Hãy tưởng tượng như vầy, vào cuối tuần, một cái dằm bay vào mắt khiến bạn phải đi bác sĩ. Cái dằm lại có nguy cơ làm hư một con mắt. Tất nhiên bạn có thể nhìn bằng con mắt bên cạnh. Nhưng về mặt thẩm mỹ không được dễ ưa lắm. Nếu là đàn ông, vẫn dễ chịu hơn nếu như bạn là đàn bà. Đó là lý do tại sao vợ tôi buồn vào sáng hôm nay.
- Em sẽ đeo một con mắt giả suốt đời! - nàng rên rỉ.
Hãy tưởng tượng như vầy, vào cuối tuần, cơ thể bạn bỗng dưng có vật lạ, đó là một con mắt giả. Đầu tiên bạn vẫn theo lệ thường, tức nhìn bằng hai con mắt, nhưng lúc này chợt nhận ra, bạn không thể nhìn bằng con mắt bên kia. Nói rõ hơn chút nữa, bạn không còn hai lựa chọn về nhìn. Bạn chỉ còn mỗi một.
Điều đó cho phép bạn hiểu tại sao, vào sáng thứ bảy vợ tôi buồn. Nàng không tin vào mắt mình, nàng lo sợ một ngày nào đó cái dằm nào khác rơi vào sự lựa chọn còn lại, và nàng không còn sự lựa chọn nào nữa.
Vào cuối tuần, thành phố bụi bặm bủa vây, bạn ghé vào xưởng điêu khắc nhờ tạc bức tượng bán thân bằng đá hoa cương để đặt trong vườn nhà. Mọi vẻ đẹp cần phải lưu giữ, đó là điều nên làm khi có điều kiện. Trên thế giới, ở những nước tân tiến cởi mở, người ta còn đi chụp hình khỏa thân để lưu giữ tuổi thanh xuân nữa kia. Tưởng tượng tiếp nhé, bạn đến studio gặp một người đàn ông lạ, ông ta là thợ chụp hình, ông ta yêu cầu bạn khỏa thân, ông ta đến gần bạn, yêu cầu bạn ngồi như vầy, nằm như kia, ngắm chán chê mọi góc độ với ống kính có khả năng phóng to thu nhỏ, cực nét, và cuối cùng bạn có một tấm ảnh thanh xuân đúng góc độ nhất. Nghĩ như thế để bạn hiểu rằng, chạm một gương mặt bằng đá hoa cương quả là quá khiêm tốn và nói chung là lịch duyệt Á Đông vừa phải lắm.
Thế cho nên bạn mới hiểu vì sao vợ tôi lại đến đây, xưởng điêu khắc của Vỹ. Vỹ là nghệ sĩ nổi tiếng, anh nổi tiếng vì có thể chộp thần thái người ta nhanh đến chóng mặt. Vợ tôi ngồi bên đây, Vỹ ngồi bên kia, đối diện nhau là cục đá hoa cương. Một tuần ba lần, mỗi lần hai tiếng tôi chở nàng đến. Vỹ cầm một cái đục to, đục bùm bùm. Đến ngày thứ bảy thì bất ngờ một cái dằm từ gương mặt hoa cương của vợ tôi bay thẳng vào cái mặt thật của nàng, và nó nằm im trong đáy mắt.
Thật là một ngày thứ bảy tồi tệ. Tượng bán thân vẫn chưa làm xong. Nàng ôm mắt, máu nhỏ ra kẽ tay. Sắc đẹp của nàng đã kết thúc hồn vía của nó như vậy. Nàng oán hận, giá như hôm trước nàng đừng nảy ra ý định lưu giữ vẻ thanh xuân của mình.
Vào ngày cuối tuần, bạn lên mạng chat. Đời sống bây giờ các phương tiện thông tin đưa chúng ta gần lại. Nhưng cũng vì thế mà chúng ta càng cô đơn và cách xa nhau. Chúng ta vào mạng, chúng ta thao tác một vài con chữ, chúng ta gửi nó đi như gửi một lời nói. Chúng ta biết gì về thế giới bên kia nào? Những con người mặt buồn, mặt vui hay mặt rầu? Mũi cao hay mũi tẹt? Chúng ta không biết gì cả. Ví dụ vào ngày thứ bảy bạn gõ vào dòng chữ: “Tôi biết làm gì cho vui vui vào ngày hôm nay đây, làm ơn, làm ơn, làm ơn... giúp tôi”. Bạn gửi đi cùng một lúc cho 100 người, sau đó bạn chờ đợi và đọc từng chỉ dẫn của từng con người vô hình một, bạn sẽ lọc lại xem cái nào thú vị nhất, cái nào có thể làm cho bạn vui nhất. Cuối cùng thì bạn cũng sẽ chọn ra được cái điều bạn muốn: “Hãy đi đến ông Vỹ, mướn ổng đục một cái chân dung. Bạn có thể tiêu khiển trong vòng ba tuần lễ. Nếu chán thì ít nhất bạn cũng có thể nhìn thấy một ông nghệ sĩ, một khi ổng đang làm việc thì ổng trông khó coi như thế nào”.
Đó là lý do tại sao vào ngày thứ bảy, vợ tôi từ trên Sài Gòn, bỏ hết mọi đám đông, bỏ thói chùm nhum, bỏ tất, lặn lội xuống tận Thủ Đức, chui vào một cái xưởng bụi mù, nóng bưng, gặp tay Vỹ xồm xoàm râu tóc và nhận lấy một cái dằm bằng đá hoa cương.
- Ông bác sĩ điên rồi. Nàng hét lên. Ổng bảo, tuy cái dằm nằm bên đây nhưng có thể ảnh hưởng đến con mắt bên kia, vậy là sao chứ? Vợ tôi òa khóc. Nàng cần phải được chụp hình để người ta xem xét kỹ lưỡng hơn.
Sẽ có một cái máy ảnh nào đó chụp bạn, nhưng không phải chụp lấy chân dung mà là chụp xuyên qua vỏ não, người ta tìm kiếm cái dằm, và mối liên hệ của cái dằm với sợi dây thần kinh nào đó với con mắt bên kia. Cuối buổi người ta thu được tấm ảnh về mức độ nguy hiểm. Mãi đến chiều, bạn tiếp tục rên rỉ vì người ta chưa chịu thông báo sự thật cho bạn biết. Có những sự thật chỉ có bác sĩ biết với nhau, họ lừa dối bạn vì không tin bạn có đủ điềm tĩnh nhận thức sự tồi tệ.
- Thật khốn khổ thân em. Nếu hôm đó em đọc và làm theo lá thư thứ 74 thì đã không có chuyện cái dằm. Em lại ngu ngốc làm theo lá thư 75.
Lá thư thứ 74 nói rằng: “Bạn nên đi siêu thị X, lên tầng năm, ở đó có một thứ tuyệt đẹp, và tôi hy vọng bạn sẽ tìm thấy niềm vui ở đó”.
Nó là cái gì vậy? Khi bạn tự hỏi câu này thì bạn mới hiểu tại sao tôi phải tới siêu thị X vào ngày thứ bảy, ngày vợ tôi nằm nhà thương với tấm ảnh vô hình và những ông bác sĩ giấu giếm toa rập nhau không nói lên sự thật. Siêu thị đông kinh khủng và bạn phải lướt qua những người phụ nữ đang đi tìm sự bí ẩn cuối tuần. Họ mang những cái giỏ to đùng, họ không thể nào tưởng tượng được rằng trên thế giới này, vào lúc này, có hàng tỉ tỉ con người cùng bước vào siêu thị, cùng mang tâm trạng: Không biết nên mua gì, có cái gì lạ lùng không vậy ta? Và biết đâu họ cũng vừa nhận được cái e-mail khuyên lên tầng năm siêu thị. Trên đó có gì vậy? Chẳng có gì hết, một gian hàng mắt kính lòe loẹt. Tệ thật. Bạn đã đi một quãng đường 7 cây số vào ngày vợ nằm viện để chỉ mục kích một cảnh ngoạn mục - một gian hàng mắt kính lòe loẹt ư?
Khi bạn vừa dợm bước định quay đi thì một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên bên tai:
- Em biết anh. Hè hè. Anh quên rồi chứ gì!
Đó là giọng nói mềm ngọt của cô bán hàng.
- Anh đến đây mua kính à! Có một cái kính rất hợp với anh, anh hãy xem đây!
- Không, tôi không mua!
Nhưng cô gái đã cúi xuống quầy. Khi cô ngẩng lên thì cái kính đã áp vào mặt bạn rồi.
- Anh nhìn đi, thật hoàn hảo. Cô ta gí cái gương vào
- Sao tôi không nhớ cô? Bạn thắc mắc.
- Anh thì nhớ ai. Cô gái ngúng nguẩy. Anh thấy cái kính này thế nào?
- Cũng đẹp đấy!
- Mở hàng cho em đi, cả ngày hôm nay em chẳng bán được cái nào! Đáng lý em không gọi anh đâu, nhưng rồi bỗng dưng em chợt nhớ em đã nợ anh một món nợ, đành phải trả thôi.
- Là sao chứ?
- Em gói hàng nhé? Cách đây ba năm, anh nhớ kỹ lại đi, ở bên quận bảy. Đây mắt kính của anh. Gói đẹp không?
- Cũng được. Nhưng tôi không cách nào nhớ cô.
- Đành vậy. Cô gái giận dỗi. Nếu thế thì em sẽ không trả nợ cho anh nữa. Xem như xù.
Ừ, xù thì xù. Nhưng có thật là bạn đã quen một cô gái tuyệt đẹp như vậy để rồi vài năm sau bạn quên bẵng? Bạn không có cách gì để nhớ chăng? Vào ngày thứ bảy, lúc vợ đang nằm trong bệnh viện với cái dằm đá hoa cương thì bạn đi tới siêu thị quỷ quái, trèo lên tầng năm, lách qua hàng đống phụ nữ, đem về cho nàng cái mắt kính nhiều màu, dù biết rằng nàng chẳng thể nào dùng được vào lúc này.
Vợ bạn gào lên: Nếu biết vậy thì em làm theo lời chỉ dẫn số bốn hay hơn nhiều.
Bạn có còn muốn nghe theo lời khuyên số bốn không? Có lẽ là không rồi.
Bị gắn một con mắt giả, khi soi gương, bạn sẽ nhận thức được rằng, con người đầy giới hạn, cho dù người ta có cố gắng mô phỏng lại sự thật thì sự mô phỏng nào cũng không thể bằng đôi mắt chính bạn. Bạn không còn muốn nhìn mình nữa. Bạn quay trở lại nhà tên điêu khắc Vỹ, bạn chửi hắn một trận. Bạn dẫn theo chồng bạn, đánh nó cho em. Vì nó đã đem đến chuyện này. Nếu bạn là chồng, bạn chỉ có một trong hai điều lựa chọn, đánh hay không đánh thằng điêu khắc kia. Nếu bạn không đánh, xem như bạn phải sống những ngày tháng còn đau đớn hơn nhiều, vì bạn phải trả lời cho được câu hỏi: Thế anh không dám hy sinh cho tôi à? Anh không yêu tôi à?
Đó là lý do tại sao vào ngày thứ bảy, bị một cái búa đục đá bay vào đầu, và thân thể bạn đau đớn ê chề. Bạn chạy trối chết khỏi xưởng tên điêu khắc gia Vỹ. Khiếp cái thùng thạch cao, khi rơi vào bạn không thể thở ra được nữa. Người bạn cứng đơ như được đổ khuôn. Nghệ sĩ cũng nhiều loại lắm, đừng tưởng chỉ toàn là ốm yếu quặt quẹo vì mải suy nghĩ, có loại to béo múp míp và sức khỏe không thua gì một ông thợ rèn. Và điều đó cho bạn hiểu rằng, chẳng nên gây sự với một nhà điêu khắc, nhất là khi ông ta chuyên trị đá hoa cương.
Hôm nay là ngày thứ sáu, bạn không biết làm gì, bạn có muốn lên mạng và gửi thông điệp buồn bã cho 100 người: “Tôi biết làm gì cho vui vui vào ngày hôm nay đây, làm ơn, làm ơn, làm ơn...giúp tôi”. Tôi khuyên bạn nên thôi. Bạn có tin rằng vào ngày thứ bảy hôm sau, bạn sẽ đi đánh lộn với thằng điêu khắc đá hoa cương, bạn sẽ lặn lội 7 cây số chen chúc với phụ nữ, trèo lên tầng năm siêu thị K chỉ để mua kính mát và khi ra về tự hỏi ray rứt chính ta đã lãng quên một cô gái xinh đẹp trong quá khứ à? Hay là bạn chợt nhận ra cuộc sống của bạn đang trôi đi không bờ bến, có bao nhiêu cái dằm sẽ văng vào mắt bạn, khiến bạn ghét ngày thứ bảy? Nhưng điều đó có chắc gì, những cái dằm rơi xuống vào thứ tư, thứ năm, chủ nhật thì sao? Bạn không thể ghét cả tuần.
Nhưng dù sao đi nữa thì bạn cũng phải nhớ điều quan trọng nhất mà lúc đánh lộn có thể bạn quên khuấy, xuống Thủ Đức lấy cái tượng về. Nó đã thuộc về bạn. Vợ bạn đã trả tiền rồi. Hơi mắc đấy. Khi đi nhớ dẫn theo hai thằng bạn to con. Cuộc sống của bạn là thế...