Thiệu, cầu Chúa tha tội cho ông ta, con đã ở tới phút cuối cùng bên Ngô Đình Nhu, con cũng sẽ ở bên Thiệu cho tới phút cuối cùng, con không bỏ bạn bè khi hoạn nạn. Con sẽ bảo đảm cho Thiệu ra đi đúng lúc và an toàn.
Trung tâm vừa chỉ thị cho anh, cần duy trì tình hình rối loạn hiện thời của ngụy quyền, cho tới khi bộ đội ta áp sát chung quanh Sài Gòn. Thiệu ra đi lúc nào là do ta.
- Thầy có về Bình An với mình bây giờ được không? - Cha Hoàng hỏi.
- Bữa nay thì chưa tiện. Con chỉ xin đi cùng cha một quãng trong thành phố. Cũng sắp tới ngày cha con ta được ngồi uống rượu lễ với nhau ở Bình An rồi. Con sẽ viết thư cho các cha nói về những điều con vừa thưa với cha.
- Tôi buồn lắm thầy ạ... Mình tưởng đã đi xa nhưng rồi cuối cùng vẫn gặp lại họ!
- Biết tính sao nếu đó là ý muốn của Chúa!
Cha Hoàng lái xe thả anh ở một quãng đường vắng với lời chúc lành. Hai Long biến vào trong một hẻm tối.
Ít ngày sau, ngày 8-4, Tòa Tổng giám mục Sài Gòn ra thông cáo:
"Để giúp cho người Công giáo tránh được những thái độ tiêu cực hoặc cực đoan bất lợi trong hoàn cảnh hiện tại, Tòa Tổng giám mục Sài Gòn nhận thấy có trách nhiệm nhắn nhủ anh chị em tín hữu mấy điểm quan trọng sau đây:
1. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Công giáo cũng phải cố gắng tự chủ, bình tĩnh nhờ Đức tin của mình để có thể nhận định thời cuộc một cách sáng suốt. Thái độ hốt hoảng chỉ có thể làm cho tình thế thêm trầm trọng và gây thêm nhiều hậu quả tai hại cho chính mình.
2. Giáo hội Công giáo Việt Nam tha thiết ước mong tình hình sớm được ổn định và an ninh của dân chúng được bảo đảm khắp nơi. Tuy nhiên không bao giờ Giáo hội chủ trương hay tán thành việc võ trang các giáo xứ hoặc thành lập các đạo quân Công giáo. Giáo hội cũng không hề chủ trương di dân lánh nạn ra ngoại quốc như nhiều tin đồn vô căn cứ được tung ra.
3. Tích cực hơn nữa, người Công giáo cũng như hết mọi người dân, đều phải cố gắng góp phần vào công việc vãn hồi hòa bình và hòa giải giữa người Việt Nam. Đó là một nhu cầu khẩn thiết của tình thế đồng thời cũng là một đòi hỏi của Tin Mừng Ki-tô giáo "mọi sự đến từ Thiên chúa, Đấng đã hòa giải chúng ta với Ngài, nhờ Đức Ki-tô, và đã giao cho chúng ta sứ mạng hòa giải".
Chính vì thế mà Giáo hội cũng ước mong việc thi hành Hiệp đinh Ba-lê một cách thành tín và công bình bởi hết mọi thành viên liên hệ, cuộc chiến đấu hiện tại được chấm dứt và cuộc sống hết mọi thành viên dân tộc được thực sự bảo đảm.
Phao-lồ Nguyền Văn Bình
Tổng giám mục Sài Gòn.
Bản thông cáo của Tòa Tổng giám mục đã khiến cho những linh mục nhận thư của Hai Long lầm tưởng anh được sự chỉ đạo riêng của Vatican.
Cũng ngày hôm đó, một máy bay ngụy bất thần trút hai trái bom xuống dinh Độc Lập rồi bay thẳng ra vùng vừa được giải phóng. Hai Long viết thư cho các cha nói đó là phe đối lập ném bom để cảnh cáo Thiệu, và nhắc lại một số điểm trong thông cáo của Tòa Tổng giám mục để minh chứng cho những điều mình đã nói trước đó.
Ngày 14-4, Nguyễn Bá Cẩn thành lập nội các mới. Trần Văn Đôn được cử giữ chức tổng trưởng Quốc phòng, cha Hoàng làm cố vấn.
Nhiều cha cố và giáo dân viết thư cho Hai Long tỏ sự bất bình về việc cha Hoàng nhận làm cố vấn cho nội các của Cẩn.
Ngày 19-4, Hai Long nhận được cùng một lúc cả thư của cha Hoàng và cha Lãm. Những bức thư đều viết vội với những gạch đầu dòng cho từng vấn đề.
Cha Hoàng viết:
"1.Đã phát hiện Trần Hữu Thanh là tay sai của Việt Minh, đã bắt được tài liệu chứng minh sự liên lạc với phe Việt Minh.
2. Nguyễn Văn Huyền nghiêng về Việt Minh, Thiệu muốn ra đi trong danh dự nhưng chưa hề đi được vì như thế Sài Gòn sẽ rối loạn.
3. Trần Minh Tiết là một trong số nhân vật được dự trù thay Thiệu.
4. Weyand sang Sài Gòn hội đàm với Thiệu, áp lực Thiệu dùng biện pháp làm dịu tình hình rối loạn (hai giờ sau nội các Trần Thiện Khiêm từ chức). Mình tương đồng tư tưởng với Cẩn là trong tình hình hiện nay cần phải ủng hộ Thiệu phục hồi và trấn tĩnh binh sĩ đang hoang mang xuống dốc.
5. Nguyễn Cao Kỳ tiếp tục muốn lật đổ Thiệu.
6. Ném bom dinh Độc Lập ngày 8-4-75 là ngu!
7. Đã chuyển lời thăm Thiệu. Thiệu rất cảm động, mong nhận được những khuyến cáo kịp thời. "Thầy đã đưa Thiệu lên thì sẽ đưa Thiệu xuống an toàn, Thiệu không mong gì hơn!".
Thư cha Lãm viết:
"- Vẫn thường xuyên liên lạc với cha Thanh và Kỳ. Mỹ rất xảo quyệt và thâm hiểm. Cha Thanh đã hết vai trò. Tòa đại sứ Mỹ đang tìm mọi cách để hạn chế Kỳ.
- Cha Hoàng nhận làm cố vấn cho Cẩn, chủ trương ủng hộ Thiệu (dù là chỉ trong một thời gian trước mắt) gây sự bất bình của các cha và nhiều giáo dân.
- Đã triệu tập được rất đông giáo dân để lật Thiệu. Đã dư sức để thay thế cha Hoàng. Sẽ cử cha Thụ tới bàn kỹ.
Chúc lành. "Pierre, con là đá!"[2].
Linh mục Thụy từ Côn Đảo viết thư về nói theo nguồn tin của Mỹ ở đây thì Thiệu sắp bị lật đổ, tình hình ở đảo khẩn trương, sinh mệnh của tù chính trị rất đáng lo ngại.
Linh mục Chân Tín và bà Ngô Bá Thành gửi nhiều tài liệu về lực lượng thứ ba.
Trung tâm chỉ thị cho Hai Long hối thúc Thiệu từ chức ngay bằng cách trao quyền lại cho Trần Văn Hương, vô hiệu hóa chính quyền ngụy một thời gian. Tình hình rất khẩn trương. Người thay Thiệu có thể là Minh Lớn.
Hai Long viết thư cho cha Hoàng và cha Nhuận: "Thiệu cần từ chức ngay, nếu không sẽ bị lật đổ bằng đảo chính quân sự, tính mệnh sẽ khó an toàn. Con đường rút lui danh dự và an toàn là kịp thời tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho phó tổng thống Trần Văn Hương. Sau khi Thiệu rút, cha nên tách ngay khỏi Cẩn. Người có khả năng thay thế là Dương Văn Minh, vì Minh được sự chấp nhận của Vatican và có cảm tình của Mặt trận Giải phóng.
4.
Nguyễn Cao Kỳ chờ đỏ mắt vẫn không nhận được tín hiệu của Martin. Ở nhà Kỳ có một đường dây điện thoại riêng trực tiếp chạy tới Tòa đại sứ Mỹ. Chiếc máy không bao giờ réo chuông. Người bạn của Kỳ ở đó cũng mất hút. Cuối cùng, Kỳ đành phải chủ động gọi dây nói cho anh ta:
- Có chuyện gì xảy ra vậy? - Kỳ hỏi người bạn.
Người ở đầu dây cỏ vẻ ngập ngừng:
- Trong lúc này, chúng tôi bị bó tay. Khó vô cùng, tế nhị vô cùng! Xin ông cắt dây nói, chờ chúng tôi sẽ cho ông biết sau...
Tay chân của Kỳ từ dinh Độc Lập mang tin về Thiệu sắp từ chức. Kỳ không tin, vì cho rằng nếu có chuyện đó thì Martin phải thông báo ngay cho mình, để mình cùng Mặt trận cứu nguy dân tộc hành động. Qua cuộc gặp gỡ với Martin, Kỳ vẫn đinh ninh người thay thế Thiệu chỉ có thể là mình. Giữa lúc đó, người bạn ở Tòa đại sứ Mỹ xuất hiện.
Kỳ mừng rỡ chưa kịp cất tiếng thì y đã đưa ra mọt câu hỏi đột ngột:
- Có đúng là một số tướng người Bắc như ông đang âm mưu đảo chính không?
Kỳ lúng túng không biết trả lời ra sao.
- Tôi muốn nói một hành động chống Minh Lớn? - Y nói tiếp.
Kỳ ngây ngô:
- Tôi không biết gì. Nhưng tại sao lại liên quan tới Minh Lớn? Tại sao chúng tôi lại phải chống ông ta? Ông đâu phải là người trong chính quyền?
- Vậy thì tôi cho rằng mình có nhiệm vụ phải nói với thiếu tướng, nếu ông quả có một hành động chống Minh Lớn thì Washington và Hà Nội sẽ trách cứ ông về bất cứ điều gì xảy ra sau này!
Kỳ giận dữ:
- Nếu Minh Lớn làm tổng thống thì Việt Nam cộng hòa sẽ sụp đổ trong 24 giờ! Tại sao Cộng sản lại thương thuyết với Minh Lớn? Ông ta hiện nay không được lòng dân và sẽ chẳng bao giờ được lòng dân...
Nhưng người bạn Mỹ của Kỳ không tranh luận cũng như giải thích thêm, vội vàng chào ra về.
Ngày hôm sau, 21-4, Thiệu xuất hiện trên đài vô tuyến truyền hình với bộ quần áo ký giả và bộ mặt thiểu não, một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với lúc Thiệu đội khăn vàng, mặc áo gấm đỏ thêu rồng đi trong dinh Độc Lập. Bài nói của Thiệu kéo dài cả tiếng đồng hồ, đầy những lời cay cú, hằn học, oán trách Mỹ thiếu quyết tâm, bội ước, không làm tròn nhiệm vụ với đồng minh. "Các ông bỏ chạy, để mặc chúng tôi làm cái việc mà các ông làm không xong. Chúng tôi không có gì hết, thế mà các ông lại muốn chúng tôi hoàn thành cái điều mà các ông không hoàn thành nổi... Khi ký Hiệp định hòa bình, Mỹ đã thỏa thuận sẽ thay thế vũ khí trên cơ bản một đổi một. Nhưng Mỹ không giữ lời. Ngày nay còn ai có thể tin vào lời hứa hẹn của Mỹ nữa không?..".
Bài diễn văn từ chức của Thiệu giống như những tiếng rên la trong khi tiếng súng đại bác từ vùng chung quanh Sài Gòn vọng về.
Kỳ tuyệt vọng tự lái xe Jeep tới dinh tổng thống tìm Hương. Y phải chờ suốt một giờ mới được Hương tiếp.
Kỳ nài nỉ:
- Xin tổng thống bổ nhiệm tôi làm tư lệnh quân lực. Xin cho tôi một chức vụ chính thức để có thể nêu cao danh dự của một quân nhân.
Ông già Hương cất giọng nói the thé:
- Tôi không thể làm như vậy. Một người đã từng làm phó tổng thống, làm thủ tướng, không thể bỗng nhiên trở lại làm tư lệnh quân lực! Không thể được đâu. Nhưng có lẽ vài ngày nữa tôi có thể bổ nhiệm thiếu tướng làm phụ tá đặc biệt về quân sự.
- Nhưng tổng thống không thể đợi được vài ngày đâu. Tôi không cần nghi thức. Tôi muốn lãnh nhiệm vụ ngay bây giờ.
Ông già Hương một mực lắc dầu. Ông già cũng chỉ còn ngồi làm vì chờ người ta bảo ra đi.
Ngày 23-4, Nguyễn Bá Cẩn và toàn bộ nội các xin từ chức.
Không khí Sài Gòn trở nên hỗn loạn và kinh hoàng.
Sáng 25-4, Hai Long nhận được thư của linh mục Liên, phụ tá của cha Nhuận.
"Cha nói thử hỏi ông giáo mấy điều, ông giáo cho biết càng sớm càng hay:
1. Sài Gòn có bị đánh không?
2. Hà Nội thực sự có thanh trừng không? Tình hình sẽ ra sao?
3. Phương thức cai trị miền Trung ra sao?
4. Hiện tại Bắc Việt và Giải phóng có bất đồng ý kiến với nhau không?
5. Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Quỳnh Hoa có phải là Cộng sản không?
6. Hiện tình đất nước rồi sẽ đi về đâu?
7. Cố thu xếp để Đức cha Hòa về Phan Thiết, Đức cha Nghi về Sài Gòn.
8. Liên lạc mới có thể liên lạc với ai? Ở đâu?
Chào mến. Chúc bằng an trong Chúa."
Hai Long trả lời vắn tắt:
"1. Sài Gòn sẽ được giải phóng. Cứ bám sát đài Mặt trận Giải phóng, Ủy ban Mặt trận hiệu triệu đồng bào đến đâu là giải phóng đến đó.
2. Không có vấn đề thanh trừng.
3. Miền Trung cai trị theo cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và chính sách của Mặt trận đối với vùng giải phóng
4. Không có bất đồng ý kiến nào giữa Bắc Việt và Giải phóng.
5. Ba vị trên đều là trí thức yêu nước.
6. Đất nước sẽ hoàn toàn giải phóng. Mỹ sẽ chịu thua và rút khỏi Việt Nam.
7. Sẽ cố thu xếp thực hiện ý kiến của cha.
8. Liên lạc mới cứ giữ vững với Liên trong bất cứ tình huống nào".
Ngày 26-4, những quân đoàn của ta từ 5 hướng đồng loạt mở cuộc tiến công về Sài Gòn. Khắp nơi quân ngụy chiến đấu một cách tuyệt vọng.
Thiệu và Khiêm đáp máy bay rời Sài Gòn sang Đài Loan, nơi anh ruột của Thiệu đang còn làm đại sứ. Thiệu mang theo 5 va li chứa đầy dollar. Trước đó, Thiệu đã mướn một chiếc máy bay chở hành khách cỡ lớn của Mỹ, đưa khỏi Việt Nam 17 tấn vàng bạc, châu báu, tài sản quý mà gia đình y đã vơ vét được sau 2 nhiệm kỳ làm tổng thống.
5.
Hai Long thả mình vào dòng người hỗn loạn trên đường phố Sài Gòn. Anh muốn được chứng kiến những giờ tàn của Mỹ - ngụy.
Cơn hoảng loạn bắt đầu từ những đám binh lính, những đám dân chúng thoát chết từ miền Trung, từ Tây Nguyên đổ về. Nỗi hoảng sợ của họ không phải do xe tăng và pháo 130 ly của quân Giải phóng gây ra mà là sự khiếp đảm vì những quang cảnh họ đã tham gia và chứng kiến trên đường rút chạy. Hàng vạn người điên cuồng giành giật nhau một chỗ ngồi trên một chiếc máy bay, một chiếc tàu nhỏ, một chiếc xe đò. Những người bám càng trực thăng bị rớt từ trên cao xuống. Những chiếc xe đò lật nhào vì chở quá nhiều người và phóng quá nhanh. Những chiếc xuồng và những chiếc tàu bị sóng biển Đông nuốt chửng. Khắp thành phố loan truyền sẽ có những cuộc tắm máu khi Việt Cộng vào thành phố. Những người di cư lo bị xâu tay, xiềng chân, đi bộ trở về miền Bắc. Những cô gái lo bị rút hết móng tay vì tội đã dùng kem đỏ. Những luận diệu tuyên truyền chống Cộng hoang đường do bọn tâm lý chiến tạo nên đã quay trở lại làm hại chính cho chúng. Không còn cái gì có thể làm giảm bớt sự hốt hoảng lan tràn khắp thành phố.
Sự hốt hoảng càng tăng lên khi tiếng đại bác nổ gần và những chiếc trực thăng từ hạm đội Mỹ ở ngoài khơi bay vào di tản những người Mỹ. Họ cũng hoảng sợ không kém, vội vã ra đi, bỏ lại những building lộng lẫy, những cửa hàng còn đầy ắp hàng hóa. Rợp trời Sài Gòn những chiếc trực thăng Mỹ thực hiện cuộc hành quân "Người liều mạng". Trực thăng hạ cánh trên nhưng nóc nhà cao tầng, lấy khách rồi bay ra biển. Bốn mươi lính thủy đánh bộ Mỹ, tiểu liên lăm lăm trong tay, không giữ được trật tự trước đoàn người đông như kiến vây quanh hàng rào của Tòa đại sứ Mỹ kêu khóc, gào thét, giầy xéo lên nhau cố lọt vào trong khuôn viên Tòa đại sứ để được ông chủ cho cùng chạy trốn.
Bọn cảnh sát và mật vụ đã biến mất trên đường phố Sài Gòn. Chúng có những lý do đích thực để sợ hãi. Cuộc hôi của bắt đầu từ những ngôi nhà người Mỹ đã di tản, những kho tàng không còn người cai quản, nhanh chóng biến thành những cuộc cướp phá khắp nơi. Binh lính ngụy chạy trốn từ các mặt trận về trở thành những kẻ dẫn đầu trong các vụ hôi của, ăn cướp. Những chiếc xe ba bánh, xe gắn máy chở đầy của hôi phóng như điên để kịp quay lại làm thêm những chuyến mới. Có đủ mọi thứ từ tủ lạnh, máy giặt, hòm rượu, tới bàn ghế, giường nệm và cả những tủ đựng hồ sơ. Nhiều chú bé cũng hăng hái như người lớn. Có em thồ trên người cả một tấm nệm mút. Có em khoác trên vai mấy khẩu tiểu liên.
Đối với chính quyền ngụy, Martin vẫn không tỏ ra vội vàng. Trần Văn Hương còn ngồi ở ghế tổng thống gần trọn một tuần sau khi Thiệu từ chức. Ngày 27-4, quốc hội ngụy mới ra biểu quyết trao quyền cho Dương Văn Minh làm tổng thống để tiến hành thương lượng với Mặt trận Giải phóng.
Ngày 28-4, Dương Văn Minh nhậm chức, cử Nguyễn Văn Huyền làm phó tổng thống, Vũ Văn Mẫu làm thủ tướng, Cao Văn Viên, Nguyễn Bá Cẩn cùng với 60 nghị sĩ vội chạy ra nước ngoài. Ba giờ chiều, 5 chiếc máy bay A.37 của Mỹ do phi công ta lái, ném bom và nã súng liên thanh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy hàng chục máy bay đỗ trên mặt đất. Đạn liên thanh bắn trúng chiếc xe Jeep của Nguyễn Cao Kỳ chạy trên đường băng. Kỳ thoát chết vì nhảy kịp khỏi xe náu xuống một hố trú ẩn bên đường băng.
Sài Gòn bắt đầu những trận mưa rào mùa hè. Từng lúc, những trận mưa lại bất thần ập xuống. Hai Long trùm chiếc áo mưa gần kín người và đeo chiếc kính râm to sậm màu đi trên đường phố nhớp nháp, đầy ngập rác rưởi bốc hơi nồng nặc. Những kẻ thù nguy hiểm nhất của anh đều đã tháo chạy. Nhưng anh vẫn phải thận trọng. Anh đã đi gần trọn chặng đường cuối cùng của chiến tranh. Ngày hôm nay, Dương Văn Minh đã ra thông báo đòi Mỹ rút hết nhân viên, đóng cửa Tòa đại sứ Mỹ trong 24 giờ. Như vậy có nghĩa là người Mỹ sắp di tản hết, giờ cuối cùng của Mỹ, ngụy đã điểm. Tiếng pháo lớn nổ dồn dập phía sân bay Tân Sơn Nhất. Kho nhiên liệu tại sân bay bốc cháy, lửa khói mù mịt một góc trời. Khắp các phía chung quanh Sài Gòn đều ran tiếng súng. Anh được biết sớm muộn trong ngày mai quân ta sẽ có mặt tại Sài Gòn. Một ngày rất gần anh sẽ gặp lại Hòe và Trọng. Những ngày sôi nổi của mình sắp chấm dứt. Còn vài năm nữa anh sẽ bước vào tuổi 50. Có những người bạn của anh lại lên đường ra đi. Nhưng với anh, cuộc chơi đã đi vào giai đoạn kết thúc. Anh chỉ mong những tập hồ sơ của mình và các bạn ở những bộ phận lưu trữ của chính quyền ngụy còn nguyên vẹn... Tối nay, anh còn một việc cuối cùng phải làm, anh sẽ gặp tướng Dương Văn Minh. Trung tâm muốn trong ngày mai, 30-4-1975, anh sẽ có mặt ở dinh Độc Lập với tư cách một người của lực lượng thứ ba.
Anh hòa vào dòng người đông đặc, nhớn nhác, hốt hoảng, lòng bình thản và bâng khuâng.
Anh dừng chân trước ngôi nhà cao tầng quét vôi màu vàng ở phố Duy Tân. Ngôi nhà vẫn vắng vẻ như lần anh đến trước. Anh chậm rãi leo lên cầu thang, tay đặt trên thành cầu thang bằng đá mát lạnh. Anh muốn dành sớm cho chị một niềm vui bất ngờ. Để tới ngày mai thì mọi chuyện đã quá rõ ràng. Anh muốn chị nhận ở đây lời cảm ơn thầm lặng của mình.
Cô hầu gái mở cửa ngơ ngác:
- Thưa, ông hỏi ai...?
Cô ta không nhận ra anh, vì anh chỉ tới đây có một lần.
- Tôi muốn gặp ông bà luật sư.
Người hầu gái có vẻ lúng túng.
- Tôi đã tới đây. Cô còn nhớ bà đã sai cô đi mua kem và trái cây về cho tôi không? Lâu ngày mới có dịp lại thăm.
Cô ta ngước mắt nhìn anh, rồi nói:
- Thưa ông, ông bà con di tản 2 ngày nay rồi.
- Đi đâu?
- Qua Mỹ.
Anh tự hỏi mình tới đây có chậm không rồi tự an ủi: quả đất vẫn tròn và trở nên quá nhỏ trong thời đại ngày nay, biết đâu có ngày anh sẽ gặp lại chị...
6.
Chiều ngày 29-4-1975.
Nguyễn Cao Kỳ lái trực thăng tới Bộ Tổng tham mưu. Vợ Kỳ đã di tản ngày hôm trước bằng một máy bay Mỹ khi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất chưa bị không quân ta phá hỏng. Y vẫn cố níu lấy chút hy vọng mong manh cuối cùng, có thể liên lạc được với những đơn vị quân ngụy ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngôi nhà lầu của Bộ Tổng tham mưu cực kỳ vắng vẻ. Trong văn phòng tổng tham mưu trưởng chỉ có viên tướng 3 sao Đồng Văn Khuyên ngồi ủ rũ. Khuyên cho biết tổng tham mưu trưởng đã từ chức và rời Sài Gòn trước đây 2 ngày. Y được chỉ định làm quyền tổng tham mưu trưởng, nhưng đã mất liên lạc với hầu hết những người chỉ huy các đơn vị quân ngụy. Kỳ biết tình hình đã trở nên hoàn toàn tuyệt vọng. Kỳ quay xuống cầu thang thì gặp Ngô Quang Trưởng, cựu tư lệnh vùng I chiến thuật.
- Anh làm gì ở đây?
- Tôi cũng không biết phải làm gì nữa!
- Vậy thì đi với tôi.
Kỳ bay trở về ngôi nhà ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếng đại liên của quân Giải phóng nổ cách đó khoảnh nửa dặm. Đầy trời trực thăng Mỹ đang chen chúc nhau có kết thúc nhanh cuộc di tản trước khi trời tối. Gần một chục phi công xô nhau lên chiếc trực thăng của Kỳ. Y vội vàng bay ra biển.
Sài Gòn đầy những đám đông chạy xuôi ngược và lốm đốm những đám lửa màu da cam. Trên mặt biển xanh chi chít tàu, thuyền đủ loại, có những chiếc thuyền chèo bằng tay nhỏ xíu của những người đang rút chạy.
Chiếc trực thăng hạ cánh xuống tàu Blue Ridge. Một viên đại tá Mỹ đã đứng chờ, đón họ bằng tiếng quát lớn:
- Tất cả lại đây!
Cả bọn được dẫn tới trước một chiếc bàn.
- Cảm phiền các ông cho khám người.
Khi đưa Kỳ về căn phòng nhỏ trên tàu, viên đại tá hỏi:
- Ông là ông Kỳ phải không?
Kỳ chỉ còn biết gật đầu.
Đại sứ Mỹ Martin cũng xuống tàu này. Kỳ nhận thấy ông ta, đôi mắt trũng sâu, khoác chiếc áo tắm màu xanh, đứng trên boong tàu đang ăn một quả táo. Người hầu của Martin, tay dắt con chó lông xù, đứng gần đó. Lúc này, họ không còn gì để nói với nhau. Martin đã hấp tấp rời Tòa đại sứ, bỏ quên cả tấm ảnh của Nixon có mang chữ ký và lời đề tặng: "Để ghi nhớ sự nghiệp to lớn của ông ở Đông Dương".
Viên đại tá chỉ huy tàu lại đến gặp Kỳ. Y không còn nhịn được, nói:
- Tôi hiểu rằng ông có thể nghi ngờ, nhưng xét cho cùng, chúng tôi đã hy sinh tất cả cho cuộc chiến tranh này. Chúng tôi có thể (!) đã thua, nhưng không phải chỉ riêng chúng tôi thua - người Mỹ các ông cũng thua. Điều mà tôi không hiểu được là tại sao ông lại đối xử với chúng tôi như ông đã làm? Dầu sao chúng ta cũng là bạn chiến đấu. Chúng tôi không phải là Cộng sản, ông biết mà!
Viên đại tá xin lỗi.
Các phóng viên có mặt trên tàu yêu cầu Kỳ họp báo. Martin hay tin này đến buồng thuyết phục Kỳ khước từ.
Những tiếng nhộn nhịp trên con tàu bắt đầu lắng xuống khi hệ thống phóng thanh trên tàu vang lên giọng nói quen thuộc: "Bây giờ, hãy nghe đây...". Tiếng ông mục sư tuyên úy Hải quân ngọt ngào: "Hỡi các anh em, các anh em đã giải thoát những đứa con sinh sau đẻ muộn nhất của dân tộc Do Thái. Bây giờ tôi muốn các anh em hãy cầu nguyện cho Việt Nam, và sau đó tôi muốn rằng tất cả các anh em hãy vui đùa đôi chút...".
Kỳ hỏi viên sĩ quan quân y xin vài viên thuốc ngủ. Viên sĩ quan mang tới đưa Kỳ một viên thuốc và một cốc nước, đứng chờ cho tới khi y uống xong mới rời khỏi căn buồng. Y lo Kỳ tự tử. Nhưng Kỳ không có ý định đó.
7.
Lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975.
Chiếc xe tăng tiến vào xô đổ cánh cổng sắt của dinh Độc Lập. Từ trên xe nhảy xuống một tổ chiến sĩ Quân Giải phóng trẻ măng, mặc quân phục màu lá cây, cầm lá cờ màu đỏ xanh có ngôi sao vàng, lao nhanh về phía dinh.
Những thành viên của chính phủ Dương Văn Minh mới nhậm chức ngày hôm trước, tề tựu tại phòng họp chính của dinh Độc Lập, đứng dậy khi những người cán bộ của Quân đoàn 2, mặt sạm khói súng và bụi đường xa bước vào. Họ đã tiến quân qua nhiều thành phố suốt dọc bờ biển miền Trung tới đây.
Dương Văn Mình nói:
- Toàn thể chính phủ Việt Nam cộng hòa đều có mặt, đợi các ngài tới để bàn giao chính quyền.
Một cán bộ nói:
- Các ông còn gì nữa để bàn giao! Các ông phải đầu hàng vô điều kiện.
Hai Long đừng gần kề Dương Văn Minh. Từ sáng anh đã có mặt ở dinh Độc Lập với tư cách một người đại diện cho lực lượng thứ ba. Người anh ngây ngất khi nhìn những lá cờ sao như những ngọn đuốc thắp sáng cả thành phố Sài Gòn. Ba mươi năm trước anh đã chứng kiến giờ phút rừng cờ Cách mạng xuất hiện ở Thủ đô Hà Nội. Mắt anh nhòa đi. Anh nhớ tới Người. Bác không còn để cùng vui với chúng con trong ngày sự nghiệp của Người đã hoàn tất, ước mơ lớn của Người đã trở thành hiện thực. Anh nhớ tới các bạn. Thắng đã được trao trả từ tháng 7-1973, nhưng Hòe vẫn còn bị cầm giữ tại Côn Đảo. Trọng đã bị chúng đưa về giam tại tiểu khu Hậu Nghĩa. Họ đã đi trọn chặng đường, nhưng liệu họ có còn gặp nhau đông đủ không...? ---
[1] tức trung tướng Nguyễn Văn Minh
[2] một câu trong Kinh thánh