Phượng Oanh - 3 giờ 35 phút ngày 20 - 6 - 2008
Nàng đã nhớ lại khi đó.
Một ánh chớp loá sáng nhoáng nhoàng ngay bên trên đầu lão già, nàng thấy gương mặt của Sỏi - một người bạn thân thiết vừa cùng học xong lớp 5 A ở Trường tiểu học - nhô lên ngay trên đầu gã quỷ dâm dục.
Khuôn mặt đẹp đẽ đầy vẻ đàn ông cương nghị của Sỏi với đôi lông mày rậm xếch lên giận dữ như đôi cánh đại bàng vươn cao sáng rực trong ánh chớp vừa loé. Hai tay Sỏi dâng cao một vật to đen, giáng xuống đầu gã Hanh:
- Cộc!
Lão già hôi hám đổ vật xuống người nàng.
Thằng Sỏi vất tảng đất lớn xuống ruộng. Nó vội vã đẩy gã đàn ông bỉ ổi ra khỏi người nàng, hối hả kéo nàng đứng dậy:
- Chạy đi! Lão ta đuổi theo bây giờ!... Nhanh lên!
Nàng lập cập bò dậy, hai tay sờ soạng dưới chân kéo chiếc cạp quần lên cuốn vào bụng rồi run rảy, luýnh quýnh chạy theo Sỏi về nhà. Nhà nàng ở ngay bên rìa làng, cách Hồ cá không xa.
Thằng Sỏi không những là bạn học mà còn có họ hàng khá xa cách năm bảy đời gì đó phía đằng bà nội của nàng. Theo thứ tự lớp lang họ hàng, nàng là em của Sỏi.
Sỏi đeo cái giỏ đựng cua cá sau hông chạy thập thõm bên cạnh, cố kéo nàng khỏi những bước thùi thụt, hụt hẫng vừa ngoái cổ nhìn lại đằng sau vừa nói:
- Lúc nãy, từ đằng xa anh đã nhìn thấy em chạy từ rìa làng ra, nhưng xa quá, chạy tới không kịp…
Trong ánh sáng của những tia chớp giật chói loá thay phiên rực sáng trên nền trời, Sỏi nhìn thấy lão Hanh loạng choạng đứng lên rồi lại đổ vật xuống ngay.
Từ trên trời nước mưa bất ngờ ào xuống xối xả hơn. Gió ào ạt quất những hạt mưa to bỏng rát vào mặt hai đứa.
Sỏi vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn lại đằng sau lần nữa. Vẫn không thấy một bóng người. Lão Hanh không đứng dậy được nữa rồi.
Cậu lẩm bẩm:
- Không biết, nhát đập vào đầu lão Hanh, vừa rồi, anh làm có mạnh tay quá không?... - Sỏi quay sang nàng hỏi, giọng đầy lo ngại - Tí Con này! Liệu lão ấy có bị chết không nhỉ?
Tí Con! - À, nàng nhớ ra rồi - nàng là cái Tí Con - một cô bé có khuôn mặt trái xoan xinh xắn, trắng trẻo, đôi hàng mi dài rợp bóng và đôi mắt to đen láy như biết nói. Một cô bé có cặp môi đỏ tươi với chiếc môi trên mỏng manh rõ nét, môi dưới bậu lên ngấn nhẹ ở giữa và một cái khoáy đồng tiền nhỏ xíu ngay bên cạnh mép trái. Mỗi lần cười, cái chấm đồng tiền nhỏ xíu ấy xoáy xuống trông vừa ngộ ngộ, vừa dễ thương.
Tí là con gái của một ông kỹ sư lúc ấy mới ra trường. Sau này bố cái Tí làm tới chức thứ trưởng một ngành danh tiếng, nhưng lúc đó cô bé đang phải ở quê và sống trong côi cút, cơ cực nghèo khổ với ông bà nội vì mẹ cô mất sớm.
Hết hè với sức ép vô cùng quyết liệt của bà nội, cái Tí được bố đem ra Hà Nội ở cùng mẹ kế và đi học tiếp lớp 6. Từ đây cái Tí luôn chỉ còn được gọi bằng tên chính thức của mình: Lê Phượng Oanh.
Bà nội! Ôi, bà nội yêu thương của con! Bà còn hơn mẹ con vì con chẳng biết mặt mẹ, chỉ biết mặt bà mỗi khi con đau yếu hoặc đói bụng. Bà hơn là bà vì bà chẳng là mẹ nhưng lại nuôi dưỡng con như một người mẹ từ khi con còn đỏ hỏn.
Sau này khôn lớn con mới biết tại sao bà dứt khoát giằng đôi tay bíu chặt của con ra khỏi áo bà đẩy con ra Hà Nội sống với mẹ kế.
Lúc ấy con đã gào khóc thề bồi rằng:
- Bà ơi! Con sẽ không dám chê bánh sắn cắm que của bà cứng queo, đen sì, chát sít nữa. Con xin lỗi bà!... Con sẽ ăn cả vỏ dưa. Con sẽ ăn cả cám lợn. Bà cho con ăn gì con cũng sẽ ăn cái ấy... Bà cho con ở với ông bà!
Nhưng bà đã lạnh lùng đẩy con ra:
- Đi đi! Đừng về ăn bám ở đây nữa! Ông bà nghèo lắm, đói lắm! Ông bà già lắm rồi, chỉ kiếm đủ ăn để ông bà không bị chết đói thôi, không nuôi thêm được cháu nữa đâu!
Bà đã đuổi con ra khỏi căn nhà con vẫn coi là nhà mình từ lúc mới sinh ra. Con quay sang túm lấy ông nội. Nhưng bà lập tức trừng mắt nhìn ông. Và con thấy ông sợ hãi co rúm người lại.
Ôi người ông hiền lành nhân hậu luôn yêu thương con hết lòng. Người ông tội nghiệp bỗng mới bị câm từ ngày con gặp nạn trong đêm mưa bão. Cũng từ ngày ấy, không hiểu sao ông bỗng trở nên yếu bóng vía vô cùng.
Ông nội bỗng hay hốt hoảng trước những việc không đâu. Ông giật mình thảng thốt trước cả một tiếng cành cây nhẹ rơi. Và ông luôn nghĩ lúc thì có người, lúc thì có ma sắp đến bắt ông đi… Hình như ông bị thần kinh!
Còn bà, cũng từ đêm ấy con thấy bà bỗng thay đổi hẳn. Bà trở nên nghiệt ngã với tất cả mọi người. Bà trở nên độc đoán, trấn áp cả ông, điều trước đây chưa hề có.
Con thấy mình cô đơn cùng cực vì không còn có lấy một chỗ dựa nào cả về mặt tinh thần. Con thất vọng hỗn xược gào lên:
- Bà sợ bị chết đói. Bà sợ con ăn hết phần của mình nên mới đuổi con đi. Bà tham lắm! Con ghét bà! Con ghét bà!... Bà đuổi con đi thì con sẽ không bao giờ quay về với bà nữa... Con sẽ không bao giờ thèm nhìn mặt bà nữa!...
Lúc ấy con chỉ cho rằng mình bị ông bà đuổi đi vì tội ăn quá nhiều, ăn hết phần của ông bà. Bao lâu nay con cứ vô tư ăn những bát cơm độn khoai bữa dặm ông dành phần bà.
Bao lâu nay con cứ hồn nhiên ăn những cái bánh sắn cắm que, những củ khoai lang bột đặc quánh cổ phải níu cột mới nuốt được, bà vẫn dành phần ông.
Chỉ đến lúc đó con mới biết ngay cả những thứ con vẫn chê bai ỏng eo đó nữa con cũng không có phần. Con không có khẩu phần lương thực ở cái làng quê này.
Bố con không hề gửi tiền về để ông bà nuôi con. Từ bao năm nay con vẫn sống bám vào hai tấm thân yếu già lụ khụ mà không biết.
Con quá ngây thơ và ngu ngốc lúc đó đã nghĩ rằng bà phải đuổi con đi vì bà sợ con càng lớn càng ăn nhiều ông bà sẽ bị chết đói, mà không biết rằng bà đang cố cứu vớt tương lai của con.
Bà nội sợ ông bà quá già cả yếu ớt không che chắn được cho con khỏi những con quỷ cuồng dâm khốn nạn. Bà sợ dư luận trong luỹ tre làng sẽ giết chết đức hạnh của cháu gái bà.
Tất cả những yêu thương xa xót sâu sắc của bà dành cho con khi con hiểu được ra để trở về xin lỗi bà thì đã quá muộn. Bà đã ra đi vĩnh viễn sau khi con rời khỏi làng ba tháng vì quá thương nhớ con.
Hàng xóm kể rằng ngày nào bà cũng gọi tên con trong đau đớn và xót xa, ân hận. Mọi người cho rằng bà ân hận vì đã bắt con ra Hà Nội ở.
Chỉ có mình con, và cũng chỉ sau này khi đã lớn khôn con mới hiểu: bà ân hận vì đã sai con đi gọi ông trong cái đêm mưa gió khốn nạn đó.
Bà đã ân hận đến đau đớn vì bà chỉ vì tiếc một con lợn sẽ chết mà rồi làm tổn hại đến suốt đời đứa cháu gái yêu quý của bà.
Bà của con đã chết trong nỗi đau tinh thần không có thuốc thang nào cứu nổi.
Rồi cũng liền sau đó, chỉ một tháng sau, ông cũng buồn bã ra đi vĩnh viễn theo bà.
Ôi ông bà nội! Ông bà nội yêu quý của con ơi! Ông bà có biết mọi hy sinh của ông bà đều là vô nghĩa không?