Chuế Tế (Ở Rể)
Tác giả: Phẫn Nộ Đích Hương Tiêu
Quyển 3: Long Xà
Chương 246.1: Việc nhỏ ở thư viện
Nguồn dịch: Nhóm dịch Nghĩa Hiệp + Huyền Nguyệt
Biên tập: metruyen.com
Nguồn truyện: quiquian.zongheng.com
Tháng tám âm lịch, tiết trời đúng vào lúc thu hoạch vụ thu. Bên ngoài thành Hàng Châu, những ruộng lúa chưa bị chiến tranh lan đến đã rộ lên một màu vàng rực, nông phu, binh lính, lưu dân đều bận rộn cả ngày, cho đến tận đêm khuya, cảnh tượng sôi động bên ngoài thành trì vẫn không hề ngừng. Từng nhóm binh lính một hạ trại trên những thửa ruộng hoang, tuần tra canh giữ.
Những ruộng lúa này sau khi thu hoạch đã sớm bị phân chia cho quân lính sau khi công thành, lại nói tiếp, lương thực, gạo nói chung đều đã trở thành tài sản cùng sở hữu của nghĩa quân, nhưng trên thực tế, đương nhiên là phải phân chia dựa vào lực lượng, chỉ cần là người làm quan lớn trong triều đình nhỏ của Phương Lạp sẽ được chia phần nhiều, những người còn lại dựa vào nắm đấm mà phân phối. Phần còn lại vẫn nên thuộc về ruộng đồng của lương dân bản địa Hàng Châu, nhưng đến lúc này, thực ra đều đã thuộc sở hữu của bên khác cả rồi.
Nếu chỉ vì thu hoạch, thì sắp xếp càng nhiều người càng tốt, nhưng đã mỗi bên đều tự phân lợi ích rồi, người tham dự nhiều chưa chắc đã là tốt. Những người này khó tránh khỏi tranh đấu va chạm, đêm xuống, cũng thường có quân lính bên khác hoặc bình dân đến gặt trộm, mỗi lúc như thế, trong ruộng nước, trên bờ ruộng tràn ngập ánh đuốc, tiếng kêu giết rung trời, rực rỡ tô điểm cho vành ngoài phạm vi của thành Hàng Châu, trắng đêm không ngủ.
Ngoài thành có trật tự và ích lợi ngoài thành chi phối, trong thành mọi người cũng đều có việc riêng. Thánh công tôn ti trật tự xã hội sắp tới, các ngõ lớn nhỏ trong thành cũng náo nhiệt hẳn lên, lúc này tình huống hỗn loạn đẫm máu kia cũng dã chấm dứt, trật tự mới đang dần dần được hình thành, chỉ cần có quan hệ, cũng đều vì lợi ích của bản thân mà chạy vạy rất bận rộn.
Có cửa hàng mở cửa, bọn nhân sĩ giang hồ từng đi khắp các hang cùng ngõ hẻm hoặc chặn đường cướp của đã mở đại hội anh hùng, trong tửu lâu trà quán thường có thể nhìn thấy tình cảnh những kẻ bất đồng thân phận bất đồng khí chất tự tập lại nói khoác với nhau. Những kẻ có quan hệ, có bản lĩnh đều tìm cách kiếm được một chức quan dưới trướng mấy tên tướng quân, nho sĩ thư sinh biết đôi chữ nghĩa, có tài văn chương nhưng không gặp thời đều tự giới thiệu, xin được che chở hoặc là giành mấy chuyện lớn nhỏ gì đó.
Người nhiều lắm, có nhiều người không vừa mắt với tiền đồ bên Phương Lạp này, tất nhiên cũng có người ôm chí phong hầu, bằng lòng mạo hiểm một lần. Xã hội này chính là như vậy, chỉ cần có giao lưu, có xu thế nhất định, một hệ cơ cấu sẽ tự nhiên sinh ra. Cái xã hội nho nhỏ này của Phương Lạp cũng đã miễn cưỡng có được một cơ cấu và một mô hình nguyên mẫu của nó. Nhất thời, trong thành ngoài thành dường như lại có một luồng khí thế cao ngất trời.
Trong mấy ngày này, thư viện Văn Liệt vẫn có vẻ khá là yên tĩnh. Lúc này đã là buổi trưa, ánh mặt trời cuối thu chiếu qua kẽ lá, xen lẫn từng tiếng ve kêu, đang là giờ giảng bài trong thư viện. Ninh Nghị gập quyển « Sử Ký » trong tay lại, đặt lên trên bàn, chuẩn bị rời đi.
Lúc này thư viện vẫn ở trong tình huống thầy nhiều trò ít, tuy rằng phân làm bốn ban Giáp Ất Bính Đinh, nhưng cộng lại cũng không đến một trăm học trò, mà những lão sư trên danh nghĩa lại có đến ba bốn mươi vị. Mặc dù trong đó có một bộ phận được hưởng đặc quyền không cần đến đây, nhưng số lượng thầy giáo, vẫn rất nhiều. Ninh Nghị mỗi ngày dạy nửa canh giờ Sử Ký cho ban Bính, sau đó đến lĩnh một phần lương thực nơi sơn trưởng, mang về với Tiểu Thiền.
Sơn trưởng của thư viện Văn Liệt này họ Phong, tên là Phong Vĩnh Lợi. Tên tương đối thô tục, nhưng người là người tốt, nghe nói khi còn bé y cũng đã từng được đi học, có điều vì gia cảnh bần hàn, nên vẫn chưa tham dự khoa cử. Học vấn của y hiển nhiên không uyên bác lắm, nhưng thời Phương Lạp vừa mới khởi binh, y đã ở trong quân đội, cho nên có lai lịch lắm.
Bên trong quân đội cũng có một vài tên quan văn rất lợi hại, một vị là Tổ Sĩ Viễn, một vị khác là Lâu Mẫn Trung, Phong Vĩnh Lợi lúc ấy là thủ hạ sao chép mấy bố cáo hàm văn của Lâu Mẫn Trung, đến khi đánh hạ Hàng Châu, được làm sơn trưởng thư viện này. Ở bên ngoài Phong gia quả thật cũng có cướp đoạt trục lợi, nhưng ít ra ở trong thư viện nà quả thật có chút ưu đãi đối với văn sĩ. Bởi do y duy trì, khoảng thời gian gần đây, không khí trong thư viện vẫn có vẻ tương đối hòa hợp.
Lúc này tụ tập trong phòng nghỉ ngơi giáo dụ tổng cộng có bảy người, cơ bản đều là những tiên sinh đã hết giờ dạy, có mấy người uống trà xem sách, có mấy người đang nhỏ giọng bàn chuyện. Mấy người này sau khi Hàng Châu rơi vào tay giặc đều đến nhờ thư viện che chở, giữa họ có một loại tình cảm cùng chung cảnh ngộ với nhau, bấy giờ mọi người đang nói đến chiến sự ở Gia Hưng.
- Nghe nói, chiến sự ở phương Bắc đang giằng co rất ác liệt, triều đình đã phái Đồng Quán Đồng tướng quân xuất binh về phía Nam, Phương Thất Phật bao vây Gia Hưng, nhưng đã lâu mà không công được, thắng thua bây giờ rất khó nói…
- Nghe nói vị tướng quân này dụng binh như thần, vốn cho là y sẽ xuất binh lên phía Bắc chống quân Liêu, lần này… khụ, lần này Thánh Công thanh thế lớn, lại lệnh y sang đó, cuộc chiến này chỉ sợ không dễ đánh.
- Khó nói lắm, phía nam hay phía bắc đều không ngừng có chiến sự, Thủy Bạc Lương Sơn Tống Giang, Hoài Tây Vương Khánh, Hà Bắc Điền Hổ cũng đã có chút khó giải quyết, đặc biệt… Lần này Thánh Công hạ Hàng Châu, hơn một tháng gần đây, nơi phụ cận không ngừng khởi sự, tuy Đồng Quán đã đi về phía nam, nhưng… thanh thế bên này cũng đang lớn lắm đấy.
- Tích trữ lương thực, tường cao, chậm xưng vương… lần này xưng đế không phải có chút nóng nảy sao, dẫn phải Đồng Quán tới…
- Điền huynh nói lời ấy sai rồi, đưa Đồng Quán tới là vì Hàng Châu, chỉ cần hạ được Hàng Châu, xưng đế hay không xưng đế thì triều đình cũng ngắm đến nơi này, cũng vì vậy, với Thánh Công bên này mà nói, xưng đế là việc ắt phải làm, y… Thánh Công bên này của chúng ta, chỉ khi có danh phận, mới có thể có nhiều trợ thủ đến giúp sức, như thế chống lại Đồng Quán, mới có khả năng thắng.
Thanh âm của mấy người trong đó tuy là hơi nhỏ, nhưng cũng không kiêng dè quá mức, bởi vì ở đây, không khí vẫn tương đối thoải mái. Ninh Nghị mặc dù chưa được tiếp xúc nhiều với những người ở đây, nhưng mọi người đều biết hắn sau khi rơi vào tay giặc cũng mới lưu lạc đến nơi này. Chuyện mọi người nói, một mặt là những chuyện có liên quan đến lợi ích của chính mình, một mặt khác, đã là người thư sinh luôn khó tránh khỏi việc bàn luận về đất nước, lúc này ngồi ở một góc lén nghị luận, ít nhiều lại có cảm giác mình là kẻ nhìn rõ phương hướng trong thời loạn thế. Ninh Nghị đã thu dọn xong chuẩn bị về, một người trong đó hỏi hắn.
- Lập Hằng định đi sao?
- Vâng, Lưu tiên sinh.
- Không cần đa lễ, hôm nay mọi người đã ở nơi đây, thì đều là đồng nghiệp, nếu Lập Hằng có điều gì đó, có thể ở lại, cùng mọi người tâm sự. Thế sự duy gian, bất luận như thế nào, ở đây cũng có trà.
- Ở nhà còn có người đợi…, không tiện ở lại lâu. Nếu có thời gian rảnh, tất nhiên sẽ xin các vị tiền bối thỉnh giáo, xin cáo lỗi.
- Không sao, không sao…
Muốn giữ Ninh Nghị ở lại là một người trung niên tên là Lưu Hi Dương, nguyên gốc là đại nho trên đất Hàng Châu, nay ở trong thư viện này, cùng có danh học vấn cao nhất với một vị đại nho khác tên là Vương Trí Trinh, chỉ có điều Vương Trí Trinh tương đối rập khuôn máy móc, còn Lưu Hi Dương thì lại biết biến hóa. Vốn những nho sinh bản địa Hàng Châu này không được xem trọng, nếu là những văn nhân nho sĩ lúc trước theo quân Phương Lạp đến đây nhìn thấy, tùy ý châm chọc cũng không ai dám nói lời nào, chỉ có Lưu Hi Dương là có chút lợi hại.
Trong đám đệ tử của y, có một người chính là con của Lưu Toản, một người trong Bát Phiêu Kị dưới trướng Phương Lạp, người đệ tử này đương nhiên không thích học thầy cho lắm, nhưng Lưu Toản lại hy vọng con mình có thể trở thành một văn nhân. Trong một lần gặp Lưu Toản trước đây, Lưu Hi Dương liền thuận miệng nói đứa bé có thiên phú trong việc lý giải tứ thư ngũ kinh, Lưu Toản đi dò hỏi một chút về Lưu Hi Dương, mới biết đó là một bậc đại nho chân chính, lại là người cùng tộc, vì thế mà cho con nhận làm thúc, hôm nay ở trong phòng nghỉ nà chính là người đầu tiên bàn luận về tình hình ở phương Bắc, nếu không những người khác chỉ sợ cũng không dám nói.
Nói xong, Ninh Nghị cáo từ định ra về, đúng lúc này, một gã nho sĩ sang trọng sạch sẽ, ngoài ba mươi tuổi lại từ ngoài cửa bước vào. Thấy gã đến, mọi thanh âm bàn luận về chiếc cuộc đều dừng lại, ánh mắt của đối phương dừng trên thân Ninh Nghị một chốc, sau đó hỏi:
- Ai là Ninh Lập Hằng?
Ninh Nghị nhìn gã, chắp tay nói:
- Chính là tại hạ.
- Tại hạ Khuất Duy Thanh.
Người tới chắp tay, ngẩng đầu nói. Lúc trước Ninh Nghị đã nghe nói qua tên người này, gã là một trong những văn nhân theo Phương Lạp vào thành, ban đầu làm phụ tá dưới trướng Ôn Khắc Nhượng, sau khi vào thành thì danh nghĩa nằm trong thư viện, nhưng không cần phải giảng bài. Gã đại khái là vài ngày tới một lần, bởi vì tài văn của bản thân không đủ, cho nên có phần không vừa mắt với những văn nhân Hàng Châu nhờ nơi này che chở, thỉnh thoảng sẽ tìm người nào đó nói chuyện, châm chọc một phen. Mấy ngày trước Lưu Hi Dương nhận con trai của Lưu Toản làm cháu, khi Khuất Duy Thanh này đến thì hai người phát sinh va chạm, vì vậy Lưu Hi Dương đã trở thành nhân vật đầu lĩnh của phái Hàng Châu trong thư viện.
Mọi người vốn cho là gã đến tìm Lưu Hi Dương gây phiền toái, lại không thể tưởng tượng được người được tìm lại là Ninh Nghị, trong lúc nhất thời vẫn chưa biết rõ được tình hình như thế nào. Chỉ nghe Khuất Duy Thanh kia nói:
- Ngươi dạy sử ký? Vì sao không cầu thuộc lòng, ngược lại mỗi lời nói đều là những lời nói quê mùa nói hươu nói vượn? khúc đầu sử ký nói về Ngũ Đế, trang nghiêm như vậy, ngươi lại nói rất bình thường, không hề có ý tôn kính, trong lòng ngươi không thấy thẹn sao?
Ninh Nghị chớp mắt, mày hơi nhíu lại.
- Ngôn Ngữ của Thánh nhân thâm ảo biết bao nhiêu, đọc sách ngàn lần, chưa thể hiểu nghĩa hết được. Lớp chúng ta là người dẫn đường giúp học sinh nghiên cứu lý giải, không thể chỉ lấy ngôn ngữ nông cạn mà giải thích. Ngươi tuổi còn trẻ, sợ là tứ thư ngũ kinh còn chưa đọc hết, lại lấy cái tâm tính thích chơi đùa của trẻ con ra mà dạy học, đem phòng học biến thành quán trà. Người khác dung túng cho ngươi, nhưng ta được sự ủy thác của Ôn Tướng quân, cũng không thể một mắt nhắm một mắt mở được, ta hỏi lại ngươi: Canh giả cửu nhất, sĩ giả thế lộc, quan thị kin hi bất chinh, trạch lương vô cấn, tội nhân bất nô… Câu này lấy từ đâu ra, có ý là gì?