Bên Cạnh Thiên Đường Chương 23.1


Chương 23.1
Mỗi một người, là một thành phố.

Thích một thành phố, thường thường là vì thích một người trong thành phố đó. 

Rời xa thành phố này, thường thường là vì muốn rời xa một người sống ở đó.     

Mỗi một người, là một thành phố. 

Thích một thành phố, thường thường là vì thích một người trong thành phố đó. 

Rời xa thành phố này, thường thường là vì muốn rời xa một người sống ở đó. 

Con người chiếm cứ thành phố. Nhưng thành phố lại không chiếm hữu con người. 

Giờ đây Lông Mi chiếm cứ tôi, cũng chiếm cứ luôn cả thành phố này. 



Giống như Bất Bất rời bỏ tôi, cũng rời bỏ cả thành phố này. 

Tất nhiên, Bất Bất là kẻ chạy trốn, điều này khiến tôi có cảm giác chính nghĩa cho tình cảm mới của mình. 

Tình cảm rất nhiều lúc cần một chút cảm giác chính nghĩa.   

Trở về thành phố. 

Cùng Lông Mi mang tranh đến chỗ lần trước. Ông chủ chăm chú ngắm nghĩa, rồi quyết định giữ lại hết, hình như có vẻ rất thích bức "Rừng Bạch Dương" kia. 

- Cảm thấy ấm áp rồi đấy, một cảm giác ấm áp rất thật, chúc mừng cô ! 

Ông chủ nheo nheo mắt nhìn chúng tôi, vừa cười vừa nói. 

Lông Mi dựa sát vào tôi, mỉm cười hạnh phúc. 

- Có mở triển lãm được không nhỉ ? 

Tôi mạnh dạn hỏi. 

Em kéo kéo tay áo tôi, tỏ ý mình còn chưa đến mức đó, người giỏi đâu đâu cũng có, không thể làm bừa. Ông chủ phòng tranh hơi do dự, rồi nói có thể làm, nhưng nếu chưa nổi tiếng thì rất khó liên hệ với phòng triển lãm. 

- Thì làm ở quán bar đi ! 

Tôi chợt nảy ra ý tưởng. Chủ phòng tranh thấy đây cũng là một ý hay, từ trước đến giờ chưa có triển lãm nào như vậy, cũng đáng để thử lắm. 

Sau khi thương lượng, cuối cùng tôi phụ trách việc tổ chức, còn ông chủ phòng tranh thì lo tuyên truyền quảng cáo, đồng thời cũng giới thiệu thêm một số họa sĩ rất có phong cách nhưng lại chưa đủ danh tiếng khác tham gia, tất nhiên là mọi phí tổn đều do chúng tôi chịu hết.   

Một buổi chiều rực rỡ. 

Cuộc triển lãm tranh có tên "Thành phố của chúng tôi, tranh của chúng tôi" được tổ chức trong quán bar. 

Từ tuần trước, rất nhiều bạn bè làm việc trong các cơ quan báo chí mà tôi quen biết ở quán đã phát huy tác dụng của mình. Họ hỗ trợ tuyên truyền, thu hút được rất nhiều khách tới tham quan. Cả ngày hôm ấy người đến, người về, rất là náo nhiệt. Mọi người đều rất hiếu kỳ với cái gọi là "triển lãm tranh trong quán bar". Những họa sĩ tài hoa nhưng không có tiếng tăm cuối cùng cũng tìm được cơ hội thể hiện mình, tỷ lệ giao dịch ngay tại chỗ rất cao. Không khí rạo rực.   

Ngoài ra còn có một tiết mục đặc biệt. 

Ở vị trí dễ nhìn nhất, có một bức tranh dùng vải phủ kín, khai mạc đã lâu mà vẫn chưa mở ra. 

- Treo cái gì thế ? 

Lông Mi hiếu kỳ hỏi. 

Tôi chỉ cười cười không đáp, rồi bảo em đoán thử. 

- "Chúng ta từ đâu đến ? Chúng ta là gì ? Chúng ta đi về đâu ?" 

Tôi lắc đầu. 

- "Cá Đuối" của Chardin ? 

Vẫn lắc đầu. 

- "Cưỡng dâm" của Magritte 

Lại lắc đầu. 

Không sai, những bức tranh Lông Mi nhắc đến đều là những tác phẩm mà tôi rất thích. 

Lông Mi bĩu môi, nhìn tôi cười ranh mãnh, rồi đưa tay giật tấm vải xuống: chính là bức "Mẹ" mà em đã định bán đi. Em ngây người ra một lúc lâu, sau đó ôm chặt lấy tôi, kích động vô cùng. 

- Thời gian anh đi miền Tây ấy, em túng quẫn quá, đành phải bán nó đi. 

Em thở dài kể. 

Bức tranh này thu hút khá nhiều người xem. 

Cũng có người muốn trả giá mua luôn tại chỗ, nhưng tôi chỉ mỉm cười từ chối. 

Cũng có nhiều người tìm gặp Lông Mi để đặt tranh, nhưng em cũng chỉ mỉm cười rồi từ chối. 

- Người yêu tranh thật sự, chỉ cần giữ một bức thôi. 

Em giải thích. 

- Giống như trong những câu chuyện tình yêu chân chính, chỉ có thể xuất hiện hai người thôi phải không ? 

Lông Mi khẽ gật đầu, dáng vẻ trông vừa tinh nghịch lại vừa ngoan ngoãn đáng yêu.   

Triển lãm rất thành công. 

Mấy ngày sau, các cơ quan báo chí của thành phố vẫn còn nhắc lại chuyện này, quán bar trở nên nổi tiếng không ngờ. 

Sau đó, chúng tôi còn kết hợp với một số câu lạc bộ văn nghệ nghiệp dư, biến quán bar thành một diễn đàn văn hóa, liên tiếp tổ chức các cuộc triển lãm đồ gốm, triển lãm tranh hoạt họa, triển lãm tượng người thật, lần nào cũng rất thành công, thu hút được rất nhiều người trong giới văn nghệ, và giới công chức yêu nghệ thuật. 

Đặc biệt là cuộc triển lãm điêu khắc người thật đó. Linh cảm đến từ phố người lang thang ở Tây Ban Nha, vì là lần đầu tiên mạnh dạn giới thiệu nghệ thuật mới, nên triển lãm được giới báo chí rất hoan nghênh, cả một số cơ quan báo chí có tính toàn quốc cũng đăng bài, thậm chí còn được binh chọn là "hành động văn hóa hấp dẫn nhất tháng" nữa. Danh tiếng của quán bar mỗi lúc một lên cao, chuyện kinh doanh cũng bước sang một giai đoạn mới. 

Có điều việc này chỉ là thứ yếu. Quan trọng nhất là cái mũ "quán bar mờ ám" đã bị gỡ xuống, giống như những trải nghiệm đau khổ trong quá khứ đã bị quét sạch. Quán bar giờ thật sự trở thành một trạm thu nhận những kẻ lữ hành cô độc, lang bạt khắp nơi, nhưng vẫn còn ước mơ và không muốn từ bỏ. Lông Mi thiết kế một tờ poster, chủ đề là "Quán bar văn hóa - cuốn nhật ký và chất xúc tác của đời sống tinh thần thời đại chúng ta", lột tả tất cả khát vọng ẩn giấu tận sâu bên trong những thứ đang được trưng bày trong quán. Tôi tập hợp một số bạn bè yêu thích viết văn, lập một forum trên mạng, chuyên đăng tải tiểu thuyết, bình luận âm nhạc, điện ảnh, cổ vũ sáng tác mới. thỉnh thoảng tôi cũng viết vài thứ, nói chuyện quá khứ, bàn chuyện tương lai. Có lẽ vì mở quán bar, nên bạn bè tôi cũng tương đối nhiều, mọi người đều thích ghé qua, nên forum càng lúc càng có hơi người. 

Cuộc sống của tôi bắt đầu có ánh mặt trời. 

Trước đây tôi là một kẻ mang trái tim sơ cứng, chìm đắm trong cuộc sống về đêm, mỗi lần thức dậy đều ngước nhìn mặt trời và tự hỏi: "Ngoài tác dụng quang hợp ra, ngươi còn mang lại cho chúng ta được thứ gì nữa ?" Giờ thì chuyện mà mặt trời có thể làm được mỗi lúc một nhiều. Cuối cùng tôi cũng có thể ngẩng đầu mà sống dưới ánh mặt trời rực rỡ, chứ không chỉ dưới ánh mờ mờ ảo ảo kia, và bắt đầu nhận ra quả cầu lửa khổng lồ này còn thú vị và hấp dẫn hơn cục đá lạnh lẽo treo lơ lửng gần trái đất kia nhiều. 

Mỗi sáng đều được đánh thức bởi một nụ hôn ngọt ngào. Mở mắt ra, là nhìn thấy nụ cười thân thiết dịu dàng của của Lông Mi. 

Tôi liền ôm em vào lòng, hít hà cái thứ mùi hòa trộn giữa mùi hương đặc biệt chỉ mình em mới có, mùi chăn đệm và cả mùi nắng ngoài cửa sổ, rồi vui vẻ ngâm nga một câu hát cũ: "Em là người mà anh muốn gặp nhất vào mỗi buổi sáng." 

Ánh mặt trời luôn sưởi ấm khu vườn nhỏ, không khí thanh tân lạ thường. 

Cây ngô đồng lớn, dàn nho trên tường đều đang đâm chồi nảy lộc, xuân ý lan tràn khắp nơi. 

Tôi thích ngồi trên ghế xích đu, ôm Lông Mi vào lòng, lặng lẽ nghe những bản dương cầm của Mozart. 

Bữa sáng thường là trứng ốp la, sữa tươi, bánh mỳ nướng và salad rau. 

Ăn sáng xong, Lông Mi sẽ kéo tôi đi chạy bộ. Mới đầu cảm giác như bị đày đọa, chẳng biết đã bao nhiêu năm rồi tôi không chạy bộ buổi sáng rồi. Lần đầu tiên bò lên ngọn núi nhỏ cạnh nhà, tôi những tưởng mình thở không ra hơi nữa. 

Từ cuối mùa đông, người ta đã bắt đầu thả diều. 

Chúng tôi hay ngồi ở tảng đá trên đỉnh núi, nhìn những con diều cao cao thấp thấp đến xuất thần. Đi xem nhiều, đâm ra quen thân với mấy ông già thả diều ở đó, nên thỉnh thoảng họ cũng cho chúng tôi thả thử.Lần nào Lông Mi cũng không điều khiển được, bị con diều kéo cho phải chạy vòng vòng, tôi nhìn mà không nhịn được cười. 

- Con hổ giấy kia cắt khéo quá ! 

Tôi mời ông già hút thuốc, tâng bốc con diều của ông vài câu. 

- Đó hả ? Là con cá sấu mà ? 

Ông già nhìn tôi với ánh mắt không vừa ý. 

Thả diều của người khác nhiều cũng ngại, tôi bèn về nhà tự làm lấy một con, nhưng có thả thế nào cũng không bay lên được. Ông già thấy thế liền tới xem thử, lật đi lật lại một lúc rồi nói, trọng lượng của hai nan tre không bằng nhau, mất thăng bằng nên đương nhiên là không thể thả được. Sau khi sửa lại, quả nhiên con diều của tôi đã bay lên được. 

- Con cá sấu của bác bay cao thật ! 

Tôi biết muốn cảm ơn ông già, thì tốt nhất nên khen con diều của ông. 

- Đó ấy à, lần này thì tôi làm con hổ giấy. 

Từ đó ông cho rằng tôi không nói thật, không buồn để ý tới tôi và Lông Mi nữa. 

Lông Mi thả diều không giỏi lắm, nên khá tốn sức. Tôi liếc thấy dưới chân dốc có một khoảng đất rộng, bèn nảy ra một ý, lái xe tới, ngồi trước cầm lái, còn em thì ngồi sau thả diều, quả nhiên hiệu quả không ngờ. Về sau liền chở luôn em kéo con diều đi khắp nơi, khiến ai nhìn thấy cũng phải tròn mắt ngạc nhiên.   

Buổi chiều Lông Mi hay ngồi trong vườn vẽ tranh, còn tôi thì ở bên cạnh gật gà gật gù. 

Cảm thấy như vậy hơi lãng phí thời gian, tôi bèn viết truyện đưa lên mạng. Viết truyện ngắn mãi cũng nhàm, bèn quyết định viết truyện vừa. Được một nửa thì lại sửa luôn thành tiểu thuyết. Mới đầu định đặt tên là Một Cọng Lông Mi. Lông Mi nghe vậy thì cười cười sửa thành Một Đống Lông Gà. 

Tôi nghĩ mãi, cuối cùng đổi tên thành Bên Cạnh Thiên Đường. 

- Tại sao lại đặt cái tên này ? 

Em chớp chớp hàng lông mi dài hỏi tôi. 

- Hồi trước sống ở địa ngục, bây giờ chuyển lên ở cạnh thiên đường rồi. 

- Tại sao không đến hẳn thiên đường ? 

- Ở bên cạnh thiên đường đã hạnh phúc đến nỗi không chịu nổi rồi, đến thiên đường anh sợ chết vì sung sướng mất.   

Viết chán chê, tôi lại lôi sách ra đọc. 

Đọc sách chán thì chơi đàn. 

Hát bài hát của người khác chán, bèn quyết định tự sáng tác luôn. 

Bài hát đầu tiên của tôi có tên là: "Anh chỉ là một con vịt kêu cạp cạp", điệu Đô trưởng, ca từ như thế này: 

"Anh là con vịt, vịt kêu cạp cạp 

Anh là con ếch, ếch kêu ộp ộp 

Anh là con heo, anh nuốt không trôi 

Anh là con cáo, anh có đuôi to 

Anh là đàn ông, anh không có nhà 

Em là người con gái mà anh yêu." 

Lông Mi có vẻ không thích hai câu cuối mấy. Tôi nghĩ một lúc, rồi sửa thành "Anh là đàn ông, và anh có nhà, em là Lông Mi, em thích hội họa." 

Lời thì tệ như vậy, nhưng lúc hát theo phong cách của Bob Marley, phối hợp với tiết tấu mạnh, nghe cũng rất đặc biệt. 

Mỗi tuần chúng tôi ra sân vận động một lần, còn viện dưỡng lão thì nửa tháng một lần. 

Đội bóng thành phố đã đá tốt hơn, nghe đồn là do đang có đợt hành động chống gian lận của liên đoàn bóng đá thành phố. Mấy chuyện này tôi không hứng thú lắm. 

Bà già ở viện dưỡng lão rất khỏe mạnh, chỉ là trong một lần ăn quýt không cẩn thận lại làm rơi mất một chiếc răng nữa. Giờ thì răng của bà cũng quan trọng như tim gan vậy, chỉ có một cái duy nhất. Lông Mi dặn bà nhất định phải đánh răng mỗi ngày. Bà lão thần người ra một lúc lâu, sau đó nhăn mặt nói không phải là không muốn đánh răng, mà tại vì không có kem đánh răng hiệu Trung Hoa, bà chỉ thích dùng loại ấy thôi 

Tay lái xe bus dạo nọ giờ đã nghỉ việc, chuyển qua mở quán bán đồ ăn đêm, làm ăn rất tốt. Tôi và Lông Mi thường qua ủng hộ, ăn nộm với thịt xiên nướng ở chỗ anh ta. 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/44350


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận