Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 8


Tản văn 8
THÁNG TÁM

Họ trở về từ biển, từ những vùng núi, từ những thành phố lớn xa lạ, ở đó mọi thứ đều khác thường, trà sáng được dọn ra cùng thịt hun khói rán, khi bước vào một cửa hiệu người ta không bỏ mũ, và không hôn tay phụ nữ. Họ vừa đi xa về, họ kể nhiệt tình và lắp bắp, hai tay mở chiếc vỏ ốc nghe có tiếng ầm ì của biển, kỷ niệm về một ánh mắt phụ nữ ngoái nhìn trên mạn tàu Vasporetto ở Venice, một kiểu móc áo mới mà ở nhà chưa biết. Họ hăng hái, rồi thở dài ngồi xuống giữa đống đồ đạc đã dỡ ra nửa chừng, thở dốc, mệt mỏi, phó mặc. Họ ngồi như thế một lát, cái nhìn mơ màng, với đôi mắt rực sáng bởi những kỷ niệm, với nụ cười vu vơ trên môi. Họ chẳng nghe thấy lời mời sang dùng bữa ăn trưa. Trên nền nhà là một đôi dép, một tượng David bằng thạch cao nhỏ và một vé đi xe điện ở Paris. “Vâng, tôi sang ngay đây!”, họ nói với về phía phòng ăn. Trong giây phút ấy họ trở nên trang nghiêm.

Nhưng sự nghiêm trang qua đi ngay sau thìa xúp đầu tiên. Ôi, nhà đẹp quá nhỉ! Tất nhiên gia nhân đã dọn dẹp khi họ đi vắng. Nhà mình thật đẹp, và ở Paris họ nhìn thấy một người da đen ngồi trước một quán cà phê trên đại lộ, anh chàng mặc bộ đồ trắng, đội mũ kiểu Gigardi, và giống người bán đồ gia vị có cửa hiệu ở Kalocsa(1)_ ba mươi năm trước. Phải sơn lại các phòng trước tháng Chín, họ nói, và phải chỉnh lại các lò sưởi. Nhưng ở Venice, trong lâu đài tổng trấn không có buồng tắm, có ai tin không?... Nào, cuối cùng đây mới thực là món ăn chứ, họ nói, mồm đầy thức ăn và mắt sáng lên; cả chuyến đi không được ăn bánh mì làm bằng bột lúa mạch! Nhưng rồi họ nhớ đến một thời khắc ở Hampstead_(2), từ một triền đồi cao họ nhìn xuống London và cùng im lặng, vì lúc đó trời vừa tối, London rộng lớn và giống nông thôn đến nỗi họ không thể nào hiểu nổi. Rồi họ nằm xuống đi văng, hít thở không khí bất biến của căn phòng quen thuộc, họ còn muốn nói gì thêm nữa, Elíz bỏ các đồ son phấn, mỹ phẩm ra kẻo nước hoa chảy ra ngoài. Ở Firenze cái giường thật tồi, họ còn muốn điều gì nữa nhỉ. Nhưng họ đã chìm vào giấc ngủ.

Họ ngủ và mơ, và trong giấc mơ thế giới hòa quyện tuyệt vời vào hương vị ngôi nhà của họ. Mưa bắt đầu lặng lẽ rơi. Khi họ tỉnh dậy, lúc gần năm giờ, những lùm cây màu vàng, sũng nước ngoài cửa sổ, sương mù là là bay trên các mái nhà. Lúc này họ mới xem thư từ gửi đến, và ngạc nhiên vì họ còn bao mối liên hệ với thế giới. Những căn phòng, từ khi họ đi xa, nay đã chớm lạnh. Họ nhớ đến ngày Lễ Thánh Szent István_. Nhớ sau ngày Szent István(*) ở vùng này bao giờ trời cũng mưa. Họ nhớ sắp đến kỳ ghi tên vào trường học cho trẻ, và sau đó là cuộc sống gia đình, công việc gia đình, sự nghỉ ngơi gia đình, tuy riêng biệt, nhẫn nại, không mệt mỏi, quen thuộc nhưng cũng vẫn có sự căng thẳng, bất an. Tất nhiên ở Roma thì dễ dàng hơn, họ nghĩ thế. Và họ xuống tiệm cà phê, nhà hàng vào gần cuối tháng Tám đã hầu như có dáng dấp mùa thu, những người chơi biliard to tiếng hơn, những ngọn đèn chĩa ra sáu hướng. Trên đường về họ nhận ra trên cửa văn phòng dịch vụ mai táng có nhiều cáo phó còn mới, với những bài báo tang lạ. Họ đọc những bài cáo phó chăm chú trên đường về.

Ban đêm, giấc mơ của họ đã rõ ràng, yên bình hơn. Thi thoảng họ còn nghe tiếng còi của một chiếc ô tô ở London hay tiếng cười của một thiếu nữ trên bờ biển. Sao cô ta cười thế nhỉ? - họ thầm hỏi, lơ đãng. Trên những phố xá quen thuộc người ta đã đi lại với vẻ thờ ơ, nhẫn nhịn và không chờ đợi. Tháng Tám còn bừng sáng lên trong khoảnh khắc, và trong ánh sáng đó lóe lên những kỷ niệm về thế giới. Thế giới như thế nào nhỉ? Trong đó có biển cả và có những tay bồi bàn cau có, và những bức tranh của các họa sĩ lớn, và còn một điều gì đó nữa - không thể hiểu tường tận.

Kịch

Những tấn kịch lớn, quyết định vận mệnh của cuộc đời thường bắt đầu một cách âm thầm, đến nỗi khi đã ngập trong tấn kịch ấy đến cổ mà ta vẫn chưa hiểu. Bệnh ung thư, nỗi nhục nhã, sự thất bại hay thất vọng lớn không bắt đầu như trong văn chương: một hôm ta phát hiện ra cái mụn, hay một ai đó gọi điện thoại và nói vào máy với giọng thật khác lạ, mà ta không thật hiểu những gì họ nói, hay người phụ nữ mà ta yêu bỗng thờ ơ quay mặt đi. Nó bắt đầu như vậy. Không. Những lúc ấy nó đã diễn ra. Định mệnh thường lặng lẽ. Chỉ có tai họa là kêu gào ầm ĩ và rung chuông leng keng.

Tôrôk_(*)

Tôrôk Gyula là nhà văn đầu tiên đã nhận tôi làm bạn, đúng, ông là nhà văn đầu tiên tôi quen biết trực tiếp. Lúc đó tôi mười tám tuổi. Ông ba mươi và đã thành danh: ông để râu đỏ, sách của ông bày bán trong hiệu, và nếu chúng tôi đi ngoài phố sau khi từ tòa soạn ra, các cô gái mới lớn thường nhìn theo và gọi tên ông.

Ông buồn, đam mê và bất mãn. Ông chỉ yêu duy nhất một thứ: tiếng Hung. Chỉ trọng duy nhất một thứ: con chữ. Một buổi chiều trong tòa soạn, ông nổi cơn thịnh nộ, ông xé bản thảo của một đồng nghiệp của chúng tôi, ném xuống đất và nhổ bọt lên đống giấy vụn.

- Có chuyện gì thế? - sau này tôi hỏi ông.

- Hắn không biết viết, - ông đáp, mặt tái dại và thở dồn. - Hắn viết bằng chân, như một con lợn.

Khi đó tôi nhìn ông và chợt hiểu ra điều gì đó. Càng ngày tôi càng hiểu ông hơn.

Thiên đường đã mất

Anh vừa về thành phố quê hương mấy ngày, và trở lại với vẻ bối rối. Anh không trả lời được các câu hỏi của tôi. Ở quê họ đã xúc phạm anh? Không có chuyện đó. Ai đã chết ư? Không ai chết cả. Một ngôi nhà thân thuộc đã bị phá? Không, mọi ngôi nhà vẫn nguyên vẹn.

Anh không trả lời nổi, cứ đi lại với đôi mắt vô hồn, giọng đáp đầy phiền muộn. Thái độ như người dọc đường bị mất cắp. Anh không bảo “thiếu vắng một điều gì đó”, cũng không than phiền, chỉ bơ vơ và bối rối. Một cái gì đó đã mất đi ở thành phố quê hương anh, và chúng tôi hoài công chắp nối những mảnh vụn của ký ức và những chuyến đi. Một điều gì đó đã đổ vỡ hoặc chết đi ở quê nhà. Một ai đó đã tới Thiên đường ấy, một kẻ xa lạ. Anh bảo không muốn về nhà nữa.

Tôi không an ủi anh nổi, vì quê hương và Tổ quốc chỉ có một, và nếu nó đã mất, không thể bù bằng cái khác. Tôi mời anh sang Paris, rồi đi biển, nhưng anh nghiêm mặt lắc đầu vẻ hơi bực mình. Lúc ăn trưa, anh ngồi nhắm mắt, hai tay buông xuôi theo thành ghế, giống như Milton(*)_ đang ngồi đọc cho ai đó ghi chép lại.

Trả thù

 Đối với một nhà văn, cuộc sống đời thường gần như không thể chịu đựng nổi, cũng như cuộc sống văn chương. Đâu đâu cũng thấy cạm bẫy, dao găm và dây thép. Thế giới quanh anh ta đầy những sự thù nghịch. Người ta muốn giết, muốn đè bẹp, muốn anh câm lặng: những đồng nghiệp cũng như các nhà cầm quyền.

Nhưng nhà văn trả thù, và không có cách gì ngăn cản nổi sự trả thù này. Nhà văn không thể đứng ra giải thích thế này thế nọ, vì nếu thế anh sẽ trở nên lố bịch và thất bại. Nhưng sự trả thù của nhà văn là không thể chống đỡ nổi. Sự trả thù duy nhất đó là gì? Đó là nhà văn ngồi ở nhà hay tự giam mình trong một căn buồng kín, và viết.

Byron

Ở Byron đúng là có một cái gì đó mang tính cách Byron; và điều đó là hiếm thấy nhất.

Cán cân

Có thể sáng ra tôi phải chết. Trong “giây phút tưởng tượng” cuối cùng, tôi nhanh chóng làm một tổng kết:

Nợ:

Tôi đi máy bay.

Đã gọi điện thoại.

Đã nghe đài.

Đã nhìn thấy Linberg(*)_ đáp xuống một sân bay cạnh Paris.

Tôi đã sinh đúng lúc, để có thể đọc ngay các tác phẩm của Rilke, Krúdy, Proust.

Là nhân chứng của quá trình tri thức - tuy rất chậm - chiến thắng sự ngu ngốc và bản năng.

Trong thời tôi sống người ta đã phát minh ra thuốc gây tê toàn phần và cục bộ, thuốc insulin và vacine chống dại.

Trong thời gian tôi sống, số người bị giết vì khí gas, vì súng đạn và giá treo cổ nhiều hơn số người bị sát hại của một trăm năm trước đó.

Đòi:

Tôi đã là đồng nghiệp, đồng nghiệp im lặng, đồng lõa, thậm chí chia sẻ một cách bất lực và tội lỗi của những nhà văn, nghệ sĩ, đạo diễn và những người đã hạ thấp nhu cầu nghệ thuật của công chúng.

Vào giai đoạn này đàn ông và phụ nữ dần dần biến mất khỏi thế giới văn minh. Thay vào chỗ họ là các vũ nữ, những gã sở khanh và thợ thuyền đua nhau thi thố vai diễn.

Trong thời đại “hàng không” tôi chỉ bay tất cả có năm lần, vì không có tiền.

Tôi đã sống trong thời kỳ mà người viết bán những giá trị tinh thần quá rẻ mạt.

Tôi đã sống vào thời kỳ thợ vụng thường múa rìu mắt thợ.

Tôi đã sống vào thời những thông báo văn chương được trả tiền.

Tổng kết:

Đáng sống.

Chết sẽ lạ lùng.

 

Tiếng Anh

 Sau mười, mười lăm năm học tiếng Anh cần cù và chuyên chú, cuối cùng thì ta cũng hiểu rằng tiếng Anh - rất tiếc là - không thể học nổi.

Tính thời sự

Những áng văn lớn không có tính thời sự, ngay cả khi thi sĩ hay nhà văn muốn ghi chép những vấn đề thời sự nóng bỏng nhất của thời đại mình, ngay cả khi họ muốn nói với xung quanh, với giai cấp hoặc dân tộc mình về một sự việc tức thời. “Vùng lên, hỡi dân Hung!” là câu thơ tức thời, nó muốn tác động đúng ngày 15 tháng Ba năm 1848, nhưng hôm nay nó vẫn tồn tại và tác động, và cả nghìn năm sau nữa khi dân Hung còn tồn tại. Những áng văn chương lớn không có tính kỳ hạn. Một tiểu thuyết lịch sử mở ra cho chúng ta một thời đại và những con người của thời đại ấy một cách chính xác, nhưng nó không gắn với thời gian, giống như tất cả đã diễn ra trên Mặt Trăng vậy.

Hoài nghi

Hay là công việc chưa xong?... - chỉ vì Chúa đã chán và bỏ dở vào ngày thứ Bảy.

 

Tính cách của L. (bản khắc đồng)

L. sống trong khách sạn, và là một người độc lập. Không độc lập như một người có tiền, có tài sản. Gã độc lập như một kẻ không có mối liên hệ thực, gần gũi với đồng tiền và tài sản. Gã có cấp trên, có nợ nần, có những hóa đơn đòi nợ của thợ may. Gã kiếm được nhiều tiền. Nhận làm đủ thứ việc tạp nham, để có thể tiêu vào quán cà phê, vào bài bạc, vào xe cộ. Gã kiếm ra số tiền này trong khi nghiến răng, thở dốc, đổ mồ hôi và nguyền rủa.

Chưa bao giờ gã có vợ. Không có bạn, gã cười và dang tay ra với tất cả mọi người, thường xuyên đánh bạn với cả thiên hạ. Nụ cười của gã như của một nhạc trưởng đẹp trai người Digan. Gã gọi mọi người - kể cả ngài thẩm phán - thế này: “Ôi, ông bạn quý của tôi!” Gã không phản lại ai, chỉ vì đối với gã không có mối quan hệ con người nào đáng phải lừa phản. Gã sống trên thế gian, hưởng thụ tất cả vẻ đẹp bên ngoài của cuộc sống, như một con cá heo sống trong bể: trách nhiệm về sự tồn tại của nó không thuộc về nó nữa, mà thuộc về con người. Gã sống, nhưng không có sự ràng buộc và tương ái.

Gã có rất nhiều câu chuyện, nhưng hình như điều thật sự cần nói thì gã im lặng. Gã nói nhiều nhưng kín đáo. Không ràng buộc nhưng cũng chẳng tự do. Không có lời hứa để lệ thuộc, không có lời thề, cũng không có văn bản ở bất cứ đâu, do bất cứ ai để có thể viện dẫn. Gã không buồn, đúng hơn là gã vui vẻ một cách bài bản. Gã xuất hiện giữa mọi người với điệu bộ phóng khoáng, với nụ cười ép gượng, với sự khiêm tốn tự mãn và phô trương. Gã là người duy nhất mà tôi biết là không có liên quan gì với những người đang sống cũng như với những người đã chết.

Trắng đêm

Ba rưỡi sáng trong một khu vườn trên núi Sashegy, không hề có sự chuyển tiếp, đó là giây phút trời bắt đầu tảng sáng.

Ban đầu một con sáo trên đỉnh ống khói cất tiếng hót, trời xanh thẫm, không xanh bình thường và không đen, mà xanh thẫm như biển trước bão. Khi con sáo hót tiếng cuối cùng - như một tín hiệu - bầu trời xanh thẫm bắt đầu ửng sáng. Như ở tận đâu, rất xa, từ lòng đất, hay phía sau Trái Đất, những ngọn đèn pha cực mạnh được bật sáng, chưa nhìn thấy những chùm sáng, chỉ có ánh phản chiếu kỳ bí rạng dần. Con sáo im lặng như kẻ đã làm xong việc, giật mình vì những hệ lụy, vụt bay đi. Cây cối, những gương mặt, ngôi nhà trong vườn đều như có thực trong khoảnh khắc ấy. Chúng tôi lặng nhìn nhau, nhìn bầu trời, nhìn mặt đất.

Bỗng thấy trên cây chi chít quả. Lũ chó từ đâu mò ra, phía xa có tiếng còi ô tô, ai đó bỗng nhớ ra cái từ mà cả đêm đã hoài công tìm kiếm. Muốn nói ra điều gì đó từ trái tim. Các nàng đội lên đầu những chiếc mũ cói rộng vành, đánh phấn bằng đôi tay nhợt nhạt. Cảnh vật, những quả đồi hiền lành, rừng, vườn quả, tất cả bỗng hiện rõ lên trong ánh ngày, như một cơ cấu bắt đầu khởi động, vận hành thế giới bằng ánh sáng và máy móc. Không khí bỗng nóng lên rõ rệt, không màu và không vị, cái nóng sớm mai, có lẽ như bầu không gian trong lửa luyện ngục: không trần gian, không thường nhật, không con người. Trên bàn những cốc vang rót lưng chừng thứ vang quý màu hổ phách. Có thể lắng nghe tiếng những quả anh đào chua căng tròn đang chín trên cây.

Một chàng cầm bông hoa hồng, một người khác cầm tay một cô gái, người thứ ba nhìn lên bầu trời như mới thấy lần đầu. Chúng tôi qua một thảm cỏ vừa cắt, mùi nồng đậm, đi như lướt trong làn hơi cỏ tươi. Trên đồi, chúng tôi gặp những ngôi mộ người Do Thái và Công giáo, màu tươi mới hơi giống như trên một sân khấu. Chiếc xe lướt qua gần mộ cha tôi. Có tiếng của ai đó ngả người ra thành ghế, hát giọng khàn khàn: “Ôi, hoa huệ, một nhành hoa huệ.” Đã là buổi sáng.

Thành phố lớn

Ở Budapest tôi vẫn như người lạ: thỉnh thoảng vào buổi chiều tôi đi trên những con phố nhỏ của khu Ferencváros hay các con đường nhỏ hai bên đại lộ vòng cung József, và tôi kinh ngạc bởi sự lạ lẫm ập xuống tới mức độ làm tôi choáng váng, những bảng hiệu khiến tôi phát hoảng. Tôi đứng dưới một vòm cổng trên phố Huszár và xem danh mục những người sống trong ngôi nhà, bỗng nhiên một phát hiện bất ngờ bóp nghẹt trái tim: tôi sống trong một thế giới mà tôi không hiểu biết, trong một thành phố mà tôi không hề biết đến những ưu tư, những suy nghĩ, cảm xúc thực sự của nó. Những lúc như thế tôi buồn bã ra về, và mấy ngày liền không dám viết.

Cây cọ

Một người hầu bàn trong nhà nghỉ mùa hè nhắc tôi, cây cọ trong chậu gỗ đặt giữa vườn đã nở hoa từ đêm qua. Đúng vậy, giữa những phiến lá xanh bụi bặm của nó thấy ló ra những chùm hoa màu vàng nhạt như đã héo.

- Cứ hai mươi nhăm năm nó mới trổ hoa một lần, - người ta bảo thế.

Còn người bồi bàn chính thì nói:

- Lần này hoa héo vì không có bạn thụ phấn.

Một ông già hút xì gà:

- Chúng tôi đã đưa vào nhà trồng cọ. Người ta bảo nó đã trổ hoa ba hay bốn lần. Có khi nó đã trăm tuổi.

Cây cọ ủ rũ hướng những chùm hoa về phía mặt trời, như thể nó hổ thẹn vì những bông hoa đẹp khác lạ, nhất thời vô ích, vì sự vô sinh bí ẩn kia. Nó đã chuẩn bị cho giờ phút này hai mươi nhăm năm. Cái quy luật bí mật sống trong thân thể cao gầy của nó đúng hai mươi nhăm năm mới viên mãn... Nó sinh thành theo một kỳ hạn bí ẩn, chính xác và không có mục đích, trong một nhà hàng ở Buda.

Nhân viên đứng vây quanh đầy thích thú. Họ phủi bụi, tưới nước cho nó, như chăm sóc một con thú hoang bị cầm tù trong cũi vừa sinh con không thành. Tôi nhận thấy chúng tôi đều nói nhỏ hơn mọi ngày.

Những thành tố

Vào những đêm cuối hè ẩm ướt này, khi băng qua trảng cỏ, trong cái phòng hóa nghiệm phù thủy này, anh bỗng cảm thấy những thành tố của cuộc sống: khói và mùi rơm cỏ, mùi vị ô dôn của bột ê te, hơi ẩm của các mô thực và động vật đang lên men và phân rã, cái mùi vừa đáng sợ vừa hấp dẫn mà tổng thể của nó là cuộc sống. Một xưởng hóa học cổ xưa tuyệt vời, vận hành không cần đến ống thuỷ tinh nhọn đầu, cũng như lò nung, bình thủy. Hãy hít thở, nhâm nhi nó, nhắm mắt lại; anh sẽ trở nên thông thái hơn cả người đã tìm ra viên đá thần kỳ.

Luật lệ

Một ông già kiêu hãnh vì tuổi già: giống như người thương tật một trăm phần trăm, có giấy chứng nhận về sự thiếu hoàn hảo của mình. Không một ai đủ già lão so với ông. Mới chỉ tám mươi hai nhưng ông nghe những người trên bảy mươi đầy vẻ khinh mạn, dè bỉu, với sự xa cách không thể tả nổi. Cứ như ông đã thắng trong cuộc đua maraton tuổi già. Tất cả những người khác đều là bọn lừa đảo và bất tài, ngay cả những người đã ngoài chín mươi.

Ông ăn rất nhiều. Ông suy nghĩ ở tầm lịch sử. Chúng ta còn nói: thứ Tư, thứ Năm vừa rồi. Ông thì bảo: “Năm tám mươi ba, và sau đó, năm kỷ niệm thiên kỷ_(1) vừa rồi, cũng như bây giờ.” Ông có vẻ không hài lòng vì chưa ra đời trước năm bốn mươi tám(1)_. Kỷ niệm lớn nhất của ông là một lần tranh cử vào nghị viện. Ông nói về Tisza István như thể ông này vẫn đang sống, như vẫn là đối thủ chính trị của ông.

Lúc nào cũng thấy ông tính tính, toán toán, đôi khi còn cho vay nặng lãi. Đàn bà, thật bất ngờ, theo ông chỉ để “vắt kiệt đàn ông” mà thôi.

Ông rất tinh mắt, chỉ nghe là kém. “Tôi điếc đấy!” - ông nói đầy vẻ tự hào. Cứ như người ta khoe cơ bắp ở tuổi đôi mươi.

- Thế giới cũ, - khi tạm biệt ông lắc lắc tay tôi, - có cái hay.

- Cái gì, thưa bác?

- Luật lệ, - ông đáp đầy ẩn ý. - Luật lệ, con ạ.

Ekermann(*)

Từ Những cuộc đàm đạo chúng ta không biết tính cách hay khả năng nào của ông đã giành được cảm tình của Goethe. Những đánh giá của ông rụt rè như một thầy giáo trường làng. Đúng là ông chu đáo, cẩn thận; ông đã quan sát thiên tài mà ông tiếp xúc hàng ngày kỹ lưỡng và chuyên nghiệp như một nhà thiên văn quan sát sao băng: đo trọng lượng, phân tích thành phần, xác định các tính chất của nó. Chỉ có điều ông không cảm nhận được tính vô biên của vì sao.

Goethe mà Eckermann giới thiệu với chúng ta hơi gợi nhớ đến Exzellenz của Bôrne(*)_. Dù ông nói về Goethe đầy vẻ thán phục. Có thể Eckermann, một tâm hồn tận tụy, không thù ghét thiên tài cỡ Olympus này hơn mức cần thiết. Ông thích đối chứng ý kiến của mình với những phán xét của Goethe, và mãn nguyện nhận thấy “quan điểm của hai người đồng nhất”. Những lúc như thế cuộc trò chuyện của họ giống như cuộc tranh luận của hai vị thanh tra giáo dục về vũ trụ, với sự lưu ý đặc biệt tới chương trình đào tạo.

Cuối cùng thì ông đã hy sinh tất cả vì thiên tài: cuộc đời, những mộng văn chương, hạnh phúc ái tình, và nấp dưới bóng vĩ nhân, hơi run rẩy trong sự bất tử lạnh lẽo này, khiêm tốn và cẩn trọng. Và tác phẩm của ông đã trở thành một phần trong sự nghiệp sáng tạo của Goethe. Tên tuổi ông đã trở thành một khái niệm, giống như một địa danh du lịch. Không phải ông đã viết Faust, nhưng ông là một trong những người đầu tiên đã tán thưởng tác phẩm này. Ông sống nhờ Goethe, như một bụi tầm gửi trên thân cây. Nhưng nhìn từ xa, ta thấy nó đã thành một phần của cây, và gắn bó hữu cơ với nó.

Chán

Tôi sẽ chết và tôi chưa khi nào hạnh phúc. Chưa có một ngày duy nhất nào sung sướng, ngày duy nhất nào cảm thấy mình thoải mái, nhẹ nhõm, không lầm lỗi.

Tôi sẽ chết và tôi thấy chán chường.

Chán cả văn chương. Tôi biết gần như tất cả, và không thể nói với họ. Không chỉ họ cấm đoán tôi, chính tôi cũng tự ngăn cấm bản thân mình.

Viết

Hãy đến thật gần điều anh định nói. Hãy nhìn thật gần, từ mọi phía. Hãy cầm lên, xem xét bằng kính lúp, ngửi, nếm, sờ nắn. Và khi đã biết tất cả về nó, hãy quẳng đi và quên nó đi. Sau đó mơ về nó. Và rồi viết về nó.

Nhưng văn chương còn khác sự thật. Trong đó còn có chất kết nối lỏng lẻo, nhẹ nhàng.

Mỗi ngày đều viết. Suy nghĩ thật tận tụy, nhưng viết thật cao sang. Mỗi ngày đều bỏ đi một thứ gì đó. Đôi khi chỉ một từ, một cái gạch nối. Loại bỏ bức xúc cảm tính để làm trong sáng ý tưởng. Quan sát chưa đủ, còn phải biết quên. Có những nhà văn rườm rà, thấy gì vớ vẩn lấp lánh cũng tích góp. Cuộc sống, đáng tiếc, không “tiểu thuyết”, chỉ có tiểu thuyết mới lãng mạn.

“Tiểu thuyết mang hương vị đời sống” ư? Hãy mở nhanh cửa sổ.

Viết cho đến chết. Tất cả rồi sẽ qua đi, mất hết hương, hết vị. Chết làm sao, nằm giữa hai vị ngữ.

Phản đối

Tôi chỉ còn tin người nào dám và biết giúp đỡ một người khác một cách trực tiếp và đích danh: bằng vài đồng pengő_ hay lời khuyên trị bệnh, hoặc một chiếc hôn, một lời an ủi. Tôi tin vào người đem đến cho người bệnh khốn khổ một lọ hoa quả ngâm, người viết thư cho kẻ gặp hoạn nạn và gửi kèm trong thư mươi đồng pengő_, người tới nơi tù ngục, xin phép gặp người mang tội biển lận hay tù chính trị, và hôm sau gửi cho họ một ít thịt kho hay một phích cà phê sữa. Tôi không tin bất cứ nhà thuyết giáo và chính khách nào, bất kỳ ai muốn cứu rỗi dân chúng và nhân loại, những kẻ cao giọng hứa hẹn - “với tất cả những hệ lụy, trước tòa án của lịch sử” - sẽ quên mình vì sự nghiệp chung. Tất cả chỉ là sự lừa bịp. Nhưng cho người ăn mày vài pengő_ khi biết chắc họ còn chưa ăn tối, hay đưa ai đó đến Pesterzsébet, tâm tình với họ khi ngồi trên tàu điện về nỗi khốn cùng, buồn chán, cô đơn của họ: đó là thực tế. Tôi phản đối những sự việc chung. Chỉ còn tin vào những việc riêng tư.

Vang lạ

Tối qua tôi uống rượu vang Đức. Vị lạnh và tinh khiết. Nó không đưa đẩy du dương, mà chỉ giáo, nhắc nhở. Chất men say của nó kích thích sự nghi ngại và tính toán. Rượu vang của chúng ta bảo: “Hãy say sưa và quên!” Vang Đức thì nói: “Hãy tỉnh táo và nhớ!”

Gió

Gió điên khùng, gào thét liên hồi. Mãi mãi vẫn thế. Một thế giới chìm đắm trong tiếng gào của gió, những lâu đài, với những con người khó tính cần đúng thứ này. Nó gào thét át tất cả: chỉ có ta, chỉ có ta! Như thể luôn luôn diễn ra một điều gì đó, dưới sâu thẳm kia, phía sau cuộc đời, và nó diễn tả điều đó, lúng túng, ào ạt, gầm rú; chỉ mình nó biết điều bí mật kia.

Nhưng những ngọn núi thì im lặng.

Nữ ca sĩ

Một nữ ca sĩ người Anh đến biểu diễn. Ngôi nhà trống, người xem rét run. Người đàn bà tóc đỏ, buồn bã, già nua, vật vã trong vòng tay khốn khổ của nghệ thuật, có thể nghe tiếng rệu rạo của bộ xương đã hơi vôi hóa, yếu ớt, mỏng mảnh của nàng.

Nàng hát những ca khúc Scotland và Ireland. Những nỗi buồn, niềm vui, ý tứ, sự tuyệt vọng, những thói xấu xa Scotland 3c99 và Ireland thấp thoáng không thể hiểu nổi trong phần trình diễn của nàng, lẽ ra những biểu hiện trên nét mặt nàng cũng phải được dịch ra tiếng Đức hay tiếng Hung.

Nàng nghiến răng khổ sở vì lạnh trong căn phòng trống huếch. Không có gì buồn hơn một người phụ nữ lạ, bị hạn chế bởi sự héo hon đàn bà và bi kịch của thứ nghệ thuật giả lạc điệu, thiếu sức cuốn hút. Cử tọa cảm nhận một điều gì đó trong tấn thảm kịch, trong sự tuyệt vọng này và họ vỗ tay. Ở Trung Quốc người ta vỗ tay một gã ăn mày què cụt như thế.

Cuối cùng chúng tôi đều vỗ tay, nồng nhiệt, giống như bảo một người bị nạn ở xa nhà, xa cảnh trí quê hương và người thân, đang hấp hối: “Không sao đâu, hãy tin ở chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa hài cốt bạn về quê nhà.”

Rimbaud_(*)

Mười tám tuổi ông từ bỏ thi ca, như bỏ một tình nhân thoáng qua đã không còn đủ sức cuốn hút. Rồi ông bước vào đời. Chịu đựng được hai mươi năm nữa. Ông bị cưa hai chân trong một bệnh viện ở Marseille, rồi chết.

Thơ ca ông, thứ giọng điệu khàn đục đặc biệt của cuộc sống, giống như một cảm xúc làm nghẹn lời, giống như tất cả những gì mà tâm hồn muốn kêu thét lên đều nghẹn lại trong tiếng thì thào và lắp bắp của đam mê. Nỗi đam mê này là gì vậy? Là tiền? Quyền lực? Phiêu lưu? Hay những mối tình bất thường, bệnh hoạn? Những phong cảnh lạ, tình bạn của Hoàng đế Menelik(*)_, những vụ buôn lậu vũ khí, bột vàng giấu trong thắt lưng để đem qua biên giới, những đêm Phi châu - giữa thú và người, ở tận cùng thế giới, xa những quán cà phê văn chương Paris, xa nhà tù mà Verlain - người bạn đau ốm đang khổ nạn? Ông tìm gì? Muốn dùng cuộc đời diễn tả điều gì, điều mà văn chương không diễn tả nổi, điều mà những ẩn nghĩa của nguyên âm không trả lời nổi, cái sensation(1)_ mà ông đã viết trong bài thơ đầu tiên, cổ điển của mình là gì, để từ đó ông săn tìm khắp cả, trong thi ca và trong phụ nữ, với sự trợ giúp của những tướng cướp, trên lưng lạc đà và trong khoái cảm cocain? Khi ông chết trong bệnh viện Marseillle, khi ông nhìn lên trần, một cái nhìn đứt gãy nửa chừng, cuối cùng ông đã hiểu điều diệu kỳ và không chịu đựng nổi, không thể kham nổi và không thể đạt tới đó là gì. Có lẽ lúc ấy ông đã hiểu.

Người Digan

Sống ven quốc lộ, trong những ổ chuột, trong loạn luân và trong những căn nhà tường đất nện, xa cách tất cả những gì là bổn phận xã hội, ẩn náu trong những hang hốc lờ mờ và tanh tưởi của một cộng đồng nòi giống nhỏ, phải chăng là quá tệ hại? - còn đôi khi chơi vĩ cầm, ăn cắp gà, treo cổ tự sát, giữa cảnh binh và bác sĩ phòng dịch, trong bụi bặm và đất sét, và giữa chừng nhớ tới Ấn Độ_(1), tới giấc mơ, tới nắng chói chang, và đồng pengő_ thó được cũng gọi là “rupi”. Phải chăng đó là định mệnh cay nghiệt của họ, sống bên ngoài thế giới, ẩn náu trong một cộng đồng lem luốc và nhếch nhác, nhưng vẫn nóng ấm và đậm đặc như máu? Có lẽ cái định mệnh Digan này không cay nghiệt đến thế. Tôi không thể nhìn những căn nhà ổ chuột tồi tàn bằng con mắt trịch thượng, khi xe tôi đi ngang qua, trên con đường quốc lộ trải bê tông ấy.

Đầu bếp

Gréti - cô gái hầu phòng trong khách sạn - lấy chồng. Cô mười tám, đẫy đà và lúc nào cũng mơ mơ màng màng như người mắc bệnh buồn ngủ. Trên đầu cô có vầng hào quang nhỏ; nếu vẽ cô tôi sẽ để cô cầm hoa, đứng giữa một bầy cừu. Chú rể năm mươi, góa vợ.

- Cô yêu ông ấy ở điểm gì? - tôi hỏi Gréti.

Cô nhìn trời, bĩu môi, liếc mắt. Như trong mộng, cô mơ màng đáp:

- Anh ấy là đầu bếp. Một tài năng đấy. Z. cãi nhau với tất cả. Bao giờ anh ấy cũng đúng. Một tài năng lớn.

Nhưng một tài năng lớn - đích thực - bao giờ cũng hài hòa. Trong mọi thời đại, bao giờ cũng có một số đông xoàng xĩnh, những chuyên gia quá tự tin, những nhà phê bình ngạo mạn, những đối tượng bất tài, những đối thủ vụng về. Tài năng thật sự hóa giải tất cả những điều đó. Còn loại người kia, loại “chỉ” có tài, không thể biến cải thế giới. Vì vậy tốt hơn hết là họ cãi vã.

Một khuôn mặt

Đúng, một gương mặt quen thuộc, ta yêu em. Từ gương mặt em tỏa ra sự hấp dẫn ngọt ngào, mệt mỏi, lẳng lơ, gương mặt mà ta không khi nào né tránh được. Nhưng ta nhắc cho em biết sự cuốn hút này, tình yêu này rồi đây chỉ tồn tại đúng hai mươi tư giờ. Ngay sau khi tỉnh giấc mơ đầu tiên gương mặt em sẽ bị xóa khỏi ký ức của ta, như ánh nắng xua tan sương mù buổi sớm. Gương mặt dễ thương kia ơi, mi là sương mù. Khi đang nói về mi ta đã thấy mi mờ mờ ảo ảo. Khi ta đặt dấu chấm cho câu này, ta buồn rầu và khoan khoái nhận ra rằng ta không còn thấy mi nữa.

Một người du mục

Người ấy có ô, có ủng lội bùn, có điện thoại và bàn dành riêng; nhưng sao trong cách thức anh ta nhìn thế giới bằng đôi mắt xanh, qua cửa sổ tiệm cà phê, trong tia nhìn của anh ta có gì đó như cái nhìn của dân du mục: cứ như anh luôn dò xét những tầng mây và hướng gió, như đánh hơi hoang thú lúc chiều tà. Trước bến xe điện anh ta cũng nhìn đám phụ nữ như thế, lạnh lùng và trịch thượng, như một người đàn bà Gruzia bị cướp về làm đệm thịt nằm phủ phục trong lều mình vậy. Người du mục. Anh ta ngồi vào taxi cũng như trèo lên lưng ngựa.

Tiếng nhạc ban ngày

Dừng lại trên phố nhỏ, dưới những lùm cây lướt thướt nước mưa, trước một cửa sổ mở hé. Sau rèm cửa có người chơi dương cầm. Tiếng chuông giữa trưa vừa điểm.

Hoặc ngâm mình trong bể bơi, nhìn lên, khi trên bờ nghe tiếng đài phát thanh.

Tiếng nhạc ban ngày tách bạch hẳn tiếng ồn ã của phố phường, và nhắc ta nhớ đến ngày lễ, đến ngày lễ vĩnh hằng, đến ý nghĩa thực của cuộc đời, đến sự lan tỏa và thánh thiện mà sự xấu xa của cuộc đời cất giấu.

Những lúc như thế tôi thường xanh tái mặt mày, một luồng khí lạnh chạy khắp người, và tôi phải quay đi để người khác không thấy được sự hổ thẹn.

Người Tây Ban Nha

Trên tàu là một ông người Hung da nâu bóng, đã có tuổi. Không vồn vã. Kiệm lời và ý tứ. Tôi nhìn ông nghĩ: một người hạnh phúc!

Qua Viên, tôi nhận thấy ông không hạnh phúc lắm. Ông hút loại thuốc lá ít nicotin, nhồi bông vào ống hút với sự tỉ mẩn không thể tả nổi. Trên cổ ông có một vết sẹo dài. Ông lấy trong cặp ra một quyển sách - Cuontes Espanoles - tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn Tây Ban Nha đương đại. Đeo chiếc kính mũi, ông chăm chú đọc.

Qua Linz chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Ông chỉ học tiếng Tây Ban Nha lúc đi đường, ông khiêm tốn bảo thế; học trên đường đi, tuyệt thật. Một người thông minh và có nghị lực. Ông rất am hiểu văn chương. Ông nói đại loại những điều thế này: “Gárdonyi(*)_ rất để ý tới các nhà xuất bản.” Lope de Vega(*)_ là nhà văn sản xuất hàng loạt, ông bảo, còn Blasco Ibaíez_(*) là nhà văn chắp vá rẻ tiền. Unamuno(*)_ thì vô tích sự, không đáng tin cậy. Ông khen Ortega y Gasset(*)_.

Ông sống ở nông thôn, làm kinh tế. Chính ông cũng dịch tiếng Tây Ban Nha, và việc đó, ông nói khiêm nhường, cũng chỉ là làm tay trái, “thích thì làm vậy thôi”. Hỡi các nhà yêu nghệ thuật, với các vị cái gì cũng “tuyệt vời!” (Như một ai đó đã nói: “Tôi đã xiên táo mình trên cọc nhọn, chỉ vì thích như thế.”) Một người toát ra học thức: vừa quan tâm đến các nhà văn Tây Ban Nha hiện đại, ông vừa chú ý đến những bó lúa mì gác chéo nhau trên các cánh đồng nước Áo. Chúng tôi nói về việc trồng củ cải và về Proust. “Những bó lúa xếp chéo nhau thật dày!” - ông bảo. Và: “Cuốn sách cuối của Robert Musil(*) có tựa đề thế nào nhỉ?”

Một con người bí ẩn. Tôi nhìn ông trìu mến. Trong tâm khảm, ông là người Tây Ban Nha.

Ngục tù

Bên cạnh ngôi nhà tòa án tỉnh lẻ là một căn nhà bán mái, kiểu như chuồng chó của một nhà phong lưu. Phía trên là một cái biển: LandesGefangniss_(1). Trên cửa sổ nhà tòa án, là những lọ thủy tinh ngâm dưa chuột và cà chua. Trong tòa nhà này có lẽ chẳng bao giờ người ta tuyên những án quá nặng.

Vào lúc đó cô gái dọn dẹp đang canh giữ tù nhân. Những người cai tù đang ăn trưa. Cô gái thò đầu qua cửa sổ, cười.

- Trong ấy có tù không?

- Có hai, - cô nói vẻ tự hào. - Có hai vị.

- Họ được đối xử tốt chứ?

- Tuyệt vời.

- Bữa trưa có món gì?

- Mì sợi.

Tất cả, nhìn từ bên ngoài làm người ta không thể không nhớ đến vở Con dơi(1)_. Nhưng với người ngồi trong thì đằng nào cũng vậy cả, dù nhà tù Sing-Sing(2) hay một cái chuồng chó. Người ta đôi khi chịu nạn trong những điều kiện nực cười. Nhưng nỗi đau đớn ở đâu chẳng thế.

Những ngọn núi

Những ngọn núi bướng bỉnh và hữu hạn. Mãi mãi chúng chỉ nói một điều giống nhau, với một sức mạnh khủng khiếp, như một gã đần độn lặp đi lặp lại một tín điều.

Sương mù. Điều bí ẩn của những ngọn núi.

Đúng, những ngọn núi thật vĩ đại. Nhưng ta, con người, kẻ đứng nhìn núi, một mình ta biết kích cỡ của chúng giữa vạn vật, ta là điều vĩ đại khác.

Câu hỏi

Tóm lại ông hâm mộ Freud(*)_?

Không. Tóm lại tôi hâm mộ tình yêu.

Virginia Woolf_(*)

Đó là người phụ nữ duy nhất trong văn học thế giới đã làm nổi điều không thể làm: giữ lại thời gian. Điều mà Proust không làm nổi, Joyce_(*) đã thử nghiệm không thành. Đi tìm thời gian đã mất Ulysses là những tuyệt tác, nhưng là những tuyệt phẩm bệnh hoạn và méo mó, cả hai đều là sự nảy nở khôn cùng. Nhưng Virginia Woolf đã viết một cuốn sách, trong đó bà thâu tóm thời gian, làm chủ những chiều kích của nó: trong đó có “tất cả”, và bên cạnh đó lại rất cân đối, hài hòa. Nhà văn không thể làm hơn thế. Bà Dolloway trở về: cô đầu bếp huýt sáo trong nhà bếp. “Lúc này Clarissa nghe tiếng máy chữ gõ lách cách. Đó là cuộc đời nàng. Và, cúi xuống chiếc bàn đặt ở phòng ngoài, nàng bỗng cảm thấy mình thánh thiện và trong sáng.” Bà viết những câu văn như thế. Một cuốn sách khiêm nhường: nói về một ngày duy nhất của một người phụ nữ Anh. Trong đó có cuộc sống, thời gian, có London và một điều gì đó nữa.

Bốn giờ chiều

Bốn giờ chiều. Tôi đi trên bờ đá dọc sông Duna, và chăm chú quan sát khung cảnh tuyệt vời của nước, của những con tàu và những áng mây, như một trò chơi nghiêm túc, tất cả hòa quyện và phản chiếu trong nhau, cùng sáng tạo ra sự liên kết vĩnh hằng xa xôi nào đó, giữa những dãy nhà của thành phố Budapest, với tất cả những tàu thuyền neo đậu, những áng mây trên mặt nước và trên những con thuyền. Tôi nghĩ, dẫu sao ta không hẳn chỉ có một mình: đôi khi thế giới mang đến những thông điệp.

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/30347


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận