Cửa sông - George và tôi được chụp ảnh - Wallingford - Dorchester - Abingdon - Người của gia đình - Địa điểm phù hợp để chết đuối - Một khúc sông khó đi - Tác động phá hoại của không khí sông nước.
Chúng tôi rời Streatley sáng sớm hôm sau, và chèo đến Culham, ngủ dưới tấm bạt, trong vụng nước cạn ở đó.
Khúc sông giữa Streatley và Wallingford không có gì đặc biệt thú vị. Từ Cleve ta đi thẳng một mạch sáu dặm rưỡi không gặp cửa sông nào. Tôi tin rằng đó là đoạn sông liền mạch dài nhất phía trên Teddington và câu lạc bộ Oxford thường dùng nơi này làm địa điểm tổ chức cuộc đua thuyền tám tay chèo của họ.
Nhưng mặc dù sự thiếu vắng cửa sông có thể làm vừa lòng các tay chèo, nó lại là điều đáng tiếc đối với những người chỉ thuần túy đi tìm sự vui thú.
Tôi thì thích các cửa sông. Chúng phá vỡ một cách khá dễ chịu sự đơn điệu của việc chèo thuyền. Tôi thích ngồi trên thuyền và từ từ thoát ra khỏi những cái hố sâu thẳm lạnh lẽo để đi vào những khúc sông mới và những quang cảnh mới; hoặc, như đã từng vậy, chìm xuống rời khỏi thế giới này, và rồi chờ đợi, trong khi những cánh cổng âm u cọt kẹt và dải ánh sáng ban ngày mỏng manh giữa hai cánh cổng mỗi lúc một rộng dần cho đến khi dòng sông xinh đẹp tươi tỉnh trải dài trước mắt ta, và ta đẩy con thuyền nhỏ ra khỏi nơi ngục tù tạm thời của nó để một lần nữa đến với dòng nước đang đón mừng.
Chúng là những địa điểm bé nhỏ nên thơ, những cửa sông ấy. Ông lão gác cửa sông mập mạp hay bà vợ tươi cười của ông, hay cô con gái đôi mắt long lanh của họ đều là những con người dễ chịu để khi đi qua ta sẽ cùng chuyện gẫu(1). Ta còn gặp nhiều thuyền khác ở đó, và trao qua đổi lại những câu chuyện tầm phào trên sông nước. Con sông Thames sẽ không phải là xứ sở thần tiên như bình thường nếu thiếu các cửa sông phủ đầy hoa của nó.
Chuyện trò về cửa sông khiến tôi nhớ ra một tai nạn mà George và tôi suýt nữa đã gặp phải vào một sáng mùa hè ở lâu đài Hampton.
Đó là một ngày đẹp trời, cửa sông đông nghịt; và như một thông lệ trên sông, một tay chắc hẳn là thợ ảnh đang giơ máy chộp cảnh cả lũ chúng tôi trên dòng nước đang dâng cao.
Thoạt tiên tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra và vì vậy vô cùng ngạc nhiên khi thấy George vội vã vuốt thẳng nếp quần, đánh rối tóc và xoay ngược mũ lưỡi trai với vẻ ngang tàng và khoác bộ mặt pha trộn giữa nét lịch thiệp và buồn man mác, ngồi xuống trong tư thế duyên dáng và cố giấu đôi chân của mình đi.
Ý nghĩ đầu tiên của tôi là hắn đã bất chợt ngó thấy cô nào đó hắn quen vậy là tôi bèn nhìn quanh để xem đó là ai. Mọi người trên cửa sông dường như đều tự dưng đờ ra như gỗ. Tất cả đều đứng hoặc ngồi trong những tư thế kỳ quặc nhất mà tôi từng thấy. Tất cả các cô gái đều đang mỉm cười. Ôi, trông họ mới đáng yêu làm sao! Và tất cả các anh chàng thì đều đang cau mày, trông thật nghiêm nghị và cao quý.
Và rồi cuối cùng sự thật cũng lóe lên trong tâm trí tôi, và tôi tự hỏi không biết mình có kịp không. Thuyền chúng tôi là chiếc đầu tiên và sẽ thật không tử tế chút nào nếu tôi làm hỏng tấm ảnh của người ta, tôi nghĩ.
Vì thế tôi vội quay lại chiếm một chỗ ở mũi thuyền, dựa vào cái móc với vẻ duyên dáng bất cẩn trong một tư thế khiến người ta nghĩ đến sự nhanh nhẹn và khỏe khoắn. Tôi chỉnh lại mái tóc sao cho một lọn quăn rủ xuống trước trán và khoác vẻ mặt đăm chiêu dịu dàng pha chút giễu cợt mà nghe nói rất hợp với tôi.
Trong lúc chúng tôi đang đứng chờ khoảnh khắc trọng đại đó, tôi nghe thấy sau lưng có ai đó gọi váng lên:
“Ê này! Nhìn mũi ông đi kìa.”
Tôi không thể quay lại để xem có vấn đề là gì, và cái mũi của ai cần được nhìn. Tôi bèn liếc xéo sang mũi của George! Nó ổn - dù trong trường hợp nào thì cũng chẳng thể thay đổi được bất cứ cái gì không ổn ở nó. Tôi lác cả mắt để nhìn mũi mình và có vẻ như mọi thứ đều không khác so với sự trông đợi.
“Nhìn cái mũi của mấy ông đi, đồ ngu!” vẫn giọng nói ấy, nhưng to hơn.
Và rồi một giọng khác gào lên:
“Đẩy cái mũi ra, không làm được à, bọn ông ấy… hai thằng cha đi cùng con chó ấy!”
Cả George và tôi đều không dám quay đầu lại. Tay của người kia đang để trên mũ và tấm ảnh có thể được chụp bất cứ lúc nào. Có phải họ đang gọi chúng tôi không? Có vấn đề gì với mũi của chúng tôi? Tại sao lại phải đẩy nó ra!
Nhưng bây giờ thì cả cửa sông bắt đầu gào lên, và một giọng oang oang thét lớn:
“Nhìn thuyền của các ngài đi kìa; mấy ngài đang đội mũ lưỡi trai đỏ và đen ơi. Xác hai ngài sẽ được chụp trong bức ảnh đấy nếu các ngài không nhanh lên.”
Vậy là chúng tôi nhìn, và thấy mũi thuyền của chúng tôi đã dính chặt vào dưới chân cửa sông, trong khi nước ở xung quanh bắt đầu dâng cao và dựng đứng nó lên. Chỉ tích tắc nữa thôi là chúng tôi bị lật rồi. Nhanh như chớp, chúng tôi túm lấy một cái mái chèo và bằng một cú đập mạnh vào mối ghép bên sườn cửa sông con thuyền đã thoát ra, hất chúng tôi ngã ngửa.
Chúng tôi, George và tôi, không được phong độ lắm trong tấm ảnh ấy. Dĩ nhiên, như có thể đoán được, sự may rủi đã ra tay để anh chàng phó nháy kia khởi động chiếc máy tàn tạ vào đúng cái khoảnh khắc cả hai chúng tôi đang nằm tơ hơ với vẻ mặt lơ ngơ kiểu “Tôi đang ở đâu đây? Và cái gì thế này?”, bốn chân giẫy giẫy điên cuồng trong không khí.
Không còn nghi ngờ gì nữa, mấy cặp chân của chúng tôi chính là thứ nổi bật nhất trong bức ảnh. Thật ra người ta chỉ có thể nhìn thấy rất ít thứ khác. Mấy cái chân đã chiếm trọn cận cảnh rồi. Phía sau chúng ta có thể loáng thoáng thấy mấy con thuyền khác và chút ít khung cảnh xung quanh; nhưng mọi người và mọi thứ khác trong cửa sông trông đều vô cùng mờ nhạt và bé nhỏ so với cặp chân của chúng tôi, cứ như thể tất cả mọi người đều thấy xấu hổ về bản thân và không chịu xuất hiện trong tấm ảnh vậy.
Chủ nhân của một chiếc thuyền máy hơi nước, người đặt trước sáu tấm ảnh, đã hủy yêu cầu này khi nhìn thấy tấm phim âm bản. Ông ta bảo sẽ lấy ảnh nếu có bất kỳ người nào có thể chỉ ra cái thuyền của ông ta đâu, nhưng chẳng ai làm được. Nó ở đâu đó đằng sau bàn chân phải của George.
Có một trận tranh cãi ra trò về vấn đề này. Tay phó nháy cho rằng chúng tôi mỗi người phải rửa lấy một tá ảnh vì tấm ảnh có đến 9/10 là hình ảnh chúng tôi, nhưng chúng tôi từ chối. Chúng tôi nói chúng tôi không phản đối những chân dung to bằng người thật, nhưng chúng tôi thích chụp đúng kiểu hơn.
Wallingford, nằm phía trên Streatley sáu dặm, là một thị trấn cổ kính, từng là một trung tâm hữu hiệu trong việc hình thành nên lịch sử nước Anh. Đó là một thị trấn được xây dựng thô sơ bằng bùn từ thời nơi đây còn là chốn trú ngụ của dân Briton, những kẻ đã ngồi chồm hỗm ở đó cho đến khi các đạo quân La Mã đuổi chúng đi và thay các bức tường trát đất sét của chúng bằng những công sự kiên cố mà dấu tích của nó vẫn chưa bị thời gian quét sạch, thế mới thấy những anh thợ nề thời xưa đúng là biết cách xây dựng.
Nhưng Thời gian, mặc dù do dự trước những bức tường La Mã, lại chẳng để mất nhiều thời gian trước khi nghiền nát người La Mã thành tro bụi, và nhiều năm sau cũng trên chính mảnh đất ấy đã chiến đấu với quân Saxon man rợ và quân Hà Lan hùng mạnh cho đến khi người Norman đến.
Đó là một thị trấn được tường lũy bao quanh cho đến thời Chiến tranh Nghị viện, khi nó phải chịu một cuộc bao vây ác liệt và dai dẳng do Fairfax chỉ đạo. Cuối cùng nó đã thất thủ và những bức tường bị san bằng.
Từ Wallingford đến Dorchester, khu vực quanh sông càng lúc càng dày đồi núi, đa dạng và nên thơ hơn. Dorchester cách con sông khoảng một dặm. Có thể chèo thuyền trên dòng sông Thames để đến đó nếu ta có thuyền nhỏ; nhưng tốt nhất là rời khỏi sông từ cửa sông Day và đi bộ dọc cánh đồng. Dorchester là một chốn bình yên hấp dẫn đã có từ lâu đời, nép mình trong sự yên tĩnh, trầm lặng và uể oải.
Dorchester, cũng như Wallingford, là một thành phố cổ từ thời Briton; hồi đó được gọi là Caer Doren, “thành phố trên mặt nước”. Gần đây hơn, người La Mã đã xây dựng một doanh trại lớn ở đó và bây giờ những công sự bao quanh nó trông giống như những ngọn đồi thấp, bằng phẳng. Vào thời Saxon, nơi này là thủ phủ của Wessex. Nó đã lâu đời lắm rồi, và từng rất lớn mạnh và vĩ đại. Bây giờ thì nó đã đứng ngoài lề cái thế giới cuồng nhiệt này để mà gật gù mơ màng.
Quanh Clifton Hampden, một ngôi làng vô cùng xinh xắn, cổ điển, bình yên và đỏm dáng với những bông hoa, phong cảnh trên sông rất đẹp. Ở Clifton nếu ở lại qua đêm trên đất liền, ta sẽ không thể tìm được chỗ nào hay hơn quán Đụn Lúa Mạch. Tôi có thể khẳng định, mà không nhận phải bất kỳ sự phản đối nào, rằng đó là quán trọ kỳ lạ nhất, lâu đời nhất ven sông. Nó nằm bên phải cầu, khá xa ngôi làng. Những cây cột đầu hồi thoai thoải, mái tranh và ô cửa sổ mắt cáo đã tạo cho nó một vẻ bề ngoài như trong truyện, trong khi bên trong quán thậm chí còn cổ tích hơn nhiều.
Đấy không phải nơi ở thích hợp cho nữ nhân vật chính của một cuốn tiểu thuyết hiện đại. Nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết hiện đại lúc nào cũng “cao tuyệt trần” và luôn “đứng thẳng tắp”. Ở quán Đụn Lúa Mạch, nàng mà làm thế thì nhất định sẽ cộc đầu vào trần nhà mất thôi.
Đấy cũng không phải ngôi nhà thích hợp để một thằng cha say xỉn trọ lại. Có quá nhiều bất ngờ trên đoạn đường gồm những bậc cầu thang không lường trước được dẫn xuống phòng này, lên phòng kia; còn về chuyện leo lên gác về phòng ngủ hay thậm chí là tìm ra giường của mình khi vào được phòng rồi, hai việc ấy việc nào cũng vô cùng bất khả thi với hắn.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm vì muốn có mặt ở Oxford vào buổi chiều. Thật ngạc nhiên khi thấy người ta có thể dậy sớm đến thế khi đi dã ngoại. Người ta sẽ chẳng mấy mong mỏi “thêm năm phút nữa thôi”, rồi cứ cuộn tròn trong chăn trên sàn thuyền với một cái va li Gladstone làm gối như người ta vẫn làm trên một chiếc giường trải đệm lông chim. Chúng tôi ăn sáng xong xuôi và đi qua cửa sông Clifton lúc tám rưỡi.
Từ Clifton đến Culham bờ sông bằng phẳng, đơn điệu và không có gì thú vị, nhưng sau khi qua Culham - cửa sông lạnh và sâu nhất trên sông- khung cảnh đã được cải thiện.
Ở Abingdon, con sông chảy sát phố phường. Abingdon là một thị trấn miền quê điển hình với quy mô nhỏ hơn - yên tĩnh, rõ ràng rất đáng kính, sạch sẽ và tẻ nhạt một cách tuyệt vọng. Nó tự hào về sự lâu đời của mình, nhưng về mặt này liệu nó có thể sánh được với Wallingford và Dorchester không thì cũng còn rất đáng ngờ. Một tu viện nổi tiếng từng nằm ở đó, và bên trong những gì còn sót lại của các bức tường đã được thần thánh hóa của nó ngày nay người ta đã dùng làm chỗ để ủ bia đắng.
Tại nhà thờ thánh Nicholas ở Abingdon, có một tượng đài tôn vinh John Blackwall và người vợ tên Jane, cả hai người, sau một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, đã qua đời vào cùng một ngày, ngày 21 tháng Tám năm 1625; còn ở nhà thờ thánh Helen, người ta đã ghi lại rằng W. Lee, chết năm 1637, “cả đời mình đã có một trăm chín mươi bảy sản phẩm từ cơ quan sinh dục”. Nếu tìm hiểu vấn đề này, bạn sẽ phát hiện ra gia đình ông W. Lee có đến một trăm chín mươi bảy người. Ông W. Lee - năm lần làm thị trưởng Abingdon - chắc chắn là một ân nhân đối với thế hệ ông, nhưng tôi hy vọng không còn nhiều người kiểu như ông trong cái thế kỷ mười chín dân số đã quá đông này.
Từ Abingdon đến Nuneham Courrtenay là một khúc sông đáng yêu hết sức. Công viên Nuneham rất đáng được đến thăm. Có thể vào thăm vào thứ Ba và thứ Năm. Ở đó lưu giữ một bộ sưu tập tranh và đồ cổ giá trị, còn cảnh quan thì rất đẹp.
Vụng nước dưới đập Sandford, ngay phía sau cửa sông, là một nơi rất thích hợp để trầm mình. Dòng nước ngầm chảy mạnh khủng khiếp, và một khi đã nhảy xuống đó rồi thì bạn sẽ ổn cả thôi. Có một đài kỷ niệm đánh dấu nơi hai người từng chết đuối trong khi tắm; và bây giờ các bậc cấp của đài kỷ niệm thường được dùng làm ván nhảy cho cánh thanh niên muốn xem liệu nơi này có thật sự nguy hiểm không.
Cửa sông và cối xay Iffley, cách Oxford một dặm, là đối tượng ưa thích của giới cọ vẽ yêu sông nước. Tuy nhiên nguyên mẫu lại khá đáng thất vọng sau khi người ta đã được xem tranh. Tôi nhận ra rằng trên thế giới này không có mấy thứ bắt kịp được bức tranh về chúng.
Chúng tôi đi qua cửa sông Iffley lúc mười hai rưỡi, và rồi, sau khi đã dọn dẹp con thuyền và sẵn sàng đổ bộ, chúng tôi bắt đầu dặm đường cuối cùng.
Giữa Iffley và Oxford là khúc sông khó đi nhất tôi từng biết. Để hiểu được nó thì ta phải được sinh ra trên khúc sông ấy cơ. Tôi đã qua đây vài lần, nhưng chẳng bao giờ hòa hợp được với nó. Chỉ những ai có khả năng sống thoải mái dưới cùng một mái nhà với vợ, mẹ vợ, chị cả và người bõ đã ở cùng gia đình từ khi anh ta còn bé thì mới có thể chèo một mạch từ Oxford sang Iffley.
Lúc đầu dòng chảy cuốn ta sang bờ phải, rồi bờ trái, sau đó nó lôi ta ra giữa dòng, quay ta vòng vòng ba lần và lại lôi ta ngược dòng, và luôn luôn kết thúc bằng việc cố gắng đập ta bẹt dí vào một cái sà lan của trường đại học.
Dĩ nhiên, hậu quả là suốt cả dặm ta đã chen ngang đường của rất nhiều thuyền khác cũng như họ chen vào đường chạy của ta, và dĩ nhiên, hậu quả là cả đống thứ ngôn ngữ chẳng hay ho gì cho cam đã được tuôn ra.
Tôi không biết tại sao, nhưng mọi người luôn đặc biệt dễ nổi nóng khi ở trên sông. Những lầm lẫn không đáng kể, mà hầu như ta chẳng nhận ra nổi nếu ở trên đất liền, cũng khiến ta gần như điên lên vì giận dữ khi chúng xảy ra trên sông. Khi Harris hay George làm trò gì dại dột trên đất liền, tôi chỉ mỉm cười bao dung; khi bọn hắn tỏ ra ngu ngốc trên sông, tôi sẽ sử dụng những ngôn từ kinh hoàng với bọn hắn. Khi một con thuyền khác chắn đường thuyền tôi, tôi chỉ muốn vớ lấy mái chèo mà giết sạch sành sanh những người ở trên ấy.
Những người mềm tính nhất trên đất liền cũng trở nên hung bạo và khát máu khi ở trên thuyền. Tôi đã từng đi thuyền với một tiểu thư đáng yêu. Cô này vốn là người dịu dàng nhất đáng yêu nhất mà ta có thể tưởng tượng nổi, ấy vậy mà trên sông nghe cô nói mới đáng sợ làm sao.
“Ôi, cái thằng cha phải gió kia!” cô thốt lên khi bị tay chèo không may nào đó ngáng đường; “sao hắn không nhìn xem hắn đang đi đâu nhỉ?”
Và “Ôi, chết toi chết giập cái thứ cũ rích ngu đần ấy!” cô phẫn nộ nói khi buồm không chịu căng lên cho đúng cách. Rồi thì cô túm lấy nó mà lắc như điên như dại.
Ấy thế mà, như tôi đã nói đấy, khi lên bờ cô lại tốt bụng đáng yêu hết chỗ nói.
Không khí sông nước có tác động phá hoại đối với tâm tính con người ta, và tôi đồ rằng nó cũng là nguyên nhân khiến ngay những người chở sà lan đôi khi cũng hục hặc với nhau và khiến người ta sử dụng những ngôn ngữ mà chắc chắn khi nào bình tĩnh hơn họ sẽ lấy làm hối tiếc.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !