7 Nàng Bạch Tuyết Và Chú Lùn Truyện ngắn 9


Truyện ngắn 9
Lại một ông nông dân ra tỉnh

1.

Sống trên đời mỗi người một cách, mỗi nhà một cảnh. Chẳng ai giống ai, không ai chịu ai. Ngẫm đi ngẫm lại mới thấy thương các vị lãnh đạo. Lãnh đạo càng cao càng cực. Các vị ấy khổ thật. Chiều và đáp ứng được một người, một nhà đã chầy vẩy, vậy mà thiên hạ có tới triệu triệu người, vạn vạn nhà. Thời phong kiến gọi là trăm họ. Bố thằng Liềm tên Vẹn xuất thân là anh thợ nề. Tay bay tay trát. Học chưa hết lớp bốn, được cái lợi khẩu. Thời nào cũng thế, huống hồ là cái thời người ta trọng sự quảng cáo, sự PR như hiện nay. Mới hay cái lưỡi quan trọng thật. Các cụ chả bảo "mồm miệng đỡ chân tay cơ mà". Vẹn vào vận nên đang chạy nghề tự do được tay giám đốc trách nhiệm tư nhân để mắt đến khi gã vào chữa toa lét cho nhà này.


Đùng một cái Vẹn được cất nhắc lên ghế phó giám đốc kinh doanh. Đại để là cái chức để kiếm việc, nói theo giọng thời thượng là chạy dự án. Khi đã làm đến phó giám đốc thì điều đầu tiên phải đổi tên cho xứng với danh phận. Chữ cái Vẹn biến thành Vinh, cũng dễ. Phu hồ Vẹn thành phó giám đốc Quang Vinh cũng đơn giản như người có tiền vào gọi bát phở tái lăn. Điều thứ hai là không thể chường trình độ văn hóa lớp bốn ra. Vậy thì việc chạy cái bằng học vị cũng là hợp lý. Đã mất công chạy thì chơi luôn bằng thạc sĩ chứ bằng kĩ sư thì thường quá. Việc in thêm hai chữ thạc sĩ trước tên Quang Vinh, phó giám đốc kinh doanh công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàn Cầu cũng dễ như kẻ có tiền vào siêu thị mua máy hút bụi. Chẳng ai hiểu mình bằng chính mình, vì thế... Cứ nghiệm từ đời mình ra nên thạc sĩ Quang Vinh rất muốn thằng Liềm và con Liễn học hành tử tế. Nên khi kéo cả gia đình ra ở ngoài phố, việc đầu tiên nhân việc chạy hộ khẩu cả nhà đến nơi cư trú mới, thạc sĩ Vinh sẵn tiền, đã vẩy tay để xóa dấu huyền của tên con trai và dấu ngã của tên con gái. Vinh biết cả hai con đều có gien của mình là đầu óc chẳng lấy gì làm sáng sủa. Thời đại càng tân tiến thì học vị dù là giả hay thật càng cần. Cố mà nhồi cho hai đứa có học đàng hoàng, về sau đỡ khổ, cầu cạnh người nọ người kia mua chui lủi tấm bằng. Ngày xưa làm phó nề chạy ăn từng bữa, có khi nghĩ hay cũng chẳng có cơ mà thực hiện, nay có tiền trong tay. Muốn gì chả được. Cốt là có đường hướng. Nghĩ là làm. Y thuê hẳn cho mỗi đứa một gia sư với phương châm: Con người ta thông minh thì học một lần, con mình dốt cứ bừa đi bừa lại nhiều lần. Tóm lại theo thạc sĩ Quang Vinh, đầu tư cho sự học là sự đầu tư khôn ngoan và bài bản nhất. Mình bận không kèm cặp được thì bỏ tiền ra thuê. Chẳng có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều...

 Còn nhà thằng Quách, bố nó là tay Lỳ, nông dân chính gốc ngay cả khi đất nước đang ào ào tăng trưởng, ruộng đất co nhanh như bãi nước bọt dưới nắng trưa hè. Trong làng Lỳ, nhà ống đã xuất hiện với những cục điều hòa nhan nhản chồi bên tường như những hạt cơm trên mu bàn tay. Đường làng ầm ĩ tiếng xe máy còn Lỳ vẫn giữ nguyên bản nông dân từ thời thượng cổ. Thuốc lào phải bắn liền ba điếu. Sáng dậy chưa hạt cơm vào bụng cũng phải nạp ít nhất nửa cút cuốc lủi. Thấy thằng Quách năm nào cũng được cấp bằng khen vì học giỏi, bố nó lập bập đôi môi thâm xì, chìa hàm răng cải mả bảo: "Được tiếng khen ho hen cả đời. Học giỏi có mài ra mà ăn được không? Khối thằng kĩ sư bằng treo đầy nhà còn đói giã họng kia kìa. Thôi được, đành đợi mày lớn tí nữa". Một buổi chiều mùa hè, khi thằng Quách học hết lớp 9 thì bố nó từ đâu về, mặt sừng sừng dắt theo một cái Wave tàu, từ ngõ đã oang oang: "Thằng Quách đâu. Xe tao mua rồi đây, từ mai thay tao đèo mẹ và chị mày lên phố bán rau". "Còn có ba ngày nữa phải vào lớp rồi". "Chữ thế là đủ. Chấm dứt học hành". "Con xin bố". Nhìn thằng con sụt sịt, thằng bố điên tiết chạy xầm xầm vào nhà lôi cặp sách ra vứt tung tóe trên sân, rồi lao vào bếp lôi ra con dao thái chuối, chặt lia lịa vào sách, bút, kèm lời cộc lốc: "Học này, học này. Nhà này cổ cày vai bừa, không có mả học. Học lắm có đủ đút miệng không. Phí tiền, mất thời gian. Mai dậy sớm đèo mẹ với chị mày đi. Con trai lớn ăn thủng nồi trôi rế, chả nhẽ không nhờ được hay sao". Hôm sau thằng Quách lên phố bán rau.

 

 

2.

 

Cũng may thằng Quách là đứa trẻ ngoan nên sự đứt học vì bố chỉ khiến nó buồn khoảng gần tháng, sau đó nó lại có vẻ thích vì ngày ngày tuy phải dậy sớm nhưng được vi vu lên phố. Được đi xe máy mặc dù phải chở cồng kềnh cả rau củ, chị và mẹ nên nó đi xe giống như nghệ sĩ làm xiếc. Hồi bố nó đèo mẹ nó lên phố thì số rau nhà nó cũng chẳng nhiều nhặn gì, mà loay hoay mãi đến quá trưa mới hết. Có hôm ế, vợ chồng con cái lại mang về, hết luộc lại xào. Duyên do vì bố nó cứ ngồi lừ lừ, ăn nói cộc lốc, cục cằn, chốc chốc rỗi mồm lại chửi mẹ nó nhem nhẻm. Khách nói thì rụt cổ nhe hàm răng cải mả cười nhăn nhở. Tháng đầu thằng Quách thay bố, tình hình chẳng hơn gì. Tháng thứ hai, quen việc thì rau quả nhà nó hết sớm nhất chợ. Tháng thứ ba, mở mắt thấy đống rau, củ nhà thằng Quách như quả núi con lù lù chiếm đến nửa cổng ra vào nhà ông phó giám đốc Quang Vinh. Ngoảnh đi ngoảnh lại thấy hết veo... Thoăn thoắt theo tay chỉ của khách, mắt cười, miệng lém lém: "Mua đi bà ơi, cô ơi. Rau sạch 99 phần trăm cơ đấy". Rao chán, nó lại đọc vần: "Hai tay hai củ su hào. Băn khoăn không biết củ nào to hơn". Bà khách mặc váy chùng, người nẫn từng khúc, chun cái mũi ống khói cố nhịn cười mắng yêu nó: "Bố khỉ, đưa cho cô cái bắp cải tay mày cầm đi đã. Tán mãi thôi". Thằng Quách lại leo lẻo: "Cháu đành phải nói cho vui, cháu mà ngậm miệng thì đời héo ngay". Lần này thì bà khách không nhịn được, phá ra cười, hình như làm tụt một bên mi giả và cả chiếc ví xanh xuống đống củ cải, mấy bà đi chợ thấy thế cười ùa theo. Thằng Quách nhặt chiếc ví, nhổm người đưa cho bà, ngân nga: "Nhặt ví cháu trả cho bà. Vì cháu là kẻ thật thà từ xưa". Lúc này cả khách lẫn mẹ nó cười rũ. Chị nó tủm tỉm lào xào: "Cái thằng nom thế mà có duyên bán hàng tợn". Trong nhà thạc sĩ Quang Vinh lúc ấy chỉ có mình cái Liên tuy đang chơi game nhưng vẫn dỏng tai nghe. Nghe thủng, con bé bật cười. Nó rời máy tính, lệt xệt đi ra, mở cửa ngách, tủm tỉm nhìn thằng Quách nói:

- Eo ôi, anh Quách biết làm thơ kia à. Tài nhỉ.

Nghe con bé khen, thằng Quách nghênh mặt lên:

- Thơ khỉ gì, anh nói cho vui ý mà.

- Hôm nào anh làm cho em một bài nộp bích
báo nhé.

- Em nói với anh em ấy, chứ thơ anh cô giáo
cười cho.

 - Anh Liêm em tuần trước đã đi học ở Singapo rồi. Cứ làm cho em đi. Thơ anh hay lắm.

 Vừa nói đến đấy thì có tiếng xe máy rú lên. Chả cứ hai đứa mà cả chợ đều nhìn về phía gã thanh niên có mái tóc nửa xanh như lông vẹt, nửa vàng như lông chó, mặt hầm hầm, cái mũi nhọn như mũi dùi đang lấy chân hất mạnh rổ ổi của cô bé mặt rám, gầy đét đang nỉ non xin gã chậm cho một tí. Thằng Quách nghếch mặt về phía gã thanh niên:

- Bảo anh hàng xóm kia làm cho.

Cái Liên trề môi:

- Có làm được khối. Ngữ ấy chỉ giỏi... Mà thôi nếu anh ngại thì..

 - Thôi được rồi. Anh sẽ cố. Nhà em cho anh ngồi cả cái cửa này để bán rau còn được nữa là. - Thằng Quách dàn hòa.

- Kìa, bó rau lại cho bà đi đã.

 

Nghe mẹ thằng Quách nhắc, cái Liên giữ ý đứng dậy lẳng lặng đi vào nhà sau khi dặn với:

- Anh nhớ đấy. Thứ hai tuần sau em phải nộp rồi.

 

 

3.

 

Thằng Quách ngồi bán rau trước cửa nhà phó giám đốc Quang Vinh được gần một năm thì nó vào tuổi mười tám. Tuy nghề ngỗng chẳng lấy gì làm oai nhưng khuôn mặt nó vào loại đẹp trai. Còn Liên đang qua tuổi mười sáu. Tuy là con phó giám đốc, nhưng nó lại sở hữu làn da thất bì cùng đôi má bánh đúc, thân hình quá khổ vì ăn nhiều đồ ăn nhanh và mỳ "Cung Đình". Hai đứa đang độ phát dục. Lại thêm đâu như sau hai, ba bài thơ báo tường thằng Quách làm hộ con Liên, chúng nó... Một trong những thiên chức của thi ca là ái tính, vì vậy mặc dù có nhiều sự chênh lệch về gia thế, bất động sản kèm cả hình thức này nọ nhưng sự yêu đương đầy chất lãng mạn của thằng Quách bán rau và cô tiểu thư Liên rụt rè hé hé là tất nhiên. Vợ chồng phó giám đốc Quách Vinh ham việc ở công ty đã đành. (Quang Vinh phu nhân thoạt đầu theo chồng vào làm tạp vụ. Thời gian sau, để xứng với danh giá, vị trí của đức lang quân nên được phong trưởng phòng hành chính). Nhà lại ở ngõ. Ngõ đến gần chục năm nay tự nhiên thành chợ. Chợ ngõ cứ phải quá trưa mới tan. Vợ chồng phó giám đốc Quang Vinh lại đi ô tô nên sự về bao giờ cũng phải sớm thì năm giờ chiều, muộn là bảy giờ tối. Hôm nào thạc sĩ Quang Vinh tiếp khách thì bà vợ thủng thẳng cưỡi vétpa đỏ đi dạo siêu thị ngắm thời trang và mỹ phẩm. Con gái đã 16, 17 rồi. Từ gạo thành cơm bằng nồi cơm điện quá đơn giản. Ba người nhà này giờ đây đều coi ăn uống không hệ trọng. Ở quê chịu khổ mãi rồi, nay có điều kiện, có điên mới không hưởng cho sướng cái đời. Tóm lại bố mẹ tiểu thư Liên đi suốt ngày. Tối đến mẹ xem phim ái tình Hàn Quốc. Bố liếc ti vi, xem chưởng bộ hoặc nằm khểnh nhắn tin. Con gái học vật vờ một lúc xoay ra chơi game và mơ mộng nghĩ về anh chàng nhà thơ bán rau, giọng lưỡi dẻo kẹo, ngọt ngào. Vì thế nên vợ chồng thạc sĩ, phó giám đốc Quang Vinh không hay biết gì về chuyện tình cảm của cô con gái rượu. Còn vợ nông dân Lỳ vì ngồi địa liền với thằng con, chứng kiến việc anh ả chuyện trò, đưa mắt chạm tay mượn cớ nhờ làm thơ và cả chọn xem cái súp lơ nào vừa non vừa ngon nên mụ biết tỏng chuyện tình ý của cu Quách với tiểu thư nhà thạc sĩ Quang Vinh. Sau bao lần suy nghĩ, vào một buổi chiều, khi thấy lão chồng được thằng em thúc bá vừa trúng mánh lôi ra hàng thịt chó đầu làng, con chị lên thôn trên gom hàng bèn gọi thằng Quách lại.

- Tao thấy mày phải cẩn thận đấy con ạ.

 Đầu óc cu Quách đang miên man đủ thứ nên mẹ phải nhắc đến lần thứ hai nó mới nghe được. Thằng bé nhuế nhoá:

- Cẩn thận gì ạ?

Sau một chút ngập ngừng, mẹ nó dốc tuột:

 - Mình đang ngồi nhờ cửa nhà người ta. Nhỡ ông bà ấy phát hiện ra mày với con bé ấy..., họ điên lên đuổi không cho mình ngồi nữa thì khốn nạn đấy. Chợ bây giờ chật cứng rồi. Mày không xem chị Bỏi bán bánh nếp mới lên, nói mãi mới được nhà ông đầu ngõ cho ngồi. Cạnh đống rác mà những ba chục một tháng đấy.

Cu Quách nghe thủng, phá ra cười:

 - Việc này mẹ vô tư đi. Con trai như gậy ăn mày. Bạ đâu cắm đấy có ngày nên duyên.

 - Duyên duyên cái con khỉ. Đừng có đũa mốc chòi mâm son. Nhà mình với nhà người ta cách nhau một trời một vực. Lộ ra một cái ông bà ấy nổi cáu lên thì mất chỗ. Thôi trăm sự mẹ xin. Mày cứ cố một vài năm nữa mẹ sẽ hỏi vợ cho. Cái Thắm con nhà Đầm xóm ao dài đấy. Càng lớn càng xinh, hôm nọ tao ướm thử, xem ra nó có vẻ chịu.

 - Cái Thắm mắt trâu chứ gì. - Cu Quách cong người cười rũ rượi. - Nhìn nó con bị chói lắm.

 

 - Cái thằng này. Mẹ lạy mày đấy. Đừng để đến lúc bị đuổi đi thì không còn mặt mũi nào. Không nghe, tao mách bố mày thì chết đòn.

 - Được rồi. - Cu Quách nhăn nhở cười, chạy một mạch ra gò đống. Bài bích báo ngày mai phải đưa cho cái Liên rồi. Tí nữa ăn xong nó ngồi nhoáy một cái là ổn chứ gì.

 

 

4.

 

 Người tính không bằng trời tính. Cuộc đời cu Quách con nhà Lỳ sẽ đi theo hướng khác nếu không có buổi sáng kì lạ đó. Người thì bảo Lỳ trông lởm khởm mà mả táng hàm rồng. Người lại cho như nó là hèn. Phàm là đời trai sống trên dương gian này, mọi sự trông vào bàn tay, khối óc của mình chứ làm kiếp đàn ông mà chó chui gậm chạn thì quả là. Thôi thì trăm sự là tại ông trời. Đời nay tay với óc tài bao nhiêu cũng thua cái số. Tinh mơ sáng hôm ấy, vừa dắt xe ra khỏi cổng nhà đã thấy chớp đông nhay nháy. Xe hôm nay gọn, nhẹ chỉ có rau, củ. Mẹ và chị nó hôm nay có việc không đừng được phải ở nhà. Đâu như có ông bạn rượu của bố muốn xem mặt chị nó để dạm cho thằng con trai một. Xe nhẹ, lại thêm từ khi thông cái cầu to oành, đường sớm vắng cùng ý nghĩ lơ mơ không rõ ràng đang rộn trong đầu cu Quách nên chỉ hơn năm lần rú ga, xe nó đã đến nơi. Hôm ấy phó giám đốc Quang Vinh sang Singapo vừa xúc tiến thương mại vừa thăm con. Vợ giám đốc tiện thể đi cùng chồng. Tiểu thư Liên ở nhà một mình cũng có ý mong ngóng. Nó chợp mắt một lúc thì nghe thấy tiếng sấm. Nó lo trời đổ mưa thì nhà thơ bán rau không lên. Điều hòa chạy ro ro. Không khí mát lạnh dễ chịu. Cái Liên chợp mắt lúc nào không biết. Nó choàng dậy giật mình khi nghe thấy tiếng mưa như trút ngoài cửa. Liên gạt màn che ra, giật mình thấy trời đã chạng vạng sáng. Chắc vì mưa nên chợ ngõ vắng teo. Nó cúi xuống thấp hơn và thấy anh chàng nhà thơ của nó đang ngồi nép bên cánh cổng nhà nó. Đống rau củ vẫn chất trong sọt. Mưa trút nước, ngồi thế cho ướt hết sao? Nghĩ thế nên nó khoác vội cái áo ngoài rồi thủng thẳng bước xuống. Mình nó ở nhà muốn làm gì chả được.

- Mưa thế này có ai đi chợ đâu mà ngồi thế cho
ướt ra.

 Cu Quách ngẩng đầu lên, tủm tỉm không nói gì.

 - Cứ để xe đấy đã. Vào nhà em mà ngồi. - Đôi mắt hơi bé của cái Liên nhay nháy.

 - Để bố mẹ em thái sống anh à? Mưa to không ướt được đâu. Cùng lắm ướt hết cái đầu sợ chi.

 

 - Đầu không là người à? - Cái Liên cố không phì cười nói. - Vào đây. Em cho xem cái này. Ông bà già đi Sanh tăm ông anh rồi. - Đôi má bánh đúc rung rung.

 Lào thào một lúc thì cu Quách cẩn thận khóa càng xe máy. Con Liên thấy thế nguýt dài: "Có ma nó thèm lấy đống sắt vụn ấy. Lại chất đầy rau thế kia". Cu Quách thè lưỡi: "Cho chắc ăn. Nhỡ mất xe thì que cũng gẫy". Cái Liên đấm lưng cu Quách kêu: "Thơ gì mà tục thế". Cu Quách hếch mồm lên ra điều thẹn vì sự cẩn thận của mình rồi theo chân cái Liên vào nhà. Khi một đứa con gái một thằng con trai đang độ tuổi háo hức trong căn nhà giường đệm thơm tho thì chẳng biết cơ sự gì xảy ra. Chỉ biết hơn ba tháng sau, vợ Lỳ đang trả lại tiền thừa cho bà khách mặc đầm người chia thành từng khúc thì vợ phó giám đốc Quang Vinh ra đứng ở bậc cửa. Đầu tiên thì ra hiệu bằng tay, vợ Lỳ đang mải nhét rau vào túi nilông cho khách không để ý. Bà này hắng một tiếng rồi gằn giọng:

- Nhà cô kia vào tôi nói cái này.

- Bà gọi cháu?

- Chứ còn ai nữa.

- Nhưng mà người cháu... nhà bà thì... hay là có gì bà cứ nói luôn.

- Cứ vào đây đã. Chuyện này không thể nói chơi.

 

 Mẹ cu Quách bỏ đôi dép đứt quai buộc bằng sợi đay ra đập chân phành phạch rón rén bước vào. Mẹ nó định ngồi phệt trên nền nhà mát lạnh, nhẵn như da trẻ con thì phó giám đốc phu nhân lừ mắt bảo: "Cô ngồi lên trên ghế này. Tôi có chuyện bàn với cô".

- Vâng. Vâng. - Mẹ cu Quách gật đầu lia lịa.

 Chả biết hai người đàn bà nói với nhau những gì mà bằng quãng thời gian bữa cơm nhà nghèo thì mẹ cu Quách ra. Mặt chị này thộn đơ, dài thượt. Nhìn thằng con đang véo von nói vần với mấy bà mua rau, mẹ nó sa sầm mặt, đợi cho mấy bà đi khỏi mới quát khẽ: "Con với cái. Rõ thật tội đời. Để về xem bố mày không chôn sống mày tao xin chớ kể".

 

 

5.

 

 Suy nghĩ đàn bà đúng là cơi ăn trầu. Bố cu Quách vừa nhấc chén cút cuốc lủi lên vừa cau mặt nghe mẹ nó kể. Sau hay tiếng hầm hừ "cái gì, cái gì", khuôn mặt Lỳ giãn ra. Ngửa cổ đổ chén rượu vào họng, gã đập tay vào đùi đến đét, rồi hét tướng lên:

- Giỏi. Thằng cu thế mà giỏi.

 Vợ Lỳ tưởng chồng say, định lẳng lặng đi ra.

- Cu Quách đâu rồi. Đâu rồi. Gọi nó về đây cho tao.

Mẹ nó vừa quay lưng chưa kịp cất lời thì thằng Quách ở đâu đã lao đến:

- Gì thế bố. Lại khướt à?

 - Sư cha anh. Ba hươu nữa cũng không quật được bố mày đâu. Mày giỏi như thế là rất... Chỉ cần cái cu mà... Rồi đời mày khá đấy con ạ.

- Sao ạ?

- Tiên sư anh. Lại còn vờ. Con trai như cái gậy ăn mày. Cái gậy của mày chọc trúng kho vàng rồi đấy. Con bé chửa rồi chứ gì. Thế là ăn chắc. Mày thấy bố có tài không. Tao nhường cho mày đi chợ, ai ngờ lại phát thế không biết... Mai kia thỉnh thoảng rót cho bố một ít. Tao cũng mở mày mở mặt. Lúc đó có thằng con nào ở cái làng này dám chê bai tao nữa không. Ông thì cứ gọi là nhét tiền vào mồm bắt chúng mày câm họng. Nhưng mà này. Con mẹ kia.

- Cái gì thế. Có vài chén mà làm như...

 - Đồ ngu. Con kia ễnh bụng lên rồi, thì kiểu gì nó cũng bắt thằng này cưới. Lúc nói chuyện với nhà nó, tao cứ trắng phớ ra là nhà này nghèo lắm. Không có tiền mà bày vẽ. Đã trót thế thì cứ để con bé ấy về đây.

- Bố mày rõ thật... . Ai người ta chịu thế.

- Mà con không lấy vợ đâu.

 - Câm mồm, đây là chuyện người lớn. Mẹ mày thấy tao tính thế có đúng không? Chắc chắn nhà nó phải lòi ra. Tao nghe nói bố nó làm to. Giám đốc cơ mà. Giám đốc thì tiền nhiều bằng lá ổi. Lo gì. Hê hê. Có độc cái cu mà bố mẹ tha hồ nhờ. Thằng này giỏi, giỏi lắm. Cu Quách tài, phải nói là tài. Bố được nhờ mày đấy. Tha hồ nhé, mà có cần học hành gì đâu. Thấy bố chuẩn không. Chuẩn quá đi còn gì nữa.

 

 

6.

 

Năm năm trôi qua. Thằng Quách vì lấy cái Liên được bố vợ cho hẳn cái nhà thủa hàn vi cả nhà nó nhờ vả để ngày ngày bán rau nên nó đã là người phố. Còn cái Liên lạch xạch mãi vì đẻ đái, nghỉ lên nghỉ xuống nhưng nhờ bố nó quen rộng, lại có tiền nên rút lại cũng có cái bằng đủ chuẩn về công ty của bố nó mà không sợ bị người ta gièm pha. Đáng ra thằng Quách cũng theo vợ về công ty nhưng rồi nó tính. Sẵn nhà ở ngay chợ, nó mở cửa hàng đại lý đủ thứ, bia rượu, mì ăn liền, sữa chua, tạp hóa... Từ hồi nó trở thành người phố thì chị nó cũng đã lấy chồng. Hai vợ chồng cũng buôn rau củ. Nhưng để giữ tiếng cho mình, thằng Quách dúi cho vợ chồng chị ít tiền để mua một chỗ ở chợ đầu mối. Thành ra mọi sự cũng phân miêng. Thằng Quách giờ cả ngày ngồi ở nhà bán hàng. Chiều về thủng thẳng ra quán bia hơi đầu phố làm mấy vại cho ngon cơm. Giờ đã là người phố nên nó cũng ít nói vần. Thằng Quách bảo nói kiểu ấy là nôm na mách qué theo lối quê. Vả lại ngày xưa cần tán gái, cần bán cho trôi rau, củ thì mới làm thơ chứ bây giờ người phố, lại là chủ cửa hàng to vật thế này, ai lại làm thứ vớ vẩn ấy. Thằng Quách nghĩ, nó mãi mãi là người phố cho đến lúc già. Nó đâu có ngờ... Hôm ấy ngày nghỉ, vợ nó đang có mang đứa thứ hai. Siêu âm con trai nên nó mừng lắm, tranh thủ ngày vợ nghỉ, nó đảo về dưới quê để nói cho bố mẹ nó mừng. Bố mẹ nó đã có đích tôn, mà đích tôn ở phố đàng hoàng nhé. Nó đưa tiền bảo bố nó đi đụng nửa con chó về làm bữa liên hoan. Anh rể nó cũng có mặt. Cả nhà hỉ hả lắm. Ăn xong nó lại làm một giấc cho tỉnh hẳn rượu mới về. Tối ấy, ngõ phố nhà nó mất điện, có lẽ do mưa. Hai cánh cửa gỗ đóng, hai cánh cửa xếp kéo gần kín. Về đến đúng cửa ngách hai, nó dừng lại định mở cửa thì nghe có tiếng ồm ồm trong nhà. Nó nhìn quanh. Giời mưa có khác. Ngõ vắng teo. Thằng Quách áp tai vào. Nó chợt rùng mình khi nghe thấy tiếng vợ nó gằn giọng:

- Anh bảo con Bảo Châu là con anh. Bằng chứng
ở đâu.

 - Này. Đây là người thành phố chứ không phải như thằng chồng rau củ quê mùa của cô đâu nhé. Thằng này ngay hôm ra trại đã sang nhà cô. Chính thằng chồng cô đã nhờ tôi bế con bé để nó đi rót nước. Thế cho nên tôi đã lấy được mấy sợi tóc của nó rồi.

 - Anh lấy tóc con bé để làm gì. Ai lại làm thế. Con bé đến khóc hết nước mắt.

 - Bình tĩnh đi mà nghe đã. Thằng này đã bỏ ra gần hai triệu để thử ADN. Sáng nay lấy kết quả rồi. Bảo Châu là con tôi. Cô nghe thủng chưa?

 Thằng Quách rùng mình nhận ra giọng gã thanh niên cùng ngõ có cái mũi nhọn vừa đi tập trung cai nghiện về.

 - Chứ sao. Nhưng thôi. Tôi không phá hoại hạnh phúc của cô đâu. Tôi sẽ giữ kín. Tôi sẽ đi, đi thật xa. Nhưng cô phải đưa cho tôi 50 triệu.

- 50 triệu để anh im lặng?

- Chứ còn sao nữa. Nếu không, ngay tối nay, tôi sẽ cho dán kết quả này lên bảng thông tin đầu ngõ.

- Sao nhiều thế.

 - Nhà khác thì nhiều nhưng với nhà cô tôi biết chẳng thấm tháp gì đâu. Bố cô giám đốc. Thằng nhà quê kia tự nhiên ăn cả cái nhà này. Nhà bà Kẹo đầu phố nhỏ hơn nhà này mà hôm nọ bán năm tỉ rưỡi. Còn cửa hàng này nữa chứ. Mỗi ngày bét ra cũng thu vào hai, ba triệu. Dù sao tôi với cô cũng từng có tình cảm nên tôi tính mềm đấy.

- Anh im mồm đi.

- Muốn tôi im thì... Giá ấy là mềm rồi. Tôi với cô ngày trước cũng từng, còn thằng nhà quê kia chỉ là vớ vẩn thôi. Phải nói cô cũng tài, lừa được nó vào bẫy mà nó thì cứ tưởng là nhất...

 Nghe đến đây, thằng Quách rón rén dắt lùi xe lại rồi hình như nó quên rằng trời đang mưa. Nó lẳng lặng bước đi vài bước rồi như hồi còn chạy chợ, giống như một người làm xiếc đi xe máy, nó nhảy tót lên xe, mở máy phóng một mạch trở lại con đường vừa đi lên.

 

Tháng 3 - tháng 8/2011i

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/84154


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận