Bữa ăn tối trôi qua gượng gạo. Tôi lơ đãng nhìn xuống thành phố lấp lánh ánh đèn bên dưới, lòng tự hỏi, có thật rằng trái tim mình đang mang một sự sống? Bản nhạc hòa tấu Nocturne của Chopin tôi rất thích đang nhẹ nhàng rơi từng nốt như những bước chân khẽ trong đêm. Ánh sáng ấm cúng từ những ngọn đèn nhỏ thả xuống từ trần nhà, bóng nến lung linh và đóa hoa hồng thẫm trên bàn ăn của chúng tôi, cái không khí thơ mộng và lãng mạn dành cho những cặp tình nhân mà sao lòng tôi vẫn dửng dưng trống vắng. Bên kia mặt bàn, không nhìn, nhưng tôi vẫn cảm được ánh mắt Định theo tôi chẳng rời. Định chợt thở ra một hơi dài, "Cho anh ngắm lại bàn tay Trân một chút được không?". Tôi ngạc nhiên trước câu nói của Định, nhìn xuống đôi tay gầy với những móng tay ngắn không chút thuốc sơn trang điểm, cười buồn: "Tay Trân muôn đời... xấu, anh ngắm làm gì! Anh tính làm thầy bói hở?". Định cười lớn: "Không, anh chỉ muốn xem móng tay Trân bây giờ có sạch sẽ hơn cái cô bé Trân dạo xưa không. Nhớ dạo xưa học cùng lớp, anh cứ phải mang cắt móng tay cho Trân cắt. Trân này...". Giọng Định bỗng ngập ngừng, và như thu hết can đảm, anh nhìn thẳng vào mắt tôi: "Anh vẫn còn yêu em. Dù cuộc đời em
có ra sao chăng nữa, anh vẫn muốn đi cùng với em. Anh muốn nói, em có bằng lòng làm vợ anh không?" Câu hỏi Định đưa ra thật bất ngờ và thẳng thắn khiến tôi ngẩn ngơ. Cái câu hỏi vẫn lại không đúng lúc, vẫn lại đột ngột như cùng một câu Định đã hỏi tôi 20 năm về trước. Tôi thở dài, cúi nhìn xuống những đường gân xanh chạy trên mu bàn tay: "Chúng mình già cả rồi". Định ngửa cổ dựa vào thành ghế không nói. Một vài phút trôi qua, giọng anh đầy cay đắng: "Ngày xưa, em đã cười vào mặt anh, em bảo anh còn con nít quá. Bây giờ, em trả lời chúng mình đã già cả rồi. Anh là cái thằng luôn luôn đến không đúng lúc, phải không?" Tôi không đáp, chỉ hiểu tôi đã nói một điều thật với lòng mình. Định đứng dậy, "Chúng mình về nhé?". Nước mắt tôi chợt muốn trào ra. Có phải người đàn ông nào cũng chỉ muốn được thỏa mãn về phần mình, dù cho họ có nhân danh tình yêu chăng nữa? Chúng tôi đi bên cạnh nhau lặng lẽ ra bãi đậu xe. Đưa tôi đến tận cửa chung cư tôi ở, Định nhẹ nhàng: "Xin lỗi Trân, anh buồn quá. Dù sao anh vẫn mong có một ngày được nghe câu trả lời khác hơn của em". Dưới ánh đèn vàng vọt mờ từ cánh cửa của chung cư, khuôn mặt gầy khắc khổ của Định như dài thêm ra. Tôi bỗng chạnh lòng: "Trân cũng xin lỗi anh. Cám ơn anh về bữa ăn. Anh ngủ ngon..." Tôi bỗng ngượng vì câu nói khuôn mẫu kiểu Mỹ mình vừa thốt ra. Làm sao Định có thể ngủ ngon cũng như tôi có thể ngủ ngon đêm nay? Định như chẳng để ý đến điều gì, anh nói nhỏ, "Bye Trân". Anh quay lưng ngay sau câu nói, không đợi tôi vào hẳn trong nhà như mọi khi.
Mùa đông, cái lạnh như cùng nghĩa với nỗi cô đơn. Cái lạnh lại càng buốt hơn đối với những người thiếu thốn đủ thứ như mẹ con tôi. Mỗi đêm, chúng tôi hạ nhiệt độ trong nhà xuống chỉ còn 60 độ F để tiết kiệm tiền sưởi. Con bé Nga co quắp thân mình như con tôm dưới tấm chăn đã sờn mỏng. Hai mẹ con rúc vào nhau để thêm hơi ấm. Ngoài phòng khách, Ly và Lan cũng túm tụm trên tấm nệm của hội bảo trợ cho. Bốn mẹ con chỉ dám mướn căn chung cư một phòng ngủ tại một khu xóm xô bồ nghèo nàn. Còn Quý? Tôi cay đắng mỗi khi nghĩ tới chồng mình đang nệm êm chăn ấm với một người đàn bà khác để "làm nghệ thuật". Cũng vì ba chữ "làm nghệ thuật" đó mà tôi đã yêu Quý điên cuồng, đã để cho Quý được tự do sống như một người không trách nhiệm dù khi chúng tôi đã nên chồng vợ, và cuối cùng thì cũng đành để Quý ra đi mãi mãi theo "con đường nghệ thuật" Quý chọn với cô người mẫu năm xưa của trường Cao đẳng Mỹ thuật. Cái sai lầm của người đàn bà là cứ mải miết chạy theo cái bóng hình họ yêu mà không chịu nhìn lại điều bình thường nhất ở ngay bên cạnh mình. Cái điều bình thường của tôi là Định, là cái tình yêu anh dành cho tôi hai mươi năm chẳng đổi. Tôi nhìn thấy tôi tóc thề tung bay theo gió trưa hè lồng lộng, với Định bên cạnh. Hai đứa ngồi vắt vẻo trên lan can lầu hai của trường. Định lấy cái cắt móng tay trong xâu chìa khóa anh vẫn đeo ở thắt lưng đưa cho tôi, chọc quê: "Con gái gì mà lúc nào móng tay cũng dơ đủ màu. Có cần anh cắt dùm không!" Tôi nổi xung, nắm chặt hai bàn tay để giấu những ngón tay vào trong: "May anh không phải là má Trân. Gặp bà má như anh chắc Trân lấy chồng sớm cho sướng". Cái mặt tôi hếch hếch tơn tơn chẳng hiểu sao khiến Định ngây ra ngắm. Đột nhiên, Định buột miệng nói khơi khơi: "Trân dễ thương quá. Má anh cũng thích Trân lắm. Anh có nói với má để xin làm đám hỏi.." Tôi vụt phá ra cười, la lớn: "Trời đất ơi, anh còn con nít quá mà cưới hỏi cái gì? Mà Trân cũng đâu có "gì" với anh đâu mà anh nói tỉnh bơ vậy?" Cái câu nói thản nhiên như gáo nước tạt vào mặt của tôi đã khiến Định bỏ học suốt tuần lễ. Minh nói với tôi: "Trân ác quá. Định đau hai chữ "con nít" Trân dùng lắm đó. "Tội hắn". Tôi bướng bỉnh, "Mới có hai mươi hai tuổi mà không phải con nít sao?" Tôi không hiểu cái nghệ sĩ tính của Định nằm ở nơi nào trong con người anh mà anh quyết định thi vào trường Mỹ thuật. Anh hơn tôi bốn tuổi nhưng vì là con trai duy nhất trong gia đình mẹ góa nên được hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Nhìn anh là thấy cả một trời... nghiêm nghị hoàn toàn. Mà tôi thì lại mang tính ưa diễu cợt. Trong thế giới của những người mang tiếng nghệ sĩ, anh lúc nào cũng tươm tất, bóng bẩy từ mái tóc thường trực phủ briantine láng o, rõ cả từng đường răng lược; đến áo sơ-mi cài từ hột nút đầu tiên ở cổ áo đến hột nút tận cùng của tay áo. Cái quần tây anh mặc cũng ủi thẳng hai nếp pli trước sau, nhìn sắc ngọt đến nể. Ngang thắt lưng, là lủng lẳng sợi dây bắt vào chùm chìa khóa, dao xếp ( để... gọt bút chì), cắt móng tay v.v... đút vào túi quần. Tứ thời bát tiết, áo sơ mi tay măng-xết phải bỏ trong quần tử tế. Tôi to nhỏ cùng bọn con gái đặt anh biệt danh công chức hạng A. Công chức thôi chưa đủ, phải xếp cho anh hạng A mới xứng. Tôi tà tà, bê bối đủ kiểu thế mà Định lại để ý, chăm sóc tôi từng chút. Giờ học môn Sơn Dầu, hết buổi, vứt một đống cọ đủ cỡ vào lon xăng, la lên: Trời ơi, lười rửa cọ quá. Bên kia của căn phòng, Định đã chạy sang, ôm đống cọ lui cui rửa, lau sạch sẽ. Giờ vẽ tranh lụa, lại than: trời ơi, làm biếng căng lụa quá. Định đã đến bên hì hụi làm sẵn khung cho tôi vẽ. Khát nước, cũng có Định. Đói bụng, cũng anh Định. Tôi chưa từng yêu ai cũng như chưa từng để ý đến bất cứ người con trai nào nên nhận tất cả những điều Định làm cho mình thản nhiên, không chút thắc mắc. Coi như một ông anh tốt với em gái. Nhưng cũng chính sự ngây thơ chấp nhận của tôi đã khiến Định hiểu lầm là tôi có cảm tình với anh. Một đôi lần, Định rủ cả lớp đến nhà anh chơi. Gia đình anh chỉ có ba mẹ con. Mẹ anh mở cửa tiệm tạp hóa nhỏ ở khu ngoại ô Gia Định yên tĩnh. Lần đầu tiên đến nhà anh, khi Định vừa nói tên tôi, bà ấp chặt hai bàn tay tôi trong đôi tay dày ấm áp của bà: "Bác nghe Định nói nhiều về con lắm. Con thiệt là dễ thương đúng như bác nghĩ". Sự ân cần quá mức của bà khiến tôi vừa cảm động, vừa ngượng với các bạn cùng lớp. Nhưng mà tôi thiệt sự mê vườn cây ăn trái rộng sau nhà anh. Ổi xá lị, xoài tượng, nhãn, na v.v... Toàn những trái cây tôi ưa thích. Định gióng lên: "Mai mốt về coi nhà cho anh, tha hồ ăn trái cây... " Tôi hì hà ăn uống thả giàn, chẳng thèm lý gì đến những thông điệp ngầm anh gửi đến. Tôi lì lợm thế mà bị Quý đánh gục dễ dàng bởi một coup de foudre- tiếng sét ái tình- cái danh từ nghe chừng cải lương nhưng thật sự, sức chấn động của nó phải người nào đã trải qua mới hiểu nổi. Đầu niên học của năm thứ ba, Quý từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế đổi vào, học lớp tôi, ban Điêu khắc. Quý thu hút tôi ngay từ khi anh bước vào lớp. Quần ka-ki bạc màu, áo blouson mỏng lùng phùng ngoài cái T- shirt trắng; cái túi dết, mái tóc dài chấm vai hơi gợn quăn, khuôn mặt vuông vức với những góc cạnh mạnh bạo của một pho tượng. Đôi mắt Quý thật sáng, sáng lạ lùng dưới hàng lông mày to đậm. Trái tim tôi nhói lên một cảm giác kỳ quái, như tiếng chuông của định mệnh vừa được gióng lên. Ngoài những giờ học chung nhau, tôi hay la cà xuống phòng điêu khắc xem Quý làm việc. Những tảng đất sét vô tri bỗng như tỏa? ra sức sống dưới đôi tay to khoẻ, tài hoa của Quý. Quý miệt mài xoay quanh những pho tượng, những bức phù điêu đủ mọi hình tượng độc đáo. Ánh mắt Quý ngời ngời nỗi đam mê, rực rỡ ánh lửa hạnh phúc của người sáng tạo. Quý cũng chẳng buồn để ý đến đứa con gái ngồi lặng lẽ ở một góc phòng, đang bị sức hút từ con người Quý làm cho điên đảo.
Tất cả những thay đổi của tôi không qua được cặp mắt tinh tế của Định. Thay vì giận dữ hay ghen tức với Quý, Định lại hay rủ Quý đi chơi cùng, lại còn làm ông mai cho tôi và Quý nữa chứ. Mùa đông năm đó, dịch cúm nặng lan khắp thành phố. Hai ngày liền không thấy Quý đi học, tôi sốt ruột hỏi Định. Chiều đó, Định ghé nhà cho tôi biết Quý đang bệnh dữ lắm, khuyên tôi nấu cháo cho Quý rồi anh sẽ chở tôi đến thăm. Tôi vừa mừng vừa lo, lấy tiền quà mẹ cho đi học, chạy ra chợ, mua lạng thịt bò về băm nhuyễn, ướp thiệt nhiều hành tiêu, chút nước mắm, bột ngọt như mẹ hay làm mỗi khi cha tôi ốm. Nấu xoong cháo hoa nóng hổi bỏ vào cà-mên, ngăn kia là thịt bò đã ướp, nói dối mẹ là nấu cho... má của Định ăn vì bà đang nằm nhà thương, tôi hồi hộp đi cùng Định đến thăm Quý.
Cái gác lửng anh ở trọ nhỏ xíu, bừa bộn quần áo. Tôi bối rối cười nói huyên thuyên cho đỡ ngượng. Quý cảm động thấy rõ trước sự săn sóc bất ngờ anh nhận được. Còn Định, tôi không hiểu anh thật sự nghĩ gì, nhưng đó chẳng phải là điều quan trọng. Cái điều quan trọng là Quý đã NHÌN thấy tôi.
Quý là mẫu người đam mê đúng nghĩa. Khi anh nhìn thấy tôi, anh lao vào tình yêu điên cuồng, dữ dội đến độ tôi tự hỏi, có thật sự anh yêu tôi hay tôi chỉ là một cảm hứng nhất thời trong cuộc đời anh? Xã hội ViệtNamdạo ấy không phải là một nước Mỹ với tinh thần tự do luyến ái, tự do biểu lộ tình cảm của mình trước công chúng, nhưng Quý bất chấp. Những giờ học chung, anh ngồi bên tôi, nắm tay, quàng vai thản nhiên trước đôi mắt khó chịu của một số bạn bè. Anh hôn tôi bất cứ lúc nào anh muốn, chẳng thèm lý tới chúng tôi đang ở đâu: giữa sân trường, trên hành lang, trong xe bus, trên đường phố. Anh biểu lộ tình yêu nồng nàn đến độ nhà trường phải ra thông cáo yêu cầu sinh viên nên có những hành vi đàng hoàng trong khuôn viên nhà trường. Thật sự, lúc đầu, tôi có ngượng và phản đối anh, nhưng cái sức mạnh kỳ bí ở con người anh phá tung tôi, khiến tôi choáng váng, quay theo anh vào cơn lốc tình cảm không cưỡng chế nổi. Lần đầu tiên đến nhà tôi, anh vẫn thản nhiên nắm tay, quàng vai tôi ngay trước mặt mẹ. Bà cụ nổi điên, đuổi anh ra khỏi nhà, không cần đến một lời nói lịch sự nào. Bà gào lên, mắng tôi như một đứa con gái đứng đường "... ăn phải cái gì của nó mà để nó nắm tay nắm chân không coi mẹ mày ra cái gì hết cả? Vân vân và vân vân... " Bà nhất định một hai không cho tôi tiếp tục học cái trường vớ vẩn đó nữa. "... Nghề chẳng ra nghề. Họa sĩ là cái gì? Rồi cũng chỉ chết đói chứ báu gì hai tiếng nghệ sĩ! Một đứa nghệ sĩ cũng đã đủ ăn mày huống chi hai đứa thì chỉ có nước bại đến đời con đời cháu." Tôi giận anh, giận cả mẹ, nhưng biết không thể nào ngưng yêu Quý. Quý rủ tôi bỏ nhà ra Vũng Tàu. Tôi đang trong tâm trạng của kẻ bị "đời" hắt hủi nên một liều ba bảy cũng liều, theo Quý trốn ra Vũng Tàu. Hơn mười ngày, tiêu xài hết tiền bố mẹ Quý gửi vào cho anh ăn và trọ học, chúng tôi ê chề nhận ra rằng với số tuổi quá trẻ của chúng tôi, chẳng ai muốn nhận chúng tôi làm việc gì cả. Thế là lại quay về Sài Gòn. Trở về lần này, Quý không còn chỗ trọ, chúng tôi đành năn nỉ bác cai trường cho chúng tôi ngủ lại trong lớp học sau giờ trường đóng cửa.
Mười đêm ở Vũng Tàu đã để lại cho chúng tôi một kỷ niệm cụ thể: bé Ly. Khi biết mình có thai, tôi tái mặt, khóc ròng rã. Quý cũng chẳng hơn gì. Anh cố làm người lớn ở tuổi hai mươi mốt, nói tôi yên tâm để anh tính. Cái tuổi còn nhỏ hơn cả Định khi tôi cười Định và bảo Định còn con nít quá cách đó hơn một năm. Ngoài giờ học, Quý đi vẽ bảng quảng cáo xi-nê cho một rạp hát nhỏ ở thành phố. Phong trào mặc áo dài vẽ lại đang lên cao độ trong giới phụ nữ, vì vậy, tôi cũng có thể kiếm tiền lai rai phụ với Quý. Mẹ tôi cương quyết không nhìn mặt con nhưng trong một lần đi chợ, tình cờ mẹ con gặp nhau, nhìn thấy tôi mang thai da dẻ vàng vọt, gầy yếu, bà ôm tôi khóc và nhất quyết bắt tôi về cho bà chăm sóc. Mẹ tôi tha thứ cho tôi nhưng vẫn không chấp nhận, bỏ qua cho cái thằng điếm đàng đã quyến rũ con gái bà. Cuộc sống chung ngột ngạt và Quý đã vin vào cớ đó để lên trường ở trở lại mà làm nghệ thuật. Tuần lễ đôi ngày, Quý về gặp tôi. Ánh mắt Quý đã thôi say đắm. Cả hai chúng tôi như người phung phí quá mức sức lực của mình vào một cuộc chơi để rồi khi tàn cuộc, chỉ còn nỗi mệt mỏi, rã rời.
Ngày tôi trở dạ, dĩ nhiên không có Quý bên cạnh. Mãi hai hôm sau, anh mới đến nhà thương. Anh nhìn đứa con gái đầu lòng bằng cái nhìn tò mò lạ lẫm. Bé Ly ra đời được hơn hai tháng thì mất nước. Cuộc sống gia đình tôi chật vật đủ điều. Tôi và mẹ chạy vạy buôn đầu này, bán đầu kia để lo cho gia đình bảy miệng ăn, kể cả con gái tôi nhỏ xíu. Quý xoay qua đắp tượng Bác Hồ và lại sống thảnh thơi. Thi thoảng khi ghé nhà, Quý còn mang được cả sữa bột ngoại cho bé Ly nữa. Tôi cũng không hiểu nổi giữa chúng tôi, như thế có còn được gọi bằng danh từ vợ chồng hay không? Mang mặc cảm đã cãi lời mẹ khi xưa, bản tính lại chịu đựng, và thật sự, lòng vẫn còn yêu Quý, tôi cứ để cho ngày tháng trôi đi như thế, không đòi hỏi, chẳng than vãn. Giữa cơn túng quẫn của cả đất nước và gia đình, một năm sau, bé Lan chào đời. Mẹ tôi lại thêm cớ để rủa xả cái thằng điếm đàng vô trách nhiệm. Tôi cũng giận anh, vì theo lời kể của em gái tôi, khi vào nhà hộ sinh, nghe nói tôi sanh con gái, Quý đã bỏ về ngay, không nhìn đến cả hai mẹ con. Cả nửa năm sau, nửa đêm, Quý lại trở về, gõ lên cánh cửa sổ phòng ngủ của mẹ con tôi. Vừa giận, vừa hận, tôi đã không muốn cho anh vào nhà. Quý hốc hác đen đủi khác thường, nhỏ giọng năn nỉ tôi cho gặp mấy mẹ con, biết đâu chẳng là lần cuối. Lâu quá rồi, tôi mới lại nhìn thấy ánh nồng nàn tha thiết trong mắt anh nên trái tim chợt chùng xuống. Quý hôn tôi tới tấp như ngày xưa. Quý điên cuồng như Quý mang tính chiếm hữu ngày đầu. Sau cơn đam mê, Quý cho tôi hay anh đã theo tập phụ tài công cho một chuyến tàu sửa soạn vượt biên. Trong vòng một tuần, họ sẽ khởi hành theo hải trình đến Thái Lan. Hải tặc là lý do anh không muốn mang vợ con theo. Vì vậy, tôi ráng lo cho con, hy vọng đến được bất cứ quốc gia tự do nào, anh sẽ giúp được mẹ con tôi thiết thực hơn.
Tôi bặt tin Quý có đến hơn năm trời. Quãng thời gian đủ để cho bé Ly ra đời, ăn đầy năm và bi bô biết nói nhưng không biết cha là ai. Nỗi khổ nhọc của tôi tăng lên theo những lời mẹ chì chiết, với những đôi mắt diễu cợt lẫn những lời xầm xì của chòm xóm vì đứa con không rõ xuất xứ. Tôi không còn biếtụ tôi thương hay hận Quý? Tôi có nên cầu nguyện cho Quý hay chờ đợi Quý? Tôi cũng không có tin tức của Định cũng như một số bạn bè từ sau ngày 30 tháng Tư. Quá khứ bỗng chốc bị phá tung tan nát như không còn dấu tích. Tôi đen đủi, hốc hác theo những ngày mưa nắng chợ Trời; tập đanh đá, tập cả lọc lừa. Tôi lầm lũi sống với hiện tại là cơm áo cho ba đứa con đủ sức lớn! Quên, quên hết con bé Trân ngây thơ mơ mộng, nhỏ nhẹ dễ thương trong mắt mọi người ngày nào. Quý đã mang hết đi của tôi sự thơ ngây cũng như niềm tin ở con người...
Hơn một năm sau, thư Quý viết từ thành phố nào đó đến, cho hay anh đang định cư ở một tiểu bang của nước Mỹ mang cái tên xa lạUtah. Tôi chỉ nghe biết tới hai tiểu bang đông đảo người Việt nhất làCaliforniavàTexas. Nhưng, điều đó cũng chẳng quan trọng. Cái đáng nói là anh vẫn còn nhớ đến mẹ con tôi. Mỗi năm, anh gửi quà về được một lần vào dịp Giáng Sinh. Tôi đùa, chắc Chúa nhắc. Những đứa con tôi mong Giáng Sinh hơn cả tết ta. Chúng hãnh diện với bạn bè là đã có người cha ở Mỹ lận. Cứ gần đến Giáng Sinh, chúng lại reo lên, Chúa sắp nhắc bố rồi...
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi như thế với những cánh thư đều đặn mỗi tháng một lá tôi gửi đi và hiếm hoi mới có hồi âm. Tôi viết như một bổn phận, một nhắc nhở Quý về những đứa con chúng tôi đã có với nhau. Sáu năm sau, Quý cho biết anh đã được vào quốc tịch, nói tôi gửi giấy tờ sang cho anh làm hồ sơ bảo lãnh. Ba đứa con gái reo lên, mình sắp gặp bố rồi, phải không mẹ?
Có ai đó nói với tôi, trong tất cả mọi cuộc đoàn tụ gia đình của những người bên này và bên kia quả địa cầu, chín mươi tám phần trăm là tình vui trong phút giây thôi. Và sau đó, nỗi sầu mang suốt đời... Tôi chẳng may mắn để có được, dù chỉ, cái vui trong phút giây thôi của ngày đoàn tụ. Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn nhau. Có thật cái người đàn ông béo phệ đang đứng trước mặt tôi là chàng nghệ sĩ ngày nào tôi đã yêu say đắm? Tôi như đọc được cũng một câu hỏi tương tự trong mắt Quý, có phải người đàn bà... tong teo đen thủi thùi thui ấy là Trân mượt mà khi xưa? Tôi nghe trái tim mình lặng lờ theo ánh mắt không mấy vồn vã của Quý. Nhưng rồi Quý cũng mỉm cười và bước đến gần ba cô con gái, bé Ly đã cao bằng vai cha: Mấy đứa lớn quá rồi há! Quay sang tôi, Quý hỏi thăm y hệt đón một người phương xa ghé đến: Em khỏe không? Bay lâu có mệt lắm không?
Cuộc chia tay thật sự của chúng tôi diễn ra êm thắm. Tôi chỉ nghe đề nghị của Quý và chẳng buồn thắc mắc thêm một điều gì, nhanh gọn như đôi tân lang và tân giai nhân khi đứng trước bàn thờ Chúa nói "I do". Vâng, anh muốn gì cũng được. Quý có vẻ cụt hứng khi tôi không có một phản ứng nào lúc anh bối rối cho biết anh đang sống với Minh Kha, cô người mẫu gốc Trung Hoa ngày xưa trong trường. Minh Kha muốn anh chọn ai thì nên có quyết định dứt khoát (Tại sao không phải tôi, người vợ chính thức của anh, có quyền đặt ra câu hỏi đó nhỉ?). Kha đã bỏ vềCalimột tuần trước khi mẹ con tôi qua, cho anh được tự do suy nghĩ. Và Quý đã quyết định sẽ giúp mẹ con tôi... một tháng để ổn định giấy tờ, cuộc sống. Sau đó, anh về Cali. Cần gì, tôi cứ phone cho anh biết.
Đã hai năm kể từ ngày tôi nếm tận cùng nỗi cay đắng. Tôi gặp lại Định tình cờ trong một buổi chiều hè ngồi đợi chuyến bus cuối, và chiếc xe của Định phải ngưng vì đèn đỏ. Anh không tin ở mắt mình, Định nói, anh ngoái đầu sang nhìn người đàn bà Á đông dáng nhẫn nại dịu dàng, cái dáng anh không bao giờ quên được, ngờ ngợ. Anh vòng xe chạy lại thêm một lần nữa. Khi tin chính là tôi, anh tắp xe bên lề, đợi chuyến bus tới, lặng lẽ theo sau cho đến khi tôi xuống trạm và đi bộ vào chung cư. Anh bước theo, ngập ngừng "Excuse me..." cho... chắc ăn. Chúng tôi đã nhận ra nhau. Anh vẫn thế. Vẫn chemise cổ cài từ hột nút đầu tiên đến hột nút cuối của tay áo mặc dầu đang là mùa hè và quần tây thẳng thớm những nếp pli. Một nỗi ấm áp tràn ngập lòng tôi, cảm giác gặp lại người bạn tốt cũ khiến tôi cười mà chảy nước mắt. Trái tim chỉ rung đến mức đó, và... ngưng! Làm sao bây giờ? Tôi nhìn thấy tất cả những xót xa của anh khi bước vào căn phòng không có đồ đạc nào cho ra hồn của bốn mẹ con tôi. Anh đã giúp đỡ mẹ con tôi nhiều điều, chẳng hạn dậy tôi lái xe. Như giúp hướng dẫn tôi mua một chiếc xe cũ vừa túi tiền. Tất cả những điều anh làm tôi nhận với một sự biết ơn và
quý mến nhưng yêu, sao tâm tôi không có lấy một thoáng
lăn tăn?
Tôi nhìn xuống đôi bàn tay mình. Những sợi gân xanh chạy trên mu bàn tay cùng làn da mỗi ngày mỗi mỏng đi cho tôi hiểu rõ ràng, con bé Trân không còn là con bé Trân của hai mươi năm trước. Quả thật Quý đã làm khánh tận cuộc đời tôi. Tâm hồn tôi đã nghèo tới cái mức tôi không còn thèm muốn một điều gì nữa! Tôi tự hỏi, tôi có cần không một người đàn ông đi bên cuộc đời mình?
Anh Định, tay Trân muôn đời... xấu, anh ngắm làm gì! Anh tính làm thầy bói hở? Khỏi cần, để Trân làm thầy bói cho anh nghe nhé! Trân và anh không duyên cũng chẳng nợ, lẽo đẽo theo ràng buộc đời nhau chi vậy?Trân chẳng muốn làm cái trò cải lương là xúi anh đi lấy vợ đâu. Chúng mình đã... già cả rồi, nào phải con nít bé bỏng mà phải khuyên dạy nhau? Ngày nào cơ duyên đến, có muốn gỡ cũng chẳng ra. Nhưng mà giữa anh và Trân, rõ ràng tụi mình không nợ nhau. Đời sống nước Mỹ gắn liền với bao nhiêu cái nợ, nợ từ bất động sản qua tới những thẻ nhựa, chưa đủ sao mà anh cứ muốn rước thêm bốn cái "của nợ" nữa? Nghĩ lại đi anh Định ơi...