7 Nàng Bạch Tuyết Và Chú Lùn Truyện ngắn 8


Truyện ngắn 8
Khi lá mùng tơi rách

1.

Nói giọng nhà thơ thì lúc ấy là hoàng hôn muộn. Nói nôm thì thời khắc xảy ra chuyện động trời ấy vào quãng sâm sẩm tối, khi gà mẹ đang táo tác gọi con lên chuồng. Nguyên nhân cũng chẳng có gì đáng nói. Các nhà báo ưa giật gân thở dài - nhạt phèo vì không có tính dích dắc. Nhà văn khoái hình sự, cốt truyện phức tạp éo le thì chun mũi. Ghê gớm thì ghê gớm thật nhưng nếu để khái quát lên phải tự nghĩ ra, đắp vào những tình tiết, kết cấu li kì mặc dù sự xung đột của nó mang chất bi kịch ghê gớm hao hao bi kịch của Xếcpia. Vụ án mạng quả là quá đơn giản được tóm tắt như sau. Hai nhà ông Ấm và ông Tiền ở cạnh nhau ít nhất cũng hai, ba đời nay. Nghe nói đấy là đất vườn của lý trưởng Vĩnh chia quả thực cho bố mẹ hai ông. Trước đây chỉ độ cuối năm ngoái thôi vẫn là hai nếp nhà gianh đối diện nhau qua cái sân chung có cái hàng rào không hiểu tự bao giờ mọc lên cây mùng tơi lưu niên lá xanh um do đất tốt. Hàng rào này thấp đến độ bước chân qua được. Người làng Chiện bảo đó là loại hàng rào chó nhảy, chỉ để quy định đại khái ranh giới. Kẻ trộm bịt mũi cười. Giáp hàng rào mùng tơi là cây xoan đào chả ai nhận là người trồng. Cũng hồi cuối năm ngoái hắt về trước hai nhà là láng giềng tốt của nhau, rồi từ khi thấy con Chén nhà Ấm đầu mày cuối mắt với thằng Vàng nhà Tiền thì hai nhà từ sự tốt lại có chiều hướng thân thiết hơn. Vì cả hai bên đều hi vọng hai trẻ thành gia thất. Địa liền thế này thì còn gì bằng. Nghe phong thanh lũ trẻ ở làng Chiện còn thì thào con Chén dạo này hay ra chợ mua khế chua ăn lắm. Ấy là triệu chứng nghén khi có chửa. Chúng nó còn bảo cái Chén đang giục thằng Vàng bảo bố mẹ sang đánh tiếng cho chính thức đi, không mai kia cái bụng thây lẩy lên thì có mà đeo mo vào mặt. Thằng Vàng cười hị hị. "Yên tâm đi, cuối tuần này, đầu tuần sau là cùng". Thế mà ai ngờ. Người tính không bằng trời tính. Đúng là chẳng có gì to tát mà bỗng nhiên thành táo đụng đình vì chuyện ghê gớm xảy ra. Dạo này dân làng Chiện đua nhau phá nhà gianh, mặc dù đất rộng mênh mông nhưng nhà nào nhà nấy bắt chước ngoài phố xây nhà ống cao chót vót. Ao riêng lấp bằng sạch để lấy đất chia cho con cái. Hồ, ao chung thì thi nhau lấn chiếm. Ao Sen mênh mông vài chục mẫu giờ chỉ toen hoẻn như vũng nước trâu đầm. Dân làng Chiện đua nhau xây nhà tây vì có tiền đền bù bán đất cho một dự án, rồi cho dân thành phố đổ ra mua. Nhà ông Ấm bán trước. Nhà ống cao ngất ngưởng nhưng vợ con nói thế nào ông này vẫn chưa bỏ được cái thói uống nước vối và chẻ lạt đan rổ rá làm nền nhà lát gạch hoa trơn bóng bừa bãi vì rác. Thằng Phích anh cái Chén chê bố cổ hủ. Nhà có tiền không biết hưởng thụ. Lúc ấy ông Ấm đang vừa hí hoáy đan rổ tre vừa bảo vợ vặn nhỏ tiếng loa đài bà đang nghe để ông chuẩn bị xem thời sự. Bà Ấm mặc dù đang say Xuân Hinh nhưng cũng ra điều thành thạo thu nhỏ tiếng, bỗng cả hai ông bà giật mình nghe tiếng loa bên nhà ông Tiền rộ lên nhạc Tây chát chúa, ầm ĩ. Ông Ấm cầm con dao đang chẻ lạt đi ra hàng rào gạch ngăn đôi hai nhà đang xây dở gọi to. Ông gọi đến lần thứ năm "Ông Tiền ơi, ới ông Tiền" thì trong nhà hàng xóm có tiếng nói vọng ra xếch mé: "Đứa nào éo éo tiền bạc gì đấy". Bà Ấm mỏng tai tuy đang say Xuân Hinh lạch bạch ra bảo chồng: "Ông vào đi. Người lớn với nhau mà ăn nói như phường lục súc ấy. Tốn sức, phí nhời nói với hạng người ấy". Bà Tiền đang trong nhà nghe thấy bà Ấm nói tức khí, đùng đùng theo chồng đi ra. Một cuộc đối già đối giảm bùng lên. Ông Ấm thoạt kì thuỷ nhũn nhặn bảo: "Ông vặn tiếng bé bé một tí để tôi còn nghe được thời sự". Ông Tiền ngấm vài chén rồi nên thách thức: "Đài nhà tôi tôi vặn. To nhỏ thế nào là tùy tôi, chẳng động chạm đến ai. Mới lại hôm nay mừng nhà mới, chả tội gì áo gấm đi đêm". Ông Ấm biết ông hàng xóm đã ngà ngà, cố đấu dịu nhưng ông Tiền có hơi men, lại được bà vợ kích lên càng được thể. Miên man thế nào lại ra chuyện cây xoan đào. Ông Tiền thì bảo cây xoan đào do bố ông gieo hạt. Bà Ấm thì khăng khăng bảo chỉ có trên làng Mác quê bà mới có giống xoan đào. Cây này do chính tay ông ngoại thằng Phích đánh từ vườn xuống, trồng để đánh dấu ngày thằng Phích đẻ. Chẳng biết thế nào nói một lúc ông Tiền bước chân qua hàng rào gạch xây dở sang sân nhà ông Ấm để nói rằng nhà ông Ấm lấn sang đất nhà ông Tiền hàng gạch rưỡi. Quy vuông lại cũng gần chục mét, mà một mét đất chó ỉa bây giờ cũng ba chục triệu. Ông Ấm giơ tay có con dao đang cầm sẵn thề có ngọn đèn điện đang tỏ rằng nhà ông từ trước đến nay đất cát cha ông để lại thế nào vẫn nguyên chứ không hà lạm của ai dù một tấc. Thấy ông Ấm giơ con dao loang loáng lên, ông Tiền giơ tay hình như để gạt. Ông Ấm vì sợ dao chạm vào người ông Tiền, lùi lại, bất đố vướng chồng gạch lổn nhổn ngã xuống, con dao nhọn vô tình chọc thủng vào bụng. Máu me phun phè phè như lợn chọc tiết rồi sau hai ba cái giãy, ông nằm thẳng đẵng, bất động. Nhìn thấy máu, vợ chồng nhà Tiền mặt xanh lè. Vợ nhà Ấm thì gào khóc inh ỏi. Cái Chén đang bị thằng Vàng ôm cứng ở góc vườn nghe tiếng mẹ rú lên giằng tay chạy về, thấy bố thõng thượt trên đống gạch cũng theo mẹ gào lên tru tréo. Thằng Vàng nhảy phót về mặt cắt không còn giọt máu nhìn xác bố vợ tương lai nằm sõng sượt. Mùi rượu từ mồm bố nó lẫn mùi máu cùng tiếng gào khóc của hai mẹ con cái Chén làm nó xây xẩm. Nó đứng chôn chân một chặp rồi choàng dậy khi nghe bố rên rỉ vì sợ hãi, lắp bắp bảo nó chạy đến gọi chú Bạc đến. "Đi nhanh lên, chú mày làm công an xã biết cách giải quyết. Không có tao chết mất".

 

 

2.

 

 Bạc, em ruột ông Tiền làm công an xã Thụy Liên hơn hai khóa rồi nên thính mọi sự động dạng trong làng. Vì thế Vàng ta mới chạy chưa hết khúc ngoẹo đã bị bàn tay ông chú giữ lại:

- Thằng này định làm loạn làng loạn xóm hay sao mà chạy ghê thế.

- Kìa chú. Cháu đây mà.

- Tao biết rồi. Quay trở lại.

 

Thằng Vàng lẽo đẽo chạy gằn theo sau ông chú đeo xà cột, tay cầm đèn pin. Vừa đến nơi thấy đám đông chừng gần chục người đứng nhốn nháo trước cổng hai nhà, Bạc liền rút còi trong túi ra rít lên một hồi, xong dõng dạc tuyên bố:

- Tất cả ai về nhà ấy. Mọi chuyện đã có nhà chức trách giải quyết.

 Sau ba hồi còi to hơn hồi còi đầu, cùng ánh đèn pin lia loang loáng thẳng vào mặt những ai đang tụ tập, đám người lần lượt giải tán. Đợi cho người cuối cùng rời khỏi, Bạc đi thẳng vào nhà anh trai. Câu đầu tiên là một lời trách móc:

 - Sự việc thế nào tôi đã tường. Nói thật với anh. Nhà này cũng chẳng đông đàn dài lũ gì. Chỉ có hai anh em. Anh chị cậy là cả đuổi vợ chồng tôi đi, hưởng cả chỗ này. Bình thường không sao bây giờ có việc mới gọi thằng này.

 - Chú cứ nói thế. Hồi ông còn sống chú đã bảo anh em kiến giả nhất phận nên bố mới chia cho chú chỗ


đất phát hoang ở dưới đồng. Chỗ ấy rộng gấp hai lần trên này...

 Nghe vợ lải nhải trình bày, Tiền đang run rẩy giơ tay ra:

 - Thôi được rồi. Qua cái hạn này rồi đâu có đó. Chú tính thế nào anh cũng chịu. Cái chính bây giờ là chú phải tìm cách gỡ cho anh...

 

 - Gỡ. Gỡ gì bây giờ cũng phải tiền. Tôi làm luật nên tôi biết khung hình dành cho tội giết người là cao nhất. Tử hình.

 - Khiếp. Chú nói tôi ghê cả người. - Bà Tiền bịt tai, rúm người như nắm giẻ.

 - Chứ sao nữa. - Bạc thủng thẳng nhìn vào mâm bát đang ngổn ngang, nhếch mép.

 - Tôi... tôi biết, biết rồi. Tiền, đúng phải có tiền. May quá nhà mới được đền bù chỗ ruộng 5%.

- Cái ông này. Chỗ tiền ấy đang tính vào bao
nhiêu việc...

 - Thôi được rồi. Chị cứ để mà tính vào những việc ấy, còn anh tôi thì đi tù. Không chạy, dựa cột là cái chắc.

- Dựa cột là bắn?

- Chứ sao. Dựa cột là đoàng, đoàng.

- Câm mồm. Đàn bà biết cái gì mà chõ mõm vào. Để yên cho chú nó tính. Chú cần bao nhiêu cứ bảo, cốt sao anh thoát được.

 Bạc ngẩng mặt nhìn lên trần nhà thủng thẳng:

 - Có tiền bán đất có khác. Nhà xây đẹp đây. Trần đổ thạch cao. Văn minh đấy. Anh cần chạy đúng không?

 Vừa nói Bạc vừa gật gù trước ba khuôn mặt đang trơ ra, dõi theo từng động tác của Bạc:

 - Trước hết phải rịt cho êm dư luận ở xã này. Khâu này cũng cần ít nhất hai chục triệu.

- Sao nhiều thế? - Vợ Tiền bật lên.

 - Chị không nghe bên kia đang khóc đấy. Đêm nay nó phục hồn còn ầm ĩ hơn thế.

- Được rồi. Chú tính tiếp khâu nào đi.

 - Tiền của anh chị cũng không phải vào túi tôi. Anh em thì anh em thật nhưng cứ phải phân miêng.

- Tôi biết, tôi biết. - Người anh lắp bắp nói theo.

- Rịt cánh công an của tôi. Cánh du kích. Mấy ông ủy ban xã, cánh thường vụ. Nói thật, anh làm việc này, tội không chỉ về anh mà tôi cũng mang tiếng không kém. Cái ghế của tôi cũng chả béo bở gì đâu nhưng chúng nó nhòm lâu rồi. Kì này rịt không khéo, những thằng không cùng cánh đang muốn bẩy tôi trong thường vụ sẽ bảo ‘làm công an xã mà anh ruột giết người, thì có mà..." Tất nhiên còn khuya tôi mới sợ. Chân rết trên huyện tôi nắm hết rồi, không lọt được đâu. Vì thế nên để phần trên huyện cho im, việc này ít nhất cũng tốn năm sáu chục.

- Năm, sáu chục triệu cơ á?

- Chứ sao nữa.

- Thế thì chỗ tiền đền bù đất ấy thành nước lã ra sông à. - Vợ Tiền tru tréo.

- Im đi. Bà muốn giữ tiền để chồng bà đi tù, bị xử bắn hả?

 

 - Tùy anh chị thôi. Nhưng còn khâu này mới quan trọng này... - Bạc bỏ dở câu nói, gật gù làm Tiền sốt ruột.

- Chú cứ nói, cứ nói. Bao nhiêu tiền tôi cũng không ngại, cốt được việc.

- Vàng.

- Dạ. Chú gọi cháu.

- Thằng Phích có thuộc diện ăn chơi không?

- Theo cháu biết thì trước kia nó cũng bình thường thôi nhưng từ ngày nhà nó bán được đất, xây nhà đến giờ thì không ngày nào không ra mấy quán bia hơi, một tuần lại ra Hà Nội chả biết làm gì. Cháu nghe mấy đứa bảo để karaôke, nhảy nhót gì đấy.

- Tức là đã nảy nòi ăn chơi. Bia bọt, rượu chè. Được. Thế có cờ bạc không?

- Cái này thì... để cháu nhớ xem.

- Nhanh lên để chú còn tính. - Thấy con ngần ngừ, Tiền cuống lên giục.

- À cháu thấy thằng Vinh lợn bạn thân của nó hôm nọ rủ cháu đi tá lả, cháu không đi, nó sang rủ thằng Phích. Mãi tận đêm nó mới về.

- Thằng Vinh lợn ở xóm Đông mới cai về phải không?

- Vâng đúng thế đấy. Cháu còn thấy Chén bảo thằng Phích đang giục bố nó mua xe máy.

- Thế là coi như ổn.

- Chú nói ổn?

 - Đúng ra là tạm ổn. Chỉ cần nhà bên kia làm đơn bãi miễn, nhận bố nó tự ngã là xong.

- Đúng quá rồi. Chú tài thật đấy. - Vợ Tiền chồm lên hí hửng.

- Muốn nó bãi miễn thì ít nhất cũng phải năm chục.

- Năm chục triệu á? - Vợ Tiền lại sụp xuống.

- Chứ sao. Bố nó không phải tự nhiên lăn quay ra chết mà cái chết này có dính dáng đến anh. Nếu cứ đằng thẳng thì kiểu gì người ta cũng khép tội anh nếu như không có giấy bãi miễn của thằng Phích. Tôi làm luật
tôi biết.

- Chú nói phải lắm. Phải có giấy miễn của nó. - Tiền nhăn nhó như đang bị đau bụng.

- Muốn có tờ giấy đó, không thể nói suông mà có. Làm thế nào để nó nhận con xe máy.

- Đưa cho nó hẳn cái xe máy. - Vợ Tiền rền rĩ.

- Câm đi. Chú tính đúng, một xe máy.

- Nhưng cứ bình thường thế này nó không
nhận đâu.

 - Làm thế nào để nó nhận hả chú? - Tiền ngước mắt lên nhìn thằng em đang diễn giải. Hai tay xoa vào nhau nhăn nhó.

 - Muốn thế tôi đây này đang phải tính nhiều mưu kế lắm để ne thằng Phích vào nó nhận cho. Nếu anh chị tiếc tiền không đồng ý thì tùy.

 

- Mọi sự là do tôi. Tôi là chủ gia đình, tôi quyết hết. Chú thương anh chú cứ lo cho. Anh chịu hết. Không có thì nguy hiểm lắm chú ơi. Tù tội không đã đành... Còn nhỡ chẳng may chuyện kia thì. Chú thương anh nghĩ mưu nghĩ kế để cứu anh chứ không thì...

- Không nói nhiều. Chạy ào sang nhà cái Hợi lấy cho tao bao thuốc. Loại Thăng Long hộp sắt ấy. Tiền đây.

- Không, không. Ai lại thế. Tiền. Tiền. Bà đưa cho nó tiền đi mua cho chú. Hai hộp nhé.

- Một hộp thôi. Sau đó đi với tao.

- Phải rồi, đi với chú. Chú bảo gì cứ thế mà làm con ạ. Nhớ đấy. Sao chậm thế. Con giai con đứa. Đụt quá mất thôi. Thế thì trông cậy vào đâu được.

 

 

3.

 

Hai chú cháu lên đến sân thượng nhà mình rồi, đợi vợi bớt nhịp thở vì leo cao, Bạc vẫy thằng cháu đến gần.

- Lên đây cho kín đáo. Thím mày nghe câu được câu chăng lằng nhằng ra... Mày nghe thấy chưa?

- Nghe gì ạ?

- Cái thằng này... Tai mắt như thế mà có lần tao định đưa mày vào công an xã thì hại quá. Nhà nó đang phục hồn rồi. Tiếng kèn tiếng trống inh ỏi lại còn.

 - Bây giờ cháu nghe thấy rồi. Chú làm công an rõ khác. Thính thật.

 - Phục hồn tức là đêm nay nhà nó sẽ thức trắng. Mà cái làng này mày biết đấy, giỗ tết, hiếu hỉ đều phải có vài ba chiếu bài bạc. Ngay như Ủy ban hôm nọ đón cờ xã văn hóa của huyện còn có hai hội tổ tôm ù loạn lên. Thế mới là có việc. Vì vậy mày đến nhà thằng Vinh lợn bảo nó đến đây.

- Nhỡ nó không có nhà thì sao ạ.

- Thì tìm bằng được chứ sao nữa.

- Ngộ nhỡ nó không đến.

 - Một thằng vừa đi tù về mà công an xã gọi không đến. Tao thách nó đấy. Mày cứ bảo nó muốn ở nhà hay lại nhập kho thì tùy.

- Nó hỏi đến làm gì thì bảo sao ạ?

- Cứ bảo nó đến, tao đã tính hết rồi. Nó đến là coi như việc bố mày - anh ruột tao coi như giải quyết được một nửa.

- Thế kia á?

- Chứ sao. Vì thế việc này rất hệ trọng, mày hiểu chưa. Đi ù lên cho kịp. Giờ giấc cứ phải duýt duỳn duỵt thì mới thành công được. Kìa đi đi, đứng giương mắt ra nhìn làm gì nữa.

 

 

4.

 

 Chuyện thằng Vinh lợn đến nhà công an xã Bạc thế nào không thấy ghi trong bất kì giấy tờ nào của xã Thụy Liên (tên nôm từ thời thượng cổ là làng Chiện). Chỉ biết độ khoảng quá mười giờ đêm thì thằng Vinh lợn mang một chai rượu cùng cái phong bì đến viếng ông Ấm. Nghe nó bảo nó là bạn thân nhất của thằng Phích vì thế không kể đêm hôm khuya khoắt cũng đến phúng viếng chia buồn cùng gia đình, bà Ấm xúc động lắm càng khóc kể lể to hơn. Vinh lợn đặt lễ lên bàn thờ xong nhìn thằng Phích. Phích không biết có hiểu cái nhìn của thằng Vinh lợn không, chỉ biết nó dõng dạc bảo mẹ cùng em nó rằng ngày mai sẽ có nhiều việc. Thứ nhất họ hàng, làng xóm đến phúng điếu phải tiếp. Thứ hai bố không phải chết thường nên chắc chắn công an sẽ đến hỏi han. Bây giờ nó là đàn ông duy nhất trong nhà nên mẹ với cái Chén cứ đi nghỉ để nó thức trông nom mọi việc. Bà Ấm con Chén nghe thằng Phích nói xem ra tạm yên lòng vào buồng trong ngủ. Thấy hai mẹ con bà Ấm vào rồi, Vinh lợn mới rút ra cỗ bài còn nguyên bao bọc chuyển từ nọ sang tay kia.

 - Từ tối tao đã biết việc hệ trọng nhà mày rồi. Đêm nay thế nào mày cũng phải thức. Như mày nói nãy giờ mày là con trai, đàn ông mày phải đứng đầu mọi việc nhưng thức đêm suông dễ buồn ngủ. Mà nhà có đám ma, đám cưới đều phải có bài bạc.

 - Dĩ nhiên rồi. Tao cũng đã tính nhưng khổ nỗi mọi việc toàn rơi vào đầu đâm tao lú. Không có chiếu bài bạc thì không có không khí nhà có đám. May mày đến. Nhưng chỉ có hai thằng mình thì sao đủ cỗ.

 - Bạn bè chỉ giúp nhau lúc này thôi. Mày yên tâm đi, tao đã bảo thằng Lâm ngoẹo, Tín rỗ đi khua chúng nó rồi.

 - Ừ. Càng đông càng đỡ lạnh lẽo. Tao không ngờ... - Phích nghiến răng hất hàm sang nhà ông Tiền. - Chỉ sáng mai thôi thế nào công an huyện cũng về, tao sẽ tố cho lão ta tù mọt gông, có khi còn bị dựa cột ấy chứ.

- Nhưng tao thấy chúng nó bảo thằng Vàng với con Chén nhà mày...

 - Lúc nãy tao đã ra tuyên bố rồi. Cắt, cắt ngay không thương tiếc gì. Chẳng yêu đương, bè bạn gì hết. Sát nhân thì giả tử. Thằng này không đớn đâu.

 - Dù sao cũng là hàng xóm với nhau.

 - Hàng xóm cái con mẹ gì. Chúng nó là đồ dã man, bố tao hiền lành như thế, cũng không trêu ghẹo gì mà chỉ nói nó giảm bớt cái loa cho đỡ điếc tai. Mà nhạc nhẽo nhà nó đã ra các đếch gì. Boney 78 cũ rích, tao vứt từ đời tám hoánh nào. Ra điều sành điệu mở rõ to.

 

 - Ra điều sành điệu. - Giọng nói khàn chen ngang vào, làm hai thằng giật mình quay lại. Một đám con trai lố nhố đi vào. Thằng Tín rỗ thông thạo khoát tay bảo mấy đứa đi theo đang rụt rè trước cửa bước vào.

- Chúng mày vái đi cho phải phép đã.

Cả bọn nhốn nháo đứng trước lĩnh cữu vái dài. Chưa hạ hết tay vái, Lâm ngoẹo đã dẩu mồm:

- Bài mới chứ. Bài cũ tao không chơi đâu.

- Mày nhìn cho kĩ đi. Chưa bóc tem nhé.

- Chúng mày sẵn hai thằng, bọn tao ba. Chia đôi thì thiếu, một thì thừa. Thôi trước mắt cứ cụm lại một đám đi, sau thêm người thì tính.

- Tao cũng nghĩ thế. Chúng mày ngồi xuống đi.

 Thằng Vinh lợn cố tình nghiêng người như để móc vật gì ở túi sau, sau đó nó đưa tay nhét vào túi quần thằng Phích. Khi thẳng lưng, nó nói to:

- Chúng mày ngồi xuống đi. Pha ấm chè đặc vào.

 - Thôi cho chai rượu với mấy củ lạc cho nó bừng bừng khí thế. Nhà có đám, thiếu gì rượu.

 

 

5.

 

 Nhà có tang vào khuya chết lặng. Mấy ông trong ban nhạc hiếu cũng ôm đàn, trống, sênh phách ngả nghiêng thiêm thiếp, thỉnh thoảng một ông chắc vì gật quá choàng tỉnh dậy, nhìn quanh, tay gõ vào đùi cất giọng khê nồng hát câu thướng. Đám con bạc đang lì lợm nghĩ nước nghe câu thướng cũng choàng tỉnh. Thằng Tín rỗ có tiếng trong làng là hát karaoke hay nhất, bài nào cũng biết gật gù:

 - Ông chú hát được đấy nhỉ. Tiếc là karaoke không có nhạc hiếu chứ chơi kiểu này cũng hay đấy.

 Thằng Vinh lợn liếc nhanh đồng hồ trên tường, đặt cỗ bài xuống vươn vai.

- Cứ để đấy, đừng thằng nào lấy bài vội, tao đái
cái đã.

Thấy nó đứng dậy, thằng Phích đang say bài, mặt cúi, tay chỉ:

- Phòng vệ sinh kia kìa. Đang vào thì đi, nguội mẹ nó ra.

- Tao thích ra vườn. Tức bụng đái to để mẹ với em mày nghe thấy ngượng chết.

 Thằng Vinh lợn ra được một lúc rồi vào đúng vào lúc ông kéo nhị bừng tỉnh và thướng một câu. Câu thướng buồn rũ người chưa dứt thì có tiếng quát: "Tất cả ngồi im".

 Cả chiếu bạc giật mình nhìn lên thì đã thấy công an xã Bạc quần áo nghiêm chỉnh, đầu đội mũ màu cứt ngựa mềm, chiếc xà cột da đeo chếch người, tay lăm lăm chiếc đèn pin. Đằng sau gã lố nhố bốn năm du kích:

- Cờ bạc trái phép hả? Trói hết cả lại, dẫn ra Ủy ban.

- Tại sao lại trói? Ông ở làng này ông lạ gì. Ma chay cưới xin nào chả có vài chiếu tổ tôm, tá lả. Ngay như Ủy ban hôm nọ đón cờ còn có mấy đám.

- Không nói nhiều. Anh em thi hành nhiệm vụ.

Loáng một chặp năm gã đánh bạc đã bị trói gô. Ban nhạc hiếu choàng tỉnh, dụi mắt nhìn ra.

Bạc quát to:

 - Im đi, hát hò gì bây giờ nữa. Anh em khám từng người một cho tôi.

 Gã du kích cao gầy mắt lác thọc tay vào túi sau quần của Phích lôi ra một gói giấy ni lông con con, đi lại gần Bạc chìa ra:

 - Báo cáo trưởng công an xã tôi bắt được gói này chả hiểu là gì trong túi thằng Phích.

Bạc bĩu mồm, chậm rãi giở gói giấy chìa ra trước mặt Phích:

 - Được rồi, mày bảo làng này có lệ cờ bạc khi có cưới hỏi ma chay. Còn thứ gì đây? Thằng Vinh lợn vừa đi cai về. Mày có kinh nghiệm, tao hỏi bột này là thứ gì. Nói.

Vinh lợn run run:

 - Dạ, dạ, ma túy ạ.

Bạc vênh mặt lên nhìn Phích:

 

 - Bây giờ mày tính sao? Tao có thể bỏ qua cho mày chuyện cờ bạc vì bố mày vừa mất nhưng chuyện trong người mày tàng trữ hêrôin thì mày nói thế nào?

- Thứ ấy không phải của tôi.

- Mày nói nghe 2031 lạ. Đồng chí Vườn lác lôi từ túi mày ra trước mặt mọi người mà mày chối không phải của mày. Thế thì của thằng nào ở đây? Mày nói đi. - Môi Bạc cong lên, đưa mắt nhìn thằng Phích rồi đảo khắp lượt cánh đánh bạc.

Cả bọn rúm người lại nhao nhao:

- Không phải của tôi, không phải.

- Của thằng Phích là chắc rồi, không phải
nhao nhao.

- Chú nói thế thì oan cho con tôi quá. - Hai mẹ con bà Ấm không biết dậy từ bao giờ, đứng khép nép ở cửa buồng nghe thủng câu chuyện, vừa nói vừa khóc.

- Thì vật chứng rành rành trong người nó đây chứ tôi có nói sai đâu.

- Không phải của tôi. Ông đừng có vu oan giá họa.

- Mày có độc câu ấy thôi à? Rõ ràng gói này trong túi quần sau của mày. Ba mặt một nhời, bao nhiêu người làm chứng chứ có phải tao vu cho mày đâu. Ti vi nói mãi rồi, luật pháp nhà nước quy định rõ. Mua bán, tàng trữ từ hai gam hêrôin trở lên là tử hình, chỗ này tao đoán cũng không dưới hai gam đâu.

 - Chú Bạc, chú Bạc. Mong chú cứu cháu. Cháu nó còn dại. Bố nó vừa mất xong mà lại do do...

 - Chuyện ấy tôi sẽ tính sau. Bây giờ tôi chỉ biết cho du kích giải hết lên Ủy ban, sáng sẽ đưa lên huyện.

 - Chú ơi. Cháu cắn rơm cắn cỏ lạy chú. Thế này thì nhục nhã quá. Anh cháu từ xưa đến nay có nghiện hút bao giờ đâu.

 - Cứ theo luật pháp mà xử anh ạ. - Gã công an mắt lác gật gật đầu.

- Tất nhiên. Bây giờ các anh giải bốn thằng kia ra
Ủy ban.

- Nhưng mà cháu, chúng cháu chì đánh bạc... - Mặt Lâm ngoẹo méo xệch, miệng lắp bắp.

- Chúng mày tao xử sau. Còn để thằng Phích lại. Bố nó vừa mất. Nghĩa tử là nghĩa tận. Luật pháp cũng phải có tình.

- Vâng, vâng. Mong chú tha cho.

- Tha là tha thế nào. Anh em giải bốn thằng đi. Để tôi trực tiếp xử lý vụ này.

 

 

6.

 

Bạc rút điếu thuốc trong hộp ra, mồi một điếu rồi ngồi lặng lẽ rít. Gã thả đến làn khói thứ ba mới
thủng thẳng:

 

- Mấy ông trong ban nhạc hiếu. Chuyện đâu có đó. Nếu việc này lộ ra ngoài thì từ giờ giở đi đừng có hành nghề nữa. Nhớ chưa?

- Vâng. Vâng. Anh em chúng tôi có tai như điếc, có mắt như mù.

- Tôi cấm các ông nói không phải vì tôi mà vì danh dự của xã này. Xã này vừa được đón cờ xã văn hóa, thế mà có thằng chứa chấp hêrôin.

- Vâng, vâng, bác công an cứ làm việc. Chúng tôi hiểu rồi ạ.

- Nói lời giữ lấy, trẹo khẩu đừng bảo thằng này ác. - Bạc ngúc ngắc thân mình cho đỡ mỏi. Rồi quay sang ba mẹ con thằng Phích đang ngơ ngác. - Bà biết đấy, chẳng gì tôi cũng là người làng. Con Chén tôi nghe phong thanh còn dính dáng với thằng Vàng cháu tôi.

- Giờ thì dứt khoát rồi, không yêu đương quan hệ gì hết. - Phích vung đôi tay đang bị trói lên.

- Kìa con ơi, ai lại nói thế.

- May có bà biết điều. Chứ tội của nó ba năm rõ mười. Cân cái gói này nếu đúng hai gam là bắn, còn thiếu thì ít ra chung thân...

- Tôi, tôi... Đứa nào vu oan giá họa cho tôi chứ...

- Thế nào tính sau. Nhưng tội mày thì rõ rồi. Mà còn chuyện bố mày vì vô tình ngã vào dao... lúc nói chuyện với anh tao...

- Làm gì có chuyện vô tình. Bố tôi chết là do lão Tiền xô ngã...

- Thôi được rồi. Mày cứ để tao nói. Tao làm luật ở cái xã này, để tao nói cho mày nghe. Tội mày là thế, hình phạt là thế, còn anh tao nếu xét tội thì cũng lắm là ngộ sát. Tức là vô tình gây chết người. Đấy là tao cứ ví thử tình huống xấu nhất. Khung hình phạt tội này cao lắm là mười năm, gặp luật sư cãi giỏi hạ sáu, bảy năm, cải tạo tốt ba năm được ân xá. Trong khi đó mày thì sao...

- Tôi không biết. Lão Tiền giết bố tôi thì lão
phải chết.

- Con ơi. Cứ để im cho chú Bạc tính. Chú nghĩ
cái tình làng xóm, trong họ ngoài làng với nhau chú gỡ cho cháu.

- Thì tôi đang gỡ đây. Nhưng nó cứ bướng. Ở đây thì người làng với nhau còn nói cứng được chứ lên huyện thì người ta cứ thẳng băng xi lô, lúc đó hối cũng không kịp.

- Vâng vâng, chú cứu anh cháu.

- Đấy nhé. Mẹ mày, em mày vì thương mày nên nói với tao. Tao thì thương người. Mày trẻ thế này mà chết thì khổ mày mà nhà mày mất giống nên tao thấy rằng... - Gã lại châm điếu thuốc, hút xong ngửa cổ nhả khói. Bà Ấm nóng ruột quỳ xuống:

 

- Không, cả họ nhà ông ấy chỉ có mình nó là
đích tôn.

- Tôi ở làng tôi biết. Vậy nó muốn thoát tội hay không là do nó. Do mày đấy Phích ạ.

- Thì ông cứ nói.

- Tao sẽ tha cho mày với điều kiện mày làm cái đơn tường thuật lại vụ việc bố mày chết. Chết như thế nào là do tao bày cho rồi xin bãi miễn. Dù sao con Chén với thằng Vàng cháu tao...

- Hừ, ông nói dễ nghe nhỉ.

- Mày cứ bình tĩnh. Bên nhà anh tao không để mày thiệt đâu mà sẽ bù lại cho mày hẳn một cái xe máy...

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84135


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận