George được hướng dẫn cách làm việc - Bản năng dốt nát của mớ dây thừng - Cách cư xử vô ơn của một con thuyền nhẹ hai chèo - Người kéo và những gì được kéo - Phát hiện một công dụng dành cho những kẻ yêu nhau - Sự biến mất kỳ lạ của một quý bà đứng tuổi - Dục tốc bất đạt - Được các cô gái kéo thuyền: cảm giác phấn khích - Cái cửa sông bị thất lạc hoặc con sông bị ma ám - Âm nhạc - Được cứu!
Chúng tôi bắt george lao động, bây giờ thì chúng tôi đã có hắn rồi. Dĩ nhiên hắn không muốn lao động; chẳng cần phải nói cũng biết. Hắn đã lao động cật lực trong thành phố rồi, hắn giải thích thế. Harris, vốn bản tính nhẫn tâm và không dễ động lòng trắc ẩn, bảo thế này:
“Ái chà! Thế thì bây giờ cậu sẽ lao động cật lực trên sông cho có sự thay đổi; thay đổi tốt cho tất cả mọi người. Ra đi nào!”
Theo lương tâm - dù là lương tâm của George - thì hắn không thể nào phản đối được, cho dù hắn đã gợi ý rằng có lẽ sẽ hay hơn nếu hắn ở lại trên thuyền pha trà trong khi Harris và tôi kéo thuyền, vì pha trà là một công việc hết sức hao tổn thần kinh, mà Harris và tôi thì có vẻ đã mệt rồi. Tuy nhiên, câu trả lời duy nhất mà chúng tôi dành cho gợi ý này là đưa cho hắn sợi dây thừng kéo thuyền, và hắn cầm lấy rồi đi ra ngoài.
Có gì đó rất kỳ lạ và không thể giải thích được ở mấy sợi dây thừng kéo thuyền. Ta cuộn nó lại với sự kiên nhẫn và cẩn thận không khác gì khi gấp một cái quần mới, ấy thế mà chỉ năm phút sau thôi ta cầm lên thì nó đã là một mớ rối rắm bực mình kinh khiếp rồi.
Tôi không có ý xúc phạm, nhưng tôi tin chắc nếu quý vị cầm một sợi dây thừng bình thường và trải nó ra thẳng thớm giữa đồng rồi sau đó quay lưng lại phía nó trong khoảng ba mươi giây, vậy là, khi quay lại quý vị sẽ phát hiện ra nó đã tự chồng thành một đống giữa đồng, xoắn xít lại, tự buộc chằng chịt nút, làm hai đầu dây mất tích và thành ra chỉ còn tuyền có thòng lọng; và nó sẽ làm quý vị phải mất ít ra nửa tiếng đồng hồ ngồi đó trên bãi cỏ, miệng không ngừng chửi rủa, để mà gỡ nó ra.
Nói chung đấy là ý kiến của tôi về dây thừng. Dĩ nhiên có những ngoại lệ đáng tôn vinh; tôi không nói là không có. Có những sợi dây thừng làm vẻ vang cho người sở hữu chúng - những sợi dây thừng đứng đắn, có lương tâm - những sợi dây thừng không tưởng tượng rằng mình là tuyệt tác đan móc để mà cố gắng tự đan thành tấm lót ghế ngay khi người ta bỏ chúng lại một mình. Tôi nói rằng có thể có những sợi dây thừng như vậy; tôi chân thành hy vọng thế. Nhưng tôi chưa gặp sợi nào như thế cả.
Sợi dây thừng này tôi vừa tiếp nhận ngay trước khi chúng tôi đến chỗ cửa sông. Tôi sẽ không cho Harris chạm vào nó vì hắn ta vô ý lắm. Tôi đã cuộn nó lại một cách chậm rãi và cẩn thận, và thắt nút ở giữa, rồi gấp nó làm đôi, và để nó nằm ngay ngắn ở cuối thuyền. Harris đã nhấc nó lên một cách khoa học và đặt vào tay George. George cầm nó rất chắc và giữ nó ra xa người mình và bắt đầu gỡ nó ra cứ như thể đang cởi tã lót của một em bé sơ sinh vậy; ấy thế mà hắn gỡ chưa được tới chục mét thì cái thứ ấy đã giống một cái thảm chùi chân hơn là giống bất kỳ cái gì khác.
Chuyện lúc nào cũng thế, và lúc nào cũng cùng một thứ vấn đề nối tiếp liên quan đến nó. Người ở trên bờ, đang cố gỡ mớ rối, cho rằng tất cả tội lỗi là do cái thằng đã cuộn nó lại; và khi một người đang ở trên sông nghĩ gì thì hắn nói ra ngay.
“Cậu đã cố làm gì với nó thế hả, đan lưới đánh cá hay sao? Cậu đã tạo ra một mớ lùng nhùng tuyệt vời chưa; sao cậu lại không thể cuộn nó lại cho tử tế chứ, cái thằng đần kia?” hắn ta càu nhàu hết lần này đến lần khác trong lúc điên cuồng vật lộn với sợi thừng, rồi đặt nó nằm thẳng trên đường kéo thuyền, chạy vòng quanh và cố tìm đầu dây.
Mặt khác, kẻ cuộn thừng lại nghĩ toàn bộ nguyên do của mớ bòng bong này nằm ở chính cái đứa đang cố gỡ dây kia.
“Lúc cậu cầm nó thì mọi sự vẫn ổn còn gì!” hắn thét lên căm phẫn. “Cậu nghĩ cậu đang làm gì hả? Cẩu thả thế à. Đến cái cột đỡ giàn giáo cậu cũng làm rối lên được mất thôi!”
Và họ cáu điên lên với nhau đến mức muốn lấy cái dây thừng ấy mà treo cổ nhau lên. Mười phút trôi qua, và người đầu tiên gào lên và trở nên phát điên phát rồ, nhảy chồm chồm lên đống dây thừng và cố kéo thẳng nó ra bằng cách túm chặt cái mẩu dây đầu tiên lọt vào tay hắn và kéo thật mạnh. Dĩ nhiên việc này chỉ làm cho mớ rối càng thắt chặt hơn trước. Thế rồi người thứ hai trèo ra khỏi thuyền đến giúp người kia, và họ chen vào đường đi của nhau và chắn đường nhau. Cả hai đều túm cùng một đoạn dây và kéo nó về hai hướng ngược nhau và tự hỏi không biết đấy là đoạn nào. Cuối cùng họ cũng gỡ được sợi thừng ra và rồi quay lại để thấy rằng con thuyền đã trôi đi và đang thẳng hướng con đập mà tiến.
Theo tôi biết thì chuyện này đã từng xảy thật. Đó là vào một buổi sáng lộng gió ở Boveney. Chúng tôi đang chèo thuyền xuôi dòng, và khi đến khúc quanh, chúng tôi để ý thấy trên bờ có hai người đàn ông. Họ đang nhìn nhau với vẻ khốn khổ hoang mang và vô vọng mà từ trước đến nay tôi chưa từng được chứng kiến trên bất kỳ khuôn mặt nào, và họ đang cầm một sợi dây dài giữa hai người. Rõ ràng đã có chuyện gì đó, vì thế chúng tôi đi chậm lại và hỏi họ có vấn đề gì.
“Sao hả, thuyền của chúng tôi trôi mất rồi!” họ đáp lại với giọng phẫn nộ. “Chúng tôi vừa mới xuống thuyền để gỡ sợi dây này, thế mà lúc quay lại thì nó đã đi mất rồi!”
Và họ có vẻ bị tổn thương trước cái mà họ rõ ràng coi là một hành động hèn hạ và vô ơn của con thuyền.
Chúng tôi tìm thấy kẻ chạy trốn ở cách đó nửa dặm về phía xuôi, được mấy đám cỏ lau giữ lại và chúng tôi mang nó về cho họ. Tôi cá rằng trong vòng một tuần họ sẽ không cho con thuyền ấy thêm một cơ hội nào nữa.
Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh hai người đàn ông đó đang ngược xuôi bên bờ sông với một sợi thừng, tìm kiếm con thuyền của mình.
Người ta có thể chứng kiến rất nhiều sự việc khôi hài trên sông liên quan đến việc kéo thuyền. Một trong những cảnh tượng thường thấy là cảnh hai người kéo thuyền đang rảo bước dọc bờ sông, đắm chìm trong một cuộc trò chuyện sôi nổi trong khi người ngồi trên thuyền, ở phía sau họ độ gần một trăm mét, đang gào lên vô vọng bảo họ dừng lại và dùng mái chèo điên cuồng thể hiện những dấu hiệu báo nguy. Có gì đó không ổn; bánh lái đã long ra, hay cái sào móc thuyền đã trượt qua mạn thuyền, hay mũ anh ta bị rơi xuống sông và đang trôi vùn vụt.
Anh ta kêu họ dừng lại, lúc đầu còn khá nhẹ nhàng và lịch sự.
“Ê! Dừng lại một phút được không?” anh ta kêu lên vui vẻ. “Tôi đánh rơi mũ xuống nước rồi.”
Thế rồi: “Ê! Tom - Dick! Không nghe thấy à?” Lần này không còn thân ái thế nữa.
Thế rồi: “Ê! Đồ chết tiệt KIA, mấy cái thằng ngu đần đầu đất kia! Ê! Dừng lại! Ôi mấy cái thằng này...!”
Sau đó anh ta nhảy lên, múa may quay cuồng, gào rú đến đỏ cả mặt và chửi rủa tất tần tật những gì anh ta biết. Và mấy thằng nhóc bên bờ sông còn dừng lại cười nhạo anh ta nữa chứ, lại còn ném đá vào anh ta khi anh ta được kéo đi qua chúng với tốc độ bốn dặm một giờ và không thể nào ra khỏi thuyền được.
Đa phần những vấn đề dạng này sẽ không xảy ra nếu những người kéo thuyền vẫn nhớ rằng họ đang kéo thuyền và thường xuyên quay lại nhìn xem người của mình ra sao rồi. Tốt nhất là để một người kéo thuyền thôi. Khi có hai người tham gia, họ sẽ tán phét với nhau và quên mất công việc, và bản thân con thuyền thì, như nó đã chứng tỏ, cũng đóng góp chút phản kháng, nhưng không có tác dụng thực tế trong việc nhắc họ nhớ lại vấn đề.
Lấy ví dụ cho việc hai người kéo thuyền có thể quên béng mất việc họ đang làm đến mức độ nào, tối hôm đó sau bữa tối, khi chúng tôi thảo luận về vấn đề này George đã kể cho chúng tôi nghe một trường hợp rất kỳ lạ.
Hắn ta kể rằng một tối nọ, hắn và ba người khác chèo một con thuyền chở khá nặng xuất phát từ Maidenhead, và khi qua cửa sông Cookham một chút, họ nhìn thấy một cậu chàng và một cô nàng đang đi bộ dọc theo đường kéo thuyền, cả hai đang say sưa trong một cuộc nói chuyện rõ ràng là vô cùng thú vị và lôi cuốn. Tay họ cầm một cái sào kéo thuyền, và gắn với cái sào đó là một sợi dây thừng, được kéo lê đằng sau họ, đầu dây chìm trong nước. Không có con thuyền nào ở gần đó, không có con thuyền nào trong tầm mắt. Hẳn là vào lúc nào đấy đã từng có một con thuyền buộc vào đầu sợi thừng kia, điều này là chắc chắn; nhưng nó đã ra sao, số phận khủng khiếp nào đã xảy đến với nó và những người ở trên nó thì đó đều là những chuyện bị chôn vùi trong vòng bí ẩn. Tuy nhiên, dù cho có tai nạn gì xảy ra đi nữa thì cũng chẳng hề ảnh hưởng đến quý cô quý cậu đang kéo thuyền ngoài kia. Họ có con sào, họ có sợi thừng, và có vẻ như đấy là tất cả những gì họ nghĩ là cần thiết cho công việc.
George định gọi váng lên cho họ tỉnh ra, nhưng đúng lúc đó một sáng kiến lóe lên trong đầu và hắn không làm vậy nữa. Thay vào đó hắn lấy cái móc, vươn tay ra móc lấy đầu sợi dây thừng; và bọn hắn thắt nút sợi dây, tròng nó vào cột buồm, và rồi bọn hắn dẹp mái chèo, chui ra ngồi ở đuôi thuyền và châm tẩu thuốc.
Và thế là cô gái và chàng trai kia đã kéo bốn thằng cha khổng lồ và một con thuyền nặng trĩu đến tận Marlow.
George nói hắn chưa bao giờ nhìn thấy sự buồn bã suy tư tập trung nhiều đến thế trong một cái nhìn khi ở cửa sông, cặp thanh niên kia hiểu được rằng trong suốt hai cây số vừa rồi họ đã kéo nhầm một con thuyền khác. George cho rằng nếu không vì sự hiện diện của người phụ nữ ngọt ngào bên cạnh khiến cậu chàng kia phải kiềm chế thì cậu ta chắc đã chửi rủa đã đời rồi.
Cô gái là người đầu tiên trấn tĩnh lại sau cơn ngạc nhiên, và khi đó, cô siết chặt hai tay và hốt hoảng nói:
“Ôi, Henry, vậy dì đang ở đâu vậy?”
“Họ có tìm lại được bà già ấy không?” Harris hỏi.
George trả lời rằng hắn không biết.
Một ví dụ về sự thiếu đồng cảm đầy nguy hiểm giữa người kéo và vật bị kéo đã được tôi và George tận mắt chứng kiến ở gần Walton. Đó là nơi đường kéo thuyền hơi thoải xuống mép nước, và chúng tôi đang cắm trại ở bờ bên kia, nhìn bao quát mọi thứ. Thỉnh thoảng một con thuyền nhỏ lọt vào tầm mắt, được kéo phăng phăng trên mặt nước nhờ một con ngựa thồ to khỏe chở một cậu nhóc bé tí. Rải rác trên thuyền là năm gã đàn ông đang nằm với vẻ mơ màng thư giãn, thằng cha ở chỗ bánh lái còn có vẻ thư thái đặc biệt.
“Tớ muốn nhìn thấy hắn lái chệch hướng lắm,” George lẩm bẩm khi họ đi ngang qua. Và chính lúc ấy, thằng cha kia lái chệch hướng thật, và con thuyền lao lên bờ với một âm thanh không khác gì tiếng xé bốn mươi nghìn tấm vải lanh. Hai người đàn ông, một cái hòm và ba cái mái chèo ngay lập tức bay khỏi mạn trái con thuyền và hạ cánh trên bờ sông, rồi chỉ một khoảnh khắc sau đến lượt hai người khác bị bốc khỏi mạn phải và kê mông lên đống sào thuyền, buồm, các túi hành lý cùng chai lọ. Người cuối cùng đi tiếp độ hai mươi mét nữa rồi cũng cắm đầu rơi ra khỏi thuyền.
Việc này có vẻ làm thuyền nhẹ hẳn đi, và nó tiếp tục lao đi dễ dàng hơn, thằng nhóc hét hết âm lượng và thúc ngựa phi nước đại. Mấy thằng cha kia ngồi dậy và nhìn nhau trừng trừng. Phải mất vài giây bọn hắn mới nhận ra đã có chuyện gì, nhưng khi ý thức được tình hình rồi, bọn hắn bèn gào tướng lên để bảo thằng nhóc dừng lại. Tuy nhiên thằng nhóc đang quá bận tâm với con ngựa nên chẳng tài nào nghe thấy tiếng bọn hắn, và chúng tôi đã được quan sát đám người ấy phóng vèo vèo theo sau thằng nhỏ cho đến khi bọn hắn đi xa tít biến mất khỏi tầm nhìn.
Tôi không thể nói rằng mình lấy làm tiếc cho sự rủi ro của mấy người đó. Quả tình tôi chỉ ước gì mấy thằng ngốc non choẹt cho kéo thuyền theo kiểu ấy - mà số này thì rõ là nhiều - sẽ đều gặp phải rủi ro tương tự. Bên cạnh sự nguy hiểm tự gây ra cho bản thân, bọn chúng còn là mối nguy và là cái gai đâm vào mắt mỗi con thuyền đi ngang qua. Đi với tốc độ của chúng thì không thể tránh khỏi đường đi của bất kỳ con thuyền nào khác, cũng như chẳng thuyền nào tránh được chúng. Dây kéo của bọn chúng móc vào cột buồm của ta và làm ta lật nhào, hoặc nó chộp lấy ai đó trên thuyền rồi hoặc ném họ xuống nước, hoặc cắt toác mặt họ ra. Cách tốt nhất là đứng cho chắc và chuẩn bị sẵn sàng để đẩy chúng ra xa bằng đầu nối của cột buồm.
Trong tất cả những trải nghiệm liên quan đến việc kéo thuyền, thú vị nhất là được các cô gái kéo. Đó là một cảm giác không nên bỏ lỡ. Luôn cần đến ba cô để kéo thuyền; hai cô cầm dây thừng còn một cô chạy vòng quanh cười khúc khích. Nói chung các cô thường bắt đầu bằng cách tự trói mình lại. Họ để dây quấn quanh chân và phải ngồi xuống đường để gỡ nhau ra rồi họ sẽ quấn dây quanh cổ và suýt bị siết cổ mà chết. Tuy nhiên cuối cùng họ cũng giải quyết được vấn đề và bắt đầu dong dây chạy, kéo con thuyền đi với một tốc độ khá nguy hiểm. Sau một trăm mét họ sẽ thở không ra hơi và đột ngột dừng lại, và tất cả bèn ngồi trên cỏ cười đùa, còn con thuyền của ta trôi ra giữa dòng và xoay tròn trước khi ta biết đã xảy ra chuyện gì hoặc khi ta có thể túm lấy một cái mái chèo. Thế rồi họ đứng lên và hết sức ngạc nhiên.
“Ôi nhìn kìa!” họ nói; “anh ấy ra giữa dòng sông rồi kìa.”
Và sau đó họ kéo khá đều tay được một lúc, rồi thì bỗng dưng một cô sực nghĩ ra cô nàng cần phải búi tóc lên, vậy nên họ đi chậm lại để cho cô kia búi tóc và con thuyền bắt đầu mắc cạn đến nơi.
Ta nhảy lên mà đẩy thuyền và hét bảo họ đừng có dừng lại.
“Vâng. Chuyện gì thế?” họ hét đáp trả.
“Đừng dừng lại,” ta rống lên.
“Đừng gì cơ?”
“Đừng dừng lại - đi tiếp đi - đi đi!”
“Quay lại đi, Emily, xem xem họ muốn gì,” một cô bảo; và Emily bèn quay lại hỏi chuyện gì thế.
“Các anh muốn gì?” cô này nói; “có chuyện gì à?”
“Không,” ta đáp, “ổn cả, chỉ cần đi tiếp thôi, cô biết đấy - đừng dừng lại.”
“Sao lại đừng?”
“Sao chứ, chúng tôi không thể lái được nếu các cô cứ dừng lại thế. Các cô cần phải giữ tốc độ cho thuyền chứ.”
“Giữ cái gì?”
“Tốc độ - các cô phải giữ cho thuyền di chuyển.”
“À, được thôi, tôi sẽ bảo họ. Bọn tôi làm có tốt không?”
“Ôi, có chứ, quả tình là rất tốt, chỉ cần đừng dừng lại thôi.”
“Có vẻ chẳng khó chút gì nhỉ. Tôi cứ tưởng khó lắm kia.”
“Ồ, không, đơn giản thôi mà. Các cô chỉ cần đi đều, thế là được.”
“Tôi hiểu rồi. Đưa tôi cái khăn quàng màu đỏ với, ở dưới nệm ấy.”
Ta tìm thấy cái khăn, đưa nó cho cô, và đến lúc ấy thì một cô khác đã quay lại và nghĩ cô ta cũng cần khăn, và họ nhân tiện cầm luôn khăn cho cô Mary, ấy thế nhưng cô Mary lại không cần khăn, vậy là họ mang nó quay lại và thay nó bằng cái lược cầm tay. Phải mất hai mươi phút để họ quay lại với cuộc hành trình, và ở ngã rẽ tiếp theo, họ nhìn thấy một con bò, vậy là ta phải rời khỏi thuyền để đuổi con bò tránh khỏi đường đi.
Chẳng bao giờ có nổi một phút giây buồn tẻ trên thuyền khi các cô gái kéo nó.
Sau một lúc thì George cũng đi được đúng hướng và kéo chúng tôi từ từ qua Mũi Penton. Ở đó chúng tôi thảo luận một vấn đề quan trọng là cắm trại. Chúng tôi đã quyết định đêm đó sẽ ngủ trên thuyền, và chúng tôi hoặc cứ ở yên đó hoặc đi tiếp qua Staines. Tuy nhiên có vẻ còn khá sớm để nghĩ về việc nhốt mình tại đó trong khi mặt trời vẫn còn ở trên đường chân trời và chúng tôi quyết định thẳng tiến đến Runnymede cách đó ba dặm rưỡi, một đoạn sông yên tĩnh cây cối rậm rạp và là nơi trú ẩn tốt.
Tuy nhiên sau đó cả ba chúng tôi đều ước gì mình đã dừng lại ở Mũi Penton. Vào lúc sáng sớm thì ba hay bốn dặm ngược dòng là chuyện vặt, nhưng đến cuối một ngày dài thì công việc chèo thuyền cũng khá nặng nhọc. Suốt mấy dặm cuối ta chẳng còn hứng thú gì với cảnh trí xung quanh. Ta không tán gẫu và cười đùa. Đi có nửa dặm mà ta cứ ngỡ như phải đến hai dặm. Ta khó mà tin được mình mới chỉ đi được đến đây thôi, và ta tin chắc bản đồ hẳn đã sai rồi; và khi đã lê đi được một quãng đường theo ta ít nhất cũng đến mười dặm ấy thế mà cửa sông vẫn chẳng thấy đâu, ta bắt đầu lo sợ một cách nghiêm túc rằng ai đó hẳn là đã xoáy cái cửa sông và chạy biến đi với nó rồi.
Tôi vẫn còn nhớ có lần mình đã bối rối khủng khiếp khi đi trên sông (theo nghĩa bóng bẩy, ý tôi là thế). Lúc đó tôi đi chơi với một cô tiểu thư - họ hàng bên đằng mẹ tôi - và chúng tôi đang chèo thuyền xuống Goring. Trời đã khá tối, và chúng tôi rất muốn về nhà rồi, ít nhất thì cô nàng cũng muốn thế. Khi chúng tôi đến cửa sông Benson thì đã sáu rưỡi tối, bóng tối đang dần buông và cô gái bắt đầu kích động. Cô nàng bảo mình phải có mặt ở nhà vào bữa tối. Tôi bảo cô rằng vụ đó tôi cũng muốn tham gia; và tôi rút ra tấm bản đồ vẫn mang theo người để xem chính xác còn bao xa. Tôi thấy rằng đến cửa sông tiếp theo - Wallingford - chỉ còn độ một dặm rưỡi và từ đó đến Cleeve là năm dặm.
“Ôi, ổn cả!” tôi nói. “Chúng ta sẽ qua cửa sông tiếp theo trước bảy giờ và rồi chỉ còn một cửa sông nữa thôi,” và tôi yên chí chèo thuyền đi từ từ.
Chúng tôi đi qua cây cầu và ngay sau đó tôi hỏi xem cô nàng có nhìn thấy cửa sông không. Cô ta nói không, cô chẳng nhìn thấy cái cửa sông nào cả; và tôi bảo, “Ồ!” rồi tiếp tục chèo. Năm phút nữa trôi qua và tôi lại bảo cô nhìn xem.
“Không,” cô nàng bảo; “tôi chẳng thấy bóng dáng cái cửa sông nào cả.”
“Cô… cô có chắc là khi nhìn thấy cô sẽ biết đấy là một cái cửa sông không?” tôi ngần ngừ hỏi, không muốn xúc phạm cô.
Tuy nhiên câu hỏi này không làm cô nàng mếch lòng, và cô gợi ý rằng nên chăng tôi tự mà nhìn lấy sẽ tốt hơn; vì thế tôi hạ mái chèo xuống và nhìn. Con sông trải dài khoảng một dặm trước mắt chúng tôi trong ánh chạng vạng, chẳng thấy đến cả hồn ma của một cái cửa sông.
“Anh có nghĩ rằng chúng ta đã bị lạc không?” bạn đường của tôi hỏi.
Tôi không thấy làm sao lại có thể xảy ra chuyện đó được, tuy nhiên tôi cũng gợi ý rằng chắc chúng tôi đã đi vào dòng chảy của cái đập và sắp đến chỗ thác.
Ý kiến này rõ ràng không làm cô nàng dễ chịu tí nào và cô ta khóc òa lên. Cô ta nói cả hai chúng tôi rồi sẽ chết đuối mất, và rằng đó là sự trừng phạt đối với cô ta vì tội đi chơi với tôi.
Có vẻ như đó là một hình phạt hơi quá đáng, tôi nghĩ thế; nhưng người bà con của tôi thì không thấy vậy, và hy vọng tất cả rồi sẽ sớm ổn thỏa.
Tôi cố trấn an cô, và đơn giản hóa toàn bộ cơ sự này. Tôi nói rằng rõ ràng là tôi đã không chèo nhanh như tôi tưởng, nhưng bây giờ chúng tôi sẽ đến chỗ cửa sông ngay thôi; và tôi tiếp tục chèo độ một dặm nữa.
Rồi chính tôi bắt đầu thấy căng thẳng. Tôi nhìn lại bản đồ. Có một cái cửa sông Wallingford, đã được đánh dấu rõ ràng, nằm phía dưới cửa sông Benson một dặm rưỡi. Đây là tấm bản đồ tốt, đáng tin cậy; vả chăng chính tôi cũng nhớ cửa sông đấy. Tôi đã đi qua nó hai lần. Chúng tôi đang ở đâu đây? Chuyện gì đã xảy ra với chúng tôi? Tôi bắt đầu nghĩ tất cả hẳn chỉ là một giấc mơ, và rằng quả thật tôi đã thiếp đi trên giường và chỉ một phút nữa là sẽ tỉnh dậy và sẽ được thông báo rằng đã mười giờ sáng rồi.
Tôi hỏi người bà con của mình xem liệu cô ta có nghĩ đó là một giấc mơ không, và cô trả lời rằng cô cũng định hỏi tôi câu tương tự; và rồi cả hai chúng tôi đều phân vân không hiểu có phải cả hai đều đang ngủ không, và nếu vậy thì ai mới đích thực là người đang mơ, và ai chỉ là nhân vật trong mơ; câu chuyện trở nên hết sức thú vị.
Tuy nhiên tôi vẫn chèo tiếp và vẫn không thấy cái cửa sông nào, còn con sông thì càng lúc càng trở nên u ám bí ẩn dưới bóng đêm đang dần dày hơn và sự vật dường như mỗi lúc một thêm kỳ lạ và huyền bí. Tôi nghĩ đến những con yêu quái, những nữ thần báo tử, đám ma trơi và những cô gái độc ác ngồi suốt đêm trên mỏm đá dụ người ta rơi vào xoáy nước và những thứ tương tự; và tôi ước gì mình là người tốt hơn, biết nhiều bài thánh ca hơn, và giữa dòng hồi tưởng này tôi nghe thấy khúc nhạc hạnh phúc, “He’s got ‘em on,” được chơi hơi dở bằng đàn concertina và biết rằng chúng tôi đã được cứu thoát.
Bình thường thì tôi không ngưỡng mộ tiếng đàn concertina, nhưng ôi! lúc đó thứ âm nhạc ấy đối với cả hai chúng tôi dường như đẹp đẽ biết bao - còn đẹp hơn nhiều so với giọng ca của Orpheus hay tiếng sáo của thần Apollo, hay bất kỳ thứ gì có thể tạo ra âm thanh. Giai điệu tuyệt vời, trong tình cảnh lúc ấy, chỉ làm chúng tôi đau lòng hơn mà thôi. Một bản hòa âm lay động tâm hồn, được trình diễn đúng cách, chúng tôi sẽ coi đó là một cảnh báo tinh thần và sẽ từ bỏ mọi hy vọng. Nhưng trong khúc nhạc “He’s got ‘em on”, bật ra một cách giật cục, và kèm theo những biến tấu vô tình, từ tiếng đàn accordion khò khè, có gì đó đậm tính nhân văn và khiến người ta yên lòng vững dạ.
Âm thanh ngọt ngào ấy đến gần hơn, và ngay sau đó con thuyền chở đoàn người đang chơi nhạc đã ở ngay cạnh chúng tôi.
Trên thuyền là một đoàn quý ông và quý cô tỉnh lẻ đi ngắm trăng. (Chẳng có tí trăng nào, nhưng đó không phải lỗi của họ). Cả đời mình tôi chưa bao giờ gặp người nào hấp dẫn đáng yêu hơn. Tôi réo gọi họ, hỏi họ liệu có thể chỉ cho tôi đường đến cửa sông Wallingford không; và tôi giải thích rằng mình đã tìm nó suốt hai tiếng qua.
“Cửa sông Wallingford!” họ trả lời. “Chúa thương ngài, thưa ngài, nó đã bị dẹp hơn một năm rồi. Bây giờ không có cửa sông Wallingford nào cả, ngài ơi. Bây giờ ngài đang ở gần Cleeve rồi. Ái chà chà, nếu đây không phải là một quý ông đang tìm kiếm cửa sông Wallingford thì mọi người cứ việc cho tôi một trận nhá!”
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ấy. Tôi những muốn vít lấy cổ họ mà cầu Chúa ban phúc cho họ; nhưng dòng chảy quá mạnh để làm được điều ấy, vì thế tôi đành tự lấy làm hài lòng với những lời cảm ơn nghe thật lạnh lùng.
Chúng tôi luôn miệng cảm ơn và nói rằng đó là một đêm tuyệt vời, và chúng tôi chúc họ một chuyến đi vui vẻ, và tôi nghĩ là tôi đã mời tất cả bọn họ đến ở chơi cùng tôi một tuần, còn người bà con của tôi nói rằng mẹ cô sẽ rất vui nếu được gặp họ. Và chúng tôi hát bài đồng ca người lính trích từ vở Faust, và cuối cùng cũng về nhà kịp bữa tối.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất ! 20