Đôi Môi Của Nước Chương 8

Chương 8
Con chim luòn lạn trón

Vài ngày sau, tôi có mặt ở miền Nam Tây Ban Nha. Một lần nữa, tôi lại tới thăm những nơi gia đình tôi thường lui tới trước kia, song lần này với ý thức như đang trải qua lễ thụ pháp. Ở Séville, tôi vừa ngắm con sông Guadalquivir vừa tưởng tượng ra những ánh mắt của tổ tiên tôi từng nhìn lên con sông này; giống như tôi, họ cũng từng bước trên những bậc thang xoáy ốc của tháp Giralda; trong quá khứ cũng như giờ phút hiện tại, mặt trời lướt qua những vòm trang trí màu đỏ và trắng của tu viện lớn Cordoue, và vẫn con chim ưng vĩnh cửu ấy ngự trên vườn thượng uyển của Alhambra, ở Grenade.

Lẽ dĩ nhiên là không còn gì giống như xưa nữa. Sự tiếp diễn này chỉ tồn tại trong tôi; chẳng còn lại gì nếu ta không mong ước; mọi quá khứ đều là mong ước. Bởi vậy mà tôi tin đã trông thấy cụ tổ ba đời của mình lên tàu đi châu Mỹ, ở Cadix.

Chuyến du hành của tôi tới vùng đất này tựa một giấc mơ lạ. Ở mỗi địa điểm của nơi chốn này, tôi đều muốn được lưu lại mãi mãi, và tôi biết là sớm muộn thì tôi cũng sẽ quay trở lại mỗi thành phố này lâu hơn. Song tôi phải ra đi, bởi tôi đã hẹn gặp được Maêmoưna lúc đó đang ở Paris vài ngày, nàng có thể tới gặp tôi ở Sète, ít nhất là một đêm.

Một nhánh họ tộc nhà tôi đã nhập cư vào miền Nam nước Pháp và định cư tại thành phố cảng nhỏ vùng Địa Trung Hải này. Ở đây, các thủy thủ mất đi được mai táng tại nghĩa trang thủy thủ nằm trên một ngọn đồi mạn phía trên của Sète, và họ canh cho thuyền chài trở về.

Chúng tôi hẹn nhau tại một khách sạn nhỏ trên quả đồi trông xuống khu cảng, và chúng tôi mở toang tất cả cửa sổ trong khi làm tình. Gió từ ngoài khơi thổi vào lồng lộng, hàng ngàn cột buồm của những con tàu neo đậu bay phần phật ngoài bến cảng, còn chúng tôi thì nhảy múa theo điệu nhạc trong cơ thể mình hết giờ này đến giờ khác. Lần gặp trước, Maêmoưna mượn lời một bộ phim mà tôi không nhớ tựa đề để nói với tôi: “Em yêu cả hai người. Em yêu anh hơn, nhưng anh ấy là người em yêu bấy lâu nay. Anh là thực tại, là sự cuồng nhiệt; còn anh ấy là lịch sử đời em. Anh và em, chúng ta không có tương lai, mà chỉ có những cuộc hẹn hò huyền bí, phi thời gian. Những khoảnh khắc. Chúng có thể biến đi rồi trở lại.”

Thật bất hạnh cho tôi, những giây phút may mắn ấy giữa hai chúng tôi sắp qua mất rồi. Có thể vì lẽ đó mà lần này, cuộc chia tay của chúng tôi trở nên mãnh liệt và thực hơn bao giờ hết. Cả hai chúng tôi đều biết sẽ còn lâu mới gặp lại nhau, và hẳn nàng tin chắc vào điều đó hơn tôi, bởi nàng muốn có đứa con đầu và mong quên đi sự tồn tại của tôi trên đời. Nàng phải xua tôi ra khỏi thế giới tình cảm của nàng để sống cuộc đời nàng đã chọn. Điều đó làm tôi vô cùng đau khổ.

Tôi đã đề nghị nàng đi Ma rốc với tôi. Nàng trả lời tôi rằng điều đó là không thể. Với nàng, cuộc tìm kiếm của tôi lần theo dấu vết Aziz có vẻ thật kỳ cục. Trực giác khiến nàng nói: “Cuộc tìm kiếm này ẩn giấu cuộc kiếm tìm khác. Anh hãy cẩn trọng. Em có cảm giác anh đang cố tìm cách hiểu thêm về người đàn bà mang tên Hawwâ này, chứ không hẳn là chỉ tìm hiểu người viết thư pháp của anh. Có thể anh sẽ phải trả giá đắt đấy. Hãy cẩn trọng. Anh khiến em có cảm tưởng anh đang lao vào cuộc phiêu lưu này để lấp đi khoảng trống. Những khoảng trống vô cùng nguy hiểm; chúng dễ dàng bị lấp đầy bởi đau khổ và điên loạn.” Và thế là lại một lần nữa chúng tôi chia tay nhau. Lần chia tay này dẫn tới cảm giác bối rối và yếu đuối như chuẩn bị cho điều sẽ xảy ra sau đó trên con tàu mà tôi đã sẵn sàng bước lên: một cú sốc, một cơn bão khủng khiếp, và sự đổ vỡ mọi niềm tin trong tôi. Sau chuyến vượt biển này, mọi giác quan của tôi hẳn không còn như trước nữa.

Vậy là tôi lên tàu ở Sète để tới Tanger. Chuyến vượt biển này, có lẽ phải kéo dài ba mươi tám giờ đồng hồ, đã trở thành chuyến du hành ngược thời gian phi ranh giới, phi ý thức về điểm đến hay đích xuất phát. Một cơn bão làm xáo trộn mọi giác quan của những ai có mặt trên tàu. Chẳng có cách gì để được ở yên một mình trong căn phòng nơi ai nấy đều chán nản than vãn vì say sóng. Vịnh Sư tử(1) nuốt chửng lấy chúng tôi rồi nôn mửa ra chúng tôi, bởi nó cũng bị say sóng như chúng tôi, rồi lại nuốt chửng lấy chúng tôi lần nữa. Chuyến đi này quả là sự khai mở cho điều vô nghĩa.

Tất cả những cú va chạm khô khốc của sóng biển vào mạn tàu đều vọng đến nơi tận cùng sâu thẳm trong mỗi người chúng tôi, những cơ thể cũng phẫn nộ như cơn bão, mặc dầu cơn bão bị hạn chế phạm vi và thổi hết tốc độ, trong khi toàn bộ con người chúng tôi dường như bị dốc sạch ra, lả đi, rốt cuộc thu lại thành cơn say sóng thuần túy. Tôi thật bối rối và cảm thấy mất mát sâu sắc.

Vừa đặt chân lên đất liền, tôi đã viết cho Maêmoưna rằng sau hôm chúng tôi chia tay nhau, tôi đã lên tàu Agadir, ở cảng Sète - đó là tên con tàu Ma rốc đưa tôi tới Tanger, cái tên dường như báo hiệu cơn địa chấn đe dọa tâm hồn tôi; nó làm nhớ lại sự v iệc thành phố Agadir(2) bị một trận động đất phá hủy hoàn toàn cách đây khoảng hơn ba thập kỷ.

“Anh lên tàu mang theo hình ảnh em. Rồi anh hòa lẫn vào những thứ mà chắc chắn anh không hề chờ đợi. Anh sẽ không nói nhiều về sự trái ngược giữa thái độ xa cách và khinh khỉnh của những người Pháp trên cảng với kiểu hiếu khách khó hiểu của các hành khách Ả rập. Anh nhận ra ở họ một điều gì đó vừa rất gần gũi lại vừa rất xa lạ. Chẳng cần phải giải thích chắc em cũng hiểu anh cảm thấy vững lòng thế nào khi nhìn những ánh mắt, vẻ thân mật và cách tiếp cận phóng khoáng đồng thời phức tạp của họ. Bằng cử chỉ, họ khiến anh hiểu rằng có mối liên hệ rất xa xưa giữa Ma rốc và Mexico - nó hẳn còn xa xưa hơn rất nhiều so với mối liên hệ được gia tộc anh thiết lập giữa Sahara và sa mạc Sonora, và đương nhiên xa xưa hơn nhiều lần nữa so với việc anh quay trở lại Ma rốc theo những dấu vết của Aziz.

Đêm hôm đó, chẳng còn thiếu gì để thêm vào tâm trạng anh mang theo từ nghĩa trang thủy thủ ở Sète, ngoài cái mùi lộn mửa của những cơn ợ nhè nhẹ do thứ gia vị gì đó trong những món ăn người ta phục vụ trên tàu. Tàu bọn anh vào đến Vịnh Sư tử lúc xế chiều. Anh cùng vài hành khách ở trong ca bin của một thủy thủ, bọn anh đang nghe kể một câu chuyện dài về mặc cả bán mua lẫn lộn thì lần đầu tiên anh cảm thấy mình bị bóng ma của vùng vịnh tấn công, đó là cơn say sóng, và anh không nhớ là người ta có thể sợ chỉ vì một chút như vậy, song chẳng mấy chốc những cơn co thắt liên tục cuộn lên từ dạ dày khiến mọi thứ trong bụng anh, kể cả vụn bánh mì nhỏ nhất, cũng bị giao hết cho đại dương lồng lộn, mất hút trong cái miệng đang ngoác ra của những cơn sóng dường như muốn ăn tươi nuốt sống bọn anh. Anh phải nhờ một thủy thủ đỡ giúp để quay về chỗ mình, mà anh ta xem ra cũng sắp ngất tới nơi vì say sóng.

“Bọn anh phải đi xuống sáu tầng cầu thang dài như vô tận, vì anh mua vé hạng ba, khoang tàu nằm tít phía dưới đường mớn nước. Bỗng người thủy thủ bỏ anh lại, đúng lúc anh nhận ra mùi phòng khách. Có gần tám chục người trong gian phòng xếp đầy các hàng ghế có lưng tựa ngả ra được. Và đương nhiên là không có lấy một cái cửa sổ nào. Trên mỗi chiếc ghế đều đặt một tấm chăn mang tên con tàu được gấp làm bốn. Trông hệt một rạp chiếu phim không màn ảnh cũng không lối thoát hiểm.

“Hầu hết những người ở đó là dân lao động Ma rốc trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng tại Pháp. Anh tưởng mình là người duy nhất bị say sóng, nhưng khi bước vào phòng, anh mới nhận thấy mình hóa ra lại nằm trong số những người còn khá hơn cả. Nhiều người chạy về hướng buồng vệ sinh duy nhất và hầu như là không bao giờ chạy kịp tới đó; nếu có vào được thì họ cũng nhận ra ngay lập tức là những đường ống dẫn cũng chịu chung cơn say sóng với các hành khách. Vậy tốt hơn hết là nằm dài trên sàn, vì tư thế ngồi khiến các cơn buồn nôn tăng lên rất nhiều; nhưng thật chẳng dễ chịu gì khi phải nằm dài ở dưới hoặc giữa hàng ghế vì không thể nằm yên một chỗ được, ngay cả những viên thuốc ngậm hay viên con nhộng mà bác sĩ cho bọn anh cũng bị nôn hết ra.

“Vài người nói rằng cái lạnh bao trùm trong gian phòng còn khủng khiếp hơn cái lạnh của mùa đông tuyết rơi, và nó không chịu nhượng bộ. Không thứ gì có thể sưởi ấm cho bọn anh, dù chỉ trong giây lát, và vì khoang bọn anh nằm ngay mũi tàu là chỗ hứng chịu những con sóng hung dữ nhất, nên cơ thể bọn anh phải nhận những cú sóng biển ào lên; hơn nữa, bọn anh không tài nào ở yên một chỗ được; mỗi cú va đập lại là lời báo trước chắc chắn cho cú tiếp theo, như một vụ tai nạn ô tô kéo dài suốt đêm.

“Và rồi có cả mùi hôi, thủ phạm chính làm bộ máy tiêu hóa điên cuồng; anh vẫn thấy rùng rợn khi nhớ tới cách thức đậm chất Ả rập của những người cùng đi với anh, khi họ đồng loạt chuẩn bị nôn, nhớ tới dàn đồng ca những tiếng ợ hơi kéo dài và không đúng lúc của họ, khởi đầu bằng tiếng sấm ì ầm ùng ục rồi kết thúc bất ngờ bằng tiếng kêu chiêm chiếp. Bởi không ai kìm nén tiếng động, không ai làm được điều đó.

“Nhiều người đàn ông òa khóc với con cái họ, ở cuối gian phòng; hai người đàn bà mang hình xăm kêu ầm lên cầu khấn, như thể họ cố dùng lời than vãn để làm át những tiếng sóng ngoan cố đập vào thành tàu. Họ quỳ gối và áp trán lên sàn, ngẩng đầu lên rồi dập đầu xuống hết sức mạnh; tất cả những ai thấy họ làm vậy đều chỉ muốn thà nhắm mắt vào còn hơn. Dù sao thì ngay cả những cái nhìn lên bất kỳ thứ gì cũng không thể dừng lại dù chỉ là một phút.

“Thật khó kể cho em nghe được kết cục của đêm hôm đó. Nó kéo dài tới mức không còn tính đếm được thời gian nữa. Người ta không thể ngủ hay sưởi ấm, cũng chẳng thể ngừng ngửi và nghe thấy những tiếng kêu rống từ những cái miệng bắt chước tiếng sóng biển. Bọn anh chịu khuất phục trước cơn bão táp ruột gan, và dường như chính nó làm biển rung chuyển, chứ không phải ngược lại. Cơn co thắt bụng dưới lan truyền tới cả đất liền, thật khủng khiếp. Thế giới rung chuyển bởi cơn giận dữ của vài khúc ‘rắn ruột’ nấp trong cái góc hứng chịu sóng gió nhiều nhất của con tàu.

“Lần này đêm tối không đem lại cho anh giấc ngủ mà là cảm giác ngây ngất lan tỏa. Ta không ngủ nữa, mà là lả đi. Bản hòa tấu những cơn co thắt không có hồi kết. Đám đàn bà tụng kinh bằng tiếng Ả rập đập đầu xuống đất ngày càng mạnh và những cú đập đến cứu bọn anh, trong khi bọn anh cố hạ mí mắt xuống.

“Nhưng hết đêm thì cũng không phải là sáng. Ở dưới đáy cái hố tối đen và sâu thẳm từ những thời xưa cũ nhất, không còn khái niệm ngày tiếp nối đêm. Tuy nhiên có điều gì đó khác biệt đã được báo trước, giống như ai đó mà ta đang nóng ruột đợi chờ sẽ đến.

“Khi anh mở mắt ra, xung quanh anh tất cả đều yên lặng như tờ. Và biển cũng vậy. Ai biết được bao nhiêu giờ đồng hồ đã trôi qua? Lúc đó đang là ban ngày. Ở đây, chẳng ai là không biết những phản ứng tối thiểu nhất của người khác, và lúc này những ánh mắt nhìn nhau vẻ biết ơn. Tất cả bọn anh đã cùng hòa giọng v o bản hòa tấu, và bây giờ bọn anh đang thu nhặt những nốt nhạc tản mác của nó.

“Ở cuối phòng, có tám hay chín người đang vây quanh một người đàn ông. Ông khua tay, và điệu múa đôi bàn tay ông trông hùng hồn tới mức nó gần như giúp anh đoán được một vài chi tiết trong câu chuyện diễn đạt bằng tiếng Ả rập của ông. Thi thoảng những người đứng nghe ông rụt rè nói từ gì đó, còn ông thì đồng tình hoặc không đồng tình với họ. Anh nhờ một người dịch lại xem người đàn ông đó đang kể gì, và dần dà, anh tái hiện được một thứ giống như bản trường ca thủy thủ ngắn gọn. Bản trường ca về một con tàu bí ẩn mà Ibn Khazân, người kể chuyện của bọn anh, cam đoan là đã nhìn thấy hai năm trước, cũng trong một chuyến vượt biển như thế này, sau một cơn bão.

“Người đàn ông này khiến đám đông vây quanh ông chăm chú lắng nghe từng tình tiết li kỳ trong câu chuyện ông kể. Theo những gì anh hiểu, từng có thời các thành phố ven Địa Trung Hải trục xuất tất cả những người không tuân theo lý lẽ thông thường của số đông. Đám thị dân trả tiền cho thủy thủ để chở số người này đi và quăng họ xuống biển. Lý lẽ của biển vốn ngược với lý lẽ của các thành phố nên đôi khi, sau vài tuần lênh đênh trên biển, chẳng ai còn phân biệt nổi những người bị đày đi biệt xứ với những người còn lại của thủy thủ đoàn. Bởi vậy trên một trong những con tàu ấy chỉ còn lại đám người mà một số dân Bắc Phi gọi là ‘người lú lẫn’.

“Thế là dân bến cảng bắt đầu bàn tán về một con tàu mà họ có nghe nói đến, ‘con tàu của những kẻ điên’. Ibn Khazân nói là đã trông thấy con tàu xuất hiện ở phía chân trời và từ đó vang lên tiếng nhạc xót xa buồn tẻ. Ai cũng đề nghị ông kể rõ hơn. Anh không biết mình có hiểu những gì người ta dịch lại, mà đúng hơn là những gì anh muốn hiểu hay không. Song chắc chắn là anh đã trộn lẫn những hình ảnh của mình với hình ảnh của ông ấy. Câu chuyện xa xưa về con tàu khiến anh thấy thích thú.

“Khoảng gần một giờ sau, những lời cầu nguyện lại vang lên, đáp lại tiếng sóng ầm ào và đáng sợ.

“Anh nhớ tới không khí hoảng loạn chung mà tất cả mọi người đều lộ rõ khi họ phải chứng kiến điều họ nghĩ là đã kết thúc lại bắt đầu. Lần này, những cơn chấn động bớt bạo liệt đi, song nỗi thống khổ và những tiếng rên rỉ của hành khách lại mạnh hơn nhiều. Một phụ nữ và hai đứa con của cô cùng buộc mình vào một sợi thừng dài để mấy mẹ con không bị tách ra nếu chẳng may tàu chìm. Một cậu trai mặt tái mét vừa đi xuống cầu thang vừa thề rằng cậu đã trông thấy thuyền trưởng cùng thuyền phó say sóng và đang khóc lóc. Hai người phụ nữ đau khổ lại bắt đầu dập đầu xuống sàn lễ lạy. Vài người đàn ông không thốt nổi lời nào nữa nên cũng dập đầu theo họ.

“Thậm chí có nhà truyền giáo, đương nhiên là người Thiên Chúa giáo, lòng thấy ăn năn hối lỗi, muốn thuyết pháp bằng cách kể lại phép lạ từ thời xa xưa từng xảy đến với một nữ tu Bồ Đào Nha, người đã cứu thoát một con tàu ra khỏi cơn bão. Trên tàu khi y có ba mươi người phụ nữ muốn đến Barbarie(1) để chuộc chồng về từ tay cướp biển. Ông kể rằng những người phụ nữ này đã ném xuống biển một chiếc khăn quàng có chứa di vật của vị Nữ thánh, và ngay lập tức, xung quanh chiếc khăn nổi trên mặt nước xuất hiện một quầng sáng tĩnh lặng trên biển và nó lan rộng ra. Khi quầng sáng lan ra đến tận đường chân trời thì khung cảnh hiền hòa trở lại trên sóng nước cũng như trên bầu trời. Mặt trời lại ló ra, và phía xa xa, bến bờ cũng như đang dang rộng vòng tay đón con tàu.

“Nhà truyền giáo càng cố làm cho bài thuyết pháp của mình hay ho, mong đem lại cho hành khách chút lạc quan, thì những người này càng tỏ ra thất vọng, bởi tất cả bọn họ đều gào lên, và có lẽ nhà truyền giáo cũng chẳng bớt đau đớn hơn nếu họ không nghe những điều ông kể, vì rất có thể họ sẽ quẳng ông qua thành tàu cùng những di thánh của ông, để kiểm chứng những điều ấy.

“Anh bỗng ngất đi và chỉ nhớ là đã nghe thấy những tiếng kêu gào năn nỉ của những người đã biến con tàu thành con tàu của những kẻ điên mà Ibn Khazân mô tả. Anh tin chắc đó là ý nghĩ cuối cùng trước khi anh nhắm mắt lại.

“Anh tỉnh lại trong phòng y tế trên tàu, tia nắng chiếu vào cái chai truyền huyết thanh hắt lên khung cửa sổ bằng kim loại làm mắt anh bị chói. Anh biết là người ta tin vào điều người ta nhìn thấy, song, cách đó không xa, có một cánh buồm màu cam và một cột buồm dài phủ đầy cành lá. Một anh hề tóc cài những chiếc chuông nhỏ đang leo lên cột buồm để tháo con gà quay treo lơ lửng trên cành cây. Như Ibn Khazân đã nói, đó là cái cây biết phân biệt thiện ác, nhưng anh rất ngạc nhiên phát hiện ra còn có bốn chú dê con ngất ngưởng trên đó đang gặm cành lá. Trên chiếc tàu buồm này có vẻ rất đông người và thật khó mà đoán được hướng di chuyển của nó. Anh muốn leo lên cầu tàu để quan sát cho rõ hơn và hỏi những người khác xem họ có trông thấy nó không, nhưng trong giây lát, anh không trông thấy nó nữa. Điều cuối cùng anh còn nhớ được là màu sáng của tấm ván dài nhô ra ở một phía đầu tàu, vị thầy tu phàm ăn và nữ tu sĩ đang hát đặt tấm ván lên chân mình như thể nó là cái bàn. Một đống mận lăn lóc trên đó và rơi xuống biển.

“Người bác sĩ trên tàu vừa đến giúp anh bình tĩnh lại. Niềm tin của ông xúc phạm anh: chẳng việc gì phải kiểm chứng câu chuyện của anh, ông tuyên bố rằng mọi điều chỉ là do anh tưởng tượng ra mà thôi, sự yếu đuối về mặt thể xác càng làm trí tưởng tượng đó bị kích động; rồi đang chuyện nọ lại xọ chuyện kia, ông ta hỏi anh đã đọc bài thơ ở Sète chưa, Nghĩa trang thủy thủ, rồi ông vừa ra khỏi phòng y tế nơi người ta đã chuyển anh tới vừa nói lớn với giọng cường điệu: Phải! Đại dương cuồng nhiệt trời sinh! Rồi trước khi sập cửa, ông ta bảo anh: Gió nổi!... Phải cố mà sống sót!

“Tám người khác trên tàu cũng trông thấy con tàu buồm ấy. Song những gì chín người bọn anh kể lại quá khác nhau, thậm chí còn trái ngược.

“Anh nhận thấy trong lúc như vậy quả thật khó mà tin được lời bọn anh. Kể từ đó, anh tự nhủ vậy là bọn anh đã quá yếu rồi, nên rất dễ bị mê sảng, và rằng con tàu buồm hẳn là con tàu ma, song rõ ràng nó đang lênh đênh trên một đại dương tưởng tượng trải dài tới tận nơi có những người trông thấy nó.

“Anh cảm giác rằng khi thèm khát em tới điên cuồng và khi cố gợi lại hình ảnh của em một cách hết sức phi lý, anh đã mở cửa cho hàng ngàn bóng ma bước vào lấp đầy miền đất mơ ước của anh. Cái đêm kinh hoàng trên tàu đó đã mở rộng thêm biên giới miền đất ấy, và những đường biên rộng tới mức chúng biến mất nơi chân trời. Với anh, mọi sự đã thay đổi, từ mọi phía.

“Con tàu buồm đáng ngờ và ít kín đáo hơn anh nghĩ này thuộc về cuộc hành trình của những thể hữu hình - nghĩa là mọi thứ và mọi sinh linh làm anh xúc động sâu sắc. Con tàu buồm đối với anh là đoạn hợp lưu, là mớ bòng bong, là sự lộn xộn. Phải chăng nó là con tàu của những kẻ Mộng du? Liệu đây có phải là cái tên mới mà một ngày nào đó, con tàu anh đang đi sẽ mang?

“Vài ngày sau khi tới Tanger, anh lại lên tàu một lần nữa, mong được khám phá thành phố của Aziz từ khơi xa. Khi vào cảng Mogador, anh ngạc nhiên nghe thấy có rất nhiều người nói với anh về con tàu buồm. Chỉ cần gợi chuyện một chút là họ bắt đầu thao thao kể tất cả những gì họ biết về nó. Anh càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ biết rõ cuộc sống của các hành khách trên tàu tới vậy. Song có một người phụ nữ đã giải thích rõ cho anh:

‘Ở đây, trước khi trông thấy tận mắt con tàu mà anh đang nói tới thì chúng tôi đã nghe thấy tiếng nó rồi. Gió ngoài khơi đẩy về bờ biển mớ âm thanh ồn ào báo cho chúng tôi biết rằng nó đang đi ngang qua vùng biển này. Những người lần đầu tiên nghe tiếng nó thường cảm thấy sợ, còn những người khác thì chạy vội lên đỉnh ngọn tháp trên thành hoặc chạy tít ra đầu đê chắn sóng để nghe cho rõ hơn. Và khi ở đó, từ phía xa, họ thấy nó lớn dần lên nơi chân trời, thì những người mắt tinh nói rằng trên tàu ai nấy đều há miệng rất to, vì họ đang oang oang kể lại cuộc đời và những nỗi thống khổ của họ. Tất cả thi nhau nói cùng một lúc, đến nỗi các câu chuyện của họ lẫn lộn vào nhau. Chính vì lẽ đó mà các câu chuyện chúng tôi nghe được đều đã xáo trộn đan xen cả. Song vì rốt cuộc mỗi người đều nghe thấy điều họ có thể nghe thấy, và có thể nghe thấy điều mình muốn, nên tất thảy đều ít nhiều hài lòng khi con tàu buồm đi qua.’

“Anh tự nhủ rằng tất cả những câu chuyện người ta có thể kể, tất cả những câu chuyện người ta có thể trải qua và tất cả những câu chuyện người ta có thể nghe thấy, chắc đều giống với những câu chuyện của con tàu buồm.

“Anh bước xuống bến cảng với niềm tin chắc rằng cuối cùng mọi thứ cũng an bài theo cách mà có lẽ ta không bao giờ dự tính được. Ý nghĩa của cuộc sống giống như con chim luôn lẩn trốn. Chúng ta chạy theo bộ lông của nó và lầm tưởng nó với những màu sắc bầu trời trong buổi chiều hừng hực sôi bên bờ biển.”

 

GI C MƠ THỨ TÁM

Tôi mơ thấy rằng chẳng có điều gì quan trọng hơn việc hai ta là của nhau. Rằng chẳng có điều gì, cả trước kia và sau này cũng vậy. Tất cả những nụ cười của em dù ở bất cứ thời điểm nào cũng đều thành hiện tại. Chúng hiển hiện ngay lúc này trong tôi, khi em đang cong người để chiếm lấy tôi như thể em sắp cưỡi lên người tôi vậy. Em chợt bĩu môi, hành động phản ánh sức mạnh khủng khiếp em dùng để ghì sát tôi vào người em. Từ đôi môi giãn nở giữa cặp đùi, em trao tôi nụ hôn sâu và mãnh liệt. Và bỗng có nụ cười sâu kín nhất từ bụng em ào lên môi em. Em giữ lấy tôi trong em như thể người ta khăng khăng giữ ý nghĩ làm thỏa mãn, hài lòng và buồn cười. Em giữ lấy tôi như thể em giữ cái điều phù hợp hoàn toàn với giấc mơ của em trong giây phút này. Và trong cái khoảnh khắc ấy, chẳng còn điều gì quan trọng hơn việc hai ta là của nhau. Tôi mãi mãi là của em, chừng nào cả hai đôi môi em còn nở nụ cười. Sự hiện diện tươi tắn của em giải thích cho tôi biết vì sao, trong tình yêu, đôi khi cái ở trên lại là cái ở dưới, cái đã qua là cái sẽ đến. Tôi thèm khát được ngấu nghiến những đường viền của đôi môi em, phần mơ hồ nhất trên miệng em, phần mà chỉ có đầu lưỡi mới có thể biết nó mang hương vị của nụ cười hưng phấn, mang hai ý nghĩa, bền bỉ, và duy nhất.

AZIZ AL-GHAZÂL

Giấc mơ của hai nụ cười

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!


 

Nguồn: truyen8.mobi/t26520-doi-moi-cua-nuoc-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận