Đàn Bà Ba Mươi Truyện ngắn 12

Truyện ngắn 12
Những năm 199x

Người quen trong đời – Tôi có nhiều việc không thể nào làm được, có những lúc chỉ một câu nói giản đơn để nói về một tấm lòng. Tôi tin tôi có tấm lòng mà sao tôi không thể nói một câu nói giản đơn đó.

 Nói một lời.

 Đôi khi sợ hãi một buổi chiều mùa thu quá đẹp như thế này, không khí trong và mây tít tắp trắng sáng lên giữa những khoảnh trời lướt qua giữa tầng tầng cao ốc, gió ở khắp nơi. Hơi ấm của mùa thu gợi đến hơi ấm giữa lòng người. Và tôi sợ ngoảnh lại hơi ấm ấy. Những tháng gần tết, đọc bài trên báo điện tử ở nhà, nói nhà văn Hoà Vang mắc bệnh nặng, tôi đinh ninh trong mười ngày về Việt Nam đón năm mới, tôi nhất định sẽ đến thăm chú, tôi đinh ninh tôi nhất định sẽ đến, chỉ để ngồi nói chuyện phiếm, tôi chưa bao giờ không nói chuyện phiếm, nói chuyện chơi đỡ buồn, sách tặng đọc chơi đỡ buồn.

 Những năm 199x, có gì để nói, cuộc sống mới bắt đầu cho tôi những cảm xúc một chiều, nhưng cuộc sống đã cho những người 199x những cảm xúc lẫn lộn. Thế nên cái tiếng nói chung duy nhất giữa những người khác tuổi tác khác nhau, chỗ đứng khác nhau chính là cảm giác giản đơn, khó nói, tự nhiên, như kiểu giữa đám đông bạn sẽ có cảm giác thích người này mà ngại ngùng người kia, một cảm giác không vì cái gì cả.

 Cứ mỗi tháng 1-2 lần, tôi và Phương Mai (Bút trưởng và phó Hội bút Hương Đầu Mùa) lại đạp xe xành xạch và hùng hục lao vào ngõ "Dạy tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp" phố Quang Trung, đạp chân chống xoành xoạch rồi tháo giầy ngồi bệt xuống nền nhà, xoa chân hể hả. Chú Hoà Vang sẽ tủm tỉm pha trà, cười thầm, tóc rung rung đượm bạc. Nhân sứ, Ánh trăng, truyện ngắn mini, tập sách đoạt giải không phải là đề tài của chúng tôi, mà chỉ toàn tám chuyện trên trời dưới bể. Chúng tôi điên rồ đã đòi kết nạp nhà văn Hoà Vang vào "Hội bút Hương Đầu Mùa", nhà văn vẽ ra hoàn cảnh linh cữu mình sẽ trôi thế nào từ toà nhà 51 Trần Hưng Đạo xuống không cần tay bạn bè, những chuyện ngây thơ hay nhiều ngẫm ngợi đau đớn như thế đã trôi qua bao lâu, trôi qua cả trí nhớ tôi, chỉ đọng lại cảm giác không thể nói vì sao có thêm mối dây ràng buộc tôi với cuộc sống tha thiết. Tất cả chấm dứt khi tôi vào đời, tôi bỏ Hà Nội đi rất nhanh, không rõ sau lưng tôi cuộc sống đã tiếp diễn thế nào.

 Kết cục những ngày nghỉ ngắn ngủi ở Việt Nam kết thúc, tôi không làm được cái gì cả. Một đêm thức trắng như nhiều đêm đánh vật với bài vở, nghe Kiss Radio nhạc dịu dàng với một bình minh đầy tiếng chim hót, lúc năm giờ sáng, mở trang báo điện tử ra đọc tin nhà văn Hoà Vang đã mất, cảm giác thật rưng rưng, đau và hối hận lặng lẽ. Tôi nhớ những năm 199x, một lần nhà văn Hoà Vang bảo, thôi chúng mày mang văn ra đây cho tao đọc xem chúng mày viết văn thế nào, mỗi đứa 1 truyện thôi, và giấu tên dưới bản thảo. Tao sẽ đoán người!

 Tôi hồi đó làm việc tập hợp bản thảo của toàn bộ nhóm bút Hương Đầu Mùa hàng tháng, toàn văn thơ, thơ văn rồi lại văn thơ, đưa ngay tập bài buổi sáng vừa thu về cho chú xem. Lần sau đến chơi, lại hai đứa hùng hục lao những chiếc xe đạp kêu xành xạch dọc đường vào tận ngõ. Tôi nhớ nhất chú Hoà Vang bảo, tao giả lại cho chúng mày này, viết chán lắm. Nhưng cũng bảo vài đứa, đứa này bất trị trời gầm, đứa thì cá tính quá, đứa kia ra đời sẽ ăn hối lộ, nhưng mà chỉ ăn hối lộ ít thôi. Đứa nữa thì sẽ đeo đuổi tình yêu cả đời, bạo liệt như Angelique, có biết truyện Tình sử Angelique không?

 Truyện với thơ đứa nào trong Hội bút Hương Đầu Mùa mà không có chữ "tôi", không có hoa lá, không có vụn vặt gia đình bạn bè, không có những viển vông ngẫm ngợi vẽ vời tuổi 17 - 18? Tôi lúc đó cũng chỉ vừa tròn 18, biết gì đâu. Giờ cái cô cá tính trời gầm vi vu tít đâu trên quả địa cầu này, hoàn toàn mất dấu vết, hoàn toàn không hề một mảy may tin tức dù tôi nhớ cô này kinh khủng. Cái cô ra đời sẽ ăn hối lộ, nhưng mà chỉ ăn hối lộ ít thôi ấy cũng đã xuất ngoại vài lần, hoàn toàn bằng tiền bao của những công ty cô viết bài. Tôi có lần đùa người đồng nghiệp cùng cơ quan: Cậu cũng làm báo mảng đó, cậu viết bài cừ, cậu làm tốt, cậu quan hệ chắc chả kém gì người ta, sao cậu chả doanh nghiệp nào "bao" nhỉ? Cậu ấy chỉ cười buồn buồn.

 Cái đứa bị phán là đeo đuổi tình yêu cả đời thực ra là... tôi, sợ chưa, bi kịch là tôi không đẹp, mà tôi lại cứ tin rằng, đừng nói đến tình yêu đẹp với phụ nữ xấu, đừng để họ tủi thân, OK?

 Mỗi năm vài lần, thỉnh thoảng dịp giỗ Tết, hay nhà có bữa cơm ngon, một người bạn gia đình tôi qua, ông thường tới lúc chiều tối, mùa lạnh có khi áo choàng măng-tô rộng, mũ cát lớn, trông rất bình thường. Mẹ tôi rất quý, thường khi bày mâm là xoay cái phía có đĩa thịt gà hay đĩa lòng gà xào về phía ông. Nhà tôi nghèo, hậu quả là cho đến giờ tôi vẫn cho rằng thịt gà luộc là món ngon nhất trên đời. Câu chuyện lặng lẽ dần từ sau ngày bác thẳng thắn: "Nhân dân Việt Nam không cần ai chọn món ăn tinh thần cho mình, nhân dân đủ thông minh để chọn lấy~!" . Bố tôi rất quý những người bạn cũ, nhất là nhóm mấy người bạn nối khố trong đó có tướng Trần Độ, thường vào ngày giỗ một trong những người vợ, bố tôi hay mời bạn bè qua ăn, một thời gian dài cố định một ngày tụ tập anh em trong cái nhà (mà lúc nào mẹ con tôi cũng ngại ngùng xấu hổ vì nó quá rách nát mà phải phơi ra trong mắt bạn bè bố toàn những người chức cao quyền trọng), kể những chuyện cũ, kể những thời cuộc ngày nay, những câu chuyện làm tôi luôn băn khoăn vì sao không ai nói đến tương lai, hay tương lai là thứ, với những lão thành cách mạng như họ, đã trở nên mơ hồ không thể định đoạt?

 Ngày nhỏ bố tôi năm tuổi, đi với anh Trần Độ 6 tuổi tự lập một đội vệ binh bảo vệ xóm làng có 2 người, tự vác gậy, tối khệ nệ đi quanh hàng xóm "trừ gian" tít ở Thái Bình gần một thế kỷ trước. Nhắc chuyện cùng tham gia kháng chiến năm 1939, chiến đấu cùng nhau ở trung đoàn 209 rồi đại đoàn 312, chuyện bác Trần Độ nằm nhà ngục Sơn La, chuyện bố tôi nghễu nghện làm con rể ông Trưởng tộc người Thái ở Sơn La, lôi kéo người dân tộc theo cách mạng. Chuyện bố tôi từ chức, chuyện các bác bạn bố lần lượt thất sủng. Những chuyện đau đớn gắn với thời cuộc và định mệnh cả một thế hệ. Bố tôi không khóc khi mẹ tôi chết nhưng khóc nhiều khi lần lượt đưa tang những người bạn cũ. Tôi đứng ở bên, lặng im lạnh nhạt nhưng trong lòng đầy giông bão.

 Tôi chỉ thèm tự do, thèm ghê gớm.

 Sau khi tướng Trần Độ bị cách chức, nhà tôi có thêm một người khách.

 Đều đặn hàng tháng 2 lần, có khi chăm chỉ tháng 3 lần, thấy chiếc xe xanh dựng trước cửa nhà, tôi ngao ngán. Anh ta người gầy, cao, tự giới thiệu tên là Thanh Tùng, người "ở trong Thành" ra, hy vọng bố tôi hợp tác, nắm tư tưởng các "lão thành cách mạng". Còn nhỏ thì tôi bực tức, lớn lên một chút thì tôi khinh bỉ, bố tôi luôn niềm nở nhưng kiên định: "Tôi già rồi, tôi chỉ chơi bời bạn bè qua lại, tôi còn là thầy của thầy các anh!". "Nhưng bạn bác đang làm ở... bạn bác đang làm ở... bạn bác đang làm... bạn bác đang ở...". Kiên trì vô cùng kiên trì vô cùng trơ tráo và bất cứ lúc nào tôi cũng chỉ gặp cái cười hơi ngớ ngẩn nhưng đầy hàm ý. Lần nào tôi cũng chỉ chửi: "Bố đuổi cha nó đi, thằng mật thám thằng mất dạy!".

 Chỉ một lần duy nhất thấy bố tôi phẫn nộ, mỗi khi phẫn nộ ông đều vừa nói vừa cười nhạt nhẽo: "Anh ạ, cả đời chúng tôi cống hiến cho cách mạng, vào ngục ra tù, bao nhiêu trận đòn bao nhiêu máu đổ chỉ mong có ngày hoà bình. Tình báo là để chiến đấu với quân thù. Giờ lại chiến đấu bạn bè đồng đội mình, đánh lại chính người Việt mình, các việc đó tôi không giúp anh được, tôi không làm, xin anh thông cảm. Và anh cũng nên xem lại chính công việc của các anh đi!"

 Cái xe xanh cứ đúng hẹn đến dựng ở cửa nhà tôi, từ khi là xe đạp đến khi đổi xe máy, thêm sao, lên lương. Không moi được tin gì thì ngồi trà nước, ngồi uống hết ấm nước này đến ấm nước khác, cứ ngồi ì ra xem ai đến nhà chơi, ai gọi điện, nói chuyện gì, cha tôi đi câu cái xe xanh cũng đi ra bờ hồ, bố tôi với các ông bạn già thì thào xem Nhân điện hay cái gì Suối nguồn tươi trẻ thì cái xe xanh cũng xin một cuốn về đọc cho hết rồi đến bàn chuyện Suối tươi, nguồn trẻ. Ngày Tết cái xe xanh buộc thêm hộp mứt rẻ tiền và chai rượu Lúa mới đằng sau. Thật sự là buồn cười, năm nào cũng là chai rượu và hộp bánh, mứt rẻ tiền y như nhau, tôi nằng nặc bảo không thèm nhưng bố tôi nể, nói rằng, không nhận, anh này về chắc bị kỷ luật.

 Sau khi tướng Trần Độ mất một thời gian, cái xe xanh đến nói, cháu bây giờ đã xong nhiệm vụ, từ sau cháu không đến nhà bác nữa. Và vì thế, tuy không phải ngày tết, cũng đem tặng chai rượu và hộp bánh, chả biết để làm gì. Tôi thấy bố tôi chép miệng nói, cứ tưởng đã "giác ngộ" được thằng này, đã tin lời nó bảo, nếu không đồng ý cộng tác thì nó chỉ còn đến chơi vì quý bác già, vì bác ngay thẳng, tình nghĩa, tuy già còn say mê phục vụ xã hội, nào ngờ hoá ra gần chục năm nay nó cũng chỉ là đến thám thính mình, tình nghĩa gì đâu! Và vì thế, bây giờ bố tôi mới thật sự buồn. Nhìn ông cụ già thất thểu thu gọn những bản thảo, thư từ, tôi chua chát, con đã nói mà bố không nghe, thế kỷ 21 rồi làm gì có cái gọi là tình nghĩa, nếu họ thấy không còn lợi dụng được mình nữa? Và cái chai rượu hộp bánh kia họ cũng chả phải bỏ tiền túi của họ ra mua cho bố đâu, sao bố cứ như trên mây trên gió thế hở?

 Bố tôi chỉ buồn vài ngày, sau đó lại hăm hở, đánh võng trên đường và đi tán tỉnh những "cô" kém ông cả bốn chục tuổi. Bố tôi di truyền cho tôi tính đa tình, vừa đa tình vừa bạc tình!

 Những lúc buồn, rất nhiều những lúc như thế trong những năm 199x, tôi đến nhà một ông cụ, ngày xưa đây là nhà người mẹ tôi yêu. Có những lần buồn hơn, tôi lò mò đi tận một tỉnh xa, một mình một xe chạy đi tỉnh rất xa, đến chơi nhà người yêu của bác tôi. Bà là người yêu của bác tôi gần bảy mươi n ăm trước, khi bà là hoa hậu vùng Kinh Bắc. Bác tôi giờ là cái tượng đài uy nghi, cả nhà, cả thành phố, cả tỉnh đấy có qua thắp hương thì cũng chỉ là cái vinh quang đã chết, nhưng cái đau đớn của bà thì còn sống. Tôi nhớ một lần đang đêm ngủ bỗng dậy, khóc nức nở, bà ngồi dậy bên cạnh hỏi tôi: Thế cháu yêu người con trai đấy lắm à?

 Làm sao một bà già đã sống gần hết cuộc đời trắc trở, lại biết rằng những nước mắt lúc nửa đêm về sáng là bởi những đau đớn do tình yêu gây ra? Làm sao biết trong lòng tôi đang có những gì? Bà là người bạn đặc biệt nhất tôi biết trong những năm này. Bà nói, về Hà Nội buồn thì qua nhà chị gái bà chơi, nữ thi sĩ Anh Thơ. Tôi có mang cuốn sách đầu tay qua tặng nữ sĩ Anh Thơ, có ở nhà bà ăn cơm, chơi, ngủ, nhưng có lẽ khí chất không hợp, tôi lại lang thang đi.

 Vì sao những dây tình oan trái của cha mẹ, họ hàng không đơm hoa giờ tôi đi thu lượm, tìm hỏi lại để tự đau buồn, tự mình đa đoan tự mình thương tiếc những cái sẽ mất đi khi thế kỷ 20 chết.

 Anh béo đến nhà tôi trong những ngày tâm trạng ấy. Anh lừ lừ như tàu điện ngầm nhưng đi đến đâu bão tới đó, không phải vì gió, vì tiền. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa gặp người nào giàu như thế.

 Tôi sợ nghèo kinh khủng, tôi sợ cái nhà rách nát, tôi sợ tôi của hai năm trước vẫn chỉ độc một bộ quần áo ra đường, của năm trước vào Sài Gòn lãnh giải Văn học Tuổi hai mươi mà đi về vẫn chỉ 1 cái áo dài duy nhất thủng vá lại, tôi sợ tôi năm đó tần ngần trước những bill nhẹ hều ly cà phê cũng không trả nổi cho bạn bè, lương biên tập viên Hoa Học Trò chỉ 300 nghìn đồng, Khánh Hạ làm bán thời gian lương cũng chỉ 200 nghìn, mang về cho mẹ tôi, mẹ mừng lắm. Nên những chị Mai Hoa, anh Hữu Khoa, Chu Quốc Dũng, Dương Thụy, Trung Nghĩa, hội bút quý nhau lắm đi cùng nhau mà tôi chưa bao giờ đủ tiền trả một lần nào.

 Tôi vào Sài Gòn theo anh béo. Bỏ Hoa Học Trò mà tôi yêu quý bỏ cả năm thứ ba đại học dở dang. Có những lý do chỉ có thể giấu kín trong lòng, tự cảm thấy không khí đời sống quanh mình, giá mình không lãng mạn thì đời sống hẳn đã suôn sẻ, êm ái, vô tình.

 Xuống ga Sài Gòn, anh béo cho tài xế đón tôi về ở nhờ nhà một người bạn thân của bố tôi, ông Tạ Đình Đề.

 Tôi không nghĩ ông già lụm cụm nghễnh tai mắt hơi mờ này, sống trong con hẻm ba bốn xuyệc quận Tân Bình lại là huyền thoại ngang tàng ngày xưa. Mỗi buổi sáng ông dậy sớm, xả nước trôi đám lá khô rụng hồi đêm ngoài sân. Ông bà chăm tôi như con, sáng nào ông cũng giành việc là phẳng phiu áo sơ mi cho tôi trước giờ đi làm. Vì ông là áo khéo hơn tôi nhiều. Rồi tôi đạp xe từ Tân Bình xuống quận Tư đi làm công nhân cho một xưởng giày của Công ty giày Hiệp Hưng. Tối về tôi còn cà phê, ông bà vẫn chờ cửa.

 Thật khó nói cuộc sống từ tầng lớp trí thức văn chương tuần trước, tuần sau đã thành công nhân xưởng giày áo đồng phục sáng sớm vào công ty bấm thẻ chuyên cần. Những thay đổi quá nhanh, tôi không kịp quen. Những đêm tiếng hủ tiếu gõ q uanh khu Phạm Văn Hai cứ làm tôi thao thức. Từ đó, truyện ngắn "Ngày mai" ra đời với anh béo, với bác Tạ Đình Đề, với cuộc sống tưởng chìm đi từ đây giữa vật chất giản đơn.

 (Rất đáng tiếc, những chiếc áo là cho tôi là những kỷ niệm cuối cùng về ông. Ông mất cuối năm đó. Tôi và cha tôi đi quanh linh cữu mà không tin vào sự thật này.)

 Nghĩ ra thì cuộc sống đơn giản vậy thôi.

 Thoát được trách nhiệm trí thức, giờ đi làm công ăn lương, cuộc đời nhẹ khoẻ tươi tắn trở lại.

 Thôi thì cuộc đời cho gì ta nhận nấy!

Nguồn: truyen8.mobi/t103750-dan-ba-ba-muoi-truyen-ngan-12.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận