Bài Giảng Cuối Cùng Chương 8

Chương 8
Bạn sẽ tìm thấy tôi ở vần “V”

Tôi sống trong thời đại máy tính và rất yêu thích nó. Được tiếp xúc và gần gũi với đồ họa, với màn hình máy tính và với siêu xa lộ thông tin, tôi hoàn toàn có thể hình dung một thế giới không cần giấy.

Nhưng tôi đã lớn lên trong một khung cảnh rất khác.

Năm 1960, khi tôi sinh ra, giấy là nơi để lưu trữ kiến thức. Suốt những năm 1960 và 1970, cả gia đình tôi luôn hâm mộ tâp Bách khoa Toàn thư Thế giới (World Book Encyclopedia[9]) – các bức ảnh, bản đồ, cờ của các nước khác nhau, cùng các thông tin vô cùng bổ ích về dân số, diện tích và những nét chính về từng quốc gia đã hấp dẫn tôi.

Tôi không đọc từng chữ trong từng tập của Bách khoa Toàn thư, nhưng cũng đã thử việc đó. Tôi khâm phục cách thức các đề mục được thu thập lại cùng nhau. Ai là người viết đề mục về lợn đất? Làm thế nào để các biên tập viên của World Book gọi điện tới và nói, “Ông biết về lợn đất nhiều hơn tất cả mọi người khác. Ông có thể viết một đề mục cho chúng tôi được không?” Rồi trong vần “Z”, ai đã cho rằng mình đủ là một chuyên gia về tộc Zulu[10] để viết đề mục đó? Ông hoặc bà ta có phải là một người Zulu?

Cha mẹ tôi sống thanh đạm. Không như nhiều người Mỹ khác, ông bà không bao giờ mua bất cứ một thứ gì chỉ để gây ấn tượng với người khác. Nhưng ông bà đã rất hài lòng khi mua tập Bách khoa Toàn thư Thế giới, và đã chi một khỏan tiền khá lớn, tính vào thời điểm đó. Bằng việc làm như vậy, ông bà đã cho tôi và chị tôi món quà tri thức vô giá. Ông bà cũng đặt mua các tập phát hành bổ xung. Mỗi năm, một tập về các phát minh mới và các sự kiện thời sự lại đến – đánh số 1970, 1971, 1972, 1973 – và tôi nôn nóng đợi đọc chúng. Những tập mới bao giờ cũng có các nhãn ghi bổ xung cho các đề mục trong các tâp gốc theo vần alphabet. Nhiệm vụ của tôi là gắn các nhãn này vào các trang thích hợp, và tôi luôn làm công việc này một cách rất nghiêm túc. Tôi đã giúp sắp xếp mọi thứ theo trình tự lịch sử và khoa học, làm thuận tiện cho bất cứ ai sẽ mở những cuốn sách này trong tương lai.

Do quá hâm mộ Bách khoa Toàn thư Thế giới, một ước mơ tuổi thơ của tôi là sẽ trở thành người viết bài cho nó. Nhưng đâu phải bạn có thể gọi điện tới trụ sở của World Book ở Chicago và tự đề nghị. Ngược lại World Book phải biết và tìm tới bạn mới được.

Vài năm trước đây, tin hay không tin, cú điện thoại mà tôi mong đợi cuối cùng cũng đã đến.

Theo một cách nào đó, sự nghiệp của tôi tới lúc ấy đã biến tôi đúng thành loại chuyên gia mà World Book thấy thích hợp để đề nghị viết bài. Họ không nghĩ rằng tôi là chuyên gia số một trên thế giới về hiện thực ảo. Nhân vật này sẽ rất bận rộn để họ có thể tiếp cận. Còn tôi, tôi ở mức giữa – có uy tín đủ mức … nhưng không quá nổi tiếng để có thể từ chối họ.

“Ông có muốn viết đề mục mới của chúng tôi về hiện thực ảo?” họ hỏi.

Tôi không thể nói với họ là tôi đã đợi cú điện thoại này cả cuộc đời tôi. Tất cả những gì tôi có thể nói là: “Vâng, tất nhiên!” Và tôi đã viết đề mục đó. Tôi có kèm theo một bức ảnh chụp sinh viên Caitlin Kelleher của tôi đang đội một thiết bị mũ hiện thực ảo.

Không có biên tập viên nào hỏi xem tôi đã viết những gì. Tôi giả thiết đó là cách làm việc của World Book. Họ chọn một chuyên gia, và tin tưởng vị chuyên gia sẽ không lạm dụng đặc quyền được trao.

Tôi không mua ấn bản mới nhất của Bách khoa Toàn thư Thế giới. Thực ra, sau khi đã được chọn để trở thành tác giả trong World Book, bây giờ tôi tin rằng Wikipedia[11] là nguồn hoàn toàn đủ để bạn tra cứu thông tin, bởi tôi đã biết thế nào là kiểm tra chất lượng của bách khoa toàn thư thật. Vậy mà thỉnh thoảng khi ở trong thư viện cùng các con, tôi vẫn không tránh khỏi việc tìm vần “V” (“Virtual Reality”) trong World Book để chỉ cho chúng xem đề mục mà cha của chúng đã viết.

Nguồn: truyen8.mobi/t86188-bai-giang-cuoi-cung-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận