Lưng và eo đau ê ẩm, tôi hé mắt, tán cây trước mặt trụi gần hết lá, che khuất nền trời âm u. Tuyết trên cành khô rơi ào ào khi cơ thể tôi đỗ xuống. Cũng may tôi tiếp đất trên nền tuyết, nên đã giảm thiểu được rất nhiều xung lực.
Tôi kéo khóa, tháo mũ bảo hiểm, vòng tay qua ôm eo, cắn răng chịu đau, ngồi dậy và quan sát xung quanh. Phía trước là một ngọn đồi, cách đó không xa có một con sông, dòng chảy nho nhỏ lộ ra dưới những khúc sông không đóng băng. Phía bên kia là vạt rừng, xa xa là những dãy núi đồi trùng điệp, nổi bật trên nền tuyết trắng xóa. Tuyết đã ngừng rơi, nhưng bầu trời vẫn âm u, ảm đạm.
Tôi muốn đứng lên, nhưng cơn đau ở vùng lưng lại ập đến, chiếc ba lô nặng trình trịch kéo tôi ngã ngửa ra phía sau, tôi đổ người trên tuyết. Mất một lúc lâu tôi mới lấy lại được hơi sức để lồm ngồm bò dậy. Tôi già mất rồi! Còn đâu sức khỏe và sự dẻo dai của mười năm về trước nữa!
Bước thấp bước cao men theo triền núi trước mặt thấp thoáng vài ngôi nhà của bà con nông dân. Gõ cửa hỏi thăm tôi mới biết, mình rơi xuống một nơi gọi là huyện Châu Chi, cách Trường An hơn một trăm năm mươi dặm. Tôi tiếp tục hỏi thăm đường đến huyện Hộ, nhưng cụ già miền sơn cước ấy giảng giải không được rõ ràng cho lắm, đành vậy. Cũng may tôi mang theo bản đồ, nên có thể vừa đi vừa hỏi.
Tôi rút ra vài đồng bạc vụn đem theo từ thời hiện đại, mua của cụ già nông dân một cỗ xe bò và các loại lương khô. Không muốn lãng phí thời gian, tôi tìm đường ra đường cái theo chỉ dẫn của cụ già. Cứ đi về hướng Đông là sẽ tới Trường An. Vườn Tiêu Dao ở huyện Hộ, cách Trường An bốn mươi dặm, vì vậy tôi phải đến Trường An trước đã.
Tự mình điều khiển xe bò, cỗ xe chậm chạp lăn bánh khiến tôi rất đỗi nóng ruột. Tôi không cứng tay, không thành thạo nên cỗ xe chẳng thể tăng tốc. Trên đường cái quan, tôi gặp rất nhiều người, già trẻ trai gái đủ cả. Vẻ mặt mệt mỏi, áo quần tả tơi, họ dắt díu nhau đi về hướng Đông.
Những người này hẳn là dân chạy nạn, hỏi thăm thì được biết, họ đều từ Lượng Châu tới. Bởi vì mất mùa đói kém, nên sau khi Lữ Long đầu hàng Diêu Hưng, họ kéo nhau tới đất Tần mong tìm được kế sinh nhai. Theo ghi chép thì vào thời điểm này, Rajiva đã đến Trường An. Sợ rằng ghi chép có sự sai sót, nên tôi bèn hỏi thăm họ về pháp sư Kumarajiva, nhưng chẳng nhận được thông tin nào.
Tôi đi hỏi từng người một, rồi đột nhiên tim thắt lại tưởng chừng ngạt thở! Phía trước, giữa đám đông là một bóng dáng cao gầy, đang khom lưng, áo cà sa màu nâu song bay phần phật trong gió bấc tê tái. Tôi cuống cuồng dừng xe bên đường, phi như bay về phía bóng dáng đó, chụp lấy cánh tay người đó.
Giữa hố mắt sâu thẳm là đôi mắt già nua, nhăn nheo, sống mũi người đó cao lạ thường, đôi môi dày bè, râu tóc hung đỏ, người đó rõ ràng là thuộc tộc người ở vùng Trung Á. Vầng trán cao rộng, cương nghị và thông tuệ, gương mặt nhân hậu, người đó chừng bảy mươi tuổi.
- Thí chủ tìm bần tang ư?
Tiếng Hán lơ lớ và nặng âm mũi của người đó khiến tôi phải luận mãi mới hiểu hết nghĩa. Tôi thả tay, lắc đầu thất vọng. Tôi nhớ chàng đến mức này ư! Theo ghi chép: Ngày hai mươi tháng mười hai âm lịch năm 401 sau Công nguyên, Rajiva đã được bố tướng của Diêu Hưng là Diêu Thạc Đức đón về Trường An, đến nay đã hơn một tháng, chàng đâu thể một thân một mình lặn lỗi giữa đám đông nạn dân này chứ! Tôi định bỏ đi, nhưng lại dừng bước, gặng hỏi:
- Xin thầy cho hỏi, thầy có biết pháp sư Kumarajiva từng sống nhiều năm ở Guzang nay ở nơi nào không?
Nhà sư thoáng ngạc nhiên, sau đó thì ra sức huy động não bộ tìm kiếm từ vựng, rồi thốt ra từng tiếng một đầy khó khăn:
- Ừm… Kumoluojiba… đã đến Trường An. Bần tăng đến Trường An, để tìm gặp ngài…
Tôi giật mình, nhà sư gọi tên tiếng Phạn của Rajiva! Tôi lập tức chuyển sang trò chuyện bằng tiếng Tochari:
- Đại sư quen biết ngài ư?
Nhà sư hết sức ngạc nhiên, há miệng, tròn mắt nhìn tôi, sau đó thì mặt mày rạng rỡ, bắt đầu cuộc chuyện với tôi bằng tiếng Tochari lưu loát:
- Thật không ngờ ở Trung Nguyên cũng có người biết tiếng Khâu Từ!
Ngài chắp tay vái tôi một vái, rồi nói tiếp:
- Bần tăng vốn là người Kashmir, tên gọi Buddhayassa (Phật Đà Da Xá). Kumarajiva từng theo bần tăng học đạo, ngài đồng thời cũng là bạn hữu của bần tăng.
Đến lượt tôi kinh ngạc, Buddhayassa, tất nhiên là tôi biết ngài. Thuở thiếu thời, trên đường từ Kashmir trở về Khâu Từ, Rajiva có ghé qua nước Sulaq. Buddhayassa lúc này đang tiếp nhận sự hậu đãi của Thái tử nước Sulaq. Rajiva quyết định theo thầy học đạo. Thầy Buddhayassa coi Rajiva như bạn tri âm, khi Rajiva tỏ ý muốn trở về Khâu Từ, thầy đã cố công giữ chàng lại. Những chuyện này xảy ra trước khi tôi gặp Rajiva.
- Đại sư đến Trường An tìm gặp pháp sư, vậy là Rajiva đã đến Trường An rồi ư?
- Đúng thế. Đức vua Đại Tần phòng ngài làm quốc sư, cử sứ giả đi Guzang đón ngài, tháng trước ngài đã đến Trường An. Bần tăng vượt bao gian nan đến Guzang tìm ngài, nhưng không gặp được, đành tiếp tục hành trình đến Trường An.
Đại sư nhìn tôi đầy vẻ băn khoăn:
- Không biết vì sao thí chủ lại hỏi thăm về Kumarajiva?
Tôi mỉm cười:
- Tôi và pháp sư Kumarajiva có mối quan hệ khá đặc biệt, đôi lời ngắn ngủi chẳng thể nói cho rõ. Tôi cũng đang định đến Trường An tìm ngài, chẳng hay đại sư có bằng lòng đi cùng tôi không?
Đại sư nhìn cỗ xe bò của tôi, lại thấy tôi chỉ có một mình, nên hơi do dự. Tôi bật cười:
- Chúng sinh bình đẳng, tứ tưởng[1] vốn chỉ là hư ảo tướng. Đại sư thời trẻ từng nổi tiếng là bậc danh sư với tư tưởng rộng rãi, khoáng đạt. Vì sao bây giờ lại trở nên câu nệ chuyện người nam người nữ nhường vậy?
[1] Phật Thích Ca gọi tất cả hiện tượng trong vũ trụ, nhân sinh là “Tướng”. Tướng tức là tương đối, là biến hóa, là hữu hạn, là không thật, do đó khiến chúng sinh mê vọng. Ngày cũng chia các “Trướng” thành bốn loại: Ngã Tướng, Nhân Tướng, Chúng Sinh Tướng, Thọ Giả Tướng, gọi chung là Tứ tướng. Bốn tướng này đại diện cho tất cả các hiện tượng của nhân sinh vũ trụ tương đối, có thể dùng để giải thích nội tâm của con người đối với vũ trụ vạn vật, và những ý niệm sai lầm này sinh từ đó.
Đại sư kinh ngạc nhìn tôi:
- Do đâu thí chủ lại biết chuyện của bần tăng ngày trẻ?
Tôi cười, đáp:
- Chồng tôi đã kể cho tôi nghe.
Ngày trước, Rajiva từng kể cho tôi nghe những chuyện thú vị về vị sư phụ này của chàng. Buddhayassa sinh ra thuộc dòng dõi quý tộc Bà-la-môn. Mười ba tuổi xuất gia, mười chín tuổi đã đọc rất nhiều kinh văn kinh điển. Nhưng tuổi trẻ bồng bột, kiêu ngạo, ngài cho rằng trên đời này hiếm người có thể trở thành thầy của ngài, vì vậy ngài không được lòng chúng tăng Kashmir. Hai mươi tuổi, ngài đủ tuổi thọ Cụ túc giới, nhưng không ai chịu thọ giới cho ngài. Mãi đến năm hai mươi bảy tuổi, ngài mới tìm được một vị đại sư đồng ý thọ giới cho mình.
Đại sư rất lấy làm lạ khi nghe câu trả lời của tôi:
- Chồng thí chủ ư?
Tôi gật đầu, hướng mắt về phía Đông:
- Chồng tôi chính là người bạn chí thân của ngài – pháp sư Kumarajiva.
- Chuyện này…
Đại sư đã thật sự sửng sốt, ngài lùi lại, nhìn tôi muôn phần kinh ngạc:
- Phu nhân của pháp sư đã qua đời mười sáu năm trước kia mà.
Tôi thấy buồn cười khi nhìn điệu bộ của ngài. Sở dĩ tôi nói với ngài sự thật vì tôi rất có cảm tình với ngài. Ngài là người đầu tiên truyền giảng giáo lý Đại Thừa cho Rajiva. Năm mười ba tuổi, sau khi trở về Khâu Từ, Rajiva vẫn tiếp tục giữ liên lạc với ngài. Hai người vừa làm thầy trò, vừa là bạn tâm giao. Khi tin tức Rajiva phá giới lan truyền khắp nơi, ngài là người duy nhất trong số các vị cao tăng đức cao trọng vọng ở Tây vực công khai lên tiếng bênh vực chàng. Ngài đến Trường An trợ giúp Rajiva dịch thuật kinh Phật, chuyện của tôi và Rajiva, sớm muộn ngài cũng sẽ biết, chi bằng thành thật thưa rõ ngay từ đầu.
- Rajiva chắc chắn chưa bao giờ công bố chính thức việc tôi qua đời. Đó chỉ là lời đồn nhảm của thiên hạ mà thôi.
Tôi nhìn ngài, mỉm cười:
- Tôi về quê thăm mẹ, quan san cách trở, mười sáu năm mới lại lặn lội đến tìm chồng.
Ngài quan sát tôi rất tỉ mỉ, nhưng lại lắc đầu:
- Xin thí chủ chớ nói lời dối trá, trông cô nhiều nhất cũng chỉ khoảng hai mươi ba, hai mươi tư tuổi, sao có thể trở thành vợ của pháp sư từ mười sau năm trước?
Tôi bật cười khanh khách. Thời cổ đại, nhất là khi có chiến tranh loạn lạc, tuổi thọ trung bình của con người chỉ khoảng bốn, năm mươi tuổi. Phụ nữ thiếu thốn dinh dưỡng, không có mỹ phẩm chăm sóc bảo vệ, lại sinh đẻ sớm, nên già nua nhanh chóng.
- Thưa thầy, tôi đã ba mươi lăm tuổi rồi, chỉ là nhìn vẻ ngoài thì có vẻ trẻ hơn so với tuổi mà thôi.
Tôi thêm vào tuổi của mình hai năm, như thế tức là tôi kết hôn năm mười tám tuổi, hợp lý quá còn gì.
- Mười bảy năm trước, Phù Kiên cử Lữ Quang dẫn quân tiến đánh Khâu Từ. Ngài đã thuyết phục vua Sulaq đích thân cầm quân viện trợ Khâu Từ, nhà vua đã lên đường và giao việc nước cho ngài. Nhưng viện binh của Sulaq chưa đến nơi, Khâu Từ đã thất thủ. Vua Sulaq quay về thông báo với ngài, rằng Rajiva bị ép buộc thành thân, và đã bị Lữ Quang đưa đi khỏi Khâu Từ. Ngài những tưởng cả đời này sẽ không được gặp lại Rajiva nữa, trong lòng muôn phần buồn bã.
Tôi đón lấy ánh mắt kinh ngạc của đại sư, khẽ cúi người vái lạy ngài:
- Đó là nội dung bức thư ngài viết cho Rajiva năm xưa. Thư được gửi đến Khâu Từ, quốc sư Pusyseda, em trai Rajiva thay chàng nhận thư và cất giữ, sau đó đệ tử của Rajiva là Badyetara đã mang thư đến Guzang cho chàng.
Năm đó, hai mươi tư đệ tử của Rajiva đã vượt đường xa dặm thẳng, cuối cùng cũng giao được bức thư tới tận tay chàng.
Đại sư đã hoàn toàn tin tôi. Ngài lắc đầu thở dài, nước mắt ngắn dài, ướt nhèm tròng mắt nhăn nheo, già cả.
- Bần tăng lưu lại Sulaq hơn mười năm, sau đó nhận được thư mời của Đức vua Khâu Từ, bần tăng liền tới đó giảng đạo. Ba năm trước, bần tăng nhận được thư của Rajiva, đó là bức thư đầu tiên bần tăng nhận được kể từ khi pháp sư đến Trung Nguyên. Mười mấy năm bặt vô âm tín, khi biết pháp sư ở Guzang chịu muôn vàn gian khổ, bần tăng rất mong được đến giúp pháp sư. Sau khi nhận được thư, bần tăng những muốn sẽ lên đường ngay, nhưng Đức vua Khâu Từ quá ư hiếu khách. Sau đó, bần tăng đã phải bỏ trốn, nhưng tiếc thay, sau nửa năm trời vượt ngàn dặm xa xôi đến được Guzang, thì Rajiva đã đi Trường An.
Tôi đưa tay lau nước mắt:
- Mời đại sư lên xe rồi chúng ta nói chuyện tiếp. Chúng ta phải lên đường gấp, tôi rất mong ngày mai sẽ gặp được Rajiva.
Đại sư đi chung xe bò với tôi, chúng tôi thay phiên nhau đánh xe, trên đường đi, chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều. Tôi đã kể ngài nghe Rajiva chịu sự chèn ép của cha con họ Lữ ra sao, chúng tôi đã trải qua nạn đói ở Guzang thế nào. Khi mặt trời xuống núi, chúng tôi đã vượt qua hơn ba mươi dặm đường. Chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi bên một dòng sông nhỏ, tôi lấy lương khô ra mời ngài, nhưng ngài lịch sự từ chối và cho tôi biết, ngài chỉ dùng bữa một lần trong ngày.
Tôi ra sông trữ nước vào túi da, bóng chiều đổ trên mặt sông lấp lóa. Tôi đứng lên, nheo mắt tránh ánh hoàng hôn rực rỡ, phía trước hẳn là có thôn làng, đêm nay chúng tôi sẽ tạm nghỉ chân tại đó.
Trở lại chỗ dừng xe, tôi thấy đại sư đang đấm lưng, co duỗi chân tay, thư giãn gân cốt. Tôi đưa túi nước cho ngài, ngài cảm ơn và đón lấy, lấy lưới lọc nước ra lọc qua một lần, đưa lên miệng uống một ngụm, sau đó, ngài nhìn tôi rất chăm chú, rồi đột nhiên bảo:
- Trong thư, pháp sư có nhắc đến phu nhân.
Tôi hồi hộp, ngước nhìn ngài. Đại sư thở dài, khẽ lắc đầu:
- Pháp sư nói rằng, ngài không bao giờ hối hận vì đã phá giới và thành thân…
Nước mắt tôi cứ thế lã chã. Đại sư nhìn tôi, bóng tịch dương đổ lên những sợi râu của ngài lớp ánh sáng vàng ruộm rực rỡ. Ngài uống thêm một ngụm nữa, hướng mắt về phía mặt trời, giọng ngài thâm trầm:
- Rajiva như bông lụa. Sao lại bỏ vào rừng cỏ gai?
Tôi hiểu ý ngài. Rajiva quả thật rất hoàn hảo, chàng tựa như bông lụa trắng, tinh khiết. Nhưng vì sinh bất phùng thời, bông lụa trắng phải nép mình giữa đám bụi gai, không tránh khỏi có kẻ xấu bụng muốn hủy hoại sự thánh khiết của bông lụa ấy. Đại sư cho rằng, Rajiva không đủ kiên định, nên mới phạm phải sai lầm, khiến các bậc tu hành khác khinh miệt. Ngài là bạn tâm giao của Rajiva, tuy ngài đồng cảm với Rajiva khi chàng gặp nạn, nhưng về điểm này, ngài vẫn giữ quan điểm giống những tăng sĩ khác. Các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo cũng đã dựa vào câu nói này của ngài để đánh giá, bình xét về Rajiva.
Tôi muốn biện bạch, nhưng sau cùng đã quyết định im lặng, chỉ bình thản mỉm cười. Chúng tôi đâu cần bận lòng về cách nghĩ của người khác. Chuyến đi này của tôi chỉ được vỏn vẹn nửa năm, tôi muốn dành trọn thời gian đó để ở bên chàng, không muốn lãng phí cho bất cứ việc gì khác.
- Đại sư, không còn sớm nữa, chúng ta hãy lên đường đến thôn làng trước mặt…
Tiếng vó ngựa ầm ầm nện trên đường ngắt ngang lời tôi. Một toán người, ngựa đang phi nước đại về phía chúng tôi. Đại sư Buddhayassa quan sát một lúc, đột nhiên mặt mày biến sắc, cuống quít:
- Mau lấy bùn bôi lên mặt!
Tôi ngạc nhiên không hiểu, đại sư vội khom lưng nhặt một hòn đất:
- Đó là đám kỵ binh của nước Tần, những ngày qua, bọn họ không ngừng lùng bắt phụ nữ xinh đẹp trong đám đông dân chạy nạn.
Đại sư chưa kịp đặt hòn đất vào tay tôi thì đám kị binh đã ập đến. Dẫn đầu là một tên lính trẻ mặc áo giáp, tôi không dám nhìn, vội quay mặt đi hướng khác.
Không kịp nữa rồi. Một tiếng hí vang, rồi con ngựa thình lình xuất hiện trước mặt tôi. Tôi thu tay vào trong áo, chuẩn bị rút súng gây mê. Có ai đó xuống ngựa, tiếng bước chân dồn dập dồn về phía tôi. Vậy là tôi đã gây ra sự chú ý cho cả một đám người, có chống cự cũng vô ích. Nghĩ vậy, tôi liền quay đầu lại, nhìn thẳng vào tên trẻ tuổi đang bước về phía mình. Nắng chiều kéo dài bóng dáng cao lớn của người đó, một cơ thể cường tráng khỏe mạnh, chân tay dài hơn người bình thường, chỉ nhìn thoáng qua cũng đủ biết đó là một dũng sĩ, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung.
Khi hắn ta bước tới gần, tôi bỗng thấy lạnh người. Gã trai trẻ này, đúng là rất đẹp trai, nhưng ở gã toát ra vẻ hung hãn đáng sợ! Ngũ quan cân đối nổi bật trên nền nước da màu đồng, màu da này chắc hẳn là kết quả của những tháng ngày phơi mình dưới nắng đốt. Sống mũi cao và dài, vầng trán nhẵn bóng, cặp mắt nham hiểm giấu dưới hàng lông mày dày, rậm, giống hệt cặp mắt dữ dằn của một con báo lúc săn mồi. Một lọn tóc dài thả bên vành tai phải, đám tóc còn lại được cài gọn trên đỉnh đầu, lọn tóc hững hờ này tạo cho gã một vẻ gợi cảm, lôi cuốn rất đặc biệt.
Không nên đụng độ với người đàn ông này, sẽ chẳng có kết quả tốt đẹp gì. Tôi cảm thấy rất bối rối và lo lắng, không biết phải ứng phó ra sao. Gã đã đến cạnh tôi, bóng chiều đổ trên chiếc cằm đang ghếch lên, chói lóa. Đột nhiên tôi cảm thấy có điều gì không ổn, nhưng chưa kịp phản ứng, thì một cách tay lướt qua nhanh như chớp và kéo tôi đến trước ngực gã.
- Sau bao nhiêu ngày rốt cuộc cũng tìm được một đứa khả dĩ.
Gã nhìn tôi bằng cặp mắt của kẻ đi săn dành cho con mồi, cặp môi mỏng hé ra một nét cười lạnh nhạt, gương mặt toát lên vẻ tàn ác.
- Nữ thí chủ… này… đã… có chồng… không phải…
Đại sư Buddhayassa ấp úng phát ra thứ tiếng Hán trọ trẹ. Gã kia chỉ liếc xéo đại sư một cái, rồi lại quay sang nhìn tôi.
- Kết hôn rồi hả?
Giọng điệu vô tình ấy khiến tôi lạnh cả sống lưng.
Tôi gật đầu.
Gã nhướn hàng mi dài, rất đẹp lên:
- Ta đoán ngươi cũng chừng ngoài hai mươi tuổi, kết hôn là phải rồi.
Gã nghĩ ngợi một lát, lại nhếch miệng cười:
- Không sao, biết ca hát nhảy múa là được. Ta đưa ngươi vào cung, không cần phải khổ sở đi theo lão già vô dụng này nữa.
Tôi giật mình vì ngạc nhiên. Vào cung ư? Hắn là ai? Vào thời Thập lục quốc, ngoài nước Tây Lương của Lý Cảo[2] người Hàn, các nước còn lại đều được lập nên bởi Ngũ Hồ, nên thường không xem trọng quan niệm về trinh tiết như người Hán. Bởi vậy, họ vẫn thẳng tay bắt cóc phụ nữ đã có gia đình mà không hề ngần ngại. Nhưng, hắn cướp phụ nữ trong đám đông nạn dân của Lương Châu, đưa vào cung, để làm gì kia chứ?
[2] Năm dân tộc thiểu số ở phương Bắc, Trung Quốc thời Thập lục quốc.
Không cho tôi suy nghĩ thêm, hắn kéo tôi, lôi đi. Đại sư Buddhayassa vội chạy đến giữ tôi lại, nhưng tôi đã khẽ lắc đầu ra hiệu với ngài, rồi quay sang mỉm cười với gã kia:
- Nếu được hưởng vinh hoa phú quý, tôi sẽ đi theo ngài, nhưng hãy cho tôi mang theo hành lý.
Hắn ta ngỡ ngàng, rồi buông tay tôi ra và nói:
- Ngươi là người phụ nữ đầu tiên không khóc lóc, ỉ ôi đấy. Tốt lắm, ta thích cá tính của ngươi. Sau khi vào cung, chỉ cần ngoan ngoãn, dù không còn trinh tiết, ngươi vẫn có thể được hưởng vinh hoa phú quý.
Tôi chau mày vì lời nói tục tằn, thô thiển ấy. Thật uổng phí cho dung mạo trời ban kia! Tôi quay lại xe bò để lấy ba lô và nói với đại sư Buddhayassa bằng tiếng Tochari:
- Đại sư không cần lo lắng cho tôi. Đại sư hãy đến chùa Thảo Đường trong vườn Tiêu Dao ở huyện Hộ, Rajiva đang ở đó. Nếu ngài gặp được pháp sư trước tôi, xin hãy nhắn với pháp sư rằng: Ngải Tình đã trở về.
Sở dĩ tôi đồng ý đi theo gã này, một là vì gã được tháp tùng bởi đám đông binh lính, súng gây mê chỉ có thể khiến gã bất tỉnh, và tôi sẽ chẳng thể thoát nổi đám lính còn lại. Hai là, câu nói “đưa tôi vào cung” của gã khiến tôi phải suy nghĩ. Lúc này Rajiva đã được Diêu Hưng phong làm Quốc sư, sống trong vườn Tiêu Dao của hoàng gia. Tôi chỉ là một thường dân, khó lòng gặp được chàng. Nếu tôi vào cung, biết đâu, đây là ý trời.
Tôi khoác ba lô, ngồi lên một cỗ xe ngựa, bên trong còn có năm cô gái khác, ăn vận bần hàn, hai mắt sưng húp, họ đều là dân chạy nạn. Tôi bỗng cảm thấy ảo não, Diêu Hưng cũng được xem là một bậc minh chủ thời Thập lục quốc, vậy mà gã trai trẻ này dám ngang nhiên bắt cóc dân nữ, không rõ thân thế của hắn ta ra sao?
Tôi hỏi han mấy cô gái thì được biết, họ cũng vừa bị bắt tới đây, các cô vẫn đang khóc lóc thảm thiết. Cô gái đứng tuổi nhất, chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, cao khoảng một mét bảy mươi, các nét trên gương mặt tương đối thô lậu, hẳn là người Hung Nô. Tuy không xinh đẹp, nhưng cô gái khá bình tĩnh, mạnh mẽ, cô chăm chú quan sát tôi hồi lâu, như thể tìm kiếm điều gì. Sau đó, cô gái nói với tôi rằng, cô từng nghe đám thuộc hạ gọi gã kia là Lưu tướng quân. Tôi cứ có cảm giác gương mặt này rất quen thuộc, gặng hỏi tên, mới hay cô gái tên là Nghiêm Tĩnh, một cái tên rất phổ biến, tôi không có ấn tượng đặc biệt gì. Tôi hỏi thêm vài câu thì cô gái không buồn nói nữa.
Tôi thầm suy xét: Họ Lưu, mới hai mươi tuổi đã được phong làm tướng quân đội kị binh; đẹp trai, cao lớn nhưng lạnh lùng, vô cảm. Tôi nhớ ra rồi, gã cũng là một nhân vật quan trọng của thời đại này: Xích Liên Bột Bột – người sáng lập ra nước Đại Hạ (còn gọi là Hồ Hạ)[3]