Biên Thành Chương 12


Chương 12
hỉ một câu thôi, nếu việc không thành, anh sẽ theo thuyền xuống miền Đào Nguyên; còn nếu thành thì dù phải đưa đò anh cũng bằng lòng.

Ngày hôm sau, lần thứ hai trong vườn rau dưới chân tháp, khi ông ngoại lại hỏi em định thế nào, tim Thuý Thuý vẫn đập thình thình. Em cúi đầu tảng lờ, tay vẫn hái hành. Ông ngoại mỉm cười, nghĩ thầm: “Vẫn phải chờ xem sao, hỏi nữa thì vườn hành này bị hái trụi mất!”. Đồng thời ông lão thấy trong việc này có điều gì là lạ, nhưng không tiện gặng hỏi, bèn nín nhịn, mượn một câu đùa vui cố tạo ra để dẫn điều muốn hỏi sang một việc khác.

Tiết trời ngày một oi bức. Gần đến tháng sáu, trời nóng hơn. Ông quản đò xách chiếc vò đen đầy bụi bặm từ trong góc nhà mang ra sân, dùng thời gian rảnh rỗi ghép mấy miếng gỗ làm thành cái nắp tròn, cưa gỗ làm thành cái giá, lại gọt nhẵn một khúc tre, dùng dây mây buộc chặt đặt cạnh vò làm cái gáo múc nước trà. Từ khi chuyển chiếc vò đựng nước trà ra bờ suối trước cửa, sáng nào Thuý Thuý cũng đun một nồi nước sôi thật to đổ vào vò. Có lúc trong vò có một chút trà, có lúc chỉ có vài miếng cháy đã được rang xém, thừa lúc đang nóng bỏ ngay vào vò. Theo lệ, ông quản đò còn chuẩn bị sẵn một số rễ cỏ, vỏ cây chữa sốt phát ban, đau bụng, phỏng dạ, mụn nhọt rồi đem mấy thứ thuốc đó đặt ở chỗ dễ thấy nhất trong nhà, hễ thấy người qua đò nào thần sắc khác thường là vội vàng lấy thuốc, nài ép với ý tốt người khách qua đường ấy dùng thuốc của ông, lại nói cho người ta biết nguồn gốc những bài thuốc cấp cứu này (tất nhiên những bài thuốc ấy đều do ông học từ bác sỹ quân y hoặc thầy mo mà ra). Suốt ngày ông cụ để trần hai cánh tay, đứng vững chãi trên đầu con đò mũi vuông, đầu thường để trần, mái tóc cắt ngắn bạc trắng như cước dưới nắng. Thuý Thuý vẫn vui vẻ, ra đằng trước, luồn đằng sau nhà mà hát. Nếu không đi đâu thì em ngồi dưới bóng râm của cây trên núi cao trước nhà, thổi sáo trúc nhỏ mà chơi. Ông ngoại dường như đã quên bẵng việc cậu Cả xin cưới, còn Thuý Thuý tất nhiên cũng quên luôn.

Nhưng người làm mối chẳng bao lâu lại đến thăm dò. Cũng như lần trước, ông cụ đẩy việc nhận lời hay không nhận lời cho Thuý Thuý rồi đuổi khéo người đó ra về. Trở lại, ông hỏi chuyện Thuý Thuý, nhưng vẫn không có kết quả.

Ông quản đò không đoán được việc này mắc mớ về phía nào. Không gỡ nổi vướng mắc, ban đêm nằm trên giường, ông thường lún sâu vào một mớ suy nghĩ và thấp thoáng nhận ra một điều, đó là... nghĩ đến đây, ông cười, ông sợ mà gượng cười. Thực ra ông hơi lo, bởi vì ông bỗng nhiên nhận thấy Thuý Thuý giống hệt như mẹ nó, lại thấp thoáng nhận thấy dường như hai mẹ con đều có số phận giống nhau. Một đống sự việc trước kia ập tới khiến ông không sao ngủ được. Ông chạy ra khỏi cửa, một mình leo lên ngọn núi cao nhìn xuống suối, nhìn sao trên trời cao, lắng nghe tiếng dệt cửi và tiếng mọi loại côn trùng như tiếng mưa rơi, rất lâu, rất lâu không thể ngủ được.

Thuý Thuý không hề chú ý đến sự việc đó. Cô bé này ban ngày chỉ biết chơi hoặc làm việc nhà, đồng thời cũng bị một số điều thần bí nào đó lởn vởn trong tim, nhưng đến đêm thì ngủ rất say.

Có điều, mọi thứ đều biến đổi theo thời gian, cuộc sống bình thường và yên tĩnh của gia đình này cũng vì những chuyện liên tiếp kéo đến nên không khí yên tĩnh về mặt “nhân sự” đã bị phá vỡ hoàn toàn.

Về phía gia đình ông quản bến Thuận Thuận, cậu Hai đã biết chuyện của cậu Cả Thiên Bảo, đồng thời cậu Hai Na Tống cũng cho anh biết tâm sự của mình. Hoá ra cả hai anh em đều yêu cô cháu ngoại ông già đưa đò. Việc này không có gì là hiếm lạ đối với người Trà Đồng. Tục ngữ của người Trà Đồng có câu: “Lửa có thể cháy ở mọi nơi, nước có thể chảy ở khắp chốn, mặt trời và mặt trăng chiếu sáng khắp nơi, còn tình yêu thì nơi nào cũng đến.” Con trai ông quản bến giàu có yêu cháu gái nhà đưa đò nghèo không trở thành tin hiếm hoi. Chỉ có một chút khó khăn, đó là trong hai anh em, khi ai lấy được cô gái đó, phải chăng còn phải theo quy củ của người Trà Đồng là quyết một trận đổ máu?

Về mặt  này, hai anh em không đến nỗi phải động dao, nhưng cũng không khi nào có hành vi buồn cười “xin nhường người tình” như một số đàn ông nhu nhược, nhát gan ở thành phố lớn lúc phải đối mặt với Yêu và Thù. Người anh cùng người em trai tới nơi đóng thuyền ở thượng du sông Trà Đồng để xem con thuyền mà gia đình mới đóng, đã nói cho em rõ tất cả tâm sự của mình khi đứng bên con thuyền, hơn nữa còn nói thêm tình yêu ấy nẩy nở từ hai năm trước. Người em mỉm cười lắng nghe anh nói. Hai anh em từ chỗ đóng thuyền theo bờ sông tới nhà xay xát mới dựng của ông họ Vương. Người anh nói.

- Này Hai, chú tốt số đấy, có cả một nhà xay xát. Còn anh, nếu việc thành thì anh chỉ là người đưa đò. Nhưng anh thích công việc ấy. Anh còn định mua cả hai quả núi ở Bích Khê, trồng nam trúc trên đường phân ranh giới, rào con suối ấy lại làm trang trại của anh.

Na Tống vẫn lắng nghe, chỉ thỉnh thoảng phạt cây bên đường bằng lưỡi liềm hình trăng non cầm trong tay. Tới nhà xay xát, Na Tống đứng lại hỏi anh:

- Anh Cả, anh có tin cô bé ấy đã có một người từ lâu rồi không?

- Anh không tin!

- Anh Cả, anh có tin nhà xay xát này sắp tới sẽ thuộc về em không?

- Anh chưa dám chắc.

Hai người bước vào nhà xay xát. Cậu Hai nói:

- Em không cần phải... Anh Cả này, em lại hỏi anh, nếu em không muốn lấy nhà xay xát này mà chỉ muốn có con đò, hơn nữa ý định này có từ ba năm trước thì anh có tin hay không?

 Người anh thật sự kinh ngạc, nhìn cậu Na Tống đang ngồi trên trục ngang của thớt cối, biết Na Tống không nói dối. Thiên Bảo bước tới gần, giơ tay vỗ mấy cái lên vai em, hơn nữa còn toan đẩy cậu em ngồi xuống đất. Cậu Cả đã rõ sự việc nên cười và nói:

- Anh tin, anh tin là em nói thật.

Na Tống ngẩng lên nhìn anh, thành thực nói:

- Anh Cả, anh tin đi, sự thực đúng là như vậy. Em đã có ý định này từ lâu. Gia đình không bằng lòng mà đằng ấy người ta ưng thì em sẽ là người đưa đò. Anh nói cho em biết, anh thì thế nào?

- Cha đã nghe theo lời anh, mời ông quản ngựa họ Dương trong thành làm mối tới thưa chuyện với ông quản đò rồi! – Khi nói đến thủ tục cầu hôn, dường như cậu Cả biết em sẽ cười mình, nên giải thích việc mời ông mối, – Vì ông quản đò nói “xe có đường xe, ngựa có đường ngựa” nên anh mới chọn đường xe.

- Kết quả thế nào?

- Chưa đi tới kết quả nào cả.

- Còn đường ngựa thì sao?

- Đường ngựa ấy à? Ông già ấy nói nếu đi đường ngựa thì phải đứng trên núi cao đối diện với Bích Khê mà hát trong ba năm sáu tháng.

- Chủ trương như thế cũng hay đấy!

- Đúng vậy. Một thằng câm không nói được thì vẫn hát được. Nhưng việc đó không tới lượt anh. Anh không phải là con sẻ trúc, anh không biết hát. Quỷ mới biết ông già đó thực bụng muốn gả cháu gái cho cối xay nước biết hát hay là chuẩn bị theo đúng quy củ gả cho người!

- Vậy định thế nào?

- Anh muốn bảo cho ông già ấy biết, ông ấy phải nói thực. Chỉ một câu thôi, nếu việc không thành, anh sẽ theo thuyền xuống miền Đào Nguyên; còn nếu thành thì dù phải đưa đò anh cũng bằng lòng.

- Còn hát thì thế nào?

- Đó là sở trường của em. Em muốn làm con sẻ trúc thì cứ việc làm, anh sẽ không nhặt phân ngựa nhét đầy mồm em đâu.

Cậu Hai nhìn vẻ mặt anh, biết rằng việc này làm anh mình phiền não lắm. Cậu hiểu tính anh. Anh có cá tính bộc trực, thẳng thắn tiêu biểu cho người Trà Đồng. Thu xếp tốt thì dù có phải moi tim ra cho người ta thấy cũng rất khảng khái chịu làm; nếu thu xếp không tốt thì dù có là cậu ruột cũng một là một, hai là hai. Anh cậu sao lại chẳng muốn đi đường ngựa khi đi đường xe đã thất bại, nhưng anh cậu khi nghe em trình bày thẳng thắn thì hiểu rằng chỉ em mình mới có phận đi đường ngựa, việc của mình không cần nêu ra nữa. Vì vậy, anh cậu tức giận, bực bội là điều tất nhiên, không thể che giấu được.

Cậu Hai nghĩ ra một cách, đó là đến đêm có trăng, hai anh em cùng tới núi Bích Khê nhưng không cho mọi người biết là hai anh em đến hát ở đó. Hai người thay nhau hát, ai được đáp lại, người đó sẽ giành thắng lợi và được chăm sóc cô cháu gái ông lão đưa đò. Thiên Bảo không thạo hát nên khi đến lượt anh hát, cậu Hai vẫn hát thay. Hai người để cho số phận quyết định hạnh phúc của mình, làm như thế có thể nói là rất công bằng. Khi cậu Hai nêu ra cách này, cậu Cả vẫn cho rằng mình không biết hát, cũng không muốn nhờ em thay mình làm con sẻ trúc. Nhưng tính cách nhà thơ của cậu Hai khiến cậu rất cố chấp đòi anh phải làm theo cách này. Cậu bảo phải làm như thế thì tất cả mới công bằng.

Cậu Cả suy nghĩ về đề nghị của em rồi cười buồn, thầm nghĩ: “Mẹ kiếp, mình chẳng phải là con sẻ trúc, lại nhờ thằng em làm sẻ trúc hay sao? Thôi được rồi, cứ làm thế này. Hai anh em luân lưu hát, mình cũng chẳng cần nó giúp, mọi cái mình làm tất. Tiếng cú mèo kêu trong rừng chẳng hay chút nào nhưng đây là hỏi vợ, mình phải tự kêu thôi, không thể nhờ người khác giúp được!”.

Thoả thuận xong, hai anh em tính ngày. Hôm nay mười tư, mai là rằm, ngày kia là mười sáu, liền trong ba ngày này đều là trăng sáng. Thời tiết đã sang giữa hè, nửa đêm trời chẳng lạnh cũng chẳng nóng. Chúng ta sẽ mặc áo cộc tay bằng vải do khung cửi của nhà dệt nên mà tới mỏm núi cao nơi ánh trăng chiếu đến, theo đúng phong tục địa phương, rất thành thực và thẳng thắn hát cho cô thiếu nữ thơ ngây như con nghé mới sinh nghe. Sương đã xuống, tiếng hát đã ướt át, đã đến lúc phải về nhà thì nhân ánh trăng tàn mà về. Hoặc tới chỗ cối xay xát quen thuộc, suốt đêm không nghỉ việc, nằm trong cót thóc ấm áp mà ngủ một lúc chờ trời sáng. Mọi thứ sắp xếp đều rất tự nhiên, hai anh em tuy không biết kết quả ra sao nhưng thấy mọi cái tự nhiên đến thế thì hai người quyết định ngay đêm nay làm cuộc ganh đua mà tập quán địa phương cho phép.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/30513


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận