24 Giờ Lên Đỉnh Chương 5


Chương 5
Phương Văn Sỏi

Ngày 24 - 8 - 1989

Biển Bắc Bình lúc gần trưa xanh lộng lẫy trong nắng vàng rực rỡ. Gió nhẹ nhàng như ve vuốt. Bắc Bình vừa trải qua một tuần mưa bão kinh hoàng trước đó cho nên bãi biển mấy hôm nay chưa đông khách lắm.

Sỏi ôm chồng sách báo chạy ù xuống bãi cát phẳng lừ. Suốt từ sáng đến giờ nó ôm chồng sách báo đi mỏi rã cẳng, rao khản cả tiếng mà chẳng kiếm được một đồng nào.

Người Sỏi nhớp nhúa mồ hôi. Bụng đã có vẻ rỗng rễnh. Nhưng nó chưa muốn ăn lúc này. Bao giờ cũng vậy, nó chỉ cảm thấy ngon miệng khi người ngợm nó sạch sẽ, tươm tất.

Hồi ở nhà cũng chỉ vì cái thói ưa sạch sẽ của nó mà thỉnh thoảng Sỏi lại bị cha cho mấy cái bạt tai vì tội chậm lề mề.

Từ ngày ra Bắc Bình nó thực sự sung sướng vì thoát khỏi sự áp chế rất bất công chẳng hiểu sao rất vô tình và thiếu lý của cha mình.

Giờ thì nó muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn miễn là có tiền để ăn. Muốn tắm lúc nào thì tắm. Biển trời mênh mông này thật hợp với ý thích luôn vẫy vùng, đầy hiếu động của nó.

Nếu thỉnh thoảng không bị đói quá, và không bị những đêm mưa gió rét buốt ướt run lập cập thì Sỏi cảm thấy nó hoàn toàn thoả mãn vì được sống với không khí, đất trời ở Bắc Bình như một con cá nhỏ hạnh phúc được sống giữa lòng biển cả.

Sỏi đi qua một con bé chừng 12, 13 tuổi có thân hình gầy gò, trắng trẻo, mặc một chiếc áo bơi diêm dúa kiểu lính thuỷ có chiếc thắt lưng trắng đỏ duyên dáng, đang lúi húi vốc những vốc cát ướt đắp một toà lâu đài bằng cát.

Sỏi dừng chân đứng lại ngắm nghía. Con bé thật khéo tay nên toà lâu đài của nó có tường thành bao quanh và những đỉnh tháp vút cao trông thật đẹp và hoành tráng như trong những tập truyện cổ tích Sỏi thường cắp vẹo cả sườn đi bán.

Thấy có người dừng lại bên cạnh, con bé ngước khuôn mặt tròn có chiếc sống mũi thẳng tắp, cặp lông mày dài hơi đậm, cong lên một vẻ thanh thoát như đôi cánh chim vung lên duyên dáng trên vầng trán trắng mịn, rạng rỡ sáng trong như bằng sứ, lên nhìn Sỏi.

 Và cặp mắt xếch đẹp lạ lùng ẩn dưới tràng mày cao của cô bé có đôi đồng tử mầu nâu to tròn long lanh như ẩn chứa những tia nắng vàng rực rỡ được bao bọc tách biệt rạch ròi với màu trắng xanh của lòng mắt bằng một đường viền đen tròn mỏng mảnh. Cặp lông mi dài, dày dặn dợp bóng xuống cặp mắt một vẻ quen thuộc. Hai bím tóc buộc hai chiếc nơ đỏ điệu đà của con bé đung đưa trong gió.

Sỏi bỗng lặng người trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của đôi mắt ấy, của dáng vẻ quý phái của con bé trên bãi biển. Sỏi thấy tim mình như thắt lại một nhịp đập. Một thứ tình cảm thật lạ lùng bỗng dâng lên tràn ngập trong lòng nó khiến nó ngây ngất.

Sỏi cảm thấy hình như Nàng đấy! Người mà sau này nó sẽ lấy làm vợ. Ôi, Nàng! Nàng xa cách, nhưng lại có một cái vẻ gì đó gần gũi biết bao. Gần gũi như thể nó đã thân thuộc với nàng ở đâu đó, từ lâu lắm, xa xôi lắm… xa lắm, như thể ở một tiền kiếp nào đó, chẳng nhớ được.

Có lẽ đây mới là Nàng thực. Vậy mà trước đây Sỏi cứ tưởng Nàng là Phượng Oanh kia. Vì một lần vào khoảng cuối năm học lớp bốn, bỗng nhiên một hôm Sỏi lại phát hiện ra Phượng Oanh có đôi môi đỏ như son, có cái lúm đồng tiền rất xinh, nũng nịu một cách rất đáng thương xoáy ngay bên khoé mép trái và một đôi mắt to đen thăm thẳm buồn với hàng mi dài dày mượt lúc nào cũng như trĩu xuống vì sắp đầy nước mắt. Phượng Oanh khiến nó ngây ngất.

Sỏi đã từng cho rằng Phượng Oanh là cô bé đẹp nhất trên đời. Ngồi trong lớp học tâm hồn nó luôn hướng về cái lưng thon mảnh của cô. Ánh mắt của nó như bị dán vào cô khắp các nơi trong lớp, ngoài lớp, tóm lại là bất cứ nơi nào cô có mặt.

Tình cảm của Sỏi đối với Phượng Oanh lộ liễu đến nỗi thằng Hùng Sủa con lão Hanh trông đồng cho Hợp tác xã cùng học một lớp với nó cứ ra sức chế giễu hai đứa. Sỏi thừa biết thằng ấy đang muốn ăn gắp bỏ cho người, đang ghen tị vô phương cứu chữa với Sỏi vì Sỏi có đặc quyền là anh họ của Phượng Oanh, nên có thể đi bên cô, nói chuyện với cô bất cứ lúc nào.

Tiếc thay Phượng Oanh đã bị… đã bị chính bố của thằng Hùng Sủa làm cho tan nát. Mỗi khi nhớ đến chuyện này không hiểu sao Sỏi lại thấy nhói đau trong lòng, cứ như người bị hại chính là nó chứ không phải là Phượng Oanh.

Vừa lúc đó một toà tháp của con bé có đôi bím tóc thắt nơ đỏ bỗng sụt xuống tan ra trong vũng nước. Sỏi buột miệng:

- Kìa! Lâu đài đổ rồi!

Con bé vội quay xuống nhìn toà lâu đài đang sụp đổ của mình rồi ngay lập tức quay phắt lại nhìn lên Sỏi. Cặp lông mày cao vút của con bé nhíu lại một cách giận dữ như thể chính Sỏi là thủ phạm làm toà lâu đài của nó sụp đổ. Môi nó cong lên sì một tiếng đầy vẻ khinh thị, rồi quay ngắt đi.

Bắt gặp ánh mắt vừa đanh đá, vừa có vẻ coi thường của con bé, Sỏi sững lại tự nhìn lại mình. Nó bỗng nhìn thấy đôi bàn chân thường ngày vẫn xỏ trong đôi dép nhựa cứng quèo của nó sao mà gày gò, đen nhẻm.

Sỏi vội rụt đôi bàn tay với những cái móng dài nghêu, khé vàng vênh vao vào trong đôi ống tay áo trắng lụng thụng dài quá khổ đã trở nên nhem nhuốc và cứng đơ vì thiếu xà phòng của mình, và bỗng cảm thấy cái tình cảm kỳ lạ vừa ngập tràn trong lòng của nó lại đã tan vụn xuống y như cái tháp trên toà lâu đài bằng cát đang tan loang xuống nước của con bé kia.

Sỏi bỏ đi không một chút lưu luyến. Nó dừng lại ở một khoảng trống trên bãi cát, cách chỗ con bé nghịch cát chừng hai chục bước chân, và cũng đủ xa ở độ sóng nước không thể đánh lên tới nơi nó dừng lại. Như một cá sấu mẹ bảo vệ ổ trứng của mình - Sỏi tụt dép ra đặt chồng sách báo của mình lên trên rồi cởi áo cẩn thận phủ kín đống sách báo.

Cảm thấy đã an toàn, nhưng vẫn đầy cảnh giác với những kẻ nào đó đang rình rập định xoáy đồ của nó, Sỏi quên bẵng ngay con bé đanh đá đang nghịch cát kia và khởi động thân thể bằng cách nhanh thoăn thoắt đi lại những thế võ anh Nguyện đã dạy nó hồi anh học được ở trong Trường đại học Quân sự. Vừa múa võ nó vừa hát ầm ĩ ra miệng một cách rất khí thế những bài hát trong quân đội của anh Nguyện.

Trong lúc đó con bé có hai bím tóc buộc nơ không sao xây lại được lâu đài như cũ nữa. Nó bực bội xoá sạch dấu vết rồi ngẩng lên nhìn Sỏi một cách tức tối.

Sỏi chống hai tay trồng cây chuối, lộn người hất ngược trong không trung. Như một con sâu đo nó bay từng vòng tròn rất ngoạn mục trên bãi cát rồi rơi tõm xuống đợt sóng biển trắng xoá gần nhất vừa đánh vào bờ trong ánh mắt mỗi lúc một thêm sững sờ của con bé có đôi bím tóc buộc nơ.

Với kiểu cách khởi động cơ thể trước khi bơi và xuống biển rất li kỳ ấy Sỏi vừa thoả được ý thích nhảy nhót tung tăng của mình vừa trổ được tài năng siêu phàm của cao thủ trong giới “giang hồ” uy hiếp được bọn nhóc nào định xoáy tài sản của nó.

Gần ba tháng của một thằng nhỏ 11 tuổi sống trong cảnh màn trời chiếu đất ở cái đất mỏ này đã cho nó một bài học đắt giá: luôn luôn cảnh giác. Không động đến ai, nhưng cũng không cho phép bất cứ ai được động đến mình.

Hồi đầu mới ra Bắc Bình - Sỏi nhớ lại - nó cũng bỡ ngỡ lắm. Nhìn cái gì nó cũng thấy lạ. Cũng là trời là biển, như trời, như biển cả ở cách làng nó hai cây số, nhưng biển ở đây không phẳng lì tẻ nhạt im lìm xám xịt trong nghèo rách như vùng quê nó.

Biển ở vịnh Bắc Bình có muôn hình vạn trạng những hòn núi khác nhau giăng thành vây quách ở tít ngoài xa. Giữa vịnh có vô vàn những hòn núi nhỏ nhắn với nhiều hình thù thật vui nhộn: cá vàng, gà chọi, cái ấm, cái guốc... rất xinh xắn.

Những hòn núi nhỏ xanh thắm mầu cỏ cây choàng ánh bình minh lộng lẫy của mặt trời vừa nhú lên rải rác trên mặt đại dương thăm thẳm như một nền trời xanh biếc nữa vừa rơi xuống biển như những nàng công chúa choàng khăn mạng giát vàng, giát bạc ngồi trên đĩa ngọc khổng lồ, xanh mướt.

Nhất là ở ngoài bãi tắm. Mầu sắc mới sặc sỡ làm sao, la liệt những chiếc dù đủ mầu xanh, đỏ, tím, vàng. Bãi chen nhau những người là người thật đông đúc, ồn ào, náo nhiệt.

Kiếm tiền ở đây cũng dễ dàng. Chỉ cần có cái bàn chải một chút xi đánh vài ba nhát là có ngay hai ngàn bạc. Số tiền đó đủ mua sắn nuôi cả nhà một người dân ở làng nó một ngày.

Người thành phố đổ về đây tiêu pha xả láng, ăn uống linh đình. Họ giầu có, sung sướng chỉ những ăn rồi lại tắm táp, đùa giỡn phè phỡn, hạnh phúc như thể cả đời chẳng hề phải lo toan điều gì.

Sao họ lại sướng thế nhỉ? Chẳng bù cho những người dân quê biển của Sỏi lần bòn được con tôm, con cá, con mực to ngon nào là vội vã đem ngay đi cung phụng cho bọn người thành phố.

Rồi sau này Sỏi sẽ tìm hiểu xem làm thế nào mà bọn dân thành phố lại có thể có cuộc sống sung túc như vậy? Sỏi cũng sẽ làm tất cả để có được một cuộc sống đàng hoàng như họ - một cuộc sống đúng như phải có cho một con người.

Ôi cái lũ trẻ con của họ mới sung sướng làm sao! Chúng cũng bằng tuổi Sỏi, tuổi Chính, nhưng chỉ những ăn những chơi rồi học hành, chẳng phải làm gì, chẳng phải lo đói ăn gì cả.

Giá mà Sỏi được thoải mái như chúng nó để học hành nhỉ? Sỏi sẽ hết sức cố gắng để học hành để đứng đầu lớp. Hồi đi học lớp 5 ở nhà Sỏi cũng đứng đầu lớp.

Nhưng bây giờ chuyện học hành của Sỏi đã trở nên xa vời lắm rồi. Có ở lại quê nhà thì Xã cũng kết tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa cho Sỏi rồi, chẳng ai ký lý lịch cho Sỏi đi học lên cao nữa. Cứ nhìn tấm gương đau đớn của chị San nhà Sỏi thì biết tương lai của Sỏi sẽ như thế nào.

Ngày đầu theo thằng Chính, em họ của Sỏi ra Bắc Bình, Sỏi được Chính dắt đến nhà ông bầu Thẩm. Ông bầu Thẩm đưa cho Sỏi một cái hòm gỗ trong đó có chứa một hộp xi nâu, một xi đen, một ống xi trắng, ba cái bàn chải đánh răng để đánh ba mầu xi khác nhau, một cái bàn chải to để đánh bóng, một vài miếng giẻ rách.

Cái hộp gỗ ông cho thuê với giá hai ngàn đồng một ngày. Tiền vật liệu trong hộp trị giá khoảng 50 ngàn đồng, ông Thẩm cho Sỏi vay với lãi suất 10% một ngày. Tóm lại mỗi ngày trừ tiền vật liệu ra, Sỏi phải kiếm được mười ngàn đồng nữa thì trừ tiền phải trả ông Thẩm đi, Sỏi sẽ có ba cái bánh mì ba bữa giát bụng. Hôm nào hên hơn, có nhiều giày để đánh thì nó sẽ có được chút tiền để dành.

Hôm ấy, mải mê ngắm một ông bố rất vui tính đang nhào lộn trồng cây chuối trong nước biển để chọc cười đứa bé khoảng sáu, bảy tuổi của ông ta, Sỏi đã để bốc hơi mất cái hòm bằng gỗ có chứa đồ nghề đánh giày đi thuê của ông bầu Thẩm.

Báo hại Sỏi phải đói rã họng mất nửa tháng và mang nợ đến cả tháng mới trả hết món nợ cái hòm đồ. May mà nhờ thằng Chính nói khó với bác họ nó chia cho Sỏi một ít sách báo đi bán dạo, Sỏi mới đỡ đói được hơn tháng nay.

Những lúc nhớ lại tai nạn mất mát của mình chỉ vì mải mê ngắm hai cha con thiên hạ âu yếm nhau, nó thấy buồn nhói lòng vì phát hiện ra: nó thèm khát được có một ông cha có khả năng yêu thương vui vầy cùng nó như ông cha của con bé kia biết bao nhiêu.

Chưa hết khó khăn, Sỏi còn phải đề phòng hội “Gấu biển” của bọn thằng Lựu trả thù. Mới tháng trước, vì tự vệ, Sỏi đã phải chém toạc vai thằng đó trong một cuộc ẩu đả tranh giành nơi trú ngụ trên một cái tầu đánh cá nhỏ cũ nát có ghi dòng chữ Hợp tác xã Quyết Thắng không biết đã bị bỏ hoang từ bao giờ.

Cái tầu hoang đó tình cờ Sỏi và Chính tìm thấy trong một lần chạy vội trú mưa trên bờ biển.

Có nhà rồi! Chấm dứt những ngày hai đứa phải ra ga, ra bến tầu ngủ vạ vật ở vỉa hè, hành lang. Giữa đêm đang say giấc, hai an hem Sỏi cũng có thể bị thằng khác, lớn hơn đá đít đuổi đi để chiếm chỗ. Hai đứa sung sướng như vớ được toà lâu đài bằng vàng.

Sỏi và Chính cất giấu những thứ chúng nhặt nhạnh được ở trên tầu - căn nhà riêng tư quý giá của chúng: một mảnh chiếu cũ rách nhưng vẫn còn dùng tạm được của nhà nào đó vất đi, một cái nồi gang mẻ một miếng to ở miệng được Sỏi tha về.

Vốn tính thích ăn ngon, chỉ bằng vài ba ngàn bạc mua một con cá cỡ cổ tay và vài lạng gạo, tối tối Sỏi nổi lửa trên tàu làm một nồi cháo cá ngon lành nóng sốt. Hai đứa vừa được sưởi lửa ấm áp vừa được đánh chén một cách đàng hoàng chứ không phải ăn những thứ cơm thừa, canh cặn như của bố thí của những bà chủ hàng cơm vất ra cho chúng nó như cho chó, mặc dù chúng vẫn mất tiền phải mua như bao khách hàng khác.

Thấy hai đứa Chính và Sỏi đi bán sách báo mà lại nhặt thêm củi, Hội “Gấu biển” do thằng Lựu cầm đầu liền tò mò theo dõi.

Một tối khi hai đứa vừa về đến tầu, Sỏi ngỡ ngàng thấy quần áo của mình bị vứt lung tung khắp nơi, cùng lúc đó thằng Chính nhìn những mảnh gang của chiếc nối vỡ toang trên sàn tàu kêu lên thẳng thốt:

- Anh ơi! Đứa nào đập vỡ nồi của chúng mình rồi!

Sỏi vội chạy lại chỗ vách tàu thủng nơi nó vẫn giấu túi gạo ăn còn thừa từ bữa trước, thò tay vào - túi gạo không cánh mà bay!

- Chỉ có tụi thằng Lựu thôi! Tối qua anh đã thấy một thằng nhãi trong nhóm chúng nó thập thò ở cửa tầu của mình. Tụi này muốn chiếm chỗ của anh em mình đây! Đừng có hòng!

Thằng Chính tuy bằng tuổi Sỏi, cũng mười một tuổi nhưng người lại nhỏ bé hơn Sỏi rất nhiều, tính tình vui vẻ, láu cá, rất dễ thương. Thằng Chính thất vọng, buồn rầu kêu lên:

- Thế là chúng mình lại bị mất mất cái chỗ ngủ ấm áp này rồi!

Sỏi nhún vai nhếch mép:

- Mất là mất thế nào! Mình phải giữ đến cùng!

Thằng Chính co rúm cái thân hình bé xíu, gày nhẳng như cò hương lại:

- Nhưng chúng nó lại lớn hơn anh em mình! Hay là thôi, ta bỏ nơi này đi vậy?

Sỏi cảm thấy trong lòng đầy lo ngại. Đi đâu bây giờ? Chẳng có nơi nào để đi cả. Vả lại, nơi này đang yên ấm biết bao

- Đi là đi thế nào? Nói dễ nghe nhỉ? Mình kiếm mãi mới được cái tổ ấm thế này! - Sỏi thực sự luyến tiếc đứt ruột nếu phải từ bỏ nơi này. - Ở lại! Không có đi đâu hết!

Thằng Chính tròn mắt lên ngỡ ngàng:

- Ở lại? Nếu chúng xúm vào đánh mình thì sao? - Thằng Chính hỏi lại vẻ đầy ngờ vực.

Đã là một thằng anh thì phải có nghĩa khí của một thằng anh, không được để thằng em biết là mình cũng yếu, cũng hơi hoảng. Nghĩ vậy, Sỏi mạnh mồm:

 - Thì đánh lại chúng! Sợ gì?

Thằng Chính vẫn băn khoăn:

- Chúng đông đấy!

 Sỏi cố trấn an thằng Chính:

- Đừng có sợ. Mình dụ nó đánh nhau bằng cái đầu, chớ dại đánh nhau bằng sức lực. Thế là được chớ gì?

Thằng Chính đắn đo:

- Thằng Lựu đô con lắm. Nó phải lớn hơn anh hai tuổi ấy. Không đánh nhau với nó được đâu!

Sỏi tỉnh bơ:

- Yên tâm đi! Mày không nhớ anh có võ à? Mà lại là võ đặc công hẳn hoi cơ đấy.

Tính run rảy nhìn quanh:

- Nhưng mà ba năm võ Tầu không bằng một chầu củ đậu.

Sỏi ngẩn người, nhìn quanh, rồi chợt nhớ:

- Nhìn đây! - Sỏi rút soạt từ trong đám sách báo của nó ra một con dao Thái Lan dài tới 25 cm chúng vẫn mổ cá, múa lên cho thằng Chính an tâm - Ông mày đã sẵn sàng! Đứa nào dám xông vào thì liệu hồn… Mình sẽ doạ cho các cu xón đái ra quần.

Thấy thằng Chính ngây người nhìn con dao, Sỏi đắc ý hỏi tiếp:

- Thế nào? Có dám ở lại không?

Chính trút một hơi thở dài, rồi cũng trừng mắt lên:

- Dám!

Đêm hôm ấy bọn thằng Lựu lưu manh cầm gậy gộc xông vào tầu. Thằng Lựu đứng ở mũi tầu tuyên bố:

- Ê, hai thằng lỏi! Biến ngay khỏi đây! Bây giờ cái tầu này là đại bản doanh của ông.

Sỏi đứng chắn ở cửa ra vào nhếch mép, nhún vai:

- Đừng có mà giàu trí tưởng bở nhé! Có giỏi thì xông vào đây! Ông đánh cho tuốt xác!

Thằng Lựu vẫy tay ra hiệu cho bọn đàn em xông vào đánh Sỏi:

- Đánh bỏ mẹ hai thằng lỏi con đó đi!

Sỏi không nói không rằng, tả xung hữu đột trong đám trẻ cù bơ cù bất bằng các thế võ đã học được của anh Nguyện. Hai, ba đứa bị Sỏi đá vào người, mất đà ngã lũm tũm xuống biển.

Thằng Chính cũng lì lợm, lăn xả vào ôm lấy tay, lấy chân bọn đàn em của thằng Lựu mà cắn xé.

Nhưng thằng Chính quá bé nhỏ, nên chẳng mấy chốc đã bị thằng Lựu tóm ngay được tóc, giập đầu xuống đất. Thậm chí thằng Lựu còn bóp chặt cổ Chính.

Nhìn Chính ghẹt thở - mắt trợn ngược, miệng há hốc lè cả lưỡi, Sỏi thấy đau nhói trong tim. Nó trừng mắt rút soạt con dao Thái giấu kỹ cùng đám sách báo trong vách tầu ra cho thằng Lựu một nhát dao toé máu ở cánh tay. Thằng Lựu bị thương, mất đà ngã bổ chửng xuống biển.

Cả bọn lau nhau của thằng Lựu thấy thủ lĩnh bị bại trận bạt vía kinh hoàng bỏ chạy nháo nhác, không dám lai vãng đến chiếc tầu của hai anh em nhà Sỏi nữa.

Đêm ấy, khi đã vào chỗ nằm, Sỏi không sao ngủ được. Có lẽ trận đánh nhau làm nó bị kích động. Có lẽ sự khẳng định chủ quyền một cách oai phong, đàng hoàng con tầu làm nó vui quá. Nhưng cũng có lẽ là vì nhát dao nó chém thằng Lựu. Không hiểu sao lúc này nó cứ như nhìn thấy vết máu ứa ra từ cánh tay của thằng Lựu và bỗng thấy ghê ghê, kinh kinh ở cánh tay đã cầm dao chém.

Rồi có đến cả chục ngày sau, Sỏi để ý mãi mà không thấy thằng Lựu đâu thì nó đâm lo. Nhỡ thằng Lựu bị nó chém rồi đau quá không bơi được vào bờ mà chết đuối thì sao nhỉ? Lỡ chỉ vì nhát dao ấy mà thằng Lựu chết!

Sỏi bỗng thấy kinh hoàng. Không, nó không muốn dính vào một chuyện khủng khiếp đến thế. Nó bỗng ớn cái cuộc sống hiện tại chỉ những lo lắng kiếm miếng ăn, lo kiếm tiền trả cho ông chủ rồi rình rập tranh cướp khách của nhau, tranh cướp tài sản của nhau.

Giờ nó lại đèo thêm cái vụ làm chết thằng Lựu nữa thì kinh quá.

Ôi, giá mà Sỏi có thể bỏ nơi này mà đi nhỉ? Nhưng nó biết đi đâu bây giờ? Đi đâu thì cũng phải có một nơi, một chốn nào đó để nương tựa buổi đầu chứ.

Buổi đầu nó ra Bắc Bình này là nhờ có thằng Chính rủ rê đi. Thằng Chính đã ở đây trước cả năm, đã quen đường đi nước bước nhờ bác nó chỉ lối. Tuy chỉ ít ỏi, chỉ là cái hòm đồ nghề đánh giày, nhưng thế cũng là tốt lắm rồi. Có người tạo cơ sở vật chất lúc đầu cho.

Ôi, giá mà Sỏi có thể quay về với mẹ! Cũng đã lâu rồi Sỏi không được hít cái mùi oi oi thân thuộc trên gáy mẹ mỗi khi nó đùa giỡn bất ngờ rón rén vòng ra phía sau choàng hai tay bịt mắt mẹ ú oà. Nhưng cứ nhớ đến trận đòn vô lối và nghiệt ngã của cha mình trước hôm bỏ nhà ra đi, Sỏi lại ngán, tắt hẳn ý định quay về nhà.

Sỏi săn tìm túm được một thằng đàn em hồi trước vẫn theo sát thằng Lựu như hình với bóng tra hỏi. Thằng nhỏ kể:

- May mà đại ca Lựu bơi giỏi nên hôm ấy không bị chết đuối. Nhưng vết thương của đại ca Lựu mưng mủ ghê lắm. Đại ca lại còn sốt nữa. Mẹ đại ca Lựu phải nhờ hai người họ hàng từ dưới Thái Bình cùng đi lên đây, võng đại ca Lựu về quê chăm sóc rồi.

Sỏi choáng váng, sa sẩm mặt mày. Sỏi bỗng cảm thấy Sỏi đang nằm trong cái võng được xỏ đòn càn, và mẹ Sỏi đang chạy bộ theo đằng sau cái võng cáng Sỏi do hai người họ hàng đèo dung dăng giữa hai cái xe đạp.

Nghĩ đến đoạn ông bố không biết lúc đó sẽ đối xử với Sỏi ra sao, Sỏi thấy ớn quá. Không biết bố thằng Lựu như thế nào nhỉ? Có hay vô lý như bố Sỏi không nhỉ?

- Thế bố thằng Lựu đâu mà mẹ nó phải lên đây để đưa nó về? - Sỏi tò mò gặng hỏi thằng nhãi con.

- Bố đại ca Lựu chết từ lâu rồi. Từ hồi đại ca Lựu mới tám tuổi. Dưới đại ca Lựu còn có ba đứa em lít nhít nữa cơ, nên đại ca phải lên đây kiếm tiền về cho mẹ đại ca nuôi các em.

Sỏi bỗng thấy mình chẳng ra làm sao - chỉ vì tranh nhau chỗ ngủ trên cái tầu này mà nó thành ra suýt làm chết thằng Lựu. Kinh khủng quá! Mà thật ra nó với thằng Lựu trước đó chẳng thù ghét gì nhau cả. Cái tầu này hoàn toàn có thể chứa được cả lũ chúng nó, nếu chúng nó hoà thuận với nhau.

Sỏi ân hận lắm. Nó bỗng thấy thương thằng Lựu ghê gớm. Sỏi quyết định: nếu thằng Lựu còn quay trở lại Bắc Bình, mà gặp lại nó, nó sẽ mời thằng Lựu về cùng ở trên chiếc tầu này.

Sỏi đang vừa tắm táp vừa để mắt coi chừng đống đồ trên bờ vừa nhớ lại những ngày tháng gian nan vừa qua của mình thì nó chợt đạp phải một vật gì trơn truội như một thân cây chuối nhũn nhẽo. Sỏi lấy mũi chân hất tung cái thân cây nhũn nhẽo ấy lên.

Một đám gì mũm mĩm trắng bệch nổi bùng lên ngay trước mặt Sỏi - một đứa bé trai khoảng chừng chín, mười tuổi mắt nhắm chặt, tóc xoã ra bập bềnh trên mặt nước. Sỏi rú lên:

- Có người chết đuối!

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83494


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận