Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 10


Tản văn 10
THÁNG MƯỜI

Tôi nhớ tới một tháng Mười sống trong khu rừng bên Đức, giữa những cây sồi và những tổng giám đốc, trong một khách sạn mà tất cả thiết bị đều chạy bằng điện, những người bồi ăn mặc giả thợ săn, để ý đến từ những yêu cầu nhỏ nhất của khách, và Rübezahl_(1) - đúng như cách thức của một gia chủ thời xưa - chiều nào cũng bước ra từ phía rừng, đứng đối diện với cửa ra vào khách sạn trên thảm cỏ đầy nắng, ngắm thảm cỏ và những đám mây, rồi chậm rãi và hơi tức cười mất hút về phía máng cho hươu ăn.

Tháng Mười ấy khác hẳn mọi tháng Mười khác. Tôi còn trẻ và cầu kỳ. Trong khách sạn người ta đã dùng máy sưởi. Tối tối tôi ngồi trước lò sưởi trong phòng khách, mặc lễ phục smoking và đi giày khiêu vũ escarpin, tay cầm sách, tôi cảm thấy mình giống như lord Byron trước khi lên đường chết cho nền tự do Hy Lạp. Vào thời ấy tôi cũng sẵn sàng đi và chết, có thể chỉ cần một lá thư mời đơn giản, vì một sự nghiệp nào đó, một nền tự do không thể hiểu nổi. Tôi cảm thấy tất cả đều ràng buộc với nhau. Mỗi sáng tôi đến đứng bên cửa sổ với cảm giác mình có vai trò trong thế giới này, tôi cần thực thi sứ mệnh của mình không khoe mẽ, tế nhị, nhưng với sự nhất quán quyết liệt. Tôi ngờ rằng mình cần vội vàng, vì tôi không sống lâu; nhưng cái thời điểm xa xôi và hơi bất định kia tôi nghĩ là ngoài trăm năm. Tôi sống giữa những cây cổ thụ, giữa những rặng núi lớn khó tưởng tượng, trong sự xa hoa lộng lẫy và bất nhã, không phù hợp với vị trí xã hội, không phù hợp với những quan hệ vật chất của tôi, nhưng nó phù hợp tuyệt vời với những nhu cầu của tôi về đời sống. Thêm vào đó là tháng Mười, một chút sương, một chút nắng, chút mờ tỏ hơi kịch trường nóng hổi của đời sống buộc tuổi trẻ phải đóng kịch chứ không thể nào khác. Đến khi người ta đủ tuổi để hiểu được các mùa, để học được ánh sáng, những cơ may, vẻ đẹp và những mối hiểm họa của nó, thì ta sẽ không cảm thấy thế giới chỉ là những phông cảnh trang trí nữa. Ta sẽ quan tâm đến nội dung thực, nó sẽ khác, sẽ bất ngờ, và độc lập với ý muốn của chúng ta. Đối với tôi, thời khắc ấy của tuổi trẻ, tháng Mười như một hoàng hôn duy nhất, đầy văn học Đức, khát vọng tự do thông thường, sự lòe loẹt hào nhoáng vô ý thức, trong đó tôi đi lại bình thản và tự nhiên, như một diễn viên trên sân khấu, trong một vai diễn quan trọng của đời mình.

Khách sạn rất dễ chịu, và tất nhiên tháng Mười cũng dễ chịu, hệt như ban quản lý đã làm tất cả để có một mùa thời gian chất lượng tốt cho các quý khách được nuông chiều. Thỉnh thoảng có sương bay, đúng như cần phải có. Thảm cỏ ngoài sân golf có màu vàng nhạt, nhưng chẳng thấy ai chơi golf, vì những người Đức, cũng như chúng tôi và các vị khách Trung Âu khác, đều không biết chơi golf. Sau bữa ăn chúng tôi nằm trên những chiếc giường gấp của khách sạn, trong những chiếc áo len thể thao đan bằng sợi thô, và quay mặt về phía mặt trời, ánh nắng những tuần này dịu dàng như cái cảm giác của một người đàn ông đứng tuổi nghĩ về những đối thủ và tình nhân một thời của mình. Chẳng ai muốn một điều gì. Rừng có hương vị như của một chiếc tủ cũ đục đẽo từ một loài gỗ quý. Thỉnh thoảng một con hoẵng hoặc một nữ diễn viên điện ảnh già bước ra trảng cỏ. Tháng Mười này có một cái gì đó như thể nó đứng ngoài thế kỷ. Chưa bao giờ tôi sống tinh tế như thế: chúng tôi lửng lơ trong sự khúc xạ của những tia nắng tháng Mười, và gọi những người bồi bằng giọng lên bổng xuống trầm. Không gian rạng rỡ và nức hương thơm. Nhưng mấy hôm sau tuyết đầu mùa đã rơi, và nổ ra cuộc cách mạng Spartacus. Thế là tất cả chúng tôi ra về, những chú hoẵng, các vị tổng giám đốc, những thi sĩ tinh tế: những ngày vui kết thúc, một mùa mới đã bắt đầu. Đến Berlin, qua cửa sổ xe tôi nhìn thấy một người nằm trên đám bùn, cổ đang rỉ máu.

Giờ đây tôi nhớ đến tháng Mười ấy. Chưa bao giờ tôi trải qua một tháng Mười êm ả như thế. Cứ như người ta muốn tô điểm cho tháng Mười được ưa chuộng hơn. Tôi khoác lên mình thứ voan mềm mại của nó, như mặc một bộ cánh thời trang lúc giao mùa nào đó, vô tư ngắm nhìn phong cảnh, đi lại với vẻ thờ ơ giữa những trang trí nhiều màu sắc và cũ mòn của tháng Mười. Dần dà con người sẽ trút bỏ mọi giả dối, cả nỗi đau nhân thế. Chỉ còn lại nỗi đau và nhân thế.

Tự do

Buổi chiều tôi ra khỏi rừng về phía bãi tắm, và lên một chiếc xe khách. Chúng tôi ngồi trong tiết thu nóng và nặng mùi, chờ xe chạy, sưởi chút nắng ấm cuối thu, như lũ thằn lằn giữa những mỏm đá. Một anh chàng mập mạp, còn trẻ, nom chẳng có chút gì giống những thám tử đội mũ vành cứng trong sách vở, nói:

- Chúng tôi đã tóm được kẻ lấy trộm chăn mền ngay trong khu rừng này. Một tên trộm lão luyện. Thằng này trốn rất tài: một lần hắn nuốt các vòng bằng đồng của ống khói lò sưởi trong nhà giam chỗ chúng tôi. Hắn muốn vào bệnh viện để mổ, rồi trốn. Hắn khát tự do đến thế đấy.

Hai tiếng “tự do” đã vang lên trong xe, trong mùa thu, trong khu rừng ấm và yên ả. Nó còn âm vang một lát, rồi tất cả trở nên tĩnh lặng. Không một ai trả lời. Chúng tôi nhìn vào khoảng rừng đã bắt đầu tắt nắng. Rồi chiếc xe lăn bánh đi về phía thung lũng.

Những người đầu bếp

Trước nửa đêm vài phút, ông bếp trưởng của khách sạn, đầu đội mũ trắng, xuất hiện ngoài khu sân chơi trẻ con tối đèn, cùng một đầu bếp phụ và thợ làm bánh ngọt; họ trèo lên đu, và bắt đầu lẳng lặng đánh đu rất mạnh mẽ và thành thục. Họ không nói một lời. Trăng sáng. Khách đã ngủ, chỉ trong phòng bar đèn đỏ còn người khiêu vũ.

Tôi ngồi hút thuốc trên một chiếc ghế băng gần đó. Tôi nghĩ thế giới đầy bí ẩn, phải sống vĩnh cửu họa chăng mới biết chút gì đó về thế giới này. Những đàn chim di cư vào mùa thu. Trẻ con đến trường vào tháng Chín. Sao Mộc có bốn vệ tinh.

Những người đầu bếp đánh đu vào ban đêm.

Trước mùa đông

Nếu giàu có tôi sẽ tạo ra thêm một mùa mới. Tôi đã chán sự quen thuộc. Giữa bốn mùa lóe lên những biến thể. Tự nhiên cũng tiến hóa. Trước mùa xuân thi thoảng có những kỳ thu nhỏ, với mùi nước nho ép ngai ngái, với tơ nhện, với lá vàng xào xạc đến từ cõi hư vô, khi những cây dẻ còn chưa dám đâm chồi. Một người nào đó đùa giỡn với chúng ta, với trật tự, với những quy tắc, những thỏa thuận của chúng ta. Tháng Mười một thỉnh thoảng có những cơn gió ấm thoảng nhẹ, và chim hoàng yến cất tiếng. Mùa đông có những ngày đầy hương hoa hồng, ấm nồng, có gió nóng, đau đầu khó chịu. Có tiền đông và có hậu đông.

Tiền đông đỏm dáng như một cô gái nhỏ. Chưa lạnh nhưng đã có những móng vuốt nhỏ. Nàng đánh phấn đỏ hồng, như bị làn gió Bắc lướt qua. Có nóng cũng chỉ qua loa cho xong. Tiết chớm đông, vô tình. Cứ như mùa đông chỉ là trượt băng, là những cuộc mổ lợn và những đêm vũ hội đến toát mồ hôi. Nàng còn chưa biết tới những nỗi sợ, cũng như tôi chưa biết gì về thế giới lúc tôi mới hai mươi, và ngạc nhiên nhận thấy rằng xung quanh tôi, nơi này nơi khác, có những người qua đời.

Cái chết

Nhìn hắn sợ hãi cái chết đến mức ta đau đớn! Hắn rên rỉ, thầm thì với nó, lê lết trước nó, phô ra với nó những ưu điểm, với nụ cười gượng gạo, như một phụ nữ đang tàn phai cố gượng làm duyên trước gã tình nhân phũ phàng. Hắn phải lòng cái chết, không thể nghĩ đến điều gì khác, hắn phủ phục trước nó, lúng túng chào đón nó bằng những lời nhiệt thành, tự hành hạ mình, sống đức hạnh, không ăn, không uống, hành xác bằng kiêng khem, cầu nguyện. Hắn sợ đến thế ư? Hay hắn khát khao đến thế? Tôi nghĩ hắn theo đuổi không hẳn là vô ích; cuối cùng thì cái chết cũng sẽ thương hại và trò chuyện với hắn.

Vẻ ngoài

Trường phái cũ cao đạo và ngạo đời dạy rằng vẻ bề ngoài dễ đánh lừa ta: qua tiểu thuyết và sân khấu nó giới thiệu những thành viên trong một gia đình tử tế lén mang dao mài sắc trong người, và sẵn sàng đầu độc lẫn nhau. Theo thuyết này thì mọi người đều đáng ngờ, người cha tốt bụng, chuyên sưu tầm cây cỏ và là vị tướng về hưu hiền lành thực ra là một lão dâm đãng khủng khiếp, bà già sang trọng tóc bạc kia có bạn trai tơ, cô gái hiền lành kia có lần đã trốn sang Paris với một vũ công nhà nghề, ông chủ gia đình nom như một kỵ sĩ áo choàng tử tế kia đã ngồi tù tám tháng ở Vác, bà nhũ mẫu trung thành kia chuyên ăn cắp tiền, và buổi chiều từ bốn đến sáu giờ bà ta là một má mì chuyên dắt gái. Trường phái văn học này đã thịnh vượng trong một thời gian dài. Trên sân khấu và trong tiểu thuyết đầy rẫy bọn súc sinh đội lốt sang trọng và thanh liêm, đến lúc nào đó đã quăng chiếc mặt nạ, đập phá điên cuồng chống lại tất cả những gì bình thường chúng ra vẻ tôn thờ và yêu quý. Nó đã từng là một trường phái danh tiếng. Những gã rạch bụng mặc giả tu sĩ từ trong tủ nhảy ra, và cô dâu cúi nhìn e thẹn kia, chỉ một phút sau đám cưới đã có một gã buôn cocain đang chờ trong taxi ngoài góc phố.

Trường phái này, thể loại này, quan niệm văn học này, sự thông tuệ lên gân giả tạo này, theo đó thế giới khác những gì nó vốn thế, đã mua chuộc độc giả và khán giả bằng kỷ lục phạm tội của các bà chủ gia đình đã bạc đầu tử tế, dòng văn học thông tin mập mờ này đã hoàn toàn tàn lụi. Đúng, vẻ ngoài dễ đánh lừa người ta, nó lừa theo cách là có những bà mẹ tử tế suốt ngày ngồi đan, và chỉ sống vì con cháu, có những bà già lao động tận tụy vì gia đình và không nuôi trai Tây ban Nha, và có những ông mặc áo choàng mỏng chưa hề ngồi trong trại giam Vác, có những nàng dâu e thẹn tha thiết yêu chồng, và nói chung có những người - và họ chiếm đa số - tử tế một cách vô tư, tin vào sự thiêng liêng của lời hứa, tốt bụng không vì mưu cầu mà do bản chất, và y phục mà họ mang không phải là giả trang của sự đểu cáng và ác ý, mà đơn giản đó là quần áo, buổi sáng họ là chải, và buổi tối họ treo lên mắc. Hãy chú ý, các nhà văn và độc giả: vẻ ngoài dễ đánh lừa. Con người là một bí ẩn: đôi khi họ nghĩ đúng như họ nói ra, và từ bản chất họ không thể khác diện mạo bên ngoài của mình. Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy một người tử tế - cả theo cách nhìn gây hiệu ứng văn chương - ít nhất cũng hấp dẫn và bất ngờ - như một tên vô lại giả trang.

Một người đàn bà

Nếu viết nhật ký, tôi sẽ ghi thế này:

- Có điều gì đó vặt vãnh một cách nực cười, mua chuộc và chinh phục ở người đàn bà này, đến nỗi ngay lập tức ta phải chú ý tới nàng giữa đám phụ nữ hấp dẫn, xinh đẹp, ầm ĩ và hiếm thấy kia? Ở nàng có điều gì đó, một cái gì lặng lẽ và tỏa rạng. Ta nhìn nàng và bỗng hiểu ra: cho đến lúc này ta run rẩy, nhưng chỉ cần ngồi xuống bên nàng, và thế là từ đó ta hết lạnh. Đúng là quanh nàng cũng không có sức nóng đặc biệt, người đàn bà này không bốc lửa. Nhưng nàng sưởi ấm, như một lò sưởi bằng gạch men cũ đầu mùa đông được đốt nóng bằng ngọn lửa của những khúc gỗ thơm, rồi than cứ lặng lẽ hồng tới mùa xuân. Vì thế tôi ngồi xuống bên nàng, không có hy vọng hay nhu cầu gì đặc biệt, chỉ để được sưởi ấm.

Một người say

Một ông già người Mỹ đến hồi đêm, trưa hôm sau ông ra ngồi ăn trưa ngoài ban công chung của khách sạn, đối diện với thung lũng và khu rừng, trong ánh nắng cuối mùa. Ông ăn món xúp yến mạch, và uống nước ấm.

Ông lão đã già lắm, và ở đây giữa vùng núi non này ông mặc hơi nhiều áo quần, nom hệt một chú sơn dương. Ông nói với những nhân viên phục vụ bằng tiếng Anh, lịch sự và vui vẻ, nhưng họ đáp lại ông bằng tiếng Đức. Thế là ông cứ ngồi dưới nắng và hấp háy mắt. Sau bữa trưa ông gọi một đĩa nho.

Không ngờ ông say bởi món nho đã chín vàng. Ông nhâm nhi những trái nho, ngả mình ra sau ghế bành, đôi mắt kèm nhèm nhấp nháy, và bắt đầu lẩm nhẩm hát. Ông hát trong trạng thái say mùa thu ngây ngất, như những con ong già béo mập vo vo, say trời đất, say bởi nho ngọt như mật, bởi biết mình còn sống, còn một lần nữa nhìn thấy mặt trời, thấy cánh rừng màu vàng xuộm, thấy phong cảnh thanh bình của thế giới này mở ra trước mắt. Ông ăn hết hai chùm nho, và hát mỗi lúc một to hơn. Ông đã say lắm, say bởi một nỗi ngất ngây ngoài tri giác hay bởi sự choáng váng. Ông cứ hát như thế, vẻ sung sướng. Rồi một cô hộ lý tới, cô khoác tay nhẹ nhàng đưa ông già quậy vào phòng.

Thời gian biểu

Bảy giờ, tôi viết báo ở tòa soạn. Tám giờ, L. - vừa từ nước Nga trở về với nỗi thất vọng - đến tìm tôi. Tôi chăm chú nghe anh than thở. Rồi mệt mỏi, tôi xuống phố, dừng lại bên trong cổng và chậm rãi hít thở hơi mưa mùa thu. Tôi thả bộ trong mưa, đến câu lạc bộ xem một hội chơi bài khá lâu. Trong số họ có một nhà văn, ông ngồi trong trạng thái mê muội, dùng thứ này thứ nọ và làm các động tác để thôi miên vận may, nhưng nó chẳng chung tình với ông. Tôi nhìn gương mặt phờ phạc của ông. Lúc quay về tôi rẽ vào rạp phim trong một phố nhỏ xem đoạn kết của một phim nói về nạn châu chấu. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy châu chấu. Những hình ảnh gợi cảm tuyệt vời; tôi nghĩ bây giờ mình đã biết đại loại nạn châu chấu là thế nào. Mình cứ mỗi ngày biết thêm một chút về thế giới.

Gần nửa đêm tôi mới lại ra phố. Những người bán báo rong đang rao bán những số đặc biệt của các báo. Tôi mua một tờ, và được biết trong khi mình vạ vật trong câu lạc bộ thì quân Nhật đã ném bom tàn phá thành phố Nam Kinh. Tôi vo viên tờ báo bỏ vào túi, và khi đi ngang một tiệm cà phê, nhìn thấy trong cửa sổ người phụ nữ tôi từng yêu hồi nào ngồi với một gã tôi không quen. Chúng tôi chào nhau đúng mực, như những tên kẻ cắp vừa hành sự trót lọt gặp nhau trên tàu điện. Gần nửa đêm những vì sao lấp ló sáng sau màn mưa. Tôi nhìn lên bầu trời và ngỡ ngàng.

Đối thoại

Những nhà viết kịch được đánh giá cao về đối thoại. Đúng là một bí mật! Một môn khoa học bí ẩn! Nhưng dần dà chúng ta đã biết mẹo mực của họ. Từ Euripides(*)_ đến nay tất cả đều viết:

Đàn bà: - Anh có yêu em không?

Đàn ông: - Có, nhưng...

Và họ cứ thay nhau nói điều đó, mười lăm lần như thế.

Sasad

Một ngày cuối tháng Mười. Buổi trưa, chúng tôi đứng giữa bãi cỏ của vùng Kamaraerdő(1)_, trên một quả đồi đối diện với làng Budaôrs_(2).

Rừng màu vàng nhạt, một màu vàng quyến rũ, mời gọi mà ta không thể không để ý tới. Nó nói với chúng tôi điều gì đó, đích danh, bằng giọng nói của cuộc đời và sự lụi tàn. Những quả đồi vùng Sasad sau vụ thu hoạch nho, thung lũng với những lạch nước chua luồn lách, những làng mạc nơi người ta đã mổ lợn, những đùi lợn đã treo trên xà ngang, những tháp chuông nhà thờ cùng lúc gióng chuông báo giờ ăn trưa và đám ma, tất cả mang vẻ quý phái kiêu sa trong nắng vàng ngọt ngào đẫm hương thơm, thứ nắng đã hết nóng, hết nung đốt. Chỉ còn thấy ấm áp, nhẹ nhõm và dịu dàng.

Chúng tôi đứng trên đồi, gió và nắng, trong thứ ánh sáng nhợt nhạt kỳ lạ này. Không lẽ cái chết sẽ dịu ngọt? Có thể nó sẽ như sự vỗ về của một người phụ nữ tóc vàng? Có thể nó sẽ giống như ta sẽ hiểu ra một điều gì?

Khắp nơi vang lên tiếng một dây đàn rung lên trong gió và nắng, như sắp bắt đầu một trận mưa vàng trong huyền thoại. Mưa vàng, cùng lúc là biểu tượng tình cảm và tín hiệu kỷ niệm của một thời vàng son, một sự thanh bình riêng tư. Chúng tôi đi qua những lùm cây vàng nhạt. Không khí thanh khiết, lạnh và như muốn ru ta vào giấc ngủ.

Nhắc nhở

Đúng, hãy viết sự thật, một cách trung thực; nhưng đồng thời hãy biết rằng không phải sự trung thực với đề tài là quan trọng nhất. Đừng trung thực với với đề tài, mà tốt hơn là hãy trung thực một cách không khoan nhượng với bản thân anh.

Ngôn ngữ Pest

Là dân tỉnh lẻ lên Pest lúc còn ít tuổi, một thời gian dài tôi không biết điều gì làm tôi cảm thấy xa lạ ở thành phố này. Thành phố lớn và rực rỡ, hấp dẫn và đầy mùi vị, tôi thích mọi thứ, chỉ có điều tất cả đều xa lạ thế nào. Nhưng rồi tôi hiểu ra: điều xa lạ đó chính là thứ ngữ âm của thành phố này. Những ngôn từ Pest, những câu nói nghe khinh thị đến phát khiếp, như: “Này, nói đi!” hay “Thật ra mà nói,” hay như “Cậu trẻ quá,” - thứ ngôn ngữ đặc biệt làm tôi lúng túng và hơi hãi, cứ như mình rơi vào thế giới của một đám người thông thái, như họ biết rõ điều gì đó mà chỉ có họ - những người trong cuộc - mới biết. Và không chỉ có dân phố xá sử dụng thứ ngôn ngữ này; những từ ngữ ấy sống trong mọi giai tầng xã hội, cả trên môi các nhà văn và dân vô sản. “Tôi hãy sống như...” - cả những nhà thơ danh tiếng cũng nói. Tôi nhìn họ và cảm thấy buồn nôn.

Hào quang

Baudelaire(*) phàn nàn trong Spleen de Paris(1)_ rằng một lần dạo chơi giữa đám đông trong phố, ông đã đánh mất ánh hào quang của mình. Thế là không ánh hào quang, nghĩa là không còn phẩm cách và dấu hiệu bí ẩn, ông vội vào ngay nhà thổ.

Câu chuyện này rất đẹp, khi đọc mỗi nhà thơ đều thấy rất vui. Đáng tiếc là vòng hào quang không thể mỗi lúc tùy tiện gấp lại và bỏ túi, khi ta đến những nơi bất hảo. Đó là một bổn phận cay nghiệt, bổn phận của các nhà văn, nó còn khó khăn hơn bổn phận của các tu sĩ và những người lính. Những người ấy chỉ không thể tới những nơi không xứng đáng, còn nhà văn, với vòng hào quang trên đầu, không thể lui tới trong một thế giới không xứng đáng. Vì thế, tốt hơn là nhà văn chỉ ngồi nhà, một mình.

Thế giới nội tâm

Người thợ giày đem đến nhà một đôi giày mà vì nể tình tôi đã đặt cho ông ta làm; và ông ngắm nghía đầy vẻ mãn nguyện.

- Bác thợ này, nom đôi giày xấu xí quá, - tôi nói một cách chân tình.

- Đúng vậy! - ông đáp. - Nhưng thế giới nội tâm của nó thì tuyệt đấy.

Greco(*)

Greco là tình trạng vô tri giác, với những chân dung đen trắng các cha cố dòng Đa-minh, những người chịu nạn với những cử chỉ co quắp đưa tay lên bầu trời dày đặc những đám mây nóng, oi bức màu tím. Ông đã thấy thế giới mà ông sống. Vì thế nên, chủ của ông là vua Phillip II, không ưa.

Thi ca

Thi ca không chỉ là những bài thơ mà các thi sĩ viết ra. Nó là một cái gì đó rộng hơn thế, nó sống trong những cử chỉ của phái đẹp, trong ánh mắt nhìn của các loài thú, trong ánh sáng của phố phường, trong dáng nghiêng đầu một con chim, trong thông điệp của những luồng ánh sáng ban đêm. Tất cả những thứ đó là thi ca, những bài thơ không viết. Đôi khi còn chân thực hơn những bài thơ đã viết và có vần điệu.

Những kẻ phản bội

Lúc ăn tối tôi ngồi giữa hai người, một đàn ông và một đàn bà, những nạn nhân của tiếng sét ái tình. Người đàn ông ngồi xa hơn, phía cuối bàn. Tôi ở giữa phải chịu đựng sự giao tình của họ, người đàn bà không quen và người đàn ông mà cô nàng ngấm ngầm yêu.

Tới lúc đó tôi chưa hề biết gì về mối tình của họ. Nhưng khi họ bắt đầu trò chuyện qua lại phía trên đầu và trên đĩa thức ăn của tôi, thì tôi nhận ra họ đã phải lòng nhau. Việc như thế rất dễ nhận thấy. Họ nói về nhà hát và bàn chuyện chính trị. Không có một lời nào về tình ái. Khi nàng rút thuốc lá ra, chàng giật mình vội vàng chìa ra chiếc bật lửa mới mạ kền, không phải loại đắt giá lắm, bật lên một ngọn lửa nhỏ.

- Chiếc bật lửa xinh quá, - nàng nói rồi cầm chiếc bật lửa loại xoàng ấy từ trên tay chàng.

- Đúng, rất xinh, - chàng đáp

Rồi cả hai cùng im lặng. Nàng trả lại chiếc bật lửa cho chàng. Tôi hiểu ra rằng đó là tặng vật của nàng, có lẽ nàng đã bớt tiền đi chợ mua nó để bí mật tặng chàng. Những lời nói của họ xuất phát từ mối quan hệ xác thịt, từ sự che giấu ngột ngạt, ngấm ngầm của ái tình, nơi họ cất giữ những bí mật, cũng như mọi cặp tình nhân khác. Chúng tôi không dám nhìn nhau. Tôi không dám xin lửa. Một điều gì đó đã hé lộ. Chúng tôi cúi đầu nhìn xuống đĩa thức ăn của mình.

Tự vệ

Tay nhà văn ấy ác. Nhưng là nhà văn.

Tôi chỉ có một cách chống lại sự lãnh đạm và thiếu thân thiện của lão: phải viết những tác phẩm khá hơn những gì tôi đã viết.

Những ngày lễ

Khi đã lớn và chán ngấy cái trật tự thế giới của người lớn, tôi quyết định tạo ra những ngày lễ mới: theo mẫu những ngày như Giáng sinh, Phục sinh, Lễ Hạ trần... tôi đã tạo ra ngày Lễ Berta, sau đó là ngày Lễ Khai bút tiểu thuyết, rồi Lễ Xê dịch, và tôi dùng bút chì đỏ gạch dưới những ngày ấy trong lịch, nó không còn như cũ nữa, và nó cũng không hoàn toàn có ý nghĩa như đối với những người khác và như trước đó. Ngoài ra tôi đã tạo ra tuần lễ năm ngày, không bắt đầu từ thứ Hai, mà từ thứ Năm, và thứ Hai là ngày Chủ nhật. Tất cả đơn giản hơn nhiều, con người hơn và thoải mái hơn so với lịch chính thức, mà những ngày lễ của nó phải được đón và tổ chức theo đúng kỳ hạn như trong một dàn hợp xướng. Một thời gian tôi đã sống như thế, ngoài lịch thông thường, bướng bỉnh và hạnh phúc.

Nhưng rồi thời gian đã đánh gục tôi, nó không chấp nhận sự phản kháng kiểu này. Thế là tôi quay trở lại với lịch Gregorian. Và từ đó với tôi một tuần lại là bảy ngày, và Giáng sinh lại đúng vào dịp Giáng sinh. Tôi nghiến răng chịu đựng, buồn và bất lực.

Nhà Rostov(1)

Ban đêm, trên đường về, tôi bỗng nhớ đến gia đình nhà Rostov khôn tả. Tôi muốn đến thăm nhà Rostov. Tôi biết chính xác ngôi nhà ấy, cái vòm cổng rộng, người gác cổng mặc áo choàng lông, lối cầu thang lên, những căn phòng trần hình vòm với những đồ gỗ dễ thương, những thanh củi cháy dở tỏa hơi ấm; rồi mùi thuốc tự pha chế lan tỏa trong phòng bà bá tước phu nhân già, sự luộm thuộm hơi nhếch nhác bao trùm phòng Natasa. Tôi muốn đến đó vào một buổi chiều tuyết rơi. Muốn làm bạn với chàng Rostov trẻ tuổi; chúng tôi sẽ trò chuyện về chó và về Sa hoàng.

Sarah_(*)

Tôi đã thấy Sarah Bernhardt trên linh cữu. Trước cổng, dân chúng Paris đứng thành hàng, hàng ngàn người chen chúc trên bậc thang hẹp, trên các hành lang. Bà nằm trên những tấm ren, nom già nua, dữ tướng và đàn ông. Cứ như trong khi chết bà bỗng đột nhiên già thêm. Trông bà như một vị tướng đã chết trong quần áo phụ nữ giả trang.

Nhưng cùng lúc nom bà cũng sang trọng, bất thường. Cái mũi to nhọn, hàng ria mép, vầng trán thông minh, tất cả các nét của bà đều là minh chứng của một tính cách đặc biệt. Bà sống trên tất cả mọi người, nợ ngập đến cổ, và chết rồi bà vẫn lơ lửng trên thế gian, trên đỉnh cao của thiên tài và cá tính, cứ như bà đang sắm một vai diễn lịch sử nào đó, trong một vở kịch mà Sarah Bernhardt là nhân vật chính, trong cảnh Sarah Bernhardt chết và được khâm liệm nằm đó, và dân chúng Paris đang hành hương trước linh cữu bà. Tôi thấy bà trong vai diễn này lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Trong vai diễn này bà thật sự bất hủ.

Người phương Bắc

Không ai có thể là người Viking(1)_ một thiên kỷ mà không có hệ lụy. Những cư dân phương Bắc dễ mến, u buồn này vẫn còn đang xê dịch - ngay cả khi họ đã trèo lên tàu điện chỉ ở Stockholm - giữa những cuộc phiêu của các nguyên tố, của thời gian và của các châu 3a20 lục, một cách thượng võ, lặng lẽ và kỷ luật, môi phồng rộp vì gió mặn, trong trái tim họ nỗi đam mê chinh phục hoang dã và u buồn còn phập phồng, và khi họ bán một mớ da thuộc tới một địa chỉ phương Nam nào đó, họ nhìn món hàng, nhìn người mua, và tên thành phố lạ như nhìn lũ hải âu phía chân trời. Họ là dân phiêu lưu, họ là những nhà thám hiểm thực sự, sang trọng, buồn, vô vọng. Họ gìn giữ một ký ức vượt qua tất cả những nền văn minh cao cấp, trong đó tỏa ra cái cảm xúc đau đớn, không chế ngự nổi, sơ khai và cao cả trong cuộc phiêu lưu của cả thế giới. Người phương Nam đơn thuần chỉ sống. Người phương Bắc khao khát và nhớ tiếc. Đó là một cuộc mạo hiểm thực sự.

Gió xi-mun_(2)

Cơn gió xi-mun khủng khiếp nào thổi nỗi giận dữ bụi bặm và nóng bức vào những vùng êm ả của cuộc đời chúng ta - nó tới từ những núi non và sa mạc nào, từ những vùng nào của cuộc đời chúng ta, trong chúng ta có những đại dương nào, sa mạc Sahara nào, cái gì thiêu đốt, gào thét và hủy hoại đến thế, những sức mạnh nào ẩn nấp trong ta, điều gì khiến ta một ngày nào đó giật tung những cây cọ của ốc đảo yên bình, và tung hê lều trại lên không trung, cùng lạc đà, đàn bà, và khiến ta úp mặt vào cát bỏng để chờ sự tàn lụi đã sẵn có trong ta, mà ta không thể làm gì để cưỡng lại nó?

Họ nói về đàn bà

Những người đàn ông ngồi trong quán rượu hay trong salon, và họ nói chuyện về đàn bà. Họ thường bắt đầu khoác lác, ầm ĩ và kết thúc một cách bối rối. Giọng điệu cơ bản của những cuộc trò chuyện như thế là sự thất vọng sâu sắc. Hạnh phúc, ảo ảnh mà họ theo đuổi rõ ràng không tùy thuộc vào Juliska và Jancsi(1)_. Chúng ta nói về phụ nữ, đại thể và cụ thể, như về một chủng nhân riêng và như về Juliska, và chúng ta đã biết “tất cả” về họ, và chúng ta thương hại hơn là lên án họ... nhưng ở đáy cùng mọi câu chuyện nhỏ, sau những tình tiết nhiều vô kể và rắc rối, bắt đầu bằng “khi đó tôi đang đi trên phố, và bỗng nhiên...” và cuối cùng kết thúc bằng “có ma quỷ hiểu nổi, ông bạn ạ, điều gì đã xảy ra”; sau những câu chuyện như thế thì sự bất ngờ chính là tiếng kêu thất vọng rằng, dù có xảy ra chuyện gì, Jancsi và Juliska đều không có liên can, đúng hơn là không xảy ra chuyện gì đó cần thiết để họ tìm thấy hạnh phúc cuối cùng. Họ nói chuyện về đàn bà và nghĩ về Chúa, người đã dự định một điều gì đó với tất cả những chuyện này. Và họ buồn rầu nghi hoặc rằng mục đích và ý đồ của Chúa không phải là hạnh phúc, mà là một điều gì khác. Điều gì vậy? Chỉ có Chúa mới biết.

Những người khám phá

Người ta thường tìm Chúa ở cõi xa xăm nào đó, trong những gì to tát, bằng kính viễn vọng hay kính lúp, giữa những vì sao, những tầng mây hay chốn vô biên. Nhưng tôi thì đã biết mình chắc chắn sẽ dễ tìm thấy Người hơn trong những gì nhỏ bé, những sự ngẫu nhiên, bình thường, trong những khoảnh khắc khi ta chợt bỡ ngỡ ngước nhìn lên, và hiểu ra một điều gì đó, điều mà trước đó, lang thang giữa những sa mạc và vực thẳm của cuộc đời, chúng ta chưa hiểu. Đó là giây phút một việc nào đó trở nên đơn giản và rõ ràng, điều mà trước đó còn mù mờ và khó hiểu, đó là giây phút Chúa cúi xuống bên ta. Tôi có tin Người không? Đôi khi tôi nghĩ tin ở Người gần như là sự nhẹ dạ và hăng hái thái quá. Người là một điều gì đó còn quan trọng hơn và khác biệt hơn, chứ đâu phải niềm tin hay sự phủ nhận của tôi có thể quyết định quan hệ giữa hai chúng tôi.

Baudelaire

Tôi còn giữ hai bức ảnh về ông: một cái do Nadar(*)_ chụp, tôi cắt ra từ một tạp chí chuyên ngành về thần kinh; cái kia do Baudelaire tự họa. Cả hai bức đều đáng sợ như chân dung một kẻ tâm thần định sát hại gia đình, lịch sự như một chàng công tử ăn diện đỏm dáng, một tu sĩ hay nhà ngoại giao, và sang trọng, như thể gương mặt - đã không còn là gương mặt con người bình thường - được lấy mẫu trong địa ngục lạnh lẽo của sự sùng mộ, hãi hùng, hoang mang, thiếu cảm thông, bất hạnh, sự bốc lửa và dâng hiến. Đó là gương mặt “thi nhân” được giới thiệu trong các sách chuyên khảo. Đôi mắt ấy đã nhìn thấy địa ngục, và chỉ còn biết nhìn những cảnh trí trên mặt đất một cách thờ ơ và lãnh đạm.

Bàn ăn

Cuối tháng Mười, trên bàn đầy hoa và quả. Trên khay thủy tinh là lê, nho và táo, trong bình thủy tinh là hoa cúc, với những cánh hoa vàng và nâu. Tất cả sinh động và trang trọng.

Chúng tôi ăn trưa dưới ánh sáng điện. Vừa ăn tôi vừa ngắm hoa cúc, một thứ hoa tang, nhai bỗ bã và vội vàng, cứ như vội đi đám ma; sợ cha cố và người quá cố bị lạnh.

Dưới ánh ngày nhân tạo, chiếc bàn nom như giá đỡ linh cữu, giữa hoa và quả mùa thu. Hễ mỗi lần cửa mở, tôi lại lo lắng ngẩng nhìn lên; tôi không ngạc nhiên, nếu có một người phu khiêng cữu trang phục đen từ đầu đến chân bước vào, và lạnh lùng bảo:

 - Thưa, tất cả đã sẵn sàng.

Chia ly

Những ngày này không có tên và địa chỉ trong lịch, nhưng ta vẫn cảm thấy chúng là những ngày in chữ đỏ: những ngày giã biệt, khi ta nhận ra rằng chúng ta đã thoát khỏi một điều gì đó, một trạng thái, một đoạn đời rối ren và nguy hiểm, khó khăn và nhọc nhằn, và giờ đây tất cả bỗng kết thúc, thay vào đó một điều gì khác đã bắt đầu, một biến thể khác của cuộc đời, có lẽ sẽ tốt đẹp hơn. Tất cả vẫn như ngày hôm qua - khó hiểu và vô vọng đúng như thế - nhưng một cái gì đó đã biến khỏi cuộc đời, bóng ma hay quỷ kế, và ta thở phào nhẹ nhõm. Hoang thú chào mừng cảm giác này bằng những vũ điệu. Đúng, chúng ta cũng làm như thế.

Cảm giác tội lỗi

Cảm giác này, cứ như tôi luôn nói về chuyện khác.

Những tuần lễ này, những tháng này, khi anh nhìn thế giới - đang tiếp tục chao đảo trong làn khói hơi của nó - một cách bàng quan, và anh cũng chẳng hề áy náy nếu nó không có mục đích, cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Những ngày, khi đàn bà như buông hết những tấm voan che, lượn lờ quanh anh không có gì phải che giấu, và anh gật đầu: cứ như tất cả đúng là vấn đề tiền.

Những năm, khi anh biết rằng tất cả đúng là vấn đề tiền.

Cuộc đời dạy anh hãy chiều chuộng và sưởi ấm cảm giác tội lỗi của mình.

Phận sự

Hãy nhận biết thế giới như bạn đã thấy một lần rồi, và hãy nói về nó như trước đó chưa có ai nhìn thấy bao giờ.

Chính trị

Nhà văn là thành viên của một đảng, nghĩa là đã ném thanh kiếm hay cây bút của mình, tùy theo cách gọi. Nhà văn chỉ có thể làm chính trị theo một cách: nói sự thật về cuộc đời, và dạy con người nhu cầu cảm quan chống lại sự giả dối và sự lười biếng của cảm xúc và nhận thức. Flaubert, theo cách của ông, đã tiếp tục cuộc cách mạng Pháp khi ông viết Bà Bovary. Dẫu sao ông đã tiếp tục một cách hiệu quả hơn là nếu ông đã ngã xuống trên một chiến lũy nào đó.

Trở thành người lớn

Một hôm tôi bỗng nhận ra mình ngồi đối diện với luật sư riêng trong một căn phòng và tranh cãi về chuyện thuế má. Thế là tôi im lặng, nhìn quanh và tự thấy xấu hổ kinh khủng. Trong giây phút ấy, tôi ngộ ra rằng tất cả những gì trước đó chỉ là một giấc mơ và sự chuyển tiếp. Trong khoảnh khắc đó, tôi hiểu rằng tôi đã trở thành người lớn một cách đáng hổ thẹn, vô phương cứu chữa và vô vọng.

Địa cầu

Phía sau Australia, cuối đại dương, nơi công việc của Kogutowicz Mano(*)_ & Các con bắt đầu, còn có một điểm nữa trên biển cả, nhỏ tới mức không đáng ghi tên của nó nữa. Xung quanh nó chỉ có làn nước xanh, xa xa là những hòn đảo nhỏ xíu, và ngoài xa xa nữa bắt đầu lục địa đầu tiên. Đó là hòn đảo...

- Chú ý! - tôi gào lên. - Đây là hòn đảo mà anh có thể ngóng tàu bưu điện suốt cả ngày, là nơi anh có thể tranh cãi từ sáng sớm đến tối mịt về những điều tới nay chưa để anh yên lúc ở Budapest, nơi anh mơ về những gì anh khao khát trong căn hộ ở Buda, và anh chờ bưu phẩm, chờ điều kỳ diệu, nhìn cái thực tại không thể hiểu nổi, đúng như hôm nay, ở nhà, tại một điểm khác trên trái đất, giữa châu Á và châu Mỹ.

Gửi một nhà văn bồn chồn

Sao bạn cứ hấp tấp thế? Sao bạn vội vàng thế? Sao bạn viết tham lam, bằng cả tay và chân thế? Sự việc rồi sẽ đến, sẽ vây bủa, quây kín lấy bạn. Đến một ngày bạn cần phải biết, tất cả những gì bạn đã dự định và mong muốn đều thừa và vô nghĩa cả, và điều bạn chạy trốn sẽ đuổi kịp và buộc bạn phải có quan điểm. Thế giới không buông tha bạn, đừng sợ. Hãy nghỉ ngơi. Hít thở. Nhận biết chưa đủ. Đã đến lúc hãy học quên.

Giao du

Con người khiếm nhã ấy ngồi với vẻ lịch thiệp hơn một chút, cảm ơn về tách cà phê, không ngắt lời một ai, không khi nào gạt tàn thuốc lá xuống thảm, chỉ nói đúng những điều không xúc phạm ai và điều gì trên mặt đất này, đồ con lợn này đúng như Knigge(*)_ đã mường tượng ra, kẻ thô kệch ngu xuẩn này không biết rằng trở nên có văn hóa hoàn hảo cũng là một dạng của vô văn hóa. Trong khi ta sống khổ ải và nhọc nhằn hay bất nhã, thì hắn, cũng trong hoàn cảnh ấy, sống “một đời sống giao du”. Hắn không phải đấng quân tử, cũng không phải là con người. Hắn là một cái gì khác, một bộ đồ may sẵn, một thứ chỉ để trưng bày trong tủ kính: một người “có giáo dục”.

Những người tìm thấy

Vì trong tình yêu cũng có Chúa, đúng, cả trong tình yêu của con người, cả trong niềm vui của những cảm giác. Chỉ những kẻ ươn hèn và thận trọng không dám tìm Người ở nơi cuộc đời mới nói to tiếng nhất với chúng ta bằng tất cả sức mạnh của nó. Trong tình yêu tôi cảm thấy hơi thở của Chúa; và Chúa của tôi không để râu quai nón, không mang theo mũi tên và túi đựng tên. Những người đang yêu tìm thấy Chúa, cảm thấy cái liếc mắt của Người, và họ biết rằng Người nhìn thấy họ và nghiêm nghị.

Lịch sử

Những tuần lễ này, người ta bí mật chuẩn bị cho cái chết, như chuẩn bị chuyến đi đến một miền kỳ lạ xa xăm. Người ta đau đầu nghĩ đến những chất độc. Họ lau chùi những khẩu súng ngắn cũ kỹ. Họ làm tất cả những điều đó một cách chuyên nghiệp, gần như lạnh lùng.

Sống dưới những vì sao

 Sống dưới những vì sao, vào mùa thu, trong mùa thu ngọt ngào, giữa những hầm thơm mùi rượu nho, vùi mặt vào tóc các nàng, đi bên cạnh nghĩa địa nơi cha yên nghỉ, tỉnh dậy trong một căn nhà nhỏ, nhìn rèm trên cửa sổ, những giấy dán tường từ thế kỷ trước, đi ngang qua công viên ẩm ướt đang úa vàng, tìm dấu vết những vì sao trên bầu trời đang rạng, và sống, sống.

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/30355


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận