Chương 6 Thực sự nghỉ ngơi Mùa xuân đã đến.
Không khí ấm dần lên, nhanh như tốc độ giảm số lần phải mặc áo khoác vậy. Anh đào ngoài sân nở dần từng ít một. Hàng ngày, chỉ cần nhìn qua cửa sổ tầng hai, ngắm sắc hồng loang dần trong đám lá xanh cũng đủ thành một niềm vui. Có thư của Ryuichiro. Thư đến vào một buổi trưa buồn ngắt.
"Sakumi,
Em khỏe không?
Anh đang Chẳng hiểu sao Thượng Hải (tên một bộ phim khá nổi tiếng - ND) đây.
Trung quốc là một nơi rất hay.
Tuy hơi đông người một chút.
Anh sắp (trong năm nay) về Nhật.
Nghe nói họ lại sắp ra sách.
Anh lo không biết em có muốn gặp nữa không.
Dù sao, anh vẫn mong đến lúc được gặp em.
Đôi khi, nhìn thấy một khung cảnh thật kỳ vĩ, anh lại muốn được nhìn ngắm cùng em, cộng với nỗi nhớ Nhật Bản, anh lại càng nhớ em hơn.
Ở đây, cái gì cũng to, tượng Phật lớn đến mức nhìn thấy phải bật cười.
Tạm thế nhé!
Hẹn gặp lại."
Câu chữ rất ngẫu hứng khiến tôi nghĩ thầm, quả đúng là một nhà văn, nhưng vẫn có thể cảm nhận trong đó một nỗi nhớ. Giống như bộ nhớ của một người máy hay nhận thức đầu tiên của một chú vịt con, khi tỉnh lại sau cơn hôn mê, ký ức đầu tiên của tôi chính là anh. Đúng vào lúc tôi đứng một mình giữa thế giới xa lạ mà đối với tôi vẫn rất mơ hồ, với cái nhìn ngơ ngác như vừa được tái sinh, thứ đầu tiên khắc vào một tôi hoàn toàn mới, đầy bất an trong trạng thái không biết chắc điều gì và đang dò dẫm lần tìm, không gì khác chính là làn da ấm nóng của anh. Tôi yêu cái ký ức mới đó của mình. Chắc chắn là nếu gặp nhau sẽ vui mừng đến chảy nước mắt ra mất. Xa nhau thế này, khi chợt nhớ về những ưu điểm của anh, tôi cảm thấy ngộp thở. Cái tài văn chương, sự lịch thiệp đúng mực, sự táo bạo trong hành động, sự phóng khoáng, hình dáng bàn tay, âm vang giọng nói... Rồi khi nghĩ đến những nhược điểm hay sự láu cá của anh, tôi cũng ngộp thở vì căm tức. Sự yếu đuối khi rủ tôi đi du lịch cùng, sự lạnh lùng theo một cách nào đó trước cái chết của em gái tôi, sự láu cá chẳng mấy khi về nước, nhưng mỗi lần về lại muốn gặp tôi... Từng sợi cảm xúc mà tôi không hề cảm nhận thấy nơi ai khác, với anh, đều trở nên sống động. Biên độ của từng cung bậc đó lớn đúng bằng từng véc-tơ trong khối tình cảm của tôi khi nghĩ về con người ấy.
Con người quả là đau khổ. Khi một người không hoàn thiện nghĩ về một người không hoàn thiện, cố gắng để chấp nhận trọn vẹn con người này thì ở một nơi nào đó trong lòng mình, người đó tạo ra một hình bóng sống động đến kỳ lạ. Ý nghĩa để con người gắng gượng sống qua mỗi ngày. Nguồn năng lượng thật đẹp và dịu dàng, hoành tráng và lộng lẫy như cả một dãy phố nở ngập hoa Anh đào. Từng cánh hoa rơi giăng mắc, ánh dương soi rọi, làn gió thổi, cả một rừng cây bạt ngàn cùng xao động, choáng ngợp trước những dịu ngọt của sắc hồng như nhảy múa, cùng những mảnh trời xanh qua kẽ lá. Tôi đứng chết lặng. Tôi biết. Chỉ có một lần, và sẽ mất đi trong chớp mắt. Nhưng một phần của anh ta sẽ vĩnh viễn tan vào khoảnh khắc ấy, Wonderful, bravo (tác giả cũng sử dụng phiên âm tiếng Anh trong nguyên bản tiếng Nhật - ND)! Dù phải khổ đau, con người sẽ vẫn kiếm tìm khoảnh khắc ấy.
Tình trạng của em tôi dường như đã khá lên nhiều. Tuy những lúc một mình, thi thoảng khuôn mặt nó vẫn đờ ra trong chốc lát nhưng kể từ cái đêm xuất hiện UFO ấy, không biết có phải vì tôi đã cùng chứng kiến và xác nhận chuyện của nó không phải là do ảo giác, hay vì đã tìm được người để giãi bày, trông thằng bé có vẻ dễ chịu hơn nhiều. Đôi khi, tôi cũng nhận thấy trên nét mặt nó một cái gì đó như sự tự giác hay quyết tâm không suốt ngày bắt chị nghe chuyện hoặc ỷ lại vào chị. Điều đó khiến tôi thầm cảm phục thằng bé. Một thằng bé ngoan.
Tôi rất muốn em tôi trở thành một người đàn ông tốt. Dù nó có là kẻ cắp, là kẻ lập dị, là gã háu gái, là gì cũng được. Miễn cứ là người đàn ông tốt. Nhưng chuyện xảy ra với nó chắc chắc không phải là dấu hiệu lạc quan. Trông nó có vẻ dễ chịu hơn, nhưng như thế không có nghĩa là mọi chuyện đã được giải quyết. Tình trạng tồi tệ có thể lại đến bất kỳ lúc nào, và rất có thể dấu hiệu lúc này khả quan bao nhiêu thì tình trạng khi đó sẽ tồi tệ bấy nhiêu.
Tôi có thể làm được gì đây? Những lúc một mình, tôi thường nghĩ về điều đó. Tại sao con người lại hay nghĩ như thế với người khác nhỉ? Dù chẳng làm được gì cho nhau! Tôi chỉ muốn sống làm một người bình thường, giống như biển mãi chỉ là biển, với những con sóng đến và đi, đôi khi cáu giận, cứ mãi ở đó với nhịp thở đều đặn của mình mà cũng đủ khơi gợi bao nỗi niềm của con người, khi làm cho thất vọng, lúc khiến phải sợ hãi, để rồi lại an ủi. Nhưng tôi lại muốn làm gì đó hơn thế. Tôi không tài nào từ bỏ được ý nghĩ đó. Tôi đã mất em gái, tôi đã không thể làm được gì khi nhìn thấy nó dần rời bỏ cuộc sống ngay trước mắt mình. Nếu một ai đó đã tự quyết định rằng mình sẽ chết thì không một ai có thể ngăn chặn nổi việc đó nữa. Tôi biết rõ điều đó. Có lẽ chính vì thế mà tôi thoát khỏi chuyện đó.
Mọi chuyện bắt đầu từ việc mẹ tôi nói bà sẽ đi Bali với một người bạn trai.
- Mẹ sẽ đi Bali khoảng hai tuần! Mẹ tôi đột nhiên nói vậy trong một bữa cơm chiều Chủ nhật mà hiếm hoi lắm mới có đủ cả năm người.
- Đúng là "quý tộc độc thân" tôi nhận xét.
Cô Junko thì bắt đầu hỏi, nào không biết đồ ăn ra sao, rồi hình như bên đó đang giữa mùa mưa. Nghe thế, mẹ tôi nói, có vẻ nhấn mạnh hơn mức cần thiết:
- Được rồi! được rồi! muốn ra sao cũng được! tôi cứ đi nghỉ mát cái đã, nghỉ ngơi hoàn toàn, cả thể xác lẫn đầu óc.
Bạn trai của mẹ tôi là người cùng làm ở một công ty du lịch nhỏ mà mẹ tôi vẫn đến làm thêm, ít tuổi hơn mẹ tôi nhưng hình như cũng rất bận rộn. Khi công ty nhiều việc, đương nhiên là mẹ tôi cũng bận theo. Quả là gần đây mẹ tôi cũng có vẻ mệt mỏi thật. Có lẽ vì thế chăng?
- Bác thích thật đấy! Mikiko nói, rồi bắt đầu kể chuyện về một đứa bạn mới sang Bali gần đây. Nghe nói đám tang bên đó náo nhiệt lắm. Đứa bạn cháu lúc đầu tưởng là lễ hội gì đó, cứ thế đi theo mất một lúc...
Em tôi không nói gì cả. Không một lời nào. Đang bàn tán về chuyến đi Bali trong không khí hòa bình, tất cả đều phải chú ý đến vẻ làm thinh rất không bình thường của thằng bé.
- Yoshio thấy thế nào?
Cô Junko hỏi nhưng nó vẫn im bặt. bầu không khí bỗng trở nên rất khó chịu.
- Sẽ mua quà cho cả con nữa đấy. Mẹ tôi cười.
Tôi rất yêu cái cười khi muốn thuyết phục người khác của mẹ như lúc này, thật hoàn hảo và khiến người ta không thể phản đối. Nhưng có lẽ với thằng bé thì khác. Bỗng nhiên nó khóc rống lên, như bị lửa đốt. Tất cả đều im lặng, trong kinh ngạc. Một kiểu khóc không b́nh thường. Nó giống như của một người lớn đã hoàn toàn tuyệt vọng đối với cuộc đời này. Thậm chí ngay cả một người đàn ông bốn mươi tuổi, đã thất nghiệp, lại thêm mới phát hiện ra vợ ngoại tình, có lẽ cũng không khóc một cách thống thiết đến thế. Thằng bé vò đầu, gục mặt xuống bàn, khóc hu hu như thể muốn tống hết cảm xúc ra ngoài. Để trấn tĩnh trở lại, đầu tiên tôi nhìn chằm chặp vào cái xoáy trên đầu thằng bé. Mẹ tôi hấp tấp đặt tay lên vai nó và nói:
- Không sao đâu. Chỉ hai tuần là mẹ về ngay thôi. Mà chú ấy cũng là chỗ quen biết đã lâu, à, mà con cũng gặp rồi đấy. Thế thì có gì đáng lo đâu? Có phải mẹ bỏ con đi mất đâu mà sợ!
- Không phải thế! Em tôi hét lên.
- Chuyện gì không phải chứ? Mẹ tôi hỏi.
- Máy bay, máy bay sẽ rơi! Nó nói, giọng lạc đi, vai rung lên từng đợt, người co rúm lại như thể bị lạnh. Mẹ không được đi!
...Có thể thế lắm, nhớ lại chuyện hôm trước, tôi nghĩ vậy.
- Chị Saku! Nói gì đi chứ! Hãy ngăn mẹ lại!
- ...Hay mẹ hoãn chuyến này đi. Có lẽ đây là một điềm xấu! Tôi nói. Em con linh cảm đúng lắm. Có thể thế thật đấy... Yoshi! Em nghĩ là chiều đi hay về?
- Chiều đi! Chắc chắn! Thằng bé nói.
Giọng nó đầy tự tin, như thể đang hãnh diện vì đã đoán trúng một điều gì đó thật trọng đại. Tôi không thích điều đó lắm.
- Coi nào! Nếu là chiều về có nghĩa là sau khi đã thưởng ngoạn ở Bali, như vậy còn có thể chấp nhận được, đằng này lại là chiều đi... Tôi nói.
- Hay lùi lại một ngày? Mikiko nói. Thế là mọi người cũng thoải mái tâm lý, lại không còn nguy hiểm nữa, chẳng tốt sao! Thế là được phải không Yoshio?
- Không biết! Anh chỉ biết chuyến bay chiều đi của mẹ sẽ gặp nguy hiểm. Thế thôi! Em tôi đáp.
- Như vậy có nghĩa là... đổi chuyến bay cũng không được sao? Cô Junko nói với vẻ lo lắng.
Lời thằng bé đã có ít nhiều ảnh hưởng, tự nhiên thái độ mọi người có vẻ đã ngả theo nó. Mikiko pha một ấm trà nóng. Mọi người cùng uống trong im lặng. Thật khó để bàn về một chuyện chưa xảy ra.
- Không đổi ngày xuất phát được hay sao? Sang hẳn tháng sau chẳng hạn? vốn rất mê tín, cô Junko đề xuất.
Thằng bé liền gật đầu. Thấy nó gật đầu, tôi nhẹ cả người. thật không khác gì một tiểu vương. Nhưng mẹ tôi bỗng đập bàn đánh rầm một cái, quát lên:
- Sao? Mội người nói sao chứ? Tôi đi nghỉ dịp này vì không thể nghỉ vào lúc nào khác. Anh ấy lúc nào cũng bận! nếu tôi không đi, rồi cũng chẳng có cái máy bay nào rơi cả thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây?
Sự thật quá hiển nhiên khiến mọi người như sực tỉnh.
- Vé cũng đã lấy rồi. Thế nào? Được chưa? Quyết rồi! Tôi sẽ đi! Dù máy bay có rơi chăng nữa!
- Thật hả mẹ? Chết mẹ cũng đi sao? Tôi hỏi.
- Ừ! Chết cũng được. Quyết rồi! Mẹ tôi đáp. Nếu chết thì đó cũng là số rồi. Nói thật đấy! Nghĩa là số tôi chỉ đến thế thôi. Xin lỗi mọi người trước nhé, nếu tôi có chết thật. Hãy cứ cười kẻ ngu ngốc không chịu nghe lời khuyên chí tình này!
Nói rồi mẹ tôi nhấp một ngụm trà với khuôn mặt tươi tỉnh. Em tôi lại khóc tướng lên. Nó vừa gào khóc như không muốn cho ai dỗ nữa vừa giãy giụa, khiến cuối cùng cô Junko và Mikiko phải dìu lên tầng hai. Mẹ tôi thở dài.
- Con nghĩ sao?
Tôi đáp:
- Mỗi thứ một nửa!
- Nửa gì với nửa gì chứ?
- Một nửa là nó không thể chấp nhận rằng mẹ lại đi sang Bali cùng một người bạn trai, bỏ lại nó khi đầu óc nó đang không ổn định. Nửa còn lại là trực giác của nó.
- Không lẽ nó đến tuổi đó rồi sao?
- Nó không an tâm đấy!
- Ừm... Thế con nghĩ sao?
- Về cái gì chứ?
- Về một bà mẹ như mẹ, bỏ ở nhà đứa con đang không muốn đến trường để theo bạn trai đi nghỉ? Nhìn thẳng vào mặt tôi với đôi mắt tròn to, mẹ tôi hỏi.
- Nói thật nhé. Con nghĩ là tốt! Tôi đáp.
- Thật chứ?
- Thay vì từ bỏ những niềm vui của mình vì một ai đó, chán chường chỉ vì thằng bé, chẳng thà mẹ cứ sống thật đẹp, thật hạnh phúc, cuối cùng cũng là cho nó đấy thôi.
- Thế thì mẹ sẽ đi. Mẹ muốn đi! Mẹ tôi nói.
- Kể cả bị rơi máy bay sao? Tôi hỏi lại lần nữa.
- Ừ, mẹ quyết rồi. Trước giờ mẹ vẫn sống như thế. Mà mẹ cũng không muốn thay đổi mình. Nghe có vẻ khoa trương nhưng đúng thế đấy! Mẹ tôi cười. Vả lại, quan trọng nhất là tự mẹ cảm thấy sẽ không có chuyện gì xảy ra cả!
Một tuần trôi qua.
Bữa cơm tối trước ngày mẹ tôi lên đường chìm trong không khí nặng nề như buổi mặc niệm vậy. Riêng em tôi còn chẳng chịu ra khỏi phòng khiến mẹ tôi phải vào tận nơi an ủi. Thằng bé vừa khóc xong nên trông rất sầu thảm. Ấy vậy mà mẹ tôi vẫn quyết lên đường. "Thật đáng khâm phục!" Tôi nghĩ thầm. Cứ cho là nếu người ngoài nhìn vào, đây chỉ là một chuyến du lịch thông thường, chẳng có gì nguy hiểm đến tính mạng cả, song với mẹ tôi, có lẽ nó là một sự kiện liên quan đến triết lý sống của cả đời bà. Tôi hiểu rõ điều đó.
Đêm, cho đến tận khi tôi đã vào giường nằm ngủ, em tôi vẫn chưa nín khóc. Thế rồi, chẳng biết mẹ tôi nói gì, nhưng từ trong phòng ngủ đã tối đèn, tôi nghe thấy giọng nói trầm trầm của mẹ hòa lẫn tiếng khóc của thằng bé qua lớp tường phòng ngủ vọng tới, nghe như một tiếng cầu kinh dài vô tận. Nằm trong chiếc giường vuông vắn trắng ngập ánh trăng, tôi thỏa thuê nghĩ ngợi. Mắt tôi ráo hoảnh, đầu óc cũng tỉnh táo lạ thường, dòng suy nghĩ như tan vào từng sợi ánh sáng, từng hạt bóng tối của đêm trăng, lặp đi lặp lại một điệp khúc. "Hơn bất kỳ ai khác trong ngôi nhà này, mình biết rõ rằng những gì thằng bé nói thường là đúng. Mình biết rõ điều đó hơn mẹ, thậm chí có lẽ hơn cả chính em mình nữa. Nếu mình thực sự muốn ngăn mẹ lại, có lẽ mẹ sẽ chịu tin mình hơn là tin thằng bé, và cũng có thể sẽ thay đổi quyết định. Thế có lẽ sẽ tốt hơn cho mẹ. Nhưng nếu mẹ không đi nữa mà máy bay cũng không rơi, khi đó mẹ sẽ chẳng còn tin thằng bé nữa. Và mọi thứ sẽ giống như câu chuyện chú bé chăn cừu (chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về một chú bé hay nói dối, đến mức sau này, khi chú nói thật thì không ai tin nữa - ND). Với thằng bé lúc này, cái đó có lẽ sẽ là một cú sốc không thể cứu vãn được. Vả lại, phần mình cũng không muốn can ngăn mẹ. Mình không cảm thấy máy bay sẽ rơi, và hơn thế, mình yêu cái cá tính của mẹ. Mẹ luôn tự quyết định, chẳng bao giờ để ai sai khiến. Và sau nữa, mình không muốn em học cái cách có được những thứ nó muốn theo kiểu này. Nhưng... nếu mình không ngăn cản mẹ và mẹ chết thật, mình sẽ không còn cơ hội để hối hận nữa. Không được, làm gì có chuyện đó... Mình chẳng còn biết ra làm sao nữa..."
Đầu óc tôi rối bời. Quả là mệt mỏi khi phải cân nhắc về một việc chưa xảy ra. Tôi thiếp đi trong tâm trạng nửa vời đó. Một giấc ngủ thật nông. Một phần đầu óc vẫn hoàn toàn tỉnh táo, đến mức cảm nhận rõ cả ánh sáng của căn phòng. Tuy nhịp thở sâu, hai mí mắt khép lại, nhưng tôi không thực sự đang ngủ. Rồi một giấc mơ lại đến, lặng lẽ, thật lặng lẽ, như bông tuyết đầu tiên nhẹ nhàng đáp xuống đêm.
... Tôi thấy tôi hồi bé, ngồi dưới một gốc một cây hoa anh đào. Đó là cây anh đào bố đã cho tôi trồng trong vườn nhà. Ngước nhìn lên, tôi thấy từng cánh hoa đang lắc rắc rơi. Trong mơ, chẳng hiểu sao Mayu cũng đã chết rồi. Giá mà có thể, tôi thèm được gặp nó biết mấy. Cửa mở ra và mẹ tôi bước ra sân, bế Yoshio trên tay. Trông mẹ thật trẻ trung với một chiếc áo len màu trắng, chói chang như thứ ánh sáng trắng từ trang phục của người chết đặt trong áo quan phản chiếu ánh mặt trời. Chẳng hiểu sao, tôi bỗng có một cảm giác thật chua xót, còn mẹ tôi thì im lặng khác hẳn lệ thường. Ngay cả đến Yoshio cũng lặng yên không hề khóc. Mẹ chẳng nói chẳng rằng, chỉ im lặng bước về phía tôi, chậm rãi, thật chậm rãi, trong ánh mặt trời. Có lẽ đã đến giờ cơm trưa rồi chăng? Hay mẹ chỉ đến để nhắc tôi đội mũ vào? Hay cũng có thể mẹ nhờ tôi trông nhà để đi chợ? Vừa đoán mò, tôi vừa nhoẻn miệng cười. Rồi mẹ tiến đến ngay trước mặt tôi và nói:
- Mẹ đi Bali đây, ở nhà trông em nhé!
"Bali?" Tôi tự hỏi. Mẹ mỉm cười và trao thằng bé cho tôi. Người nó nóng ran và nặng trĩu...
Đến đó thì tôi tỉnh hẳn. Tim tôi đập rộn. Trời sắp sáng, xung quanh toàn một màu xanh. Nằm trong giường, tôi tự nhủ biết bao lần: "Mình sẽ không hối hận. Mình sẽ không hối hận!" Nghe như lời hờn giận bất lực của một đứa bé đang run sợ. Đến ngay cả trong mơ, con người ta cũng thật yếu đuối.
Sáng hôm sau, không khí trong nhà càng thêm nặng nề. Trong ánh sắng sớm, chỉ có mẹ tôi là vẫn giữ được vẻ thản nhiên, vừa ăn món cơm trộn trứng vừa làm bộ coi thường vẻ nghiêm trọng của mọi người. Em tôi thậm chí c̣n không ra khỏi pḥng.
- Tớ tiễn cậu ra sân bay Narita nhé!
Nghe cô Junko nói, mẹ tôi cười và gạt đi. Đằng nào thì bạn trai của mẹ cũng sẽ đánh xe đến đón.
Một lẫn nữa, tôi lại được dạy để nhớ rằng, mẹ là một người lớn, và trong ngôi nhà này, dù chúng tôi có nũng nịu đến đâu chăng nữa thì cũng không còn là trẻ con nữa rồi. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy chút xấu hổ cho sự ủy mị của chính mình đêm trước. Trông mẹ tôi thật sinh động, miệng không ngớt nhai bánh mì, còn vẻ mặt thì tràn đầy tự tin, chẳng có chút gì giống với một người sắp chết cả. Lòng tràn đầy mong đợi một chuyến nghỉ ngơi thú vị, ánh mắt mẹ lấp lánh niềm vui sống. Mặc dù vậy, nét mặt mẹ vẫn lộ rõ vẻ bất mãn đối với tình huống phức tạp này. Trước giờ, tôi vẫn cảm nhận rõ như cầm trong tay mọi tâm tư của mẹ. Nhưng thôi kệ, cứ nghỉ ngơi cái đã, chuyện sẽ tính sau! Mẹ vẫn luôn sống như thế. Mái tóc như tan trong nắng cùng với đường bờ vai như muốn nói lên điều đó.
Đúng lúc mẹ tôi chào mọi người, đeo kính mát, khoác chiếc túi du lịch lên vai, vừa định bước ra cửa thì cửa phòng tầng hai bật mở, em tôi lao xuống nhà với cặp mắt đỏ mọng. Trông mắt nó như đang muốn nói điều gì đó. "Mọi thứ sẽ đâu vào đấy cả nên chị cấm em nói bất cứ điều gì!" Tuy không nói ra lời nhưng lúc ánh mắt chạm nhau, tôi như muốn dồn hết sức để ra lệnh cho nó. Nó cũng cảm nhận được điều đó và như muốn đáp lại rằng: "Lời đã nói ra sẽ không bao giờ lấy lại được nên em sẽ im lặng để khỏi phải hối tiếc". Sự thật là vậy. Đó là thần giao cách cảm chăng? Chỉ biết là tôi đã hiểu điều nó muốn nói. Một dòng chảy ấm áp và sáng lang nối liền hai chúng tôi. Quả là một buổi sáng kỳ lạ.
- Nào, lời cuối dặn người ta mua quà đi chứ! Mẹ tôi nói, cười lớn và bước ra khỏi nhà.
° ° °
- Trời! Bali quả là tuyệt!
Nhận được điện thoại của mẹ, tôi nhẹ cả người. Mẹ đã tới nơi, bình an vô sự. Và thế là, gác máy xong, bất giác tôi thấy thật xuẩn ngốc! Không trách những lời vớ vẩn của thằng bé, tôi tự trách mình vì so với mẹ, tôi quả là quá dễ bị kích động. Quay người lại, tôi thấy em tôi đứng đó, đầy vẻ bối rối. Lúc đó Mikiko đang đi học, còn cô Junko đợi điện thoại của mẹ tôi sốt ruột quá đã bỏ ra chợ mua đồ ăn chuẩn bị cho bữa tối. Tôi ngồi đọc sách trên ghế sô-pha và nhận luôn cả việc trông nhà, được một lát thì mẹ gọi. "Mẹ tới nơi rồi đấy!" Nói với nó điều ấy xong, tôi lặng thinh. Thằng bé cũng lặng thinh. Một cảm giác rất lạ. Một cái gì đó như bị lệch đi, cái gì đó thật khó chấp nhận, một cảm giác thật khó diễn tả. Sự im lặng thật nặng nề. Tôi với tay bật tivi, đúng vào giờ có bản tin. Giữa màn hình là một chiếc máy bay. Tim tôi như ngừng đập. Chiếc máy bay bị gãy rời thành hai phần và khói trắng bốc lên mù mịt. Cả một đám đông hỗn độn, băng ca liên tục được đưa tới, đám nhà báo nháo nhào chạy quanh.
- Gì thế này? Tôi nói với thằng bé.
- Họ nói chuyến bay đi Australia gặp sự cố khi cất cánh và kết quả là vậy đó! Thằng bé đáp.
- Em biết từ trước rồi sao? Tôi hỏi.
- Vừa mới đây thôi! Nó nói. Sáng nay, em nghe có ai đó nói "Lệch một tiếng", sau khi mẹ đã ra khỏi nhà.
- "Lệch một tiếng" là sao?
- Máy bay này bị rơi đúng một tiếng sau khi máy bay của mẹ cất cánh.
Trên tivi, phát thanh viên đưa tin có rất nhiều hành khách là người Nhật chết và bị thương nặng. Trên màn hình, từng dòng chữ ghi họ tên những người xấu số nối đuôi nhau hiện ra.
- Không phải em làm lệch đi đâu nhá! Thằng bé nói, với bộ mặt thiểu não chưa từng thấy. Em nói thật đấy. Em bị lẫn giữa chuyến bay của mẹ với chuyến bay này.
- Chị biết rồi! Đã bảo biết rồi mà lại! Không phải lỗi của em. Làm sao lại thế được. Tất nhiên rồi! Tôi đáp, rồi nghĩ thầm, nhất định phải làm một cái gì đó.
Tôi không biết sẽ phải làm gì, nhưng phải làm điều gì đó càng sớm càng tốt, bằng một cách nào đó...