Bão Lạc Mùa Truyện 14


Truyện 14
Ka- chi đậu trên mái nhà

Tuyết vẫn chưa tan nhưng trên mái nhà bắt đầu nghe thấy tiếng lạo xạo. Hình như đó là tiếng những chú chim ka-chi tìm góc đậu.

Đằng chúc đầu xuống trang web để lục tìm nốt những dữ liệu. Tin tức online như những mảnh vỡ hạt nhân bắn ra tứ tung; đây một vụ tai nạn cụt tay một lao động lưu vong Việt, người bị nạn làm đã hơn hai năm, không có bảo hiểm, cộng đồng người Việt ai có lòng hảo tâm hãy cứu giúp; đây một cô dâu Việt gặp phải người chồng Hàn dị tật, cô suốt ngày bị nhốt trong bốn bức tường để chăm sóc cho gã chồng, cô vớ được một cái máy vi tính, mò mẫm biết là có nối mạng, lại mò mẫm tìm cách lập địa chỉ yahoo.com để gửi thư cho trang web mà cô vớ được, cô kêu cứu nhưng ai cứu cô đây, cô không biết ai sẽ cứu cô bằng cách nào, cô đã nhận tiền cưới, đã làm lễ có đủ mặt cha mẹ họ hàng làng xóm, mọi người đã chúc vợ chồng cô trăm năm hạnh phúc, chồng cô tuy không có mặt ở đám cưới vì chồng cô gần đến ngày cưới thì bị đi viện cấp cứu cảm cúm khéo không lại bị cái căn bệnh sốt nhiễm vi rút gia súc, cả nhà gái thông cảm lắm, họ nhà trai ở tận xa xôi đất nước Hàn Quốc sang, ăn bận đẹp đẽ sang trọng rõ ra người có học chẳng thể lừa ai có bị ai lừa thì có, thế là cưới được vợ trẻ đẹp mang sang Hàn, về thành phố công nghiệp Ulsan nổi tiếng mà sinh sống, mà đẻ con Hàn-Việt cho nhà người ta, đời cô sung sướng là thế còn kêu nỗi gì, vậy nhưng cô đã bị lừa thật rồi, chồng cô bị thần kinh nặng lắm, tội nghiệp anh ta nhưng cô vẫn phải kêu cứu thôi, nếu không kêu cứu thì cả đời cô bị chôn sống mất rồi; đây một nữ sinh viên Hàn đang học tiếng Việt muốn tìm một cô giáo dạy tiếng người Việt; đây một tổ chức những người Hàn yêu Việt Nam đã thành lập để giúp đỡ giao lưu...

Đằng tự hỏi, tại sao những người Hàn yêu Việt Nam kia không đọc được những lời kêu cứu nhỉ? Nếu họ đọc được thì họ có ra tay cứu giúp những người Việt lưu vong đang cần cứu giúp kia không? Nếu họ không cứu giúp những vụ việc này thì họ thành lập ra cái hội đó để làm gì vậy?

Còn mình?

Cô ghi tên mình trong chuyên mục cần tìm việc làm ở Seoul trong trang web của Hội sinh viên Việt Nam tự lập ra. Nguyễn Thị Đằng, hai mươi nhăm tuổi, biết nói chút ít tiếng Hàn. Chẳng hiểu sao bố mẹ lại đặt một cái tên chán đến thế. Chẳng thể nào thay đổi được. Sang đây khi làm mọi giấy tờ khai, cái tên Nguyễn Thị Đằng mất dấu thành ra Nguyen Thi Dang. Người Hàn gọi chệch ra thành Th... Gi... ang. Chẳng ra Thang cũng chẳng ra Giang.

Suốt tối này sang tối khác, Đằng cần mẫn lục tìm trên những trang web. May ra có ai đó cần đến cô.

Trong khoảng thời gian chờ đợi ngắn nhất, cô cũng đã kịp theo học cái thứ tiếng Hàn khó nhằn khó nuốt, đắng như thuốc kí ninh. Lớp học có mươi người thì phần đa là dân Tàu, phần còn lại là dân Nhật Bổn và Mông Cổ, người Việt gốc chữ hệ la-tinh ấn thứ chữ tượng hình vào đầu ngang với ấn quả tạ vào túi mà đi lơ ngơ trên xa lộ. Nhưng rồi kiểu gì thì cũng phải trôi. Không trôi cô giáo người Hàn cứ hỏi mãi hỏi mãi, bắt trả lời bằng được thì thôi. Học tiếng Hàn bằng tiếng Hàn. Rồi cũng nghe được hiểu được nói lơ lớ được chút ít đủ để đi chợ đi siêu thị mặc cả, kêu pi-sài-ô đắt thế, chào a-nhăng-hi-ga-se-ô, cảm ơn gàm-sa-ham-ni-đà…

Ban ngày cô theo Hướng, đứa bạn gái thân nhất hồi học cấp hai (sang Hàn rồi theo chân đám lưu vong ở lại), hai đứa cùng đi chiếc xe đạp đến xưởng cắt may để thử việc. Thời gian thử việc dài lê thê. Khi chủ thấy ưng sẽ được đứng cắt chỉ cả ngày. Cả tháng kiếm ít cũng được ngàn đô. Ăn tiêu thuê nhà điện nước đi lại hết chừng sáu trăm đô (với cố gắng cao nhất), còn lại hai trăm đô gửi về nhà cho bố mẹ một trăm, nhờ bố mẹ cất giữ một trăm.

Cái xưởng may ấy nhỏ xíu treo lơ lửng như cái chuồng cu ở trên gác hai một khu nhà lổn nhổn, tầng một cho thuê bán rau quả, tầng ba là một dãy nhà trọ rẻ tiền. Thi thoảng từ trên gác ba phi xuống một đôi ba đôi giày khủng bố Pắc-Chung-Hi (là Đằng thấy bố ở bên nhà gọi loại giày to đùng như vậy, loại giày này đám thanh niên híp hóp thường mặc với quần thụng có lắm cái túi lủng lẳng khắp nơi từ mông đến đầu gối). Đôi ba đôi giày ấy mắt nhìn thẳng lạnh lùng, không để ý đến đám thợ may ở tầng hai, càng không để ý mấy cô gái Việt đầu đội mũ trùm kín hở ra hai con mắt không dạn dĩ thì cũng ngơ ngác nơi xứ người.

Đằng đánh rơi cái chùm chìa khóa ngay cạnh một đôi giày đang đứng hút thuốc ngay sát hành lang. Cô ngập ngừng một giây không định liệu được nên cúi xuống nhặt hay đợi cho cái đôi giày to xù thơm nức kia bước đi.

Gã đứng hút thuốc nhệch miệng ra cười nói một tràng tiếng Hàn, đại loại gã hỏi cô chắc là người Việt Nam sang, chắc là cô làm trong cái xưởng may nhếch nhác kia, chắc Việt Nam không lạnh bằng bên này. Gã nói mãi thì cô cũng hiểu được gã tên Kim, gã đơn giản là một sinh viên mới rời quân ngũ và đang theo học tiếp tại khoa Luật trường Ko-rê-tê, tiếng Anh gọi là Korean University, một trường đại học cổ kính nổi tiếng do tập đoàn Sam-sung bảo trợ toàn phần. Đằng có biết trường này. Thi thoảng cô đi subway đường line số 6 để đến chơi với đứa bạn làm ở cái xưởng làm cặp tóc cũng ở phía Bắc sông Hàn như xưởng may của cô, lên cửa ga Ko-rê-tê rồi mới biết mình lên nhầm cửa. Cô đi xuyên qua trường, ngó nghiêng những tòa cao tầng đầy ắp sinh viên, thậm chí tò mò bước xuống cả khu tầng hầm liên siêu thị nhà hàng cà phê phòng ốc la liệt laptop dùng mạng hai-fai, thư viện chỉ dành cho sinh viên. Mọi thứ đều sáng choang và choáng ngợp chữ nghĩa. Đằng còn dừng lại trước một tấm panô bằng cả mảng tường ghi tất cả những loại ngôn ngữ có trên thế giới (và hẳn là những sinh viên ở mọi quốc gia học ở trường đã nghĩ ra trò này), cái câu mà cả thế gian từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều khoái tai khi được nghe: I love you = anh yêu em = em yêu anh = tình yêu.

Cô biết trường Ko-rê-tê, thành ra bỗng nhiên thấy nể gã. Cô chỉ cái chùm chìa khóa, nói một dãy từ tiếng Việt xin lỗi tôi nhặt cái chùm chìa khóa thôi không có ý gì. Gã “giày khủng bố” nhích chiếc giày to đùng ra cười cười ra ý hiểu, và gã cúi xuống nhặt cho cô, điệu bộ khá nhã nhặn. Bạn gái tên Hướng vẫn hay dặn dò rất kỹ lưỡng đừng tin bất cứ sự nhã nhặn nào nơi xứ người nhưng cũng đừng bỏ qua cơ hội. Đằng giơ tay ra xin lại chùm chìa khóa nói câu gàm-sa-ham-ni-đà rồi bước đi.

Gã vô tình nhìn theo cô gái Việt. Cô đi khuất sau bức tường của cái xưởng ẩm thấp, nét mặt cô khi ẩn khi hiện bên dãy cây ưng-heeng lá vàng thơ thớt phía ngoài khu nhà. Có tiếng chim ka-chi kêu chíu chít trên những cành cây vừa mới trĩu nặng vì tuyết, giờ đây trơ khấc ra dưới bầu trời xứ ôn đới.

Hôm sau hai người lại chạm mặt nhau ở chân cầu thang. Đôi giày khủng bố không lơ đãng nhìn cô gái. Gã vui ra mặt. Ngay cả Đằng cũng thấy hết muốn đừng tin bất cứ sự nhã nhặn nào nơi xứ người. Cô chào gã bằng thứ tiếng Hàn khẩu vực hệ la-tinh. Gã rất ngạc nhiên, liền xổ ra hàng tràng hàng tràng thứ tiếng Hàn ở một vùng nào đó xa xôi cách Seoul hàng vài


trăm dặm.

Họ đứng bên hành lang của cái xưởng may nghèo nàn.

Gã có thói quen hút thuốc liên tục. Cô gái im lặng nhìn ra ngoài bầu trời ẩm ướt vì tuyết đang tan. Gã nếu mặc bộ quân ngũ có lẽ nom rất bảnh. Gương mặt thư sinh trắng trẻo. Gã ở trong quân ngũ ba năm, đủ để đánh những trận tập khủng khiếp, suýt nữa bị tóm đi xứ sở của ngàn lẻ một đêm cổ tích nếu như không có sự bảo trợ của một tập đoàn hùng mạnh, sự bảo trợ này nằm trong kế sách nuôi dưỡng nhân tài của đất nước gã. Cô không am hiểu lắm những chuyện đó. Cô chỉ đơn giản sang đây kiếm việc làm, kiếm tiền, số tiền nằm trong dự định, trong mơ ước đổi đời của những cô gái Việt nghèo. Gã không hiểu lắm mơ ước giản dị của cô gái đến từ một xứ sở của phương Nam. Gã không bị đói. Gã chỉ trải qua nỗi lo sợ. Trong quân ngũ, gã đếm những ngày còn lại một cách chậm chạp và cay đắng. Cô gái lại không hề đếm thời gian trôi qua bằng tâm trạng lo sợ. Cô chỉ nóng lòng muốn ổn định cuộc sống.

Trang web của những sinh viên Việt Nam sống trên đất Hàn có muôn vàn tin vui. Chẳng hạn thông báo của một nhân vật nào đó về ý tưởng kinh doanh táo bạo của mình, thông báo thời tiết Seoul và những vùng khác, thông báo giá cả thị trường, mời họp lưu học sinh sinh viên, mua bán trao đổi thông tin, hàng hóa, những bài giới thiệu về miền du lịch cổ kim.

Đằng vẫn dán mắt vào màn hình. Cô có kinh nghiệm được bạn gái tên Hướng truyền cho: cứ thản nhiên đi vào những khu giảng đường của những trường đại học, ở đó có những dãy hành lang sáng choang mà người ta đặt hàng dãy vi tính nối mạng. Cứ việc thản nhiên tiến đến và mở hộp thư email quốc tế của mình. Muốn cho chắc ăn không bị ai quấy rầy thì nên đeo một cái ba lô và một cổng hai-fai nhạc sập sình giống như những sinh viên Hàn. Thế là tha hồ mà viết thư gửi thư, tha hồ lục tìm những trang web mà không bị tốn một xu nào. Lúc đói thì ra căng tin của nhà trường. Thích uống thì cho xu vào máy bán hàng, máy sẽ nhả ra một ly cà phê thơm lựng rẻ bằng nửa ở ngoài. Trình độ lục tìm thông tin trên những trang web của các cô gái nông dân Việt cứ thế tăng dần (dĩ nhiên kèm theo là trình độ chát, gửi thư qua mạng của những nông dân bên nhà cũng nhờ thế mà tăng dần). Cho đến khi những người Việt lưu vong có kinh nghiệm truyền miệng là để ý xem có ai ném những đồ dùng đã cũ ra vỉa hè thì nhặt về. Trang web của sinh viên Việt còn đăng tải những địa chỉ hấp dẫn để cộng đồng người Việt biết đường mà nhặt nhạnh. Nào ti vi, tủ lanh, máy giặt, vi tính, laptop, nồi cơm điện… Nếu không có ai nhặt, có thể cảnh sát sẽ tìm ra chủ nhân và phạt nặng vì đã thải rác ra nơi công cộng. Cộng đồng người Việt nhặt được vi tính thì thôi rồi, thư từ liên tục. Con mới đẻ ra chưa biết mặt cũng gửi ảnh qua mạng.

Trên trang web lại có cả hình ảnh những đám cưới dâu Việt rể Hàn tưng bừng. Không phải đám nào cũng là đám lừa. Tất cả những lái xe già trên đất Seoul đều rất nhiệt tình khi khách bước lên xe họ là một cô gái đến từ Việt Nam, đất nước có hòn ngọc Viễn Đông, nơi một thời trai trẻ của họ đã bị lấy mất và suốt cuộc đời còn lại họ luôn khắc khoải.

Hai người đứng ở hành lang nhìn tuyết tan.

Khi ấy những chú chim ka-chi đã về thật rồi. Chúng đang líu ríu làm tổ trên mái nhà. Thi thoảng một con ka-chi đực bay sang cành ưng-heeng gần kề mái nhà bứt một cái lá vàng. Thi thoảng một con ka-chi cái uốn lượn khoe cặp chân xinh. Chúng chí choé bận rộn thản nhiên.

Mùa xuân đặt bước chân đầu tiên lên cành ưng-heeng. Rồi bước lên mái nhà cổ phía bắc sông Hàn Giang.

Mùa xuân rồi cũng sẽ chạy sang phương Nam.

Bức thư sau đó mà Đằng gửi về cho bố mẹ có đoạn viết:

“Con đã có việc làm ổn định. Con quen con trai của chủ xưởng may. Chủ xưởng may là một ông già rất tốt bụng. Ông ấy ngày xưa đi lính Pắc-Chung-Hi đóng ở Vũng Tàu nên rất quý chúng con vì ân hận với người Việt mình. Khi ở xưởng hết việc, ông ấy dẫn chúng con đi làm thuê ở những xưởng khác. Ông ấy cũng làm như chúng con, không hề dám nghỉ ngơi. Bố mẹ ơi, có thể vì thế mà đất Hàn giàu có thật nhanh chóng…?

Con và anh ấy hôm nay đã nhìn thấy cái tổ chim ka-chi kết bằng lá ưng-heeng vàng rất đẹp trên mái nhà xưởng… ”.

Họ vẫn đứng bên hành lang nhìn ra bầu trời ẩm ướt
tuyệt đẹp.

Những chú chim ka-chi thì đang đậu trên mái nhà. Hàng cây ưng-heeng nghiêng nghiêng trước gió.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86976


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận