24 Giờ Lên Đỉnh Chương 7


Chương 7
Phương Văn Sỏi

10 giờ 45 phút ngày 24 - 8 -1989

Sản vác ngược thằng bé bị ngợp nước lên vai, nó vừa chạy vòng quanh bãi cát vừa gào thất thanh: “Có trẻ chết đuối!...Có trẻ em chết đuối!...”

Sỏi chạy tới lúc kiệt sức, vấp ngã kiến cả hai văng ra lăn lóc trên bãi cát.

Không quản mệt nhọc đứt hơi, Sỏi chồm ngay dậy, lồm cồm bò đến ghé miệng vào mồm thằng bé thổi ngạt. Hai tay nó bắt chéo nhau trên ngực thằng bé ép mạnh nhịp nhàng, miệng vừa thở hồng hộc vừa đếm:1, 2, 3, 4, ...

Sỏi áp dụng hết tất tần tật những cái gì mà nó đã học lỏm được của những người dân vùng biển quê nó cứu người chết đuối để mong cho thằng bé sống lại.

Sỏi cứ say mê cứu chữa cho thằng bé đến tận khi những người lớn đến gạt nó ra và bảo:

- Cháu thôi đi! Em nó chết rồi! Để cho nó được ra đi nhẹ nhàng!

Sỏi oà khóc thút thít. Nó cảm thấy như nó đã chưa hết tận lực nên nó vừa mất một đứa em. Nó vừa mất một đứa em thân thiết y như nó vừa mất anh Nguyện, mất chị San thân thiết cách đây mấy tháng của nó.

Những người làm công tác cứu hộ ở bãi tắm mang đến một cái chiếu, họ bó đứa bé lại và vác đi.

 Sỏi cứ đứng ngây dại, nước mắt giàn giụa nhìn theo cái chiếu trong đó có đứa bé, được mang đi xa mãi.

Sỏi chỉ choàng tỉnh lại khi con bé có đôi bím tóc buộc nơ đỏ ở đâu chạy tới giúi chồng sách báo của Sỏi vào trong tay nó:

- Này bạn ơi! Sách báo của bạn đây này! Cầm lấy đi kẻo mất hết đấy!

Sỏi ngớ ra đờ đẫn nhìn cô bé cao sang trong mơ của nó đang có những cử chỉ thân thiện với chính nó như trong mơ.

Sỏi còn chưa kịp ngỏ một lời cảm ơn cô bé đã quan tâm đến số vốn liếng sống còn của nó, thì những du khách trên bãi biển vừa chứng kiến cảnh Sỏi cứu đứa trẻ bị nạn nhìn thấy đám sách báo của Sỏi liền xúm lại khen ngợi:

- Thế ra cháu là trẻ bán báo à?

- Ngoan quá! Bán cho chú một cuốn sách!

- Thằng bé dũng cảm quá nhỉ! Để bác mua cho mấy tờ báo nào!

Đám đông xúm lại giữ Sỏi và tranh nhau mua sách báo cho Sỏi.

Sỏi mụ mị đi như đang trong cơn mơ. Nó mặc cho khách hàng tranh nhau lấy sách báo và giúi tiền vào tay nó.

Chỉ trong chốc lát cả một đống sách báo của nó đã hết sạch. Khách hàng nhanh chóng tản. Và cô bé có đôi bím tóc thắt nơ đỏ cũng biến mất trên bãi biển.

Mọi việc diễn ra mơ hồ mờ ảo như thể không có thật. Sỏi đâm ngờ vực không biết có thật chính cô bé ấy đã bê đám sách báo của Sỏi lại cho Sỏi hay Sỏi đã tưởng tượng ra điều ấy.

Chưa bao giờ trong đời bán sách báo dạo của Sỏi lại có một buổi bán hàng thu tiền mỏi tay đến thế, mà lại toàn bán theo giá chính thức ở sau bìa sách, không một ai cò kè bớt một thêm hai gì.

Sỏi cảm thấy ngỡ ngàng vô cùng với cái đống tiền được nhét một cách vồn vã cành cái túi giờ đây nó đang giấu trong bụng.

Sỏi cứ lơ mơ trong trạng thái ngây dại cho đến tận hai giờ chiều, mới sực nhớ nó đã hứa sẽ mang đến cho cô Quyên ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật một cuốn sách nghiên cứu về hội hoạ nổi tiếng mới ra.

Sỏi chạy đi lấy thêm sách báo chỗ ông bác của thằng Chính rồi vội vã đi đến Trường Cao đẳng nghệ thuật Bắc Bình, cách bến phà nơi Sỏi vẫn bán sách báo khoảng 2 km.

Cô Quyên là khách hàng rất ưu ái Sỏi. Ngày nào cô cũng hẹn sẽ mua báo An ninh thế giới, báo Phụ nữ, báo Tiền phong... cho Sỏi để Sỏi kiếm cái bánh mì cho đỡ đói lòng.

Sau này Sỏi mới biết, cô Quyên nổi tiếng là một bà giáo nhân hậu, giầu lòng trắc ẩn ở trường. Cô thường giúp đỡ học sinh nghèo.

Với riêng Sỏi, có lẽ cô Quyên còn động lòng trắc ẩn vì Sỏi bằng tuổi con trai cô, và cũng có hình thức na ná như con trai của cô. Và vì dù đã phải lang bang vất vưởng đầu đường xó chợ suốt gần ba tháng, nhưng trời vẫn phú cho Sỏi một nước da trắng hồng, lại cũng ưa sạch sẽ nên trông nó có vẻ giống con nhà tử tế bị sa cơ lỡ vận.

Trường Cao đẳng Nghệ thuật chiều hôm ấy bỗng đông lạ thường. Sỏi tìm mãi mới nhìn thấy dáng hình đậm đà và gương mặt phúc hậu hồng hào trong mái tóc uốn bồng bềnh của cô Quyên.

Cầm được cuốn sách quý trong tay, cô Quyên mừng lắm. Cô cứ xuýt xoa:

- Cô cám ơn nhé!

Nó mỉm cười, lễ phép:

- Được giúp cô là cháu vui rồi ạ!

Rồi cô lại chậc lưỡi:

- Cháu ngoan quá! Tội nghiệp thằng bé! Trông mặt mũi sáng sủa thế này mà phải đi lang thang kiếm sống! Thế cháu học đến lớp mấy rồi? Phải nghỉ học lâu chưa?

Sỏi buồn rầu:

- Cháu đã được lên lớp sáu rồi cô ạ. Cháu mới bắt đầu đi bán báo từ hè đến giờ thôi cô ạ. Chắc ở quê các bạn cháu đang chuẩn bị vào năm học mới.

Cô Quyên lắc đầu:

- Trời đất! Thế thì phí quá! Trông mặt mũi cháu sáng sủa thế này mà được cho ăn học thì chắc cũng nên người đấy! - Bỗng cô sững người: - Ờ, mà Sỏi này! Năm nay cháu bao nhiêu tuổi nhỉ?

Sỏi vui vẻ đáp:

- Mẹ cháu bảo cháu sinh năm Đinh tỵ. Sắp tròn 12 tuổi ạ.

Cô Quyên ồ lên vui vẻ:

- Vừa may còn đủ tuổi! Cháu có muốn được vào học ở trong trường này không?

Sỏi ngỡ ngàng:

- Trường Cao đẳng Nghệ thuật này ấy ạ? - Nó có vẻ không tin vào tai mình:

- Ừ! Mấy hôm nay Trường đang chiêu sinh đấy! Mà trường này chiêu sinh trên địa bàn cả nước, nên dù cháu có hộ khẩu ở đâu thì cũng vẫn không phạm quy. Vẫn có thể dự thi được.

Sỏi đờ đẫn cả người. Đi học! - niềm mơ ước đã trở nên xa vời ấy đang có cơ trở thành hiện thực ư?

Đi học cùng với những đứa trẻ thành phố này ư? Nó - một đứa trẻ ở một miền quê xa lắc, nghèo khổ, cù bơ cù bất lại có thể đi học! Mà lại là học ở một cái trường danh giá, cao sang như cái trường Cao đẳng Nghệ thuật này?

Sỏi khẽ nhắm mắt lại. Trong tích tắc của chớp mắt, nó hình dung thấy mình đang cắp cái cặp sách đi vào sân trường kia một cách đàng hoàng, rồi vào ngồi trong cái lớp học đẹp đẽ lúc nào cũng vang lừng tiếng ca hát, đàn sáo véo von này.

Sỏi thấy trong lòng dâng ngay lên một niềm hạnh phúc ngập tràn. Nó thấy mình ngồi cùng bàn với lũ trẻ con thành phố, những đứa con nhà giàu như con bé xinh xắn ăn mặc diêm dúa buộc nơ đỏ trên đầu trên bãi biển sáng nay. Những đứa trẻ chỉ ăn chơi và học hành, chẳng phải làm gì nên chân tay chúng bụ bẫm, trắng muốt.

Ngay lập tức, Sỏi chợt nhớ đến cái phút nó nhìn thấy ánh mắt xét nét của con bé vào đôi bàn tay gầy khô, với những chiếc móng cóc gặm của nó. Và bỗng nó cảm thấy một nỗi ngượng ngùng, bất ưng về cơ thể của mình - một thứ tình cảm đầy mới lạ trước đây chưa từng có trong nó. Nó đã vội giấu đôi tay với những chiếc móng cáu bẩn, dài nghêu - những cái thứ mà lúc đó chẳng hiểu sao nó bỗng cho rằng là chưa hoàn thiện của mình ấy vào trong hai cái ống tay áo lụng thụng dài quá khổ; và bừng tỉnh khỏi viễn cảnh tươi sáng:

- Nhưng cháu làm gì có tiền để đi học. - Sỏi rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào: - Cháu cũng không có nhà để ở, cháu là trẻ lang thang mà cô? Ăn còn chả xong, lấy đâu ra tiền để đóng học phí!

Cô Quyên mỉm cười xoa đầu nó:

 - Ở trường này học sinh không cần phải đóng học phí. Hơn nữa, học sinh còn được nhận học bổng, không nhiều, nhưng cũng đủ để nộp tiền ăn cho nhà trường hàng tháng.

Sỏi vô cùng mừng rỡ vì viễn cảnh tươi sáng đang mở ra trước mắt nó. Nhưng sinh ra đã là con nhà lao động nghèo nên nó đã quá quen với sự bất công và tráo trở của số phận luôn giáng xuống những thân phận yếu mọn. Nó e rè:

- Nhưng cháu không có chỗ ở cô ạ. Không lẽ nhà trường sẽ đồng ý chấp nhận một đứa trẻ không có mái nhà che đầu như cháu ngày ngày đến học?

Cô Quyên thở dài xoa đầu nó thương hại:

- Nhà trường có ký túc xá cơ mà cháu. Cháu không còn phải lo đến không có mái nhà che đầu nữa… - Cô mỉm cười khích lệ nó - Sẽ không phải ngày ngày lo kiếm nơi ăn chốn ở nữa. Thế nào? Có muốn được đi học nữa không?

Ôi chao ôi! Thế thì còn gì bằng nữa. Sỏi sẽ không phải lang thang nơi đầu đường xó chợ nữa! Sỏi sẽ không phải lo đêm đông rét buốt, không phải lo cái đói thắt ruột nữa.

- Có! Cô ơi, cô cứu con với! - Sỏi cuống quýt kêu lên - Cô cho con được vào trường học với!

Cô Quyên đặt cả hai tay lên vai Sỏi, nhìn xoáy vào mặt nó:

- Vậy thì để cô tính xem nào: con nên thi vào môn nào nhỉ? Hoạ à?

Sỏi tò mò:

- Hoạ là cái gì cơ ạ?

Cô Quyên mỉm cười rộng lượng:

- Hoạ là vẽ! Vẽ tranh ấy!

Sỏi sáng mắt lên:

- Giống như các bức tranh con vẫn nhìn thấy bán ở trong hiệu sách ấy ạ?

Cô Quyên gật đầu:

- Đúng đấy! Thi vẽ để tìm ra những học sinh có năng khiếu về vẽ. Nhà trường sẽ trên cơ sở năng khiếu ấy bồi dưỡng thêm kiến thức, giúp cho các học sinh ấy luyện tập, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trở thành những hoạ sĩ tài năng; hoặc chí ít thì cũng là đào tạo cho đời những người có những kiến thức tốt về chuyên ngành này để làm việc trong môi trường nghệ thuật.

Sỏi sáng mắt lên:

- Thế thì con cũng thích vẽ lắm! Cô cho con học vẽ với!

Cô Quyên bỗng lắc đầu:

- À, mà không được rồi!

Sỏi cuống lên:

- Sao lại không được ạ? Mai mới thi cơ mà cô?

Cô Quyên thở dài xoa đầu Sỏi an ủi:

- Đúng là mai mới thi. Nhưng bọn trẻ thi vào đây chủ yếu là dân thành phố.

Sỏi ngờ vực:

- Sao lại không được? Đây là môn thi cần năng khiếu kia mà? Sao lại chỉ dân thành phố mới được thi? - Sỏi nhướng cao đôi lông mày lên, bất bình:- Không được thi vì con là trẻ em nông thôn nghèo khó ư?

Cô Quyên mỉm cười xoa đầu nó rồi lắc đầu:

- Không! Không phải thế! Con hiểu sai rồi - Cô ôn tồn giảng giải: - Đúng là môn thi cần tìm năng khiếu thật! Nhưng bọn trẻ đi thi môn này hầu hết đều đã biết vẽ, hoặc đã được luyện tập, chỉ dẫn để chí ít thì cũng không mắc những lỗi cơ bản.

Sỏi ngờ vực:

- Thế thì con cũng sẽ luyện tập. Cô sẽ chỉ cho con những cái cơ bản được không ạ? Con nghe nói cô cũng là thầy dạy vẽ cơ mà?

Cô Quyên lắc đầu:

- Không phải cô không muốn chỉ dẫn cho con mà là không kịp nữa rồi. Sáng ngày mai đã thi, thời gian thi lại có hạn, lượng học sinh tuyển vào cũng rất ít, con chưa bao giờ cầm bút vẽ, chưa biết cả cách pha màu thì con thi sao nổi với ai được. Cả nhạc cũng thế.

Sỏi muốn xỉu cả người xuống vậy là hạnh phúc vừa loé sáng trên bầu trời số phận nó lại đã lại vụt tan biến mất như tia chớp trong đêm dông.

Nó cố dẹp nỗi buồn rầu nhưng vẫn không giấu được vẻ ai oán, cất giọng năn nỉ:

- Thế là con sẽ chẳng được thi cái gì ư? Con sẽ chẳng được vào trường này để học hả cô?

Cô Quyên thở dài:

- Muộn mất rồi. Giá mà cô cháu ta nghĩ đến việc này sớm hơn. Chỉ cần một tuần thôi cũng được!

Sỏi ứa lệ vì nỗi thất vọng quá lớn:

- Thế là muộn mất rồi! - Nó quay đi giơ tay giấu diếm quệt nước mắt.

- Đợi đến sang năm thì lâu quá nhỉ! - Cô Quyên băn khoăn xót xa: - Con sẽ lại phải lang thang đầu đường xó chợ dòng dã một năm trời nữa? Những một năm màn trời chiếu đất…

Sỏi ngao ngán, buông một câu cầu may:

- Thế có còn môn gì nữa không ạ? Môn gì cũng được, miễn là con được học ở trong trường này!

Cô Quyên nhíu mày suy nghĩ một lát rồi à lên:

- À thế này nhé! Cô trông thấy người con khá cân đối và nhanh nhẹn. Mặt mũi lại thanh tú, sáng sủa. Có lẽ con nên thi vào bộ môn múa.

Sỏi ngẩn ra:

- Múa à? - Điều này quả thật quá mới mẻ với nó.

Cô Quyên sốt sắng:

- Để cô vào ghi danh dự thi cho con.

Sỏi mừng hú, nhưng lại cuống lên ngay:

- Nhưng cô ơi, con có biết gì về múa đâu? Con cũng chưa từng múa bao giờ! Làm sao con thi được chứ?

Cô Quyên cười xoa đầu Sỏi một lần nữa:

- Đừng sợ! Người ta chỉ kiểm tra xem người con có cân đối, mền dẻo, linh hoạt không, con có tai thẩm âm nhạc tốt không thôi. Về khoản cân đối, mền dẻo, linh hoạt thì cô cảm thấy ổn rồi. Chỉ còn việc con có tai thẩm âm tốt hay không nữa thôi.

Sỏi đần mặt:

- Tai thẩm âm là cái gì ạ? Con chưa có cái dụng cụ ấy bao giờ!

Cô Quyên bật cười:

- Ồ, đó không phải là dụng cụ, nó là con có nghe nhạc tốt và nhắc lại được chính xác nốt nhạc đó không thôi. Nào, vào đây. Để cô nhờ người giúp cho con.

Rồi suốt cả buổi chiều hôm ấy cô Quyên nhờ một cô giáo dạy nhạc lấy thước gõ xuống cạnh bàn xướng âm và bắt Sỏi nhắc lại.

Cô giáo dạy nhạc luyện cho Sỏi làm quen với 7 nốt nhạc: đồ, rê, mi, fa, son, si, la; những quãng ngân, quãng nghỉ... cho đến lúc cô cảm thấy tạm ổn mới thôi.

Cô Quyên hài lòng lắm, cô xoa đầu nó rồi dặn:

- Sáng mai ăn mặc thật tươm tất rồi đến đây!

Sỏi mừng quýnh:

- Vâng ạ!

Trên đường về nó cứ nghĩ mãi sao hôm nay nó lại may mắn thế không biết. Nào là bán sạch hết sách báo, giờ lại được dự thi vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Bắc Bình - nơi xưa nay với nó trường ấy như chốn Thiên đường.

Nó vẫn thường chỉ dám đứng từ xa thèm khát nhìn cái lũ trẻ sung sướng cầm giấy, bút, rồi đàn, sáo đi vào những cái lớp học rất khác thường ấy - những cái lớp học gì mà chẳng thấy phải học hành giống như lớp học ở quê Sỏi.

Sỏi chỉ thấy bọn trẻ ở trong những cái lớp này rặt những chơi là chơi: nào múa, nào hát, nào vẽ vời…

Đêm hôm ấy, cả Sỏi và thằng Chính không sao ngủ được. Hai đứa cứ nghĩ mãi. Không biết ngày mai Sỏi sẽ thi cử kiểu gì? Nó sẽ phải nhảy múa như thế nào để đỗ được vào trường?

Sỏi nghĩ là nên bắt chước những bài múa của đội văn công vẫn về biểu diễn văn nghệ ở xã mà chúng nó đã từng được xem.

Nhưng Chính lại bảo:

- Họ múa nhiều bài lắm vậy anh định chọn bài nào? Anh có thuộc được hết cái bài múa đó không?

Ái chà, thằng Chính nói phải: nghe thì dễ. Bài nào mới được chứ! Xưa nay chúng nó cũng có xem múa dăm ba lần ở xã bên, mà cũng chỉ là xem lướt lướt chứ có định học đâu mà xem cho kỹ. Vả lại nó cũng không thuộc những bản nhạc những bài hát ấy thì múa thế quái nào được cho hết bài nhỉ.

Ôi, vậy mà nghe cô Quyên nói thì có vẻ dễ lắm. Có vẻ như cô quá tin tưởng vào tài năng của nó. Cô cứ tưởng như nó là con nhà thành phố hay được thưởng thức ca múa nhạc lắm thì phải. Chết thôi!

Thằng Chính bảo:

- Hay là múa sạp! Ai mà chẳng thuộc nhạc bài ấy: Sòn sòn sòn đô sòn. Sòn sòn sòn đô rê...Hồi còn ở trong đội thiếu nhi của làng, tất cả bọn trẻ con đều được dạy vỗ tay và hát theo nhịp bài ấy. Quá dễ!

Nhưng múa sạp thì lại phải có cả một đống người gõ một một dãy những cây tre ấy vào nhau cho thì mới nhảy vào múa được. Lấy đâu ra người làm những việc ấy cho mình chứ? Phải múa một mình thôi.

Cuối cùng nó quyết định múa bài Cái trống cơm. Nó cũng sẽ giả vờ đeo cái trống trên người như mấy anh diễn viên múa hồi ấy và vừa hát vừa nhảy linh tinh.

Nếu ngày mai thi đỗ, thì sau đó Sỏi sẽ được sống trong cái Thiên đường ấy thật sự. Nếu trượt vỏ chuối, Sỏi sẽ vĩnh viễn phải đứng ở tít ngoài xa, nhìn lũ trẻ trong Thiên đường ấy mà nuốt nước bọt vì thèm muốn và tủi thân cùng cực vì cũng là trẻ con cả mà sao mình và lũ trẻ con ở làng quê mình lại khổ thế!

Cả hai thằng cứ trằn trọc mãi không chợp mắt được, nào ngờ đến gần sáng lại cùng mệt quá thiếp đi. Sáng bảnh mắt, nghe những tiếng í ới náo nhiệt của mọi người họp chợ trên bến cá, hai thằng mới choàng dậy.

Mặt trời cuối thu đã lên rực rỡ. Hai đứa cuống quýt bổ đến trường. May mà hai đứa vẫn luôn chỉ có một cái bánh mì buổi sáng, và cũng chỉ có mỗi một cái áo sạch nữa để mà thay, nên cũng chẳng có gì phải đắn đo nhiều trong chuyện ăn mặc.

Môn thi thẩm âm Sỏi vượt qua một cách dễ dàng vì đã được sự hỗ trợ của cô giáo dạy nhạc bạn cô Quyên. Chỉ có điều những cử chỉ, điệu bộ để múa Bài hát Cái trống cơm mà Sỏi cùng với thằng Chính đã cùng nhau quyết định sẽ nhảy nhót để làm bài thi thì đến giờ phút quyết định nhất, nó lại quên tiệt mất.

 Sỏi vẫy hai cánh tay để giả bộ đang đánh cái trống cơm được vài cái thì bỗng thấy mình nực cười vì thấy mình giống con vịt đang đập cánh trên mặt nước ao. Thế là nó không sao vẫy hai tay được nữa. Nó cứ đứng ngây như trời trồng giữa sân khấu của hội trường Trường Cao đẳng Nghệ thuật. Có lẽ cái sân khấu long trọng lần đầu tiên nó được bước chân lên làm nó run quá mất hết cả tự chủ.

Rồi Sỏi bỗng nhìn thấy con bé có đôi bím tóc buộc nơ đỏ trên bãi biển hôm trước. Hôm nay nó không buộc tóc hai bên mà cột thành một túm cao vống trên đỉnh đầu cũng bằng một cái nơ đỏ. Nó diện một cái váy trắng muốt ngắn bồng bềnh ngang hông khoe đôi chân dài thẳng tắp trong chiếc quần tất trắng và đứng ở ngay đằng sau ông thầy giáo giám khảo chấm thi bộ môn Múa.

Sau này Sỏi mới biết con bé ấy tên là Linh Nga, con gái của thầy Khải Huy, đang học những lớp cuối của khoa Múa và là một ngôi sao sáng trong trường. Linh Nga đã có tên trong danh sách được đi Nga học nâng cao. Sau này cô ấy lại sang Pháp học nâng cao hơn nữa. Và rồi kết quả là cô ấy lấy một chàng Tây Ban Nha và chẳng về Việt Nam nữa.

Nhìn con bé mặt lạnh tanh, kiêu kỳ liếc nhìn mọi người trong phòng thi rồi nghiêng đầu, thân mật thì thầm điều gì đó vào tai vị giám khảo mà Sỏi thấy đắng ngắt trong lòng. Sỏi chợt nhớ hôm qua Sỏi đã đứng nhìn lâu đài của nó sụp đổ và nó đã quét ánh mắt giận dữ, bực tức vào mặt Sỏi như thế nào. Chưa hết, hình như Sỏi còn đã vô ơn, thất thố với nó khi không hề có một lời cảm ơn nó đã bỏ công bảo vệ đống sách báo cho Sỏi. Chắc chắn nó sẽ thù ghét Sỏi. Nó đang ton hót với vị giám khảo cho Sỏi rớt cho bõ ghét. Hừ! Đồ con gái nhỏ mọn!

 Nhưng vị giám khảo bỗng nói:

- Em Sỏi cứ bình tĩnh! Không việc gì phải hồi hộp!... Có phải trưa hôm qua ở bãi biển em đã cố cứu một cậu bé bị chết đuối phải không?

Sỏi lạnh người đáp:

- Vâng ạ!

Ông thầy giáo nói tiếp:

- Thầy là thầy Khải Huy trưởng bộ môn Múa. Thầy muốn hỏi Sỏi một câu hơi riêng tư một chút: lúc nhìn thấy cậu bé bị chết đuối, em đã không bỏ chạy mà lại còn ôm lấy cậu bé ấy, vác lên trên người mình nữa, em không thấy sợ ư?

Sỏi mạnh dạn trả lời:

- Thưa thầy Khải Huy. Em cũng hơi sợ ạ. Nhưng ở quê em mọi người đều phải làm như vậy ngay khi có người bị chết đuối. Vì nếu không vác ngược người bị nạn lên ngay, thậm chí chỉ chậm một phút thôi cũng có thể người ấy sẽ bị chết luôn, không bao giờ còn cứu được nữa.

Thầy giám khảo mỉm cười gật đầu hài lòng:

- Em là một cậu bé nhân hậu. Em rất dũng cảm thật đáng khen. Nhưng thôi, chúng ta vào việc chính. Bắt đầu lại nhé!

Sỏi đã bình tĩnh lại hơn sau câu chuyện:

- Vâng ạ!

Thầy Khải Huy ra hiệu cho người nhạc công không phải đệm đàn:

- Có phải trưa hôm qua, trước lúc xuống biển tắm, em đã vừa hát vừa nhảy những động tác khởi động phải không?

Sỏi ngỡ ngàng không hiểu ý vị giám khảo muốn gì, nhưng vẫn run run đáp:

- Vâng ạ!

Thầy Khải Huy nở một nụ cười hiền từ, khuyến khích:

- Vậy thì em cứ làm lại như thế đi! Chúng ta sẽ coi nó sẽ là bài múa tự chọn và do em tự sáng tác.

Thế là Sỏi mừng hú. Sỏi đã tự tin vừa nhảy múa vừa hát hò một cách cuồng nhiệt y như lúc Sỏi chuẩn bị xuống tắm biển mọi khi.

Ban giám khảo đã cho Sỏi điểm tối đa trong cuộc thi hôm ấy.

Một tuần sau Sỏi đã nhìn thấy tên nó trên danh sách những học sinh trúng tuyển vào bộ môm Múa của trường Cao đẳng Nghệ thuật.

Cũng trong tuần ấy Sỏi nghe thấy người ta kháo nhau cậu bé bị chết đuối là con một của một gia đình ở Hà Nội. Họ gửi con về quê cho chơi với ông nội, đi tắm biển vớt vát nốt mấy ngày, nhân đầu năm học mới.

Sỏi tự kiểm lại thì thấy mọi may mắn của nó có lẽ bắt đầu từ lúc nó cứu thằng bé bị chết đuối.

Nếu vậy thì có lẽ do nó làm được một việc tốt mà không đắn đo. Nếu vậy thì từ nay nó càng phải chăm chỉ làm nhiều việc tốt hơn nữa.

Và Sỏi còn phải biết ơn đời đời Linh Nga - cô bé buộc tóc bằng nơ đỏ - một tấm lòng cao cả. Linh Nga - một cô gái đẹp tuyệt vời về cả hình thức lẫn phẩm hạnh.

Linh Nga chính là thần tượng của Sỏi là đẳng cấp cao về người phụ nữ mà Sỏi hướng tới. Sỏi sẽ ngưỡng mộ cô suốt đời. Yêu Linh Nga thì chẳng dám, nhưng sau này Sỏi quyết sẽ lấy một người vợ giống như cô.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83700


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận