Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 12


Tản văn 12
THÁNG MƯỜI HAI

Tháng này là tháng lễ hội. Cứ như lúc nào cũng có tiếng chuông nhà thờ văng vẳng từ phía xa, sau màn sương và tuyết.

Thời trẻ con, vào ngày đầu tháng chúng tôi thường vẽ lên giấy cây thông Noel bằng bút chì màu xanh nước biển và xanh lá cây, cây thông Noel có ba mươi mốt cành. Mỗi sớm, tim đập rộn trong lồng ngực, chúng tôi đánh dấu, giống như bẻ đi một cành của cây thông biểu tượng này. Chúng tôi nhích lại gần ngày lễ như thế. Bằng cách này chúng tôi đã tăng tính hồi hộp của sự chờ đợi lên đến độ không thể chịu nổi. Đến gần giữa tháng, ngày lễ càng đến gần, tôi thường xuyên lên cơn sốt, tối tối tôi nói lung tung, run rẩy lắp bắp kể cho bà nhũ mẫu nghe những ước mơ của mình. Tôi ao ước những gì? Một đoàn tàu hơi nước và máy đục lỗ vé tàu, một nhà hát thật với những lô ghế ngồi, các nữ diễn viên, ánh sáng, thậm chí có lẽ cả những nhà phê bình sân khấu và các bà thợ may thường xuất hiện trong các buổi diễn thử rồi nói về vở diễn chẳng ra sao. Ngoài ra tôi còn muốn một chiếc áo khoác Ba Lan, muốn Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc châu và Sao Hỏa. Đương nhiên tất cả những thứ đó bằng giấy lụa có rắc tóc tiên. Đúng là thời niên thiếu, tôi luôn ao ước cả vũ trụ, và cuộc sống cùng lúc có xe đạp, có những cuộc đi du lịch vùng Tátra, có mẹ chơi dương cầm trong phòng khách mờ tối, có thịt rán lát kiểu Viên, bánh nhân táo và có những trận đánh thắng tất cả mọi kẻ thù của tôi.

Giờ đây khi ngày lễ sắp đến, tôi bất chợt nhận ra dường như tôi vẫn đang chờ đợi một điều gì. Trong những ngày này có khi tôi đi lang thang trên những con phố nhỏ, dừng lại trước các cửa hiệu, nhìn ngắm. Bật lửa không cần. Máy ảnh, toàn tập Victor Hugo đóng bìa da, dao nhíp năm lưỡi đựng trong hộp khảm trai, có cả mở nút chai, giũa móng tay, cái ngoáy tẩu, không cần. Không cần một thứ vật dụng nào nữa, và nếu nghĩ cho cùng, tôi đã từ bỏ Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc châu và Sao Hỏa, tôi chăm chú đọc bài viết của những kẻ thù của mình, và nếu có thể tôi hoàn toàn không đến nhà hát. Tuy nhiên, tôi vẫn chờ đợi một điều gì. Đã bao nhiêu Giáng sinh qua đi, có những lần hoàn toàn tăm tối, rồi có những lần khác, rực rỡ, ấm cúng và sực nức mùi vị, thế mà tôi vẫn còn đứng đây, giữa tuổi trung niên, đầu chớm bạc, mang nặng trách nhiệm và lời hứa mà ngay cả đến Thiên thần cũng không thực hiện nổi, và tôi vẫn chờ một điều gì đó.

Đôi khi tôi tưởng mình chờ đợi tình thương mến. Có lẽ đó là một cơn khát không thể nào nguôi: ai đã nếm trải, sẽ khao khát suốt cuộc đời. Giữa chừng, tôi đã biết được rằng không thể nhận được tình thương mến, luôn luôn chỉ có cho tình thương mến, đó là phương cách. Tôi còn biết rằng không có gì khó hơn sự thể hiện tình thương. Các thi nhân, những người có khả năng thể hiện qua ngôn từ mọi cung bậc của tình cảm, chưa bao giờ làm nổi. Tình thương không có sắc độ như sự dịu dàng, không có độ nồng nhiệt như tình yêu. Không thể dùng lời để diễn tả nội dung của nó, nếu nói ra thì nó đã thành giả dối. Chỉ có thể sống trong tình thương, như trong ánh sáng và trong không khí. Một sinh linh hữu cơ có lẽ không thể sống khác hơn là sống trong nóng ấm, trong ánh sáng, trong không khí và trong tình thương mến.

Biết tất cả những điều đó, mỗi ngày càng bối rối hơn và chắc chắn hơn trong sở biết, tôi không thể làm gì khác hơn là lần lượt tới các cửa hiệu, và mua bật lửa, nước hoa, cravat và máy đục lỗ, đầu máy xe lửa và toàn tập Victor Hugo. Tôi biết rằng tất cả đều vô vọng. Nhưng tôi còn biết làm gì? Ta chỉ cho được cái mà ta có.

Thành công

Trong chúng ta có một thứ gì đó, một thứ gì đó rẻ tiền và hờ hững, mà chúng ta vừa lẩm bẩm vừa nghĩ đến nó một cách ngờ vực, như một nhà sưu tập nhớ đến một vật phẩm đáng ngờ lưu giữ trong một chiếc ngăn kéo bí mật ở nhà. Đó là một giá trị đáng ngờ mà ta không muốn phô bày, thế nhưng người ta vẫn biết đến cái khả năng này hoặc ý tưởng này của chúng ta... Đến một ngày ta tiết lộ cái bí mật thải loại ấy, và tiếng trống thành công bắt đầu gióng lên ầm ĩ.

Một nữ diễn viên

Giữa những cốc, những bình đựng kem, những mảnh vải mềm để trang điểm, giữa những chiếc chân thỏ_(1), lúc nào nàng cũng giống một bà lang băm đang nhào nặn những tình tiết của các số phận và sự kiện sắp tới, với đôi tay bê bết, không được sạch sẽ cho lắm, hơi có mùi ê te, đôi khi lửng lơ giữa những lông chim và khăn voan, đôi khi cuộn tròn trong mớ giẻ cũ nát, nàng lẩm bẩm và thầm thì những câu thần chú, như lối tiểu thị dân và đồng cốt, hơi thô tục và tất cả hơi giống những câu thơ. Nàng không còn trẻ. Nhưng đúng ra nàng cũng chưa già. Nàng là một diễn viên.

Tình bạn

Trên thế gian này còn có tình bạn hay không? Giới trẻ tin rằng có, nhưng rồi họ nhận ra điều họ tưởng là tình bạn, chỉ là tình đồng đội. Tình bạn là một mối quan hệ phức tạp hơn nhiều, đau đớn hơn nhiều và bạo liệt hơn nhiều so với tình yêu.

Người đang yêu muốn cho và nhận. Người bạn chỉ có thể cho.

Tình bạn, theo ý nghĩa nói gọn lại, là hai con người không cần bắt tay và hứa hẹn, vẫn hết mình vì nhau trong cả cuộc đời: sự gắn bó mang tính đàn ông, mạnh mẽ và trong sáng ấy, nay liệu có còn? Tôi thấy những con người thông minh và đơn độc ở khắp nơi, và trong số họ rải rác vài gã đồng tính luyến ái đầy nhiệt huyết.

Hoa hồng

Phải ngửi, nếm, và chạm đến nhiều thứ, cho đến một ngày ta nhận ra rằng có lẽ ta vẫn thực sự yêu hoa hồng nhất.

Schopenhauer

Chúng tôi gặp nhau trong tiền sảnh của nhà hát. Tôi khen đôi giày và mái tóc ông. Ông nhìn tôi thân thiện và nhờ tôi giới thiệu ông với nhà viết kịch nổi tiếng.

- Nhưng ông ta viết những vở kịch thật tồi tệ mà, - tôi nói e ngại.

- Không sao, - ông bảo.

Tôi suy nghĩ.

- Schopenhauer - cuối cùng tôi nói, - đã đi Venice với một người tình và một lá thư giới thiệu. Lá thư ấy là Goethe đưa cho Schopenhauer, trong đó Goethe viết mấy dòng gửi Byron, là người mà triết gia rất kính trọng. Schopenhauer cũng là người nghiên cứu triết học. Một thời gian dài ông không tìm gặp nhà thơ. Cuối cùng có lần thi sĩ phi ngựa bên cạnh họ, danh giá, hào hoa, đam mê. “Ecco, - người đàn bà thảng thốt hét lên, - il poeta inglese!_(1)” Lúc ấy Schopenhauer bỗng trở nên đăm chiêu, rồi ông xé bỏ những dòng chữ Goethe viết cho Byron, và không bao giờ làm quen với nhà thơ nữa.

- Vâng! - ông nói.

Tôi khoác tay ông, và chúng tôi lặng lẽ quay vào khán phòng.

Bản khắc gỗ

Hình ảnh về thế giới bỗng nhiên biến mất, và thay vào đó là bản khắc gỗ hình vẽ một thành phố tỉnh lẻ, nơi tôi muốn sống: thành phố với những bức tường vững chắc, những hành lang chạm khắc đóng bằng gỗ sồi, có thư viện, có gã đao phủ khoác áo choàng đỏ, những cha cố gầy guộc, những phụ nữ làng chơi đẫy đà trong nhà thổ thành phố, trên nóc tủ ngoài phòng chờ có lọ bí ngâm, có người con gái trẻ đọc những tác phẩm của Lovik Károly(*)_, có những buổi thánh lễ sớm mai thơm mùi hoa lan chuông, những người buôn bán sách rong mời chào các tác phẩm của Giraudoux(*) và Huxley - với không mấy thành công - cho lớp thị dân tân tiến hơn, có loại vang đóng chai mà trong các bản dịch tiếng Hung tiểu thuyết của Anatole France người ta gọi bằng một từ không thể hiểu nổi là “vang csiger”. Với những cô gái mất nết và hư hỏng hát trong dàn đồng ca tằng tịu với cả viên thủ từ, với người nghiên cứu gia huy tóc đã chớm bạc chỉ nhìn thế giới qua những cánh đồng và những thủ cấp Thổ Nhĩ Kỳ bị chém đứt, có những cô gái trẻ mang giày đế cao, đi từng nhóm bốn người từ sân trượt băng về, ở đó chỗ thay đồ trượt băng có mùi của một cũi nhốt mèo rừng, có viên phó tổng trấn tinh tế đọc Proust và Herczeg Ferenc(*)_, có tiếng còi xe hỏa, những nhà báo lá cải, có viên đại tá về hưu, và đâu đó ngoài đường đi dạo, có một gã Kant Immanuel(*)_ nào đó, lặng lẽ đi vòng quanh tường thành, trên đầu gã là những vì sao, trong trái tim gã là phép tắc đạo đức, trong túi gã có tờ Thế giới Tolnai_(1). Tôi muốn sống ở đó.

Những tấm bưu ảnh

Không phải vì St. Malo(2)_ đẹp tới mức không thể quên, vì Pistoia(3)_ có bầu không khí đau đớn ngọt ngào đến thế, vì Chartres có màu xanh thẫm hấp dẫn đến thế và vì Bergen_(4) có màu xám chì và mưa như trong mơ, mà chúng ta mãi mãi khát khao tới đó, mà vì ấn tượng và niềm hạnh phúc. Tất cả hợp lại thành điều kỳ diệu đến nỗi tôi không thoát khỏi ấn tượng về chúng, tôi khát khao quay lại với tất cả, từng ngõ ngách, bồn chồn và thèm khát. Một chuyến đi tuyệt vời. Tất cả mọi thắng cảnh và thành phố đều mang một ý nghĩa, đều tỏa ra một kỷ niệm. Kỷ niệm đó là gì? Là tuổi trẻ.

Sơn ca

Bạn tôi đã hấp hối, nhưng trong những lúc tỉnh táo chúng tôi bao giờ cũng nói chuyện về những người đàn bà. Có vẻ sẽ như thế đến khi ông ấy chết. Ông rên, rồi bảo:

- Tôi có bạn gái đã ba tháng. Nàng rất dễ thương, quyến rũ. Chỉ có điều tôi nhận ra, nàng không bao giờ chạm vào đồ kim loại. Lần nào khi chúng tôi ra khỏi phòng, nàng cũng nài nỉ tôi ấn tay nắm cửa. Một lần tôi hỏi về lý do của sự ngần ngại đó.

- Không có gì - nàng đáp, - em đã quen như thế.

- Thói quen từ đâu? - tôi hỏi.

- Từ khi còn ở nhà điều dưỡng, - nàng nhẹ nhàng đáp. - Em đã ở trại điều dưỡng Moravcsik hai năm. Họ yêu quý em lắm! - nàng nói đầy vẻ phấn chấn, hạnh phúc, trong sự mê hoặc của ký ức. - Ai cũng cưng chiều em. Người ta gọi em là: Tiểu thư sơn ca! Em là chim sơn ca của nhà điều dưỡng. - nàng khiêm tốn nói.

Rắc rối

Một phụ nữ nói về anh ta:

- Người đàn ông này tìm mẹ mình trong tất cả mọi người đàn bà. Cuối cùng ở Adél, anh ta tìm thấy ngay bà mình, một anh chàng may mắn!

Yêu cầu

Đừng chờ đợi ở anh sự tận tụy, anh không phải là kẻ tận tụy. Anh là người bạt mạng và cẩn trọng, không chung thủy và hiếu kỳ, nhạy cảm và tàn ác, và anh chỉ khao khát tình cảm có điều kiện - đó là tình cảm không gắn liền với những điều kiện. Hãy tìm sự lãng mạn ở người khác, em thân mến ạ. Anh không có thời gian cho nó: việc của anh tất cả chỉ là sống - theo cách của anh, và viết - theo cách của anh.

Khoảng cách

Trong những ngày này, khi cảm thấy thế giới ở xa, với tất cả những gì là ấn tượng, sự cuốn hút, sự vận động hay quyền lợi trong thế giới ấy, tôi gần như tò mò quan sát tất cả những gì có thể làm mình đau đớn, như người bệnh bị mổ bằng cách gây mê cục bộ vẫn nhìn được dao mổ và các thao tác của bác sĩ. Nào, hãy cứ cắt đi! - tôi nghĩ. Và nếu như tôi nói ra một câu, tôi nhìn theo nó như người bệnh bị mổ bằng cách gây mê cục bộ có thể nhìn máu mình từ từ chảy.

Werfel_(*)

Nhà văn này luôn luôn hành xử trong những cuốn sách của mình cứ như là ông ta đã gặp Chúa. Nhưng có điều gì đó thầm mách bảo tôi rằng chưa bao giờ ông ta gặp Chúa; ông ta chỉ đến xin gặp Người, cũng có thể ông ta gọi điện thoại, nhưng Chúa - vì một nguyên do, mà tôi không có thẩm quyền dò hỏi - cuối cùng đã không tiếp ông ta.

Tiếng kêu

Thỉnh thoảng, dọc đường đi, trên phố hoặc trên đường quốc lộ, tôi hay nghe thấy tiếng kêu thét. Những lúc như thế tôi thường dừng lại nhìn quanh, định thần và nhớ lại. Rồi tôi nhớ ra chính tôi đã hét lên như vậy trong giấc mơ, vì tôi sống trên Trái Đất này mà chưa thấy Trung Hoa, Scandinavia, Batavia_(1), chưa được ngồi trên bậc cửa một nhà thổ ở Rio, ngất ngây vì ánh trăng và lòng tốt của đàn bà, chưa bay trên những đầm lầy Mông Cổ, chưa được đàm đạo với Đức Phật sống ở Urga_(2), và tất cả vẫn cứ tiếp diễn chẳng cần đến tôi, qua bao nhiêu thế hệ và không hề biết tới. Vì thế mà thỉnh thoảng tôi hét lên, trong giấc mơ. Nhưng lúc tỉnh cũng không thể chịu nổi.

Kuprin_(*)

Kuprin tiếp tôi khi ông đã ngà ngà say. Ông uống vodka, cũng như những nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Chúng tôi ngồi trong căn phòng của ông ở Paris, ông lẩm bẩm về những người Bolsevich, về thành công vang dội của cuốn Cuộc thách đấu, về nỗi đắng cay của kiếp lưu đày. Chính ông cũng là một nhân vật tiểu thuyết, một nhân vật Nga: nhàu nhĩ, nhiệt huyết, tơi tả và vô vọng.

Mấy tháng hay có thể là một năm trước khi chết, bị hành hạ đến cùng cực và không thể chịu đựng nổi bởi nỗi nhớ quê hương, ông đã trở về Tổ quốc mình. Nhà nước Xô Viết đã đón tiếp ông với những nghi lễ trọng thể. Bạn bè ông, những người chấp nhận cuộc sống lưu vong, đã lên án ông về việc đó. Nhưng tôi nhớ đến đôi mắt thẫn thờ của ông, nhớ đến căn phòng ở Paris, nhớ đến giọng nói lẩm bẩm, lúng túng của ông, khi ông bảo: “Cái đặc biệt của vodka là qua nó ta nhìn thấy thế giới trong một màu xanh,” tôi nhớ đến nỗi dằn vặt đau đớn và khao khát khi ông nghĩ về đất nước mình từ Paris, từ nơi ông không có một chút liên quan gì trên thế gian này, cả đến những chiếc ghế dài trên phố, ánh sáng ban đêm của tháp Eiffel, cả những thành công văn chương của Maurice Dekobra(*)_. Tôi nhớ đến tất cả những điều đó, và tôi hiểu rằng ông đã hồi hương để chết. Vì cái chết cũng có thể thức của nó. Người có tâm đức phải chết trên đất nước mình.

Đại úy

Vào thời niên thiếu ta thấy có những người biến mất hay lang bạt đi đâu, và sau này ta chỉ còn nhớ đến tính cách của họ như những cái bóng được ghi lại trong một khoảnh khắc mờ ảo, khi ẩn khi hiện của ký ức. Tôi nhớ đến viên đại úy như thế. Tôi không biết gì về ông, chỉ biết ông là đại úy, và ông đã xuất hiện và có mặt trong số những vị thánh Olympus_(1) của tuổi thơ tôi. Rồi ông biến mất, nhưng tính cách của ông, một tính cách gần như văn học, vẫn sống, có lẽ tôi đã ngầm phong cấp cho ông, có khi tôi đã cho ông nghỉ hưu với hàm đại tá, trong bộ râu quai nón. Những ký ức của chúng ta vẫn sống, và những nhân vật trong ký ức cũng trải qua một sự nghiệp nhất định; họ thăng tiến hoặc thất bại.

Lời tạ ơn ngỏ

Người đàn bà này tử tế đối với tôi: nàng ít hành hạ tôi.

Vụ án

Theo Franz Kafka_(*) thì xung quanh tất cả mọi người đang diễn ra vụ án, rất khó nói rõ nội dung của nó: bản án mập mờ, thỉnh thoảng người ta hỏi cung anh, anh phải có mặt ở những nơi công sở nhất định để người ta “lấy số liệu”, rồi người ta cho nghi phạm về với lời cảnh tỉnh có thiện ý, rằng trước mắt anh có thể về, và họ đưa cho anh giấy tờ cần thiết, nhưng sắp tới thì họ không thể hứa điều gì, và tốt hơn hết là anh hãy cẩn thận. Rồi sau đó xuất hiện các nhân chứng, họ bắt đầu khai, bằng lời và bằng văn bản, những nhân chứng đàn ông và đàn bà, thậm chí cả người nhà; vụ án ngày càng rắc rối, có khi hàng năm không thấy nhắc tới, hồ sơ nằm hứng bụi nơi các nhà chức trách; rồi bất chợt họ lôi anh ra và tuyên án, đôi khi không lời; và thế là anh đổ gục, anh ngất xỉu hoặc chết... Đấy là bản án. Phải mất một thời gian ta mới hiểu ra. Nhưng sẽ đến ngày ta hiểu ra. Và thế là vụ án cũng kết thúc.

Trừ điểm

Chừng nào ta còn sống thì giá trị của ta kém đi một điểm. Trong chúng ta có một điều gì đó chưa hoàn hảo, một cái gì đó được phóng đại và hơi tức cười. Hiển nhiên chúng ta là con người. Đấy là điểm khiếm khuyết trong chúng ta. Nhưng ngay sau khi chúng ta chết, ta lập tức trở nên có giá trị hơn vài đơn vị điểm. Té ra trong chúng ta có một điều gì đó cao thượng và không gì bù đắp nổi. Rõ ràng chúng ta là những con người.

Độc giả

Anh ta nói: “Tôi rất thích các tác phẩm của ông. Ông đừng giận, tôi xin nói thật, nhưng tôi thích những thứ ngày xưa của ông hơn. Những bức thư Paris chẳng hạn. Sao ông không cho xuất bản những bức thư ấy?...”

- Vì chúng chẳng hay ho gì, - tôi nói.

- Đâu phải thế, - anh ta bảo.

Anh nhìn tôi nghi ngại. Tôi không thể giải thích nổi; không khi nào anh ta hiểu rằng sở thích của anh ta còn tàn độc và xúc phạm hơn cả sự phản đối của anh ta. Và ngoài ra thì anh ta là một người tử tế. Một người chồng, người anh em và người cha tốt nhất.

Nhưng không phải là độc giả tốt nhất.

Kiến trúc sư

Chúng tôi ngồi giữa những ngọn nến leo lét cháy, những người đày tớ đứng sau lưng, và ăn một món ăn sang trọng cực kỳ nào đó, món cá hồi nhồi Cavia hay một thứ gì tương tự như thế. Khi đó một bà nói:

- Cuối cùng thì ta bao giờ cũng cãi nhau với kiến trúc sư của mình.

Nhiều người gật gù, miệng vẫn đầy thức ăn, vẻ đồng tình và chán ngán. Tôi cũng gật đầu, phẫn nộ! Ôi, những kiến trúc sư, tôi nghĩ. Tất nhiên là cuối cùng bao giờ chúng ta cũng cãi nhau với kiến trúc sư của mình.

Rồi tôi nghĩ rằng không thể hiểu nổi những hạng người giàu có. Thế giới của họ muôn màu. Loại người như tôi bất quá chỉ cãi nhau với người cắt chai bàn chân cho mình. Vì thế mà tôi thở dài, vẻ đồng cảm, châm thuốc hút, rồi đẩy đĩa cá hồi ra xa, như người hoàn toàn cảm nhận được sự trái khoáy của thế giới này, và không thể phản đối một cách nghiêm túc khi cần phải chứng kiến những người giàu có đày những kiến xem trúc sư cẩu thả của họ đi Siberia.

Những người mẫu

Tôi nhận thấy đối với các họa sĩ hiện đại, vẽ Đức Giáo hoàng, vẽ một quý tộc Londonderry(1)_, vẽ Hoàng đế Wilhelm(*)_ và thái hậu Hà Lan còn dễ hơn vẽ một chú ngựa đơn độc trên đồng cỏ, hay một bó hoa mẫu đơn. Trong một con ngựa hay một bó mẫu đơn có một sự phản kháng nào đó, mà một nhà quý tộc Londonderry, với tư cách một người làm mẫu, hoàn toàn không có.

Những nhân vật của Hauptmann_(*) 

Ông là một nhà văn lớn. Các nhân vật của ông luôn luôn sẵn sàng hành động anh hùng và sẵn sàng chết. Nhưng tôi không thích những người hùng, những người chết trong phương ngữ.

Có một tính chất tỉnh lẻ trong văn chương, nó bị hạn chế và bản vị. Chẳng hạn những nhân vật của Homer(*)_, theo nghĩa như thế, là không mang tính tỉnh lẻ, họ sống và chết cho một thế giới. Nhưng kết cục của Florian Geyer(*)_ chỉ mãi là việc riêng của ba chục ngàn nông dân, ba chục ngàn người xem, vài hiệp sĩ giận dữ và mấy nhà phê bình nổi giận.

 

Lầm lỗi

Tôi đã nói chuyện nhiều với anh về cuốn sách mới sắp tới của mình, trái hẳn với thói quen của tôi, tôi đã tiết lộ nội dung, phác thảo một số phần của cuốn sách, và tôi mừng khi thấy anh rạng rỡ nghe những điều tôi nói, chăm chú và đầy vẻ quan tâm đến cuốn sách. Rồi chúng tôi bắt tay và tạm biệt nhau. Trưa hôm sau tôi được tin lúc mười giờ sáng, không để lại thư tuyệt mệnh, anh đã dùng súng tự sát. Hành động của anh làm tôi bất ngờ. Tôi cảm thấy hành động ấy là một bi kịch, nhưng đồng thời khiếm nhã. Cảm giác này nguyên sơ và chân thành. Trên thế giới không một nhà văn nào có thể bình tâm khi tác phẩm của mình không cứu vãn nổi một con người hoặc nhân loại khỏi sự tiêu vong và cái chết.

Giọng nói của người đã khuất

Tôi nhiều lần nghe thấy giọng của cha. Những lúc như thế ông thường đứng trên cửa tiền sảnh lớn bằng kính của ngôi nhà ở Kassa, ông mặc chiếc áo khoác vải đen bóng, và đưa tay ra phía trước đón người đi xa trở về. Tôi không hiểu ông nói gì. Chỉ thấy ông cười.

 Giọng nói của F., khi con tàu rời Athen. Nàng dựa vào hàng lan can, gió ấm thổi tung những tà khăn voan. Nàng nói một điều gì đó về những đôi mắt Hy Lạp. Chúng tôi trò chuyện với vẻ bối rối, bằng tiếng Pháp, giọng hơi khàn.

Giọng nói của Ernő. Anh mặc áo khoác quân nhân ngồi bên bàn ăn, gương mặt nhợt nhạt, hút thuốc lá “Hôlgy”, gạt tàn bằng những ngón tay run rẩy. Anh nói: “Sẽ đến lúc Hoàng đế Trung Hoa cũng sẽ thích món bắp cải xoăn.” Anh nói với trọng âm như người Đức, trong lúc thở nặng nhọc, khi đó anh đã mang bệnh.

Giọng nói của E.. Ông nằm trên chiếc giường trong nhà trọ đầy rệp, chúng tôi cười lớn vì một chuyện gì đó, ngoài đường phố là cách mạng và dịch hạch. Tôi không biết ông nói gì. Mắt ông sáng long lanh, tóc dài, ông đã bắt đầu phát phì.

Ban ngày ngoài đường phố, giữa đám đông tôi cũng nghe những tiếng gọi. Rõ ràng, với thanh âm và sắc độ riêng... tôi nghe thấy cả tiếng lấy hơi của họ. Không có gì mất đi cả. Đang sống, những người mai sau sẽ nhớ đến giọng nói của tôi.

Những người đã ly hôn

Những người đã ly hôn, nhiều năm về sau, khi kỷ niệm đã thành tro tàn và phún thạch nguội lạnh, thường hồi hộp nói về sự kiện ấy, như thể quyết định của tòa, cái thực tế là họ đã rời bỏ chiếc bàn và chiếc giường đã một thời gắn kết họ, và có thể cái bàn và cái giường ấy đã trôi dạt ngoài chợ trời, và từ lâu họ đã yêu người khác và sống với người khác, như thể tất cả những việc ấy dường như không hẳn là thế. Họ nói chuyện này với sự hào hứng kìm nén, cứ như mối quan hệ ấy vẫn còn, dù không còn giường, bàn và sự chung sống, cứ như họ vẫn còn có quyền và có cách đòi hỏi ở người kia một thứ gì đó, mà người ấy không hoàn trả, mà người ấy che giấu và chiếm đoạt, người ấy không đủ hào phóng... họ vẫn đòi hỏi một điều gì đó ở người kia. Họ đòi hỏi gì vậy? Họ không biết đích xác, họ ngước nhìn lên, lẩm bẩm. Rồi họ chợt nhớ ra: họ đòi hạnh phúc.

Viên

Tôi vẫn còn nghĩ về Viên, như nghĩ về một thành phố duy nhất mà tôi có thể sống. Tôi thấy phố xá, tôi nghe giọng địa phương, nhớ đến tiếng cười, trong tai tôi văng vẳng thanh điệu của nó. Tôi thấy những dãy nhà cho thuê đơn điệu với những căn hộ tăm tối, có phòng xép và phòng đệm đầy mùi nấu nướng; và ở đâu đó lúc nào cũng có tiếng dương cầm; các cô gái dễ thương và tự nhiên, và tình yêu của họ không ràng buộc điều gì. Ai ai cũng phao tin nhảm, nhưng tinh tế và lịch thiệp đến mức sự bịa đặt đặc trưng của thành Viên chẳng làm ta đau đớn bao nhiêu. Đã mấy năm nay tôi không lại Viên, chỉ nhìn những mái nhà và những tháp cổ qua cửa sổ toa tàu, thấy thảm cỏ trong vườn Schônbrunn(1)_ và những tòa lâu đài màu vàng. Nhưng tôi luôn nghĩ tới nó. Cũng như Graz(2)_ là thành phố của những vị tướng về hưu, Viên là thành phố của các văn nghệ sĩ đã nghỉ hưu. Khi đã gửi gắm tất cả cho đất nước và cộng đồng mình, ta lặng lẽ sang Viên, ngồi trong căn phòng trên khu vườn của ngôi nhà ở Hietzing_(1), nghe tiếng dương cầm không bao giờ dứt và hồi tưởng.

Hề

Người đàn bà ấy là một ả hề, một ả hề dễ thương. Nàng biết chơi dương cầm chút ít; có thể nàng là hề âm nhạc. Nàng tung tẩy trước công chúng, gương mặt trát son phấn, đầu đội mũ hề, váy tuyn, nghĩa là t 410e rước đám đàn ông, bất kể đàn ông nào, cả chiều Chủ nhật, cho lính tráng từ trung sĩ trở xuống với giá một nửa. Những tiết mục của ả cổ xưa, dân gian, chắp nhặt. Có thể vì thế mà chúng lôi cuốn. Nàng không phải là phụ nữ, thật đáng thương. Nàng là một ả hề, một ả hề tình dục.

Cô đơn

Họ không dám ở lại một mình, vì họ sợ. Tôi không hề ngạc nhiên. Họ sợ còn lại một mình, trong khu rừng tăm tối của nỗi buồn cuộc sống, họ sợ sẽ bị đập cho một gậy, và họ tự cướp đi của mình tất cả, tiền bạc và cuộc đời. Vì thế mà họ chạy trốn về phía ánh sáng. Họ có mặt ở mọi chỗ, nơi nào sáng đèn, nơi nào có tiếng nhạc, nơi nào có thể lẩn trốn con người kia. Đó là một nỗi sợ hãi kinh hoàng. Nhiều người sẵn lòng lựa chọn cả cái chết hơn là nỗi cô đơn, một mình với bản thân họ.

Những nguyên tắc cơ bản

Hãy rửa tay trước khi bắt đầu viết. Và hãy gột rửa cả tâm hồn. Hãy quên căn phòng anh đang ở, quên cuộc đời anh đang sống. Đừng nhìn, đừng nghe thấy gì khác, hãy chỉ thấy hiện tượng và thông điệp chứa đầy cuộc đời anh trong khoảnh khắc ấy. Lúc này anh không còn can hệ gì tới con người. Như thế, lúc này anh có thể bắt đầu viết, cho con người, vì con người.

Tin đồn nhảm

Họ bảo đã nhìn thấy ông ấy đi vào tiệm cà phê, ngồi xuống cạnh và nói chuyện với ai đó. Sau này họ nhìn thấy cả tôi nữa: tôi đã ngồi với họ một phút, và giới thiệu một cái gì đó trên tờ báo. Rồi Ervin đến, kéo tay tôi và chúng tôi cùng đi.

Nhưng tất cả không đúng lấy một từ. Tôi phản đối yếu ớt, tôi đoan chắc không hề trực tiếp quen biết họ, và đã một năm nay tôi không nhìn thấy Ervin. Những lời phản đối của tôi mất hút trong vũ trụ hoang vu và điếc đặc. Hơn nữa họ cũng đã nói về chuyện khác. Tất cả rối rắm và ầm ĩ, chắc chắn và bền bỉ, và đơn điệu như tiếng động của chiếc bánh xe ghi những câu kinh cầu nguyện. Và trong những câu chuyện ấy có một điều gì đó xưa cũ, như con rắn bắt đầu với cây táo và với Chúa, và có một cái gì đó ngột ngạt, như thể anh đi trong rừng rậm, giữa những cây mít nặng trĩu chông gai, lũ khỉ và đàn vẹt chí chóe. Và trong đó có một sự thật vô lý: nhiều sự giả dối - cả triệu sự giả dối - hợp lại vẫn có nghĩa như bản chất của sự thật. Chính vì vậy mà tôi im lặng nghe, và chấp nhận. Một năm sau, đầu óc ong ong, chuếnh choáng, có vẻ như đúng là khi đó tôi đã vào tiệm cà phê, ngồi xuống bên cạnh và giới thiệu cái gì đó trên tờ báo, sau đó Ervin đến và chúng tôi cùng đi. Tin đồn nhảm cứ tồn tại và người ta sống với nó, và trong mớ hỗn tạp âm thanh ấy, chúng ta nhớ lơ mơ rằng ban đầu là Lời nói, và Lời nói trở thành hình thể; nhưng sau này nó trở thành tin đồn nhảm.

Nhà thơ

Những người ưa văn chương không phải là thi sĩ cũng có thể viết những bài thơ hay, khá hay. Nhà thơ không phải bao giờ cũng làm thơ hay. Nhà thơ trước hết là thi sĩ, trong cuộc đời tình ái cũng như khi ngồi trong nhà hát, hay khi đi vào thao trường tập bắn. Verlaine sống như một chú lợn, thế nhưng ông luôn là một thi sĩ.

Thi ca không chỉ là nỗi ám ảnh, không chỉ là “cách hành xử thi nhân”; và exercise_(1) mà Mallarmé đòi hỏi ở nhà thơ, là điều kiện của thi ca, cũng như chim không thể bay nếu bị làm thương tổn cảm giác thăng bằng. Hiển nhiên vấn đề ở chỗ khác.

Thi sĩ là một trạng thái sẵn sàng. Một trạng thái sẵn sàng căng thẳng, chú ý, thường trực nào đó. Rilke là nhà thơ như vậy (ông không đọc nhiều). Vôrôsmarty, Babits cũng vậy, Baudelaire cũng thế. Cái ta cảm thấy như “sự kỳ dị” của thi nhân không gì khác hơn là hệ quả méo mó của sự chú ý đến quặn thắt, căng thẳng này. Người thường xuyên căng mắt chú ý tới sự thực của những tình tiết không thể để ý sâu sắc tới vũ trụ hay một lời phê phán.

Kỷ niệm (I.)

Một hôm tôi nhận ra tôi yêu nàng. Vì sao? Câu hỏi này làm tôi quan tâm, vì nó thật ngốc nghếch, và hơn nữa không thể giải đáp nổi. Tôi đáp thế này: tôi yêu người đàn bà này, theo một cách khác tất cả những người trước nàng. Khi tôi ôm nàng, khi tôi ghì chặt nàng trong vòng tay, bằng cử chỉ ấy tôi muốn cứu nàng khỏi thế giới. Không phải cứu nàng cho tôi, mà chính vì nàng, có thể cho hậu thế, cho sự bất tử. Tôi cảm thấy số phận đã trao gửi nàng cho tôi như trao một thứ gì hết sức cao sang và quý giá. Lúc nào tôi cũng sẵn lòng muốn trao gửi cho nàng một thứ gì đó, áo ấm để nàng khỏi rét, đồ trang sức lấp lánh để nàng mừng rỡ, tôi muốn gửi gắm vào đời nàng một điều gì đó đẹp đẽ, dịu dàng và thương mến, không cần nói ra, thậm chí không cần sự đáp trả và tình yêu. Một cảm thức bệnh hoạn. Có lẽ tôi yêu không chỉ vì nàng đẹp. Tôi đã quen biết bao nhiêu phụ nữ đẹp, và có yêu một ai đâu. Với tôi, ở nàng có một điều gì đó quen thuộc không thể diễn đạt nổi. Cứ như có lần chúng tôi đã ở bên nhau, giữa rắn rết và Lucifer(1)_, từ xửa xưa trên Thiên đàng. Có thể tôi yêu nàng bởi hoạt động của các tuyến trong cơ thể nàng. Hoặc vì hơi thở của nàng quen thuộc. Hay vì tên nàng vang lên quen thuộc, đến trước lúc chết tôi sẽ vẫn còn nhắc tới, như tên gọi duy nhất trên thế gian này, như ý nghĩa của cuộc đời. Yêu là hiểu biết, hiểu biết tường tận. Nhưng sao tôi không hiểu biết kỹ những người đàn bà khác, vì sao tôi biết rõ nàng ngay từ giây phút đầu tiên? Tôi không hiểu.

Kỷ niệm (II.)

Một hôm khác tôi nhận ra tôi không còn yêu nàng nữa. Vì sao? Câu hỏi này làm tôi quan tâm, và tôi muốn trả lời thật chân thành. Tôi đáp thế này: tôi không yêu người đàn bà này, vì từ bản thể nàng không còn vang lên âm thanh bí ẩn; một dạo nàng cuốn hút với thanh điệu, với sự mời gọi và tiếng vang vọng mà tôi có thể băng qua bao biển cả chỉ để đến nhìn thấy nàng, để có thể cứu nàng khỏi thế giới. Tôi không còn muốn cứu nàng khỏi thế giới nữa. Đương nhiên tôi sẽ rất thương cảm nếu nàng đau ốm, hoặc bị hành hạ bởi những khó khăn vật chất; tôi sẽ mời bác sĩ tới, thậm chí chuyển tiền cho nàng qua đường bưu điện. Không nhiều, phù hợp với khả năng tài chính của tôi.

 Tất cả những điều trên làm tôi bất ngờ, vì mới ngày hôm kia tôi còn muốn tặng nàng một món quà đáng kể, chẳng hạn như tất cả những gì mà tôi có trên thế gian này, và hơn nữa tất cả châu báu có thể đoạt được trong vũ trụ, thậm chí cả mặt trăng và các vì sao. Tất cả những điều đó đương nhiên là hoang tưởng. Tôi cảm thấy mê muội khi nghĩ đến nàng, nếu nghe thấy người ta nhắc đến tên nàng, tôi đã như lên cơn sốt. Nay thì không thế nữa. Tôi nhìn nàng như nhìn một người phụ nữ trong số hàng tỉ phụ nữ, không hơn, không kém, chỉ hơi tầm thường và nhạt nhẽo hơn. Hai hàm răng nàng ít được chăm sóc. Thật lạ là trước đây tôi không nhận thấy điều này. Nàng còn nhẹ dạ như tất cả những người nói ra những điều sâu kín của mình. Tôi chống gậy chậm rãi đi dưới hàng cây trong bóng hoàng hôn, và suy ngẫm. Tôi nghĩ, phải công nhận nàng là một phụ nữ đáng yêu và dễ có cảm tình. Với những khiếm khuyết nho nhỏ. Lạy Chúa, chúng ta đầy những khiếm khuyết. Tôi nghĩ về nàng với tình bạn bè, chỉ có điều sắp tới đây, trong hai-ba triệu năm tới, tôi không muốn nhìn thấy nàng. Tôi sẽ nhớ đến tên nàng khi hấp hối, và khi đó tôi sẽ khẽ rên lên như người bị một kỷ niệm khó chịu hành hạ. Bao giờ ta mới ngộ ra? Những sức mạnh kỳ lạ nào đùa giỡn với ta? Tôi không hiểu.

Ngờ vực

Họ bắt đầu mối tình ấy như một giọng tenor (nam cao) và một giọng soprano (nữ cao) bắt đầu một khúc Aria lớn. Với làn điệu tuyệt đẹp, trong sáng và khỏe khoắn, với giọng du dương và với nốt Đô cao vút. Tôi thích thú và ngờ vực lắng nghe.

Những mối tình đích thực - tồn tại ba mươi nhăm năm, kết quả là bốn người con, mười một đứa cháu và những nấm mồ ở làng quê - thường lặng lẽ hơn thế nhiều. Khởi đầu những mối tình ấy cũng lặng lẽ. Trong những tình yêu như thế không có những âm thanh du dương nghẹn ngào vì hạnh phúc, cũng không có những Aria. Đôi khi chúng còn bắt đầu bằng cãi vã và vẻ thờ ơ. Đôi khi chúng bắt đầu bằng mối quan hệ, và sau hai năm yêu đương, những người trong cuộc còn chưa hề biết đó là tình yêu chân chính, định mệnh, là mối ràng buộc ba mươi nhăm năm sau đó. Chính vì thế tôi lắng nghe khúc Aria lớn, sẵn sàng vỗ tay, nhưng ngờ vực.

Thân thể

Kỷ niệm về thân xác sống trong chúng ta và tỏa sáng. Kỷ niệm về thân thể mà chúng ta biết - từ thứ chất liệu nguyên khai của tình yêu và bản năng ấy - chỉ trong tích tắc được nỗi khát khao và trí tưởng tượng tạo nên một tuyệt tác. Tôi nhớ đến những thân hình kiêu sa, hân hoan, thờ ơ, lạnh lùng, rực lửa và trẻ thơ, khờ dại và vô tư, khiêm nhường và dâng hiến, ngọt ngào như sâm banh, rung giật như một luồng điện, bình thản và cao ngạo, màu trắng ngà và trắng như tuyết, trắng lóa như hàm răng người da đen, nâu bóng như sơn trà, có mùi hương quế, run rẩy và kiêu hãnh. Tôi nhớ đến những thân hình lộ ra sau y phục bị trút bỏ, như biển hiện ra sau sương mù. Tôi nhớ đến những thân hình trong sự bộc bạch lõa thể bỗng nổi da gà run rẩy, đến những thân hình tầm thường lõa lồ không có nỗi đam mê, đến những thân thể chỉ gây cảm giác như những cơ thể để trần của những người thợ mỏ trong hầm lò trước nguy cơ của khí độc và đá lở.

Mỗi người - cả đàn ông và đàn bà - đều mang những ký ức về thân thể. Trong đó có một điều gì đó thầm kín và cao quý, một điều gì đó thiêng liêng và trần tục, một cái gì đó xác thịt và cứu rỗi. Hỡi con người, hãy cúi đầu thật thấp, vì ngươi được cấu thành từ máu thịt, vì ngươi có một thân hình. Rồi hãy đứng thẳng lên, cao nữa, cao nữa vì ngươi có một thân hình, mà Chúa đã sinh ra theo hình ảnh của riêng Người. Hãy suy nghĩ, hãy hồi tưởng, hãy cúi xuống sát mặt đất và hãy ngẩng cao đầu hướng lên bầu trời. Đó chính là bài tập thể dục thực thụ.

Nhận biết

Con chó của tôi nhìn thấy một thứ gì đó mà tôi không thấy, nó nghe thấy những bước chân vang vọng từ xa mà bất kỳ một microphone nhạy cảm nhất cũng không cảm nhận nổi những âm thanh này. Cảm nhận của nó về sự sống và về cái chết, về các hiện tượng hơn cả con người hoặc khác với con người, trong mọi trường hợp là nhạy cảm và hoàn hảo. Thỉnh thoảng nó đi quanh phòng, đánh hơi, dõi theo một hiện tượng không thể nhìn thấy bằng đôi mắt dò xét: những lúc ấy nó thấy một cái gì đó, một người nào hay một vật gì đã dịch chuyển trong phòng, một điều gì đó đang diễn ra mà chúng ta - con người - bằng tất cả những khí cụ của mình không biết và không thể biết nổi. Nhưng nó thì biết. Nó là sinh vật có khả năng nhận biết duy nhất trong thành phố mà tôi tin cậy.

Chopin

Âm nhạc của ông tồn tại trong chúng ta như ký ức về một cuộc phiêu lưu đam mê và dị hình, có nước mắt, có tiếng xe hỏa sớm mai, có tiếng súng ngắn, ta cảm thấy mùi thần chết trên đôi môi nhợt nhạt, trời đã tảng sáng, đèn trong một căn phòng trên gác còn cháy, một phụ nữ ngồi viết thư, trong rừng lũ chim đa đa và gà trống rừng đã dậy, một người đàn ông mặc áo đuôi tôm rã rời, cô đơn đi lại trong phòng, một sự căng thẳng ngọt ngào hương vị và không thể chịu đựng nổi lan tỏa trong không gian, sự căng thẳng vô đạo và cuốn hút, một cảm thức về cuộc sống mà ta hơi thẹn thùng và chỉ một mình cảm thức ấy đáng để ta sống và chịu đựng cuộc sống. Tolstoy không thích âm nhạc Chopin, cứ nghe là ông bắt đầu khóc và ra khỏi phòng. “Thứ âm nhạc này muốn gì ở ta?” - ông vừa nức nở vừa phẫn nộ hỏi.

Phẩm giá

Tôi yêu những người có phẩm cách. Những người như thế đang thưa vắng dần. Nhìn quanh, đâu đâu cũng chỉ thấy những đức ông đáng trọng còn lại trên vị trí của họ.

Tầm nhìn

Tôi đứng trên quả đồi và quan sát thế giới.

Tôi thấy một vầng mây, phía dưới là hàng bạch dương. Yên ả. Bỗng một con chim vụt bay lên, tôi nhìn theo đến khi nó mất hút giữa tầng không.

Giờ tôi không còn nhìn thấy gì nữa, chỉ có đám mây. Nhưng trong một khoảnh khắc, giữa vầng mây và hàng bạch dương, tôi cảm thấy như thể mình đã hiểu ra một điều gì đó.

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/30358


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận