Đồi Thỏ Chương 5

Chương 5
Trong Rừng

Những chú thỏ non này… phải di chuyển địa bàn nếu muốn tồn tại.


Trong cuộc sống hoang dã, tự do chúng… thỉnh thoảng bị lạc vài dặm… lang thang cho đến khi tìm được môi trường thích hợp.

R.M. Lockley – Tập tính loài thỏ

Đến khi trăng lặn, đàn thỏ rời khỏi những cánh đồng đi vào rừng. Chúng di chuyển lộn xộn, chú nọ đuổi theo chú kia, nhưng ít nhiều vẫn thành một bầy, cứ thế chúng đi thang thang khoảng nửa dặm trên những cánh đồng và bao giờ cũng men theo dòng suối. Mặc dù chắc chắn là cả đoàn đã vượt qua cánh đồng và đi xa hơn bất cứ chú thỏ nào mà Cây Phỉ từng nói chuyện, chú không dám chắc là liệu chúng đã an toàn chưa, và trong khi chú đang băn khoăn – đây không phải là lần đầu tiên – âm thanh mà chú nghe thấy có phải là tiếng truy đuổi không thì chú nhận thấy đám cây rừng đen đen và dòng suối đang biến dần sau những rặng cây.

Bọn thỏ tránh xa khu vực đất rừng, nơi mặt đất ẩm ướt không có cỏ chìm trong bóng tối, và chúng cảm thấy mối đe dọa từ những lùm cây bụi lúp xúp. Cây Phỉ không để ý lắm đến những bóng cây chung quanh. Với lại, chú nghĩ, Nhựa Ruồi chắc sẽ cân nhắc kỹ trước khi đuổi theo chúng đến một nơi như thế này, vì vậy nếu cứ đi theo con suối sẽ an toàn hơn là đi lòng vòng trên các cánh đồng để rồi có nguy cơ quay trở về chỗ cũ. Chú quyết định cứ đi thẳng vào rừng mà không tham khảo ý kiến Tóc Giả và tin tưởng rằng cả bọn sẽ đi theo chú.

"Nếu không gặp khó khăn nào và con suối dẫn ta ra khỏi rừng," chú nghĩ "chắc chắn chúng ta sẽ ra khỏi cánh đồng thỏ và tìm được chỗ nào đó để nghỉ ngơi trong chốc lát. Hầu hết mọi người xem ra vẫn còn khỏe, nhưng Thứ Năm và Nồi Đất dường như sắp không chịu nổi nữa thì phải."

Từ lúc chú bước vào, cả khu rừng dường như xôn xao đầy tiếng động. Nghe thoảng lên mùi lá ẩm và rêu, đâu đó tiếng nước chảy nghe như đang thì thầm. Khi đã chảy vào trong rừng, dòng suối rẽ xuống một cái ao và âm thanh của nó, lọt thỏm giữa đám cây rừng, vọng lại như thể đang ở trong hang. Chim chóc đậu ngay trên đầu làm vang lên những tiếng động nhẹ nhàng và ngọn gió đêm đang trêu đùa những tán cây, đây đó còn nghe cả tiếng những cành con khô giòn gãy răng rắc. Và vẫn có một cái gì như đe dọa, những tiếng động không thể nhận biết rõ, từ một nơi nào đó xa xa; âm thanh của sự di chuyển.

Đối với loài thỏ, tất thảy những gì mà chúng không biết đều là nguy hiểm. Phản ứng đầu tiên của chúng là giật mình, sau đó thì lao đi tìm chỗ trốn. Cứ thế, chúng giật mình hết lần này đến lần khác cho đến lúc gần như kiệt sức. Nhưng những âm thanh này có nghĩa gì và trong cái cõi xa lạ hoang sơ này chúng có thể chạy trốn đi đâu?

Đàn thỏ tụm lại gần nhau hơn, với những bước di chuyển chậm hơn. Một lúc lâu trước khi mất dấu con suối, chúng luồn dưới ánh trăng như những kẻ chạy trốn và dừng lại trong lùm cây, hai tai dựng lên, đôi mắt mở to trừng trừng. Lúc này trăng đã sà xuống thấp, ánh sáng mà dù ở bất cứ nơi đâu vẫn rọi qua kẽ lá giở trở nên đậm đạc, già nua và vàng vọt hơn.

Từ một đống lá khô dày vun dưới gốc một cây nhựa ruồi, Cây Phỉ đứng nhìn xuống một con đường hẹp, được hai hàng cây dương xỉ và những cây cỏ cháy mới đâm chồi bao quanh. Lá dương xỉ đung đưa nhè nhẹ trong ngọn gió đêm nhưng dọc theo con đường mòn chẳng có gì cả, lác đác mấy quả sồi rơi xuống từ năm ngoái quanh những gốc sồi. Có cái gì trong bãi dương xỉ diều hâu kia? Cái gì nằm ở chỗ ngoặt xa xa đằng kia? Và cái gì sẽ xảy ra với một chú thỏ đã phải rời bỏ chỗ trú ẩn dưới một gốc cây nhựa ruồi mà chạy xuống con đường mòn? Chú quay sang phía Bồ Công Anh đang đứng bên cạnh.

"Tốt nhất cậu hãy chờ ở đây," chú nói "khi chạy đến chỗ rẽ, tôi sẽ giậm chân. Nếu tôi gặp rắc rối, hãy đưa mọi người đi khỏi đây ngay."

Rồi không đợi câu trả lời, chú chạy đến một chỗ trống và lao xuống con đường. Loáng một cái chú đã đến một cây sồi, dừng lại một chút rồi chạy đến chỗ ngoặt. Qua khỏi chỗ rẽ, con đường vẫn vậy, trống trải dưới ánh trăng đang sẫm dần và từ từ chạy xuống dốc đến một khóm rừng toàn cây sồi xanh tỏa bóng đen thẫm sâu hút. Cây Phỉ giậm chân mấy cái, vài phút sau Bồ Công Anh đã ở ngay cạnh chú trong bụi dương xỉ. Thậm chí cả trong lúc sợ hãi và căng thẳng như thế chú vẫn nhận ra rằng Bồ Công Anh thực sự là một chú thỏ nhanh nhẹn. Trong giây lát, cậu ta đã chạy đến bên chú.

"Làm tốt lắm." Bồ Công Anh thì thào "Cậu đã liều mạng vì mọi người cũng giống như El-ahrairah."

Cây Phỉ liếc nhìn cậu bạn thật nhanh đầy vẻ thân thiện. Đó là một lời khen ấm lòng và làm chú phấn chấn hẳn lên. Robin Hood có ý nghĩa như thế nào đối với người Anh, John Henry có ý nghĩa như thế nào với người Mỹ da đen thì Elil-Hrair-Rah hay El-ahrairah – Hoàng tử với Ngàn kẻ thù – cũng có ý nghĩa như thế với loài thỏ. Ông cậu Remus có thể đã nghe nhiều đến cái tên này, bởi vì một số cuộc phiêu lưu của El-ahrairah thuộc về thỏ Brer. Trong vấn đề này, có lẽ chính Udysseus, người anh hùng trong cuộc chiến thành Troy, cũng đã mượn một hay hai mẹo lừa của người anh hùng Thỏ, bởi vì El-ahrairah là một tay đại bịp, không thiếu một mánh lới để lừa kẻ thù. Một lần, như người ta vẫn nói, để về nhà ông phải bơi qua sông trong đó có một con cá chó lớn đang đói mồi. El-ahrairah đã bứt lông trên người cho đến kho có đủ lông để dính lên toàn thân một chú thỏ đất sét rồi đẩy vật thế mạng này xuống nước. Con cá chó lao đến, cắn thỏ đất rồi nhả ra khi thấy chẳng có gì ngon lành. Thỏ đất giạt vào bờ, El-ahrairah kéo nó lên và đợi một lúc trước khi đẩy xuống dòng nước lần nữa. Sau một tiếng đồng hồ như vậy, chú cá chó không thèm màng đến con thỏ đất nữa, và khi nó tảng lờ đến lần thứ năm thì El-ahrairah mới bơi qua sông về nhà. Nhiều kẻ còn nói, ông thích nắng có nắng, ưa mưa có mưa, bởi vì gió, hơi ẩm và sương là bè bạn và công cụ giúp loài thỏ chống lại kẻ thù.

"Cây Phỉ, chúng ta sẽ dừng lại ở đây thôi." Tóc Giả lên tiếng trong lúc tiến gần bầy thỏ vừa thở hổn hển vừa gập cả người lại "Tôi biết đây không phải là chỗ dừng chân tốt nhưng Thứ Năm và chú em bé tẹo mà cậu dẫn theo – chúng mới khổ sở làm sao. Chúng không thể đi tiếp nếu ta không nghỉ lại một chút."

Sự thực thì chú nào cũng đã mệt lử. Nhiều chú cả đời chỉ sống ở một xó, chưa bao giờ chạy liền một mạch quá một trăm mét. Kể cả khi có thể sống và ngủ trên mặt đất vào tháng liền thỏ cũng không muốn ở cách xa những chỗ núp có thể biến thành một cái hang. Thỏ có hai kiểu đi bẩm sinh – sệt chân sau thơ thẩn la cà trên cánh đồng vào những chiều hè muộn, và lao đi như tia chớp mà bạn chỉ có thể nhìn thấy một vào lần trong đời. Thật khó hình dung nổi cảnh một chú thỏ đi những bước đều đều trên đường: cơ thể chúng không được cấu tạo cho kiểu đi như thế. Thật ra thỏ non là loài di trú tuyệt vời có khả năng đi hàng dặm đường, nhưng chúng không sẵn lòng làm điều đó nếu không ở hoàn cảnh bắt buộc.

Cây Phỉ và những người bạn của chú mất cả đêm để làm những điều khá bất thường với chúng và đây là lần đầu tiên trong đời. Chúng di chuyển thành một nhóm hoặc cố gắng làm như thế vì thật ra đôi lúc chúng lại chạy tán loạn cả lên. Chúng đã cố gắng duy trì tốc độ đều đặn, giữa nhảy cóc và chạy, đây là một việc khá khó khăn. Từ khi bước vào rừng, chúng lo lắng đến cực điểm. Một vài chú gần như bị rơi vào trạng thái tharn, nghĩa là khi sự tê liệt đờ đẫn và hai mắt mở trừng trừng xảy ra với các chú thỏ đang sợ hãi hoặc bị kiệt sức, thế là chúng ngồi ngây ra trên hai chân sau mà nhìn kẻ thù – chồn sương hoặc con người – đến lấy mạng chúng. Nồi Đất run rẩy như thế dưới một cây dương xỉ, hai tai cụp xuống một bên đầu. Chú ta giơ bàn chân trước lên một cách kỳ cục và không tự nhiên, và cứ thế liếm chân với vẻ đau khổ. Thứ Năm tỏ ra khá hơn một chút, thậm chí còn tươi vui nữa, tuy rằng nó hết sức mệt mỏi. Cây Phỉ nhận ra rằng được nghỉ ngơi cả bọn sẽ an toàn hơn là cứ lang thang ở chỗ trống trải trong khi chẳng còn chút sức lực nào để trốn chạy kẻ thù. Nhưng nếu nằm ủ rũ chán chường ở một chỗ, không có khả năng kiếm ăn hoặc trốn chạy dư ới lòng đất, tất cả những lo lắng sẽ đóng thành cục trong tim, nỗi sợ hãi sẽ không ngừng dâng lên và chúng có thể chạy phân tán và thậm chí tìm cách quay trở lại cánh đồng thỏ nơi chúng vừa bỏ đi. Chợt chú nảy ra một ý.

"Được rồi, chúng ta có thể nghỉ lại." chú nói "hãy chạy vào giữa bui dương xỉ. Nào anh bạn Bồ Công Anh, hãy kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện. Tôi biết anh rất giỏi cái khoản này. Nồi Đất không thể chờ lâu hơn nữa."

Bồ Công Anh nhìn Nồi Đất và hiểu tại sao Cây Phỉ lại yêu cầu mình kể chuyện. Nén nỗi sợ hãi của bản thân về khu rừng hoang vắng đến cỏ cũng không thể mọc, nỗi e ngại về những con cú đêm mà chúng đã nghe thấy sẽ trở lại trước khi mặt trời mọc và cái mùi thú rừng khác thường và hôi hám từ một nơi nào đó rất gần, chú bắt đầu câu chuyện.

Nguồn: truyen8.mobi/t92725-doi-tho-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận