24 Giờ Lên Đỉnh Chương 2


Chương 2
Phương Văn Thưởng

03 giờ 30 phút - 20 - 06 - 2008

Chẳng đúng như Sáng nghĩ về cha mình - ông Thưởng, cha của anh chẳng hề đắc ý khi đưa mắt nhìn theo thằng con mình.

- Thằng này hôm nay làm sao thế nhỉ? - ông Thưởng cũng buồn bực không kém Sáng - mới nói có thế mà nó đã bỏ đi rồi!

Sáng vừa giận dữ giật cửa xe ô tô, lao vào, sập cửa lại. Sáng chưa cần phóng đi, ông Thưởng đã sững sờ nhìn theo.

Mọi khi ông nói nó thậm tệ hơn nhiều, nó có giận dữ đến thế đâu! Lúc nào nó cũng nhũn nhặn, xí xoá, cười vui như Tết.

Hiếm khi ông thấy có điều gì có thể làm cho thằng nhỏ này đau buồn được lâu hơn nửa ngày. Chính vì biết rõ yếu điểm này của nó mà ông hay cậy làm cha, leo thang lấn át nó.

Hôm nay - nhân câu chuyện đau lòng vì tối qua: làng từ chối không thèm nhận tiền tài trợ của thằng Sỏi con ông cho việc xây cổng làng. Ông là cha của nó nên ông cũng giận làng - ông muốn cởi lòng, cởi dạ với con mình tất cả mọi điều vẫn cồn cào, chất chứa trong lòng cha nó mấy chục năm qua.

Ấy thế mà ông mới có vài câu rào đầu nó đã bỏ đi. Còn biết bao nhiêu những điều quan trọng, những vấn đề chính - cũng như những lần trước - nó đã kịp nghe được tí gì đâu! Nó đã biết hết được lòng cha nó đâu!

Cái thằng Sỏi này! Ông vẫn thầm tự hào về nó biết bao nhiêu thì cũng lại đầy ngờ vực về nó bấy nhiêu.

Tiếng là con trai ông thật, nhưng ông Thưởng cũng chẳng hiểu Sỏi được là bao; lại càng chẳng biết rõ hết được những nẻo đường đời mà nó đã từng trải.

Ông tự cảm thấy mình làm cha nhưng cũng chẳng thấu được hết những gì làm Sỏi đau khổ, cũng như chẳng chung đường được với những khát khao, mong muốn của nó - toàn những thứ ảo vọng to lớn, huyễn hoặc quá sức tưởng tượng của ông.

Không hiểu sao, có lúc ông Thưởng cảm thấy với con mình - riêng thằng Sỏi - những hiểu biết của ông về nó cứ như một lão thầy bói mù sờ voi đoán hình dáng.

Chẳng biết thằng Sỏi có kho vàng đụn của cất giấu ở đâu mà ông thấy nó cứ vung tiền vung của ra cho mọi người tơi tới. Ông cứ ngồi mà lo ngay ngáy cho con.

Ơn trời cho nó chặt chẽ hơn, chứ đừng có hoang phí quá như thế - ông vẫn thường nghĩ vậy - đời người mấy ai nắm tay được từ tối tới sáng.

Cứ nhìn cha nó đây này: hồi trước ông chẳng giàu nhất nhì vùng này hay sao? Vậy mà giờ đây ông chẳng làm ra được một xu dính túi, lại còn phải ngửa tay nhận tiền của nó.

Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già - chính vì thế mà ông chỉ muốn dạy nó thật nhiều. Yêu cho roi cho vọt. Ghét cho nghọt cho bùi - các cụ ngày xưa đã dạy rồi.

Bác Hồ cũng đã dạy rồi: “Gạo đem vào giã bao đau đớn. Gạo giã xong rồi trắng tựa bông? Sống ở trên đời người cũng vậy. Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Những câu này là ông nghe lỏm thấy bọn trẻ con phải thuộc lòng học ở trong sách giáo khoa đấy chứ. Chẳng nhẽ thằng Sỏi nhà ông không học bài này? Nó không hiểu vì sao cha nó phải nghiêm khắc với nó đến thế?

Ông yêu nó!

Đêm qua, khi đi họp về, nhìn thấy Sỏi say rượu nằm lăn ở giường, ông mới nhận ra là hoá ra thằng Sỏi về một mặt nào đó cũng giống ông - giống cha nó vô cùng. Nó chính là cái nửa bên kia trong tiềm thức của ông.

Thằng Sỏi chứa trọn vẹn trong nó cái nửa khao khát, ước vọng của chính ông. Cái nửa chẳng bao giờ ông dám mon men tới, dám thú nhận có nó, và dám thực hiện nó.

 Sỏi như chính là mặt trái của con người ông - cái con người dám đi qua mọi nước lửa, tai ương - cái con người dám buông thả, dám phóng khoáng, dám xa xỉ, dám ăn chơi buông tuồng, dám đủ những thứ gì gì đó nữa... - cái con người dám đi lang bạt kỳ hồ khắp mọi nơi để rồi một ngày kia đột ngột trở về trong giàu có tiền bạc triệu triệu tỉ tỉ... - cái con người khác thường với những khả năng có thể với ông là phi thường mà ông chẳng thể thấu hết.

Nó trở về sau bao nhiêu năm phiêu bạt và cư xử khác hẳn thằng Sỏi bé con hiền lành nhưng lầm lì chẳng biết sợ ai ngày xưa. Giờ đây nó nhân hậu và nghĩa hiệp, hào sảng và giao thiệp rộng rãi một cách lạ lùng.

Mà hình như ai nhờ việc gì nó cũng có thể giúp được. Ông vẫn thường nghe thấy nó trò chuyện với những ai ai đó ở tận đâu đâu đó, mà ông hiểu được rằng là khắp các nơi trong cả nước, trên cái điện thoại di động có cả hình ảnh của người đang đối thoại:

- Đi sai đường bị cảnh sát giao thông bắt mất giấy phép lái xe ư?

- Ở đâu? Hà Nội à?

- Không à? Thành phố Hồ Chí Minh à?

- Không vấn đề gì! Đồn nào?... Thế à?

- OK! Đơn giản! Sáng mai đến đồn đó mà lấy lại. Lát nữa anh sẽ gọi điện cho ông bạn thân ở Quận đó. Giờ này ông ấy còn bận tiếp khách.

- Sao cơ! Nhà bên cạnh xây nhà làm nhà mình nứt tường không chịu đền à? Quận nào?

...

- Muốn vào trường chuyên của thành phố à? Thiếu một điểm à? Thế thì hơi nhiều đấy? Thôi được rồi. Nếu nó đã ham học.

...

- Ừ! Bốn triệu!... Không sao! Cháu cho cô chú vay. Nếu sau này em đỗ được Đại học thì coi như cháu tặng quà em. Nếu em học kém không đỗ thì em coi như bị nợ.

...

- Sập cầu làm ăn à?... Cần tiền…

Thằng Sỏi con ông nó đang định làm gì thế nhỉ? Một nhà từ thiện lớn? Một ông tiên ư?

Đó là hình ảnh của Sỏi trong ánh mắt ngờ vực của không ít người, trong đó có cả ông - cha của nó.

Thằng Sỏi - thằng con trai út dám bỏ nhà ra đi từ bé tí nứt mắt, lang thang bán báo, đánh giày trong thiên hạ đã trở về làng trong công danh sự nghiệp rạng rỡ, trong tiền bạc, vật chất dồi dào - trở về cái làng trước đây đã lầm lẫn coi nó như thằng trẻ con hư, ương bướng, khó dạy.

Nó trở về với những bầu bạn toàn cỡ đầu tỉnh. Có lẽ chỉ có ông Chủ tịch hay ông Bí thư tỉnh mới được đi cái xe ô tô sáng loáng cả mấy tỉ như nó, mà lại cũng chỉ là xe của nhà nước chứ cũng chẳng phải là của ông ấy bỏ tiền túi ra mua như nó.

Ôi chao! Nhìn thấy nó nằm trên giường bất động, buông thả - phó mặc tất thảy - mặc trời mặc đất - mặc mọi người - lúc đó, ông nghĩ nếu nó có kẻ thù nào định ám hại thì nó chẳng khác nào một con cua, một con tôm bấy - chết là cái chắc!

Ông biết, nó đang bị đau đớn về mặt tinh thần. Chỉ có tinh thần bị đau đớn mới làm cho con người bị tiêu tán hết sức lực đến như thế.

Điều này thì ông cũng đã từng bị nếm trải trong lần mất chức Phó bí thư. Cái lần thất bại ấy thực ra nó đã đánh ông quỵ hẳn chứ không phải như cái vẻ kên kên bất cần mà ông vẫn tỏ ra với mọi người.

Tính mạng của con ông nếu cứ như thế này ở ngoài thiên hạ, hoá ra cũng có vô số lúc - mới mong manh làm sao!

Thế ra nó không hiểu rằng trên thế giới này đầy rẫy kẻ thù? Thế ra con ông sống đầy bất cẩn! Hoá ra bấy lâu nay ông cứ nghĩ về nó như về một viên bi đá - nó chỉ có lăn đi khi bị va đập, chứ khó lòng bị sứt mẻ.

Bây giờ ông mới thấy mình lầm lẫn biết bao! Ông cũng có thể mất thằng nhỏ này bất cứ lúc nào, một cách vô lý như những đứa con đã mất của ông.

Vì thằng Sỏi mang tuổi rắn nên lúc này ông cứ cảm thấy nó như đang lột vỏ - nó trở nên bấy bớt mất hết sức lực trước bất cứ một kẻ thù nào kể từ con kiến trở đi chứ đừng nói tới một kẻ thù phải luôn tìm kiếm, săn đuổi, đeo đẳng cả đời nó.

Và thằng con ông lại càng trở nên bất khả kháng hơn, nếu như nó lại nhẹ dạ găm ngay bên mình những kẻ thù nham hiểm tiềm ẩn - một người bạn đồng hành vô sỉ, thậm chí là một con vợ khốn nạn.

Vì thế cho nên ông phải chỉ dạy cẩn thận bao nhiêu cũng vẫn là không thừa.

Ấy thế mà vừa nói với nó dăm câu chưa đâu vào đâu, nó đã bỏ đi.

Hồi nhỏ, ở trong nhà, thằng Sỏi lúc nào cũng hớn ha, hớn hở, bắng nhắng như một con cung quăng. Quả thật là bất ổn - khi không những không biết thế thủ lại còn luôn khiến người ta phải để mắt tới mình. Dạy nó bao nhiêu cũng như nước đổ đầu vịt.

Bây giờ nhìn nó, hình như ông vẫn nhận thấy cái vẻ ấy! Cái đó - cái chông chênh, thiếu vững vàng, cái khiếm khuyết, chỉ bộc lộ thoáng qua, phải tinh lắm, phải là người thân cận lắm, phải là cha của nó mới nhận ra.

Đó là cái yếu điểm bất khả kháng của mỗi con người nhân hậu. Đã có tấm lòng nhân từ, bao dung, cởi mở là tất yếu sẽ bị lợi dụng! Mà đã bị lợi dụng thì tránh sao khỏi thiệt thòi.

Tất cả những bất ổn đó, ông là cha nó, ông có nghĩa vụ phải tu sửa cho nó. Bởi vì ông đã quyết rồi: dù cho sông cạn núi mòn đi đến thế nào chăng nữa thì cái thằng cứ muốn làm ông tướng cả thiên hạ kia mãi mãi vẫn cứ là cái thằng Sỏi con trai út của ông. 

Nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng sau hai mươi năm với những biến đổi đầy thần kỳ, bí ẩn, thằng Sỏi trong con mắt của mọi người giờ đây chỉ thấy có toàn những hành vi cử chỉ thật là tự nhiên và sang trọng, thật là duyên dáng và đẹp mắt: lúc nào cũng như đầy ân cần, đầy lịch sự; lúc nào cũng như đang cung kính rước mời, đưa đón trân trọng người ta.

Nhưng ông biết, để đạt được đến dáng vẻ lịch lãm quý phái đến tự nhiên như cha sinh mẹ đẻ ra kia, nó đã phải tập tành, rèn luyện rất nghiệt ngã, gian khổ chứ chẳng phải vừa sinh ra nó đã có nhờ ông là bố nó ban cho.

Mỗi một cử chỉ, một động tác ấy của Sỏi đều đã được tính toán chính xác rèn rũa lên đến tuyệt đỉnh công phu mà trở nên đáng yêu và hấp dẫn đến tận cùng. Bởi lẽ thằng Sỏi là học viên chính quy đã được đào tạo rất bài bản trong cái khoa Múa của trường Cao đẳng nghệ thuật.

 Ông đã từng nghe nó kể rằng ở cái khoa đó hàng ngày, học sinh được học môn học nghiên cứu về mỗi động tác của con người. Để rồi mỗi hành vi cử động của học sinh sẽ theo đó được nâng cấp rèn luyện tạo thêm vẻ duyên dáng - vốn là tư tưởng của môn ba lê phương Tây; tạo thêm ý nghĩa triết lý vốn là tư tưởng của múa phương Đông…

Nhưng riêng thằng Sỏi con ông lại còn được tu luyện thêm cái ý chí, tư tưởng gì đó của ông Khải Huy - một ông thầy giáo dạy múa. Ông Khải Huy học múa vũ ba lê - vốn là một thứ múa của phương Tây, ở Nga về, nhưng không hiểu sao ông lại say mê và uyên thâm về triết học phương Đông. Rồi ông lại còn hâm mộ tư tưởng Samurai của Nhật Bản. Ông ấy có vẻ là một kho tàng kiến thức văn hoá cho thằng con ông học hỏi không bao giờ cạn.

Vì yêu quý cái tính kiên trì, bền bỉ của thằng Sỏi nên ông Khải Huy đã quyết tâm truyền cho nó cách dồn nén tư tưởng vào hành động. Khiến cho mỗi cử động của thằng Sỏi giờ đây đều có vẻ giống những cử động hoàn hảo của các dũng sĩ đấu bò tót: duyên dáng mà tràn đầy sức mạnh thâm hậu.

Thằng Sỏi vẫn kể rằng nó khâm phục ý chí nghị lực của ông Khải Huy lắm. Hơn hai mươi năm trước ông ấy gặp tai nạn bị gãy cột sống tưởng đã phải tàn phế vĩnh viễn. Vậy mà với ý chí phi thường và sự rèn luyện kiên cường vô hạn, ông ấy đã đi lại được bình thường.

Chẳng những thế thời gian vài năm phải nghỉ việc, nằm điều trị tại giường bệnh, ông Khải Huy đã bổ sung và nạp thêm cho mình 2 ngoại ngữ: Anh - Hoa. Hoá ra những kiến thức uyên thâm về Đông phương của ông có được là do nhờ tích cực học ngoại ngữ mà ra cả.

Khi Sỏi được nhận vào trường học, ông Khải Huy không còn dạy được học sinh thực nghiệm bằng động tác của chính mình nữa, nhưng những bài giảng lý thuyết về múa của ông lại hay tuyệt vời. Ông Khải Huy quả là một tấm gương sáng cho nó học tập.

Nên ông thừa biết - tất cả những cử chỉ của thằng Sỏi trông có vẻ dịu dàng như nhung như lụa đấy nhưng lại vô cùng chính xác và mạnh mẽ, chẳng khác nào những cử động duyên dáng mà mãnh lực phi thường của một con báo rừng. Nó giống như là một cái túi bằng gấm vóc thêu vàng bạc nhưng ở trong lại chứa một thanh gươm.

 

Và ông nghe nói, nó đang ngày đêm học tập ông thầy nâng cao kiến thức về mọi mặt, cố gắng tu luyện rèn rũa thêm nữa về phẩm chất đạo đức và trí tuệ cho xứng đáng với hình thức của mình - một cái vỏ bọc dịu êm tuyệt mỹ chỉ xứng với một lưỡi kiếm sắc như nước!

Thằng Sỏi con ông còn hơn người nhờ được sở hữu một nụ cười cực kỳ thân thiện như nột bản năng trời phú - trông đầy thiện lương, tươi vui, và chân thành như trẻ thơ.

Với nụ cười ấy, thằng Sỏi đã lôi cuốn được mọi người tình cờ đi ngang qua đời nó một cách hồn nhiên như khí trời để thở. Nó vô tư truyền sang họ cái nội lực tươi trẻ lúc nào trông cũng như đang chan chứa trong lòng nó và tràn trề ra ngoài qua nụ cười cởi mở, khiến cho họ đê mê hạnh phúc và rơi vào cái thế giới  sôi cuốn và năng động của nó.

Rồi, thằng Sỏi lại còn được trời phú cho một chất giọng nam trung trầm ấm, rất du dương nữa chứ. Ngược lại ông - là cha của nó - lại nói bằng một thứ giọng rất đục và khào khào nghe lúc nào cũng như đang gầm gừ, như đang cắn xé từng câu từng tiếng.

Nên đến chính bản thân ông mỗi khi cất lời lên là ông cũng cảm thấy khó chịu với chính lời nói của mình. Rồi vì thế mà ông trở nên bẳn tính vì mọi ý nghĩ của ông, ông vẫn định cất tiếng đều trở nên bất thành lời; nghe cứ thành ra nói nhiều, nói dai, mà lộn xộn, câu trước đá câu sau, chẳng đâu vào đâu.

 Ai không tin cái ánh sáng mê mị hấp dẫn của thằng Sỏi thì cứ nhìn cái cách nó cuốn hút đám người theo xung quanh nó mà xem! Nó trông thật đĩnh đạc, tự tại ung dung, bình thản như biển lớn giữa trời!

- Ờ! - Ông Thưởng bỗng chẹp lưỡi - Rộng mênh mông thật đấy! Biển chứa được cả ngàn con sông. Nhưng ai dám đảm bảo biển không bị biến thành muối đồng. Cứ rong chơi đi con ơi! Lạc lối lên bờ là thành muối tất!

Mà hình như, ông lại đang ghen tị với nó rồi. Vì dù là cha nó, nó luôn khiến ông rơi vào một thứ cảm giác dường như rất thường trực đầy mâu thuẫn: ông vừa tự hào vì chính ông là người đã đẻ ra nó, lại vừa thèm khát được chiếm lấy cái nội lực bí ẩn của nó - được là nó vừa duyên dáng, vừa hùng biện - được thay nó là người gợi mở lên trong lòng mọi người cái suối nguồn vui tươi của chính họ.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83491


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận