24 Giờ Lên Đỉnh Chương 9


Chương 9
Phương Quang Sáng

5 giờ 58 phút - 19 - 06 - 2008

 

 

Sáng đã nằm trên tầu biển hai ngày cùng con Merceds từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Bắc Bình. Chuyến đi trên biển giúp anh có hai ngày để nghỉ ngơi thư giãn như đi du lịch, không phải lái xe suốt ngày đêm trên cả chặng đường dài gần 2000 km. Không mệt mỏi mà ra đến Hà Nội anh lại có xe riêng tiện ích cho công ty mà anh đang thành lập. Vả lại anh còn định về quê vài ngày. Về làng thì chẳng lấy đâu ra tắc xi để mà đi, mà bố anh quá già, cũng chẳng đi đâu nên nhà không sẵn xe máy. Mang một chiếc ô tô riêng theo mình là tiện nhất.

Sáng sớm nay, mới 3 giờ 45 phút sáng ông thầy giáo phó hiệu trưởng trường Quốc tế, nơi Sáng đang theo học tại chức để làm luận án thạc sĩ về Đông phương học, khá thân với anh đã dựng anh dậy qua điện thoại di động của anh.

Biết Sáng đang có mặt tại Hà Nội, ông muốn nhờ anh lái xe riêng cho ông ngày hôm nay, vì nghe nói giao thông ở Hà Nội những ngày này bị tắc kinh khủng, mà ông lại không muốn bị lỡ việc. Thời gian của ông đã lên lịch chính xác đến từng phút rồi. Ông đang chuẩn bị lên máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất và sẽ có mặt tại sân bay Nội Bài vào khoảng 5 giờ 10 phút sáng. Và ông sẽ lại phải lên máy bay quay về Thành phố Hồ Chí Minh chuyến 11 giờ 30 trưa nay.

 Vì chương trình làm việc của thầy hôm nay có nhiều việc khẩn cấp mà thời gian của một ông phó hiệu trưởng một trường Quốc tế đang xây dựng thương hiệu lại quá sít sao nên ông thầy đã phải đi chuyên cơ của hãng Jetsar Pacific Airlines chuyến tối hôm qua, hy vọng có một đêm nghỉ ngơi và chuẩn bị đàng hoàng cho chương trình phát hình trên Tivi lúc 9 giờ sáng. Nào ngờ chuyến bay cứ bị hoãn đi hoãn lại mãi thành ra tới 5 giờ 10 phút sáng nay máy bay mới đáp xuống sân bay Nội Bài.

Mặc dù những ngày thi đại học đang sắp đến nhưng Trường Quốc tế của ông thầy Việt kiều trong năm học mới vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết với Bộ Giáo dục, với Bộ Ngoại giao, Cục đầu tư … Là một nhà kinh doanh, Sáng chưa bao giờ bỏ qua cơ hội tạo quan hệ với các đối tác. Chuyến đi này cũng sẽ tạo điều kiện để anh mở rộng mối quan hệ cho mình, lại còn tình nghĩa thân thiết với ông thầy này nữa, nên Sáng vội vui vẻ nhận lời giúp thầy ngay.

Mới 6 giờ kém 5 phút Sáng đã đưa được ông thầy về tới trung tâm Hà Nội và vào ăn sáng ở 18 phố Núi Trúc.

Đang ngồi chờ nhà hàng bưng phở ra thì anh nhận được điện thoại của Phượng Oanh lúc di động của anh báo 5 giờ 58 phút sáng. Lâu lắm rồi anh chưa gặp lại cô, có lẽ là cách đây chừng gần 2 năm, từ sau hôm bố Phượng Oanh mất được ít lâu. Mà điện thoại thì có lẽ đây là lần đầu tiên cô gọi cho anh.

Giọng Phượng Oanh có vẻ gì không bình thường:

- Anh đang ở đâu đấy?

Sáng tỏ ý xin lỗi ông thầy rồi từ tốn trả lời:

- Anh đang ở Hà Nội!

Giọng Phượng Oanh mừng rỡ:

- Ôi may quá! Anh có thể đến gặp em được không? Em cần gặp anh ngay!

Sáng thở dài, nhún vai:

- Ngay bây giờ thì không được rồi! Anh đang đi làm việc cùng thầy giáo phó hiệu trưởng của anh.

Giọng Phượng Oanh xìu xuống:

- Vậy lúc nào em có thể gặp được anh?

Sáng tần ngần một lúc rồi mới trả lời:

- Anh cũng chưa rõ lắm. Hôm nay anh cũng rất bận. Có chuyện gì vậy? Nói qua điện thoại luôn đi có được không?

Giọng Phượng Oanh chùng xuống:

- Không! Nói qua điện thoại không hết được! Chuyện dài lắm! - Cô nài nỉ - Cho em gặp anh một chút đi! Một chút thôi mà. Em năn nỉ đấy!

Vừa lúc đó người phục vụ bàn bê hai bát phở ra. Sáng thở dài lẩm bẩm vào điện thoại:

- Thôi, để anh xem đã. Sáng nay thì rứt khoát không được rồi. Còn trưa nay thì… trưa nay cũng có vẻ khó rồi… Thôi để anh xem. Tuỳ tình hình, anh sẽ gọi lại sau nhé!

Giọng Phượng Oanh đầy thất vọng, xen lẫn tiếng thở dài qua điện thoại:

- Thôi được, em sẽ chờ…

Sáng tắt máy di động rồi cúi xuống ra hiệu cung kính:

- Mời thầy dùng trước ạ!

Ông thầy mỉm cười gật đầu, rồi hít một hơi làn khói hương bốc lên ngào ngạt và nếm một chút nước dùng từ bát phở nóng hổi trước mặt, tấm tắc:

- Nước phở ở đây thật là đậm đà!... - Ông dùng đũa nếm một lát thịt bò trên mặt bát, rồi một sợi bánh phở, nhấm nháp… ngẫm nghĩ rồi thốt lên hào hứng- Thịt mỏng mềm như lụa! Mà vẫn không bở! Không khô! Ngọt, béo vừa đủ thấm trong yếu hầu!...Sợi bánh nuột nà, mềm mại quá thanh tao cho những cái lưỡi phù tục! Quá tuyệt vời!

Sáng nhã nhặn:

- Vâng! Đây là một quán phở bò đặc sản gia truyền nổi tiếng lâu đời của một người dân Nam Định và cũng do dân Nam Định sáng tạo ra. Nhưng chỉ đến khi định vị tại Hà Nội được kết hợp với rau húng Láng một thứ rau gia vị chỉ có thể trồng được ở trên đất Láng - một vùng đất ngoại ô Hà Nội cũ mới có thể cho phở bò một hương vị đặc biệt quyến rũ. Mà cũng chỉ được kết hợp với mùi vị và chất nước đậm đà từ thịt và xương bò mới có thể làm nên phở đúng nghĩa cho những người đam mê phở sành điệu.

Ông thầy ngoại quốc gật gù:

- Thầy đã được ăn phở của Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ngay trên đất nước mình. Nhưng chỉ ở tại Hà Nội, và cũng chỉ bây giờ, được ăn phở bò ở đây, thầy mới hiểu vì sao phở của đất nước ta lại có thể vươn ra quốc tế và ngang ngửa với các món nổi tiếng của các nước khác nhanh đến thế.

Sáng mỉm cười:

- Thưa thầy! Với em, ẩm thực là văn hoá. Mà phở bò là một thứ văn hoá cao cấp!

Ông thầy nhún vai cười:

- Em đã có đồng minh lâu dài trong vấn đề này! Tôi cũng vậy!

Họ cùng nhau hăng hái thưởng thức niềm thích thú của mình, sau đó nhanh chóng đến một tiệm cà phê Trung Nguyên ngay gần đó để tiện bàn công việc cho buổi lên chương trình vô tuyến trực tiếp lúc 9 giờ 00: chương trình quảng cáo cho Trường Đại học Quốc tế của ông thầy. Chương trình này chính Sáng cũng đã góp phần móc nối giúp ông xây dựng vì anh có người thân làm trong Ban biên tập của VTV1.

Hôm nay có khá nhiều công việc. Sẽ là một ngày có quá ít thời gian đối với Sáng. Chiếc Méc của anh quả là cực kỳ tiện lợi cho thầy trong dịp này. Có nó, hai thầy trò anh đi lại thật thoải mái và chủ động hơn nhiều.

Hình như nhờ thế mà công việc rất trôi chảy, rất mỹ mãn.

Mười một giờ theo đúng kế hoạch, anh lại giúp ông thầy giáo có mặt ở sân bay Nội Bài lên chuyên cơ Bôing 737 bay về Sài Gòn chuyến 11 giờ 30.

Khi ông thầy xách chiếc catáp khuất bóng vào phía sau tấm kính của phòng cách ly, Sáng mới ra chiếc Mercedes của mình.

Qua cửa kính xe ô tô anh nhìn thấy chiếc điện thoại di động anh để quên trên ghế phụ xe nhấp nháy sáng và tiếng nhạc từ trong xe vọng ra liên hồi.

Sáng vội vàng mở cửa xe cầm điện thoại lên. Té ra là cha anh gọi.

- Cha à! Con chào cha! Con - Sỏi đây! - Sáng cung kính chào, hỏi.

- Anh làm chi mà tôi gọi dữ không thèm trả lời? - Cha anh có vẻ cáu kỉnh quát vang. Khi nào bực tức ông thường gọi các con là anh, chị và xưng tôi.

- Dạ! Con đang tiễn thầy giáo con vào gara sân bay nhưng bỏ quên điện thoại trong xe ô tô.

- Thầy Cả nhắn anh phải về đền của thầy vào giờ Tuất ngày 16 Âm tháng 5 để thầy còn làm lễ giải hạn cho anh.

- Trời đất! 16 Âm tháng 5 cũng chính là tối nay!... Thế thầy Cả nhắn từ bao giờ mà bây giờ cha mới nói với con?

- Thầy nhắn từ hai, ba hôm trước, nhưng mà tao quên biến đi mất! Thôi nhé! - Sáng nghe trong điện thoại tiếng cha đặt máy cạch một cái.

- Ôi trời ơi! Cha thật là... - Sáng ngán ngẩm lắc đầu.

Gần như là hôm nào anh cũng gọi điện về nhà, thế mà cha anh lại chẳng nhớ mảy may một chút gì cái công việc trọng đại ấy của anh.

Nhưng không sao, khoảng 21 giờ tối anh mới phải có mặt ở đền thầy Cả. Thế thì anh có thể về quê vào khoảng chiều tối cũng kịp. Từ giờ tới lúc đó anh vẫn còn khá nhiều thì giờ cho những cuộc hẹn đã sắp xếp từ những hôm trước. Cũng có thể anh sẽ thu xếp được một cuộc gặp khoảng 15 phút cho Phượng Oanh.

Công việc đến giờ mới tạm ngơi. Theo thói quen nạp tin tức hàng ngày, Sáng bật cái Lattop mới tinh anh vừa mua giá 2000 USD vào Google xem Bản tin Chứng khoán trực tiếp.

Anh lướt con trỏ xuống mã MP. Giá chỉ còn 20. Thật thảm hại. VIC chỉ còn 70. VIB chỉ còn 30. So sánh về giá trị ban đầu thì FPT đã trở nên thê thảm khủng khiếp. Đã 33 ngày liên tiếp chỉ số Index càng ngày càng thoi thóp hết hơi hơn.

Sáng tắt Lattop rồi gọi điện tới ông chú ruột Lê Văn, ông vốn là một cựu Trưởng ban một Ban quan trọng của Đài Tiếng nói Việt Nam - một nhà văn tên tuổi từ trong kháng chiến chống Mỹ. Hôm qua Sáng đã hẹn mời ông đi ăn cơm trưa nay với anh.

Sáng hẹn sẽ đến đón ông Lê Văn đi ăn ở 19 Nguyễn Gia Thiều - một Gourmet restaurant - quán cho những người sành ăn, vào lúc khoảng 12 giờ. Sau đó anh muốn được ông dắt đi xem mảnh đất của bạn ông - một ông sĩ quan quân đội ở đường Thái Hà  đang muốn bán.

Nghe nói khi xưa mảnh đất đó vốn là một bãi chuối với sình lầy thả muống, lúc phân đất cho ông sĩ quan, cấp trên đã phân cho ông 12 mét mặt tiền đo theo kiểu ở quê, kéo dài được đến đâu là do công sức khai khẩn bãi chuối, đắp đất lấp sình lầy của vợ chồng ông. Kết quả là đến khi có chính sách cấp sổ đỏ gia đình ông có hẳn gần 350 mét đất thổ cư giữa chốn Hà thành tấc đất tấc vàng.

Nếu mảnh đất đó vuông vắn, và thuận tiện giao thông, ô tô có thể vào được tận cửa thì anh sẽ mua để trao đổi lấy một biệt thự 104 mét vuông có đất mặt tiền 8 mét ở đường Nguyễn Thượng Hiền của một gia đình ngũ đại đồng đường đang bị phân hoá muốn tan rã thành riêng tư. Có đất anh dự định sẽ xây một ngôi nhà khoảng chín tầng làm khách sạn cho công ty của anh được chủ động khi đưa đón khách của anh đi du lịch phía Bắc.

Ông Lê Văn “OK!” ngay vì vợ ông hôm nay đi vắng, không ăn cơm nhà, đến quá trưa mới về.

Rồi Sáng lại còn có một cuộc gặp với một viên chức cấp cao của Bộ văn hoá thông tin và du lịch - người đang có những quyết định ảnh hưởng lớn đến việc thành lập công ty trách nhiệm Du lịch Văn hoá và Sinh thái: Phương Quang Sáng resort của Sáng. Nhưng anh ta rất bận, chỉ có thể thu xếp cho Sáng gặp vào sau16 giờ 30 phút chiều mà thôi.

Suốt lúc đi trên đường cao tốc Thăng Long về Hà Nội anh cứ mừng mãi: may mà anh đã kịp thời bán sạch cổ phiếu của FPT ở thang giá trị gần như là cao nhất khi, bắt hơi thấy hai vợ chồng ông trùm FPT có vẻ chuẩn bị ly dị.

Anh thấy tự hào vì mình đã rất nhanh chóng học hỏi, rút kinh nghiệm từ báo chí phương tây: khi các ông trùm của các công ty hàng đầu thế giới mà ly dị vợ thì thế nào giá trị cổ phiếu của công ty họ cũng bị mất giá đáng kể.

Anh cũng kiếm trác được khá nhiều trong phi vụ bán cổ phiếu FPT này. Cộng với nhờ Thị trường bất động sản hầu như cũng đang bất động chứ không đến nỗi tụt dốc quá đáng nên tài sản của anh trong thời gian này theo đà trượt dài của Chứng khoán toàn cầu dù cũng mất mát chút đỉnh: khoảng 20%. Nhưng so với giới kinh doanh Chứng khoán và bất động sản như anh thì thiệt hại chừng đó thôi cũng đã là quá giỏi.

Biết bao nhiêu nhà nghiên cứu lỗi lạc về kinh tế của đất nước, những chuyên gia hàng đầu về Chứng khoán có bằng cấp quốc tế, những tiến sĩ đi học Đại học Kinh tế tận Harvớt đã để cho tên tuổi và tài sản của mình rơi tự do... xuống đáy vực Chứng khoán.

Xe của Sáng về đến cuối đường Láng khoảng hơn 12 giờ trưa thì Phượng Oanh lại gọi điện thoại tới di động của anh.

 Phượng Oanh đòi anh tới gặp cô gấp. Giọng cô có vẻ gì đó vừa khẩn nài vừa căng thẳng lại vừa thô bạo quyết liệt một cách không bình thường.

Cứ nghĩ tới Phượng Oanh, nhắc tới Phượng Oanh là không hiểu sao trong óc Sáng lại hiện lên một cái lúm đồng tiền ngay bên khoé môi trái của Phượng Oanh. Nó xoáy vào lòng anh một vẻ bi thương sâu đậm đến nặng lòng. Nó làm cho các cô gái khác dù trẻ, dù đẹp đến mấy cũng bỗng nhiên trở nên nhạt hoét và nông toẹt trong anh.

Mỗi lần gặp Phượng Oanh là anh lại sợ phải nhìn vào đôi mắt của cô. Một đôi mắt chứa chan tình cảm như biết nói, như luôn bật ra một câu hỏi lớn thăm thẳm buồn đến mênh mang mà anh luôn hiểu nghĩa, nhưng lại luôn lẩn tránh không dám dịch ra thành từ.

Chính vì thế anh rất ngại phải gặp riêng Phượng Oanh, không phải vì anh sợ cô, mà là anh sợ chính mình lúc đó không biết rồi anh sẽ xử sự ra sao! Sẽ như thế nào? Anh không biết mình sẽ ôm cô vào lòng trong xa xót hay sẽ hất cô ra trong khinh bạc? Anh sợ cái ý nghĩ chính mình lại dồn mình đến chân tường. Anh sợ không làm chủ được những ý nghĩ và hành động tiếp theo của mình.

Khi được biết Phượng Oanh lập gia đình, Phượng Oanh đã có một ông chồng, một người đàn ông đứng ra để che chở cho cô, anh thở phào như vừa trút được gánh nặng, nhưng đồng thời cũng bỗng cảm thấy mình cứ như vừa bị lột mất một cái gì đã quá gắn bó, sâu nặng từ trong tâm khảm.

Anh cảm thấy mình nhẹ gánh hơn trên con đường đi lên vì sự nghiệp mà anh đang phấn đấu. Anh cảm thấy hiện tại mình hoàn toàn có đủ tiêu chí về cả tinh thần lẫn vật chất để trở thành một người có đẳng cấp cao - một con người hoàn thiện cao quý.

Phượng Oanh là con một ông to, có chức tước thật đấy nhưng thực chất lại vẫn chỉ là một cô gái gốc gác nông dân, một cô nhân viên hành chính chưa tốt nghiệp đại học, một cô gái chưa từng được nuôi dạy trong một gia đình có nòi giống quý phái để có thể xứng đáng là một bà chủ gia đình của một đại gia tên tuổi. Đó là chưa kể cô đã già, cô bằng tuổi Sáng, lại hơn nữa giờ đây cô đã có chồng.

Một con người hoàn thiện cao quý không thể để mình bị dính vào một vụ sì căng đan tình ái ngớ ngẩn với một mẹ nạ dòng. Một con người có đẳng cấp cao chắc chắn không thể u mê lấy một người phụ nữ tầm thường không tôn quý. Vậy mà không hiểu sao hình ảnh của Phượng Oanh vẫn cứ ám ảnh nhức nhối trong đầu óc, tâm can anh được!

Tóm lại là: quá rắc rối! Quá nhức đầu! Quá đau đớn mỗi nghĩ tới Phượng Oanh. Nó là một thứ hạnh phúc đắng đót kỳ lạ: tự mang vác lên vai thì quá sức nạng nề, mà hất đi lại đau buốt trong cảm giác mất mát.

Để rồi có một lần, một lần không sao cầm được, anh chót thốt ra lời: “Anh thương em! Thương em rất nhiều! Hãy ghi nhớ trong lòng rằng: Sỏi sẽ luôn bên cạnh Oanh bất cứ khi nào Oanh cần!”

Và bây giờ, chỉ vì câu nói ấy, cô đang bắt vạ anh?

Nhưng thương đâu hoàn toàn có nghĩa là yêu chứ? Để mà cô nói năng lung tung như một mụ điên tình với anh như thể cô với anh đã yêu đương chung chạ.

 Giờ đây Phượng Oanh lại tự thuê phòng trong khách sạn ép anh đến gặp cô. Cô định làm trò gì chứ? Cô xử sự như mấy mụ Phó Đoan đi săn giai tân vậy.

Anh bỗng thấy ghét Phượng Oanh. Cô không thể lợi dụng lòng tốt, tình thương của anh đối với cô để đánh vào điểm yếu của anh được. Như thế là không đàng hoàng. Anh sợ bị dấn sâu vào một thứ tình cảm quá phức tạp như thế này.

Sáng bấm máy di động gọi lại cho Phượng Oanh, nhưng máy di động của anh báo: Số máy bạn gọi không liên lạc được. Xin gọi lại sau!

 Chắc cô đã tắt máy!

Đã thế thì anh vứt cô ra khỏi đầu anh!

Để quên đi những mất mát vô phương cứu chữa về tài sản lúc này, và để quên đi nỗi bực dọc vì cuộc cãi cọ, giãi bày vô ích với Phượng Oanh trong điện thoại, Sáng cứ tiếp tục đi ăn với chú Lê Văn ở Restaurant 19 Nguyễn Gia Thiều.

Vừa đưa ông chú vào chỗ ngồi Sáng vừa nhớ tới tối hậu thư của Phượng Oanh. Cô ra lệnh cho anh phải tới gặp cô ngay bằng cách tắt máy không cho anh được quyền giãi bày từ chối.

Anh không có hứng với những người chuyên quyền độc đoán! Anh ghét bị ra lệnh!

Anh vốn là một cánh chim trời đã quen tự do từ thuở ấu thơ, anh không thích bị sống trong ràng buộc tù túng. Anh còn yêu tự do của mình vì anh còn nhiều mục tiêu lớn trong đời phải thực hiện.

Mặc kệ Phượng Oanh!

Nói vậy, nhưng trong khi hai chú cháu lai rai nhẹ nhàng vài cốc bia tươi cùng các món chả ốc, trứng cá bánh đa… đặc biệt nổi tiếng kiểu riêng của quán này do các cô tiếp viên mặc yếm nâu, váy đen, vấn khăn kiểu chân quê Nguyễn Bính phục vụ, lòng Sáng vẫn gợn lên bứt rứt vì cú điện thoại gây sự của Phượng Oanh.

Đến tận 16 giờ 10 phút chiều Sáng mới lái xe ô tô đưa trả ông chú Lê Văn về nhà cho bà thím, rồi lại đến Bộ Văn hoá Thông tin để có cuộc gặp với ông viên chức cấp cao kia.

Khi xong việc với ông viên chức Bộ Văn hoá, Thông tin thì đã muộn. Anh đang định lái xe về thẳng quê luôn, thì vừa lúc ấy chiếc điện thoại di động của anh rung lên trong túi quần và tiếng nhạc báo hiệu có tin nhắn đến…

Tin nhắn của Phượng Oanh gửi từ lúc 12 giờ 30. Cái tin nhắn không hiểu đã lưu lạc ở đâu trong không gian suốt gần ba tiếng đồng hồ bây giờ mới tới máy di động của anh: “Phuong Oanh dang …

Nhận được bức tin dở dang ấy Sáng vô cùng lo lắng không hiểu chuyện gì đã xảy ra với Phượng Oanh. Anh gọi đi gọi lại điện thoại di động 4, 5 lần cho cô nhưng chỉ có một giọng đàn bà sồn sồn trả lời: Hiện tại số máy này không liên lạc được. Xin bạn liên hệ lại sau.

Cái tin dở dang trông cứ như tín hiệu cấp cứu SOS! Phượng Oanh đang… đang là đang làm gì? đang bị làm sao chứ?

Vậy là anh không thể để mặc Phượng Oanh được nữa rồi. Chỉ có một lần anh đến chậm thôi mà đời cô đã tan nát rồi. Nếu anh không tới khi cô cần anh giúp lại có một chuyện gì đó xảy ra nữa cho Phượng Oanh thì anh lại có chuyện thêm để ân hận suốt đời. Anh dù bận mấy thì bận cũng cần phải bỏ ra mấy phút mà tới gặp cô ngay lập tức. Không hiểu sao, có những ngày công việc thường kéo đến gấp gáp, dồn đống như thể Tạo hoá định thù ghét gì ta mà bất công muốn gây khó dễ.

Cho đến tối, anh vẫn vô cùng ân hận vì đã cả nể, đã quá lo lắng phải đến gặp Phượng Oanh. Một cuộc gặp thật tồi tệ, chỉ để lại một ấn tượng chẳng hay ho gì. Nó chỉ làm anh mất cảm tình với Phượng Oanh và làm mất thì giờ của anh.

Nhưng anh vẫn luôn biết rằng chẳng bao giờ anh từ chối được điều gì khi Phượng Oanh đề nghị. Anh luôn cảm thấy đau nhói trong lòng khi hình dung ra đôi mắt đau đáu và khoé môi bi thương của cô; cứ cảm thấy phải có nghĩa vụ che chở cho cô.

Có lẽ là vì anh cảm thấy giới đàn ông của anh làm tổn thương cô đã quá đủ. Anh không nỡ làm cô đau đớn hơn nữa. Và anh sẽ không thể yên tâm suốt dọc đường về mà không biết có chuyện gì đã xảy ra với cô.

Mà cũng chẳng cứ gì riêng Phượng Oanh, với bất kỳ một cô gái đẹp nào tâm hồn anh cũng đều dễ dàng bị rung động cả. Anh khó lòng từ chối được họ điều gì. Và rồi hình như nhiều tai hoạ của anh sau này cũng toàn vì phụ nữ mà ra cả. Mỗi lần mắc hoạ vì đàn bà anh lại thầm mắng mình dại gái, song lại tặc lưỡi cho qua vì thừa biết từ trong sâu thẳm tâm hồn, mình cũng là một kẻ dễ ngả nghiêng, hay say hoa đắm nguyệt.

Nhưng chưa ngả nghiêng đến mức có thể quyết định lấy Phượng Oanh làm vợ. Phượng Oanh trông cũng xinh xắn đấy nhưng cũng chỉ mới đến mức ở trong dàn đồng ca, trong tốp múa. Về cả hình thức lẫn học thức và phong cách cô đều chưa có được tầm cao, chưa vượt lên được mặt bằng chung - chưa có đủ khả năng chơi sôlô được - nói theo ngôn ngữ của giới nghệ sĩ. Chưa phải là mẫu phụ nữ vợ của đại gia. Vả lại anh đã có chung cùng cô một bí mật khủng khiếp. Cái bí mật ấy sợ là sẽ giết chết ngay cảm xúc tình yêu của anh đối với cô khi anh chạm vào thân thể cô. Anh cảm thấy chỉ có thể thương xót cô mà thôi.

Người vợ của anh sau này như thế nào thì anh cũng chưa rõ lắm nhưng người ấy dứt khoát phải là một người vẹn toàn từ hình thức tuyệt vời cho đến phẩm chất cao quý. Có thể là sẽ mang máng giống Linh Nga!

 Anh cảm thấy cho đến tận bây giờ anh vẫn chưa lấy được vợ vì có lẽ vẫn chưa tìm được ý trung nhân giông giống như Linh Nga - hình ảnh trái tim anh vẫn vun đắp và tôn thờ.

Và hình như càng ngày, càng nhiều tuổi hơn, càng giàu có hơn thì thì về lĩnh vực chọn vợ, không hiểu sao Sáng thấy mình càng tiến tới cực đoan mà không hề cảm thấy mình vô lối. Anh có thể sẵn sàng chìa tay vui vẻ cùng bất cứ người đẹp nào nhưng cũng sẵn sàng chia tay bất cứ cô gái nào không đủ tiêu chuẩn làm người vợ lý tưởng như trong mơ ước hiện tại của anh.

Cho nên Phượng Oanh ơi là Phượng Oanh! Em đâu phải là người tình trong mộng tưởng của tôi! Luôn luôn trong trái tim tôi, em chỉ là một vết thương đau đớn đến cháy lòng của một tuổi thơ khốn khổ.

Sáng đã nói trong điện thoại với Phượng Oanh rằng:

- Tối nay ở quê, anh có một cuộc họp với cả làng về chuyện làm cổng làng.

Anh đã giải thích cho Phượng Oanh rất nhiều về tầm quan trọng của cuộc họp acf quê tối nay. Rồi thầy Cả báo cho anh biết anh phải có mặt tại Đền của thầy để làm lễ giải hạn cho anh vào giờ Tuất ngày hôm nay. Chính vì vậy mà anh phải vội về quê ngay. Anh hẹn cô ba ngày nữa sẽ đến gặp cô.

Nhưng dường như cô không tin hoặc cô không chịu để vào tai. Cô đang say rượu, cô nói năng lộn xộn gì đó rằng: chỉ muốn được nghe anh nói rằng anh yêu cô… Rằng hãy đến với cô, cô sẽ đưa được anh lên đỉnh cao khoái lạc miễn là hãy gọi tên cô một cách âu yếm… Rằng cô đã được tự do rồi. Cô sẽ tự do vĩnh viễn… Hãy đến với cô!...

Sáng đã giải thích đi giải thích lại rất nhiều lần rằng anh còn vướng bận quá nhiều việc phải làm trong ngày hôm nay, trong thời gian tới, đây đang là những ngày tháng trọng đại của anh.

Nhưng Phượng Oanh quyết ra tối hậu thư cho anh. Cô bắt anh phải trả lời có đến hay không.

Anh đã quanh co, vòng vèo mãi cốt để cô khỏi thấy bị tổn thương. Anh đã từng bị thương nhiều lần. Những nỗi đau về tinh thần thường làm anh đau đớn sâu xa và dài lâu hơn cả, nên anh luôn sợ và luôn tránh làm tổn thương bất kỳ một ai đó.

Phượng Oanh không tin, cô cười khảy. Cô nói rằng cô đã được người quen thông báo cho biết vụ anh bị đánh ghen nổi tiếng trong thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã quan hệ nhầm với một cô hoa hậu áo dài rất trẻ mới 18 tuổi nhưng đã kịp là bồ của một đại gia con một ông lớn trong thành phố Hồ Chí Minh. Hắn đã thuê đầu gấu dùng búa bổ tan tành đầu cái xe Camry hơn tỉ rưỡi bạc, khiến anh vừa phải mua một cái Mercedes mới.

Cô nói rằng dù người đời đồn đại về anh nhiều chuyện thất thiệt, tốt xấu khó tin, nhưng trong lòng cô: anh lúc nào cũng vẫn là Sỏi - một người đàn ông lý tưởng, vẫn luôn luôn là Sỏi - người con trai trong sáng, cao cả và dũng mãnh năm xưa.

Nhưng nếu anh không tới cho cô gặp, cô thề sẽ ám ảnh anh suốt đời.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83702


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận