Ba Gã Cùng Thuyền Chương 6


Chương 6
Thôi tốt hơn là không nên nói đi nói lại mãi những chuyện này làm gì, nghe mà buồn cả người.

Kingston - Những nhận xét mang tính cung cấp thông tin về lịch sử nước Anh thời sơ khai - Những quan sát mang tính cung cấp thông tin về cây sồi điêu khắc và cuộc đời nói chung - Trường hợp đáng buồn của Stivvings Con - Trầm ngâm với những di tích cổ - Tôi quên rằng mình đang cầm lái - Kết quả hay ho - Mê cung Cung điện Hampton - Harris làm hướng dẫn viên.

 

Đó là một buổi sáng huy hoàng, cuối xuân hoặc đầu hạ, nếu như bạn quan tâm đến vấn đề ấy, khi hoa lá cỏ cây chải chuốt rạng rỡ phải xấu hổ trước một màu xanh thăm thẳm hơn; và năm tháng như một thiếu nữ chưa chồng xinh xắn đang run rẩy với những rung động kỳ lạ, rạo rực huyết quản bên đường ranh giữa con gái và đàn bà.

Sát mép nước, những con phố nghèo duyên dáng của Kingston trông đẹp như tranh trong ánh mặt trời lấp lóa, dòng sông lấp lánh với những chiếc sà lan dập dềnh trên mặt nước, đường kéo tàu bằng gỗ, những căn biệt thự được chăm sóc chu đáo bên bờ đối diện, Harris, trong chiếc áo cộc tay màu đỏ và cam, đang càu nhàu với đôi mái chèo, tòa lâu đài màu xám cổ kính của gia đình Tudors thấp thoáng xa xa, tất cả tạo nên một bức tranh ngập tràn ánh nắng, tươi sáng nhưng êm đềm, tràn đầy sức sống mà lại thật bình yên, đến mức mới sớm ra tôi đã thấy mình đang được mơ màng ru vào dòng suy tưởng lâng lâng như thế đấy.

Tôi suy tưởng về Kingston, hay “Kyningestun”, như nó từng được gọi thời các vị “đế” Saxon cai trị ở đó. Caesar Đại đế đã vượt sông ở đó, và những quân đoàn La Mã đã cắm trại trên vùng dốc cao của nó. Caesar, cũng như Elizabeth nhiều năm sau, có vẻ như đã dừng chân ở khắp mọi nơi: chỉ có điều ngài đáng kính hơn Nữ hoàng Bess Anh minh; ngài không qua đêm tại các tửu quán.

Nữ hoàng là người mê đắm các tửu quán, là Nữ hoàng Đồng trinh của Vương quốc Anh. Trong vòng mười dặm quanh London, hầu như chẳng tửu quán nào có chút hấp dẫn mà bà lại chưa ngó qua, chưa ghé đến hay ngủ lại, không lúc này thì lúc khác. Tôi tự hỏi nếu như bây giờ, này nhé, cứ giả sử là Harris đi, cuộc đời bỗng sang trang mới và trở thành một người giỏi giang vĩ đại, và trở thành Thủ tướng, và rồi ngỏm, chẳng biết liệu người ta có treo lên các quán rượu mà hắn ta đã chiếu cố những tấm biển kiểu như: “Harris đã uống một cốc bia đắng ở quán này”; “Harris đã uống hai cốc Scotch lạnh ở đây vào mùa hè năm 88”; “Harris đã bị tống cổ khỏi đây vào tháng Mười hai năm 1886”.

Không, như thế thì sẽ quá nhiều! Chính những quán hắn ta chưa từng bước chân vào sẽ trở nên nổi tiếng. “Quán duy nhất ở Nam London mà Harris chưa bao giờ uống!” Người ta sẽ chen chúc vào đấy để xem cái quán ấy liệu có thể có vấn đề gì.

Vua Edwy tâm hồn yếu đuối tội nghiệp chắc hẳn phải ghét Kyningestun lắm! Bữa tiệc đăng quang đã quá sức chịu đựng của ngài. Có lẽ món thủ lợn lòi nhồi kẹo bi không chung sống hòa bình được với ngài (cả với tôi nữa, tôi biết mà), và ngài đã dùng hơi nhiều rượu mật ong và vang trắng; vậy là ngài bèn chuồn khỏi cuộc chè chén hoan lạc ồn ào ấy để lén lút thưởng thức một giờ yên tĩnh chan chứa ánh trăng với Elgiva yêu dấu của ngài.

Có lẽ, tay trong tay bên nhau nơi cửa sổ, họ đang ngắm ánh trăng êm đềm trên dòng sông, trong khi ấy, dưới đại sảnh xa xa, cuộc chè chén náo nhiệt tràn ngập những tiếng ầm ĩ nhặng xị nghe lợm cả người.

Thế rồi Odo độc ác và Thánh Dunstan thô bạo lao vào căn phòng yên tĩnh, thét lên những lời sỉ nhục láo xược với vị Hoàng hậu yêu kiều, và kéo Edwy tội nghiệp quay lại với tiếng la hét ầm ĩ của đám đông say sưa kia.

Nhiều năm sau, trong tiếng nhạc chiến trận ầm vang, các vị vua Saxon và những cuộc truy hoan kiểu Saxon đã bị chôn vùi cạnh nhau, sự vĩ đại của Kingston cũng bị vùi lấp một thời gian, để rồi lại vươn lên lần nữa khi lâu đài Hampton trở thành cung điện của dòng họ Tudor và Stuart, những chiếc thuyền lớn của hoàng gia chen chúc thả neo bên bờ sông, và những chàng hiệp sĩ hào hoa mặc áo choàng màu sáng nghênh ngang bước xuống các bậc thang dẫn ra mép nước rồi hét lên: “Cái Phà kia kìa, hê! Có Chúa chứng giám, xin đa tạ.”

Khắp xung quanh, nhiều ngôi nhà cổ kể lại một cách rõ ràng về những tháng ngày Kingston còn là một thành phố hoàng gia, và các quý tộc, cận thần đã sống ở đó, gần Đức vua, và con đường dài dẫn đến các cánh cổng cung điện cả ngày lúc nào cũng vui vẻ nhộn nhịp với gươm giáo lách cách, ngựa non nhún nhảy, nhung lụa sột soạt và những gương mặt đẹp đẽ. Những ngôi nhà to rộng với những cửa sổ lồi đan lưới mắt cáo, những lò sưởi khổng lồ, những mái nhà có đầu hồi, đã được hít thở không khí của thời bít tất dài và áo chẽn, thời yếm đính ngọc trai và những lời tuyên thệ phức tạp. Chúng được xây lên từ thời “người ta biết cách xây dựng”. Những viên gạch đỏ rắn chắc ấy chỉ ngày càng thêm kiên cố theo thời gian, và cầu thang bằng gỗ sồi thì không hề kêu răng rắc khi ta cố gắng đi xuống một cách lặng lẽ.

Nhắc đến cầu thang gỗ sồi tôi mới nhớ ra có một cái cầu thang bằng gỗ sồi chạm khắc rất tuyệt được dựng trong một ngôi nhà ở Kingston. Bây giờ nó là một cửa hiệu, nằm trong chợ, nhưng rõ ràng nó từng có thời là dinh thự của một người có vai vế nào đó. Một người bạn của tôi, sống ở Kingston, có lần đã đến đấy mua mũ, và, trong một khoảnh khắc không suy nghĩ, thọc tay vào túi và trả tiền cho nó ngay tại chỗ.

Người chủ hiệu (anh này biết bạn tôi) lúc đầu đương nhiên là rất kinh ngạc; nhưng rồi nhanh chóng tĩnh trí lại, và cảm thấy cần phải làm gì đó để khuyến khích những hành động kiểu như vậy, bèn hỏi nhân vật chính của chúng ta rằng liệu cậu ta có muốn xem vài món đồ bằng gỗ sồi cổ được chạm khắc tinh vi không. Bạn tôi nói có, vậy là người chủ hiệu dẫn cậu ta đi qua cửa hiệu lên cầu thang của căn nhà. Những chiếc trụ lan can đúng là một tác phẩm thủ công tuyệt diệu và nguyên cả bức tường trên đường đi lên được ốp gỗ sồi với những chi tiết chạm khắc hẳn là sẽ làm vinh danh cho cả một cung điện.

Từ cầu thang gác, họ đi vào phòng vẽ, một căn phòng rộng rãi sáng sủa được trang trí bằng một lớp giấy màu xanh lơ, dù hơi khiến người ta phải sửng sốt nhưng trông khá vui tươi. Tuy nhiên căn phòng chẳng có gì đáng chú ý, và bạn tôi phân vân không hiểu tại sao mình lại được dẫn vào đấy. Người chủ nhà bèn đến bên bức tường dán giấy và vỗ nhẹ vào đó. Một âm thanh của gỗ dội lại.

“Gỗ sồi,” anh ta giải thích. “Tất cả đều là gỗ sồi chạm trổ, lên tận trên trần, y như những gì anh thấy ở chỗ cầu thang.”

“Nhưng, hỡi Caesar vĩ đại! chao ôi,” bạn tôi kháng nghị: “ngài không định nói rằng ngài đã phủ kín những bức vách gỗ sồi chạm trổ ấy bằng giấy dán tường màu xanh lơ đấy chứ?”

“Đúng thế đấy,” là câu trả lời: “tốn tiền lắm đấy. Dĩ nhiên là phải đánh nhẵn hết trước đã. Nhưng bây giờ phòng này trông tươi hẳn lên rồi. Lúc trước trông nó ảm đạm phát khiếp lên được.”

Tôi không thể nói rằng tôi dồn hết mọi trách cứ lên người này (không còn nghi ngờ gì nữa, việc này rõ là một sự giải thoát cho tâm hồn anh ta). Theo quan điểm của anh ta, quan điểm của một chủ hộ bình thường, thèm được sống càng thoải mái càng tốt, chứ không phải của một tên dở hơi mê đồ cổ hơn mọi thứ trên đời, thì anh ta cũng có lý của mình. Gỗ sồi chạm khảm nhìn thì đẹp đấy, có một ít thì cũng thích đấy, nhưng rõ ràng, đối với những người không mê cái của ấy, sống bên trong một căn nhà như thế thì rõ là hơi có phần buồn tẻ. Có khác gì sống trong một cái nhà thờ đâu.

Không, điều đáng buồn trong trường hợp này là cái tay chủ nhà kia, chẳng quan tâm tí gì đến gỗ sồi chạm trổ, lại có cả một căn phòng vẽ ốp gỗ sồi chạm trổ, trong khi những người quan tâm tới gỗ sồi lại phải trả cả núi tiền để có được nó. Có vẻ đấy là quy luật của thế giới này. Mỗi người đều có thứ người đó chẳng thiết gì và những người khác lại sở hữu thứ anh ta đang tha thiết muốn.

Ông nào đã trót lấy vợ thì chẳng có vẻ gì là muốn sở hữu món tài sản này cho lắm trong khi bọn thanh niên chưa vợ kêu gào sao mình chẳng kiếm nổi một cô. Người nghèo vắt mũi không đủ đút miệng thì có đến cả đàn con ăn khỏe như hùm. Còn các cặp vợ chồng già giàu có, vốn chẳng có ai để thừa kế, thì chết không con không cái. 

Lại còn các cô nàng với người yêu của các nàng nữa chứ. Các cô rõ lắm người theo đuổi thì chẳng bao giờ ngó ngàng gì đến họ. Các cô bảo thà không có còn hơn, rồi thì bảo bọn họ làm phiền các cô, và hỏi sao họ không đi mà tán tỉnh mấy cô Smith hay cô Brown già khú đế nhan sắc tầm thường mãi chẳng có người yêu kia đi. Các cô thì chẳng cần người yêu. Các cô chẳng đời nào tính đến chuyện lấy chồng đâu!

Thôi tốt hơn là không nên nói đi nói lại mãi những chuyện này làm gì, nghe mà buồn cả người.

Ở trường tôi có một thằng mà bọn tôi gọi là Sandford và Merton(1)_. Tên thật của nó là Stivvings. Nó là thằng nhãi bất bình thường nhất tôi từng gặp trên đời. Tôi tin là nó thích học thật. Nó toàn bị mắng cho té tát vì tội ngồi dậy học tiếng Hy Lạp trong giờ ngủ; còn các động từ bất quy tắc tiếng Pháp ấy à, cứ gọi là không tài nào kéo nó dứt ra khỏi chúng được. Trong đầu nó đầy những ý nghĩ quái gở và phi tự nhiên rằng nó là kho báu của bố mẹ, là niềm tự hào của cả trường; rồi nó khao khát giành được các giải thưởng, trưởng thành và rồi ra sẽ là một người thông thái, và đại loại là tất cả những ý tưởng thần kinh kiểu ấy. Tôi chưa bao giờ biết đến một sinh vật nào kỳ lạ như thế, nhưng vô hại, xin các vị lưu ý cho, vô hại như đứa bé còn chưa chào đời ấy.

Vậy đấy, cái thằng nhóc đó thường ốm hai lần một tuần, và thế là nó không thể đến trường. Thật chưa từng có thằng nhóc nào lại đau ốm kiểu như thằng Sandford và Merton. Hễ trong phạm vi mười dặm quanh nó mà xuất hiện bất cứ căn bệnh nào đã được y học biết đến thì y như rằng nó mắc ngay bệnh ấy, mà lại bị nặng là đằng khác. Nó sẽ bị sưng phổi đúng vào những ngày tiết trời nóng nhất và bị dị ứng phấn hoa vào Giáng sinh. Sau sáu tuần khô hạn, nó sẽ bị sốt thấp khớp đốn gục; nó ra ngoài trong sương mù tháng Mười một và về nhà lử đử trong cơn say nắng.

Thằng nhóc tội nghiệp. Có năm, người ta phải xì thuốc tê cho nó, nhổ sạch bộ nhá và trồng cho nó nguyên một hàm răng giả vì răng nó đau khủng khiếp quá, rồi sau đấy căn bệnh chuyển thành đau dây thần kinh mặt và bệnh đau tai. Nó lúc nào cũng cảm lạnh, chỉ trừ mỗi chín tuần hồi nó bị sốt phát ban, còn bệnh cước là bạn đồng hành hàng ngày của nó. Trong cơn đại dịch tả khủng khiếp năm 1871, vùng chúng tôi là nơi duy nhất thoát dịch. Trên toàn giáo xứ người ta chỉ biết có độc một con bệnh: con bệnh đó chính là thằng nhóc Stivvings.

Mỗi khi ốm nó đều phải nằm im trên giường, ăn thịt gà, bánh trứng và nho hái trong nhà kính; và nó sẽ nằm đó thút tha thút thít vì người ta không cho nó làm bài tập tiếng Latin và giằng cuốn ngữ pháp tiếng Đức khỏi tay nó.

Trong khi đó thì bọn tôi, những thằng nhóc khác, vốn sẵn lòng hy sinh mười học kỳ của đời đèn sách cho một ngày ốm đau và chẳng có tí tha thiết nào với việc trao cho các vị phụ huynh bất kỳ lý do gì để tự hào về mình, lại không tài nào mắc phải bệnh gì nặng hơn bị mỏi cổ. Chúng tôi phí thời gian chơi nghịch ở những chỗ gió lùa vi vút, và rồi việc ấy lại thành ra có lợi cho chúng tôi, làm chúng tôi khỏe khoắn hẳn lên; và chúng tôi ra sức tọng vào bụng những thứ làm mình phát ốm, và rồi thì các thứ ấy làm chúng tôi béo ú, lại còn khiến chúng tôi thèm ăn nữa chứ. Chẳng trò gì chúng tôi nghĩ ra được lại có thể khiến chúng tôi phát ốm trước kỳ nghỉ. Rồi, ngay trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, chúng tôi cảm lạnh, ho gà, và tất cả các dạng bệnh tật trên đời, dai dẳng cho đến tận lúc học kỳ mới bắt đầu; lúc ấy thì bất chấp chúng tôi có giở ra thủ đoạn gì để cưỡng lại đi chăng nữa, cả bọn bỗng nhiên khỏe như vâm, khỏe hơn bao giờ hết ấy chứ.

Đời là thế đấy; và chúng ta có là gì đâu ngoài những cọng cỏ bị nhổ bật lên, cho vào lò và nướng lên thôi.

Trở lại vấn đề gỗ sồi chạm trổ, các cụ tổ của chúng ta hẳn là đã có những ý niệm rất tinh tế về vẻ đẹp và tính nghệ thuật. Sao nào, tất cả các kho báu nghệ thuật của chúng ta ngày nay chỉ là những thứ bình thường của ba bốn trăm năm về trước được đào dưới đất lên. Tôi băn khoăn không biết những đĩa xúp, vại bia, giá nến cổ mà ngày nay chúng ta trân quý ấy có chút xíu vẻ đẹp thực chất nào không, hay chỉ là do vầng hào quang của năm tháng lấp lánh bên ngoài khiến chúng trở nên quyến rũ trong mắt chúng ta. Cái thứ “gốm lam cổ” mà chúng ta treo trên tường làm vật trang trí ấy vài thế kỷ trước chỉ là đồ gia dụng hàng ngày; còn những chàng mục đồng màu hồng và những cô chăn cừu màu vàng giờ chúng ta chuyền tay cho bạn bè ta xem để họ trầm trồ xuýt xoa, giả vờ như họ am hiểu lắm, cũng chỉ là vật trang trí tầm thường đặt trên lò sưởi mà một bà mẹ của thế kỷ mười tám hẳn sẽ đưa cho đứa con nhỏ ngậm chơi khi nó khóc quấy.

Liệu trong tương lai có thế không? Phải chăng những báu vật của thời đại này lúc nào cũng chỉ là những thứ lặt vặt rẻ tiền từ thời trước? Liệu những chồng đĩa ăn có hoa văn hình cây liễu của chúng tôi đến năm hai nghìn bao nhiêu đó có được xếp hàng trên bệ lò sưởi của đám cháu chắt? Liệu những chiếc tách trắng có viền vàng và hình bông hoa vàng đẹp đẽ bên trong (không biết thuộc loài hoa gì) mà cô giúp việc Sarah Janes của chúng tôi đã làm sứt mẻ với thái độ vô tư nhất đời kia, có được gắn lại cẩn thận rồi xếp ngay ngắn trên giá và chỉ bà chủ nhà mới được phép phủi bụi hay không?

Lại còn cái con chó sứ trang trí trong phòng ngủ của căn hộ tôi đi thuê ấy nữa chứ. Nó là một con chó trắng. Mắt xanh. Mũi đo đỏ điểm các đốm đen. Đầu nó dựng đứng lên đầy đau khổ, và vẻ thân thiện của nó thì mấp mé bên sự ngu đần. Chính tôi cũng chẳng mấy thích thú với nó. Nếu coi đó là một tác phẩm nghệ thuật, tôi có thể nói nó làm tôi khó chịu. Bạn bè kém tế nhị thì chế giễu nó, kể cả bà chủ nhà của tôi cũng chẳng yêu thích gì nó, và bào chữa cho sự hiện diện của nó bằng lý do nó là món quà bà cô của bà ta tặng.

Nhưng hai trăm năm sau, rất có khả năng con chó ấy sẽ được khai quật lên từ chỗ này hay chỗ khác, thiếu chân, tai bị mẻ, sẽ được bán như đồ sứ cổ và được đặt trong hộp kính. Và người ta sẽ chuyền nó qua tay nhau, trầm trồ ngưỡng mộ. Họ sẽ bị choáng ngợp trước chiều sâu tuyệt vời của màu sắc trên mũi nó, và sẽ cắm đầu cắm cổ nghiên cứu xem cái mẩu đuôi đã mất của nó đẹp đến nhường nào.

Chúng ta, trong thời đại này, không thấy được vẻ đẹp của con chó ấy. Chúng ta quá quen với nó rồi. Cũng như hoàng hôn và những ngôi sao: chúng ta không kinh ngạc trước vẻ đẹp của chúng vì hoàng hôn và sao thì đã quá nhàm mắt rồi. Con chó này cũng thế thôi. Đến năm 2288, người ta sẽ trầm trồ trước nó. Việc chế tạo những con chó như thế sẽ thành một thứ nghệ thuật thất truyền. Con cháu chúng ta sẽ tự hỏi không biết chúng ta đã tạo ra nó như thế nào, rồi ngợi ca rằng chúng ta mới giỏi giang làm sao chứ. Chúng ta sẽ được nhắc đến một cách trìu mến như “những nghệ nhân vĩ đại có ảnh hưởng rộng lớn hồi thế kỷ mười chín, và đã tạo ra những chú chó sứ này”.

Mảnh “vải thêu mẫu” do cô chị cả làm ở trường sẽ được gọi là “tấm thảm thêu thời Victoria”, và trở nên gần như vô giá. Những chiếc cốc vại màu xanh và trắng của các quán trọ lề đường ngày nay sẽ được săn lùng ráo riết, rạn nứt và sứt mẻ lung tung, nhưng sẽ được bán với giá là số vàng bằng trọng lượng của chúng, và đám nhà giàu sẽ dùng chúng để uống vang đỏ; rồi du khách Nhật Bản sẽ tranh nhau mua “Những món quà từ Ramsgate,” và cả “Đồ lưu niệm của Margate” may mắn chưa bị phá hủy, và mang chúng về Jedo như một thứ đồ cổ quý giá của nước Anh.

Đúng lúc này, Harris ném mái chèo, đứng lên rời khỏi chỗ ngồi và nằm ngửa ra khoang thuyền, chổng cả hai chân lên trời. Con Montmorency hú lên và nhảy lộn nhào, vậy là cái giỏ mây trên cùng nảy bật lên, tất cả mọi thứ đổ hết ra ngoài.

Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn không mất đi sự bình tĩnh. Tôi nói, giọng khá khôi hài:

“Ối chà, làm thế để làm gì?”

“Làm thế để làm gì à? Tại sao...”

Không, suy đi tính lại, tôi sẽ không nhắc lại những gì Haris đã nói. Có lẽ tôi cũng có phần đáng trách, tôi thừa nhận thế, nhưng không gì có thể biện minh cho những lời lẽ thô thiển và biểu hiện lỗ mãng, nhất là từ một người được nuôi dạy cẩn thận như Harris, ấy là theo những gì tôi biết. Sự việc là, tôi đang mải suy nghĩ về chuyện khác, và, như ai cũng dễ dàng hiểu được đấy, tôi quên béng mất mình đang điều khiển bánh lái, thế nên hậu quả là chúng tôi gần như lẫn hẳn vào đường kéo thuyền bên bờ sông. Mất một lúc, khó mà phân biệt đâu là chúng tôi, đâu là bờ sông ở hạt Middlesex; nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng tìm được lối, và tách mình ra.

Tuy nhiên Harris tuyên bố hắn đã lao động đủ lắm rồi và đề nghị tôi cũng nên đổ mồ hôi đi; vậy là khi chúng tôi vào bờ, tôi nhảy ra, cầm dây chão kéo con thuyền đi qua lâu đài Hampton. Bức tường cổ xây dọc bờ sông kia thật tuyệt! Tôi không bao giờ đi ngang qua mà không có cảm giác khoan khoái khi nhìn thấy nó. Một bức tường cổ mềm mại, sáng sủa và duyên dáng biết bao; một bức tranh quyến rũ đến chừng nào, với chỗ này địa y len lỏi, chỗ kia rêu phong đang mọc, một cây nho dại e ấp vươn mình qua chỗ cao nhất để ngắm nhìn xem chuyện gì đang xảy ra dưới dòng sông nhộn nhịp kia, và cả đám dây thường xuân già nua điềm đạm đang túm tụm xa xa. Có đến năm chục sắc thái đậm nhạt, sáng tối của những màu sắc khác nhau cùng tồn tại trên mỗi mười mét vuông của bức tường cổ xưa ấy. Giá biết vẽ và tô màu, tôi sẽ phác thảo một bức tranh tuyệt hảo về bức tường ấy, chắc chắn là thế. Tôi thường nghĩ, chắc mình sẽ thích sống ở lâu đài Hampton. Nơi này trông thật bình yên, thật tĩnh lặng, và đấy đúng thật là nơi tuyệt vời để đi dạo loanh quanh vào những buổi sáng sớm trước khi có nhiều người tụ tập.

Nhưng rồi đến lúc suy xét thực tế, tôi không chắc mình thật sự muốn sống ở đây. Chắc lâu đài sẽ buồn tẻ và ảo não ghê gớm vào buổi tối, khi cây đèn bão hắt những chiếc bóng kỳ lạ lên những bức tường ván ghép, và tiếng vọng của những bước chân xa xa vang lên qua những hành lang đá lạnh ngắt lúc thì như chạy lại gần, lúc lại thoắt im bặt, và rồi tất cả lặng ngắt như tờ, chỉ còn lại tiếng tim ta đang đập. 

Chúng ta những người đàn ông và đàn bà, chúng ta là tạo vật của mặt trời. Chúng ta yêu ánh sáng và sự sống. Đó là lý do chúng ta chen chúc trong các thành phố và thị trấn, còn nông thôn thì ngày càng hoang vắng. Dưới ánh mặt trời, vào ban ngày, khi Thiên nhiên sống động và bận rộn quanh ta, chúng ta khá là thích những triền đồi dốc và rừng sâu; nhưng ban đêm, khi Mẹ Trái Đất đã ngủ, để lại chúng ta còn thức, ôi, thế giới dường như đơn côi biết bao, và chúng ta sợ hãi, như những đứa trẻ trong căn nhà vắng lặng. Rồi chúng ta ngồi xuống mà thổn thức, khao khát những dãy phố sáng đèn, tiếng người nói chuyện, tiếng rộn ràng hồi đáp của cuộc sống thế nhân. Trong sự tĩnh mịch mênh mang ấy, khi những hàng cây tối om xào xạc trong làn gió khuya, chúng ta thấy mình mới vô dụng và nhỏ bé làm sao. Có bao nhiêu hồn ma lẩn quất xung quanh, và những tiếng thở dài lặng lẽ của chúng khiến ta thấy lòng buồn tê tái. Hãy để chúng ta tụ tập lại trong những thành phố lớn, và đốt lên những ngọn lửa khổng lồ của hàng triệu chiếc đèn khí, gào thét hát ca với nhau và cảm thấy mình thật dũng cảm.

Harris hỏi tôi đã bao giờ vào mê cung ở lâu đài Hampton chưa. Hắn bảo hắn từng vào để chỉ đường cho ai đấy. Hắn đã nghiên cứu kỹ mê cung trên bản đồ, và nó đơn giản đến mức chừng như ngớ ngẩn - chẳng đáng hai xu tiền vé vào cửa tí nào. Harris bảo hắn nghĩ bản đồ ấy chắc hẳn là trò xỏ lá, vì nó chẳng giống thật tí nào và toàn chỉ sai đường thôi. Người Harris dẫn vào là một tay họ hàng dưới quê. Hắn bảo:

“Chúng ta vào thôi, vậy là cậu có thể kể với mọi người rằng cậu đã ở đây rồi, nhưng nói chung là đơn giản lắm. Thật phi lý khi gọi nó là mê cung. Đến chỗ rẽ đầu tiên cậu cứ việc rẽ phải cho tôi. Ta đi vào đó độ mười phút rồi về ăn trưa nhé.”

Ngay sau khi vào mê cung họ đã gặp vài người, mấy người này kể lể họ đã ở đó bốn nhăm phút rồi, và thấy thế là quá đủ. Harris tuyên bố xanh rờn với mấy người này rằng nếu muốn họ có thể đi theo hắn; hắn mới vào thôi và sẽ loanh quanh chút rồi lại đi ra luôn. Họ nói hắn tốt bụng quá chừng và ngay lập tức đi theo.

Trên đường đi bọn họ còn tiếp nhận một vài người khác cũng đang muốn kết thúc chuyến đi, cho đến khi tất cả mọi người trong mê cung đều nhập bọn. Những người vốn đã từ bỏ mọi hy vọng  ra vào, hay mọi hy vọng gặp lại gia đình bè bạn, đã lấy lại được dũng khí khi nhìn thấy Harris và bầu đoàn của hắn, sau đó cũng gia nhập vào đoàn quân ấy, cầu Chúa ban phúc lành cho hắn. Harris nói hắn đoán tổng cộng phải có đến hai mươi người đi theo; và một người phụ nữ bế con nhỏ đã ở đây suốt cả buổi sáng cứ khăng khăng đòi bám tay hắn vì sợ sẽ lạc mất hắn.

Harris cứ tiếp tục rẽ phải, nhưng có vẻ đấy là một chặng đường dài, và tay họ hàng của hắn bảo, cái mê cung này chắc phải lớn lắm.

“Ôi, một trong những cái lớn nhất châu Âu ấy chứ,” Harris bảo.

“Ừ, chắc thế,” tay kia đáp, “vì ta đã đi ít ra là hai dặm rồi đấy.”

Bản thân Harris cũng bắt đầu nghĩ có gì đó là lạ ở đây, nhưng hắn cứ nín thinh cho đến khi, rốt cuộc, họ đi ngang qua nửa cây nấm thông nằm dưới đất mà người bà con của Harris thề là đã nhìn thấy ở đó bảy phút trước. Harris bảo: “Ồ, không thể nào!” nhưng người phụ nữ có con nhỏ bảo, “Không sai tí nào,” vì chính cô đã giật nó ra khỏi tay đứa bé và vứt xuống đấy ngay trước lúc gặp Harris. Cô này còn nói thêm cô ước gì mình chưa bao giờ gặp Harris, và phát biểu rằng hắn là một thằng lừa đảo. Chuyện này làm Harris cáu điên, và hắn bèn trình ra cái bản đồ và giải thích giả định của mình.

“Có thể cái bản đồ ấy chỉ đúng đường,” một người trong đoàn lên tiếng, “nếu anh biết bây giờ chúng ta đang ở chỗ quái quỷ nào trong ấy.”

Harris không biết, và đề xuất rằng lúc này điều nên làm nhất là quay trở lại lối vào và bắt đầu từ đầu. Cái phần bắt đầu từ đầu của ý tưởng này không được hưởng ứng nhiệt tình cho lắm, nhưng chuyện quay trở lại lối vào thì mọi người đều nhất trí tán thành, vậy là họ bèn quay đầu, và lại đi theo Harris, theo hướng ngược lại. Mười phút nữa trôi qua, và họ thấy mình đang đứng giữa mê cung.

Lúc đầu Harris nghĩ nên giả vờ rằng đây chính là nơi hắn định đến, nhưng trông đám đông có vẻ nguy hiểm quá, thế nên hắn đành quyết định coi đó là rủi ro vậy.

Dù sao chăng nữa, họ cũng đã có một cái gì đó để mà xuất phát. Họ biết họ đang ở đâu, và tấm bản đồ đã trở nên hữu dụng một lần nữa, mọi chuyện có vẻ đơn giản hơn bao giờ hết, vậy là họ khởi hành lại từ đầu lần thứ ba.

Và ba phút sau, họ trở lại giữa mê cung một lần nữa.

Sau đó thì họ tuyệt đối không thể đi đến bất cứ nơi nào khác. Con đường nào họ rẽ vào cũng 934 dẫn ra giữa mê cung. Cuối cùng việc ấy lặp đi lặp lại nhiều đến mức một vài người dừng hẳn lại, chờ cho những người khác đi vòng vòng rồi quay trở lại với họ. Sau một hồi, Harris lại lôi bản đồ ra, nhưng sự xuất hiện của nó chỉ làm đám đông nổi điên lên, và họ bảo hắn cầm cái bản đồ ấy mà xéo đi. Harris bảo hắn không thể không cảm thấy rằng, ở một mức độ nào đó thì hắn đã trở nên không được ưa thích cho lắm.

Cuối cùng tất cả đều nổi điên lên và đồng thanh gọi người gác cửa, vậy là anh này xuất hiện và leo lên cái thang bên ngoài, rồi gào lên chỉ đường cho cả bọn. Nhưng đến lúc này thì mọi cái đầu đều đã quay cuồng rối loạn đến mức không thể nào hiểu được cái gì với cái gì cả, thế là anh kia bèn bảo họ cứ đứng yên đấy, anh ta sẽ đến chỗ họ. Đám đông túm tụm lại với nhau chờ đợi, và anh kia bèn trèo xuống thang và đi vào.

Anh chàng là một người gác cửa trẻ tuổi, và tình cờ thay, anh ta cũng vừa mới làm việc ở đây được ít ngày, và khi vào trong, chàng trẻ tuổi không thể tìm thấy họ, anh ta đi vòng vòng, cố tìm cách tới chỗ đám người đang kêu cứu, và rồi anh ta cũng lạc nốt. Thỉnh thoảng họ thấy anh chàng lao về phía bên kia của tường rào, rồi anh ta cũng nhìn thấy họ và lao đến chỗ họ, rồi họ chờ độ năm phút, và anh kia sẽ tái xuất hiện tại đúng chỗ lúc nãy, và hỏi họ rằng họ đã ở đâu thế.

Họ phải chờ cho đến khi một người gác cổng già quay lại sau khi ăn xong bữa tối thì mới ra được bên ngoài.

Harris nói, hắn nghĩ rằng chừng nào hắn chỉ là người đứng ngoài nhận xét, thì đó là một mê cung rất tuyệt; sau đó chúng tôi đều đồng ý là trên đường về chúng tôi sẽ thử lôi George vào đấy xem sao.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26022


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận